Tuesday, February 10, 2015

Phố Đèn Đỏ Geylang

Tác giả: Trần Du Sinh

Chuyện kể về cuộc “kỳ ngộ” giữa mấy chàng chuyên viên Mỹ và hai kiều nữ từ Việt Nam lưu lạc vào khu đèn đỏ tại Singapore. Tác giả họ Trần, là một kỹ sư hàng hải, cư dân San Diego, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Mong ông tiếp tục viết.

* * *
Cho tới đêm hôm ấy, tôi chưa bao giờ chứng kiến một cảnh tượng tình yêu lâm li bi đát kiêm lãng mạn bay bổng. Khi đã thấy rồi thì lại tiếc là không có tài kiểu tiểu thuyết Quỳnh Dao để diễn tả. Thôi thì đành kể chuyện tình này theo lối văn chương "nướng trui", nói theo kiểu một cô bạn học cũ đặt tên cho cái khả năng văn chương nôm na của chúng tôi.

Số là bọn tôi rảnh rỗi sanh nông nổi. Những ngày làm việc ở Singapore với mấy đồng nghiệp Mỹ là những ngày nhàn cư vi bất thiện. Ăn uống nhậu nhẹt với mấy gương mặt cũ xì hoài rồi cũng chán, lại thèm đồ ăn Việt nên một ngày đẹp trời tôi rủ hai đồng nghiệp Mỹ xuống phố Việt ăn phở và nhậu vỉa hè, nơi có cháo ếch rô-ti và vài món nhậu Việt rất thấm thía.

Joo Chiat Road cũng là con đường nhỏ chạy ra Geylang, khu đèn đỏ có hàng ngàn phụ nữ Việt ăn sương đóng góp cho lượng kiều hối được hoạch định vào chính sách kinh tế hằng năm của chính phủ Việt Nam.

Con đường này về đêm khá nhộn nhịp, tựa con đường Thi Sách hay một con đường nhỏ ở Quận 3 Sài Gòn với nhiều quán nhậu ngoài vỉa hè. Ở đây có quán ăn Long Phụng đông nghẹt thực khách người Việt và Tàu Singapore. Đi với tôi là hai anh thanh niên Mỹ tuổi mới ngoài đôi mươi nhưng cả hai đều đã lập gia đình, nên đi chơi với họ đơn thuần là đi nhậu, vì ở Mỹ mà ăn chơi kiểu đàn ông Việt Nam gái gú thì họ có cơ hội ra khỏi nhà với cái quần xà lỏn như bao đàn ông Mỹ khác. Tính ra làm đàn ông Việt Nam cũng sướng, tự cho mình đặc ân ra ngoài chơi với bạn bè dưới danh nghĩa xã giao làm ăn, còn đàn ông Mỹ một khi kết hôn rồi thì đi đâu cũng có vợ bên cạnh, trừ khi đi kiếm tiền về giao nộp.

Đêm sắp tàn, đường phố vắng dần, bỗng xuất hiện hai cô em tóc dài sợi nhỏ, một cô ốm yếu mỏng manh như lá cỏ, bước vào. Một cô mỉm cười chào tôi. Tôi đáp trả bằng nụ cười xã giao, không ngờ hai cô trờ tới ngay bên cạnh, ngỏ ý muốn xin ngồi chung bàn. Vì không có bàn trống, hơn nữa thấy hai anh đồng nghiệp nhìn sững một trong hai cô, cái cô hơi có da thịt hơn một chút, nên tôi mời ngồi, và có ý định mời hai cô một bữa tối ăn chung cho vui.

Tôi mời hai cô gọi đồ ăn và kêu thêm bia Tiger. Hai cô rất tự nhiên, nói là ở Việt Nam mới qua, người Tây Ninh. Thấy tôi cười mỉm xã giao, kiểu không cần tin cũng không cần kiểm chứng, một cô chìa hộ chiếu màu xanh lá cây ra và chỉ con dấu là mới qua đây được ba ngày. Không khí trở nên vui vẻ hơn khi anh bạn Paddy tỏ ra thích thú với Quỳnh, cái cô hơi mũm mĩm, không đẹp nhưng cũng không xấu. Nhưng được cái là cô này hay cười và hơi nghịch ngợm một chút nên có thêm điểm nhí nhảnh.

Vì bận thông dịch giùm cho hai anh bạn nên tôi không để ý tia mắt nhìn của hai vệ tinh Mỹ vào một bóng hồng Việt Nam, hay chiều ngược lại. Cũng nói thêm là anh bạn kia, Alan, là người Philippine lai Puerto Rico, có thể gọi là đẹp trai ngang ngửa với ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo, cùng có chung giòng máu La Tinh, nếu không nói là có phần hơn về ngoại hình, vì anh chơi môn thể thao American Football ở đại học danh tiếng của Mỹ và không ngừng tập thể hình mỗi ngày. 

Anh chàng kia, tên Paddy, thì là Mỹ trắng nhưng nhỏ con như người Á Châu. Anh có khuôn mặt ưa nhìn với cái mũi thẳng như mũi Hi Lạp. Nhìn anh có vẻ đang say đắm Quỳnh nhưng anh vốn kiệm lời nên chỉ diễn tả qua ánh mắt. Paddy vốn là kỹ sư hạt nhân, dân kỹ thuật thuần chủng nên giao tiếp xã hội không phải là điểm mạnh. Anh cứ nhờ tôi dich qua tiếng Việt là "Youre so beautiful. I like your smile”, lặp đi lặp lại làm tôi cũng chán theo, tìm cách thêm mắm thêm muối cho đỡ chán, nhưng vẫn giữ ý chính để tôn trọng thân chủ.

Nhưng Quỳnh chỉ say đắm Alan, anh gốc Phi Luật Tân lai có nụ cười rất tươi. Phải chăng cô liên tưởng anh với Ronaldo của thế giới bóng tròn. Anh này thì vui hơn, nhờ tôi dịch vài câu tán tỉnh cũng khá vui nhộn.

Đêm rồi cũng tàn, chúng tôi chia tay về khách sạn, mỗi đứa bo mỗi cô hai chục đô kèm theo bữa ăn tối. Tưởng đâu niềm vui thoáng qua mau, chút phù du trong đêm vắng rồi sẽ phai mau.

Hai ngày sau chúng tôi làm tiệc chia tay Paddy để anh về Mỹ học khóa nâng cao về hạt nhân. Bữa ăn tối sang trọng với các Sếp ở sở làm cũng sắp xong, Paddy nói nhỏ với tôi là muốn về lại phố Việt lần cuối với giọng rất tha thiết. Tôi linh cảm có điều gì đó đợi chờ. Tôi đồng ý và rủ Alan cùng đi. Đến phố Joo Chiat khá trễ, cả ba lại không đói bụng cho lắm nên chúng tôi vào một quán bar để nhâm nhi thêm vài ve tạm coi là chia tay lần cuối.

Bước vào một trong hàng chục quán bar karaoke ở đây, chúng tôi lại đối mặt Quỳnh và cô bạn gầy gò hôm nọ. Paddy mừng rỡ như trúng độc đắc, anh không còn ngần ngại nữa, nhờ tôi gọi hai cô lại và liên tục hỏi thăm Quỳnh. Trong khi đó Quỳnh cũng rất vui khi gặp lại chúng tôi, và chạy hẳn qua phía Alan đùa nghịch. Alan gọi một chai Jack Daniels để uống. Chúng tôi vui say như thể chưa bao giờ vui như thế, và kêu thêm chai thứ hai mà không nhớ khi nào.

Alan đã không còn kiêu kỳ như mọi ngày, anh cũng bắt đầu say mê Quỳnh không kém Paddy. Lúc này Paddy không nói gì, thu vào góc tối nên tôi càng không để ý, vì đang say mê với karaoke. Khi từ sân khấu nhỏ về lại chỗ ngồi, Alan nhờ tôi nói với Quỳnh là hãy đến bên cạnh Paddy để Paddy được vui, vì ngày mai chúng tôi chia tay rồi. Rồi Alan bước ra bàn bida chơi và được rất nhiều cô bu lại chọc ghẹo. Có lẽ Alan sáng sân khấu vì xung quanh anh là những khách trung niên người Hoa đến đây để mua vui, còn Alan lại hiện thân của tuổi trẻ sung sức, tràn đầy nhiệt huyết và nóng bỏng với thân hình lực sĩ.

Quỳnh nghe lời tôi đến tiếp chuyện và uống rượu với Paddy. Lúc này tôi thật sự bận rộn vì Paddy bắt đầu nói liên tục, khác hẳn tính kiệm lời thường ngày. Có lẽ tối nay là đêm cuối cùng. Anh nhờ tôi thông dịch rất nhiều để hỏi thăm thêm về cuộc sống của Quỳnh.
Alan trở lại bàn bỗng nhìn thấy ánh mắt giận dữ của Quỳnh, anh nhờ tôi hỏi nguyên do. Té ra cô bé bị tổn thương là bị Alan coi thường là gái gọi nên đá cô qua cho Paddy. Cô nhìn Alan bằng ánh mắt căm hờn, đòi uống nhiều rượu hơn nữa, nhưng có vẻ cô chưa rành nghề, liên tục lấy tay che miệng như thể sắp buồn nôn.

Paddy nhờ tôi khuyên cô đừng uống, vì sợ cô mệt. Anh tỏ ra ân cần và yêu thương rất mực. Alan lúc này lại buồn, nói với tôi là anh chỉ vì không muốn bạn thân của anh buồn nên nhường Quỳnh cho Paddy. Chứ anh rất thích ngồi bên cạnh Quỳnh. Alan và Paddy là hai bạn thân ở đại học, cùng học Vật Lý Nguyên Tử ở một trường đại học nổi tiếng.

Cuộc đời có nhiều cái bất ngờ, bất ngờ đến nỗi tôi cũng không biết phải nói hay làm cái gì cho đúng. Quãng thời gian sau đó là chuỗi những mớ bòng bong quấn vào nhau và tôi cũng không nhớ mình đã chuyển ngôn những gì.

Quán bar đóng cửa, chúng tôi là những người cuối cùng rời quán. Ra đến đây Quỳnh bỗng òa khóc, nói là thấy nhục nhã cho cái nghề này, ai cũng coi thường, ai cũng không tin cô. Và điều bất ngờ đến kinh ngạc, cả hai Alan và Paddy cùng ngồi khóc. Cả ba người ngồi bệt xuống lề đường khóc ngon lành như ba đứa trẻ, và hình như chưa có ai say xỉn đến mức không biết mình đang làm gì.

Paddy nói với tôi là tại sao một cô gái xinh đẹp hồn nhiên như vậy mà phải làm nghề này kiếm sống. Còn Alan thì nói với tôi là anh chỉ muốn bạn anh vui, rất thích Quỳnh nhưng không thể vì đã có vợ, anh ân hận là đùa giỡn tình yêu với Quỳnh. Cho dù tôi có nói khản cả giọng, nói đây là giây phút thoáng qua, là sự cảm thông số phận, là vì ai cũng say hết nên mới vậy nhưng cả ba đều ôm mặt khóc ngon lành.

Tôi gọi taxi đưa hai người bạn ra về. Hai anh thanh niên gục ngã ở băng ghế sau khóc nấc lên từng hồi. Trong tiếng nghẹn ngào của Paddy có chữ "why" mà có lẽ tôi sẽ không trả lời được trong lúc này. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy hai người đàn ông khóc vô tư như vậy, điều mà đàn ông Á Châu rất ngại, cũng bởi vì Nho giáo của Tàu nó buộc với câu "Nam nhi thà rơi máu chứ không rơi lệ" nên thành ra cứ gồng, cứ đóng kịch trong những phút giây yếu lòng. Paddy, một thanh niên Mỹ trắng lớn lên ở miền quê Oklahoma thì làm sao hiểu được cuộc sống phức tạp của những cô gái nghèo Châu Á phải kiếm sống bằng vốn tự có của mình. Mấy cô lớn lên ở nơi kiếm ăn một ngày ba bữa không là chuyện dễ dàng, và khi chữ hiếu còn đè nặng trên đôi vai gầy mỗi khi cha mẹ ốm đau không tiền thuốc thang. Còn anh Alan vốn hào hoa phong nhã đâu có hiểu là vẻ thanh lịch đẹp trai của mình, cùng với phong cách ga-lăng kiểu Mỹ, có thể gây họa cho thiếu nữ mới lớn Á Châu như vậy.

Chuyến taxi về khách sạn trông giống như một đám tang cho một cuộc tình tay ba vô vọng, một chút bèo dạt mây trôi ngẫu nhiên trong đời. Chỉ có tôi là tỉnh queo, dường như đã quen với những kịch bản tình yêu giữa đời thường.

Thế mà hai hôm sau, khi Singapore đã thuộc về quá khứ, nhìn nét buồn man mác trong ánh mắt vô hồn của Alan, tôi lại thấy nhói lòng. Lẽ nào tình yêu ngây thơ của bộ ba này đã nhiễm qua mình. Tôi thầm nghĩ, phải chi mình là Quỳnh Dao để ghi lại những ngang trái này được trọn vẹn hơn, phải chi mình cũng có được một trái tim yêu giống hai anh chàng này, hay ít ra cũng được như nhạc sĩ Đức Huy với câu: "Nhưng anh ước gì mình gặp nhau lúc em chưa ràng buộc và anh chưa thuộc về ai" để tặng cho con tim đang thổn thức của hai anh chàng Mỹ tinh khôi này.

Nhân lúc rãnh rỗi, tôi hỏi thăm Alan về chuyện vợ con. Vợ anh là cô bạn học từ thời phổ thông, cái mà người Mỹ gọi là "highschool sweetheart" để nói về người vợ là mối tình đầu thời đi học. Hai người quen nhau đã gần chục năm và mới tổ chức đám cưới năm ngoái. Cả hai là người Công Giáo nên có nhiều ràng buộc sau khi đã gần gũi nhau. Hai bên gia đình cũng quen biết nhau vì đi lễ Nhà Thờ chung. Nói chung thì hôn nhân của Alan có vẻ gọn gàng suôn sẻ, thu nhập của cả hai đều trên mức sống trung bình của người Mỹ. Cũng có lẽ vì quá gọn gẽ nên đôi khi cũng thiếu đi chút lộn xộn của cảm xúc. 

Quỳnh đã mở ra cho Alan một khung trời mới của sự lãng mạn, của ngang trái trong tình yêu mà người hay thắng cuộc như Alan không hề biết đến trước đây. Vừa muốn thử cảm giác mới vừa muốn làm người chồng chung thủy. Alan đã run người khi nghĩ đến một chút phiêu lưu hôm đó. Quả thật, trong lúc mọi người không để ý, Alan đã đi theo Quỳnh ra ngoài tâm sự vài phút ngắn ngủi, lúc đó Quỳnh đã cố hôn môi Alan nhưng anh chàng né đi, chỉ để môi kia chạm vào má. Sau này nghe Alan kể lại với giọng nuối tiếc, tôi đã hiểu hơn về những giọt nước mắt của hai người. Người hối tiếc người bị tổn thương, hai dòng nước mắt tưởng đâu hòa vào một nhưng hóa ra lại có bí mật riêng của nó.

So với Alan thì Paddy cũng có chút tương đồng. Anh quen vợ vào năm cuối đại học, viễn cảnh chia tay bạn gái ở tiểu bang xa để về lại với gia đình đã đưa Paddy đến quyết định hơi vội vã, vì chỉ có cưới nhau mới tiếp tục ở gần nhau. Hơn một năm sống chung, Paddy nhận ra là mình quá vội, nhưng vẫn chăm lo cái mái ấm vừa mới xây có có màu u ám. Paddy buồn và ít nói cũng từ ngày đó, chứ ngày xưa anh cũng rất náo động không kém những cậu bé thông minh khác.

Vì không thân với Paddy nên tôi hỏi Alan có nhận email của Paddy từ ngày ấy hay không. Alan lắc đầu. Tối về, tôi viết vài dòng thăm hỏi Paddy và vợ con anh. Chỉ vài chục phút sau tôi nhận được hồi âm. Paddy nói: "Cám ơn anh đã hỏi thăm tôi. Vợ tôi mới sanh con trai. Nó rất kháu khỉnh. Bây giờ tôi đã làm cha. Tôi biết là mình phải có trách nhiệm hơn với gia đình. Nhưng tôi vẫn muốn nói rằng, hai đêm ở Geylang là những khoảnh khắc mà tôi sẽ không bao giờ quên trong đời. Đó là bí mật của đời tôi. Tôi không hề hối hận là đã quen cô gái Việt Nam kia. Tôi đã học được một điều là, cuộc sống không hề dễ dàng ở một nơi khác trên trái đất này. Tôi trân trọng tình cảm của mọi người, và một lần nữa, tôi không hề hối tiếc là đã gặp cô ấy. Nếu có gặp lại cô ấy, xin anh hãy chuyển lời là: với tôi, cô ấy đẹp nhất trên đời, cho dù cô ấy làm nghề gì đi nữa."

Paddy không hề hối tiếc khi gặp một cánh hoa lưu lạc ở xứ người, nơi phố đèn đỏ Geylang của Singapore. Tình yêu sét đánh đâu phải lỗi nơi ai.


No comments:

Blog Archive