TIẾC NHỚ MỘT TÀI NĂNG
ảnh: vanviet.info
Cho dù năm nay nhà văn Túy Hồng (Nguyễn Thị Túy Hồng) cũng đã 82 tuổi rồi (1938-2020), song sự ra đi của chị cũng gây ra không ít tiếc nhớ lẫn ngậm ngùi. Nhất là với thế hệ U80 - U90 trưởng thành tại miền Nam, những người từng biết chị qua những tác phẩm viết bằng một thứ văn phong không lẫn vào đâu được.
Tôi làm quen với chị lần đầu qua hai truyện ngắn Lòng Thành và Niềm Tin Mong Manh đăng trên tạp chí Bách Khoa khoảng năm 1964. Bút pháp của chị lạ lẫm, có lúc thật táo bạo, song không thô tục, vẫn bàng bạc phong cách của một cô gái Huế được hấp thụ một nền giáo dục phóng khoáng và có nề nếp. Bút pháp đó đã cuốn hút mãnh liệt một chàng sinh viên 20 tuổi ngay từ buổi đầu, và đến hôm nay, sau 56 năm vật đổi sao dời, ấn tượng cũ vẫn còn đậm nét.
Xin hãy đọc một đoạn trong truyện ngắn Lòng Thành của Túy Hồng:
“Chinh (chồng sắp cưới của nhân vật Hiền – LN) nhìn tôi, nhìn phủ cả người. Cái khuy áo dài bỏ ngỏ. Thứ hàng lót valisère mềm mại như da thịt con gái. Bàn tay Chính lần đi dạo trên người. Tôi cảm biết những cái rùng mình của da thịt, hất tay chàng ra thì bị níu đứng lên. Hơi thở đổ dồn lên mặt. Bốn cái môi dán vào nhau liên hoan rất dài. Tôi có cảm tưởng thân thể vạm vỡ của chàng đổ trên người tôi. Những khớp xương và gân yếu đi rã rời. Trời đất loạng choạng trước mắt. Tinh thần, ý chí không còn nữa. Nước mắt và mồ hôi ướt mặt. Gia đình tôi không ai hay biết tôi mắc nạn ở đây cả. Tất cả chỉ có hai người, chuyện gì mà chẳng xảy ra. Chinh đi khóa cửa lớn cửa nhỏ và khóa luôn thân thể tôi lại. Thôi, đủ hiểu rồi…
Tai nạn bao giờ cũng kết thúc bằng tiếng tỉ tê của đàn bà. Vết đau đầu tiên có bao giờ lành được. Tôi khóc vì cái quyền làm được mọi sự của đàn ông….” (hết trích)
Và hậu quả là Hiền đã chính thức lấy chồng khi bụng đã có bầu mấy tháng.
Đoạn văn sau, Túy Hồng lột tả hết cái khó tính, cay nghiệt, song vẫn ra vẻ dịu dàng của một bà mẹ chồng người Huế, khi dẫn bà bạn già đến thăm nàng dâu “ăn cơm trước kẻng”, vừa mới hạ sinh cho bà đứa cháu nội kháu khỉnh:
“Anh rể đánh điện tín ra Huế cho mẹ chồng tôi. Mẹ Chinh vào đến nơi mà chàng vẫn chưa xong công tác. Bà đến thăm dâu với một người bạn già. Mẹ Chinh còn rất trẻ. Nhan sắc vẫn còn giữ được ở khuôn mắt, sống mũi, tái giá cũng còn có người yêu được. Vuốt ve thằng cháu đích tôn, bà quay sang bà bạn:
“Chị coi dâu tôi ngoan chưa. Đám cưới vừa xong, thiệt hút chưa tàn điếu thuốc Cẩm lệ đã đẻ rồi.”
Bà kia tiếp liền:
“Thế là chị phúc hơn người ta chứ sao.”
Thử xong hai câu nói trên, qua mười lăm phút tôi mới biết trong người thiếu máu sản hậu.”
Thật vậy, trước câu nói “mát mẻ” nhưng đau điếng của mẹ chồng, hai chữ “có phúc” của bà bạn già, cô dâu trẻ cố dằn lòng cho máu sản hậu khỏi trào ra. Nhưng nỗi đau ấy không dài lâu, chỉ một tháng sau, nhân vật Hiền có dịp trả đũa lại nỗi cay đắng của mình:
“Mẹ Chinh ra Huế liền. Hơn một tháng sau thì chết vì đứt mạch máu cổ. Đúng là có phúc, vì tôi không sinh sớm thì bà đâu thấy mặt cháu nội.”
(hết trích)
Bàng bạc trong các truyện ngắn của Túy Hồng những cách diễn đạt thông minh, mới mẻ và táo bạo như thế….
Nguyễn Thị Hoàng với Vòng Tay Học Trò, Túy Hồng với Thở Dài, Nguyễn Thị Thụy Vũ với Mèo Đêm, Nhã Ca với Giải Khăn Sô Cho Huế, Trùng Dương với Mưa Không Ướt Đất, là những nhà văn nữ đã làm rạng danh nền văn học miền Nam trước 1975, một nền văn học mà mỗi cây bút được tự do biểu đạt những quan điểm và ý tưởng độc đáo nhất của mình. Đáng tiếc, đây cũng là một nền văn học bị lơ là, nếu không muốn nói là đã bị kỳ thị suốt nhiều tháng năm dài sau 1975, tài năng của những con người từng một thời làm nên nền văn học đó bị mai một, lãng quên.
Gần đây, sự xuất hiện trở lại của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ với khoảng 10 tác phẩm được tái bản và được người đọc rất quan tâm là một tín hiệu đáng mừng, giúp mang lại sinh khí mới cho sinh hoạt văn học và một cái nhìn công tâm hơn đối với những ai đã có những đóng góp xứng đáng cho xã hội, bất luận từng xuất thân từ trên hay dưới vĩ tuyến 17.
Nhà văn nữ Túy Hồng đã thanh thản ra đi, không còn gì để tiếc nuối. Tiếc nuối chăng là chúng ta, những người còn ở lại, khi được biết rằng những tác phẩm của chị, cũng như của nhiều nhà văn miền Nam khác, vẫn chưa có một chỗ đứng xứng đáng với giá trị thật sự của chúng.
Cầu mong linh hồn chị luôn thanh thản ở thế giới bên kia.
Theo Lê Nguyễn
23.7.2020
No comments:
Post a Comment