Tuesday, July 21, 2020

Đức Mẹ Bãi Dâu 1967 

Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) khi xưa là một xứ khỉ ho cò gáy trong Lục Tỉnh, là vì nó nằm ở vị trí bán đảo và khá xa Sài Gòn. 

Xứ này có biển, có núi, rừng rậm còn rất nhiều, xuất thân là ba làng chài Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam hợp lại mà thành. 

Xưa Vũng Tàu có tên là Tam Thoàn hay Tam Thắng để ghi lại sự kiện thành lập ba làng đầu tiên ở đây: Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam. 

Chữ Tam Thắng là biến âm của Tam Thoàn, tức Ba Thuyền. Kêu Thuyền thành Thoàn là giọng Phú Yên. 

Vì ba làng đó do dân Phú Yên lập ra. 

Thời Gia Long có ba ông cai đội dẫn ba chiếc thuyền toàn dân Phú Yên tới khai khẩn Vũng Tàu và lập 3 làng là ông Phạm Văn Dinh (làng Thắng Nhứt), cai đội Lê Văn Lộc (làng Thắng Nhì), và cai đội Ngô Văn Huyền (làng Thắng Tam). 

Đất này trong sách sử Nguyễn ghi là Thuyền Úc, dân gian kêu đất Tam Thoàn, sau là Vũng Tàu. 

Chữ thoàn có nghĩa thuyền tồn tại không sâu đậm ở Nam Kỳ nhưng vẫn gặp đâu đó trong văn viết và nói. 

Thi dụ trích dẫn vài câu về cá: 

"Đi thời xách mác là con cá đao
Đốn cây mà rào là con cá chép
Nó kêu óp ép là con cá heo
Buộc mà treo là cá cờ phướng
Để lên mà nướng là cá nóc vàng
Để được hai thoàn là cá nhám nghệ
Đi thời chậm trễ là cá lù đù
Đầu óc chù vù là con cá úc...” 

Thời Nguyễn các nhà hàng hải Bồ Đào Nha nhìn từ ngoài biển vô thấy có 5 ngọn núi nên đặt tên Vũng Tàu là xứ Oporeto Cin Chagas Ver Dareira (Năm vết thương của Chúa Cứu Thế). 

Pháp qua đặt tên xứ này là Cap Saint-Jacques (Mũi đất của Thánh Jacques). 

Vũng Tàu mà một bán đảo doi ra biển, ba mặt là biển, chỉ có một mặt giáp đất liền, nhưng bị cắt ở sông Dinh khúc cầu Cỏ May, vị trí cực kỳ bế tắc vì như độc đạo, vì độc đạo nên nó rất heo hút. 

Cầu Cỏ May được Pháp xây dựng bằng sắt từ năm 1898 nối Bà Rịa với Vũng Tàu, vài năm sau thì Pháp làm Lộ 15 dài 125 km nối Vũng Tàu với Biên Hòa để về Sài Gòn. 

Lộ 15 là đường độc đạo, cầu Cỏ May có vị trí đặc biệt, thành ra Pháp xây dựng lô cốt phòng thủ ngay đầu cầu Cỏ May. 

ThờI những năm 1945 chống Pháp, Lộ 15 bị phá hủy hoàn toàn, cắt đứt giao thông từ Vũng Tàu về Sài Gòn. 

Lộ 15 bị người Việt kháng Pháp cuốc hết lớp nhựa, đá xanh lên, sau đó trồng tre lên lộ. Một thời gian sau tre mọc thành bụi. Cầu sắt cũng bị đánh sập hết, cầu Cỏ May cũng bị đánh sập. 

Ngày 17 tháng 6 năm 1948, ông Bảy Viễn từ rừng Sác đem lực lượng Bình Xuyên trở về thành hợp tác với chánh phủ Quốc Gia và người Pháp. Bảy Viễn được tướng De Latour gắn lon Đại tá và thuộc quyền tổng trấn Nam Phần. 

Ngay sau đó, đại tá Bảy Viễn được tướng Pháp De la Tour giao nhiệm vụ giải tỏa Lộ 15. 

Lính đi phát quang, chặt cây, công binh Pháp xây cầu, làm đường tới đâu thì quân Bình Xuyên đóng đồn bót giữ an ninh tới đó. Mất ba năm trời - tức 1953, mới mần xong Lộ 15, coi như dưới thời ba tướng De la Tour, tướng Chanson và tướng Bondis. 

Lộ 15 nay là Quốc Lộ 51. CS cũng biết khéo chơi chữ, tráo số. 

Vũng Tàu có nhiều bãi biển, từ Bãi Trước, Bãi Sau tới Bãi Dâu, Bãi Dứa. 

Bãi Dâu nằm ở phía Tây núi Lớn, có tên là Dâu do các cha ở nhà thờ có trồng dâu nuôi tằm, thực ra tên nó là bãi Vũng Mây. 

Đức Mẹ Bãi Dâu là một tổng thể tượng và nhà nguyện xây trên sườn núi Lớn của các cha thuộc Hội Truyền Giáo Paris, quá trình xây dựng cũng mất vài chục năm. 

Tấm hình trên đây là Đức Mẹ Bãi Dâu vào thâp niên 60 của thế kỷ 20. Bức tượng Đức Mẹ này sau năm 1992 được đem về nhà thờ Sao Mai, người ta xây tại bãi Dâu tượng lớn hơn. 

Vũng Tàu là thành phố có rất nhiều cái vui về tôn giáo, cùng một sườn núi bạn sẽ gặp Phật và Chúa cùng làm hàng xóm của nhau, chùa và nhà thờ nằm xen nhau trên sườn núi Lớn. 

Theo Nguyễn Gia Việt

No comments:

Blog Archive