Facebook giữa 2 làn đạn: từ đồng minh trở thành kẻ phản đội trong mắt giới cánh tả
Hôm 27/6, cổ phiếu Facebook giảm 8,3% và hãng này mất 56 tỷ USD vốn hóa thị trường. Thông tin này khiến nhiều người theo thiên hướng bảo thủ - cộng đồng bị Facebook kiểm soát tự do ngôn luận và kiểm duyệt nội dung gắt gao trong nhiều năm qua - cảm thấy hả hê. Ít ra thì cuối cùng gã Big Tech này cũng phải trả giá vì hành động của mình, dù thiệt hại này vẫn chưa đáng là bao.
Tuy nhiên, thực tế Facebook bị "trừng phạt" không phải vì kiểm soát tự do ngôn luận quá đáng, mà là vì làm điều đó chưa đủ mạnh! Nói cách khác, những "kẻ trừng phạt" - giới tinh hoa doanh nghiệp thiên tả - than phiền Facebook đã không làm tốt việc kiểm duyệt nền tảng của mình, cho phép đăng tải thông tin với các ngôn từ kích động thù địch (hate speech) và phát tán tin tức giả mạo (fake news). Tất nhiên, "hate speech" và "fake news" ở đây hoàn toàn theo định nghĩa của giới doanh nghiệp đó.
Bắt đầu từ đầu tháng 6, làn sóng tẩy chay quảng cáo Facebook với hashtag #StopHateForProfit (Ngừng gieo rắc thù hận vì lợi nhuận), được tổ chức bởi Sleeping Giants, Color of Change, Liên đoàn chống phỉ báng và NAACP, được thúc đẩy bởi các nhà hoạt động cánh tả, đã và đang được nhiều thương hiệu lớn hưởng ứng, bao gồm Unilever, Starbucks, Coca-Cola, HP, Adidas, Ford, Verizon, Levi, Patagonia, The North Face...
Những doanh nghiệp, vốn nổi tiếng vì sự khuynh tả này, cho rằng Facebook đã bộc lộ sự quản lý yếu kém của mình về vấn đề kiểm duyệt nội dung, điển hình là một số bài đăng của Tổng thống Donald Trump có “ngôn từ thù địch" đối với phong trào Black Lives Matter và Antifa. Ngoài ra, Facebook còn bị các hãng trên chỉ trích vì dung túng cho "tin giả" từ các cuộc biểu tình bạo loạn và tấn công cảnh sát trên khắp nước Mỹ.
Tuy nhiên, theo ký giả Allum Bokhari của tờ Breitbart, thật mắc cười khi nói Facebook không kiểm duyệt, bởi trong nhiều năm qua Facebook đã và đang ngăn chặn, xóa bỏ account, page của những người bảo thủ nổi tiếng, đưa nhiều người khác vào “danh sách thù ghét của Orwell” cũng như dùng thuật toán để giảm sự xuất hiện(shadow banning) các nội dung từ phe bảo thủ, khiến nó không hiện lên newsfeed của độc giả. Họ vẫn đang làm tốt công việc dập tắt tiếng nói cánh hữu.
Chỉ có thể giải thích là Facebook đang khá e dè và khó xử khi đụng tới Tổng thống Trump, nhứt là khi ông vừa ban hành sắc lệnh hành pháp mới nhằm giảm bớt quyền được bảo vệ trước pháp luật của các công ty mạng xã hội như Facebook và Twitter, coi những công ty này với tư cách nhà xuất bản (publisher), vì thực tế họ có can thiệp vào quá trình xuất bản nội dung, hơn là một nhà cung cấp nền tảng (platform) thuần túy.
CEO Facebook Mark Zuckerberg từng thừa nhận đã phải “đấu tranh nội tâm” trước những bài đăng của ông Trump nhưng cuối cùng quyết định không xóa vì không vi phạm điều khoản. Mark cho rằng Facebook không nên là “trọng tài của sự thật” và các nội dung mang tính chánh trị là vấn đề nhạy cảm và cần được tôn trọng.
Chris Zoos, chuyên gia đầu ngành đang giảng dạy tại trường Kinh doanh Saïd thuộc Đại học Oxford, cho rằng "chiến lược của Zuckerberg khi đối phó với Trump là sự kết hợp có phần lệch nhịp giữa hai hướng lãnh đạo". Một mặt Zuckerberg muốn tìm "hướng lãnh đạo thực tiễn nhằm xoa dịu căng thẳng" từ chính nhân viên của mình, những người cũng "gai mắt" vì các bài viết của ông Trump, mặt khác lại "gia tăng quyền lực áp đặt các nguyên tắc". Zuckerberg đã thử cả hai nhưng chẳng hướng đi nào thành công.
Trong con mắt của phe cực tả, giới truyền thông và các đồng minh của họ, nền tảng Facebook vẫn chưa làm đủ để thoả mãn cuộc cách mạng của họ chống lại phong trào Trump đang lên.
“Họ rất tức giận vì Mark Zuckerberg đã gặp riêng với Tổng thống, rằng Facebook cho phép một phương tiện truyền thông bảo thủ nằm trong danh sách các nguồn tin đáng tin cậy, và rằng Facebook đã không xoá các quảng cáo của Tổng thống Trump mỗi khi chiến dịch tranh cử của Biden lên tiếng.” Bokhari bình luận.
Chính vì vậy, giới cánh tả bây giờ coi Facebook là “kẻ phản bội” trong cuộc chiến chống lại Trump.
Bokhari cho rằng kể từ năm 2016, phe cánh tả và các đồng minh của họ trên khắp các mặt trận chánh trị, truyền thông và doanh nghiệp đã triển khai một cú lừa ngoạn mục: RussiaGate (nghi vấn gian lận bầu cử do Nga hậu thuẫn) và tìm cách phế truất Tổng thống Trump. Sau khi thất bại, họ đã tìm cách làm rối loạn xã hội, với việc các tập đoàn lớn rót hàng triệu USD vào các tổ chức cực đoan, khuyến khích tình trạng bất ổn trên đường phố Mỹ.
"5 năm qua, chúng ta đã chứng kiến một cuộc cách mạng của giới tinh hoa nhằm chống lại phong trào mà ông đại diện, và nó đang được tăng cường. Thật khó để nhớ bất kỳ vị Tổng thống nào trong lịch sử phải đối đầu với sự thù địch này. Cũng chưa từng có vị Tổng thống nào khác phải đương đầu với thứ quyền lực thông tin được điều khiển bởi những gã khổng lồ Big Tech."
“Họ đã nhận được sự hỗ trợ đồng lòng của các tập đoàn làm sai lệch thông tin chuyên nghiệp như CNN, NBC, MSNBC, New York Times và Washington Post; với những bản tin cố gắng thuyết phục bạn rằng Antifa không có thật, bạo loạn chỉ là những cuộc ‘biểu tình ôn hòa’ ngay cả khi thành phố đang bị đốt cháy ngay trước mắt bạn,” Bokhari viết.
Bokhari cũng cảnh báo Tổng thống Trump, chiến dịch vận động tranh cử của ông và những người ủng hộ ông nên cẩn trọng và đừng chủ quan về một chiến thắng dễ dàng vào tháng 11 năm nay, bởi vì: "Cánh tả không quan tâm bạn ghét họ đến mức nào – họ sẽ làm mọi thứ có thể để dập tắt tiếng nói của bạn, lật ngược các quyết định dân chủ của bạn và đòi lại vị trí quyền lực đã mất của họ.”
No comments:
Post a Comment