Monday, February 9, 2015

Ngõ vắng

Năm 1975, miền Nam đổi chủ, gia đình tôi di tản từ Đà Lạt về Sài Gòn, tá túc ở nhà bà ngoại. Căn nhà lụp xụp, nền đất, mái tôn, ở khu lao động. Vậy mà, sau cuộc chạy loạn kinh hoàng, vừa được đặt chân lên ngưỡng cửa, tôi như thấy mình được bước vào cõi thần tiên. Cũng không có gì lạ, so với cảnh màn trời chiếu đất, bồng bềnh rã rượi trên tàu thuỷ, vật vã trên chiếc xe đò giữa làn khói đạn, thì chỗ dừng chân tiêu điều này vẫn là nơi chốn bình an, tuyệt vời nhất. 

Bà tôi mừng cuống quýt, lăng xăng đón con đón cháu. Nghe mẹ tôi kể, sau khi cậu và mẹ yên bề gia thất, vì khí khái không muốn làm phiền con cái, nên bà tự mua căn nhà này với số tiền dành dụm ít ỏi. Cả cậu lẫn mẹ đều phiền lòng, vì nơi ăn chốn ở của bà hẩm hiu quá. Đâu ngờ rằng, chính nơi chốn nghèo nàn, lam lũ này đã cứu gia đình tôi thoát khỏi cơn giông tố của chế độ mới và cưu mang chúng tôi cho đến ngày rời bỏ đất nước.

Trước cửa nhà bà tôi có ngôi chợ chồm hổm, nên bà tôi mở một tiệm tạp hoá buôn bán qua ngày, để cậu và mẹ không phải cấp dưỡng. Bà tất bật suốt ngày. Dân cư xóm lao động chỉ có thể mua một bịch dầu nhỏ, một cân gạo,một xị nước mắm, một gói tiêu nhỏ xíu cho bữa cơm hôm nay, rồi sẽ trở lại ngày mai hay ngày mốt cũng chỉ mua từng ấy thứ. Thấy bà bận rộn, mẹ tôi xin bà cho chúng tôi phụ giúp. Bà mừng lắm, còn chúng tôi thì thích thú vô cùng. Xưa nay, chị em tôi chỉ bứt lá cây, hái hoa dại làm hàng hoá, lượm gạch làm tiền, rồi lích chích chơi trò bán hàng với nhau. Bây giờ, được làm những cô hàng xén thật sự, hỏi ai mà không thích? 

Riêng tôi còn tìm được một nỗi đam mê khác từ tiệm chạp phô của bà, đó là đống sách báo cũ dùng để gói hàng. Thôi thì thượng vàng hạ cám: từ truyện kiếm hiệp, tiểu thuyết tâm lý tình cảm xã hội, cho đến sách học làm người, báo tuổi hoa giáo dục thiếu nhi, những tác phẩm có giá trị văn chương… Ôi trời, suốt mùa hè năm ấy, tôi mê mẫn đọc, làm bộ óc non nớt của mình cứ mụ đi trước một rừng chữ nghĩa đầy màu sắc, rất thú vị, nhưng ít nhiều khó hiểu. Và lẽ dĩ nhiên, tôi vừa đọc vừa run cầm cập vì sợ bố mẹ bắt gặp.

Thật ra, bố mẹ tôi đâu còn tâm trạng để chăm sóc đàn con nheo nhóc nữa. Sài Gòn bấy giờ đã nhuộm tuyền màu đỏ. Cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay trên khắp nẻo phố làm buổi trưa hè tháng Tư càng gay gắt, rát bỏng. Băng rôn, biểu ngữ đỏ bầm như những vệt máu giăng khắp nơi, mệt mỏi ca tụng ngày chiến thắng của đoàn quân cách mạng. Người Sài Gòn đã cam chịu trước cơn gió xoáy của cuộc đổi đời. Họ lặng lẽ âm thầm gánh chịu từng cơn lốc một: mười ngày học tập cải tạo cho các cựu quân nhân, chiến dịch đánh tư sản, những đợt đổi tiền bất công, phong trào hồi hương đi kinh tế mới, lao động cưỡng bách… 

Không ngoại lệ, bố mẹ tôi cũng thất thần, quay cuồng trong cơn lốc xoáy đó, để mặc lũ chúng tôi mọc um tùm như cỏ dại. Thế là, tôi cứ thong thả ngốn hết đống lạp xon ấy để rồi bị bội thực, trừ những tập truyện tuổi hoa.

Tháng tám, tôi đi học lại. Ngày khai trường thật hiu hắt, vì không có bố mẹ đưa đi. Buổi sáng mùa thu Sài Gòn không se lạnh bàng bạc như trời Đà Lạt, mà vẫn còn vấn vương chút oi bức của mùa hè. Chị em tôi theo lũ trẻ trong xóm đến trường, con đường đất khô cằn đầy sỏi đá, không một chùm hoa dại. Tôi ngơ ngác bước vào khuôn viên chật chội của ngôi trường xa lạ. 

Khẩu hiệu đỏ rực nhiệt liệt chào mừng năm học đầu tiên của mái trường xã hội chủ nghĩa treo đầy sân trường. Rải rác đó đây là các đội viên đội thiếu niên tiền phong, vai quàng khăn đỏ lè, tay đeo băng đỏ chét, đứng lạnh lùng nhìn lũ học sinh lem luốc, nhếch nhác chúng tôi. Các thầy cô giáo y phục xuề xoà, không còn áo dài lộng lẫy và cà-vạt trang nghiêm nữa, đứng tần ngần trước văn phòng, sắc mặt thảng thốt, bàng hoàng. Duy chỉ có thầy hiệu trưởng- một bộ đội phục viên ngoài Bắc chuyển vào, có làn da tái xanh và cặp môi tím ngắt- là phấn khởi, hưng phấn. Thầy hào hứng bắt nhịp bài quốc ca mới,bài Tiến Quân Ca, cho đội thiếu nhi tiền phong hát trong lễ chào cờ. Và niên học mới bắt đầu với bài học đầu tiên: Năm Điều Bác Hồ Dạy. Bất chợt, tôi nhớ lại đoản văn Tôi Đi Học của Thanh Tịnh, rồi ngậm ngùi.

Ngôi chợ chồm hổm và tiệm tạp hoá của bà tôi cuối cùng cũng bị giải tán. Bà và mẹ tôi theo chị em bạn hàng đi buôn hàng chuyến. Chị em chúng tôi ở nhà, biết xếp hàng đi mua gạo theo tiêu chuẩn, biết thay mẹ đi họp tổ dân phố vào mỗi tối thứ tư, biết thế bố xách chổi đi quét đường, vác cuốc đi khai thông mương rạch làm đẹp khu phố. 

Ở trường học, chúng tôi còn phải tham gia phong trào kế hoạch nhỏ để xây dựng đoàn tàu thống nhất. Do đó, sau giờ học, mấy chị em lại lang thang ngoài đường lượm giấy vụn, bao ni lông để nộp cho nhà trường. Dù không muốn, nhưng chúng tôi cũng quen dần với cuộc sống mới có nhiều thay đổi đến thảm thương. Thỉnh thoảng, tôi lại vùi đầu vào những tập truyện tuổi hoa để tìm lại chút hương vị ngày xưa. Và tuổi hoa niên của chúng tôi hờ hững trôi qua cho đến ngày vượt biển.

Tôi được nghe khúc dân ca Anh Ba Hưng vào những ngày đầu miền Nam bị giải phóng. Ca khúc kể về anh nông dân tên Ba Hưng, đi lính hơn năm trường, vừa mới được huân chương, vì anh đã bắn giết Tây hơn trăm thằng. Giai điệu rộn ràng, vui tươi được luyến láy ngọt ngào bằng giọng Nam Bộ mộc mạc, nhưng lại có ca từ khát máu. Ngày xưa ấy, bọn trẻ chúng tôi cứ bị nghe, riết rồi thành ghiền và nghêu ngao theo những bài hát đỏ, mà chẳng cảm nhận được cái nọc độc tiềm ẩn trong đó. Làm sao mà nhận ra được, khi chúng tôi chỉ được hấp thụ một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa toàn diện từ thời thơ ấu: chuyên đào tạo học sinh, sinh viên theo tiêu chuẩn hồng (đạo đức, tư tưởng chính trị mang màu sắc cộng sản) hơn chuyên (kiến thức, kỹ năng).

Cho nên, linh hồn tôi từ từ bị dòng văn học cách mạng nhuộm đỏ. Tôi rũ rượi, ngây ngất trước những vần thơ lai láng tình yêu quê hương của Giang Nam: 

Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm. 
Có những ngày trốn học bị đòn roi. 
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất. 
Có một phần xương thịt của em tôi. 

Tôi say sưa chiêm ngưỡng Lê Anh Xuân vẽ lại Dáng Đứng Việt Nam lồng lộng, qua hình ảnh người chiến sĩ hy sinh trong tư thế đang đứng bắn: 
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất. 
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng. 
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn… 
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất. 
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân. 

Tôi lâng lâng bay bỗng với lời thơ Bùi Minh Quốc, ẩn chứa niềm lạc quan mặc dù chiến tranh đang diễn ra khốc liệt, vì tin tưởng cách mạng chính nghĩa sẽ chiến thắng: 

Cuộc đời vẫn đẹp sao. 
Tình yêu vẫn đẹp sao.
Dù đạn bom man rợ thét gào. 
Dù thân thể thiên nhiên mang nhiều thương tích. 

Ôi, tôi ngày xưa, ngây ngô và khờ dại biết bao, nên đã cả tin vào giáo điều cộng sản như tin kinh tin kính. Nên tôi không còn thấy cuộc sống thảm thương, không buồn phiền khi bố tôi phải lao động miệt mài ở vùng kinh tế mới xa xôi, và không còn vùi đầu vào những tập truyện tuổi hoa để nuối tiếc dĩ vãng nữa.

Đầu năm 1979, chiến tranh Việt Nam-Campuchia sôi sục dẫn đến cuộc chiến ngắn nhưng tàn khốc giữa Việt Nam và Trung Quốc liền sau đó. Tuổi trẻ Việt Nam lại tiếp tục lên đường chiến đấu cho Tổ Quốc (hay cho một thế lực chính trị bạo tàn, bất nghĩa…). Anh họ tôi cũng nhập ngũ. Ngày tiễn anh vào quân trường, bác gái tôi khóc như mưa như gió. Anh, vì lý tưởng, đã tình nguyện đi bộ đội để bảo vệ quê hương, mặc kệ cái hộ chiếu xuất cảnh sang Pháp cùng với gia đình.

Ba năm sau, lúc linh hồn tôi đang bị nhuộm đỏ, anh về. Tôi háo hức giây phút được gặp “người thật việc thật”, để rồi vỡ oà niềm thất vọng, hụt hẫng. Buổi chiều tháng sáu có những cơn mưa rào xối xả, hai anh em ngồi quán, uống cà phê, nhìn mưa và tâm sự. Anh hỏi tôi còn đọc sách không. Tôi nhè nhẹ gật đầu. “Em đã đọc Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ chưa”, anh hỏi tiếp. Tôi sững người, tròn mắt nhìn anh. Lẽ nào anh là Kha, là Hiển. Anh cười buồn, rồi chua chát bảo: “Anh sẽ xúc tiến việc xuất cảnh, còn em thì ráng thoát khỏi nơi này càng sớm càng tốt nhé”. Hình như màu đỏ đã khựng lại, không còn lây lan khắp tâm hồn tôi nữa.

Tôi gặp Huân, một cộng tác viên tình nguyện của cao ủy tị nạn, ở trại tị nạn Phanat Nikhom, Thái Lan. Huân nói giọng Hà nội, rất chuẩn và ấm nhưng khuôn mặt thì lạnh và sắc. Ngày đầu tiên nhập trại, chị tôi lên cơn sốt rét. Buổi trưa nắng ở Thái Lan nóng bỏng cháy da cháy thịt, mà chị run cầm cập, hai hàm răng va vào nhau lốp cốp. Tôi vừa mếu máo, vừa dùng hết sức bình sinh ôm chặt chị, mong truyền chút hơi nóng còn sót lại để chị bớt lạnh, nhưng vô ích. 

Thấy vậy, Huân xin trại trưởng cho chị tôi nhâp viện ngay tức khắc mà không phải qua những thủ tục rườm rà, rồi ẵm chị chạy băng băng đến nhà thương. Huân thân với chị em tôi từ đó. Thân, nhưng có chút khoảng cách, vì Huân cao ngạo khác thường. Không bao giờ Huân nhận lời dùng cơm với gia đình, mặc kệ chúng tôi òn ỉ, khẩn khoản mời. Thường, Huân chỉ ghé qua để đưa cho chúng tôi tờ báo phương Tây, cuốn băng nhạc, rồi tán dóc một chút, rồi về. 

Qua những mẫu chuyện rời rạc, Huân cho biết anh đang chờ kết quả thi đại học thì có giấy đi nghĩa vụ quân sự, được đưa vào Nam, đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia, được vài tháng thì vượt biên giới Campuchia đến Thái Lan. Có lần vô tình, tôi buột miệng hỏi quan điểm của anh về ý thức hệ cộng sản. Anh trầm ngâm, và buồn bã trả lòi: “Làm sao tránh không bị tuyên truyền, tẩy não khi mà từ lúc lọt lòng mẹ, chúng tôi đã hít thở không khí cộng sản triền miên, đằng đẵng.” Tôi lặng câm ngồi nghe Huân nói. Rồi nhớ đến bản thân mình và anh Hoàn, anh họ tôi.

Dạo được anh Hoàn chiêu hồi, rồi hồi chánh về với quốc gia, tôi đang học lớp chín (đệ tứ). Cuối năm học đó, chẳng hiểu sao (có thể để đạt thành tích thi đua chăng…), tôi lại bị lọt vô danh sách cảm tình đoàn, và sẽ được kết nạp vào đoàn thanh niên cộng sản, với điều kiện phải khai không có đạo ở mục tôn giáo trong đơn gia nhập. Tôi hư lắm, khô đạo vô cùng. Nhớ có lúc gia đình cùng lần chuỗi Mân côi, tôi ngủ gục, lăn kềnh ra đất, làm cả nhà cười bò lăn lộn; thế là, buổi đọc kinh phải kết thúc một cách oan uổng. Hư thân là thế, nhưng tôi đâu nỡ lòng nào chối bỏ đạo của mình vì những trò hề vào đội, vào đoàn cơ chứ. Do đó, tôi cứ lần lữa mãi. Bực mình vì nhiều lần thuyết phục mà tôi vẫn cứng đầu, trong buổi họp cuối cùng, Chi-cô bé bí thư chi đoàn- ném cho tôi cái nhìn khinh bỉ, rồi gầm gừ hỏi: “Thế, bạn đã đọc Ruồi Trâu chưa nhỉ?” 

Chao ôi, lúc ấy tôi thấy mình như nhòe nhoẹt tan trong ánh mắt miệt thị tột cùng đó, nên mặt mũi nghệch cả ra, rồi khe khẽ trả lời, chưa ạ. Đoạn, lật đật tìm đọc cuốn tiểu thuyết The Gadfly (bản dịch) của nữ văn sĩ Etel Lilian Voynich, xuất bản năm 1897 tại Hoa Kỳ. Đọc xong, tôi bị ốm ba ngày ròng rã và ước gì mình chưa bao giờ đọc cuốn tiểu thuyết hư cấu này.

Ôi, Montanelli, Montanelli, đức Hồng y kính mến! Sao ngài lại làm tôi hai chủ để tạo ra một thảm kịch bi đát đến thế. Tôi thẫn thờ tuyệt vọng khi đọc hết trang sách cuối cùng. 

Khi chuyện dan díu tội lỗi của ông với Glady-người vợ kế trẻ đẹp của nhà đại tư sản Burton- bị vỡ lỡ, cha Montanelli buộc phải rời nước Ý, đi Trung quốc truyền đạo. Lúc ông mãn hạn, về lại Ý là lúc Burton lâm chung, rộng lượng để lại di chúc cho phép ông dạy dỗ Arthur- đứa con ngoại hôn của cuộc tình vụng trộm, nhưng không được tiếp xúc người tình cũ. 

 Arthur, chàng thanh niên thanh khiết ngây thơ như cành hoa huệ trắng, không hề hay biết cái bí mật khủng khiếp này, nên hết lòng tôn sùng, yêu mến người cha linh hướng và Thiên Chúa của mình. 

Bấy giờ, phong trào Nước Ý Trẻ (Young Italian) được thành lập, với mục đích dành lại độc lập cho nước Ý từ tay đế quốc Áo, đã lôi cuốn bao thanh niên tràn trề nhiệt huyết-trong đó có Arthur, gia nhập. Tham gia chưa được bao lâu, thì Arthur bị bắt. Ngày Arthur được ra khỏi trại giam, là ngày định mệnh biến anh thành Ruồi Trâu, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, cay độc, hay châm biếm tàn nhẫn, có lòng thù hận căm ghét đao Kitô và giáo hội La mã tột độ. Ngày đó là cái ngày Arthur không những biết được lý do mình và đồng đội bị bắt là do anh thật thà xưng tội với cha Cardi -một tên mật thám đội lốt linh mục, mà còn biết được sự thật về nguồn gốc của mình. Đất trời như nổ tung, sụp đổ. Arthur cầm búa đập bể tan tành tượng Chúa chịu nạn, cười khẩy vào bức di ảnh của người mẹ quá cố, viết lại vài dòng nhắn gửi cho cha Montanelli: “Tôi đã tin ông như Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời chỉ là một tượng đất, đập một búa là tan, còn ông thì ông đã lừa dối tôi suốt đời”, rồi ra đi.

Năm 1954, từ miền Bắc xa xôi, bà ngoại tôi dẫn hai con thơ di tản vào Nam chạy trốn cộng sản. Ông tôi ở lại, giữ nhà giữ đất, không ngờ cả mạng sống cũng không giữ được. Bên này vĩ tuyến, bà tôi cắn răng nuốt trôi nỗi buồn, ở góa buôn thúng bán bưng, ôm mộng nuôi hai con ăn học thành tài. Tội cho bà, thân cò lặn lội, bơi chải ngược xuôi, cũng chỉ có thể gởi cậu tôi theo học trường dòng. Còn mẹ tôi là phận gái, lại là chị lớn, nên chịu phần thiệt thòi, ban ngày quần quật giúp bà buôn bán, ban đêm lõm bõm tự học. Vậy mà sau này, cô bé lọ lem quê mùa dốt nát ấy lại trở thành người thiếu nữ duyên dáng, nhờ chiếc đũa thần của các bà tiên nhân ái, đôn hậu-các nữ tu dòng Nữ Tử Bác Ái. Thông cảm hòan cảnh mẹ góa con côi, sơ bề trên nhận mẹ tôi vào học dưới diện con nhà nghèo.

Ngày còn bé, mấy chị em tôi nằm rúc trong chăn ấm, nghe mẹ ôn lại những ngày tháng tươi đẹp dưới mái trường tư thục công giáo dành riêng cho nữ sinh: Regina Pacis. Chuyện của mẹ khắc vào tâm trí tôi hình ảnh rất đỗi dịu dàng của các nữ tu, những thiếu nữ thanh xuân vì danh Chúa đã dâng hiến cuộc đời mình cho tha nhân, quảng đại phục vụ xã hội, để mẹ tôi và biết bao trẻ em nghèo hoặc mồ côi khác có cơ hội làm người. Họ- những nữ tu hiền hòa, gần gũi - là chiếc cầu liên kết tôi với Thiên Chúa- đấng thượng đế tôn nghiêm cao xa vời vợi.

Năm năm sau, Arthur hay Ruồi Trâu từ Nam Mỹ trở về Ý quốc, tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho lý tưởng cách mạng. Anh lại bị bắt và bị kết án tử hình. Trong buổi diện kiến cuối cùng với cha Montanelli, Arthur tiết lộ thân phận, nhận lại cha ruột nhưng nghiệt ngã ra điều kiện: hoặc là con, hoặc là Chúa. Sau những giằng xé dữ dội và dai dẳng, cha Montanelli đành đoạn bỏ con, chọn Chúa; làm Arthur phẫn nộ từ chối cuộc vượt ngục do đồng đội anh tổ chức, nhận lấy cái chết. Phần cha Montanelli thì đột ngột từ trần vì quá đau khổ, sau khi lớn tiếng thóa mạ giáo hội La mã. Và câu chuyện kết thúc.

Những hoạt động tôn giáo sau năm bảy lăm dường như bị tê liệt. Trong chế độ vô thần, chỉ tin rằng trời không có thiên thần, và đất thì không có thánh linh *, tôn giáo bị đánh bật ra khỏi học đường và xã hội. Tâm linh của thế hệ trẻ chỉ được nuôi dưỡng bằng vần thơ điệu hát ca ngợi bác và đảng hoặc những sách truyện kiểu Ruồi Trâu. 

Do đó, tuổi trẻ vốn đã khô đạo lại càng khô hơn. Trong đám cỏ dại của bố mẹ tôi, có một ngọn cỏ-đã dại, lại còn hay đi hoang vào những vùng đất cấm nên hứng chịu nhiều vùi dập của giông bão. Đó là tôi. Quả thật, nhân vật Montanelli đã để lại trong tôi những ngọn sóng thần, hung dữ đe dọa nhấn chìm chiếc cầu nối kết tôi và Thiên Chúa. 

Tôi, tuổi mười bốn ngu ngơ, trăn trở một mình với những điếm nóng trong cuốn tiểu thuyết: sự đồng trinh của các linh mục, bí tích giải tội, chuyện ngoại tình của người đàn bà có chồng với vị linh mục. Và tôi sống với những khắc khoải đó cho đến ngày tôi gặp lại những bà tiên nhân hậu ở trại tị nạn và những ngày đầu định cư ở Mỹ.

Đoàn người hối hả, lầm lũi đi. Màn đêm dày đặc đã phủ kín núi rừng. Ánh trăng mờ đục không đủ sức len lỏi qua các ô tán cây rậm rạp chiếu xuống, nên họ chỉ nương theo ánh sáng chập chờn từ chiếc đèn pin của người dẫn đường mà lúp xúp đi. Gió rít từng cơn, tàn nhẫn hất tung những cành cây khô khốc- nhưng vẫn còn quyến luyến thân cây-vào đám người tội nghiệp. Cứ mỗi lần gió hú, họ lại quằn quại vì lạnh thấu xương, vì đau buốt do cây rơi quất vào mặt, vào mũi. Cỏ gai, cỏ dại mọc chằng chịt cao quá đầu gối ghì chặt những bước chân vốn đã trĩu nặng. 

Buổi chiều, khi chiếc xe vận tải vừa thả họ xuống bìa rừng, đoàn người liền mải miết đi. Họ tin rằng qua hết cánh rừng sẽ là bến cảng Kompong Som (Campuchia), có chiếc tàu đang đợi để đưa họ vượt eo biển đến Thái Lan. Họ gồm khoảng bảy mươi lăm người, có bà cụ già hơn sáu mươi tuổi, có em bé mới hai tháng tuổi còn nằm ngữa trên tay mẹ, có bé gái tật nguyền chân đi không vững, và có cả hai chị em tôi.

Sau gần tám tiếng đồng hồ đi bộ ròng rã, mọi người hầu như đã kiệt sức: chân sưng phồng mọng nước, tay và mặt nát bươm vì gai và cây nhọn cấu cào, bụng đói miệng khát. Nhưng hình như mãi đến lúc người dẫn đường thông báo: bãi bị động, tàu không cặp được bến, phải ở lại trong rừng chờ, chúng tôi mới hoàn toàn quị ngã. Từng người một rụng lộp độp như sung rụng xuống ngay chỗ mình đứng, mặc kệ chỗ đó có vũng nước lạnh ngắt như tảng đá, hay là đống cỏ gai nhọn hoắc. Nỗi khiếp đảm vì phải đương đầu với cái chết làm chúng tôi vô cảm với cái đau thể xác. Nằm lại trong căn rừng này vô hạn định mà không có cơm ăn, nước uống, muỗi lại vo ve từng đàn, và nhất là lính Pol Pot sẽ xuất hiện bất cứ lúc nào, thì quả là chúng tôi đang đối diện với tử thần. 

Trời càng về khuya, rừng càng âm u, hoang dã. Bóng tối mịt mù đồng lõa với trí tưởng tượng phong phú của tôi tạo ra những hình thù, cảnh tượng gớm ghiếc xung quanh: lính Pol Pot man rợ điên cuồng tàn sát, lũ thú rừng hung dữ khát máu dày xéo, con ma lưỡi dài đỏ lòm…

Giữa lúc ấy, tự nhiên có tiếng hét lanh lảnh của người con gái vang lên làm cả bọn chúng tôi điếng cả hồn. Thì ra, vì đói, khát và sợ hãi quá độ làm cho cô gái quẫn trí, la hét mê sảng. Cô không có thân nhân đi theo, ngồi một mình chơ vơ trên đống cỏ cháy, tóc tai rũ rượi, miệng thì kêu gào thảm thiết những câu nói vô nghĩa. Cháu bé đang ngủ trên tay mẹ, nghe tiếng động, òa lên khóc. Người đàn ông dẫn đường quýnh quáng ra hiệu giữ im lặng. Theo kinh nghiệm của ông, lính Pol Pot có thể đóng quân ở gần đấy. Ồn ào như vậy chẳng khác gì bứt dây động rừng. Biết thế, nhưng làm được gì ngoài việc bất lực ngồi nhìn cô kêu khóc, và nín thở chờ thảm họa xảy ra. 

Tôi ngước mắt lên trời tìm thượng đế. Bầu trời vẫn đen tuyền một màu, vài ánh sao lập lòe lóe lên rồi vụt tắt. Ngài ở đâu, sao tôi không thấy. Tôi đã lạc mất niềm tin hay đang đầu hàng số phận. Rồi tôi nhớ đến mẹ. Hôm đưa hai chị em tôi ra bến xe đi Châu Đốc, mẹ rơm rớm nước mắt bảo sao giống như đưa chúng tôi bỏ vào rừng như chuyện cổ tích mẹ thường kể. Tôi ray rứt không biết làm sao để mẹ có lại được chuỗi ngày bình an nếu chúng tôi có mệnh hệ nào.

Tiếng la khóc bỗng im bặt sau mấy tiếng hự hự thật to. Tôi nhướng mắt nhìn qua hướng chỗ cô gái, thì thấy mấy anh thanh niên đứng lom khom gần đấy, còn cô ta thì nằm sõng xoài bất động. Họ đã quyết định đánh cho cô ta bất tỉnh. Sau này, cô mất trí hẳn, cứ ngơ ngơ, ngác ngác như đứa trẻ lên ba. Tôi được biết cô có người chị đầu bị mất tích, còn người chị kế thì bị lính Thái Lan hãm hiếp ngay tại trại chuyển tiếp trong những lần vượt biên khác. 

Gió điên cuồng rít, như âm vang lại sự phẫn nộ trước những niềm đau ngút ngàn của người dân Việt. Đêm rồi cũng trôi qua nặng nề, chậm chạp trong nỗi khiếp đảm ngột ngạt. Những tia nắng yếu ớt bắt đầu ló dạng như ánh sáng từ thiên đường dọi xuống trần gian. Tôi vươn vai ngồi dậy; cơ thể rã rời, ê ẩm vì đi bộ, vì nằm bờ nằm bụi; đầu óc thì nhức như bị búa bổ vì thức trắng đêm. Nhìn xung quanh: người nằm, người ngồi lổm nhổm. Ai nấy đều hằn vẻ đăm chiêu, ngao ngán. Chị tôi cũng đã dậy từ hồi nào, đang lân la làm quen với các gia đình bên cạnh. Buổi trưa hôm qua, lúc vừa tới Nam Vang, hai chị em tôi bị lùa lên xe vận tải ngay, rồi hấp tấp đi bộ cùng với đoàn người đến bãi, nên chúng tôi chưa kịp biết hết mọi người.

Có tiếng lao xao vui mừng ở phía trước: bãi yên, tàu sẽ tới cảng tối nay; bây giờ phải trú tạm vào căn nhà của người đánh cá cách đây ba cây số, chờ đến chập tối sẽ khởi hành. Chúng tôi như trút được gánh nặng ngàn cân và hớn hở đi bộ tiếp. Phần cô gái bị mất trí thì được hai anh thanh niên dìu đi. 

Đó là một căn nhà sàn nhỏ bé, mái lợp lá dừa đơn sơ, vách được quây gỗ sơ sài. Bảy mươi lăm người xếp vào như cá mòi đóng hộp. Ngồi lọt thỏm trong góc, tôi hiếng mắt nhìn qua khe hở giữa hai tấm vách gần đấy. Mặt trời đã lên cao, nắng đổ chan hòa làm màu sắc núi rừng thêm phần tươi thắm, khác hẳn với vẻ cô liêu heo hút đêm hôm trước. Nắng rực rỡ ôm bầu trời xanh ngăn ngắt, làm tôi liên tưởng đến mùa hạ Sài Gòn và tà áo lụa Hà Đông. Thời chúng tôi lam lũ ngặt nghèo, áo dài lụa và tình yêu lãng mạn là những xa xỉ phẩm. Tuổi trẻ chỉ biết tìm lại hình ảnh nên thơ qua quyển sách sờn gáy long bìa, hay cuốn băng cũ kỹ rè rè, nhão nhoẹt. 

Rồi đây, nơi quê người xa xôi, chắc sẽ nhạt nhòa và phôi pha hết. Bỗng dưng, lòng tôi chợt dấy lên niềm nhớ thương tha thiết mảnh đất quê hương mà tôi đã bỏ lại sau lưng. Và tôi để nỗi nhung nhớ đó nhẩn nha gậm nhấm tâm hồn mình cho đến lúc bước chân lên khoang tàu tối hôm ấy, và suốt những ngày sống lây lất ở các trại tị nạn.

Tôi bồn chồn đứng đợi đến phiên mình lãnh nước. Dãy người đằng trước dài dằng dặc. Chắc lại có người mới nhập trại. Chỉ trong một tháng, mà trại Phanat Nikom có tới ba bốn đợt thuyền nhân chuyển về từ các trại nhỏ gần biên giới. Dạo đó, vào những năm gần cuối thập niên tám mươi, đường dây vượt biên từ Campuchia qua Thái Lan rất thịnh hành. Khởi hành từ Châu Đốc,qua biên giới Campuchia bằng ghe nhỏ. Rồi từ Nam Vang, theo đường xe vận tải cắt ruộng, băng rừng để tới cảng Kompong Som-một bến cảng sầm uất ở phía Tây Nam Phnompenh. Nếu xe chạy thẳng đến tận cảng thì quá lộ liễu dễ bị bắt, nên người vượt biên phải đi bộ chừng một hay hai quãng rừng. Đây là đoạn đường gay go nguy hiểm nhất. Nếu thoát đến cảng an toàn, thì chỉ cần vượt một đoạn biển ngắn là tới Thái Lan, tránh được giông bão và hải tặc. 

Thật ra, vượt biên nửa bộ, nửa biển có muôn hình vạng trạng, qua những tuyến đường thập phần gian truân khác nhau, nhưng tỷ lệ thành công vào những năm đó tương đối cao. Vì vậy, số lượng thuyền nhân đến trại tỵ nạn Thái Lan ngày càng nhiều. Tuần trước, tôi cũng vừa đón bốn em mình từ trại Songkla tới. Sáu chị em mừng tủi, ôm nhau khóc cười, vì được trùng phùng trên đất Thái sau hai chuyến đi bão táp- điều mà chúng tôi không hề mơ thấy nổi.

Mãi miên man suy nghĩ, thoắt cái đã đến lượt mình. Tôi vội đẩy hai thùng tôn vào dưới vòi nước, rồi dợm mình quay về lô để gọi chị tôi ra, thì đã thấy chị đứng bên cạnh hồi nào. Nước trắng xóa, chảy tung tóe. Một vài giọt nghịch ngợm đụng phải quai thùng, bắn hàng vạn tia li ti ra ngoài. Dưới ánh nắng buổi sáng, những tia nước nhỏ lóng lánh, rực rỡ như những hạt kim cương. Khi nước đầy, tôi và chị, mỗi người xách một bên thùng, rồi thoăn thoắt bước. Bờ vai của cánh tay nắm quai thùng trĩu thấp hơn bờ vai kia vì nặng. Cánh tay còn lại vẫy lia lịa trong không khí để lấy đà và giữ thăng bằng. Chúng tôi chỉ có đúng vài giây đồng hồ để xách nước về lô, đổ vào cái lu cao nghễu nghện, và quay trở lại cho kịp lúc thùng nước thứ hai vừa đầy. Vội vã hứng thùng rỗng vào, xách thùng đầy về. Cứ nhịp nhàng như thế đến sáu lần. 

Nhớ lại ngày đầu mới xách nước, chị và tôi cứ lóng nga lóng ngóng, vừa đi được một hai bước là té oành oạch. Vậy mà, thùng nước chỉ bị vơi đi một ít. Ở đây, nước quý vô cùng. Hàng ngày, mỗi người chỉ đuợc lãnh một thùng nước duy nhất để tắm rửa, giặt giũ, nấu ăn…, trừ phi có tiền mua thêm. Do do, lúc té, hai chị em ráng gồng cứng cánh tay nắm quai, để thùng nước đừng bị đổ. Nước hiếm lắm; nên thỉnh thoảng nếu có mưa rào, cả lô nhộn nhịp ùa hết ra sân; người lớn tất tả hứng nước, trẻ con hí hửng tắm táp; vui như ngày hội lớn.

Lúc xách thùng nước cuối cùng về lô, tôi đã thấy con bé em đang lúi húi nấu cơm. Nghe tiếng động, em ngẩng lên; hai bên tóc mai bết đẫm mồ hôi, vương đầy tro; mặt mũi lấm lem nhọ; nhưng cặp mắt sáng lóng lánh. Bếp lửa reo tí tách, nồi canh bí đỏ sôi sùng sục. Cơm đã nấu xong; thảo nào em vui thế. Một chút nữa, mấy chị em sẽ cùng nhau đến lớp, không đứa nào phải ở lại lô để nấu cơm cả. 

Dù chỉ đang lấp ló ở ngưỡng cửa thiên đường, chúng tôi vẫn chuẩn bị ráo riết. Chị họ ở Mỹ viết thơ bảo, các em ráng trau giồi anh ngữ để dễ dàng hội nhập với xã hội mới. Vì vậy, chúng tôi cứ lê lết hết lớp này đến lớp kia suốt ngày. Để kịp giờ học, mỗi ngày em tôi dậy từ sáng sớm, loay hoay nhóm bếp. 

Củi độn mạt cưa nên rất khó nhen lửa. Đầu tiên, phải khéo léo chồng những khoanh củi lên nhau như dựng nhà lầu. Sau đấy, nhét mồi lửa - những miếng nhựa cắt từ đôi dép Lào bị đứt quai-vào bên trong, rồi hì hục quạt. Khi bếp đỏ lửa, đặt nồi cơm lên, em ào đi lãnh thực phẩm: vài loại rau củ héo hắt, lèo tèo mấy con cá hay dăm ba miếng thịt. Thức ăn có chừng ấy thứ, gia vị thì độc có một hũ muối, nên em chỉ nấu nướng qua loa. Đun nước sôi, nêm chút muối rồi bỏ rau vào; thế là đã có tô canh. Còn thịt kho, em ướp một muỗng muối, rưới vào chén nước lã rồi đun cho chín. Thật ra, chúng tôi cũng còn ít chỉ vàng, và mỗi tháng vẫn nhận thơ bảo đảm; có thể mua thêm thức ăn ngoài chợ. Nhưng vì ngày được định cư còn quá xa vời, tương lai thật mờ mịt nên mấy chị em bảo nhau ráng dè sẻn, tiện tặn.

Buổi chiều, sinh hoạt trong lô có vẻ nhộn nhịp, rộn ràng hơn. Ngoài sân, vạt nắng chiều le lói vẫn còn đang nhảy nhót. Lâu lâu, một vài cơn gió nhè nhẹ mơn man thổi qua, không đủ cường độ làm dịu mát bầu không khí gay gắt, oi ả. Trước lô, ba đứa bé nhễ nhại mồ hôi đang cãi vã chí choé, giành nhau từng ca nước để tắm. Mẹ chúng, cô Trang, vừa nấu cơm, vừa phân xử- miệng la hét om xòm. Từ góc bếp nhà hai mẹ con chị Hoàng-gia đình giàu nhất lô, mùi thịt bò bí tết thơm phức bay ngào ngạt, làm những cái bụng lép kẹp ở xung quanh kêu rồn rột. 

Ở trên mảnh sân lót xi-măng xù xì, nơi nối lô này với lô khác, các bà các cô đang tụ tập giặt giũ, nói cười huyên thuyên. Dãy nhà bên kia, nơi mấy anh thanh niên độc thân vui tính ở, đang văng vẳng tiếng đàn guitar trầm bỗng với những bài tình ca ngọt ngào, du dương. Mọi người như tạm quên thân phận tha hương bọt bèo trong chốc lát, để tận hưởng những giây phút thoải mái cuối ngày. 

Đúng lúc ấy, bài quốc ca Thái Lan hùng dũng phát ra từ các loa phóng thanh. Ngay lập tức, mọi âm thanh náo nhiệt ngưng bặt. Đến giờ chào cờ rồi đấy. Đang lui cui xào rau, cô Trang bật dậy đứng trang nghiêm, không kịp bắt chảo rau xuống đất. Con cô, bé Trung giành mãi mới được ca nước từ tay hai anh, đang hí hửng sắp dội lên đầu, vội dừng lại, chắc lưỡi tiếc rẻ. Bên cạnh Trung, anh nó đang nhăn nhó như khỉ ăn ớt vì nước chảy tong tong trên mặt mà không dám đưa tay vuốt. Đàng kia, anh Du đứng như trời trồng, tay phải khuỳnh khuỳnh ôm chiếc guitar, tay trái buông thõng thượt, khuôn mặt lộ vẻ nhẫn nhục, chịu đựng. Mấy chị em tôi lúc đó đang quây quần bên mâm cơm đạm bạc, vội vàng bỏ đũa, đồng loạt đứng dậy; miệng bé út còn đang nhai cơm nhóp nhép.

Năm phút đồng hồ trôi qua; nhạc chấm dứt. Mọi người trở lại sinh hoạt bình thường. Tôi chợt thấy no ngang, không muốn ăn tiếp. Hình ảnh người thanh niên bị đánh tàn nhẫn hôm nào lại hiện về. Hôm ấy, đang trên đường từ bưu điện về lô, nghe tiếng nhạc quốc ca trỗi lên, tôi vội bấm bụng đứng lại và gồng mình chịu trận cho xong phút chào cờ. Đang lơ mơ ráng nhớ lại tâm trạng mình ngày xưa đứng chào cờ dưới lá cờ đỏ sao vàng như thế nào, tôi bỗng nghe tiếng đấm đá bình bịch đâu đây. Thì ra, anh thanh niên mới nhập trại, chưa quen thuộc luật lệ, nghe tiếng nhạc chào cờ mà cứ phom phom đi, liền bị trật tự cho ăn đòn chí tử.

Từ đó, hàng ngày vào tám giờ sáng và năm giờ chiều giờ chào cờ, tôi lại nhớ tới cảnh tượng ấy. Rồi buồn bã cho đời tỵ nạn. Hình như chúng tôi cũng có một đất nước, một quốc kỳ để sống và để tự hào. Nhưng bị buộc ra đi, sống kiếp lưu đầy, chúng tôi biết làm sao hơn ngoài việc ngậm ngùi chấp nhận. Một năm trời sống vật vờ ở trại, chị em tôi được phái đoàn Mỹ nhận. 

Ngày rời trại, kỷ niệm mang theo là những thùng nước mát lạnh làm oằn vai tôi và chị, là bếp củi mạt cưa khói cay nồng đôi mắt em tôi, nhưng sâu sắc nhất vẫn là những giây phút chào cờ tủi nhục.



No comments:

Blog Archive