Operation Passage To Freedom * Vai trò Hải Quân Hoa Kỳ * Chiến hạm USS Montague
Hà Giang/Người Việt
-----------------------------------------------
Hành trình đến tự do của những người di cư không dễ dàng, vì tuy trên nguyên tắc, thì mọi người được tự do chọn nơi mình sống, và những ai muốn di cư vào Nam sẽ được hỗ trợ để ra đi cho đến hết đến Tháng Năm, 1955, trên thực tế, ở khắp các nẻo đường, Việt Minh luôn lén lút tìm cách ngăn cản, ruồng bắt họ, khiến họ phải liều chết để tìm đường lẩn trốn.
---------------------------------------------
Tôi được biết đến cuốn “Deliver Us From Evil,” của tác giả Thomas A. Dooley, một bác sĩ quân y thuộc Hải Quân Hoa Kỳ, lần đầu tiên trong đời, ở phòng khách của người phụ nữ được giới truyền thông Hoa Kỳ mệnh danh “Angel of Saigon,” và người Việt tị nạn giờ đây bắt đầu đặt cho cái tên “Mẹ Của Cô Nhi Việt Nam,” trong chuyến đi thăm bà tại Seattle để thực hiện phóng sự đặc biệt cho dịp 35 năm kỷ niệm 30 Tháng Tư cách đây hai tuần.
Trao cho tôi cuốn sách bìa rách tả tơi, xuất bản năm 1956, cách đây đã hơn 50 năm, bà Betty Tisdale bảo “Deliver Us From Evil” với bà là một “định mệnh,” và tác giả của nó, Bác Sĩ Quân Y Tom Dooley, là “một phép lạ, người đã làm thay đổi hẳn cuộc đời” của mình.
Trân trọng nhận sách từ tay bà (với lời giới thiệu như thế thì không thể không trân trọng), tôi ngắm tấm bìa đã ố vàng in hình một người đàn ông đẹp trai trong y phục Hải Quân Hoa Kỳ, bên cạnh một đứa bé Á Ðông. Ðằng sau và tương phản với vẻ mặt tươi cười của hai người, là những ánh mắt hốt hoảng như nuốt chửng khuôn mặt âu lo của những người Việt Nam ngồi chen chúc bên nhau như cá hộp.
Bà Betty bảo một chương trong cuốn sách nói về các trẻ em cô nhi của madame Vũ Thị Ngãi đã khiến bà rất xúc động, và thôi thúc bà đi thăm cô nhi viện An Lạc, một biến cố dẫn đến việc bà di tản hơn 200 cô nhi ra khỏi Việt Nam sau này.
Trực giác cho tôi biết cuốn sách này chứa đựng nhiều hơn thế nữa.
Lật vài trang, tôi như bị thôi miên bởi những tấm hình trắng đen ghi lại cuộc di cư của hơn một triệu người trốn chạy cộng sản từ Bắc vào Nam. Những hình ảnh trông còn thê thảm hơn cảnh vượt biên của “boat people” vào biến cố Tháng Tư, 1975.
Tôi lật thêm vài tấm hình nữa. Toàn là những khuôn mặt chứa đầy hãi hùng, đau thương. Nhưng tại sao những hình ảnh xa lạ này lại thân thuộc đến thế?
Một luồng điện chạy xẹt qua người. Phải chăng có hình ảnh cha mẹ tôi trong đám người hốt hoảng ấy kéo nhau di cư vào Nam năm ấy?
Ðột nhiên những câu chuyện mẹ tôi kể về cuộc di cư từ Bắc vào Nam của thế hệ bà, mà tôi đã nghe nhiều lần từ tấm bé ào ạt trở về.
Và những hình ảnh trước mắt chợt làm sống động những câu chuyện trước đây tôi chỉ được nghe mà không thể hình dung.
Lịch sử đang được phơi bày trước mắt. Những hình ảnh có thật, được ghi lại, kể lại bằng một nhân chứng sống, và một người ngoại quốc.
***
Sau hơn ba ngày chờ đợi, cuốn sách cũ tôi đặt mua trên Amazon.com cuối cùng cũng về đến thùng thư. Sách “paperback” nên mỏng quá, không “đẹp” như cuốn sách của bà Tisdale.
Nhưng không hề gì.
Tôi bỏ ra 4 tiếng đồng hồ, ngấu nghiến đọc.
“Deliver Us From Evil” là hồi ký của Bác Sĩ Tom Dooley kể lại một công tác mang ông đến Việt Nam vào cuối mùa Hè năm 1954. Vào mùa Xuân trước đó, quân Pháp đã bị Việt Minh đánh bại trong trận Ðiện Biên Phủ.
Hiệp Ðịnh Geneve ký kết vào Tháng Bảy, 1954 cho phép dân chúng miền hai miền được quyền chọn giữa thể chế tự do (miền Nam) và cộng sản (miền Bắc) và di cư qua vùng mình muốn. Khoảng thời gian thông thương này sẽ kéo dài đến Tháng Năm, 1955.
Hiệp định này tạo ra một luồng sóng người Bắc ào ạt di cư vào Nam trong những chuyến đi được chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ qua công tác gọi là Chiến Dịch Hành Trình Ðến Tự Do (Operation Passage To Freedom).
Bằng một giọng kể chuyện ngôi thứ nhất, tác giả Tom Dooley đã ghi lại sinh hoạt của ông trên hàng không mẫu hạm USS Montague, và công việc trong những trại tị nạn ở ngoại ô Hải Phòng, trong việc giúp người Bắc di cư vào Nam để trốn chạy chế độ cộng sản, vào khoảng năm 1954 đến đầu năm 1955.
“Deliver Us From Evil” là một hồi ký hấp dẫn, sinh động, chứa nhiều chi tiết gây ấn tượng sâu sắc về những phức tạp của việc xây dựng và duy trì một trại tị nạn, nơi những người di cư tạm trú trong thời gian đợi khám sức khỏe, chữa trị và chủng ngừa, trước khi được đưa vào Nam.
Qua lời kể của Tom Dooley, người đọc có thể hình dung được toàn cảnh cảng Hải Phòng, với những bến tàu, hai khách sạn xập xệ và vài cửa hàng tạp hóa đến những chi tiết cụ thể và thực tế trong trại như việc sử dụng nhà cầu, cũng như khó khăn tạo ra bởi sự khác biệt những về cả ngôn ngữ lẫn văn hóa.
Tác giả cũng giải thích những khó khăn của hải quân Hoa Kỳ trong việc đưa hàng trăm ngàn người dân, trong đó có nhiều người già, trẻ em, tàn tật, ghẻ lở ốm đau, những người đàn bà thai nghén, từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long.
Hành trình đến tự do của những người di cư không dễ dàng, vì tuy trên nguyên tắc, thì mọi người được tự do chọn nơi mình sống, và những ai muốn di cư vào Nam sẽ được hỗ trợ để ra đi cho đến hết đến Tháng Năm, 1955, nhưng trên thực tế, ở khắp các nẻo đường, Việt Minh luôn lén lút tìm cách ngăn cản, ruồng bắt họ, khiến họ phải liều chết để tìm đường lẩn trốn.
Một đoạn văn tả lại cuộc đi trốn của người làng Cửa Lò:
“Trên những con thuyền chỉ chở tối đa là 25 người, đêm nay chúng tôi chất cả trăm người trên mỗi thuyền. Im lặng như màn đêm, thuyền chúng tôi lặng lẽ rời bờ hướng về phía biển Ðông.
Chuyến đi của chúng tôi kéo dài năm ngày năm đêm. Chúng tôi không thể đốt lửa vì củi quá ướt. Chúng tôi bắt buộc phải ăn cơm sống, trà thì bị ngập nước biển không còn uống được, chúng tôi hầu như không uống nước. Trẻ con và đàn bà chết lả vì đói và khát.”
Trong tình cảnh thật khốn khó, tình cảm tác giả cũng như những đồng đội của ông trong Hải Quân Hoa Kỳ dành cho người di cư xấu số được thể hiện rất rõ ràng, nhất là trong những đoạn tả cảnh họ săn sóc các trẻ em cô nhi, mà cha mẹ đã bị chết trên đường tị nạn.
Nhưng lẫn với những câu chuyện chứa đầy tình người, là những hình ảnh hãi hùng khiến người đọc phải rùng mình. Ðó là những chuyện mà tác giả cho là phải ghi lại như một tài liệu lịch sử để cho thế giới thấy rõ những hành vi man rợ của một chế độ bất nhân, đã xô đẩy hàng triệu người phải bỏ tất cả nhà cửa, ruộng vườn, làng mạc, mồ mả ông bà tổ tiên, những gì quý giá nhất để gồng gánh, bồng bế nhau đi.
Trong chương có tên là “Cải tạo của Cộng Sản,” Bác Sĩ Tom Dooley kể một hôm người ta đưa đến trại tị nạn bảy em trai bị thương ở hai tai máu chảy lênh láng, và một người đàn ông miệng bê bết máu đã ngất xỉu để cấp cứu.
Dùng thuốc trụ sinh, và mọi phương tiện khó khăn lúc đó, bác sĩ đã cứu sống được họ, nhưng họ vẫn bị tàn tật suốt đời.
Nguyên nhân thương tích của họ được Bác Sĩ Tom Dooley kể lại như sau:
“Một người được chứng kiến câu chuyện sau đó kể cho chúng tôi biết là hôm đó Việt Minh kéo vào làng, họ đến ngôi trường mà một thầy giáo bị tố cáo là đã lén lút tổ chức những lớp học giáo lý vào buổi tối.
“Bảy học sinh và thầy giáo bị lôi ra khỏi lớp. Tất cả bị bắt ngồi xuống đất và hai tay bị trói ra đằng sau.
“Hai người công an đi đến từng đứa trẻ. Một người dùng hai tay nắm chặt lấy đầu đứa bé. Người kia lấy một chiếc đũa bằng tre chọc mạnh sâu vào cả hai tai em, máu chảy ròng ròng, và cả làng có thể nghe thấy tiếng kêu la kinh hoàng của những người bị trừng trị.”
Sau khi đã phải chứng kiến cảnh từng học trò của mình bị chọc hỏng tai, thầy giáo bị trừng phạt bằng một hình phạt nặng nề hơn. Một công an nắm chặt đầu ông, còn người kia banh miệng ông ra, dùng kéo cắt đi chiếc lưỡi dám rao giảng những giáo điều đi ngược với chính sách của đảng. Những em học trò này từ nay không thể nghe được lời rao giảng nào nữa, và thầy giáo bị câm thì không còn bao giờ nói được những điều bị cấm.”
Hãi hùng, thê thảm, hỗn loạn, bẩn thỉu, bệnh tật, chết chóc, sự quỷ quyệt và tàn nhẫn, là những gì được ghi lại trong chuyến di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, và công tác của ông gần đến ngày cuối thì lại càng khó khăn hơn vì vòng đai kiểm soát của Việt Minh ngày càng siết chặt.
Nhưng giữa những hình ảnh ảm đạm thê lương nhất, người đọc vẫn thấy thấp thoáng ánh sáng của hy vọng vào tình người, và sức mạnh mãnh liệt của niềm tin tôn giáo.
Ngay sau khi xuất bản, “Deliver Us From Evil” đã nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy nhất, và được xem là một tài liệu lịch sử có giá trị ghi lại vai trò của hải quân Hoa Kỳ trong cuộc di tản hơn một triệu người Bắc di cư vào Nam để tìm tự do.
No comments:
Post a Comment