Bài viết này là quan điểm của tác giả Li Yan đăng trên tờ The Epoch Times. Quan điểm trong bài viết là ý kiến riêng của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên. Dưới đây là toàn văn bài viết:
Năm nay, Covid-19 đã lan truyền nhanh chóng trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nỗ lực che giấu tình hình dịch bệnh thực tế ở Trung Quốc đại lục, gây ra những tổn thất khôn lường cho thế giới.
Cho đến nay, Covid-19 đã lan rộng ra hầu hết các quốc gia, với gần 12 triệu người nhiễm và gần 550.000 ca tử vong do căn bệnh này – nếu chúng ta tin vào số liệu ca tử vong chính thức của Trung Quốc: 4.634. Trên thực tế, nhiều người Trung Quốc tin rằng con số thực tế ít nhất cao gấp 10 lần con số này.
Đối mặt với sự mất mát to lớn về người và của, chính phủ và người dân các nước cần khẩn trương nhận thức rõ mối liên hệ giữa bệnh dịch và ĐCSTQ, và những gì mỗi cá nhân và quốc gia nên làm để đẩy lùi dịch bệnh và tự cứu lấy chính mình.
Lịch sử đen tối của ĐCSTQ là sự đan xen giữa chiến tranh, nạn đói nhân tạo, bệnh dịch và những cái chết oan, thấm đẫm máu và nước mắt của người dân đại lục.
Trong 70 năm cầm quyền, ĐCSTQ đã sát hại khoảng 80 triệu người dân Trung Quốc. Nó đã phá hủy văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc Trung Hoa. Trong 30 năm trở lại đây, từ vụ thảm sát các sinh viên ủng hộ dân chủ năm 1989 tại Thiên An Môn, cho đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu từ năm 1999 và hiện vẫn đang tiếp diễn, việc đàn áp và đánh lừa người dân Trung Quốc đã mang đến món nợ khổng lồ cho ĐCSTQ, cũng như những người ở phần còn lại của thế giới đã mở đường cho nó hoặc đồng lõa với nó bằng cách nhắm mắt làm ngơ.
Trong gần 40 năm, ĐCSTQ đã sử dụng toàn cầu hóa và lợi ích kinh tế để đưa các quốc gia khác nằm dưới sự ảnh hưởng của ĐCSTQ. Sự xâm nhập của ĐCSTQ vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, đi sâu vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục. Ví dụ về các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ bao gồm các chương trình của Viện Khổng Tử, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) hay gã khổng lồ viễn thông Huawei. Bằng cách đánh lừa người dân và chính phủ các nước trong hệ thống lợi ích kinh tế của mình, ĐCSTQ khiến họ lâu ngày thành quen với hệ tư tưởng vô thần luận, đồng thời dung túng cho sự cai trị chuyên chế của nó và đi ngược lại các giá trị truyền thống và tâm linh.
Bất hạnh chắc chắn sẽ xảy đến với những quốc gia, khu vực và tổ chức nào qua lại mật thiết, tăng cường quan hệ và ủng hộ ĐCSTQ. Con đường lan truyền của Covid-19 ra khắp thế giới thường nối gót các quốc gia, thành phố, tổ chức, thậm chí những cá nhân có liên hệ mật thiết đến ĐCSTQ.
Hoà Lan và mối liên hệ mật thiết với Trung Quốc
Hoà Lan – một quốc gia nhỏ được xếp hạng ở vị trí thứ 133 toàn cầu về diện tích đất liền và thứ 69 về dân số – là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch viêm phổi Vũ Hán, còn gọi là Covid-19.
Tính đến ngày 17/6, Hoà Lan báo cáo hơn 50.000 trường hợp lây nhiễm và hơn 6.000 ca tử vong. Thành phố Tilburg và tỉnh North Brabant đã trở thành nơi khởi phát dịch tại nước này, khi bệnh nhân đầu tiên được xác định ở Tilburg và thành phố này cũng ghi nhận số lượng bệnh nhân cao nhất trong cả nước.
Sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 ở Hoà Lan xảy ra là do nước này đã xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh trong những năm gần đây. Đặc biệt thành phố Tilburg đóng vai trò then chốt trong mối quan hệ hợp tác song phương Trung Quốc-Hoà Lan ở dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn gọi là Một vành đai, Một con đường). Thành phố này cũng có rất nhiều mối hợp tác làm ăn với Trung Quốc.
Đường sắt tốc hành Thành Đô – Châu Âu: Dấu mốc trong dự án Vành đai và Con đường
Tỉnh North Brabant là một địa danh quan trọng trong dự án Vành đai và Con đường ở Hoà Lan. Năm 2016, Đường sắt cao tốc Thành Đô Châu Âu, kết nối Thành Đô và Tilburg, chính thức khai trương. Đây là tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa trực tiếp duy nhất từ Trung Quốc đến Hoà Lan. So với 45 ngày vận chuyển bằng đường biển, chỉ mất 15 ngày để đi hết tuyến đường sắt cao tốc, với chi phí thấp bằng 1/4 so với vận tải hàng không.
Tilburg là thành phố lớn thứ sáu ở Hoà Lan, với dân số 217.000 người. Thành phố có kênh đào Wilhelmina chảy qua. Với vị trí đắc địa, Tilburg là một trung tâm thương mại và giao thông. Các ngành công nghiệp chính trong thành phố bao gồm sản xuất len, máy móc, thiết bị điện và đồ da.
Trong khi Hoà Lan là một cửa ngõ quan trọng đến châu Âu, Tilburg được biết đến như là “cửa ngõ hậu cần” của thành phố, nơi kết nối trực tiếp với Rotterdam, cũng như thị trấn Moerdijk ở North Brabant, cũng như tới Anh và Pháp. Ngoài ra, nhiều công ty quốc tế lớn cũng đặt các hệ thống phân phối ở đây. Đó là lý do công ty GVT của Hoà Lan được Trung Quốc chọn để vận hành tuyến Đường sắt tốc hành Thành Đô-Châu Âu.
Tuyến đường sắt cao tốc là một cột mốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của ĐCSTQ. Nó đã thiết lập một tuyến hậu cần mới để BRI thâm nhập vào châu Á và châu Âu. Tuyến đường này đi qua Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức và Hoà Lan, kéo dài tổng cộng 10.947 km. Thông qua tuyến đường sắt cao tốc này, một lượng lớn đồ điện, quần áo và giày dép Trung Quốc được vận chuyển nhanh chóng đến Hoà Lan và tới các khu vực xa hơn, trong khi rượu vang, sữa bột, xe thành phẩm và các hàng hóa khác từ Hoà Lan, Pháp và Tây Ban Nha có thể dễ dàng thâm nhập thị trường Trung Quốc, đưa dự án BRI lên một tầm vóc mới. Hai điểm đầu cuối, Tilburg và Thành Đô, cũng đã trở thành hai thành phố chị em, đặt nền móng biến Cảng Rotterdam trở thành một phần quan trọng của BRI ở Hoà Lan.
Trên thực tế, mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa tỉnh North Brabant và Trung Quốc có lịch sử lâu dài. Phó Thống đốc Bert Pauli của tỉnh North Brabant nói với truyền thông nhà nước Trung Quốc tờ Nhân dân Nhật báo hồi năm 2017 rằng, hơn 30 năm trước, tập đoàn điện tử Philips, một doanh nghiệp nổi tiếng của Hoà Lan có trụ sở tại tỉnh này, đã thành lập một nhà máy ở Nam Kinh, Trung Quốc, để sản xuất linh kiện TV. Ngày nay, có đến hơn 130 công ty trong tỉnh đã thành lập các chi nhánh tại khu vực ven biển phía đông Trung Quốc. Với nền tảng sẵn có này, không lạ gì khi Tilburg được chọn là một cột mốc quan trọng trong dự án BRI.
Cảng Rotterdam tham gia Vành đai và Con đường
Hoà Lan, được mệnh danh cửa ngõ vào châu Âu, có một ngành công nghiệp hậu cần phát triển. Với vị trí địa lý ưu việt, Hoà Lan đã thiết lập một mạng lưới giao thông đường thủy, đường bộ và đường hàng không rất tiên tiến. Nó đã trở thành một trong những trung tâm phân loại hàng hóa quan trọng nhất châu Âu. Do đó, dự án Vành đai và Con đường đã chọn Hoà Lan làm điểm liên kết giữa hai mạng lưới giao thông đường bộ và đường biển.
Thông qua Cảng Rotterdam và Sân bay Amsterdam Schiphol, hai trung tâm vận chuyển hàng hóa chủ chốt ở châu Âu, hàng hóa từ Hoà Lan có thể đến bất kỳ thị trường lớn nào ở EU trong vòng hai ngày..
Khi ĐCSTQ thúc đẩy BRI ở Hoà Lan, mục tiêu chính là hợp tác với Cảng Rotterdam và ngành công nghiệp hậu cần địa phương, để mở ra một trung tâm chủ chốt trong dự án “Con đường tơ lụa trên biển và đất liền”.
Cảng Rotterdam vận chuyển hàng hóa đến và đi từ hơn 1.000 cảng trên toàn cầu. Nhiều nhà ga khác cũng có các cơ sở chuyển tải đường sắt, nói cách khác hàng hóa có thể được chuyển trực tiếp lên tàu tại nhà ga, khiến nó trở thành một sự lựa chọn hoàn hảo trong việc tiếp cận các khu vực sâu trong vùng nội địa châu Âu.
Nhà ga công-ten-nơ Euromax tại bến cảng Rotterdam hiện là nhà ga bốc xếp hàng hóa không người lái tiên tiến nhất trên thế giới, với công suất xử lý hàng năm ước tính khoảng 7 triệu công ten nơ tiêu chuẩn dài 6 m, trong đó 25% số lượng container có xuất xứ từ Trung Quốc.
Người Hoà Lan nghĩ rằng việc tham gia “con đường tơ lụa mới” sẽ cho phép mạng lưới các cơ sở giao thương của họ được mở rộng và thu được lợi ích lớn hơn. Đặc biệt, chính quyền tại Cảng Rotterdam đã bị cám dỗ bởi thực tế rằng, ngoài việc kinh doanh hàng hải truyền thống từ châu Á, vận tải chung trên bộ và trên biển sẽ cho phép nó kết nối với Đường sắt tốc hành Thành Đô – Châu Âu qua hai thành phố Tilburg và Duisburg, Đức. Mạng lưới hậu cần châu Á – Châu Âu sẽ đưa ra nhiều lựa chọn hơn. Với khả năng kết nối được cải thiện, cảng cũng sẽ mang lại lợi nhuận lớn hơn.
Dự án Vành đai và Con đường của ĐCSTQ đã gia nhập mạng lưới các cảng châu Âu thông qua Công ty vận tải biển Trung Quốc (COSCO Shipping) thuộc sở hữu nhà nước. Tháng 5/2016, COSCO Pacific Co., Ltd., một công ty con của COSCO Shipping Group, đã ký một thỏa thuận chuyển nhượng vốn với ECT Participations B.V., một công ty con của Hutchison Port Group của tỷ phú Hồng Kông Lý Gia Thành.
COSCO Pacific đã mua 35% cổ phần trong nhà ga container Euromax do ECT sở hữu với mức giá 125 triệu euro. Sau khi hoàn tất việc mua lại, cùng với các cổ phần hiện có trước đây, COSCO Pacific đã sở hữu 47,5% cổ phần trong nhà ga container Euromax, từ đó trở thành cổ đông lớn nhất của nó.
COSCO Shipping nắm giữ quyền kiểm soát cổ phần hoặc quyền sở hữu tại nhiều nhà ga ở các nước EU như Tây Ban Nha. Khi vốn đầu tư tiếp tục gia tăng, doanh nghiệp này sẽ có nhiều quyền lực và ảnh hưởng hơn và có khả năng lựa chọn cảng nào thích và cảng nào nên tránh. Sau khi Vành đai và Con đường Trung Quốc mang cổ đông lớn nhất đến cho Cảng Rotterdam, cảng này sẽ có khả năng kết nối và mở rộng kinh doanh lớn hơn, nhưng bản thân Hoà Lan không ghi nhận sự cải thiện khả năng phân bổ các tuyến hậu cần giữa các cảng.
Sẽ có thêm các tuyến đường sắt tốc hành kết nối với Trung Quốc
Ngoài việc thúc đẩy Cảng Rotterdam – cảng lớn nhất Châu Âu – gia nhập Vành đai và Con đường, thành phố Tilburg cũng khuyến khích nhiều doanh nghiệp Hoà Lan xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đến Trung Quốc.
Hai năm sau khi khánh thành tuyến Đường sắt tốc hành Thành Đô Châu Âu năm 2016, doanh nghiệp hậu cần Hoà Lan Nunner đã mở một tuyến vận chuyển hàng hóa khác đến Trung Quốc. Chuyến tàu đầu tiên đã rời Amsterdam vào ngày 7/3/2018, di chuyển 11.000 km trước khi đến thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang.
Đây là tuyến tàu trực tiếp đầu tiên giữa một cảng Hoà Lan và Trung Quốc. Erwin Cootjans, Chủ tịch Nunner, cho biết Amsterdam được chọn làm điểm khởi đầu cho tuyến vận chuyển hàng hóa vì cảng này có kết nối đường thủy nội địa đến một số thành phố của Hoà Lan như Kampen, Groningen, Meppel, Leeuwarden và Harlingen. Ngoài ra còn có các tuyến đường liên kết nhanh từ Amsterdam và Antwerp thông qua tuyến vận chuyển đường biển ngắn đến Anh và Scandinavia.
Vào tháng 5/2018, CH Robinson, một tập đoàn hậu cần vận chuyển hàng hóa quốc tế, đã tuyên bố mở một dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt mới, với một đầu nối với tám thành phố của Trung Quốc gồm Trịnh Châu, Tô Châu, Vũ Hán, Hạ Môn, Nghĩa Ô, Thâm Quyến, Quảng Châu và Trùng Khánh, và đầu kia nối với tám thành phố châu Âu bao gồm Malaszewicze, Hamburg, Duisburg, Milan, Tilburg, Lyon, Paris và Barking, nằm ở 4 nước Đức, Pháp, Anh và Hoà Lan.
Giao dịch với Trung Quốc càng nhiều, thâm hụt càng lớn
Hoà Lan là một quốc gia thương mại lớn và đã duy trì được thặng dư thương mại trong nhiều năm. Tuy nhiên, chính phủ Hoà Lan dần nhận ra rằng trong khuôn khổ BRI, mặc dù các dịch vụ hậu cần mang lại nhiều cơ hội kinh doanh hơn, nhưng quốc gia này đã không nhận được nhiều lợi ích thực tiễn. Ngược lại, xuất hiện tình trạng thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng.
Kết quả thống kê từ Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat) cho thấy, năm 2016, kim ngạch song phương giữa Hoà Lan và Trung Quốc đạt tổng cộng 82,49 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm trước. Cụ thể, xuất khẩu của Hoà Lan sang Trung Quốc đạt 11,51 tỷ USD, tăng 11,9%; nhập khẩu của Hoà Lan từ Trung Quốc đạt 70,98 tỷ USD, giảm 3,8%; và thâm hụt thương mại cho Hoà Lan là 59,47 tỷ USD.
Tuy nhiên, vào năm 2017, kim ngạch song phương đạt 107,4 tỷ USD, tăng 30,9%. Xuất khẩu của Hoà Lan sang Trung Quốc đạt 13,54 tỷ USD, tăng 19,1%; nhập khẩu từ Hoà Lan từ Trung Quốc đạt 93,86 tỷ USD, tăng 32,8%. Thâm hụt thương mại năm đó tăng vọt 35%, cán mốc 80,32 tỷ USD.
Năm 2018, kim ngạch song phương đạt 112,64 tỷ USD, tăng 4,7%. Xuất khẩu của Hoà Lan sang Trung Quốc đạt 12,56 tỷ USD, giảm 6,4%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 100,80 tỷ USD, tăng 6,2%. Mặc dù Hoà Lan đã nâng thứ hạng của mình từ đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong toàn EU lên số hai vào năm ngoái, thâm hụt thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng, đạt 87,52 tỷ USD vào năm 2018.
Ngày càng nhiều người nhận ra rằng dự án “Vành đai và Con đường Lợi ích” đã trở thành “Vành đai và Con đường Dịch bệnh”. Hoà Lan là một ví dụ minh họa. Tất cả các đối tác quan trọng của BRI, chẳng hạn như Hoà Lan, Iran, Ý và Tây Ban Nha, đều trở thành những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Ngay cả Thụy Sĩ, một quốc gia trung lập, cũng từng lọt top 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong một khoảng thời gian. Nước này cũng từng ký một lá thư bày tỏ ý định tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
(Nguồn ảnh thumbnail: (Trái: Albert Herring/Wikimedia Commons, Phải: ảnh chụp màn hình Youtube/CGTN))
No comments:
Post a Comment