Sư trụ trì đầu tư hàng chục triệu đô bị đổ bể, chùa Linh Sơn Melbourne có nguy cơ bị siết nợ
Bởi Thuan Duong
November 21, 2019
Chùa Linh Sơn tại Reservoir, Melbourne đang có nguy cơ bị siết nợ sau khi sư trụ trì Thích Tịnh Đạo vay hàng chục triệu đô cho các dự án đầu tư và không có khả năng trả các khoản nợ.
Chùa Linh Sơn tọa lạc trên khu đất rộng 2.4 ha tại Reservoir, cách trung tâm Melbourne khoảng 12 km về phía Bắc. Trong 28 năm vừa qua, ngôi chùa đã là mái nhà chung cho Phật tử người Việt tới thành tâm lễ Phật và sum vầy những dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán.
Chùa Linh Sơn giờ là tài sản thế chấp đã bị tịch thu (Ảnh: Jason South)
Nhưng bây giờ, các cánh cổng chùa đã bị khóa chặt sau khi sư trụ trì Thích Tịnh Đạo tham gia vào một loạt các giao dịch tài sản đầu cơ gây hậu quả nghiêm trọng.
“Những quyết định đầu tư của trụ trì Thích Tịnh Đạo không sáng suốt do thiếu thông tin, hoàn toàn dựa vào ý kiến cá nhân,” luật sư Chris Ford của chùa nhận định.
Những người cho sư trụ trì vay tiền đã kéo đến ngôi chùa khi biết tin Giáo hội Phật giáo Chùa Linh Sơn Melbourne không có khả năng trả các khoản vay lên đến hàng chục triệu đô.
Nhờ số tiền vay được, Giáo hội Phật giáo Linh Sơn Melbourne trước đó đã tích lũy một số lượng bất động sản đáng kể, bao gồm các khu đất lớn ở phía tây Melbourne. Nhưng “rủi ro” có lẽ vẫn là một từ ở cấp độ nhẹ để miêu tả trò chơi bất động sản được thực hiện với hàng triệu đô tài chính phi ngân hàng vay với lãi suất cao
Chùa Linh Sơn và địa điểm các bất động sản sở hữu (Nguồn: Báo cáo tài chính năm 2017 của Giáo hội Phật giáo Chùa Linh Sơn)
Danh sách các tài sản thuộc sở hữu của chùa Linh Sơn cho thấy chùa có ít nhất 12 bất động sản, bao gồm 63 ha ở Mount Cottrell trước khi giấc mộng đầu cơ của vị sư trụ trì chính thức tan thành mây khói.
Chật vật với các khoản nợ hàng tháng, nhà chùa và sư trụ trì đã vướng vào vòng lao lý.
Thầy Thích Tịnh Đạo đã từ chức Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Chùa Linh Sơn hồi tháng 7 (Ảnh: The Age)
Thứ Tư tuần trước, các sư tăng trong chùa đã buộc phải rời khỏi chùa, và có lẽ họ mãi mãi không thể quay trở lại. Công ty kế toán Hall Chadwick đang chuẩn bị bán nơi đây thay mặt cho bên nhận thế chấp.
Thực ra, việc các sư tăng “mất nhà” không phải là bất ngờ. Vụ việc đã tiềm ẩn nguy cơ ngay từ đầu năm khi một chủ nợ yêu cầu nhà chùa thanh toán khoản nợ lên đến 8 triệu đô. Tuy nhiên, nhờ một Phật tử giấu tên hảo tâm cúng dàng mà khoản nợ đó đã được thanh toán và ngôi chùa được bảo toàn sau cơn nguy nan.
7 tháng sau đó, ông Attila Kelemen, vốn là một nhà môi giới kiểm soát nợ, muốn lấy lại 10.3 triệu đô đã cho chùa Linh Sơn vay. Theo án lệnh, quyền sở hữu ngôi chùa được trao cho chủ nợ này.
Luật sư Peter Schwartz cho rằng thầy Đạo đã thực hiện kế hoạch đầu tư “quá sức” với khả năng làm kinh tế của mình.
“Như người ta nói, người tu hành nên chăm chú vào Phật sự thì hơn,” ông nhận định.
Hiện vẫn chưa có một bức tranh tổng thể về tình hình tài chính của chùa Linh Sơn. Thầy Thích Tịnh Đạo đã từ chức Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Chùa Linh Sơn hồi tháng 7.
Khuôn viên chùa Linh Sơn (Ảnh: Jason South)
Khi tình hình trở nên tồi tệ, nhà chùa đã thuê luật sư phá sản Wayne Fraser để quản lý tài chính cho mình. Theo lời luật sư, ông đã khuyên sư thầy Thích Tịnh Đạo nên bán bớt bất động sản để trả các khoản nợ tồn đọng, song vị trụ trì không chấp thuận phương án cứu vãn tình thế này.
Các chủ nợ khác cũng đã có động thái đệ đơn lên Tòa án Tối cao trong những tháng gần đây yêu cầu thanh toán các khoản nợ có giá trị 13.5 triệu đô và 4.6 triệu đô.
Giáo hội Phật giáo chùa Linh Sơn với khoảng 2,000 thành viên, đã nhận được hơn 100,000 đô tiền Phật tử công đức hồi năm ngoái. Nhà chùa cũng cho thuê phòng ở để mọi người tới ở và trải nghiệm “cuộc sống giác ngộ” chốn già lam.
“Quan sát đầu tiên của tôi là nhà chùa có những khoản nợ vô lý,” luật sư Wayne Fraser nhận định. “Điều không tưởng là họ chịu trả mức lãi suất lên đến 96%!”
Hiện vẫn chưa rõ vì sao vị trụ trì lại vung tiền đầu cơ như vậy. Thầy Thích Tịnh Đạo còn được biết với tên Duc Thang Nguyen, đã di cư từ Việt Nam sang Úc năm 1992.
Luật sư Schwartz cho rằng vị trụ trì đã thực hiện kế hoạch đầu tư “quá sức” với khả năng làm kinh tế của mình (Ảnh: The Age)
Sư thầy đã từ chối tất cả các cuộc phỏng vấn, đối thoại chỉ được thực hiện thông qua luật sư của thầy.
Theo lời luật sư Chris Ford, các sư tăng tại chùa đều là những người chăm chỉ, chân thật. Họ chỉ có một phần tài chính khiêm tốn mà thôi.
“Họ cùng nhau tụ tập tại chùa. Tình trạng hiện tại của chùa Linh Sơn là điều đáng tiếc nhất và đã gây ra nhiều đau khổ cho mọi người.”
Nguồn:The Age
No comments:
Post a Comment