Thursday, February 19, 2015

SBS & Phim The Team
Hữu Nguyên


Displaying Untitled-2.jpg

Đầu tháng 2 năm 2015, Hội CQN/QLVNCH/QLD đã phổ biến trên các diễn đàn một bài tường thuật giá trị về việc Hội CQN, nhận lời mời của Đại Tá Kerry Gallagher, đương kim Chủ Tịch Tổng Hội AATTV (Australian Army Training Team Vietnam), tham dự một buổi quay phim tại Canungra, Gold Coast, và bộ phim sẽ được chiếu trên đài SBS trong tháng tới. Trong bài tường thuật, tác giả Nam Quân cho biết, trước khi quay phim, trong một phiên họp tại trụ sở của Hội CQN có sự hiện diện của đông đủ hội viên và đoàn làm phim, ông Huỳnh Bá Phụng, Chủ Tịch Hội, đã yêu cầu cuốn phim không được có bất cứ hình ảnh nào có lợi cho cộng sản; nếu không, Hội CQN/QLD sẽ từ chối hợp tác. Ngay khi đó, đoàn làm phim đã hứa sẽ làm đúng theo yêu cầu của ông.

Sau khi tìm hiểu chúng tôi được biết, bộ phim có tên The Team, và SBS đã giới thiệu bằng tiếng Anh trên internet, "Tài liệu về tình đồng chí Úc Việt" (Documentary about Vietnamese and Australian comradeship http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/en/content/documentary-about-vietnamese-and-australian-comradeship); và bằng tiếng Việt, "Phim tài liệu về tình đồng đội Việt-Úc"(http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/content/phim-tai-lieu-ve-tinh-dong-doi-viet-uc?language=vi). Ngoài ra, trong một bài phỏng vấn trên đài SBS Radio, ông Lê Quang Hiển (Consultant về bộ phim), cũng cho biết: phim tài liệu này được đài truyền hình SBS đặt hàng, dự định sẽ ra mắt vào tháng 3/2015. Chủ đề phim xoáy vào AATTV, chữ viết tắt của Australia Army Training Team Vietnam, tạm dịch là Biệt Đội Huấn Luyện Quân sự Úc tại Việt Nam, bắt đầu tham chiến năm 1962-1972 (http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/content/phim-tai-lieu-ve-tinh-dong-doi-viet-uc?language=vi).


Tin SBS làm phim tài liệu về AATTV đã làm chúng tôi vui mừng và hy vọng, xen lẫn ngạc nhiên và lo ngại, cùng một số thắc mắc, xin được mạnh dạn trình bầy.

VUI MỪNG VÀ HY VỌNG
Trong cuộc chiến chống CS quốc tế và CS Hà Nội xâm lăng Miền Nam, cùng với sự tham chiến của hơn 9 triệu người Mỹ, đã có 47,000 người Úc, bao gồm biệt đội AATTV đến Việt Nam vào năm 1962. Thoạt đầu AATTV chỉ có 30 người, sau tăng lên 100 và tới năm 1972, tổng cộng AATTV đã có 1000 quân nhân (990 Úc, 10 Tân Tây Lan) trong đó có 33 người hy sinh và 122 người bị thương trong cuộc chiến chống CS Hà Nội xâm lăng, bảo vệ Miền Nam tự do. Đó là những sự thực lịch sử vô cùng trọng đại và có ý nghĩa hết sức cao quý đối với hai dân tộc Úc Việt, trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Đó cũng là những thực tế khách quan cần phải được tôn trọng trong mọi thời đại, bất kể những dị biệt về chế độ, xu hướng chính trị, quyền lợi kinh tế, và cho dù kẻ thắng là CSVN.

Trình bầy về nguyên nhân và mục đích của AATTV khi đến VN, tác giả Nam Quân đã viết trong bài tường thuật của Hội CQN/QLD như sau: "Năm 1962, ngay khi cộng sản Bắc Việt ồ ạt xâm lăng Miền Nam tự do, chính phủ Úc đã quyết định thành lập đơn vị đặc biệt "The Australian Army Training Team Vietnam" (AATTV), với trách nhiệm tới Việt Nam cố vấn, huấn luyện và giúp đỡ QLVNCH chiến đấu chống cộng sản Bắc Việt. Dưới quyền chỉ huy của Đại Tá F.P. Serong, đơn vị AATTV có 30 (sau tăng lên 100) quân nhân thiện chiến, được tuyển chọn trong quân lực Úc. Trong suốt thời gian tham chiến tại Việt Nam từ 1962 đến 1972, AATTV là một trong những đơn vị tinh nhuệ, ưu tú nhất của quân đội Đồng Minh, với hơn 100 huân chương, huy chương, trong đó có 4 Victoria Cross, huân chương cao quý nhất trong quân lực Úc".

Tuy nhiên, trong chiến tranh VN, kẻ ác CSVN đã chiến thắng ('Wrong Guys' Won The War' - Sen. John McCain), cộng với xu hướng vụ lợi "phù thịnh không phù suy" ngự trị chính trường Mỹ, Úc, nên trong suốt nửa thế kỷ qua, sự tham chiến của AATTV và quân đội Úc tại VN, đã không được vinh danh và đề cao đúng mức. Ngay cả khi AATTV tổ chức kỷ niệm 50 năm tham chiến tại VN vào năm 2012, truyền thông và chính giới Úc cũng không tích cực ủng hộ.

Vì vậy, khi nghe tin SBS làm bộ phim tài liệu The Team với "chủ đề xoáy vào AATTV", chúng tôi vui mừng và hy vọng, SBS không phải là công cụ của những thế lực chính trị nhất thời, cố tình bóp méo sự thực, trái lại SBS sẽ xứng đáng với vai trò của một cơ quan truyền thông độc lập, trung thành với sứ mạng làm sáng tỏ vai trò lịch sử cao quý của AATTV trong sứ mạng giúp VNCH chiến đấu chống CS Hà Nội xâm lăng, bảo vệ Miền Nam, tiền đồn của Thế Giới Tự Do, trong đó có Úc. Chúng tôi cũng tin tưởng, ông Lê Quang Hiển (cựu Phó Chủ Tịch Kế Hoạch BCH/CĐNVTD/NSW 2009-2011?) trong vai trò Concultant của bộ phim, sẽ tích cực xiển dương tình chiến hữu Úc Việt khi họ cùng đóng góp xương máu trong cuộc chiến chống CSVN trước 1975, cũng như họ đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết trong cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ cho VN sau 1975.

NGẠC NHIÊN VÀ LO NGẠI
Việc quân đội Úc, bao gồm cả AATTV, đến VN tham chiến chống cộng sản Hà Nội xâm lăng là một sự thật vô cùng cao quý và có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử của hai dân tộc Úc Việt. Vì vậy, CSVN vô cùng cay cú, sợ hãi, tìm mọi cách xuyên tạc sự thật này; trong khi một số chính giới, truyền thông thiên tả tại Úc tìm cách bưng bít, che đậy. Nhất là trong những thập niên gần đây, khi Úc và VN có mối quan hệ ngoại giao mật thiết, CSVN và một số chính giới Úc đã tìm cách thao túng một số cơ quan truyền thông Úc Việt, trong đó có SBS. Hậu quả, cuối năm 2003, SBS đã cho tiếp vận chương trình truyền hình VTV4 của VC, bất chấp thực tế đại đa số khán giả người Việt của SBS là những người Việt yêu tự do, tỵ nạn CS. Trước thực tế đáng buồn đó, nhiều người đã ngạc nhiên khi nghe tin SBS làm phim tài liệu về AATTV. Ngạc nhiên là đúng, vì nếu qua bộ phim tài liệu The Team, SBS nói lên được sự thật "AATTV đến VN giúp VNCH chiến đấu chống CS", thì SBS không những chọc tức VC mà còn làm phật ý không ít những người Úc thế lực đang có quyền lợi với VC. Liệu SBS có dám làm điều này để chuộc tội đã tiếp vận chương trình VTV4 của VC; ngỏ hầu tạo nên một sự chuyển hướng quan trọng, xứng đáng là tiếng nói của công lý và lương tâm của dân tộc Úc?

Ngạc nhiên hơn nếu ta nhìn lại những việc làm của SBS Radio bị dư luận cho là "gây phân hoá cộng đồng" và "làm lợi cho VC" như SBS thường xuyên dùng từ ngữ 
của VC (cho dù hầu hết thính giả của SBS là người Việt tỵ nạn CS tại Úc, rất sợ hãi và bực tức khi nghe từ ngữ của CS); SBS giả vờ ngây thơ không biết sự khác biệt giữa "làm chính trị" với "tranh đấu bảo vệ chính nghĩa tỵ nạn cộng sản" để mượn cớ "không làm chính trị", hầu né tránh các sinh hoạt đấu tranh chống CS, giành tự do dân chủ cho VN, của người Việt tại Úc, như từ chối phổ biến các thông báo biểu tình chống CS của CĐNVTD; từ chối tường thuật các cuộc biểu tình Quốc Hận 30-4, các sinh hoạt đấu tranh của người Việt tại Úc, thậm chí ngay cả các buổi lễ Vinh Danh và Tri Ân Nước Úc do Hội CQN/QLD, CĐNVTD Wollongong và CĐNVTD các tiểu bang trên nước Úc tổ chức rầm rộ khắp nơi vào năm 2012 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Úc tham chiến chống CSVN, SBS cũng không hề tích cực ủng hộ; rồi 30/4/2003, SBS còn cho phổ biến bài "cần xoá bỏ lằn ranh Quốc Cộng", khiến CS lợi dụng cơ hội đánh phá chính nghĩa người Việt quốc gia;  rồi tối 26/2/2013, SBS còn mở cuộc hội thoại về đề tài không nên chào cờ Quốc gia và không nên có phút mặc niệm trong các sinh hoạt cộng đồng người Việt. Ngoài ra, SBS Radio cũng thường xuyên dành diễn đàn tuyên truyền cho cán bộ VC hoặc những nhân vật được dư luận cho là "thân cộng", như cán bộ VC Trần Thị Loan, tiến sĩ Lê Xuân Khoa, Thích Thanh Từ, Thích Nhất Hạnh...

Rõ ràng, trước hàng loạt việc làm trên đây của SBS trong nhiều chục năm qua, dư luận không thể không ngạc nhiên khi nghe tin SBS làm phim tài liệu về quân đội Úc đến VN sát cánh cùng quân dân VNCH chiến đấu chống CS Hà Nội xâm lăng. Nhất là vào năm 2012, khi AATTV tổ chức kỷ niệm 50 năm đến VN tham chiến, là cơ hội tốt nhất để SBS làm phim tài liệu về AATTV, tại sao SBS, một cơ quan truyền thông có tầm vóc quốc gia, đã không làm, lại đợi đến bây giờ, năm 2015, mới làm?

Với những ngạc nhiên vừa trình bầy, chúng tôi e ngại, có thể phim The Team của SBS chỉ nói đến "tình đồng đội" chung chung giữa lính Úc và lính VNCH trong việc huấn luyện, mà không đặt trọng tâm vào việc tái tạo và vinh danh một sự thực quan trọng là "tình CHIẾN HỮU" Úc Việt trong cuộc chiến đấu chống CS Hà Nội xâm lăng, bảo vệ Miền Nam tự do. Chúng tôi cũng lo ngại, phim The Team sẽ không chú ý nhiều đến sự thực quan trọng: Suốt mấy chục năm qua, trên đất Úc và dưới bóng cờ Vàng thân yêu, cựu chiến binh Úc Việt vẫn duy trì chặt chẽ tình CHIẾN HỮU trong cuộc đấu tranh chống CS, giành tự do dân chủ cho VN. 

Và nếu vậy, trong phim The Team liệu có có những hình ảnh cảm động và hết sức ý nghĩa như trong buổi quay phim, ông Huỳnh Bá Phụng, Chủ Tịch Hội CQN/QLVNCH/QLD, đã trao tặng lá cờ VNCH cho Đại Tá Kerry Gallagher, đương kim Chủ Tịch Tổng Hội AATTV, và cả hai ông cùng tự hào cầm lá cờ VNCH căng ra trước mặt quan khách Úc Việt trong tiếng hoan hô vang dội của mọi người? 

Đồng ý, đoàn làm phim có thể tôn trọng lời hứa với ông Huỳnh Bá Phụng,  "cuốn phim không có bất cứ hình ảnh nào có lợi cho cộng sản", nhưng nếu phim The Team không chú trọng đề cập đến những sự thật quan trọng về tình CHIẾN HỮU Úc Việt trong cuộc chiến đấu chống CS Bắc Việt xâm lăng trước 1975, và đấu tranh giành tự do dân chủ cho VN sau 1975 tại Úc, thì bộ phim đó cũng đã che giấu những sự thật có hại cho CS. Và nếu vậy, chúng tôi e rằng, phim The Team đã làm lợi cho CS; và một lần nữa SBS lại phản bội vai trò truyền thông trung thực của mình, phản bội hai dân tộc Úc Việt, trong đó có cộng đồng người Việt tại Úc.

THẮC MẮC

I. PHỎNG VẤN CỦA SBS RADIO
Ngày 27/10/2014, SBS Radio cho phổ biến một đoạn ghi âm chị Tuyết Lê phỏng vấn ông Lê Quang Hiển (Consultant phim The Team). Nghe cuộc phỏng vấn kéo dài hơn 8 phút (mời nghe trong file đính kèm hoặc online http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/content/phim-tai-lieu-ve-tinh-dong-doi-viet-uc?language=vi), chúng tôi có mấy thắc mắc.

Một, trả lời câu hỏi của chị Tuyết Lê về lý do khiến biệt đội AATTV đến VN, ông LQH chỉ nói chung chung, AATTV đến VN để huấn luyện và hỗ trợ quân đội VNCH, mà ông không hề nói tới việc AATTV huấn luyện quân đội VNCH để chiến đấu chống CS Hà Nội xâm lăng, bảo vệ Miền Nam tự do.Hơn nữa, trong suốt cuộc phỏng vấn kéo dài hơn 8 phút, cả người phỏng vấn lẫn người trả lời đều không hề nhắc đến những chữ "cộng sản", "xâm lăng", "bảo vệ Miền Nam", "thế giới tự do"... Sự thực, AATTV đến VN vào năm 1962 vì mấy lý do. 
  • Thứ nhất, lúc đó chiến tranh lạnh giữa khối Cộng Sản và Tự Do đang ở đỉnh cao, và Úc là thành viên của Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á SEATO (bao gồm Úc, Pháp, Anh, Tân Tây Lan, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Hoa Kỳ). Khối này được thành lập với mục đích ngăn chặn sự bành trướng của CS tại Đông Nam Á (SEATO was created to oppose further Communist gains in Southeast Asia) trong đó có Miền Nam VN, nên Úc phải có bổn phận giúp VNCH chống CS Hà Nội xâm lăng.
  • Thứ hai, quân sử của Úc và nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trang web của Bộ Cựu Chiến Binh Úc (Department of Veterans' Affair) cũng đã ghi rõ, vào tháng 12 năm 1961, chính phủ VNCH đã chính thức yêu cầu Úc viện trợ quân sự để chống lại cuộc xâm lăng của CS Bắc Việt; và tại Úc, cả hai chính đảng Lao Động và Tự Do đều đồng ý. Ngày 24 tháng 5 năm 1962, Thủ Tướng Úc Menzies công bố sẽ gửi biệt đội AATTV đầu tiên đến VN và ngày 31 tháng 7, những người lính Úc đầu tiên đã đặt chân đến Saigon. Lúc đầu, AATTV chỉ có trách nhiệm huấn luyện quân đội VNCH, nhưng đến tháng 6 năm 1964, chính phủ Úc công bố quyết định, AATTV có thêm trách nhiệm chiến đấu chống CS; và Kevin Conway là người lính đầu tiên của biệt đội AATTV hy sinh tại chiến trường VN vào ngày 6 tháng 7 năm 1964 (http://www.vietnamroll.gov.au/history.aspx). Trên đây là những sự thực hết sức quan trọng và có ý nghĩa lịch sử, thiết nghĩ nên được đề cập trong phần trả lời phỏng vấn cũng như phim The Team.

Hai, khi được hỏi, vì sao quân đội Úc đến VN chiến đấu chống du kích lại  chuyên nghiệp và hữu hiệu hơn so với quân đội các quốc gia Đồng Minh, ông LQH chỉ trả lời chung chung, nhờ quân đội Úc có kinh nghiệm chiến đấu trong Thế Chiến Thứ Hai tại vùng rừng rậm Thái Bình Dương. Sự thực, quân đội Úc chiến đấu chống du kích Việt Cộng, chuyên nghiệp và hữu hiệu hơn so với quân đội các quốc gia Đồng Minh là do quân đội Úc đã có kinh nghiệm chiến đấu chống cộng sản tại Cao Ly (1950-1953), và chống du kích cộng sản tại Malaya (1950-1963). Thực tế, phần lớn biệt đội AATTV khi đến VN đều là những người lính đã từng chiến đấu chống CS tại Cao Ly hoặc Malaya, hoặc cả 2.

Năm 1957, trong chuyến công du viếng thăm nhiều quốc gia đồng minh trên thế giới, TT Ngô Đình Diệm đến Úc vào tháng 9 và được Thủ Tướng Úc Robert Menzies cùng lưỡng viện Quốc Hội chào đón long trọng hơn cả Nữ Hoàng Elizabeth đến thăm Úc trước đó 3 năm. Hình trên, TT Ngô Đình Diệm đặt vòng hoa tưởng niệm tại Australian War Memorial. 4 năm sau, TT Ngô Đình Diệm chính thức yêu cầu Úc viện trợ quân sự giúp VNCH chiến đấu chống CS Bắc Việt xâm lăng Miền Nam. 

Những người lính Úc đầu tiên thuộc Biệt Đội AATTV đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, Saigon ngày 31/7/1962 với trách nhiệm giúp VNCH chiến đấu chống CS Hà Nội xâm lăng.

Tại Manila ngày 24/10/1966, các nhà lãnh đạo quốc gia trong khối SEATO (TT Úc, thứ hai từ bên trái) chụp hình với TT Nguyễn Văn Thiệu và Phó TT Nguyễn Cao Kỳ

II. COMRADESHIP, TÌNH ĐỒNG ĐỘI

COMRADESHIP? Trên website tiếng Anh, SBS giới thiệu phim The Team là "Documentary about Vietnamese and Australian comradeship" (Tài liệu về tình đồng chí Úc Việt). Việc SBS dùng chữ "comradeship" ở đây e không thích hợp, nhất là đối với người Việt. Đồng ý, trong tiếng Anh, ngoài nghĩa xưng hô giữa những người CS, chữ "comrade" còn được sử dụng để chỉ những người cùng chí hướng. Nhưng kể từ khi chữ này được Đảng Công Nhân Xã Hội Đức (Socialist Workers' Party of Germany) sử dụng đầu tiên vào năm 1875 (kamerad cho nam và kameradin cho nữ); và năm 1885 từ này xuất hiện lần đầu trong tạp chí tiếng Anh Justice (tờ báo theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa), thì từ đó đến nay, chữ "comrade" hầu hết được sử dụng rộng rãi giữa những người cộng sản và những đảng phái khuynh tả thân cộng. Theo tự điển bách khoa Wikipedia, tại Mỹ, chữ "comrade" mang theo sự liên tưởng mạnh mẽ với chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa Mác Lê, và cựu Liên Bang Sô Viết (In the United States, the word "comrade" carries a strong connotation with Communism, Marxism–Leninism, and the former Soviet Union).

Điểm quan trọng nữa, phim The Team nói về tình chiến hữu giữa lính Úc và lính VNCH trong cuộc chiến chống cộng sản Hà Nội xâm lăng, để bảo vệ Miền Nam tự do, chứ không phải nói về "tình đồng chí" giữa lính Úc với lính Việt cộng, để SBS phải dùng chữ "tình đồng chí" ở đây. Như vậy, đáng lẽ SBS không nên dùng "comradeship" được những người CS chuyên dùng, mà nên sử dụng những chữ khác rất thông dụng trong tiếng Anh khi mô tả tình chiến hữu, tình huynh đệ chi binh giữa những người lính cùng chiến tuyến như "Companions in Arms", "Fellows in Arms", "Brothers in Arms"... Đặc biệt, ta cũng nên nhớ, trong quân sử của Úc, chữ "Brothers in Arms" không chỉ có nghĩa bóng "tình huynh đệ chi binh", mà còn có ý nghĩa cao quý theo nghĩa đen: Năm 1915, đã có 96 cặp anh em ruột (96 pairs of brothers) hy sinh tại Gallipoli, trong đó có 25 cặp chết cùng một ngày!

TÌNH ĐỒNG ĐỘI? Trên website tiếng Việt, SBS giới thiệu The Team là "Phim tài liệu về tình đồng đội Việt-Úc". Thiết tưởng, để mô tả mối quan hệ sinh tử thiêng liêng giữa những người lính Úc và lính VNCH trong cuộc chiến đấu một mất một còn chống lại kẻ thù chung là CS Hà Nội, dùng chữ "tình chiến hữu" chính xác và gợi tưởng hơn nhiều so với chữ "tình đồng đội". Phải chăng, khi dùng chữ "tình đồng đội" thay cho "tình chiến hữu", SBS  đã có dụng ý để mọi người chỉ nhớ tới việc quân đội Úc huấn luyện quân đội VNCH, mà quên mất một sự thực quan trọng, quân đội Úc Việt từng chung chiến tuyến trong "cuộc chiến đấu" chống kẻ thù chung là CSVN, chủ nhân của VTV4 mà SBS đã có thời phát sóng?
TIẾNG NÓI CỦA CHÚNG TA
SBS làm phim The Team là một tin mừng, cần được ca ngợi và hậu thuẫn, nếu quả thật bộ phim phản ảnh trung thực những sự thực lịch sử có ý nghĩa to lớn về tình chiến hữu Việt Úc trong cuộc chiến đấu chống CS Hà Nội xâm lăng, bảo vệ Miền Nam tự do. Bộ phim có phản ảnh trung thực những sự thực lịch sử cao quý đó hay không, tuỳ thuộc vào SBS TV, Ban Việt Ngữ SBS Radio, sự cố vấn của ông Lê Quang Hiển... cũng như tiếng nói của chúng ta (những người trực tiếp liên quan đến chiến tranh VN), đặc biệt là của quý vị lãnh đạo Cộng Đồng Liên Bang và Tổng Hội CQN/QLVNCH Úc Châu. Và chúng ta nên có tiếng nói càng sớm càng tốt, chứ không nên chờ đợi sau khi bộ phim đã được phát hành.

Hiểu điều đó, trong cương vị của một người Việt tỵ nạn cộng sản, tôi cố gắng viết bài này với lòng kỳ vọng được sự quan tâm của quý vị.

Hữu Nguyên

No comments:

Blog Archive