Tuesday, July 28, 2020

TRẦN ĐÔNG A: ÔNG LÀ AI?

Tên ông mới nghe tưởng ông là thầy thuốc nam, có tiệm thuốc bắc bên cầu Sắt miệt Gia Định. Nhưng ngoài đời ông lại là một bác sĩ Tây y, khi đi lính ông là một bác sĩ Quân y VNCH, hết đi lính ông là một tù cải tạo. Hết cải tạo ông trở thành bác sĩ Giải phóng và suốt gần ba mươi năm sau ông vừa hành nghề bác sĩ vừa là Đại biểu Quốc hội CHXHCN/VN đại diện cho cử tri thành phố mang tên Bác. Có điều lạ là vào lúc cuối đời cái lý lịch trích ngang của ông lại thêm một đảng tịch : “đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam”.

Cuộc đời ông tôi nghĩ là ông nên viết hồi ký, một cuộc đời rất trôi nổi, rất sôi nổi của một con người có ý chí, nhiều tài năng, đầy tham vọng, trải qua nhiều hiểm nguy nhưng cũng gặt hái nhiều tiếng tăm. Tuy nhiên sự nghiệp cá nhân của đời ông vừa mang niềm tự hào kiêu hãnh, vừa mặc cảm ray rứt khi ông trở thành ”con quay” của một thời kỳ đất nước đầy biến động từ lúc ông sinh ra đến nay đã vào tuổi cổ lai hy.

Khi đọc bài viết này, có thể ông hỏi ngược lại, “tôi (tác giả) là ai” mà dám hỏi “ông (TĐA) là ai?”. Ông thắc mắc là phải vì tôi biết ông, nhớ ông, phục ông nên mới dám viết về ông, còn cá nhân tôi chẳng có gì nổi bật, nên ông coi tôi xa lạ là phải.

*
Ta hãy quay ngược thời gian, trở về những năm cuối thập niên 50, đầu 60. Tôi và ông đều ở tuổi sinh viên, nhưng theo hai ngành khác nhau, ông được quân đội cho học ngành (bác sĩ) Quân y, tôi học ngành (Sư phạm) quân giáo. Cả ông và tôi đều mang ơn Quân đội VNCH để rồi khi ra trường sẽ trở thành những người lính hiện dịch phục vụ cho lính và con cái của lính. Tình cờ họ lại xếp chúng tôi, tuy khác ngành nhưng lại ăn ở nội trú cùng doanh trại với các ông, đó cũng là cái duyên vì sao tôi quen biết nhiều thầy thuốc gốc lính.

Phải nói những năm tháng này là thời gian đẹp nhất của đời sinh viên, đất nước chưa đi vào chiến tranh, cuộc sống thanh bình, xã hội ổn định, cả tôi lẫn ông đều có niềm tư hào đã chọn con đường mang thiên chức của thầy thuốc, của nhà giáo.

Vì cùng là cánh Bắc kỳ di cư nên tôi hay để ý đến ông, một người ít giao thiệp với bạn bè, lúc nào cũng chỉ chú tâm vào việc học. Tôi biết ông quyết lấy bằng bác sĩ, coi đó là cách vượt khỏi số phận và ngoi lên với đời. Ông cũng có cái khác đời là ăn mặc rất xuyềnh xoàng, ít chải chuốt, đi cái xe kiểu Lambretta “cởi truồng”, mỗi lần đậu xe anh em biết ngay là “thằng A mới về”. Có điều lạ là ông không bồ bịch với cô nào, trong khi cuộc đời sinh viên anh nào cũng có những mối tình lẻ, nhất là cái mác y khoa của ông chỉ cần hứa chứ không cần “chi” mà vẫn có người theo.

Nói vậy chứ ông cũng có chơi bóng bàn, bóng chuyền và tham gia bích báo sinh viên. Ông có khiếu ăn nói, tranh cãi, hiếu thắng, thích làm lãnh đạo nhóm. Học hành nói chung không nổi bật (có thể vì bài vở bằng tiếng Pháp), ai có ngờ đâu khi ra trường tay nghề của ông thuộc loại bậc thầy.

Ít năm sau mỗi người một ngả. Ông ra trường đúng vào cao điểm của chiến tranh. Qua bạn bè tôi được biết ông tình nguyện về đơn vị Nhảy Dù, một binh chủng thiện chiến bậc nhất và thương vong cũng cao nhất, đặc biệt số thương binh cần tải thương. Tôi đánh giá nhầm về ông, tôi tưởng ông lạnh cẳng xin về các đơn vị hậu cứ. Lại ngạc nhiên hơn khi biết ông hay thực hiện các ca mổ ngay tại chiến trường. Phòng mổ dã chiến phải đặt các bao cát đề phòng trường hơp bị nổ do các đầu đạn còn nằm trong thân thể thương binh. Ông nổi tiếng là một người thương lính, không quản thời gian, nguy hiểm trực chờ và là y sĩ có số ca mổ dã chiến nhiều nhất trong sư đoàn Dù. Bản thân ông không có phòng mạch riêng, không thích làm tiền, và hình như chỉ muốn hiến thân cho nghề nghiệp.

*
Sau Tháng Tư đen, tôi với ông lại có dịp hội ngộ tại một trại gần Suối Máu. Lúc này trong hoàn cảnh tan hàng ông có vẻ ít nói và né tránh bạn bè. Nhưng khi vào đợt học tập “chính sách mười điểm”, trong phần kiểm điểm tội lỗi và phát biểu tại Tổ, thì ông như lấy lại được cái sinh khí tranh luận rất nhiệt tình của thời sinh viên, ông can đảm nhận “tội”, mà cái tội nặng nhất của ông là đi lính Dù và chữa lành cho nhiều lính “ngụy” để chúng trở lại chiến trường chống phá cách mạng.

Nếu kể về lý lịch bản thân, ông là cấp Tá, được xếp thành phần ác ôn lọai 2 (tác chiến Dù). Về lịch sử gia đình thuộc loại di cư chống Cộng. Có liên hệ với Mỹ vì đi tu nghiệp phẫu thuật tại Texas. Động cơ đi lính là diện tình nguyện chứ không phải bị bắt lính. Được khen thưởng nhiều huy chương (ít nhất 5 anh dũng bội tinh) kể cả một huân chương của Sư đoàn Không kỵ Mỹ (1st Cavalry Division). Nhìn chung ông có nhiều điểm giống tôi về mặt lý lịch, nhưng nhờ cái bằng bác sĩ của ông nên Đảng cần người, giơ cao đánh sẽ cho về sớm, không người nào quá ba năm. Trước khi ông được tha thì tôi đã ra Bắc từ năm 76.

*
Mười hai năm sau trở lại Sàigòn thì được biết ông đã thành Giám đốc của một bệnh viện nhi khoa thành phố. Cuối thập niên 80, tiếng tăm ông lại nổi như cồn vì đã chủ trì và thành công trong ca mổ tách đôi hai em bé sanh đôi dính liền nhau có cái tên Việt-Đức. Một ca mổ tuy có sự hỗ trợ về dụng cụ, kỹ thuật từ phía Nhật, nhưng về chuyên môn thì chính ông và toán bác sĩ y tá Việt Nam hoàn toàn đảm nhiệm. Ca mổ làm cho các đồng chí trong thành ủy vô cùng tự hào, vì từ nay thành phố mang tên Bác trở thành ngọn cờ đầu về lãnh vực khoa học kỹ thuật trong cả nước.

Chẳng phải các đồng chí không thôi, chính chúng tôi là những người chế độ cũ cũng hãnh diện khi người đồng đội cũ của mình chứng tỏ tài năng cho cả nước về chức năng và sở học của mình. Tôi chắc ông cũng đã đọc bài báo của nhà học giả CS Trần Bạch Đằng viết cách đây mấy năm đã cảnh giác về sự cần cải tổ hệ thống giáo dục đào tạo nhân tài, trong đó ông có viện dẫn gương của hai bác sĩ Trần Đông A và Phạm Thành Trai, “cứ nói họ được đào tạo dưới chế độ Mỹ ngụy, nhưng tài năng họ hơn ta rất nhiều”.

Sau cái vụ mổ xẻ này thì ông được tiến cử sung vào thành phần đại biểu quốc hội đại diện cho thành phố và cứ năm năm một lần được bầu lại cho đến khóa VI hiện giờ. Chuyện này thì cũng chẳng làm ai ngạc nhiên, các trí thức cũ có công với cách mạng cũng đã được đề bạt vào chức danh này, cho nặng phần “mặt trận” đoàn kết đa nguyên.

Rất tiếc chuyện lại không ngừng ở đây. Tình cờ đọc phần phỏng vấn cựu thủ tướng CS Võ văn Kiệt trên V.W., chúng tôi mới được biết ông đã vào... Đảng, ai nói thì tôi không tin nhưng ông Kiệt nói tôi tin vì ông ta tự nhận là người đã giới thiệu ông để chứng tỏ với kiều bào hải ngoại là Cộng sản họ không có vụ kỳ thị và luôn có thiện chí muốn “nối vòng tay lớn”.

Tôi có phần ngạc nhiên vì lúc này nhiều nhà trí thức, tướng tá quân đội của họ đang trả lại thẻ đảng thì ông lại tìm đường vào đảng. Lại ngạc nhiên hơn với cái lý lịch và quá trình bản thân như vậy thì không thể nào trở thành người Cộng sản được. Tôi và có thể nhiều người tán đồng việc ông phục vụ -thông qua chế độ- là nhằm lợi ích cho dân, đem sở học của mình để phục vụ tha nhân như bản thân ông thường tích cực thể hiện. Nhưng rất tiếc sự mưu tìm một dấu ấn chính trị cho dài thêm lý lịch trích ngang, theo tôi, xét ra không cần thiết đối với ông, một con người đã khẳng định được vị trí của mình trong quần chúng cả nước.

Xin ông cứ tiếp tục con đường của riêng ông. Nhiều chiến sĩ Dù vẫn còn nhắc nhớ đến ông. Riêng tôi thì vẫn khâm phục ông và nhớ ông như một người đồng cảnh đã một thời nhờ Quân đội miền Nam cho ăn học nên người.

Hồi ức XUÂN ĐỖ
22/2/2008

No comments:

Blog Archive