Friday, February 20, 2015

Đài Phát Thanh Việt Nam Phỏng Vấn ông Đỗ Văn Phúc, Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ về Sự Xâm Nhập Văn Hoá Việt Cộng.

Chúng tôi là Đoàn Trọng Hiếu, Trưởng Khối Truyền Thông, phụ trách chương trình Phát Thanh của Cộng Đồng NVQGHK, hôm nay xin giới thiệu ông Đỗ Văn Phúc, Chủ Tịch Hội Đồng Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ sẽ trình bày về Sự Xâm Nhập Văn Hoá Việt Cộng
Ông Hiếu: Kính thưa ông Đỗ Văn Phúc. Kỳ phát thanh trước, chúng tôi đã có dịp phỏng vấn ông về việc tẩy chay hàng hoá độc hại của Trung Cộng, trong đó, ông có đề cập sơ về văn hoá phẩm Việt Cộng. Hôm nay xin ông nói rõ hơn. Trước hết, ông cho biết sự quan trọng của Văn nghệ trong chế độ CS.
Ông Phúc: Kính chào ông Đoàn Trọng Hiếu, kính chào quý thính giả Đài Phát Thanh Việt Nam. Chúng ta đã đối đầu với Cộng Sản hơn ba thế hệ. Nhưng có những bài học mà cần phải nhắc đi nhắc lại nếu không, chúng ta sẽ cứ tiếp tục sai lầm để nhường sân chơi cho địch. Chế độ CS xây dựng trên sự độc tài. Họ nắm và kiểm soát rất chặt chẽ mọi khía cạnh đời sống. Đặc biệt về thông tin tuyên truyền, giáo dục, văn hoá văn nghệ. Dù ngày nay họ có mở ra đôi chút về kinh tế tư nhân, nhưng tất cả mọi sinh hoạt văn hoá văn nghệ đều nằm trong sự chỉ đạo của đảng. Đó là vì mạch máu sinh tồn của đảng. Mọi sinh hoạt này trước hết phải phục vụ mục tiêu chính trị, dù về hình thức, có thể thay đổi nhẹ nhàng hơn để theo phần nào thị hiếu của quần chúng ngày càng mở mắt trước thế giới bên ngoài. Trước đây, văn hoá văn nghệ chỉ nhằm phục vụ chiến đấu và sản xuất. Không hề cho phép nhắc đến những tình yêu gái trai, gia đình mà CS cho là thứ tình cảm ủy mị của giai cấp tư sản.

Ông Hiếu: Sau này ở VN đã có nhiều bài hát tình cảm kia mà?
Ông Phúc: Đúng thế, Từ sau chiến tranh, tiếp xúc với Miền Nam, CS đã từng tìm cách hủy diệt nền văn hoá văn nghệ miền Nam nhưng thất bại. Nhất là từ những thập niên sau này, người Việt Nam đã mở rộng tầm nhìn ra các quốc gia tự do bên ngoài. Cộng Sản cũng phải thay đổi phần nào chứ. Nhưng rõ ràng trong cái chế độ độc tài, không phải là mảnh đất màu mỡ cho văn nghệ thăng hoa. Những sản phẩm văn hoá văn nghệ của họ hiện nay không mang chút hồn nào, mà chỉ là thứ tạp nhạp lai căng, lố lăng chỉ để ru ngủ thế hệ trẻ; làm cho họ quên đi tình tự dân tộc, lơ là trước vận mệnh tổ quốc.  Quên ngay cả đấu tranh cho hạnh phúc tự do của chính họ.

Ông Hiếu: Thưa ông, Cộng Sản Việt Nam có mưu mô xâm nhập văn hoá văn nghệ vào đồng bào hải ngoại, đó có phải là một phần trong Nghị Quyết 36 không?
Ông Phúc: Trong phần 3 của NQ 36 ngày 26-3, 2004 của Bộ Chính Trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, có hai khoản 5 va 6 (NGHỊ QUYẾT số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị ) nói đến “5- Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là chothế hệ trẻXây dựng và hoàn chỉnh sách giáo khoa tiếng Việt cho kiều bào, cải tiến các chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng Internet. Cử giáo viên dạy tiếng Việt tới những nơi có thể để giúp bà con học tiếng Việt. Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài. , Tổ chức cho các đoàn nghệ thuật, nhất là các đoàn nghệ thuật dân tộc ra nước ngoài biểu diễn phục vụ cộng đồng. Tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, vận động viên là người Việt Nam ở nước ngoài về nước biểu diễn, thi đấu, tham gia các đoàn Việt Nam đi biểu diễn và thi đấu quốc tế. Thường xuyên tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật, triển lãm, hội thảo, du lịch về cội nguồn.
6- Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước và chính sách của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài của đài phát thanh, truyền hình và Internet; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và kỹ thuật của các chương trình này. Hỗ trợ việc ra báo viết, mở đài phát thanh, truyền hình ở ngoài nước. Xây dựng thư viện trên mạng Internet để phục vụ cho người Việt Nam sống xa Tổ quốc. Hỗ trợ kinh phí vận chuyển và đơn giản hóa thủ tục đối với việc gửi sách báo, văn hóa phẩm ra ngoài phục vụ cộng đồng”
Việt Cộng có thể bỏ ra hàng chục triệu đô la để thực hiện ý đồ này cũng như ngày xưa, họ chi rất hậu hỉ cho vấn đề ngoại giao để thu phục sự ủng hộ của dân chúng các nước Tây phương.

Ông Hiếu: Ông có thể cho biết cụ thể, họ đã tiến hành ra sao?
Ông Phúc: Lịch sử tái diễn. Năm 1954, CS để lại hàng chục ngàn cán bộ ở miền Nam, lấy vợ sinh con ẩn nấp trong các làng mạc xa xôi. Thậm chí còn cà mòn hết răng, căng hai lỗ tai để hoà nhập vào các buôn người Thượng. Chúng cũng cho người đi theo các đoàn người di cư vào Nam đi lính, làm công chức leo cao trong chính quyền. Hai mươi năm chiến tranh, chúng ta đã phát giác biết bao nhiêu viên chức cao cấp trong quân đội và hành chánh là nội tuyến của CS. 
Thì sau 1975, chúng ta dư biết có rất nhiều cán bộ CS đã gài vào trong các chuyến vượt biên, các chương trình di dân nhân đạo, ngay cả HO, con lai. Họ có tính toán chiến lược đường dài nên đã cài người vào sẵn trong cộng đồng chúng ta. 
Chưa kể một số người trong cộng đồng tị nạn vì tham tiền, tham danh, hay vì mối liên hệ gia đình bên VN mà sẵn sàng tiếp tay với CS. Đó là những tên nội gián chờ cơ hội hoạt động khi có điều kiện. 
Những năm khi chúng tôi mới đến Hoa Kỳ, báo chí, đài phát thanh của người Quốc Gia tràn ngập. Nhưng rồi xuất hiện những tờ báo đáng ngờ do những người chưa hề có tên tuổi và kinh nghiệm làm báo. Nhưng báo in rất đẹp, bài vở súc tích với nhiều thể tài hấp dẫn đủ các giới, nhất là phụ nữ, thanh niên. Báo chí của người Quốc Gia khó cạnh tranh lại. Vì việc làm báo là việc tay trái sau khi phải lo sinh kế là chính. Vì không có tiền để tổ chức quy mô như một tờ báo chuyên nghiệp, nên bài vở nghèo nàn với đa số là các bài về chính trị khô khan, thiếu hấp dẫn đối với quần chúng thông thường.
Dĩ nhiên, trong thời gian đầu, các báo lạ này chưa đả động đến tuyên truyền thân Cộng, mà lại còn đăng các bài chống Cộng để lấy lòng tin. Ngoài ra, họ đăng những bài có kêu gọi tình tự quê hương như du lịch, ẩm thực, nếp sống... mục đích là làm cho người ly hương nhớ về quê nhà, làm sâu đậm thêm nỗi khắc khoải hoài hương. Chiến thuật tuyên truyền của VC cũng giống như cách họ làm binh vận ngày trước. Đó là đi từ nhẹ nhàng, có vẻ vô thưởng vô phạt. Rồi khi đã tạo cảm tình, họ sẽ từ từ đi vào đề tài chính.

Ông Hiếu: Thưa ông, có phải vì thế mà chúng ta luôn dè dặt, chống đối những ca sĩ từ VN qua hát ở Mỹ không?
Ông Phúc: Thưa ông Hiếu, Đứng ở góc nhìn bình thường, người ta có thể phê phán chúng ta quá khắt khe, đa nghi. Vì các ca sĩ VN có hát các bài tuyên vận đâu. Nhưng từ góc nhìn của những người từng đấu tranh chính trị với CS, thì đây là cách CS từ từ đặt chân vào ngõ, nhè nhẹ tiến vào thềm để có ngày xộc vào nhà chúng ta. Và lúc đó, thì rất khó xua đuổi. 
Chúng tôi từng thấy nhiều gia đình mở các chương trình thiếu nhi của VC cho con em tập hát muá. Thì cũng bướm vàng, cũng hoa tươi, cũng nhởn nhơ đến trường… Nhưng trong cái hậu cảnh là những lá cờ đỏ sao vàng thỉnh thoảng xuất hiện. Các em bé sẽ quen mắt và chấp nhận lá cờ đó dễ dàng. 
Chúng tôi đã thấy trên Facebook những video giới thiệu du lịch chùa chiền, mà mở đầu là sân chùa với hai lá cờ Phật Giáo bay song song với cờ VC.
Không đâu xa, tờ báo lớn nhất của người Việt tại Mỹ là Nhật Báo Người Việt. Tuy tự xưng là tiếng nói của người Việt Tị Nạn, đăng những bài chống Cộng nẩy lửa. Nhưng lâu lâu, đánh một đòn thâm độc khi đăng các bài mạ lị chính nghĩa Quốc Gia, đăng hình ảnh nhục mạ Quốc Kỳ VNCH, hay bài ca tụng CS. 
Không đâu xa, chúng ta đã thấy tập đoàn Thúy Nga Paris vừa cho ca sĩ mặc quân phục ca hát nhạc lính, vừa mò về VN dàn dựng chương trình. 
Không đâu xa, chúng ta từng thấy những ca sĩ VC được các bầu sô mới qua Mỹ hát tại nhiều địa phương. Muơi muời lăm năm trước, làm gì có hiện tượng này. Vậy có phải lỗi ở chúng ta đã thiếu cảnh giác và đã đặt cảm tính lên trên ý thức khi cứ xuề xòa: Có gì đâu mà các anh la toáng lên thế?
Chúng ta không quá nặng lời phê phán các ca sĩ từ VN qua Mỹ ca hát.  Họ cũng là người, nhất là giới nghệ sĩ, họ phải ước mơ đứng trước hàng ngàn khán giả dể trổ tài. Nhưng chắc chắn họ là những người lính văn nghệ tiên phong vô tình hay cố ý của CS trong mưu đồ xâm nhập hải ngoại.
Song song với văn nghệ, chúng ta đã thấy hiện nay ở nhiều trường Đại Học có các chương trình Việt Nam, Á Châu Học, và những người giảng dạy là các giáo sư tốt nghiệp từ Đại Học Quốc Gia ở Hà Nội. Các tài liệu đăng trên các trang web của trường là do Hà Nội cung cấp, đầy rẩy thiên kiến về lịch sử cận đại và chiến tranh VN, mang tìn tuyên truyền rõ rệt cho đảng CS.
Tại Đại Học Texas ở Austin, đã có một thầy giáo Hoàng Ngô từ VN qua dạy tiếng Việt cho sinh viên. Khi anh này đưa lá cờ đỏ sao vàng lên trang web của anh ta và cũng là của trường Đại Học, chúng tôi đã phản ứng mạnh. Nhưng rồi trong một cuộc họp, chúng tôi cũng bị các em sinh viên trách rằng các chú quá khắt khe. Vì ông thầy này có nói gì tuyên truyền cho VC đâu, ngược lại còn cư xử rất thân mật, hoà ái với các em. Các em sợ lớp học bị trường bỏ đi. Cách nhìn và đánh giá của các em sinh viên UT cũng là cách nhìn và đánh giá của nhiều bạn trẻ khi các bậc cha chú kêu gọi cánh giác trước những mưu đồ của CS. Đã có một trí thức thế hệ hai sinh hoạt trong tổ chức phiền trách chúng tôi là: Các chú nhìn đâu cũng thấy VC cả.”

Ông Hiếu: Ông có đề ra biện pháp nào để tránh sự phát triển của âm mưu này?
Ông Phúc: Theo tôi, chỉ trông cậy vào sự hiểu biết và ý thức của quần chúng.Nếu chúng ta còn mong một ngày xoá bỏ chế độ CS ở VN, giải thoát đồng bào khỏi nền độc tài chuyên chính, chúng ta phải chiến đấu tận tình trên mọi lãnh vực. Các vị từng chiến đấu trong quân ngũ hay phục vụ hành chánh phải dứt khoát nói “Không” với những tờ báo thân Cộng hay đáng nghi. Không mua, không đọc, không đăng quảng cáo, không viết bài đăng trên các báo này. 
Phải tiêu hủy hết những băng nhạc, CD, DVD của VN dù đó chỉ là các vở hài kịch, các tuồng cải lương. Nên ủng hộ tài chánh bằng cách mua các báo của người chống Cộng. Tuyệt đối không đi xem các chương trình có mặt những nghệ sĩ từng có tai tiếng làm lợi cho VC. Ví dụ Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Khánh Ly từng làm MC hay hát cho các buổi văn nghệ của lãnh sự VC và chương trình có ca sĩ VC. Có vị còn than thở rằng nếu không có Ngọc Ngạn Kỳ Duyên làm MC thì các bà không mua vé vào xem. À thì ra họ coi lợi nhuận, kinh tế là chính. Tại sao họ không thử một lần mời MC khác để xem các bà có đi không?
Nói sơ qua về ngôn ngữ, chúng ta phải cố gắng sử dụng ngôn từ của miền Nam trước đây, mà tẩy chay những từ ngữ do VC sử dụng bừa bãi, lố bịch. Dù lập lại với mục đích châm biếm cũng không nên làm thế.
Xin cám ơn ông Đoàn Trọng Hiếu và quý vị thính giả. Kính chúc quý vị mọi sự an lành.

No comments:

Blog Archive