Saturday, February 7, 2015

Chuyện Cô Phượng, 28 Năm Sau

Trong cuộc đời, kẻ lưu manh chắc không hiếm, nhưng tôi chưa thấy ai công khai khoe cái tài lưu manh theo kiểu như nó. Nó không chỉ vô cảm khi thấy sự đau khổ nó gây ra cho những người chung quanh mà nó còn hãnh diện tuyên bố: “ai ngu thì chết đáng đời”.

Năm nay nó cũng đã gần sáu mươi nhưng vẫn tiếp tục tìm đủ mọi mánh lới để đi lừa người. Nó cảm thấy sung sướng mỗi khi lừa được ai nên ngồi viết nhật ký khoe thành tích rồi email cho đám bạn của nó.

Tôi cũng viết để cho nó biết việc nó làm đã gây đau khổ còn nhiều hơn là giết chết người đo. Tôi viết với hy vọng mong manh là nó sẽ thức tỉnh.

Chỉ biết hy vọng!

Đây là chuyện về thằng lưu manh.
*
Hai mươi tám năm xưa. Tại phân xưởng làm máy bay của hãng General Dynamics, thành phố Fort Worth, tiểu bang Texas. Tôi gọi cho anh Vũ, một trong những người Việt lớn tuồi nhất làm chung hãng.

- Hello, anh Vũ. Em Đức đây. Anh khỏe không?

- Đức hả. Anh Vũ đây. Vẫn bận làm như mọi ngày thôi. Em sao? Có gì không em?

- Có chuyện này lạ lắm, gọi cho anh hay.

Anh Vũ cười to:

- Mày lại tính chọc anh rồi phải không? Bộ hết chuyện làm rồi sao? Muốn gì, nói mau.

- Em theo thằng bạn thân xuống đưới nhóm điện để gặp anh nó rủ đi ăn trưa. Thấy bốn ông An Nam tụ lại nói chuyện, cười hô hố. Em cũng thấy hơi lạ nên tới coi. Một ông thần đang ngồi đọc nhật ký hằng ngày cho mấy ông kia ngồi vểnh ria ra nghe rồi cười bàn tán. Anh có biết nhật ký nó viết về chuyện gì không? Nó viết về những tối nó ngủ với con đào nó như thế nào. Nó còn tả từng chi tiết chúng nó làm cái gì, nói cái gì nữa. Em tức quá, em chửi ngay vào mặt nó: “trong cuộc đời tao thấy nhiều thằng thô bỉ nhưng không có thằng nào vừa thô bỉ, vừa mất dậy bằng nửa mày”. Nó nói với em: “Mày nghe khoái thấy mẹ, còn bầy đặt đạo đức giả. Ông già mày đặt tên mày là Đức rất đúng. Đạo đức giả”.

Anh Vũ cắt ngang lời tôi:

- Sao lại có đứa khốn nạn như vậy nhỉ? Nó ngồi chỗ nào để anh xuống phạng cho nó một trận.

- Anh để em kể hết chuyện đã. Em nói với nó: nếu tao thật sự muốn, tao chỉ cần nhấc cái phôn lên gọi là tuần sau có cả một đống báo gửi về tận nhà cho tao. Báo còn có cả hình mầu nữa chứ không chỉ chữ viết thôi. Tao đếch có muốn hay khoái nghe những thứ mày viết đâu. Thật là bẩn tai tao khi bước tới đây, lỡ nghe mày đọc. Mày không có tư cách để làm người, nói chi là người có ăn, có học như mày. Anh có biết nó là ai không? Nó là thằng Thắng đang mướn một phòng nhà anh ở đó.

Anh Vũ im lặng một lúc lâu. Anh thở một hơi dài rồi kể cho tôi:

- Hơn một năm trước thằng Sơn có dắt nó về nhà giới thiệu cho anh vì nó làm gần nhóm điện với Sơn. Nó nói ở với gia đình nó không hạp với cái lối suy nghĩ cổ lỗ sĩ của thế hệ trước nên muốn mướn một phòng ra ở riêng. Anh thấy nhà anh có bốn phòng mà chỉ có hai anh em nên nhiều lúc cũng thấy vắng vẻ. Cho nó vào thuê ở một phòng cũng còn rộng chán. Nó lại miệng lưỡi, ăn nói liên chi, mà nói nghe rất lọt tai, có tình có lý nên anh okay. Hai tháng sau nó dắt con Phượng về, nói hai đứa nó yêu nhau nhưng má nó không bằng lòng vì con Phượng theo đạo ông bà, nhà nó lại đạo Công giáo. Nó cần một thời gian để dàn xếp chuyện gia đình nó. Anh không tin mấy, nhưng thấy con Phượng ưa nó ra mặt nên không nỡ từ chối, ừ cho xong. Rồi sau này anh cho nó ở free luôn vì con Phượng nấu cơm chiều cho mọi người, cả hai ngày cuối tuần nữa. Nó lại sạch sẽ, ngăn nắp, biết nấu ăn. Thằng Thắng thì đi đi về về, em tới chơi cũng biết đấy. Có lúc nó biến đi cả tuần làm con Phượng khóc xưng cả mắt. Chuyện riêng của chúng nó, nhiều lúc anh thấy cũng bực mình nhưng rồi cũng không muốn dính vô nên lơ thôi.

- Em nhớ chứ. Nó muốn học lái xe mà thằng Thắng chơi cái tình lờ, không dậy để con Phượng có chân như cụt cứ phải bám nó suốt đời. Một lần tới thăm anh, em bỏ vài giờ ra chỉ nó lái xe. Nó cứ nói em: “cám ơn, cám ơn, cám ơn” ba lần. Em chọc nó, nói phải nói năm lần mới được, ba lần chưa đủ. Em tìm được cuốn sách chỉ dẫn luật lệ lái xe của sở cảnh sát Texas, đưa cho Sơn mang về cho nó học. Nó viết vào tờ giấy ba lần chữ “cám ơn”, đưa lại cho em. Nhiều lúc em muốn nói cho anh chuyện con Phượng nhưng cũng thấy khó mở lời nên thôi vì chuyện chả dính líu tới mình, nói sợ bị hiểu lầm. Anh có biết thằng Thắng bay qua tận Phi Luật Tân để bảo lãnh con Phượng qua đây không?

Anh Vũ ngạc nhiên, hỏi lại tôi:

- Có chuyện này nữa à?

- Yes, sir. Nó rủ anh thằng bạn em đi. Nó nói gái Việt bên Mỹ này khó kiếm được người còn trinh. Phải qua Phi Luật Tân bảo lãnh mới có gái còn trinh. Anh thằng bạn em từ chối. Nó đi một mình, qua đó lục cả trại tỵ nạn ra được con Phượng xinh nhất, đi một mình, nên làm giấy bảo lãnh đem qua đây. Ngoài con Phượng ra, không biết giờ đây nó còn mò qua đó bảo lãnh người nào khác nữa không? Nó chỉ nhắm vào mấy em đi độc thân, còn trẻ để dễ lừa. Đi có bố mẹ, gia đình anh em thì làm sao mà nó lừa được ai? Nó lừa luôn anh đó. Chả có chuyện gia đình dàn xếp khỉ mốc gì đâu. Anh mà tin nó thì đổ thóc giống ra mà ăn. Con Phượng ở trong nhà anh, có chuyện gì thì anh phải chịu trách nhiệm vì nhà anh đứng tên. Thằng Thắng sẽ biến mất, chả có tí giấy tờ gì chứng minh nó có dây mơ rễ má tới anh. Loạng quạng hai anh em anh còn bị mang tiếng dụ nó về nhà nhốt làm nô lệ nữa.

- Cái thằng này thật là hết sức thô bỉ. Hèn chi nó chịu mất tiền hai tháng vô nhà anh để thăm dò tình hình trước rồi thấy yên nên mang con Phượng vô sau.

- Thì em đã nói mà. Trong cuộc đời em thấy nhiều thằng thô bỉ nhưng không có thằng nào bỉ ổi bằng nửa nó đâu. Nó chán con Phượng rồi nên mới viết nhật ký đọc cho mấy thằng thô tục trong nhóm nó ngồi đực mặt ra nghe. Bảo đảm với anh nó lại qua Phi bảo lãnh đứa khác rồi. Nó lại mướn nhà người khác hay appartment rồi giở cái chiêu: “má anh khó lắm, em phải ngoan đạo bà mới chịu nhận làm con, em phải chịu khó ở tạm nơi đây ba bốn tháng đề từ từ anh khuyên bả. Đừng lo, bả thương anh lắm thể nào rồi cũng chịu”. Em hỏi anh chứ em nào nghe xong mà chả rung lên vì sung sướng, trao thân cho thằng lưu manh. Nó lại tướng tá cao ráo, bằng cấp đầy đủ, job thơm phưng phức. Nó bay qua Phi vào tòa đại sứ Mỹ trình job làm cho hãng máy bay F16, nhà cửa có sẵn, bank account xộp, bảo lãnh ai mà không bị Cao Ủy Tỵ Nạn từ chối, em nào mà chê không chịu nhận nó bảo kê. Chưa hết đâu, anh à. Bạn em còn kể, thằng anh nó thấy thằng thô bỉ mang về một đống thư người tỵ nạn ở Phi nhờ nó gửi dùm. Nó hứa với người ta sẽ mua tem cho không khi về Mỹ. Nó không những vất vô thùng rác, mà còn tự nhiên xé ra xem rồi cười hô hố, đọc to lên cho mọi đứa trong hãng nghe chơi. Ngày xưa lúc còn học trong trường UTA, nó lựa đứa ngố nhất đưa lên làm chủ tịch hội sinh viên Việt Nam, nó chỉ làm phó kiêm thủ qũy nên cứ tự do tiêu xài tiền hội. Đến khi hết tiền, sinh viên cứ lôi chủ tịch ra dũa. Nó cũng ngồi tiếp tay mọi người chê trách chủ tịch tham nhũng. Chủ tịch thì ngáo ngố, cứ ngồi đực mặt ra nghe, ú ớ chả biết nói gì.

- Ái dà dà. Em nói anh chuyện cái thằng chết bầm này, anh chỉ muốn tới bàn đập cho nó què chân ngay để nó khỏi đi hại người. Chiều nay đi làm về anh sẽ “tính sổ” với nó. Cám ơn em đã gọi cho anh biết.

Tôi cũng muốn tính sổ với nó:

- Anh có muốn chiều nay em tới nhà anh không? Nó to con hơn anh. Trong hãng này chỉ có em là cao hơn nó thôi. Bảo đảm với anh, em “khệng” nó không đẹp, không lấy tiền.

- Không cần đâu em. Anh có thằng Sơn. Hai đứa thọi một, không chột cũng què.

Sáng hôm sau, anh Vũ gọi tôi rất sớm:

- Thằng Thắng nghe động nên chuồn êm rồi. Nó gọi cho con Phượng, chắc lại láo lếu, nói bầy chuyện gì đó. Anh đi làm về thấy con Phượng để lại giấy viết cám ơn anh đã cho nó ở một thời gian. Cũng viết hai chữ “cám ơn” ba lần như em nói cuối thư. Con Phượng nghe nó một trăm phần trăm. Nó nói gì cũng làm theo để hy vọng được má nó chấp nhận cho nó lấy. Cũng tội nghiệp cho con Phượng. Qua đây thân gái một mình, ai mà chả muốn kiếm được chỗ nương thân chắc chắn để mà sống. Mình đây thanh niên mà những ngày đầu tiên cũng trầy da, tróc vẩy một thời gian dài, nói chi con gái mới ra đời, có đủ mọi vấn đề phải đối diện với cuộc sống như nó. Giờ trúng phải mưu thằng lưu manh, tiêu đời như chơi.

- Nhiều khi mình nhìn thấy trước kết quả thê thảm nhưng cũng không thể thay đổi được, đành im lặng chịu thua. Có lẽ là số mạng của nó. Phải không anh?

Anh Vũ thở dài, im lặng không trả lời câu tôi hỏi. Tôi biết anh đang nghĩ đến những ngày khổ đau sắp tới của Phượng. Tôi cũng buồn, tội nghiệp cho thân gái ngàn dặm một mình trên đất người, không nơi nương tựa, lại tin vào đứa lừa đảo. Nhưng cũng chẳng biết làm gì hơn vì anh Vũ và tôi đều hiểu rằng bố mẹ Phượng có qua đây nói chưa chắc gì được, huống chi là chúng tôi, không có chút liên hệ.

*
Hai mươi tám năm sau. Tại phân xưởng làm máy bay của hãng Learjet, thành phố Wichita, tiểu bang Kansas. Tôi gọi cho anh Vũ, đang về hưu sống ở ngoại ô thành phố Fort Worth:

- Hello, anh Vũ. Em Đức đây. Anh khỏe không?

- À Đức đó hả? Anh Vũ đây. Vẫn bận như mọi ngày thôi. Em sao? Mọi thứ đều bình thường?

- Anh về hưu mà vẫn bận như mọi ngày? Như vậy em khỏi phải hưu chi cho khỏi bận như anh?

- Mày lại bắt chẹt anh rồi, thằng kia. Nói là bận chứ thật ra là ra vườn trước, vườn sau trồng mấy cái cây, xới đất đánh mấy cây hoa. Phải tìm cách keep mình busy, không thôi cứ hết nằm ngủ rồi ngồi nghế đấp bóp thì vào nhà thương sớm. Thằng boy anh thì ra trường đi làm, ra ở riêng rồi. Nhà chỉ còn hai vợ chồng. Nhiều khi cũng buồn, kiếm chuyện làm cho qua ngày. Than buồn với bả thì cũng không được. Bả lại rủ đi shopping thì còn… buồn hơn. Em sao rồi? Giờ này đang làm ở đâu? Đừng có nói qua làm ở bên Florida hay Cali à nha. Mày cứ như là có cánh, bay nhẩy khắp nơi.

Tôi phá lên cười, xong trả lời anh:

- Hai cô con gái em mà nghe nói đi shopping còn buồn hơn, chúng sẽ mãi mãi không chịu retire. Em vẫn ở Wichita, vẫn làm cho Learjet, cuối tuần lái về Tulsa thăm vợ con. Tính năm năm nữa, đứa đầu ra trường rồi sẽ về hưu như anh, để rồi cũng bận, cũng… buồn như anh. Không biết được rồi đây “ai buồn hơn ai” hay lại là “ta buồn như nhau”. À, anh còn nhớ con Phượng, năm xưa tạm trú nhà anh không?

Anh Vũ hỏi nhanh:

- Em gặp nó à? Người nhà nó sau này có qua tìm tới nhà anh hỏi thăm về nó. Họ nói chỉ có nhận được mỗi một lá thư ghi địa chỉ từ nhà anh. Anh nhìn cái thư mới nhớ ra là cái thư duy nhất nó nhờ anh gửi dùm vài ngày trước khi nó đi. Lúc trước bao nhiêu thư nó viết đều đưa cho thằng Thắng gửi. Thằng Thắng vất vô thùng rác hết. Nó tin thằng lưu manh nên có lẽ nghĩ nhà nó lơ nó, không muốn liên lạc thư từ gì hết. Thằng kia lại đứng giữa giựt dây, chế chuyện nói xấu hai bên không chừng. Mà em gặp lại con Phượng ra sao?

- Cho đến giờ em cũng không biết chắc là nó hay không? Gần ba mươi năm rồi, hơn nữa em chỉ gặp nó có vài ba lần thì sao mà chắc được. Chuyện là thế này. Có tên bạn Mỹ làm trong nhóm nói gần nhà y có cái chùa, nhưng không biết là chùa Tầu, chùa Đại Hàn hay Nhật. Em muốn trộ y nên nói chụp cho em hình cái chùa em sẽ nói cho y hay. Chiều đi làm về em chạy tới chùa hỏi. Em tới trễ nên chùa đóng cửa, em gõ cửa mãi mới có người đứng bên trong hỏi bằng tiếng Anh, giọng đàn bà. Em nói em cũng là người Á Đông lên đây đi làm, mướn appartment ở gần đây nên tới hỏi cho biết chùa gì? Cô ta hỏi em người nước nào. Em trả lời. Cô ta nói Wichita có nhiều chùa Việt lắm. Em nói có biết, có tới. Cô ta lại hỏi sao muốn biết chùa nước nào để làm gì? Em đành thú thật chuyện trộ người bạn Mỹ làm trong hãng. Cô ta cười nhẹ rồi hỏi em làm hãng Lockheed hả? Em nói em làm cho Learjet. Hãng Lockheed không có phân xưởng ở Wichita, chỉ có ở Fort Worth và Houston. Em có làm cho cả hai trước đây. Lockheed mua lại phân xưởng làm máy bay chiến đấu của General Dynamics (GD) ở Fort Worth. Em làm cho GD gần ba mươi năm trước.

Anh Vũ ngắt lời tôi:

- Con Phượng mà nghe hai chữ GD sẽ mở cửa chùa ngay.

- Đúng vậy. Nhưng mà lúc đó em đâu có nghĩ đến nó. Khi cửa mở, em thấy một bà tóc bạc quá nửa, trông như hơn sáu mươi, giọng nói lại như năm mươi.

Anh Vũ lại ngắt lời tôi:

- Tội nghiệp nó quá. Gần ba mươi năm rồi mà nó chưa hết đau khổ.

- Vâng. Em xin vào chùa thắp nhang lễ Phật, rồi ra về lẹ. Một mình mình với một người đàn bà trong chùa, nhiều khi làm người ta cũng ngại. Lái xe gần tới nhà mới sực nhớ ra lúc em bỏ tiền vào thùng cúng dường có nghe hai chữ “cám ơn” ba lần. Chắc anh cũng biết em là chân đi. Ngày xưa em ngủ bến xe, ngủ nóc xe lửa, ngủ hiên nhà người ta, lang thang cả năm trời từ Nam ra Trung. Em gặp đủ mọi giới, kết giao nói chuyện đủ mọi hạng vậy mà chưa có nghe ai nói cám ơn ai ba lần. Chỉ có mỗi một người.

- Đúng là con Phượng.

Anh Vũ trả lời tôi, rồi nói tiếp:

- Ý trời. Đúng là ý trời, em à. Anh còn nhớ ngày xưa nó hay nói, không biết nó nghĩ gì khi nói, nếu có đi tu thì nó sẽ tu theo đạo công giáo vì làm bà sơ vẫn được để tóc dài. Làm ni cô phải cạo đầu. Bây giờ nó làm ni cô nhưng vẫn đuợc để tóc. Nhiều khi câu nói của mình sẽ vận vào tương lai sau này mà mình không ngờ. Thế là chùa nước nào? Nó làm gì trong đó ?

- Chùa Tầu. Xây bởi ông sư Tầu. Ông thu nó vào chùa làm công quả không biết khi nào. Ông chết, nó tiếp tục thay ông coi chùa. Không đi đâu cả.

Anh Vũ liền giải thích:

- Đi đâu được em. Thằng Sơn có kể cho anh sau này con Phượng bị thằng lưu manh bỏ rơi, nó lại gặp thêm một thằng lưu manh khác. Chắc là do thằng Thắng giới thiệu một trong những thằng bạn ôn vật của nó trong Lockheed, nên cũng cặp một thời gian rồi bỏ nó. Mình thanh niên đây mà gặp một vố cũng xính vính, muốn tiêu đời trai. Con Phượng gặp hai vố liền, không vào chùa tu thì sẽ điên ngay. Anh cũng mừng khi nghe nó vẫn còn bình an. Chỉ buồn cho duyên số của nó.

- Anh nói đúng lắm. Lúc em làm ở Cali có quen một người bạn là dân Seattle xuống làm gần mười năm. Nó kể với em sở dĩ nó phải bỏ Seattle là vì hai ngày trước ngày cưới, con đào nó gọi nói sorry vì cô ta muốn trở lại với người yêu cũ, chứ không chịu lấy nó. Nó nói với em nó sẽ chả bao giờ về lại Seattle. Ba, má, anh, chị em nó phải gọi cả trăm người để xin lỗi hủy bỏ đám cưới. Lúc kể lại chuyện xưa cho em, tay nó còn rung lên, mặt tái hẳn đi. Em cũng buồn cho nó. Em có khuyên nó là cách hay nhất để trả thù là có một gia đình đẹp, sống hạnh phúc bên vợ con. Nhưng mà nói thì dễ, ai nói cũng được, muốn quên không dễ đâu. Nó có quen một hai cô nhưng không dám hỏi cưới vì sợ sau khi gửi thiệp báo, gia đình nó lại phải gọi xin lỗi hủy bỏ. Nó bị ám ảnh chuyện này suốt đời nên giờ hơn năm mươi vẫn chưa có vợ. À, còn cái thằng lưu manh. Anh có tin tức gì về nó không ?

Anh Vũ than to:

- Ôi! Cái thằng trời đánh đó, nó vẫn chứng nào tật ấy. Thằng Sơn nói với anh nó bây giờ lừa đảo tới cấp quốc tế rồi chứ không phải cấp quốc gia nữa. Nó lừa tiền người ta, mua trường dậy nghề ở Dallas và cái appartment gần trường. Ngày ngày, nó ngồi trong cái phòng to của ông chủ trường coi xem có con nhỏ nào có chuyện lục đục với gia đình hay tình duyên dang dở gì đó là nó gọi lên văn phòng, nó counselor con đó ngay. Phòng thì lúc nào cũng sẵn ngay gần trường. “Em cứ chịu khó ở trong cái appartment của anh vài tháng để anh làm giấy tờ ly dị con vợ anh rồi sẽ đón em về”. Vài tháng sau chán, nó bảo “chuyện tình của em anh đã viết nhật ký xong rồi, mời em đi chỗ khác chơi để anh đón người khác tới”. Mỹ, Mễ, Việt, Tầu nó tấn công ráo. Thằng Sơn kể với anh là nó vẫn thường xuyên email nhật ký phòng the cho mấy thằng bạn ô uế của nó làm trong Lockheed đọc chơi. Nó vẫn còn mơ mộng ngủ với gái đồng trinh. Sơn quen với đứa em họ thằng Thắng. Nó có kể gia đình thằng Thắng và gia đình nó đã biết được những chuyện ác nó làm, nhưng không biết làm gì hơn, chỉ im lặng làm lơ. Ông trời có cảnh báo nó mà nó có thèm nghe đâu. Nó mướn xe van chở gia đình nó đi Cali. Trên đường về, nó lái xe lao vào hố bên đường. Nó chỉ trầy da sơ sơ thôi. Ba má, anh em nó thì gẫy tay, vỡ đầu gần chết. Ổng dậy cho nó biết khi người thân nó bị tai nạn thì nó cảm thấy ra sao? Lần sau Ổng sẽ đập nó gấp trăm lần hơn cho nó tởn.

- Ngày xưa bác sĩ Nguyễn Khắc Viện qua Tây du học rồi theo Việt cộng về Hà Nội làm, khi gần chết có than: vô thần không đáng sợ bằng vô học. Theo em thì vô học cũng không đáng sợ bằng cái giống lưu manh có học như nó.

- Ừ. Đúng đấy. Đứa lưu manh có học như nó còn đáng sợ hơn mười thằng côn đồ nữa. Mình là người có học phải biết dùng cái kiến thức của mình để đi giúp người, làm đời đẹp thêm. Nếu giúp người không được thì cũng nên dùng cái kiến thức mình có được tìm cách chỉ cho người những cái hại nên tránh, cái hay nên làm. Cho dù có ích kỷ cách mấy, không muốn chỉ cho người thì cũng nín thinh, nằm im. Nó làm ngược lại hoàn toàn. Chỉ lưu manh, mưu mô dùng cái hiểu biết của mình để đi hại người, thủ lợi.

Tôi chấm dứt câu chuyện với anh:

- Nếu mọi người đều nghĩ như anh thì không ai muốn lên thiên đường cả vì cái trái đất này sẽ là thiên đường tuyệt vời. Mình là dân tỵ nạn. Mất nước, qua đây không lo đùm bọc, thương yêu giúp đỡ nhau, lại còn lưu manh lừa bịp nhau từng tí một để thỏa mãn cái dục vọng của mình. Em thấy nhục khi trong chúng ta có một loại người đáng tởm như nó. Nhìn những người Do Thái, người Nhật Bản, họ đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, nhiều khi còn hy sinh chết cho nhau, em thấy buồn thêm.

Lê Như Đức

No comments:

Blog Archive