Thursday, July 23, 2020

Thu Hồng
(Tình Chưa Lãng Quên)

oOo

Nước Úc có 4 mùa rõ rệt, nhưng tôi yêu mùa thu hơn cả vì đó là mùa đẹp nhất trên xứ sở này. Mùa thu khí trời trong mát, nắng thu dịu dàng và lá thu đổi màu tạo nên một phong cảnh thật nên thơ.

Mùa thu là mùa của nghệ nhân, là nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao áng văn thơ tuyệt tác, những tranh ảnh muôn màu và vô số bản tình ca lưu danh muôn thuở.

Mùa thu lại có một ý nghĩa rất đặc biệt trong tôi.

Nhìn những cánh hồng lung linh trong nắng, tôi thả hồn về một kỷ niệm xa vời trong trại tỵ nạn ở Mã Lai.

Nơi ấy ...

Có một người con gái, tên lót mùa thu ... đã đi vào đời tôi với nhiều kỷ niệm êm đềm, ngọt lịm và lưu lại hồn tôi bao niềm thương nhớ.

Dòng đời lặng lẽ trôi ...Qua bao mùa lá đổ ...

Tôi chưa hề quên người con gái năm nào ở trại tỵ nạn, miền duyên hải xa xôi.

oOo

Vào cuối năm 1979, tôi vượt biên tìm tự do. Bạn đồng hành với tôi là Nguyễn văn Vĩnh, em ruột một người bạn làm cùng cơ quan. Năm đó tôi được 26 còn Vĩnh 19 tuổi. Anh em tôi quý mến, gắng bó với nhau suốt cuộc hành trình định mệnh nầy. Con tàu SG14205 đưa anh em tôi rời khỏi quê hương, khởi hành từ Cần Giờ, một thị trấn nhỏ cách Sài Gòn khoảng 50 cây số.

Sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển, đoàn người chúng tôi (tất cả 98 người, trong đó có vài trẻ em) trôi dạt đến một bờ biển Mã Lai. Đây là bờ biển đẹp nổi tiếng, thuộc tiểu bang Kelantan, tiếp giáp với Thái Lan.

Qua một đêm nghỉ ngơi trong đồn lính biên phòng, chúng tôi được chuyển vào trại tỵ nạn ở thành phố Kota Bharu, cũng thuộc tiểu bang Kelantan.

Chỉ trong tuần lễ đầu nhập trại, tôi tham gia ngay vào ban thông dịch và tuần sau đó được anh chị em trong ban bầu làm trưởng nhóm, thay thế cho anh trưởng ban vừa rời trại đi định cư. Thế là không bao lâu, mọi người trong trại (khoảng 3,000 người) đều biết đến tôi vì hầu như ngày nào loa phóng thanh từ văn phòng Mã Lai cũng gọi tôi lên làm việc.

Vào một buổi sáng, sau khi họp mặt với anh chị em trong ban thông dịch xong thì mặt trời đã lên cao, sinh hoạt trong trại cũng thưa dần. Mọi người từ từ đi về lo cơm nước và nghỉ trưa.

Riêng tôi rất thích yên tĩnh nên dạo bộ ra khu vườn sau trại, ngồi tựa lưng vào ghế đá, hồn thả về cố hương. Mắt tôi đang mơ màng như muốn đi vào giấc ngủ thì thoang thoảng bên tai tiếng một cô gái.

— Chào anh. Có phải anh là anh Quan, trưởng ban thông dịch không?

Nghe ai kêu đến tên và chức vụ của mình tôi vội mở mắt ra. Một cô gái trẻ, trạc tuổi Vĩnh, đang đứng trước tôi.

— Đúng rồi. Anh là trưởng ban thông dịch đây. Em tìm anh có chuyện gì không?

Cô gái cười bí hiểm. Vừa nói vừa làm dáng, lắc lư thân người làm tôi cảm thấy vui lây.

— Dạ phải ... nhưng không phải chuyện thông dịch đâu anh.

— Vậy thì kiếm anh có chuyện gì?

Chỉ tay về một gốc cây trong vườn, cô nói.

— Anh nhìn đi ... có thấy cái gì không?

— Ủa! ... có thấy gì đâu em?

Cô gái ranh mãnh, cười túm tím và nói tiếp.

— Nhìn kỹ lại xem ... có mà.

Thấy cô gái thật vui vẻ, thân thiện nên tôi nói bông đùa.

— Ma hả em?

Cô gái phá lên cười.

— Hôm nay em làm sứ giả ra đây kiếm anh. Có một người muốn kết bạn với anh đó.

Nói đến đây cô nhẹ giọng và thật trang trọng.

— Nó là bạn em, tên Thu Hồng. Đẹp! Hiền! Giỏi và dễ thương nữa! Còn em tên Liễu.

Cô gái mỉm cười dí dỏm rồi nói tiếp.

— Bây giờ anh nhìn kỹ lại đi. Cô gái đang đứng dưới gốc phượng là Thu Hồng, người muốn kết bạn với anh đó.

Nghe xong hồn tôi bay lửng!

Đây là lần đầu tiên và là lần duy nhất trong đời, tôi may mắn được một cô gái tìm đến làm bạn với mình. Nhưng một ý nghĩ khác loé lên trong đầu “Chắc hai cô này làm thân để nhờ vả mình sau này thôi”.

Dầu sao đi nữa cũng là niềm vui bất ngờ. Tôi đang cô đơn, xa nhà mà có “phái đẹp” muốn kết bạn với mình, thì chẳng khác nào nhận được một món quà từ trời ban xuống.

Dưới gốc phượng cuối vườn. Thu Hồng đứng tựa vào thân cây, tóc nàng ngắn, hơi cong và ép vào hai bờ vai thon. Dáng người mảnh mai, thanh lịch trong đồ bộ bông màu hồng nhạt.

Nàng không quay mặt về phía tôi, tay mân mê vành nón.

Tôi chậm rãi bước theo sau Liễu.

— Hồng ơi... người đẹp ơi ... anh Quan đến kìa. Vậy tao đã hoàn thành sứ mệnh rồi nhé.

Liễu vừa nói vừa cười thật vui vẻ.

— Anh Quan ở đây nói chuyện với Hồng nha.

Nói xong Liễu rảo bước nhanh về phía mấy dãy nhà.

Nghe tiếng Liễu gọi. Thu Hồng bấy giờ mới quay đầu lại nhìn và chào đón tôi bằng một nụ cười. Tôi sững sờ vì nàng thật xinh, hàm răng trắng đều, miệng cười duyên dáng, nàng đẹp như một bông hoa mới nở. Thu Hồng trông khoảng 20, hay ít nhất cũng thua tôi đến 4,5 tuổi.

Không đợi nàng lên tiếng, tôi nhanh nhẩu mở lời.

— Chào Thu Hồng. Anh may mắn quá! Mới vào trại chưa đầy hai tuần mà được người đẹp như em chọn làm bạn. Không hiểu anh có cái gì đặc biệt làm Hồng để ý đến anh?

Nghe tôi khen,Thu Hồng hai má ửng hồng, nhìn vào khoảng không một chập rồi cất giọng.

— Hồng ở trại nầy gần cả năm rồi. Không có kết bạn với người con trai nào hết. Anh là người đầu tiên em để ý. Ngày ngày thấy anh đi ngang chỗ em ... rồi không hiểu sao ... tự nhiên em cảm thấy mến anh.

Nàng nói năng chậm rãi và từ tốn. Giọng nói chơn chất ngọt ngào của cô gái miền Nam. Chỉ vài câu xã giao thôi nhưng tôi cảm nhận đây là một cô gái nết na, bản lãnh và tự tin. Tôi thật cảm động, tim rung lên niềm cảm mến và tưởng chừng như đã quen biết Thu Hồng tự bao giờ.

— Hồng ở dãy nhà nào vậy?

— Em ở bên kia dãy nhà của anh. Dãy nhà số 9. Rảnh anh đến chỗ Hồng trò chuyện cho vui.

— Ừ ... bây giờ mình là bạn rồi. Tối nay anh ghé thăm Hồng nha.

— Dạ, tối nay anh ghé em đi, mình sẽ nói chuyện nhiều hơn.

Tôi ở dãy số 12 không xa chỗ Hồng cho lắm. Hai đứa tôi chậm bước song đôi đi về phía cuối những dãy nhà.

Mặt trời đã đứng bóng. Nắng càng gay gắt hơn. Không gian soi dõi hai chiếc bóng chập chờn in trên nền cát. Không hiểu sao tim tôi đập mạnh và lòng tràn niềm vui.

oOo

Mọi người lần lượt lui về những dãy nhà hoặc chỗ có bóng mát. Thằng Vĩnh đã chờ tôi ở xa xa...miệng cười toe toét. Tôi cũng vui vẻ cười đáp lại.

— Anh Quan tốt số quá! Nãy giờ em thấy hết ... mới vô trại mà có người đẹp chiếu cố rồi.

Nói rồi nó cười khoái chí. Tôi không nói gì, chỉ nhìn nó cười trừ rồi bắt qua chuyện khác. Bữa nay mình ăn gì vậy chú em?

Thằng Vĩnh thương tôi vô cùng. Không bao giờ ăn cơm mà không chờ tôi. Tối ngủ lại giăng mùng cho ông anh. Sáng thức dậy mùng mền, dọn dẹp đâu đó sạch sẽ cũng một tay nó. Nói năng với tôi thì rất lễ phép. Tôi nghĩ mình thật may, có người bạn đồng hành như đứa em ruột vậy.

Cơm nước xong, tôi phụ Vĩnh rửa chén. Nhưng lần nào cũng vậy, nó không bao giờ để tôi làm và nói “Anh Quan đi nghỉ đi, chuyện có chút mà, để em làm cho”.

Những dãy nhà dân cư trong trại, người Mã Lai gọi là ‘Long House’, kiến trúc theo mô hình của thổ dân Iban ở tiểu bang Sarawak. Mỗi dãy nhà trước sau đều có hai cửa ra vào và có nhiều cửa sổ nằm dọc theo thành vách cho thoáng. Những ngày trời nóng bức nhờ gíó thổi từ biển vào nên cũng dễ chịu.

Ăn trưa xong anh em tôi cũng như bao người trong dãy nhà nầy thường nằm xuống ván nghỉ ngơi. Đây là là một đại gia đình, bà con kẻ đứng, người ngồi, ăn nằm bên cạnh người hết sức xa lạ... nói cười thoải mái, chẳng ai quan tâm tới ai. Tôi và Vĩnh cũng ‘phớt tỉnh Ăng Lê’. Cuộc sống tạm bợ trong trại thế rồi cũng quen, chẳng có gì là ngại ngùng. Thằng Vĩnh nằm xuống bên cạnh, nhìn tôi thật vui rồi trở giọng tra ngạch.

— Chị đó tên gì? Làm sao mà anh quen vậy? Bật mí cho em út một chút được không?

— Tôi khẻ cười. Tên Thu Hồng. Anh mới quen tình cờ thôi.

— Có người chiếu cố. Tốt số quá anh Quan! Chị ấy tên đẹp, mà người còn đẹp hơn. Anh thật là đào hoa! Còn em tìm mãi sao chưa thấy ma nào chiếu cố...hìììììi

Nghe Vĩnh khen tôi cũng thật nở mũi.

— Có lẽ tại anh làm trưởng ban thông dịch nên nhiều người biết tới. Muốn kết bạn, có gì xin ra trại cũng dễ và có bạn đi ra ngoài chơi cũng vui vui.

Thấy Vĩnh chăm chú lắng nghe, tôi nói tiếp.

— Mình ở đây chỉ tạm bợ thôi Vĩnh. Được đi định cư càng sớm càng tốt. Bồ bịch lăng nhăng làm chi cho thêm khổ. Hơn nữa ở Việt nam anh đã có bồ rồi. Còn Vĩnh thì sao?

— Em cũng có con bồ ở Chợ Lớn. Nó là đào hát Hồ Quảng ở quận năm. Em đi mà nó cũng chưa có biết.

— Hát Hồ Quảng hả Vĩnh? Chắc không đẹp thì cũng có duyên lắm?

Vĩnh phá lên cười.

— Cũng dễ thương. Hát Hồ Quảng thứ thiệt (hát tiếng Tàu) nhưng chuyên đóng vai đào độc...“Con Cám”.

— Vĩnh bỏ đi không một lời từ giã ... tội cho người ta không? Vĩnh có hối hận không?

— Thú thật với anh, em hối hận lắm và còn lo nữa ... vì em nghi nó đang có thai.

Nghe đến đây lòng tôi se lại một nỗi buồn thương. Không muốn hỏi thêm gì nữa.

— Bây giờ trong hoàn cảnh nầy có làm được gì đâu Vĩnh. Đời còn dài lắm, cái gì tới sẽ tới. Thôi mình ngủ nha.

— Dạ, mình ngủ nha anh Quan ...

Gió biển hiu hiu mát thổi vào khung cửa đưa hai chúng tôi vào giấc ngủ ... ngủ thật ngon.

oOo

Thế là xong một ngày. Ăn cơm chiều xong tôi và Vĩnh chuẩn bị đi tắm. Nhà tắm trong trại nầy rất sạch sẽ, nền xi măng, tường gỗ, có phân vách như những nhà tắm trong những hồ bơi ở VN.

Tắm xong nhìn lại bộ đồ cũ kỹ, tôi thật xấu hổ. Ra đi chỉ mang theo có hai bộ đồ và một ít quần lót mà thôi. Thôi thì biết sao đây!

Đến giờ hẹn, tôi soi gương nhìn ngắm dung nhan mùa thu của mình một hồi rồi nhanh bước ra cửa.

Trời nhá nhem tối. Phố phường đã lên đèn. Những hàng cây xanh tươi giờ đây như những chú lính đen to lớn canh gác trong đêm. Trời lấp lánh ánh sao, gió hiu hiu thổi mát, lòng rạo rực tôi bước nhanh về phía dãy nhà số 9.

Đứng ngoài cửa nhìn dáo dát vào trong xem có bóng dáng Thu Hồng đâu không? Mọi người ở đây hầu như đều biết tôi, họ nhìn tôi cười thân thiện làm tôi thêm phần tự nhiên. Chưa kịp bước vào bên trong thì có tiếng gọi sát bên tai.

— Anh Quan! Anh Quan! Hồng ở đây nè.

Tôi quay lại thì ra Thu Hồng ở bên trái gần cánh cửa ra vào nơi tôi đang đứng. Nàng nhìn tôi ngần,Thu Hồng cất tiếng mời.

— Ngồi xuống đây anh.

Nói xong nàng kéo một cái ghế và cái bàn nhỏ cũ kỹ mà thật sự tôi không hiểu nàng kiếm ở đâu ra. Bàn tay thon nhỏ nhẹ nhàng, nàng phủ một chiếc khăn trắng lên trên chiếc ghế cho tôi ngồi. Chỉ đơn sơ thế thôi, nhưng thật trân trọng làm tôi cảm thấy mình như một khách rất quý của nàng trong đêm nay. Chờ tôi ngồi xuống xong, Thu Hồng lên tiếng.

— Hồng mời anh ăn chè và uống nước trà nha.

Giọng nàng êm và dịu dàng. Tôi cảm động lắm.

— Cám ơn Hồng. Chè bánh chi cho phiền. Anh qua đây thăm Hồng, nói chuyện là vui rồi.

Nàng mỉm cười. Lặng lẽ mang ra một chén chè đậu xanh thơm nóng, một dĩa bánh bích quy. Nhẹ rót trà vào tách, rồi nói.

— Phương tiện trong trại nầy hạn hẹp quá không có gì cả. Em nấu chè này, đặc biệt đãi anh đó. Ngon hay dở cũng là một tấm lòng nha anh.

Như đã quen biết từ kiếp nào, tôi ăn chè, uống trà, trò chuyện rất thoải mái. Trà nóng, chè thơm và tim tôi bừng vui như ngày lễ hội.

Thu Hồng đêm nay thật tuyệt vời! Những cử chỉ thật ân cần, nói năng dịu ngọt, ánh mắt trìu mến làm ấm lòng một kẻ xa nhà đơn côi. Tôi cảm thấy hạnh phúc dâng tràn.

Lần hội ngộ đầu tiên nầy tôi và Hồng tâm sự thật nhiều và nhờ đó tôi biết thêm về thân thế của người bạn gái mới quen.

Thu Hồng quê quán ở Rạch Giá. Sau 75, là chị cả nàng phải nghỉ học, theo nghề may tìm kế sinh nhai, phụ giúp cha mẹ nuôi nấng hai em trai. Khi đầy đủ kinh nghiệm trong nghề, với sự hổ trợ của cha mẹ, nàng mở tiệm may, mở lớp dạy, nhận học viên, thêm hàng gia công và rất thành công. Không bao lâu nàng bỏ vốn mua dụng cụ, thu mua lá thuốc, mướn người, làm xí nghiệp vấn thuốc và sản xuất thuốc lá tại gia. Công chuyện làm ăn của nàng rất phát đạt và khi tiền bạc thừa đủ thì nàng nghĩ đến chuyện đưa hai em ra đi. Tương lai chị em nàng sẽ rạng rỡ hơn nhiều ở bến bờ tự do.

Nghe qua câu chuyện nàng kể, lòng tôi vô cùng thán phục vì Thu Hồng còn rất trẻ. Quả nhiên tôi dự đoán không sai ngay từ đầu, nàng là một cô gái đoan trang, dịu dàng nhưng tự tin và rất bản lãnh.

Đêm hội ngộ đầu tiên nầy là một kỷ niệm thật đẹp ... đến nay thoáng đã 37 năm mà tôi vẫn ngỡ như hôm qua. ‘Đóa Thu Hồng’ vẫn sống động trong lòng tôi.

OOo

Một buổi sáng, đang ngồi sưu tầm những từ ngữ dịch thuật thì Vĩnh vừa lãnh thực phẩm về. Nhìn tôi Vĩnh cười khoái chí rồi nói.

— Bữa nay đã quá anh Quan, có rau tươi và cá tươi.

— Vậy sao, ừ đã thiệt!

Anh em chúng tôi thật chật vật. Tôi thì không có một đồng xu, còn Vĩnh may mắn qua mặtđược bọn hải tặc nên còn giữ được 100 đô. Đây là tiền mãi lộ duy nhất của ông anh cho nó trước khi lên đường.

An, bạn làm cùng cơ quan với tôi, là anh cả trong gia đình rất thương thằng em út, bao nhiêu tiền mánh mung dành dụm được, An đều đổ dồn để lo tương lai cho Vĩnh. Một trăm đô Mỹ là một số tiền khá lớn thời bấy giờ. Vĩnh rất trân trọng số tiền nầy, không dám tiêu xài vì đây là vốn phòng thân khi gặp chuyện bất trắc.Thế mà mấy hôm trước nó dám bỏ một ít đồng mua hai trái táo về để hai anh em ăn cho biết mùi. Trái táo nhập từ Úc là một loại hàng xa xỉ, mắc tiền, nhất là đối với dân tỵ nạn ở trại Kota Bharu.

Vĩnh để túi thực phẩm vào góc rồi nói.

— Anh Quan, 10 giờ sáng nay mình phải lên nhà kho bắt thăm quần áo. Chỉ có tàu mình và mấy tàu mới tới thôi.

— Vậy hả Vĩnh. Anh chỉ có hai bộ đồ, vài cái quần đùi, quần lót nên cần áo quần lắm.

Sau một vài tuần, mỗi tàu mới đến đều được phân phát áo quần do hội thánh Vinh Sơn và những cơ quan từ thiện. Quy luật trong trại là không ai được lựa chọn mà phải bắt thăm. Sau đó mình có thể tìm người để trao đổi cho đúng kích thước.

Thật rủi cho tôi! Bắt thăm sao mà chỉ được toàn áo quần phụ nữ. Còn Vĩnh may mắn hơn, áo quần nam đẹp lại vừa khích, có lẽ nhờ nó cao ráo và to người.

— Không sao anh Quan, để mình qua anh Hùng tìm người trao đổi xem.

(Nguyễn Mạnh Hùng và gia đình là láng giềng của Vĩnh ở Việt Nam, đến trại tỵ nạn Kota Bharu trước Vĩnh cả năm)

Tôi thật thất vọng và nói theo.

— Ừ! Thôi vậy chứ biết làm sao?

Đến gần 11 giờ trưa hai anh em tôi mới về đến nhà. Vĩnh nhìn vào mấy con cá, cười rồi lẩm bẩm.

— Hồi nhỏ tới giờ chưa biết làm cá ra làm sao? Bữa nay là lần đầu tiên em ra tay thử ...hahaha

— Anh cũng vậy. Ở nhà có em gái lo việc bếp, còn anh chỉ giỏi quét nhà và lau chùi chứ có biết nấu nướng bao giờ đâu.

Rồi cũng một điệp khúc cũ, Vĩnh vội nói.

— Chuyện nhỏ mà anh Quan, để em làm hết cho. Anh đi lo chuyện của anh đi.

Anh em tôi còn dằn co về chuyện bếp nướng, thì có tiếng gọi bên ngoài.

— Anh Quan!

Tôi quay đầu nhìn lại thì thấy Thu Hồng đang cười tươi bên khung cửa. Hôm nay nàng mặc đồ bộ vàng nhạt, trông thật dễ thương.

— Vào đây Hồng.

Thằng Vĩnh nói nhỏ vào tai tôi.

— Tới luôn nha anh Quan.

Thu Hồng đi qua cửa cái rồi đến chỗ tôi (thật ra hai anh em được ở trong phạm vi 6 tấm ván trên một bụt ván dài).

— Đây là Vĩnh, người bạn đồng hành cùng một chuyến tàu mà hôm trước anh có kể cho Hồng nghe đó.

Thu Hồng khẽ cúi đầu chào Vĩnh rồi nhìn tôi nàng nói.

— Lúc nãy em có đến nhưng không thấy anh.

— Hồng kiếm anh có chuyện gì không?

— Bữa nay có phân phối cá, nên em tìm anh để làm cá giúp cho anh.

Nghe Hồng nói đến đây thì Vĩnh xen vào.

— Sao chị đến đúng lúc quá. Tụi nầy đang tập tành làm cá đó.

Thu Hồng, tay chấp sau lưng, cười vui vẻ rồi nhìn dáo dác. Chỗ hai anh em tôi ở, thật ra rất đơn sơ chẳng có cái gì cả, ngoại trừ mấy cái thùng carton đựng quần áo để trên kệ vách, một ít chén bát, nồi, chảo mà Mạnh Hùng mang qua cho lúc anh em tôi mới vào trại. Chợt thấy đống quần áo mà anh em tôi mới mang về, Hồng hỏi tôi.

— Anh mới nhận quần áo về hả. Mặc có vừa không? Nếu không đưa cho Hồng sửa cho. Em là thợ may chuyên nghiệp mà.

Nghe đến đây, Vĩnh vội xen vào.

— Xui quá chị Hồng. Áo quần em bắt thăm thì vừa khích nhưng đồ anh Quan thì toàn là quần áo phụ nữ không.

Vĩnh nhanh tay cầm mớ quần áo của tôi đưa cho Hồng xem. Nàng cầm từng chiếc áo đầm, quần tây, quần thun phụ nữ đưa lên cao nhìn ngắm một hồi rồi nói.

— Không sao đâu, nghề của em mà. Còn mấy con cá nầy để em giúp anh.

— Phiền em quá! Anh và Vĩnh làm được mà.

— Có gì đâu anh. Em làm cá cho em thì làm cho anh một lượt luôn chớ đâu có gì mà phiền. Thôi em về nha, chút nữa em mang qua ngay.

Tôi cám ơn Hồng và tiễn nàng ra cửa.

Không bao lâu Thu Hồng trở lại mang theo những khứa cá đã làm sạch sẽ và cuộn thước dây để đo kích thước cho tôi rồi vội vã quay về.

Chờ Hồng đi khuất, Vĩnh quay lại tôi, cười và nói.

— Chị Hồng xinh gái quá! Anh Quan tốt số thật. Em bảo đảm chị Hồng kết anh Quan đó.

— Chà hay quá chú em. Chị Hồng chỉ là người bạn gái mới quen thôi. Vĩnh cẩn thận nhở đến tai chị thì phiền lòng và anh mất một người bạn gái thì buồn lắm.

— Dạ em biết chứ.

Hai anh em tôi nhìn nhau rồi cười, mỗi người có những suy tư riêng. Tôi thật sự nghĩ Thu Hồng chỉ quý mến tôi như một người bạn và tôi cũng vậy thôi. Vĩnh và Thu Hồng có biết đâu tôi còn để lại một mối tình ở Việt Nam, mối tình đầu của tôi. Lời hẹn ước đêm chia tay, còn thoang thoảng bên tai ... chỉ hơn một tháng thôi, làm sao tôi có thể quên nhanh thế được.

Kể từ dạo ấy Thu Hồng thường đến giúp tôi làm cá, phụ nấu ăn và mỗi lần công tác thông dịch về thì tôi thấy một ly nước cam vắt để sẵn trên bàn khung cửa sổ.

Nâng cao ly, tôi uống cạn hết ân tình, để rồi ân tình nầy biết đến bao giờ tôi quên ...

Ooo

Đêm nay trời đầy sao và trăng thật sáng, gió lại hiu hiu thổi mát nên hầu hết dân trong trại đều đổ xô ra ngoài. Người thì uống trà trò chuyện, nhóm trẻ thì ra sau bãi xem TV, trai gái tìm nơi thanh vắng để tâm tình. Còn tôi đêm nay đi dạo bộ với Đào Vĩnh Đức, một người bạn trong ban thông dịch. Tôi rất mến anh vì hai người rất tâm đầu ý hợp, cùng chung một mái nhà và anh có máu văn nghệ như tôi.

Tôi và Đức đi đi lại lại khắp sân, vừa đi vừa nói chuyện tương lai. Mỗi lần đi ngang chỗ Thu Hồng, tôi thấy nàng ngồi cặm cụi khâu áo dưới ngọn đèn khuya.

Trời sáng trăng và đẹp quá! ... Nhưng sáng và đẹp sao hình bóng Thu Hồng ngồi yên may áo bên khung cửa. Thỉnh thoảng vài cơn gió thổi làm tóc nàng nhẹ bay ...

Ít hôm sau, Thu Hồng đến chỗ tôi, tay cầm túi đồ trao tôi như một chiến công, hớn hở nàng nói.

— Áo quần anh nè. Anh mặc thử xem có gì cho em biết?

Mở túi ra xem thì những bộ đồ phụ nữ tôi bắt thăm đã hoàn toàn biến dạng. Thu Hồng đã chuyển giới chúng thành những chiếc quần cụt, quần tây và áo sơ mi thật đẹp. Lòng rộn ràng vui, tôi hỏi.

— Hồng khéo tay quá! Làm sao mà hay vậy?

Hồng nhìn tôi trìu mến rồi nói.

— Trại ty nạn nầy không có máy may đâu anh. Hồng phải tháo gỡ hết khâu chỉ của áo quần phụ nữ, đo cắt lại theo kích thước của anh rồi may lại. Tất cả em làm bằng tay. Nhưng Hồng làm kỹ và chắc lắm.

Lòng cảm xúc vô ngần! Hồn tôi chơi vơi!

Tôi sống những tháng ngày tuy tạm bợ nhưng thật êm đềm. Thu Hồng đến với tôi như ánh sáng trong đêm và tình nàng cho tôi như ngọn lửa ấm áp đêm đông.

Tình thân giữa hai chúng tôi làm nhiều người trong trại để ý. Một hôm đi lấy nước thì chị Xuân trong ban thông dịch gạ chuyện. Tôi nói chuyện vui vẻ với chị một hồi thì bổng dưng chị đổi đề tài.

— Quan à, chị thấy dường như con Hồng nó để ý đến em. Hồng thương em quá chừng! Lo lắng cho em đủ điều. Em có biết không ... nó yêu em đó!

Tôi ấp úng.

— Ủa đâu có gì đâu chị. Tụi em chỉ là bạn thân thôi mà.

Câu nói của chị Xuân như tiếng chuông báo thức.

Đêm đó tôi không ngủ được, tôi suy nghĩ nhiều. Liệu mình có tiếp tục phiêu lưu tình cảm hay không? Khi mà hình bóng Kim Thủy còn đè nặng trong tim. Như vậy là lừa dối chính mình và lừa dối tình cảm một cô gái hết sức trinh trắng. Hơn nữa Thu Hồng chỉ muốn định cư ở Mỹ thôi, nàng có nhiều thân nhân đi trước chờ đón nàng.

Tôi thì con mồ côi, muốn rời khỏi trại càng sớm càng tốt và sẽ chấp thuận đi bất kỳ quốc gia nào đầu tiên đón nhận tôi. Ổn định đời sống, cứu giúp gia đình là mục tiêu hàng đầu ... và tôi quyết định phải có một ranh giới giữa tôi và nàng, không thể tiến xa hơn nữa.

OOo

Tết sắp đến, trong trại xôn xao nhộn nhịp hẳn lên vì mọi ban bộ đang chuẩn bị đón một cái Tết truyền thống với đầy đủ tiết mục văn nghệ. Tôi thì được một số người mời đến dùng cơm trong những ngày đầu năm.

Thu Hồng đến tìm tôi nói nhỏ.

— Anh Quan giúp Hồng chuyện nầy được không?

— Hồng nói đi. Anh lúc nào cũng sẵn sàng.

Thu Hồng cười mỉm.

—Trong mấy ngày Tết, anh thu xếp cho Hồng ra ngoài được không?

— Dễ thôi, anh cho Hồng vào danh sách ra ngoài khám bịnh nha.

— Dạ ... cám ơn anh, nhưng anh phải là thông dịch viên của Hồng mới được, người khác Hồng không chịu đâu.

Tôi cười xòa.

— Dĩ nhiên anh phải chăm sóc Hồng chớ, không có ai khác đâu. Nhưng chừng nào Hồng muốn đi?

— Mùng một Tết được không anh?

— Được, để anh lo cho.

(Mã Lai là xứ Hồi Giáo, họ không có ngày lễ Chúa Nhật, Giáng Sinh, Phục Sinh hay ăn Tết như người Việt mình. Mọi sinh hoạt trong những ngày đó đều bình thường.)

Đúng 9 giờ sáng mùng một Tết, anh Hà Quốc Cẩm trưởng ban ngoại vụ đã lên văn phòng Mã Lai trình danh sách những người ra ngoài trại khám bịnh. Khi xe vừa vào cổng, anh bắt đầu phóng thanh gọi những người có tên trong danh sách ra xe. Tổng số người đăng ký ra ngoài chỉ có 6 người, ba bịnh nhân và ba thông dịch viên.

Tôi và Thu Hồng lần lượt lên xe, nàng ngồi cạnh tôi và khẽ nói vừa đủ để tôi nghe.

— Khám xong em với anh đi dạo phố chơi. Em ở trại gần một năm rồi, mọi sinh hoạt trong và ngoài trại em cũng khá rành.

Phần tôi đây là chuyến thứ ba ra ngoài trại. Người tị nạn chỉ được ra trại vì lý do y tế hoặc chuyển sang trại “Transit” ở Kuala Lumpur để chờ chuyến bay đi định cư thôi.

Chiếc xe đưa chúng tôi đi là loại xe van nhỏ khoảng 8 chỗ ngồi. Mỗi lần đi đều có một anh lính theo canh giữ. Tuy nhiên lính canh lúc nào cũng có quà cáp của người trong trại nên họ rất dễ dãi, thường cho chúng tôi rộng rãi thời gian chờ họ trở lại đón. Nhờ vậy, người tị nạn khi xong việc có thể đi ăn uống, dạo phố và mua sắm vì nơi khám là một bịnh viện lớn gần trung tâm thành phố.

Người tị nạn cũng rất được ưu tiên vì chúng tôi được khám ở khu riêng nên không phải chờ đơi lâu. Vừa ra khỏi phòng khám, Thu Hồng vui vẻ nói.

— Còn hơn hai tiếng đồng hồ, thôi em và anh đi phố chơi nha.

— Ừ ... đi thì đi theo Hồng chớ anh chẳng biết đi đâu hết.

Thu Hồng nhìn tôi, nhoẽn miệng cười trấn an.

— Anh đừng có lo. Em ra ngoài với bạn bè nhiều lần rồi. Còn tiền bạc thì tháng nào cũng có tiếp tế từ mấy anh họ ở Mỹ gởi qua, tuy không nhiều nhưng đủ xài. Bữa nay em bao anh hết.

Nói xong nàng mạnh dạn nắm lấy tay tôi đi về bến xe xích lô (trishaw) ngoài bịnh viện. Xe xích lô ở đây khác Việt Nam nhiều lắm, nó chỉ là xe đạp kéo theo một xe khách ở bên cạnh vừa đủ cho hai người ngồi. Một điểm khác nữa xe xích-lô VN hầu như xe nào cũng giống nhau, chỉ có một màu, còn xích lô Mã Lai thì đủ màu sắc, rất đẹp.

Thu Hồng tới một bác xích lô, tươi cười hỏi giá đi đến trung tâm thương mại của thành phố Kota Bharu. Dường như nàng rất quen thuộc vì đã nhiều lần đến đây. Giá cả ưng thuận xong, nàng quay lại bảo tôi.

— Mình lên xe đi anh.

Bánh xe bon bon trên đường, bác tài thong thả đạp đều trong thành phố xinh xắn. Thu Hồng cười nói líu lo, vui như chim hót buổi sáng mai. Tai tôi lắng nghe nhưng mắt lại quan sát cảnh vật hai bên đường.

Có thể so sánh Kota Bharu như Nha Trang ở VN, cả hai đều là thành phố du lịch miền duyên hải. Điểm khác biệt là phố xá ở đây tân kỳ, sạch sẽ và quy mô hơn ở VN rất nhiều. Thời điểm tôi ra đi, VN vừa chấm dứt chiến tranh, đời sống thật vất vả, những đổ nát còn để lại khắp ba miền Nam Trung Bắc.

Từ bịnh viện đến trung tâm thành phố không xa lắm, chẳng mấy chốc bác xích lô đưa chúng tôi đến trung tâm mua bán khá sầm uất của Thành phố Kota Bharu. Tôi thấy thành phố tuyệt đẹp, nhiều hàng dừa trồng dọc hai bên đường. Giữa khu thương mại có bùng binh thật rộng lớn với cây cảnh xanh tươi. Trên lề đường đây đó có nhà mát để khách bộ dừng chân khi mỏi mệt. Điều mà tôi thấy thú vị hơn hết là những cô gái trong sắc phục Hồi Giáo với chiếc khăn choàng che khuất mái tóc làm tăng phần quyến rủ. Xe cộ rất tuân kỷ luật đèn lưu thông. Đây đó ... vài anh lính cảnh sát đứng trực ở những trục giao thông.

Bánh xe dừng hẳn bên lề một tòa nhà rộng và cao lớn có tên là KB Mall, tương tự như chợ Bến Thành nhưng đồ sộ hơn vì có nhiều tầng. Cửa hàng buôn san sát bên nhau ở mọi con đường và khách bộ hành tới lui tấp nập. Đây là trung tâm thương mại của thành phố Kota.

Tôi và Hồng xuống xe. Hai chúng tôi như chim sổ lồng tung tăng vào phố chợ, lòng thật vui.

Bước vào KB Mall tôi choáng váng vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy một trung tâm mua bán to lớn như vậy. Đi đến đâu, tôi ngạc nghiên đến đó, như người vừa đi lạc vào một thế giới mới. Tầng nào cũng đầy những gian hàng khang trang, hàng hóa trưng bày thật mỹ thuật và khách hàng qua lại như phiên chợ. Trung tâm có tới ba bốn tầng lầu, thang máy đứng, thang máy nghiêng (escalator), những cánh cửa tự động đôi lúc làm tôi giật mình. Đặc biệt có một khu chuyên buôn hàng tươi như trong lồng chợ Sài Gòn, nhưng rất sạch sẽ và ngăn nắp.

Tôi sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh. Đất nước tôi chỉ một màu tang thương, tàn phá thì nhiều mà xây dựng có là bao. Thế mà, sau khi miền nam sụp đổ, VN lại càng đi sụt lùi hơn. Nhìn những tiến bộ của nước lâng bang, lòng tôi không khỏi thương cho dân Việt ...biết đến bao giờ đất nước mình mới bắt kịp đây?

Sau nầy khi được định cư ở Úc, một quốc gia giàu mạnh hàng đầu trên thế giới, thì mới biết Mã Lai tiến bộ thật nhiều vì phố xá, trung tâm thương mại không khác gì các nước tây phương.

Tôi và Thu Hồng đi dạo hầu hết mọi nơi trong khu thương mại. Nàng mua một ít đồ dùng cá nhân rồi rủ tôi đi ăn trưa. Quán tiệm chúng tôi vào là cửa hàng ăn bình dân nằm trên đường, không khác gì lắm những tiệm cơm ở Sài Gòn. Đã lâu không có ăn bên ngoài, nên chúng tôi ăn rất ngon.

Mặt trời đã lên cao tận đỉnh đầu, Thu Hồng nhìn đồng hồ rồi nói.

— Thôi mình về chỗ hẹn đi anh, sắp đến giờ rồi.

— Ừ mình về thôi, Hồng.

Chiếc xe xích lô lại lăn đều trên đường trở về điểm hẹn ở bịnh viện, chờ xe trại đến đón.

— Anh Quan có vui không?

— Hai lần trước anh chỉ đi quanh quẩn bịnh viện, chờ đến giờ rồi về. Lần nầy Hồng dắt anh đi nhiều chỗ thật mới lạ và thú vị. Anh Cám ơn Hồng nhiều lắm.

— Anh biết không, hôm nay là ngày mùng một Tết. Mai nầy dầu ở phương trời nào ... Tết về anh đừng quên em nhé.

Thu Hồng tha thiết nhìn tôi, mắt nàng ngây dại... như còn lưu luyến những phút giây êm đềm chóng qua. Nàng tựa đầu lên vai và ôm chặt cánh tay tôi. Không gian như ngừng lại ... cảm xúc dâng tràn nhấp nhô trên bộ ngực căng đầy của thiếu nữ đôi mươi, đang ép sát vào người làm tôi như ngộp thở. Tôi cứng người, ngồi yên, đầu óc rối loạn không biết xử trí ra sao? Giờ đây rõ ràng như chị Xuân nói ... Thu Hồng thật sự yêu mình!

Mẹ tôi, người mẹ rất đạo hạnh. Cuộc đời bà chỉ biết thờ phượng Chúa và chăm lo gia đình. Ngọn đèn dầu trên bàn thờ không bao giờ bà để cho tắt, hoa chưng Đức Mẹ bà chẳng để tàn.

Mỗi sáng bà lật sổ lịch công giáo xem giáo hội kính nhớ ai ngày hôm nay. Sáng tối siêng năng lần chuỗi mân côi và cầu nguyện. Vào những buổi trưa hè rảnh rỗi bà đọc hạnh đức các thánh. Mẹ tôi dạy, chung đụng thể xác nam nữ chỉ dành riêng cho vợ chồng, sanh con truyền giống và là hạnh phúc riêng của vợ chồng. Không phải để đùa vui rồi làm tình làm tội, khổ thân mình ... khổ đời người con gái. Con rơi con rớt thật tội tình! ... và từ nhỏ tôi rất thấm nhuần giáo huấn ‘Công Giáo’ của mẹ tôi.

Ra đi ... tôi để lại một mối tình. Tôi đã yêu một cô gái, ngay từ buổi ban đầu, liên tục hai năm làm việc với nàng cùng một công ty. Hình ảnh đêm chia tay và dư âm lời hứa hẹn vẫn vang động trong tôi.

Tôi không thể lừa dối Thu Hồng được, nhưng tôi không đủ can đảm nói lên sự thật vì tôi quý mến Thu Hồng rất nhiều. Tôi nghĩ tốt hơn là im lặng và từ từ xa cách nàng. Rồi sẽ có lúc mình rời trại ... thời gian sẽ xóa nhòa thôi. Thu Hồng, trẻ đẹp, quán xuyến và tài giỏi, chắc chắn nàng sẽ thành công ở nước ngoài và tìm được người xứng đáng hơn tôi.

Sau chuyến đi nầy tôi cố giữ một khoảng cách, không đi xa hơn tình bạn và thường tìm cách tránh né gặp gỡ Thu Hồng.

OOo

Tiếng anh Hà Quốc Cẩm qua máy phóng thanh vang vang khắp trại.

— Xin mời anh Trang văn Quan, trưởng ban thông dịch lên văn phòng. Có phái đoàn Úc đến.

Nghe phóng thanh gọi, tôi nhanh nhẩu thay quần áo. Đúng như mọi người nói khoảng trung tuần tháng hai, sau mùa ‘Holidays”, phái đoàn các nước sẽ trở lại phỏng vấn và nhận người đi định cư.

Phái đoàn Úc Châu là phái đoàn đầu tiên đến trại trong năm 1980. Đây là cơ hội rất tốt “Vạn Sự Khởi Đầu Nan”. Tôi thầm nghĩ mình phải cố gắng hết sức chinh phục được tình cảm phái đoàn, hy vọng họ chấp nhận mình và tôi đã thành công.

Rủi thay, Vĩnh lại bị bác chỉ vì nó chưa học hết trung học, không có nghề chuyên môn và hơn nữa chẳng nói được một câu tiếng Anh nào.

Tối nay, có ba người thật buồn. Tôi không ngủ được, thằng Vĩnh cứ thổn thức khóc. Tôi lặng yên biết nói gì đây ... anh em tôi chỉ có duyên phận đến đây. Tôi không bao giờ quên Vĩnh, và nó cũng sẽ không bao giờ quên tôi.

Sau nầy khi được định cư ở Canada, Vĩnh có viết vài lá thư thăm tôi rồi biệt tăm đến nay.

Những năm tháng dài thương nhớ nó, tôi nhiều lần viết thư về cho An hỏi thăm Vĩnh. Buồn thay! An cho biết là chỉ nhận được một lá thư duy nhất khi nó đến Canada. Từ đấy cho đến nay đã bao năm rồi không thấy tin tức nó. Gia đình xem như nó đã chết.

Nhưng người buồn nhất có lẽ là Thu Hồng. Tin tôi được phái đoàn Úc nhận có lẽ đã đến tai nàng.

Riêng tôi, buồn vui lẫn lộn. Buồn vì phải chia tay với bao người thân trong trại. Tôi đã có một sự lựa chọn, cho dầu sự lựa chọn đó có sai lầm đi chăng? Thì âu cũng là số phần của tôi.

OOo

Sau khi được phái đoàn nhận, ai cũng phải chờ khoảng hai tuần, sẽ có xe đến đưa sang trại chuyển tiếp ở Kuala Lumpur, thủ đô nước Mã Lai. Người ta gọi trại nầy là trại Transit vì người Việt ở khắp các trại đều về dồn về đây chờ cho đến ngày có chuyến bay đi định cư.

Khoảng trung tuần tháng 3/1980, anh Cẩm cho hay là tôi có tên trong danh sách đi. Anh yêu cầu tôi chuẩn bị sẳn sàng, nay mai sẽ có chuyến rời trại. Được tin nầy, tôi mừng lắm! Xem như tôi vượt qua một chặng đường chông gai. Ánh sáng tự do đang hé chờ tôi ở cuối con đường. Tôi may mắn quá! Được nhận định cư ngay trong lần đầu phỏng vấn và chỉ ở trong trại khoảng ba đến bốn tháng.

Vĩnh bây giờ cũng bớt buồn, càng quấn quít tôi hơn. Hành lý tôi thì chẳng có gì, ngoài mấy bộ đồ Hồng may cho, đồ dùng cá nhân, sách vở và hình ảnh kỷ niệm. Tôi chưa có xách tay hành lý, định chạy quanh trại xin cái xách tay để sắp hành lý vào.

Cả ngày hôm đó, tôi vô cùng bận rộn, phải bàn giao công việc, từ giã bạn bè, nhất là anh em trong ban thông dịch và vợ chồng Trần Mạnh Hùng.

Thế là hết một ngày. Chiều xuống thật êm mà tôi không hay, những giây phút cuối trong trại sao quý quá.

Đang trên đường về nhà thì tôi nghe tiếng một cô gái gọi.

— Anh Quan ... anh Quan!

Quay lại thì thấy Liễu đang ở sau tôi. Tôi vui vẻ dừng lại chưa kịp chào hỏi thì Liễu đã mở lời.

— Anh Quan, sao anh vô tình quá! Hồng chờ anh cả ngày mà không thấy anh tới. Nó buồn thê thảm, ngày không ăn, đêm không ngủ. Hồng thương anh lắm anh có biết không? Anh nhớ đến thăm nó nha. Thôi ... Liễu chúc mừng anh và cầu xin cho anh mọi điều may mắn.

Liễu nói cho một tràng, như máy nhắn tin rồi vội bỏ đi, để lại tôi cõi lòng ngổn ngang chưa kịp phân trần. Thật ra, Thu Hồng là niềm an vui và là người tôi quý mến nhất trong trại nầy. Chẳng chần chờ, tôi đổi hướng và đi về phía dãy nhà của Thu Hồng.

Thu Hồng đang ngồi bên cửa sổ, mặt tư lự như nhìn vào cõi hư vô, không biết tôi đang đứng sau lưng nàng. Chờ một chút vẫn chưa thấy nàng quay lại nên tôi khẽ gọi, cố gắng đùa một chút cho nàng vui.

— Hồng tiểu thơ, có sư huynh đến bái kiến nè.

Thu Hồng quay lại, thấy tôi, nàng vui mừng nở một nụ cười.

— Anh Quan ngồi xuống đây. Hôm qua em được tin anh mai nầy rời trại, em buồn lắm, cứ mong anh tới em chơi. Dạo nầy chắc anh bận lắm? Không mấy lúc thấy anh ghé thăm em.

— Hồng đừng buồn anh nha. Mọi chuyện đến nhanh quá anh không chuẩn bị kịp nên rất là lu bu. Nhưng anh không có quên Hồng đâu. Anh dự định đâu đó xong xuôi sẽ đến Hồng.

Thu Hồng nhìn tôi đầy trìu mến rồi nói.

— Hồng có một món quà cho anh. Đây là cái xách tay hành lý em tự may, lớn và chắc lắm. Hy vọng anh sẽ thu xếp hết áo quần đồ đạc vào trong được.

Nói xong Thu Hồng đưa cho tôi một cái túi xách to như một cái vali nhỏ. Tôi cầm cái túi xách, ngắm nghía một hồi. Túi xách làm bằng vải nhựa, nhiều ngăn và bên ngoài có viết ba chữ thật to Trần Thu Hồng. Phải chăng nàng muốn tôi ghi nhớ mãi tên nàng?

Tôi mừng và cảm động vô cùng.

— Em chu đáo quá. Anh đang tìm cái túi xách thì em đã lo cho anh rồi. Cám ơn Hồng nhiều nha ... em gái ơi làm sao anh quên em được đây?

Thu Hồng cười và nhẹ nói.

— Thường xe đến khoảng 5 giờ chiều và 6 giờ thì khởi hành. Lúc nào cũng rời trại vào ban đêm và sáng hôm sau anh sẽ đến Kuala Lumpur. Kota Bharu cách trại transit khoảng 700 cây số đó anh.

Tôi trò chuyện với Thu Hồng một chút rồi cáo từ.

— Anh về thôi, còn nhiều việc phải làm. Mai nầy xong chuyện anh sẽ đến từ giã Hồng trước khi anh đi.

OOo

Mùa mưa ở Mã Lai, nói chung, bắt đầu từ tháng mười kéo dài cho đến tháng tư thì dứt.

Chiều nay có trận mưa rào rất to, mưa như thác đổ, sấm nổ vang trời. Những hàng dừa xa xa, oằn oại trong màn nước. Tôi rất thích ngắm nhìn mưa rào như vậy. Nó mang tôi về khung trời quê hương thân yêu. Mang lại những cơn mưa rào ở Saigon, tôi cùng các bạn đạp xe đi học dưới hai hàng me xanh non.

Mọi chuyện đã thu xếp xong, giờ đây tôi chỉ còn chờ lệnh lên đường.

Mưa vừa dứt xong, tôi đi vội đến thăm Thu Hồng.

Thu Hồng đang nằm trên chiếc võng, thấy tôi nàng bật người dậy, cố nở nụ cười.

Chúng tôi ngồi đối diện nhau trên khung cửa sổ. Nàng lặng yên một hồi lâu không nói nên lời, cố gắng ngăn những cơn sóng buồn trong lòng vì chẳng mấy chốc đây tôi sẽ rời trại.

Thu Hồng, hôm nay đẹp lạ! Cái đẹp của nàng Tiểu Long Nữ trong ngôi cổ mộ. Chúng tôi trò chuyện thật lâu cho hết cả một buổi chiều.

Thằng Vĩnh, rất trông tôi về, nhưng nó biết ý không qua tìm tôi. Hôm qua tôi đã cạn tâm tình với nó.

Đã gần đến 5 giờ chiều, không còn bao lâu thì xe sẽ đến. Thu Hồng nhìn tôi, mắt nàng tha thiết hơn bao giờ.

— Qua bên Úc anh sẽ buồn và cô đơn lắm! Nước Úc đất rộng, người thưa, dân Việt chẳng có bao nhiêu. Bạn bè em đi trước ai ai cũng đều nói như vậy. Em giới thiệu một người thật tốt, hiền và dễ thương để anh làm bạn. Nó là bạn thân của em hiện đang ở Sydney.

Nói xong, nàng đưa cho tôi một mảnh giấy có ghi tên, địa chỉ, điện thoại của người bạn gái ở Sydney. Tôi vừa ngạc nghiên, vừa cảm động, ấp úng không biết nói gì hơn là “cám ơn” nàng.

Chiếc xe bus to lớn từ từ lăn bánh qua cổng trại. Tiếng loa phóng thanh vang vang từ văn phòng Mã Lai kêu gọi người có tên trong danh sách đi Úc chuẩn bị ra xe.

Thu Hồng, mắt long lanh ngấn lệ, quên hẳn mọi người xung quanh. Nàng xích dần sát bên tôi...dường như muốn ôm chặt lấy tôi và hôn tôi lần cuối. Tôi thật là thằng ngu ngơ, dại khờ... cử chỉ đột ngột của nàng trước bao người đang tấp nập trong trại làm tôi hốt hoảng. Tôi bật đứng lên như một cái lò xo tự động và nói nhanh.

— Hồng ơi, tới giờ rồi anh phải về, chuẩn bị hành trang ra xe. Anh chúc Hồng ở lại bình an và nhiều may mắn nhé. Nếu còn duyên phận thì mình còn cơ hội gặp nhau.

Khi ra khỏi dãy 9, nhìn lại tôi thấy Thu Hồng nằm trên võng, lưng quay vào trong nhà, vùi mặt vào hai bàn tay, bờ vai thon nhỏ rung lên từng cơn ... Tôi biết nàng đang khóc ... khóc nức nở ...

Tôi trở về lòng vương một nỗi buồn khó tả. Thằng Vĩnh cũng âu sầu như cành cây khô lá!

— Anh Quan tới giờ rồi. Hành lý anh đây, em đi với anh ra xe.

Tôi không ngăn dòng lệ. Vĩnh nước mắt cứ tuôn tràn. Hai anh em tôi ôm lấy nhau lần cuối.

— Vĩnh ơi, có buồn anh không? Anh bỏ Vĩnh ở lại vì anh không quyết định được tương lai. Em hiểu cho anh?

— Em không có trách anh đâu. Anh là ‘ông Thánh con’ của em mà. Lỗi cũng tại em, anh kêu học Anh Văn hoài. Có người kế bên, tận tình chỉ dạy mà em lười không chịu học.

Bên ngoài sân, những vũng nước còn đọng lại sau một cơn mưa, lấp lánh những áng mây buồn nhẹ nhàng trôi trong buổi chiều tàn.

Tôi bước qua cánh cổng phân chia của trại.
Tôi bước qua cánh cổng phân chia đời tôi.
Tôi bước vào một hành trình mới.

Quay đầu nhìn lại ... tôi vẫy tay chào anh em lần cuối. Mắt dáo dát nhìn quanh, cố tìm kiếm Thu Hồng, nhưng không thấy bóng dáng nàng ở đâu ...

Giờ khởi hành đã đến, đoàn xe chuyển bánh qua cổng trại...Lòng tôi nặng trĩu một nỗi buồn... hình bóng Thu Hồng và Vĩnh cứ chập chờn trong tâm trí tôi.

Đường đời hai lối rẽ, tình người không biết về đâu? Có chăng ... còn lại nơi đây bao ân tình và kỷ niệm.

OOo

Melbourne trong những ngày cuối thu sao thật buồn. Mây xám giăng đầy, khí trời trở lạnh. Những cơn mưa chuyển mùa day dứt báo hiệu mùa đông sắp đến.

Ngồi trước thềm nhà, ngắm cảnh vật trong vườn. Một cơn gió thoảng làm vài chiếc lá vàng nhẹ rơi. Một cánh hồng vờn lay trong gió ... mang thương nhớ trong tôi.

Nhớ lại chuyện xưa. Tôi hối hận nhiều lắm! Niềm ân hận đến nay thắm thoát đã 37 năm ...

Ngày đó tôi còn trẻ, chưa có một chút kinh nghiệm gì về tình yêu, về phụ nữ... nên tôi rất vụng về. Ngày chia tay, tôi không có một cử chỉ trìu mến nào ... dầu chỉ một nụ hôn, một vòng tay tiễn biệt để an ủi người con gái đã hết lòng yêu thương và lo lắng cho tôi.

Người ta thường nói:

Hoa đẹp, hoa thơm, hoa vẫn tàn
Tình đậm, tình sâu, tình vẫn tan

Nhưng hình bóng người con gái năm xưa vẫn sống mãi trong tôi. Lòng mến vẫn tràn đầy và đêm đêm tôi hằng nguyện cầu cho người con gái ấy.

Giờ đây ghi lại tình này.
Bao nhiêu chữ viết, chữ tình bấy nhiêu.
Và khúc nhạc lòng tôi viết cho em ...
Đóa Thu Hồng ...
Tình Chưa Lãng Quên ...

(Viết xong vào một đêm tàn thu.)

28/05/2016

Quan Trang kính bút và thân ái mời các bạn thưởng thức ca khúc:

Tình Chưa Lãng Quên



No comments:

Blog Archive