Wednesday, February 18, 2015

Văn Quang - Viết từ Sài Gòn ngày 09.2.2015

Ngày cuối năm với bạn bè

Tết Nguyên đán là dịp đoàn viên, tụ họp anh chị em trong gia đình, sui gia và hàng xóm láng giềng, bạn bè gặp nhau. Những này trước Tết là những ngày tất niên hầu hết các công tư sở thường có buổi tiệc Tất Niên. Đôi khi có những người bạn thân mật hơn, họp mặt trong một gia đình nào đó cùng nhau thù tạc “chén chú chén anh”.

Sở lớn làm tiệc tùng ở những nhà hàng, khách sạn sang trọng, sở nhỏ làm ở quán bình dân, có khi làm tiệc tất niên ngay ở vỉa hè. Cứ sau giờ tan sở là quán xá bắt đầu nhộn nhịp, nhiều dẫy bàn ghế xếp ngay bên đường, các cô các cậu còn nguyên đồng phục kéo nhau đến ăn tất niên rất rộn rã, những tiếng “dzô, dzô” ầm ỹ, rượu vào lời ra cứ như chỗ không người. Lúc đó quên hết mọi ưu phiền trong năm vừa qua, cố đi tìm một hy vọng cho năm mới sắp tới dù chưa biết cái hy vọng nhỏ nhoi đó là gì.

Thời nay có nhiều gia đình có thân nhân ở nước ngoài về VN với nhiều lý do khác nhau, nhưng hầu hết là muốn thăm gặp lại những người thân, thăm viếng mộ tổ tiên hoặc mấy ông bà già đưa con cháu “thế hệ thứ hai thứ ba” về cho biết “cái xứ VN là như thế nào”.

Trong bài trước tôi đã viết: “Riêng cánh già chúng tôi, những ngày cuối năm ở Sài Gòn, thường là có bạn bè ở nước ngoài về ghé thăm hoặc “a lô” hẹn nhau ở quán cà phê nào đó rồi kéo nhau ra “đấu láo” chuyện xa xưa, chuyện bây giờ, kẻ còn người mất. Nhiều chuyện cũng “lâm ly” lắm, những lúc đó mới thật sự biết rằng cuộc đời còn đáng sống. Nếu bạn sống ở Sài Gòn như tôi, suốt một năm chỉ muốn nằm nhà, muốn “nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt” cho xong chuyện đời mới thấy được niềm vui hội ngộ ấy như thế nào”.

Bài này xin kể cùng bạn đọc đôi nét riêng tư về những cuộc hội ngộ ấy, gọi là chút tậm sự, ghi lại vài kỷ niệm vào cuối năm nay để bạn đọc cho vui trong những ngày cuối năm và thông cảm với “cánh già”.

Nếu kể tất cả những người bạn có may mắn ra nước ngoài định cư về thăm tôi từ mấy năm qua thì quá nhiều. Bạn đồng đội, bạn làm báo, bạn ca nhạc sĩ, bạn “giang hồ”, bạn tù mà chúng tôi gọi là “bạn cùng chung một mối căm hờn trong cũi sắt”, tôi không thể kể hết. Tôi chỉ còn biết cảm tạ những tấm lòng của các bạn đã nghĩ đến “người ở lại”. Ở đây tôi chỉ kể đến vài người bạn tôi đã gặp vào dịp cuối năm nay.

Quán café bên Hồ Con Rùa

Trước hết là gia đình ông tu bíp Hà Xuân Du đưa con cháu về VN trong kỳ nghỉ cuối năm. “Phái đoàn” của ông có tới gần 10 người đi từ Nam ra Bắc. Khi con cháu về Mỹ trước, ông bà ở lại thêm vài ngày thăm bạn bè. Bạn của ông hầu hết là gia đình không quân còn ở lại VN. Hai ông bà đến thăm nhà tôi trên cái chung cư cũ rích nghèo nàn “muôn năm cũ”, hôm sau ông còn hẹn tôi ra quán café “Nghệ Thuật” bên Hồ Con Rùa để “tâm sự lẻ”. Chúng tôi tôi chọn quán này vì không có những chân dài phục vụ nên vắng luôn cả những cô cậu choai choai, đầu tóc như tài tử Hàn Quốc, nhạc khua ầm ỹ.

Quán này hầu như chỉ có những người đứng tuổi vào đây. Chúng tôi nói đủ thứ chuyện “bên này bên kia”, ai sống thế nào, cuộc đời dâu biển ra sao. Nhờ đó có thể biết tin tức khá chính xác về hầu hết bạn bè xưa cũ. Kẻ còn người mất với nỗi ngậm ngùi, niềm nhớ nhung thương tiếc vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức, có những kỷ niệm tuy nhỏ nhặt nhưng không thể phai mờ. Ngồi từ 9 giờ sáng, mãi tới 12g trưa quên cả đường về, mới chợt nhớ đã ngồi “ám quẻ” chủ quán quá lâu.

Rồi cách đây vài hôm, Mai Bá Trác, gọi cho tôi cho biết đang ở Sài Gòn nhưng tất nhiên là “cậu Ba” còn về Đà Nẵng thăm mấy chục mẫu đất xưa. Thế nên chúng tôi đặt cho cái nick name “Cậu Ba Đà Nẵng”.

Ngay sau đó là “thần đồng âm nhạc”… bây giờ đã có râu Hoàng Thi Thao cũng hiện diện tại Sài Gòn. Ông này quên địa chỉ mail của tôi nên phải “meo” về Mỹ hỏi ông Tạ Quang Khôi số điện thoại. Ngay hôm sau ông gọi lại và 2 chúng tôi lại hẹn nhau ở quán Nghệ Thuật, vẫn chuyện ca nhạc sĩ sống ra sao, chuyện đá banh, chuyện tennis. Ông khoái nữ danh thủ quần vợt Ana Ivanovic đẹp chín, dịu dàng; tôi khoái cô bé Bouchard của Canada trẻ khỏe, xinh đẹp như minh tinh màn ảnh. Nhưng chúng tôi cùng chung một nhận định là xem tennis bây giờ giảm thú vị rất nhiều vì giải lớn nào cũng vào tay mấy đàn anh đàn chị như Djokovic, S.Williams.
Nhưng câu chuyện tôi muốn kể với bạn đọc hôm nay, đó là chuyện một bài thơ cũ với những con người mới.

Chuyện về bài thơ cũ

Hôm sau anh Hoàng Khởi Phong vừa về Mỹ trở lại VN, anh hẹn tôi ở quán café Gió Bắc, cũng lại bên Hồ Con Rùa. Biết có Hoàng Thi Thao ở đây nên anh “a lô” cho Thao ra chơi. Thao nói ngay vừa ở quán Nghệ Thuật về đến phòng ngồi với bạn, nhưng rồi anh em cũng kéo nhau ra ngồi “đấu láo”. Trong lúc nhắc đến bạn cũ, Hoàng Khởi Phong hứng chí đọc ngay một bài thơ xưa mà anh cho là rất thú vị đối với anh. Tối về nhà, tôi vẫn còn thấy dư âm bài thơ như còn vương vấn đâu đây. Hôm sau tôi gửi “meo” nhờ anh HKPhong chép lại cho tơi bài thơ này, anh viết thư trả lời:

“Anh Văn Quang và anh Hà Huyền Chi thân,
Bài thơ này có nhan đề là Hỏi Mộ, của anh Hà Huyền Chi mà tôi đọc lần đầu trong tập thơ Saut Đêm, xuất bản vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Đó là một bài thơ dài hơi, nói về cuộc tình của một cô nữ sinh trong trắng, yêu một người lính Nhẩy Dù. Phần tôi đọc cho anh Hà Huyền Chi nghe cách đây cỡ hai chục năm, và đọc cho anh Văn Quang nghe mới cách đây vài ngày là phần cuối của bài thơ này. Tôi chép ra đây để mong là anh Hà Huyên Chi có thể tìm lại đưọc nguyên bản. Đoạn cuối ấn tượng đến độ gần năm chục năm sau tôi còn nhớ đầy đủ, những đoạn đầu chỉ nhớ lõm bõm mà thôi”.

Tôi lại phôn cho HKPhong và nói ngay: “Thằng này là bạn chí cốt của tôi đấy ông ạ, để tôi meo cho nó gửi cho tôi nguyên con bài thơ đó”.

Thế là hôm sau tôi “meo” cho Hà Huyền Chi và được trả lời ngay. Nhưng bạn tôi viết kiểu chữ như chữ Ả Rập. Tôi phải cho vào trang web “chuyển đổi font chữ Việt online” để đổi mã mới đọc ra chữ:

“VQuang,HKPhong thân,
A/ Máy hư ko bỏ dấu được.
B/ Tay hư ko viết dài được (stroke).
C/ Bài Hỏi Mộ tao viết, có vài kỷ niệm vui sẽ kể sau.

Thì ra bạn tôi vẫn còn bị ảnh hưởng của cú stroke, tay chân còn loạng quạng. Tôi không phải giới thiệu thêm về bài thơ này, bởi bài thơ đã là một câu chuyện tình rất lãng mạn, rất đẹp và rất buồn và chỉ có thể là của một người lính và ra đời trong cuộc chiến của người lính VNCH. Mời bạn cùng đọc:

HỎI MỘ (Thơ Hà Huyền Chi – 1963)
Khi con chim đầu đàn chập chững bay xa
Để lại đằng sau đôi cánh mỏng
Những tiếng khóc em thơ
Những tóc trắng mẹ già
Chuyến độc hành ngày xưa đã trôi vào kỷ niệm
Mang tâm tình của một chàng lính chiến
Nhớ quê hương, thèm những phút giao tranh.
Có một người con gái băng trinh
Tuổi mười sáu, chưa xa lìa sách vở
Yêu phượng đỏ, yêu luôn mầu Mũ Đỏ
Hồn say mê theo dõi bước quân hành
Người con gái học trò
Men yêu vừa độ nở
Gối mộng cuồng si, đêm đêm thầm nhớ
Bóng dáng người yêu qua những canh dài
Và vẫn bâng khuâng lo sợ
Mỗi lần nghĩ đến tương lai.

Nhưng tình yêu của hai người
Không vì núi sông ngăn cách
Người lính Nhảy Dù sau những lần
hăng say đuổi giặc
Vẫn nhớ về đôi mắt người xưa
Và những nụ cười sao vỡ
Chiếc dao găm long chuôi
Mấy lần ghim trong xác địch
Giờ khắc sâu vào lòng đá lời nguyền
“Cho đến bao giờ cũng chỉ một mình em.”
Người con gái học trò quên dần sách vở
Miệt mài chép những thơ yêu
Cuộc sống hai người thơ mộng biết bao nhiêu
Nhưng người chiến binh nghèo
Cay đắng ngậm mối tình dang dở
Lần đầu tiên cầu hôn
Gia đình nàng từ chối
Người lính Nhảy Dù ôm mối buồn cô độc
Xin đổi đi xa
Cuộc sống âm thầm nơi hành lang biên giới
Mang theo niềm thương yêu vời vợi
Lời thề xưa trong nếp đá chưa mờ.

Người con gái học trò
Bây giờ mười chín tuổi
Lớn lên bằng tình yêu
Bằng những đau thương hờn tủi
Ba năm dài sống trong vô vọng
Viết hoài thư yêu rồi lại xé đi
Rồi một ngày kia
Người con gái không nguôi niềm thương đau
Nàng đi tìm người yêu cũ
Đẹp làm sao con đường
những kẻ yêu thương đang tìm về nhau
Chiếc cổng đồn rêu phủ
Giữa những hàng dương cao
Cuộc hành trình đã đến ga cuối cùng
Một nghìn hai trăm cây số
Từng bước chân ngập ngừng
Nói lên nhiều thương nhớ.
Nhưng rồi người con gái học trò
Ôm mặt mình nức nở
Vì người yêu không về
Không bao giờ về nữa
Cuộc hành quân sáng nay
Người lính Nhảy Dù đã đền xong nợ nước.

Người con gái cúi đầu lặng bước
Mái tóc tả tơi chiều gió bay
Con đường vào nghĩa địa
Không một vòng hoa trên tay
Bóng nhỏ đổ dài, hoàng hôn lịm chết
Hình ảnh người yêu ba năm về trước
Nhòe giữa bờ mi nước mắt đầy.
Người gác nghĩa địa sau một ngày mệt mỏi
Đã bỏ về uống rượu giải phiền
Nàng đi một mình âm thầm
giữa những hàng mộ mới
Bia vô tình chưa kịp khắc họ tên
Nàng hỏi mộ, không mộ nào chịu nói
“Anh đâu rồi, sao chẳng trả lời em?”
Nàng hỏi mộ, không mộ nào chịu nói
“Anh đâu rồi, sao chẳng trả lời em?”
Lời nguyền xưa gửi vào lòng huyệt tối.

(Trích trong tập “Saut Đêm”)



Người lính nhảy dù Hà Huyền Chi, nay vẫn còn là “ông lão nhảy dù”

Thưa bạn đọc,
Hà Huyền Chi vốn xuất thân từ binh chủng nhảy dù, sau năm 1963 anh mới chuyển sang ngành Tâm Lý Chiến và làm trưởng Phòng Ấn Họa. Anh sáng tác bài thơ đó lúc anh còn là lính nhảy dù, khoảng 50 năm trước. Tôi muốn hỏi anh người con gái trong thơ là ai, nhưng thiết nghĩ điều đó không còn quan trọng nữa. Hãy cứ hình dung ra đó là một nữ sinh trường Trưng Vương, Gia Long hay Đồng Khánh…


Xin hãy tưởng tượng cô gái trong bài thơ có thể là cô gái áo trắng,
hay cũng có thể là cô gái áo tím???

Bây giờ cô có thể đã yên phận bên một gia đình mới, gửi chuyện tình đầu đời vào “lòng huyệt tối” và cái “huyệt tối” đó nằm tận cùng trái tim thiếu phụ, không muốn tiết lộ tên thật. Cuộc đời này có biết bao nhiêu mối tình đầu tan vỡ, nhưng không nhẹ nhàng như TTKh, chuyện “hỏi mộ” quá đặc biệt bởi cái tính cách sâu đậm, âm thầm không kém phần cuồng nhiệt. Cái thời mà các “em gái hậu phương thương anh trai tiền tuyến” nói lên giá trị của người lính VNCH đối với người dân còn vang vọng mãi cho tới ngày nay. Câu chuyện tình và hình ảnh trong thơ đẹp như một huyền thoại. Với tôi, đó là một bài thơ chỉ có thể có trong thời chiến, nhưng hay trong mọi thời đại.


Bìa một trong hàng chục tập thơ của Hà Huyền Chi

Về tác giả Hà Huyền Chi, anh đã có hàng ngàn bài thơ trong hàng chục tập thơ đã xuất bản và có tới 80 pps do anh Hy Văn trình bày. Những nhà văn nhà thơ quân đội VNCH, mỗi người có một sắc thái riêng. Người ở không quân, hải quân, người ở bộ binh làm toát lên những màu sắc riêng của mình như Phan Nhật Nam với “mùa Hẻ đỏ lửa” còn sống mãi với thời gian. Với Hà Huyền Chi có hàng ngàn đoản khúc, nhưng chỉ có người lính nhảy dù mới có thể có những rung cảm thật đặc biệt như thế này:

“…Thân tàu mây vương lắc lư đường trăng
Tôi tìm đâu đây một vết sao băng
Ðể nghĩ về em nhiều đêm không ngủ
Bóng gày ưu tư đôi mắt thâm quầng

Ðiếu thuốc truyền tay gắn trên môi nhau
Mắt thoáng âu lo nhìn cuối thân tàu
Ngọn đèn màu-xanh-yêu-tinh vụt sáng
Từng hồi chuông ngân rờn rợn da đầu

Vòm trời ngả nghiêng loáng chân mây xa
Ô hay tàu trôi theo sông Ngân Hà
Phóng mình tôi bay qua khuôn cửa nhỏ
Nghe mình chơi vơi lưng dù nở hoa ..."
(Trích trong tập Saut đêm)


Hà Huyền Chi trong phim “Người tình không chân dung”

Chỉ người lính nhảy dù mới trải qua những cảm xúc ấy và với tôi, thơ Hà Huyền Chi hay nhưng chỉ có những bài về người lính nhảy dù là xuất sắc hơn tất cả. Bài thơ đầu tiên của anh được giới thiệu trong bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa năm 1960. Thời đó, anh cùng tôi viết trên nhiều nhật báo và tuần báo ở Sài Gòn. Anh cũng từng đóng vai người lính trong phim “Người tình không chân dung” của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc.

Tôi sẽ giới thiệu kỹ hơn về Hà Huyền Chi trong tập “Viết về bạn bè” cùng với những kỷ niệm giữa anh và tôi cùng nhiều bạn hữu sẽ do nhà xuất Tiếng Quê Hương ấn hành vào một ngày gần đây.

Ngày cuối năm được gặp lại bạn bè là một hạnh phúc lớn với tôi rồi, chẳng còn mong gì hơn nữa. Năm sau chẳng biết có được gặp lại không.

Nhân dịp này kính chúc quý bạn đọc cùng gia quyến một năm mới AN KHANG – MAY MẮN – HẠNH PHÚC.

Văn Quang – Ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Ngọ (12. 02. 2015)
~~~~~~~~~~~~~~~~~

* Trang bài viết của Nhà văn Văn Quang

No comments:

Blog Archive