Friday, February 20, 2015

Chuyến xe đò chiều 30 Tết 
Monday, February 16, 2015 11:44:14 AM 

Phạm Phong Dinh

Ngồi trong phòng trực của sở làm mà Trình có cảm giác trong lòng chàng đang hừng hực dậy lên một ngọn lửa xốn xang. Chiều 30 Tết, chỉ còn có mỗi mình Trình cùng với chiếc bàn giấy rộng thênh thang. Ngoài kia, đằng sau cánh cửa sắt, tiếng xe cộ chạy trên đường ầm ì vọng vào, nhưng ở bên trong là một thế giới hoang vắng và im lìm. Vì chẳng còn ai cả, ngoài mỗi Trình đang còn ngồi gặm nhắm nỗi quay quắt giữa một buổi trưa buồn. Trình thật quá xui xẻo, bởi chàng bắt thăm trúng phiên trực cuối năm.

Mấy năm trước, Trình may mắn thoát cả, những lúc ấy chàng hân hoan thơ thới xách va-li về quê ăn Tết, trong nỗi đau khổ của một gã đồng nghiệp kém may mắn dõi mắt thèm thuồng nhìn theo. Nhưng năm nay, thì chính chàng phải nếm vị đắng của cái sự gọi là trực sở cuối năm. Trình cứ nhìn mãi lên chiếc đồng hồ tròn treo trên vách. Nó muốn trêu ghẹo chàng hay sao chứ, mà những cái kim dường như vẫn cứ đứng ì một chỗ không chịu chuyển động cho. Không khéo Trình kẹt lại ở Sài Gòn và ăn Tết trong nỗi cô quạnh giữa chốn phồn hoa này mất.

Ngày 29 Tết, Trình đã bùi ngùi đứng tựa cửa phòng trực nhìn bọn bạn hớn hở người xách cặp táp, kẻ xách va-li ngồi chất lên mấy chiếc xích lô máy sình sịch chạy ra ngoài bến xe miền Tây và miền Ðông. Ðứa về Cần Thơ, thằng ra Nha Trang. Tuy rằng chính phủ chỉ cho nghỉ từ ngày 30 Tết cho đến hết mùng Hai, nhưng trưa ngày 29 sở của Trình đã vắng như một ngôi nhà ma, các quan lớn quan nhỏ đều đã đua nhau biến mất hết một cách thần tình, mà chàng biết chắc có gã mãi đến mùng Bốn Tết mới lò dò đến làm, nại cớ ở xa vào trễ.

Ðiều an ủi duy nhất cho Trình là chú Tư tùy phái vẫn còn ở lại tử thủ với chàng trong những phút giây buồn thiu này. Chú Tư người ở Sài Gòn, nên chú không phải bận tâm chút nào chuyện chú phải đóng cửa sở chiều ngày 30 Tết. Chú đi một vòng sổ kiểm soát lại tất cả cửa nẻo, để chắc chắn rằng chúng đã được khóa. Trông thấy Trình đang ngồi buồn, đôi mắt nhìn chăm chăm vào chiếc đồng hồ, chú Tư chặc lưỡi:

- Xế chiều rồi, thầy dọt đi chớ?

Trình tỏ vẻ ngại ngần:

- Trên nguyên tắc thì phải bốn giờ mới dông được.

Chú Tư bước vào ngồi xuống ghế móc bao thuốc Ruby ra:

- Thầy hút đỡ buồn, quê thầy ở đâu?

Trình đón lấy một điếu thuốc thở dài:

- Phan Thiết...

Chú Tư vỗ đùi kêu lên:

- Thôi chết, thầy phải đi ngay mới kịp, kẻo lỡ chuyến xe đò cuối cùng...

Trình bật dậy như một cái lò xo:

- Liệu có còn kịp không chú Tư?

- Kịp, chuyến cuối cùng thường là lúc hai giờ. Ðể tui lấy chiếc Mobylette chở thầy ra bến xe.

- Nhưng...

- Chẳng nhưng với nhị gì hết, mọi chuyện ở đây thầy để tui lo cho. Thầy muốn ngủ trong sở với ma hay muốn về Phan Thiết ăn Tết?

Thật may mắn cho Trình, chiếc mobylette của chú Tư hằng ngày cà rịch cà tàng như một con ngựa già, vậy mà hôm nay nó phóng phom phom trên con đường Hồng Thập Tự dẫn ra bến xe miền Ðông đường Petrus Ký như một con ngựa non đang sung sức. Ngày cuối của mùa Ðông chuẩn bị bước sang mùa Xuân, một chút gió bấc lạnh hiu hiu lướt trên những táng cây me dưới ánh nắng đẹp như những chùm tơ vàng của buổi trưa. Xe cộ trên đường phố dường như có vắng đi một chút, nhưng con người có vẻ hối hả hơn, vì ai cũng muốn kịp trở về nhà trong đêm giao thừa. Thỉnh thoảng Trình trông thấy những chiếc xe gắn máy chạy vù qua, những con người ngồi phía sau đang ôm trong lòng những nhánh mai đang nở hoa vàng ối, hoặc là những cái giỏ giấy màu đỏ chói đựng đầy những hộp bánh mứt. Trên hè phố, bọn trẻ con đang xum xít nô đùa trong tiếng reo cười rộn rã, làm Trình chợt nhớ đến đàn em của chàng ở quê nhà. Chắc là chúng đang trông chờ anh trai mang thật nhiều quà về.

Chú Tư tấp vào quầy vé Phan Thiết bên cạnh một chiếc xe đò năm mươi chỗ ngồi đang nổ máy giòn giã. Trình ôm chiếc va li nhỏ nhảy xuống móc bóp ra mua vé. Chú Tư ngồi trên yên phì phà điếu thuốc kiên nhẫn chờ đợi, để biết chắc rằng Trình mua được vé và lên xe về quê. Trình nắm lấy bàn tay chú cảm động:

- Cám ơn chú Tư nhiều lắm. Thôi chú về kẻo thím Tư trông. Cháu chúc gia đình chú năm mới nhiều may mắn, ước gì được nấy, ước tài được tài, ước lộc được lộc, vạn sự như ý...

Chú Tư cười hà hà:

- Ít thôi thầy ơi... Nhiều quá ăn không hết.

Anh lơ trẻ nhảy lên đứng chỗ cửa xe gào to:

- Mời hành khách lên xe, tài chót Phan Thiết cô bác ơi.

Chuyến xe đò chiều 30 Tết chỉ lơ thơ không quá một phần ba số người đi, nhưng bác tài xế và anh lơ là dân Phan Thiết, dù cho chạy không khách, họ cũng phải đem xe về Phan Thiết. Bởi thế, Trình không cần nhìn số ghế, chàng chọn một chỗ tốt nhất gần cửa, để chàng có thể đặt chiếc va li dưới lườn ghế mà vẫn duỗi chân được thoải mái. Chiếc xe đò bỗng nổ một tràng âm thanh đầy háo hức, một quầng khói trắng nồng nặc mùi xăng bốc lên mù mịt. Chiếc xe rướn mình tới trước sắp sửa lăn bánh, rồi lại lùi về chỗ cũ, như một con chiến mã đang lấy thế khởi hành. 

Trình khoan khoái nhìn ra khung cửa sổ. Phía bên kia đường, vẫn còn nhiều sạp bán hàng Tết với những hộp bánh mứt nhiều màu sắc. Vẫn còn rải rác vài cái lều nhỏ bán dưa, những trái dưa hấu đen bóng chồng chất nhau dưới một nửa trái dưa mẫu phô bày một vầng tròn màu trắng ôm ấp khoảnh ruột đỏ tươi. Những chậu hoa cúc, vạn thọ và thược dược cuối cùng đang lung lay trong làn gió, như mời gọi người mua. Người đi chợ Tết muộn vẫn còn nhiều. Có lẽ là dân nghèo, họ chờ những khoảnh khắc cuối cùng để mua được hàng giá rẻ.

Chiếc xe đò chậm chạp quẹo trái để ra đường Hồng Thập Tự, từ đó nó sẽ chạy thẳng ra xa lộ Hàng Xanh, rồi trực chỉ miền Trung. Trong lòng Trình dậy lên một nỗi rộn rã không tả được thành lời. Chàng sung sướng tưởng tượng đến lúc mùi nước mắm cá nục mặn nồng đặc trưng của Phan Thiết phả vào khứu giác, trong khi chiếc xe lao vùn vụt qua những đụn cát đỏ nhô cao như những dãy đồi chạy dọc theo bờ biển phía xa xa bên phải, trước khi vào thành phố. Bên trái chàng, Trình sẽ được nhìn lại sau một năm xa cách những cánh đồng nhỏ mùa xuân đất đã khô cứng, chỉ còn trơ lại những gốc rạ màu vàng óng, thấp thoáng những mái ngói đỏ tươi những rặng dừa cao xanh mướt.

Trong lúc mơ màng, bỗng Trình trông thấy một người đàn bà đang ẵm một đứa con nhỏ, bàn tay phía dưới xách một chiếc giỏ nhựa, một tay dắt một đứa bé gái chừng bốn, năm tuổi hối hả chạy theo chiếc xe. Khoảng cách giữa người đàn bà và chiếc xe càng xa dần. Trình vội kêu anh lơ đang đứng trước mặt chàng:

- Anh ơi, còn khách kìa...

Anh lơ trẻ kêu lên:

- Dừng xe bác Hai...

Gã thanh niên vỗ tay vào thành xe bồm bộp hối thúc:

- Lẹ lẹ lên chị ơi...

Người đàn bà xem chừng đã đuối sức, nàng dừng chân thở hổn hển, nhưng anh lơ đã nhanh nhẹn nhảy xuống ôm lấy đứa bé gái và dìu người đàn bà bước lên. Người thiếu phụ ngồi phệt xuống chiếc ghế đối diện phía bên kia với Trình, thật gần, đến đỗi chàng trông thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán nàng. Ðứa bé gái đưa một ngón tay lên môi nhoẻn miệng nhìn chàng cười, đôi thủy tinh hình viên bi màu nâu của nó trông thật ngây thơ như đôi mắt một con nai non. Ðứa nhỏ trong lòng người đàn bà, có lẽ là một bé trai, đang ngậm một cái núm vú cao su và đang chìm sâu trong giấc ngủ.

Chợt thiếu phụ ngẩng đầu lên nhìn sang, Trình lúng túng quay mặt đi, nhưng vẫn kịp nhận thấy cái gật nhẹ của nàng, dường như để chào chàng thì phải.
Chiếc xe đã ra tới xa lộ, nó bắt đầu tăng tốc lực phóng nhanh trên mặt nhựa thênh thang. Anh chàng lơ trẻ khép cửa xe nói lớn:

- Xin quý hành khách cho xem vé xe..
.
Gã tiến đến trước mặt người đàn bà, vì nàng ngồi gần ngay cửa ra vào:

- Chị cho xem vé.

Người thiếu phụ bối rối kéo đứa bé gái tựa vào bên gối cúi mặt hí hoáy tìm kiếm trong chiếc giỏ xách cũ. Gã lơ quay sang Trình:

- Xin thầy cho coi vé.

Chưa kịp nhìn chiếc vé trưng ra như là bằng chứng hợp pháp của Trình được ngồi trên chiếc xe, gã trai đã xoay lại chìa tay trước mặt người đàn bà ra vẻ thúc hối. Trình cũng nhìn sang, chàng cảm thấy dường như người đàn bà có một điều gì không được bình thường, vầng trán nàng nhăn tít trong một trạng thái âu lo. Bỗng nàng ngước lên, ánh mắt đầy vẻ khẩn cầu, run run:

- Anh ơi... tôi... tôi... không có...

Gã lơ vung tay lên cao:

- Trời đất, không có vé làm sao đi, ra tới tận Phan Thiết chớ gần sao!

Người đàn bà bỗng òa lên trong tiếng khóc nức nở:

- Xin anh làm ơn... mẹ con tôi bị người ta... móc lấy hết tiền với đồ đạc rồi.

Nàng mở rộng chiếc giỏ xách, cho thấy bên trong gần như trống rỗng, chỉ còn một vài mảnh vải hay quần áo cũ có lẽ, trông thật thảm thương. Gã thanh niên ngần ngừ nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má xanh tái của người thiếu phụ:

- Chị về đâu ?

- Dạ, Rừng Lá...

- Trời ơi, xa quá, không cho chị quá giang được đâu!

Một bà phốp pháp ngồi hàng ghế phía sau kêu lên:

- Cuối năm cuối tháng rồi, xe rộng minh mông, khó dễ người ta làm chi chú?

Gã lơ phân bua:

- Thím đâu có biết, ngày nào cũng có người đòi quá giang, xe đò chạy kiếm tiền chớ đâu phải xe chùa.

Ðến nước này thì Trình không thể không can thiệp:

- Thôi, anh cứ tính tiền vé cho tôi, bao nhiêu vậy anh?

Anh lơ chưa kịp trả lời thì bà phốp pháp đã nhanh nhẩu đáp ngay:

- Con nít không tính tiền, trả tiền một vé thôi thầy, tui với thầy cưa đôi!

Trình che miệng cười phì:

- Cám ơn thím, để cháu tính cho, chuyện nhỏ...

Anh lơ nhún vai tỏ vẻ hết ý kiến, thì bác tài xế đã gọi xuống:

- Thôi Son, mầy cho chỉ đi đi...

Người đàn bà rưng rưng nhìn Trình bằng ánh mắt tha thiết:

- Dạ đội ơn thầy.

- Không có chi, chị về Rừng Lá phải không?

Trình chợt nhận ra rằng chàng đã hỏi thừa, một câu hỏi thật vô duyên. Nàng đã chẳng từng nói nàng đi Rừng Lá sao.

- Chị về quê hay là ra đó thăm bà con?

- Dạ, tôi về nhà tôi ngoài đó.

Trình hình dung trong trí nhớ khu vực gọi là Rừng Lá. Nó nằm ở giữa đường từ Bình Tuy đi Phan Thiết. Người ta gọi khu rừng nằm dọc hai bên quốc lộ là Rừng lá, vì ở đó có rất nhiều cây kè, với những cái tán lá trông giống như những chiếc quạt xòe rất lớn và chỉa thẳng lên trời. Dân cư ở miền núi hay miền quê thường hay đốn lá kè về làm lá lợp nhà. Ở những vùng không có cây kè thì người ta cắt cỏ tranh bện thành những tấm lá lợp.

- Hỏi có khi không phải, chị đi thăm ai trong này, đến nỗi...

Thiếu phụ gục đầu xuống đưa bàn tay nổi đầy gân xanh gạt nước mắt:

- Dạ, đi nhận... xác chồng...

Trình ngẩn người lúng túng:

- Xin lỗi chị, tôi đã hỏi không phải lúc.

Người đàn bà nước mắt giàn giụa:

- Thầy cứ hỏi, có khi nhờ vậy mà bớt đau khổ hơn.

Ðến lúc này thì Trình đã có thể nhận ra chiếc áo bà ba bạc thếch của nàng, rất dễ cho người ta biết chắc người đàn bà là một người nghèo, thật nghèo nữa là khác. Hẳn là cuộc sống ở chốn đìu hiu núi rừng đó phải vất vả lắm, nên khuôn mặt khắc khổ của nàng trông quá già, chẳng thể nào đoán được tuổi. Có lẽ khoảng chưa hơn ba mươi, mà nàng giống như một bà già gần bốn mươi. Mái tóc rối bời của người đàn bà xơ xác một cách thảm hại, càng làm cho toàn con người gầy gò của nàng thêm tiều tụy. Chiếc áo bông cũ của đứa bé gái đã cụt lên quá rún, cái lai chiếc quần vải đen thì leo lên đến giữa ống chân, phải chăng là nghèo quá, nên người mẹ chưa mua được vải may áo mới cho con.

Trình bần thần chợt nhận ra rằng, bấy lâu nay chàng đã thụ hưởng một cuộc sống thật quá bình yên ở thành phố trong một sự thờ ơ đến lạnh lùng, mà chàng cho rằng đương nhiên. Trình ít khi bận tâm những ngày sống nhàn nhã của chàng từ đâu mà có. Ân sủng của Thượng Ðế ban cho, hay là do mồ hôi và máu đào của những người kém may mắn hơn chàng nhiều, còn đang ngụp lặn giữa những cơn giông bão đỏ lửa của chiến tranh ở những phương trời cách biệt, với những địa danh lạ lùng chưa từng nghe biết, ở những chốn xa xôi, những góc hẻo lánh nào đó trên trái đất này. Trình có nghe thấy chứ, hằng đêm những đại bác từ một nơi thâm u nào đó, thật xa ầm ì vọng về thành phố. Chàng biết có những người lính đang nằm đâu đó phía trước tiếng đại bác, để làm thành một cái vòng đai bảo vệ cho sự nhàn nhã của chàng ở phía sau. Nhưng khi ánh mặt trời lên, tiếng súng đã ngừng, thì một thoáng nghĩ ngợi đến những cái bóng đen vô danh ở nơi xa tít đó như những oan hồn hồi đêm, cũng đã nhanh chóng tan biến trong ý nghĩ của Trình. Chàng lại đắm chìm vào công việc thường hằng đến chán ngấy của một viên chức hành chánh.

Chợt hôm nay, đối diện với một người vợ lính vừa đi nhận xác chồng về, với chiếc giỏ lác rách nát, và không một đồng xu dính túi, trong lòng Trình bỗng dậy lên một nỗi ngẩn ngơ chua xót, pha lẫn một chút xấu hổ. Có phải những người chồng của những người đàn bà nghèo khổ này đã chết cho chàng và những người tương tự như chàng được sống. Ngày Ba Mươi Tết, chàng nôn nao, buồn phiền, giận dữ vì một nỗi về quê muộn màng. Nhưng còn những người chồng của những người đàn bà này, họ cũng có cùng nỗi khát khao được về quê ăn Tết như chàng chứ. Hóa ra, chính những con người cùng khổ này là những ân nhân ban bố ân sủng cho những con người nhiều may mắn như chàng được sống, được mày râu nhẵn nhụi và được áo quần bảnh bao. Trình bùi ngùi hỏi:

- Sao chị không bảo người ta cho xe chở anh về ngoài này, chị đâu cần phải lặn lội vào Sài Gòn..
.
Người thiếu phụ ngập ngừng, dường như xấu hổ vì cái nghèo của mình:

- Dạ, thôi... để chính phủ lo giùm, mẹ con tôi không lo nổi.

Nàng nhìn Trình, đôi mắt đẫm đầy lệ:

- Với lại để ảnh nằm trong đó, có anh có em với nhau, ngoài này buồn lắm..
.
Trình cố nén tiếng thở dài, không biết tìm lời lẽ nào để an ủi nàng. Con bé chợt nắm lấy tay mẹ khóc rấm rứt:

- Mẹ ơi, con đói...

Người mẹ ôm đầu con tựa vào ngực vỗ về:

- Ráng chút nữa về đến nhà mẹ cho ăn.

Cô bé vẫn thút thít:

- Con muốn uống nước...

Trình cúi xuống kéo chiếc va li căng phồng ra, chàng nghĩ đến chiếc giỏ xách lép kẹp của người đàn bà. Lấy đi một gói quà, thì một đứa em chàng phải hy sinh. Nhưng chàng không còn chọn lựa nào khác. Trình móc ra một phong bánh in bọc trong giấy kiếng đỏ rất đẹp mắt, chàng trao nó cho người mẹ:

- Chị cho cháu nó ăn đi.

Người thiếu phụ đưa tay ra, nhưng nàng vội rụt tay về run giọng:

- Dạ, không dám, thầy đem về nhà ăn Tết.

Trình ấn phong bánh vào tay nàng:
- Chị cứ nhận cho cháu nó vui, tôi còn nhiều.

Người đàn bà quay sang bảo con:

- Con cảm ơn bác đi!

Con bé khoanh tay cúi đầu lễ phép:

- Dạ, con cám ơn bác.

- Ừ, cháu ngoan lắm.

Con bé cầm một miếng bánh trong tay, hàm răng nhỏ tí như những hạt bắp non nhè nhẹ cắn vào chất bột trắng mịn trông vẻ rất ngon lành. Nó nhìn chàng cười tươi, bàn tay còn lại ôm gói bánh in trong lòng như một báu vật. Thằng bé em nó bỗng cựa mình khóc i ỉ, có lẽ nó cũng đói, bàn tay nhỏ xíu của thằng bé quờ quạng tìm lấy ngực người mẹ. Người đàn bà vén áo lên áp đầu đứa bé vào cái bầu vú lép xẹp. Trình quay đầu nhìn ra ngoài để cho nàng được tự nhiên
.
Chiếc xe đang chạy trên đèo Mẹ Bồng Con. Những hàng cao su hai bên đường chạy thụt lùi vùn vụt. Trình rất thích ngắm lũ cao su xếp thành những hàng thẳng tắp, mà chàng có thể nhìn tận vào vùng sâu thẳm bên trong. Mỗi năm chúng một lớn. Mới năm nào, chúng còn là những cái cây ốm nhỏ, giờ đây, theo cùng vơi năm tháng, chúng đã vươn lên thành những cây cổ thụ xanh mướt. Chiều cuối năm, rừng cao su thật hoang vắng, chỉ còn trơ những cái chén lớn hứng cao su máng vào thân cây dưới những đường rãnh người ta khoét sâu vào vỏ để chất nhựa trắng như sữa chảy xuống. Trình tựa đầu vào thành ghế, rồi chàng mơ màng chìm vào giấc ngủ lúc nào chẳng biết. Chẳng biết là đã được bao lâu, xe đã chạy được bao nhiêu quãng đường, bỗng có tiếng kêu của Son:

- Tới Rừng Lá rồi, quý khách có ai xuống xe không?

Trình mở mắt bừng tỉnh, vừa kịp trông thấy người đàn bà đã đứng dậy ở cửa, tay dắt đứa con gái. Son nhanh nhẹn nhảy xuống trước, anh ta xốc nách con bé đặt nó đứng trên bãi cỏ bên đường. Người thiếu phụ nhìn Trình bằng một ánh mắt đăm đăm thật khó hiểu, mà cũng thật tha thiết, dường như chất chứa một nỗi niềm sâu thẳm nào. Trình vội bước đến cho vào chiếc giỏ xách của nàng một hộp mứt và một gói khô bò chàng mua ở Chợ Cũ:

- Chị đem cái này về, coi như tấm lòng của chúng tôi nhớ đến anh nhà.

Người đàn bà hoảng hốt đẩy tay Trình:

- Chết, tôi không dám đâu...

Trình cố đút những món quà vào giỏ:

- Xin chị đừng từ chối, chút quà nhỏ cho cháu nó vui chứ có gì đâu!

Son không có được sự nhẫn nại như Trình, gã thúc hối:

- Thôi, chị làm ơn xuống cho em nhờ, chiều tối rồi chị ơi...

Chiếc xe từ từ lăn bánh, người thiếu phụ đứng nhìn theo, nàng đưa tay lên vẫy chào. Trình trông thấy nàng hơi nghiêng đầu xuống nói với đứa bé gái. Bàn tay nhỏ xíu của con bé đưa lên về hướng chàng, trong khi người mẹ kéo vạt áo thấm nước mắt trên đôi má. Chiếc xe sắp khuất vào sau khúc quành, chỗ mấy tảng đá núi lớn nhô ra gần bên đường. Cái dáng nhỏ của ba mẹ con người thiêu phụ mờ dần trong đám bụi đỏ cuộn lên từ những vòng xoáy của những chiếc bánh xe. 

Trình lơ đãng nhìn vào tấm kính chiếu hậu bên đầu xe, bỗng chàng giật thót người chồm đến phía trước, như không tin vào đôi mắt chàng. Giữa đám bụi mù, đột nhiên ba mẹ con người đàn bà vụt biến mất. Họ đứng đó và tan loãng vào không khí như trong một cuốn phim ma quái. Trình dụi mắt ngẩn ngơ, chàng đã nhận ra rằng, ở chỗ người đàn bà xuống, chỉ có rừng rậm với hàng nghìn cây kè san sát, chứ làm gì có nhà cửa, dù chỉ là một cái mái lá nhỏ bé...

Chiếc xe đang ngon trớn phóng trên con đường nhựa quốc lộ, đột nhiên nó khựng lại, khìn khịt phun khói như một con ngựa chứng không chịu sãi bước. Bác tài nhấn thêm ga, nhưng vô ích, chiếc xe cố rướn thêm một quãng ngắn, đột nhiên nó nằm ì, bất động cứng ngắc như một tảng đá, khụt khịt mấy tiếng, rồi im hẳn. Buột miệng chửi thề một tiếng, bác nhảy xuống kêu Son:

- Son, mầy có đổ nước xe đầy không?

- Có chớ bác Hai.

- Mầy có coi lại thùng xăng không?

- Dạ đầy tràn...

- Còn bu-gi?

- Dạ số dzách!

- Vậy tại sao banh xe?

Son gãi đầu bối rối:

- Dạ con không biết, bác Hai coi thử!

Bác tài xế vừa càu nhàu vừa mở cái bửng đầu xe lên, bác nhoài người vào trong xem xét. Quái, chẳng có hư hao gì hết. Tại sao cái xe nó không chịu chạy nữa. Bác mở cái lọc gió, lấy cái hộp nhựa xăng xịt một chút vào, rồi bác nhảy lên đề máy. Từ trong ống gió phát ra mấy tiếng ọp ẹp như một con người đang bị người ta bóp cổ mà còn cố giãy giụa. Sình sịch được mấy tiếng, chiếc xe nằm im một cách thách thức. Bác tài vò tóc nửa lo, nửa giận không biết phải làm sao. Bác khoát tay nói vọng lên xe:

- Mời quý hành khách xuống đẩy xe tui vô số cho máy nổ.

Mười mấy người khách uể oải bước xuống, xúm xít hai bên thành xe gắng sức đẩy chiếc xe theo tiếng đếm của Son. Chiếc xe chậm chạp lăn bánh, bác tài gài số thật nhanh để tạo sức ép. Chiếc xe rùng mình khựng lại như một con người bị dí điện vào lưng. Nhưng nó vẫn cứ chẳng chịu nổ máy cho. Bà phốp pháp chợt xê lên gần Trình vừa thở vừa nhìn dớn dác vào bên đường:

- Thầy Hai, trời gần tối rồi, không khéo mấy ổng ra thì chết!

Trình ngơ ngẩn hỏi lại:

- Mấy ổng nào?

Bà khách trề môi:
- Thì mấy ổng trong rừng đó, cỡ như thầy với thằng lơ, trai tráng ngon lành, thế nào cũng dính...

Trình rùng mình ớn lạnh. Thôi chết. Trình nhớ ra rồi. Cái đoạn đường oan nghiệt này, người ta đồn rằng, những buổi chiều tàn, những người súng ống trong rừng thường ra chận những chiếc xe về muộn để hoạnh họe, hạch sách, quyên góp này nọ, thậm chí dẫn đi nhiều người. Lính tráng, viên chức như chàng, Trình cười như mếu, thế nào cũng... dính. Bỗng bà phốp pháp bấu vào vai Trình:

- Thầy Hai, tui nhớ ra rồi... Thầy có thấy cái miễu Cô Ba bên tảng đá lớn hông?

Trình cố nhớ, ngần ngừ:

- Dạ... dường như cháu có thấy!

Bà khách vỗ đùi đánh bốp một cái:

- Chết rồi thầy Hai ơi, thầy có biết miễu Cô Ba hông?

- Dạ... không.

- Trời ơi, Cô Ba linh lắm, chắc là xe mình làm mích lòng Cô Ba rồi!

- Nhưng Cô Ba là ai, làm gì?

- Ái dà, Cô Ba với hai đứa nhỏ bị tai nạn đụng xe ở đây nè. Mèn ơi, chắc hồn
Cô Ba chết oan trụ ở đây, nên lâu lâu xe đụng nhau tùm lum cũng bên tảng đá, rồi người ta mới làm một cái miễu nhỏ thờ cổ đó.

Ðột nhiên bà thím tái mặt, làn da đỏ au của bà biến sang màu trắng bệch, bà thều thào:

- Thầy Hai, có lẽ nào, cái cô hồi... nãy là Cô Ba... Chớ ở đây có nhà cửa ai đâu?

Cái giọng run rẫy đẫm đầy chất ma quái của bà khách làm Trình thấy lạnh cứng thân thể. Trình không tin chuyện ma quỷ giữa đường. Thật lạ lùng, ở giữa rừng núi cô quạnh này, nào thấy một mái lá, vậy tại sao người đàn bà xuống đây làm gì, nàng về đâu. Trình không muốn đưa ý nghĩ của chàng đi xa hơn nữa. Ðiều mà chàng đang lo rối ruột, là những con người sống đàng sau những đám lá âm u kia, mà chẳng khác nào những oan hồn ăn đêm sẽ lũ lượt kéo ra đây xin mạng chàng, chứ không phải một Cô Ba vớ vẩn nào đó. Bà khách lại vỗ đùi một cái nữa:

- Thôi tui biết rồi, Cô Ba giận thằng Son, nó hỗn hào với cổ. Cổ có cảm tình với thầy, để tui biểu thằng Son đi với thầy tới miễu xin lỗi cổ, thầy tính sao?

Trình cười khổ trong lòng. Bà khách nói cũng có cái lý của bà. Biết đâu bà nói đúng. Thôi cứ thử, chứ xe nằm ì một chỗ trong khi màn đêm đã sắp xuống, thật rùng rợn quá đi. Bà thím phốp pháp nắm tay Son kéo trở lại cái miễu nhỏ nằm bên tảng đá lớn cách chiếc xe chừng trăm thước, Trình lẽo đẽo theo sau, vừa đi bà vừa dẫn giải:

- Chỗ cái cua quẹo đó xảy ra một cái tai nạn ghê gớm, mèn ơi hai chiếc xe đò đụng nhau, xui khiến làm sao mà cái đầu xe kia lủi ngay vào chỗ ba mẹ con Cô Ba ngồi...

Cái miễu thờ được ghép bằng những miếng ván sơn đỏ, trông thật nghèo nàn và tội nghiệp. Bên trong có một cái bài vị lộng kiếng một mảnh giấy hồng đơn viết nguệch ngoạc mấy chữ MIỄU CÔ BA, TỬ NẠN XE CỘ NGÀY 19 THÁNG 2 NĂM 1969. Một cái bình hương bằng sành nhỏ phía trước tấm bài vị cắm một chùm hoa tím dại đã lâu không thay, thân đã khô quắt, những chiếc lá vàng rụng đầy dưới chân bình hoa héo nát như những mảnh trà đen. Bên cạnh chiếc bình hoa, một cái lon sữa bò cũ đựng cát đầy những chân nhang cháy đen nham nhở. Bà khách kéo Son cùng quỳ xuống trước tấm bài vị Cô Ba, bà đặt lên mặt gỗ một gói mứt nhỏ chấp tay khấn vái:

- Nam Mô A Di Ðà Phật, kính mời Cô Ba nhậm lễ. Cô ba sống khôn thác thiêng xin cho chúng tôi tạ lỗi, cảm đội ơn đức Cô Ba. Thằng Son trẻ người non dạ không biết xúc phạm Cô Ba, nó xin lạy Cô Ba, Cô Ba đừng chấp nhứt con nít, xin tha thứ cho chúng tôi.

Bà thím sụp lạy một cách thành khẩn trước đối mắt trợn trừng của Son. Trong lòng muốn cười nhạo bà khách, nhưng vẻ trang trọng quá đáng của bà làm cho gã thấy ngại ngần. Bà quay sang Son thì thầm:

- Cậu lạy xin lỗi Cô Ba đi!

Son gân cổ cãi:
- Nhưng mà tui có gặp Cô Ba Cô Bốn gì đâu mà biểu tui lạy.

Bà thím nạt lớn:
- Mày muốn lạy rồi về hay mày muốn ở đây ngủ với cọp hả?

Cực chẳng đã, Son sụp lạy, nhưng coi bộ gã không chịu công nhận những lời của bà thím nói là đúng. Ði xe thì phải trả tiền chứ. Ðòi tiền mà bảo là hỗn à. Bà khách cảm thấy chưa được phải lễ lắm, bà kéo tay Trình van nài:

- Thầy làm ơn vái một tiếng, biết đâu Cô Ba thông cảm... Không thôi chết cả đám!

Trình nhún vai ngồi xuống tần ngần nhìn vào tấm bài vị, chàng không biết phải nói cái gì với tấm kiếng vô hồn đó. Ðột nhiên, một linh cảm dị kỳ rùng rùng kéo đến, buộc chàng ngước đầu nhìn lên. Trình kinh hoàng ú ớ kêu không thành lời, trời ơi, chàng có nhìn lầm không, phải chăng chỉ là một ảo ảnh giữa màn khói sương lãng đãng của miền rừng núi đìu hiu. Có phải Trình đã nhìn thấy nàng, người thiếu phụ bồng con và tay dắt con bé đang thấp thoáng trong đám lá kè kia không. Trình nắm tay bà thím lạc giọng:

- Thím... coi kìa... người đàn... bà... với... với...

Bà thím đưa tay lên che mắt nhìn theo hướng Trình, bà lắc đầu:
- Ai... tui có thấy cái gì đâu?

Trình nhìn sững vào cái bóng xám ma quái của người thiếu phụ dưới bóng cây kè. Rõ ràng chính là nàng. Nàng làm gì trong đám lá thâm u đó. Người đàn bà, dường như gật đầu mỉm cười với Trình, nàng khoát tay ra dấu bảo chàng hãy đi. Từ đàng xa, bỗng có tiếng máy xe nổ giòn giã, hân hoan vọng đến. Son nhảy dựng lên reo hò:

- Xe nổ máy rồi, mình lên đường...

Son nắm lấy tay bà khách và Trình hối hả đi nhanh về hướng đám khói trắng đã bốc lên mù mịt. Trình thẫn thờ cố ngoái nhìn lại khu rừng lá. Thật ghê rợn, người đàn bà vẫn còn đứng nhìn theo. Trình kêu lên trong lòng. Nàng là người sống hay là ma, là oan hồn vất vưởng còn chưa chịu siêu thăng. Chợt nàng đưa tay lên vẫy chào, mà Trình biết chắc, đó là cái chào vĩnh biệt. Khi Trình đã đặt chân lên bậc thềm cửa xe, chàng cố quay đầu nhìn lại lần cuối, thì người đàn bà và hai đứa con đã biến đâu mất rồi...

Chiếc xích lô cũ kỹ vừa xịch lại trước hiên nhà, thì mấy đứa em nhỏ của Trình chừng như đã sốt ruột chờ đợi từ lâu chạy ùa ra:

- Anh Hai về... anh Hai về... có quà cho tụi em không?

Trình cố nén tiếng thở dài. Chàng có còn gì nữa đâu. Nhưng mà Trình thấy vui trong lòng lắm. Chàng nghĩ đến lúc con bé hớn hở mở những gói quà của chàng ra dưới một cái mái lá nghèo nàn nào đó trong rừng. Bọn em Trình giành nhau chiếc va li ầm ĩ đến nỗi Trình phải kêu lên:

- Thôi... chẳng còn gì... để anh ra chợ mua đền cho..
.
Nhưng lũ trẻ đã mở tung chiếc va li của Trình ra rồi. Những hộp bánh mứt, bánh in, khô bò, quần áo mới vung vãi trên sàn nhà. Trình rụng rời khuỵu xuống run rẩy như trong một cơn động kinh. Chàng đưa tay với lấy phong bánh in trong gói giấy kiếng đỏ. Trời ơi, chính là phong bánh in Trình đã trao cho người thiếu phụ, nàng đã lột giấy kiếng và đã bẻ cho cô bé một mảnh bánh. Và, còn nhiều nữa những món quà Tết chàng đã cho vào chiếc giỏ lác của nàng. Giờ đây, tất cả đều còn nguyên vẹn trong chiếc va li của Trình...

No comments:

Blog Archive