Tục lệ đám cưới
Trong một lễ cưới truyền thống của người Đức thường không thể thiếu nghi thức Polterabend - Ảnh: CURANTO
Đập bát đĩa để cô dâu chú rể cùng dọn
Polterabend là từ kết hợp của động từ poltern (tạo ra nhiều tiếng ồn) và danh từ Abend (buổi tối). Khá giống với bữa tiệc độc thân ở nhiều nước châu Âu, Polterabend cũng được tổ chức đêm trước lễ cưới, có nhiều bạn bè tham dự ăn uống và vui vẻ ca hát.
Điểm khác biệt chính đó là sau khi ăn uống xong, tất cả bạn bè của cô dâu chú rể đều đập hết bát đĩa.
Tất cả những vật dụng trong bữa tiệc gây ra được tiếng ồn càng lớn thì càng được sử dụng để đập vỡ. Ngoại trừ gương và thủy tinh để tránh mang lại điều xui xẻo.
Đôi khi, các vị khách mời còn mang theo bát đĩa từ nhà mình đến để đập cho thêm phần vui vẻ. Chủ yếu là đồ sứ như bát đĩa, chậu hoa, bồn rửa, bình hoa, thậm chí cả bồn cầu cũng được mang ra đập.
Đôi khi, các vị khách mời còn mang theo bát đĩa từ nhà mình đến để đập cho thêm phần vui vẻ - Ảnh: DRUF
Truyền thống này được cho là bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước, với niềm tin ném mảnh vỡ tạo tiếng ồn để xua đuổi tà ma.
Đến nay, người Đức quan niệm việc ném mảnh vỡ trước ngày kết hôn như một dịp để cô dâu chú rể xả stress, dẹp bỏ mọi muộn phiền trước đó để bước vào trang mới của cuộc đời.
Việc cả hai cùng nhau dọn dẹp đống đổ vỡ sau bữa tiệc còn mang ý nghĩa chung sức chung lòng, đồng tâm hiệp lực cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống tương lai.
Ném trứng thối vào người cô dâu để tăng ý chí vượt qua khó khăn trong hôn nhân
Ở một số vùng nông thôn của Scotland và Bắc Ireland, lễ cưới truyền thống luôn có nghi thức Blackening - bôi đen cô dâu.
Trước lễ cưới chính thức vài ngày, cô dâu sẽ bị bạn bè "bắt cóc" đến một địa điểm nào đó gần nhà và bị ném lên người các loại thực phẩm và các chất dính, nhầy khác như bánh kem, dầu mỡ, trứng thối, siro, sữa hỏng, thậm chí là máu động vật.
Một cặp đôi đang trải qua nghi thức Blackening trước lễ cưới - Ảnh: CREATIVECULTUREINT
Sau đó, họ tiếp tục đưa cô dâu lên một chiếc xe tải nhỏ rồi lái xe khắp các con đường gần đó, vừa đi vừa gõ trống, gõ vung nồi, xoong chảo, hò hét ầm ĩ tạo sự chú ý của người đi đường.
Không có nhiều ghi chép về nguồn gốc của phong tục này, tuy nhiên các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc bôi đen, làm bẩn cô dâu chú rể trước lễ cưới xuất phát từ một nghi lễ của người Scotland từ hàng trăm năm trước.
Phong tục này cũng mang ý nghĩa ẩn dụ về cuộc sống khó khăn mà cô dâu chú rể có thể phải trải qua sau đám cưới.
Cô dâu, đôi khi là cả chú rể, đều phải ngồi im và tỏ ra như thể không có chuyện gì xảy ra - Ảnh: THEHITS
Cô dâu bị bôi bẩn là một cách chuẩn bị tinh thần, tăng ý chí chủ động cho cô ở giai đoạn cuộc sống mới.
Khi gặp buồn bã trong hôn nhân, cô sẽ nhớ đến ngày này và nghĩ "mình từng trải qua ngày tháng đen đủi hơn thế" và thế là những vấn đề khó khăn trong hôn nhân rất nhỏ bé, dễ dàng vượt qua.
Ba ngày không tắm để hôn nhân bền chặt
Người dân bộ lạc Tidong ở đảo Borneo (Indonesia) có một truyền thống khá kỳ quặc. Đó là các cặp đôi sau lễ cưới sẽ kiêng kị, không tắm rửa, không đi vệ sinh trong 3 ngày.
Một cặp tân lang tân nương ở Indonesia - Ảnh: CREATIVECULTUREINT
Bộ lạc này tin rằng việc không tắm 3 ngày sẽ đem đến một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Bởi vì, việc không tắm sẽ khiến cặp đôi trở nên hôi hơn, không còn sạch sẽ thơm tho. Cả hai khi chịu đựng được mùi của nhau thì sẽ càng yêu thương, quen thuộc và hôn nhân bền chặt hơn.
Việc không đi tiểu, đại tiện trong 3 ngày là bất khả thi, nên gia đình đảm bảo rằng hai vợ chồng chỉ ăn và uống một lượng thực phẩm rất nhỏ. Đảm bảo, dù có phải sử dụng nhà vệ sinh thì cũng rất nhanh.
Tục bắt vợ ở Romania
Tại một số địa phương, một cô gái khi đến tuổi dậy thì nếu lọt vào mắt một chàng trai nào đó sẽ đối diện với nguy cơ bị bắt cóc.
Một nhóm thanh niên và người thân của chàng trai sẽ đón đợi cô gái trên đường đi, đôi khi ngang nhiên vào thẳng nhà và bắt cô về, bất chấp việc cô ấy khóc lóc van xin.
Không chỉ là người Romania, hay người Di-gan, hủ tục bắt vợ còn xuất hiện ở một số dân tộc thiểu số của Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Kyrgyzstan - Ảnh: THECLEVER
Sau khi bắt cô gái về, các thành viên bên nhà trai sẽ canh giữ cô làm con tin trong 3-5 ngày. Sau đó, chàng trai mới dẫn cô gái về và… xin hỏi cưới.
Các cô gái hoàn toàn không có tiếng nói và quyền quyết định hạnh phúc cuộc đời mình. Đa phần sẽ phải nghỉ học, chấp nhận làm vợ sớm dù không yêu vì dân làng sẽ mặc định cô gái ấy đã thuộc về chàng trai và trong quá trình giam giữ con tin, họ thường bị xâm hại tình dục.
Thông thường, thủ tục bắt vợ này đã có sự ngầm đồng ý của bố mẹ cô gái và được coi là hợp pháp ở một số địa phương. Rất ít các trường hợp cặp đôi yêu nhau và đồng tình thực hiện hủ tục này.
Nhiều quốc gia hiện đang tìm cách vận động, thay đổi nhận thức người dân để xóa bỏ hủ tục này.
No comments:
Post a Comment