Thursday, February 19, 2015

CÔ TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG
Anthony Trung Thành
Đầu tháng 10 năm 1962, chiếc phi cơ hàng không Panam (Mỹ), chở mấy trăm Giám mục người Mỹ đi họp Công Đồng chung Vatican II. Trong hai cô tiếp viên hàng không phục vụ hành khách, có một cô kiều diễm tuyệt vời. Đức Cha Fulton Sheen, Tổng Giám Mục giáo phận New York đồng thời là một nhà văn và một nhà hùng biện nổi tiếng nước Mỹ, đã lưu ý đến sắc đẹp của cô tiếp viên nầy.

Thế rồi, khi phi cơ hạ cánh, hai cô đứng bên cửa xuống cầu thang chào từ biệt. Đến lượt Đức Cha Fulton Sheen, người ta thấy ngài đưa miệng ghé vào tai cô tiếp viên xinh đẹp kia mà nói nhỏ một câu gì không ai nghe được.

Bốn tháng sau, cô chiêu đãi viên xinh đẹp nọ tìm đến gặp Đức Cha Fulton Sheen:

- Thưa Đức Cha, Đức Cha còn nhớ con là ai không?”

- Tôi còn nhớ lắm, Đức Cha đáp, cô là tiếp viên trên chiếc hàng không đưa chúng tôi đến Rôma.

- Nhưng Đức Cha còn nhớ Đức Cha đã nói gì với con không?

- Tôi đã nói: Có khi nào cô đã tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho cô sắc đẹp tuyệt vời không?

- Thưa Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà hôm nay con đến hầu chuyện Đức Cha. Đức Cha nghĩ con phải làm gì để tạ ơn Chúa?
Trước câu hỏi đột ngột, Đức Cha Fulton Sheen lúng túng không biết trả lời làm sao. Ngài trấn tỉnh, chấp tay lên ngực, rồi ngước mắt lên trời như thể xin ơn soi sáng. Trong chốc lát, ngài nói:

- Cha vừa mới được một tin từ Việt Nam: Đức Cha Jean Cassaigne, một người Pháp đang là Giám Mục giáo phận Sài Gòn, đã xin từ chức để đi phục vụ một trại phong cùi ở miền núi Di Linh – Lâm Đồng. Những người phong cùi ở đó khốn khổ lắm con ạ! Họ đang chờ cái chết đến với họ. Vậy theo ý cha, cách tạ ơn Chúa đẹp lòng Ngài hơn cả và có ý nghĩa hơn cả là con hãy hy sinh một thời gian, đem nụ cười xinh tươi, đem tiếng nói dịu dàng, đem duyên sắc mặn mà của con để an ủi họ.

Mặt cô tiếp viên tái dần đi. Cô đứng lặng yên trong mấy phút.

Đột nhiên cô cúi đầu tạm biệt không nói một lời.
Nhưng đầu năm 1963, đài phát thanh cũng như báo chí ở Sài Gòn loan tin: “Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến Di Linh – Lâm Đồng để sống với những người phong cùi trong 6 tháng”.

No comments:

Blog Archive