Phố Wall và London trở thành tay sai của Bắc Kinh như thế nào?
Đức Thiện
Một bức tượng rồng truyền thống đánh dấu ranh giới của Thành phố London, trong khu tài chính, còn được gọi là Square Mile, vào ngày 24/1/2017 tại London, Anh.
Lenin có câu nói: “Các nhà tư bản sẽ bán cho chúng tôi sợi dây thừng mà chúng tôi sẽ dùng để treo cổ họ”, và các nhà tài phiệt Phố Wall đã bán cho Bắc Kinh sợi dây này suốt hơn 2 thập nien qua…
Vào tháng 11 năm 2018 Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng lúc đó có liên quan mật thiết đến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Bắc Kinh, đã phát động một cuộc tấn công gay gắt vào cái mà ông gọi là “các nhà tỷ phú toàn cầu” của Phố Wall.
Ông cáo buộc “nhóm ngân hàng Phố Wall và các nhà quản lý quỹ phòng hộ” đã tham gia vào “ngoại giao con thoi” của riêng họ với phía Trung Quốc và cố gắng phá hoại các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ bằng cách gây áp lực lớn lên Bach Cung để nhường chỗ cho Bắc Kinh. Ông Navarro tiếp tục cáo buộc giới tinh hoa tài chính là “các tay sai ngoại bang chưa đăng ký” hoạt động như một phần của các hoạt động ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Washington.
Đó là quan điểm mạnh mẽ, nhưng cơ sở thực tiễn là gì?
Bắc Kinh đã làm việc với Phố Wall trong một thời gian dài. Khi Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ đến thăm Hoa Kỳ vào năm 1999, ông đã ẩn náu tại khách sạn Astoria của New York và dành nhiều ngày trong các cuộc gặp mặt với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. “Ông Chu dường như không bao giờ mệt mỏi với việc tán tỉnh doanh nghiệp Mỹ,” The New York Times đưa tin.
Những người khổng lồ của tài chính Hoa Kỳ trong nhiều thập nien đã định hướng chính sách quốc gia của Mỹ về Trung Quốc. Bất cứ khi nào các tổng thống Clinton, Bush hay Obama đe dọa sẽ có lập trường cứng rắn hơn về chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thao túng tiền tệ hoặc trộm cắp công nghệ của Trung Quốc, các lãnh đạo Phố Wall đã sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục họ lùi bước. Và chính áp lực từ Phố Wall đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của Bach Cung, Clinton ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, bất chấp việc Trung Quốc vi phạm hầu hết các nguyên tắc của tổ chức này.
Hai mươi năm sau, The New York Times đã viết: “Ở Washington, trên Phố Wall và trong các phòng họp của công ty, Bắc Kinh đã sử dụng quy mô của đất nước và lời hứa hẹn trong nhiều thập niên để dập tắt sự phản đối và thưởng hậu hĩnh cho những người giúp đỡ họ phát triển”. Các tổ chức tài chính là những người ủng hộ quyền lực nhất của Bắc Kinh tại Washington.
Lĩnh vực tài chính – các ngân hàng lớn, các quỹ phòng hộ và công cụ đầu tư – vì thế nằm ở trung tâm bản đồ quyền lực ở Mỹ, và đỉnh cao là Goldman Sachs. Đối với ĐCSTQ, những gã khổng lồ về tài chính là những mục tiêu dễ dàng, vì có sự hòa hợp về lợi ích. Giám đốc điều hành Phố Wall, dự đoán Bắc Kinh là một mỏ vàng khi nó mở cửa thị trường tài chính rộng lớn cho người nước ngoài, họ đã tư vấn cho các công ty Trung Quốc nên mua công ty nào và cho họ vay tiền để làm điều đó, đổi lại họ chia phần theo giá trị giao dịch. Theo một quan chức cấp cao của Bach Cung, “những nhà buôn chứng khoán chuyên nghiệp thực sự thích Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
ĐCSTQ đang mở toang cánh cửa. Nhưng sự liên kết lợi ích có thể không lâu dài, vì ý định của Bắc Kinh là cuối cùng biến Thượng Hải trở thành thủ đô tài chính của thế giới, thay thế New York và Thành phố London. Như Lenin đã nói: “Các nhà tư bản sẽ bán cho chúng tôi sợi dây thừng mà chúng tôi sẽ dùng để treo cổ họ”.
Đến năm 2003, Goldman Sachs “đã trở thành người bảo lãnh phát hành chứng khoán chính cho các công ty nhà nước lớn của Trung Quốc”. Năm 2006 Henry Paulson chuyển từ Giám đốc điều hành của Goldman Sachs sang Bộ Trưởng Tài chính dưới thời George W. Bush, mang theo một mạng lưới quan hệ giá trị nhất với giới thượng lưu Trung Quốc. Paulson đã đến thăm đất nước này khoảng bảy mươi lần. Ông xin tổng thống xem liệu ông có thể nhận trách nhiệm về chính sách kinh tế Trung Quốc của Mỹ hay không, và Bush đã đồng ý.
Nhưng Paulson, theo đánh giá của tác giả và nhà báo Paul Blustein viết trong Chính sách đối ngoại, đã sai lầm. Blustein lập luận rằng nếu Paulson phản ứng mạnh mẽ hơn với thao túng tiền tệ của Bắc Kinh, kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp nhà nước, chính sách ngược đãi các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc và chương trình trộm cắp công nghệ, thì điều kiện dẫn đến chiến tranh thương mại có thể không xảy ra. Thay vì đề xuất các hành động trả đũa để bảo vệ các công ty Mỹ, Paulson đã làm việc để chống lại họ tại Quốc hội, đề xuất tổ chức “Đối thoại kinh tế chiến lược” bắt đầu vào tháng 12 năm 2006. Không cần phải nói, điều này mang lại lợi thế cho Bắc Kinh.
Paulson, một người bạn tốt của thị trưởng Bắc Kinh thời bấy giờ là Vương Kỳ Sơn, khi đó đã có khuynh hướng ôn hòa với những nỗ lực của Đảng trong việc mở cửa nền kinh tế; Paulson đã bị thao túng. ĐCSTQ đã kéo ông ta đi sâu hơn vào vòng tay của họ, khơi dậy nhận thức về quyền lực ảnh hưởng của chính ông ta. Ông ta thậm chí đã có cuộc họp ngắn riêng tư, một đối một với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Sau khi Paulson rời nhiệm sở năm 2009 – thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra – trong thời gian đó, ông đã gọi điện cho Vương và cầu xin ông ta ra lệnh cho một ngân hàng nhà nước Trung Quốc bảo lãnh cho Bear Stearns – một hãng tay chân của Goldman Sachs đã thành lập Viện Paulson, đồng thời tận tâm “củng cố mối quan hệ Mỹ-Trung phục vụ duy trì trật tự toàn cầu”.
John Thornton là một cựu binh có ảnh hưởng khác của Goldman Sachs. Ông đã lãnh đạo Goldman vào Trung Quốc và khi ông nghỉ hưu với tư cách là chủ tịch ngân hàng năm 2003, ông trở thành giám đốc Chương trình Lãnh đạo Toàn cầu tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh. Thornton là một người ủng hộ mạnh mẽ chương trình học bổng tại Thanh Hoa được tài trợ bởi nhà đầu tư tỷ phú và là bạn của Tổng thống Trump, Stephen Schwarzman, và ông là thành viên của một số tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc và Mỹ. Năm 2006, ông đã đưa tiền của mình vào một Trung tâm Trung Quốc mới tại Viện Brookings, nơi ông là chủ tịch của hội đồng quản trị. Năm 2008, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trao cho ông giải thưởng cao nhất dành cho người nước ngoài, Giải thưởng Hữu nghị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Phần này của câu chuyện Phố Wall sẽ không hoàn chỉnh nếu không đề cập đến quỹ đầu tư Black Rock của Mỹ, lớn nhất thế giới, tổng giá trị tài sản do quỹ này quản lý lên tới 6,5 nghìn tỷ đô-la. Năm 2019, Giám đốc điều hành của quỹ, Larry Fink, nói với các cổ đông của công ty rằng ông dự định biến Black Rock thành một trong những nhà quản lý tài sản hàng đầu của Trung Quốc, nói rằng ông sẽ sẵn sàng tận dụng khi Bắc Kinh mở cửa thị trường vốn cho người nước ngoài, và ông nhắm mục tiêu trở thành một trong những nhà quản lý tài sản nước ngoài đầu tiên gây quỹ bằng đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc.
Trong khi sức mạnh của Phố Wall trong việc ảnh hưởng tới chính sách với Trung Quốc là có thực, năm 2017 đã có một điều gì đó thay đổi. Các nhà sản xuất Mỹ quyết định rằng họ đã chịu đựng đủ việc tài sản trí tuệ của họ bị đánh cắp và họ không thể tiếp tục chờ đợi Bắc Kinh thực hiện lời hứa tự do hóa nền kinh tế Trung Quốc và cung cấp một sân chơi bình đẳng cho các công ty Mỹ.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo cho biết như vậy, thúc đẩy một khoảng cách nữa giữa tài chính và sản xuất, một lỗ hổng cho phép chính quyền Trump, được ủng hộ bởi đảng Dân chủ, tăng cường sức mạnh cho Bắc Kinh. Điều này đã buộc giới tài chính phải vận động hành lang và phối hợp chặt chẽ hơn với các đồng minh ở Bắc Kinh.
Các thái tử Đảng của Phố Wall
ĐCSTQ đã không bằng lòng chỉ dựa vào sự phối hợp lợi ích giữa Bắc Kinh và các công ty tài chính lớn ở phương Tây. Một tuyến kết nối quan trọng khác của sự ảnh hưởng là các “thái tử Đảng” – con trai và con gái của các nhà lãnh đạo Đảng hàng đầu trong quá khứ và hiện tại. Trong nhiều năm, công ty đầu tư khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước CITIC đã bị chi phối bởi các thái tử Đảng, cũng như China Poly Group, tập đoàn được xây dựng xung quanh việc sản xuất vũ khí. Thị trường cổ phiếu đang phát triển của Trung Quốc được kiểm soát bởi “tầng lớp quý tộc đỏ” và con cái của họ .
Đối với các quỹ phòng hộ phương Tây, các công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và ngân hàng, điều kiện tiên quyết để kinh doanh tại các thị trường vốn Trung Quốc mới nổi, sinh lợi cao là một mạng lưới quan hệ với các gia đình kiểm soát các công ty lớn nhất và thống trị hệ thống quyền lực của Đảng. Trao việc cho con trai, con gái, cháu trai và cháu gái của những gia đình này mang lại mạng lưới quan hệ cá nhân vì lợi ích đôi bên cùng có lợi. Con cái không cần phải có trình độ cao hoặc thậm chí đặc biệt có tài; quan trọng họ là con cháu ai. Con đường sự nghiệp lý tưởng cho một thái tử Đảng là bằng tốt nghiệp tại một trường đại học danh tiếng, tốt nhất là trường đại học Ivy League hoặc Oxbridge, sau đó đi thẳng lên sàn giao dịch của một ngân hàng lớn hoặc quỹ phòng hộ ở New York hoặc London và sau vài năm ở đó, một MBA và sau đó là một công ty Phố Wall.
Một cái nhìn sâu sắc về cách thức hoạt động này được thể hiện qua một cuộc điều tra của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ năm 2016, dẫn đến việc JP Morgan phải trả 264 triệu đô-la vì vi phạm Đạo luật Thực hành Tham nhũng Nước ngoài. JP Morgan đã bị bắt khi thuê các thái tử Đảng Trung Quốc để giành chiến thắng trong kinh doanh, điều mà ủy ban này mô tả là “hối lộ có hệ thống”. Công ty vận hành cái mà họ gọi là Chương trình Con trai và Con gái , nơi cung cấp hàng tá việc làm ở Hong Kong, Thượng Hải và New York cho con cái thuộc giới thượng lưu của Đảng.
Một người là Gao Jue, con trai của bộ trưởng thương mại Trung Quốc, Gao Hucheng. Là một sinh viên tốt nghiệp gần đây của Đại học Purdue, Gao Jue đã tìm được một công việc sau cuộc gặp giữa cha mình và giám đốc điều hành cấp cao của JP Morgan, William Daley. (Daley là một Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ dưới thời Clinton và đã thúc đẩy Trung Quốc gia nhập WTO. Sau đó, ông giữ chức vụ Chánh văn phòng của Tổng thống Obama).
Kết quả phỏng vấn của Gao Jue kém nhưng được ngân hàng đề nghị một vị trí phân tích đáng thèm muốn. Dễ ngủ gục tại nơi làm việc, anh ta sớm bị đánh giá là một nhân viên “non nớt, vô trách nhiệm và không đáng tin cậy”. Khi việc thu hẹp quy mô diễn ra, ngân hàng sau đó muốn sa thải anh ta, cha anh ta đã đưa người đứng đầu văn phòng ngân hàng Hong Kong, Fang Fang, đến ăn tối và cầu xin cho con trai mình được giữ lại, hứa sẽ “thêm hợp đồng” cho JP Morgan trong giao dịch Trung Quốc. Fang đã bị thuyết phục và một giám đốc điều hành cấp cao ở New York đã đồng ý giữ Gao Jue, mặc dù con trai riêng của giám đốc điều hành đã bị cho nghỉ việc. Công việc là công việc. Khi Gao Jue cuối cùng đã bị cho đi, cậu ta đã nhận các công việc tài chính khác trước khi kết thúc tại Goldman Sachs.
Tất nhiên, có nhiều người Trung Quốc đại lục làm việc trong ngành tài chính Hoa Kỳ có năng lực cao và xứng đáng với vị trí của họ, thường là những người rất cao cấp. Fang là một ví dụ. Ông tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa danh tiếng vào những năm 1980 và sau đó học MBA tại Đại học Vanderbilt ở Nashville. Năm 1993, ông nhận một công việc tại Merrill Lynch, làm việc ở New York và Hong Kong, và năm 2001, ông bắt đầu sự nghiệp 13 năm với JP Morgan, vươn lên vị trí giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư Trung Quốc, có trụ sở tại Hong Kong. Trong thời gian đó, ông đã môi giới việc bổ nhiệm nhiều thái tử Đảng vào các vị trí trong ngân hàng. Ông cũng có được kiến thức sâu sắc về tài sản cá nhân của một số giới cầm quyền của Trung Quốc. The New York Times mô tả Fang có một “mạng lưới liên lạc sâu rộng trong giới chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc”.
Mặc dù không phải là hoàng tộc của ĐCSTQ, Fang có quan điểm rất gần với tầng lớp quý tộc đỏ. Fortune mô tả ông là “một nhà điều hành thân thiện với truyền thông có mối quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản”. Năm 2011, ông thành lập Hội Hua Jing tại Hong Kong, một câu lạc bộ xã hội dành cho con em của giới thượng lưu đã đi du học và trở về Hong Kong. Nhóm này đã được mô tả là Câu lạc bộ của các thái tử Đảng và là chi nhánh Hong Kong cho các hoàng thân của ĐCSTQ.
Đối với giới thượng lưu ĐCSTQ, sự gắn kết với các bậc thầy của Phố Wall thông qua việc sắp xếp bố trí các thái tử Đảng vào phố Wall quan trọng hơn là vấn đề tìm việc cho con em của họ. Nó là một phương tiện để thu thập thông tin tình báo và gây ảnh hưởng bởi vì nó đặt người cung cấp thông tin và chân tay của mình vào trung tâm quyền lực của Mỹ.
Toàn bộ hoạt động của một công ty Mỹ có thể được báo cáo cho một người cha hoặc một người chú ở Trung Quốc, cùng với thông tin bí mật về các vấn đề cá nhân và tài chính của những người giàu có nhất ở Bắc Mỹ.
ĐCSTQ ở thành phố London
Các tổ chức tài chính châu Âu cũng không chậm chạp trong việc tuyển dụng các thái tử Đảng. Vào những năm 2000, Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức, đã sử dụng tiền hối lộ và các hành vi tham nhũng để tiếp cận Trung Quốc, bao gồm cả việc tặng những món quà đắt tiền cho các nhà lãnh đạo, đặc biệt là gia đình của thủ tướng Ôn Gia Bảo và sau đó là thị trưởng Bắc Kinh Vương Kỳ Sơn, hiện nay là thành viên của nội các Bộ Chính trị, Ban thường vụ.
Năm 2009 Deutsche Bank đã đánh bại JP Morgan để giành hợp đồng vì họ đã thuê con gái của chủ tịch của khách hàng. Ngân hàng cũng đã có một chương trình tích cực tuyển dụng con cái của các quan chức quyền lực. Trong số đó có con trai của bộ trưởng tuyên truyền thời đó là Lưu Vân Sơn, và một trong những người con gái của Li Zhanshu – hiện là một trong bảy người trong Ủy ban Thường vụ – mặc dù cả hai đều bị đánh giá là không phù hợp với công việc.
Ở Zurich, Credit Suisse thuê con gái của ông Ôn Gia Bảo. Credit Suisse giữ một bảng tính theo dõi các khoản tiền phải bỏ ra để thuê các thái tử Đảng cùng với số tiền mà họ mang lại. Họ đã thuê hơn 100 con trai, con gái và bạn bè của các quan chức chính phủ cao cấp. Một “công chúa” đã được tuyển dụng sau khi nhân viên ngân hàng của Credit Suisse giúp làm đẹp hồ sơ của cô. Khi đã vào biên chế, cô ấy thường không đi làm. Khi cô đi làm, cô bị đánh giá là “thô lỗ và không chuyên nghiệp” và đôi khi đưa mẹ cô đi cùng. Tuy nhiên, cô đã được trả 1 triệu đô-la Mỹ mỗi năm và được thăng chức vài lần vì gia đình cô đã trao các giao dịch cho ngân hàng. (Năm 2018, Credit Suisse đã đồng ý trả 77 triệu đô-la cho chính quyền Hoa Kỳ để tránh bị truy tố về tội hối lộ).
Trong khi vị trí của các thái tử Đảng và những lời hứa tiếp cận thị trường tài chính khổng lồ của Trung Quốc là con đường ảnh hưởng quan trọng hàng đầu ở Phố Wall, thì ở Thành phố London, tình hình lại khác.
Khu tài chính của London – khu vực rộng 1 dặm vuông được gọi là Thành phố London, hay đơn giản là Thành phố – cũng là trung tâm tài chính của Châu Âu, mang lại cho các công ty tài chính lớn một sức ảnh hưởng không nhỏ trong chính trường Anh.
Brexit có nhiều người tự hỏi liệu Thành phố có thể giữ được vị thế thống trị của mình hay sẽ bị thay thế bởi các đối thủ ở Frankfurt hay thậm chí là Paris. Các quan lại của Thành phố đã làm việc chăm chỉ để đảm bảo sự nổi trội của nó, điều này mang đến một cơ hội vàng cho Bắc Kinh.
Sẽ là hơi quá khi nói rằng nếu Bắc Kinh có thể kiểm soát Thành phố thì họ có thể kiểm soát Anh, nhưng nói vậy cũng không phải là không có cơ sở. Một dấu hiệu đáng ngại, tuy nhỏ, về tầm ảnh hưởng mà Bắc Kinh đã mang lại vào tháng 5 năm 2019 khi Tập đoàn Thành phố London, chính quyền của quận, đã cấm văn phòng Đài Loan ở London đóng góp quảng cáo cho cuộc diễu hành của thị trưởng hàng năm.
Ngày nay, Tập đoàn Thành phố London luôn sẵn lòng phục vụ Trung Quốc. Vào tháng 3 năm 2019, hai tháng trước khi ra lệnh cấm Đài Loan tham gia trong cuộc diễu hành của mình, Thị trưởng Peter Estlin đã tham gia một phái đoàn đến Trung Quốc để thúc đẩy các liên kết “tài chính xanh và công nghệ tài chính”, cùng với vai trò của Thành phố trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trong khi ở đó, Estlin đã nói về phần quan trọng mà Thành phố đóng góp trong thành công của Trung Quốc. Phỏng vấn trên Phoenix TV, ông tiết lộ rằng Thành phố sẽ tổ chức một bữa tiệc vào tháng 9 năm sau để kỷ niệm 70 năm Cộng hòa Nhân dân. Thị trưởng đã ca ngợi “văn hóa đôi bên cùng có lợi” của BRI và nói rằng ông thấy Thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tài trợ cho “một sáng kiến tuyệt vời” và một tầm nhìn “rất thú vị”.
Phái đoàn được dẫn dắt bởi John McLean, thành viên hội đồng quản trị của Hội đồng doanh nghiệp Trung Quốc-Anh, người đã tuyên bố rằng “London mở cửa kinh doanh cho các công ty tài chính và công nghệ Trung Quốc”.
Trước đó vào năm 2019, chủ tịch ủy ban chính sách của Thành phố London, Catherine McGuinness, đã hoan nghênh sự ra mắt phiên bản toàn cầu của tờ China Daily của ĐCSTQ, lưu ý rằng tờ báo “có trụ sở tại Square Mile và là một người bạn tốt của Tập đoàn Thành phố London”.
Đức Thiện
Theo The Sydney Morning Herald
No comments:
Post a Comment