Friday, December 27, 2019

Ông Năm Lửa

Nguoiviettudo

Ông thứ Năm nhưng tên thật không phải Lửa. Lửa chỉ là để nói lên cái tính nóng nảy hay la hét. Ngoài sự nóng nảy, ông hiền còn hơn một thầy tu.

Thực ra ông chỉ thiếu cái áo dòng và nếu quên đi bầy con chín đứa cùng bà vợ biết nấu nhiều món ăn ngon, ông rất xứng đáng được gọi là ông cha. Không bài bạc ( đánh tứ sắc chút chút), không rượu chè ( kể cả một ngụm bia), không trai gái (chưa bao giờ nghe bà Năm phàn nàn về điều này), cũng không hút sách, chính phủ thời Đệ Nhất Cộng Hòa đáng lẽ nên in hình ông trên báo để làm role model cho chiến dịch chống Tứ Đổ Tường của nhà nước.

Hồi trẻ nghe nói ông cũng từng ngang dọc một thời. Mồ côi mẹ, sống với cha ông rất có hiếu. Người ta nói nốt ruồi to ở dưới dái tai bên phải của ông tượng trưng cho hiếu nghĩa. Hai anh em của ông đều chết sớm nhưng không phải vì bệnh tật như đa số dân thời đó. Người anh bị Việt Minh xử tử, người em lại bị Tây tra tấn đến chết để lại ông Năm với cụ thân sinh từng là đầu bếp cho một gia đình Tây giàu có nhân hậu. Cụ thất học nhưng nấu ăn ngon và kiếm được việc làm nhờ mớ tiếng Tây bồi. Cụ thương con mồ côi mẹ nên cố gắng cho con học hành tới nơi tới chốn. Nhờ đó ông Năm Lửa đậu được bằng trung học dip lôm từ trường Chassaloup Laubat ở Mỹ Tho. 

Hồi đó ông Năm từng bênh em, một mình xách dây lòi tói đi lùng sục đám dân chơi trên chợ. Ông quất thằng trùm một chưởng ngang mặt làm răng cỏ máu me phun ra tung tóe. Sau trận này ông nổi tiếng với cái tên Năm Lòi Tói.

Cha ông cũng thuộc loại hảo hán thứ thiệt. Thay vì la mắng con ông chẳng nói gì cả, có ai thắc mắc ông trả lời :

“-Đù quả, nó bênh em nó là phải phép rồi, tui la nó sao được

Hoặc:

-“ Anh em nó phải biết thương nhau chớ!!

Nhưng ông Năm Lửa không đi gây sự tầm bậy. Ai đụng đến gia đình, ông chơi xả láng, chớ không la cà phá phách đầu trên xóm dưới để bà con hàng xóm phiền lòng. Chưa thấy ai phàn nàn mè nheo về ông với người cha già lúc đó đã trên dưới năm mươi, sắp sửa được gọi bằng cụ.

Nghe nói gia đình trôi dạt vào Nam từ miền Trung, mặc dù không còn phát ngôn trọ trẹ, nặng giọng. Hàng xóm nghĩ vậy bởi vì cách xưng hô của ông với cha. Ông gọi cha bằng CẬU không phải TÍA như dân Nam Kỳ.

Phải nói thật ông Năm Lửa nhìn không đẹp trai nhưng cao lớn, mạnh mẽ nhờ thừa hưởng gene của cha. Ông rất mê thể thao, ngoài mấy bài quyền cha dạy mà mỗi sáng ông đều luyện tập chuyên cần, ông ưa thích đá banh và nhất là chơi tennis. Ông không giỏi cỡ Võ Văn Bảy (giật giải thời VNCH) nhưng cũng thuộc loai - nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình . (Sau này gần đi Mỹ ông còn xách vợt lên Vườn Tao Đàn chơi báo hại đám con cháu cứ thấy ông dẫn xe đạp ra là bắt đầu đọc kinh cầu nguyện bởi vì ông lúc đó đã thất thập cổ lai hy).

Thời của ông mà được đi học và cuối cùng giật cái bằng từ Chassaloup Laubat đâu phải chuyện giỡn chơi. Ông Năm Lửa vẫn khoe ông đã từng học trong lớp của cụ Trần Văn Hương, và duy nhất chỉ có thầy Hương trong hết thảy các ông chính khách miền Nam nhận được nhiều lời khen ngợi từ ông Năm Lửa.

(Sống với cha được cha lo từ A tới Z khiến ông Năm Lửa hình như thương cha hơn cả vợ. Sau này con cái hỏi giởn “ ba sắp sửa đi gặp má rồi ba có vui không? “ ông cười móm mém đưa hàm răng sún “ Không, tao chỉ muốn gặp ông nội thôi).

Bởi vì không đẹp trai tình trường của ông Năm Lửa cũng ít màu mè son phấn, hoa thơm cỏ lạ như những anh thanh niên công tử bột hồi đó. Cộng thêm cái gia cảnh nghèo chỉ cu ki hai cha con khiến ông luôn luôn lọt ra ngoài ánh mắt của các người đẹp.

Nhưng mà ông không lo, rồi cũng có lúc ông sẽ gặp được người trong mộng. 

Sau này ông gặp người trong mộng thật. Nghe nói thời gian cua gái của ông Năm Lửa rất trần ai khoai cũ vì kinh nghiệm tình trường không có, ông phải triệt để áp dụng chiến thuật “ xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị “ “ Đẹp trai không bằng chai mặt “ rảnh giờ nào là ông đạp chiếc xe cuộc Tây có khung sườn bằng nhôm rất nhẹ từ Mỹ Tho về Sài gòn nghỉ vài tiếng rồi trực chỉ Thủ Đức để trồng cây si . Ông Năm trúng mánh, người đẹp đang phụ bán nem chua với mấy chị em gái trong một quán ăn nhỏ. Nàng giỏi giang đủ thứ, da trắng (như trứng gà bóc?), tóc dài, hàm răng đều đặn, vóc người thon thả. Nàng cũng có bằng tốt nghiệp tiểu học, điều rất hiếm hoi giữa đàn bà con gái lúc đó. Kết quả sau một thời gian dài người đẹp bị tính kiên trì dai hơn cao su của ông khuất phục.

Trước sự chứng kiến họ hàng hai bên (gom lại được bốn bàn, ba bàn rưỡi thuộc nhà gái) ông bà trở thành loan phụng hòa minh, sắc cầm hòa hiệp. Điều duy nhất hai cha con ông Năm không vui là cô dâu đạo Công Giáo. (Phải chi nàng cũng xì xà xì sụp nhang khói cúng quảy, đốt tiền vàng mã như hai cha con dịp tết nhất giỗ chạp thì hay biết mấy).

Một thời gian sau chín đứa con lần lượt ra đời. Bà Năm (cả hai ông bà đều thứ Năm) rất giỏi trong việc lo toan gia đình. Thời đó đời sống ở miền Nam (VNCH ) là ước mơ lớn của những quốc gia láng giềng. Trong gia đình chỉ cần income người chồng (chủ gia đình) đủ để đời sống sung túc. Sướng nhất mấy ông Chà Và, ngồi trắng dã hai con mắt gác dan trước mấy cái hãng vẫn đủ sức mua cà ri nuôi cả nhà. Giới “ nghệ sĩ xích lô đạp “ (biểu diễn chạy đua hai bánh) rước khách buổi sáng, chiều một hai giờ ngồi nghĩ mua vịt quay, heo quay bún, bánh mì nhậu với rượu đế. Hồi đó dân VNCH thuộc giai cấp quý tộc, ông nội. Chuyện Đài Loan, Đại Hàn, Tân Gia Ba … tỏ vẻ ghen tị, mơ ước là thường ngày ở huyện, nhỏ như con thỏ không cần phải bàn tán.

Thành ra gia đình của ông bà Năm Lửa tuy đông nhưng vẫn sung túc. Một tay bà Năm tháo vát vừa giúp gia đình dư dã ăn mặc mà trong tủ riêng của bà cũng dành dụm được chút của chìm. Thời đó nhà ông bà là gia đình đầu tiên có máy giặt, bếp ga, tủ lạnh trước hết cả dãy phố. Ông Năm Lửa còn mua được chiếc Ford Mỹ thay thế chiếc Citroen của Tây sản xuất cỡ năm một ngàn chín trăm hồi đó. Chiếc xe ông thường đưa gia đình đi Vũng Tàu, Ô Cấp cuối tuần tắm biển không biết bao nhiêu lần. Thỉnh thoảng ông lại đổi hướng về Mỹ Tho miền Tây ăn cây trái vườn.

Hồi còn thanh niên anh của ông Năm bị Việt Minh ám sát vì có cây súng săn và vẫn thường thấy đi săn với người chủ da trắng. Thời gian sau em ông Năm lại bị phòng Nhì Tây bắt vì nghi rải truyền đơn cho VM. Nó đánh đến ho ra máu khiến cha ông Năm phải năn nỉ khóc lóc với người chủ Tây nhờ can thiệp. Ông Tây có hàm ria dày, mặc quần short lúc đầu ngần ngại nhưng sau đó tự lái xe hơi lên ty cảnh sát kịp lúc chở cái xác nửa sống nửa chết về trả cho người cha.

Lúc đó ông Năm Lửa đang chuẩn bị thi lấy bằng Trung Học và vẫn ở với cha trong nhà ông chủ. Ông Năm thù Tây, ông bí mật gia nhập đội Thanh Niên Tiền Phong. Máu sôi sùng sục ông sẵn sàng chuẩn bị để giết hết bọn thực dân kể cả nhà ông chủ vốn rất tốt bụng với cha con ông. Cha ông biết tính con đã cảnh cáo “ Mầy mà làm bậy thì đừng nhìn tao nữa “

Sau này lập gia đình xong, ông đem cha và người vợ trẻ về Sài gòn sống, cắt đứt hết mọi quan hệ với những đồng chí cũ. Có điều ông vẫn giữ trong thâm tâm mình hình ảnh Bác Hồ, cuộc cách mạng thần thánh đánh đuổi bọn thực dân và nhất là chiến thắng vinh quang ở Điện Biên Phủ nhờ Đại Tướng Võ Nguyên Giáp những chuyện này sẽ sống mãi với ông cho tới ngày ông xuống mồ.

Chiến tranh xảy ra, những đứa con trai của ông lần lượt vào quân đội. Người con cả trung úy Quân Y đóng dưới miền Tây, mỗi lần về phép đều chỉ ghé nhà vài tiếng rồi lại bỏ đi. Anh thương má, nhưng anh không chịu được tình thần thân cộng của cha. Mới gặp nhau, chưa kịp ăn với nhau một bữa cơm đã nổ ra tranh luận về chính trị. Nhiều lúc bà Năm phải cố gắng ngăn hai cha con ra trước khi có chuyện lớn. Thấy má muốn khóc, anh trung úy lại khoác chiếc ba lô lên vai, lẳng lặng bỏ sang nhà bạn. 

Rồi Mỹ qua, ông Năm lại bắt đầu ghét Mỹ, ông chửi hết bọn Mỹ từ thằng con nít mười bảy mười tám da đỏ au vì nắng Sài gòn cho tới Johnson đang ngồi trong tòa Bạch ốc. Đầu tiên là Kennedy, kéo dài xuống tới Westmoreland, nghĩa là không anh Mỹ nào thoát bị chửi, huống gì chính thể Đệ Nhị Cộng Hoà. Hồi trước 63, ông Năm lên án TT NĐD gia đình trị, cãi lộn với anh con trai cả um sùm xóm làng ( con nít kéo tới bu đông coi trước nhà) vậy mà mật vụ chìm ông Diệm không nửa đêm áp vào còng tay đem đi. Ông chửi cứ chửi, chẳng có anh an ninh nào rảnh hơi đến làm khó dễ gia đình.

Thời Đệ Nhị Cộng Hoà, ông Năm lại lên án cả chính quyền và quân đội dưới quyền ông Thiệu. Ông đập tay, la hét, chửi rủa toàn bộ chính phủ bằng những ngôn từ xấu nhất ở miền Nam. Thính giả thường trực của ông là vợ và mấy đứa con nhỏ. Anh con trai thứ hai nay đã là Đại Úy không thường về nhà nữa.

Rồi những đứa khác lại lớn lên, lần lượt khoác đủ loại quân phục của VNCH. Tuy nhiên mức độ căng thẳng có giảm bớt bởi vì đám sau này về phép chỉ ghé nhà chút xíu rồi chuồn đi chơi với đào địch hoặc bạn bè.

Mỗi lần chửi chế độ người ta mới thấy ông Năm Lửa rõ nét: mặt đỏ gay nước miếng nước mồm văng tung tóe, ông khoa tay múa chân tưởng chừng như nếu Nguyễn Văn Thiệu đứng trước mặt ông lúc đó chắc cũng không bảo toàn tánh mạng. Ông chê hết mọi thứ phe miền Nam. Trong mắt ông, chính quyền, nhất là quân đội của Sáu Thẹo không thể và không làm sao so sánh với bộ đội Tám Keo anh hùng. Đặc biệt dưới sự chỉ huy thiên tài Võ Văng Giáp. (Thời sáu mươi bảy mươi chưa có internet nên ông Năm Lửa và rất đông người VN ở cả hai miền Nam Bắc đâu có biết thành tích chơi gái thượng thừa của Tám Keo cũng như tài đánh giặc địch chết ba ta chết hết của Văng Giáp). Hăng say chửi như thế nhưng chưa lần nào an ninh mật vụ hai chế độ Cộng Hoà ghé nhà mời ông đi uống trà “ hữu nghị “.

(Lần đầu tiên ông chửi VC là thời gian năm 68 khi VC pháo kích bừa bãi vào Sài Gòn mà chẳng giết được thằng Mỹ Ngụy nào toàn là đàn bà con nít “ tay sai “. Lính VC làm bậy chứ chính sách chủ trương của Tám Keo bao giờ cũng chân lý đứng đắn. Ai lên án VC tàn bạo thì ông lại chống chế như thế).

Rồi ngày 30/04/75, trong lúc cả miền Nam tìm cách chạy trốn trên những chiếc tàu vượt biển, ông Năm Lửa quần áo sạch sẽ mang giày đi đón bộ đội giải phóng anh hùng. Trước đó một ngày ông tranh cãi nẩy lửa với thằng con trai thứ. Thằng con trai lo lắng vì bà Năm vẫn còn bị kẹt lại ở Biên Hòa không biết sống hay chết . Nó than thở:

- Làm sao chạy được lên đó để rước má về, hay coi tình trạng thế nào

- … Bộ đội người ta tốt mà

- Ai biết chắc tụi nó tốt? nếu tụi nó tốt thì tại sao tụi nó tới đâu người ta cũng ào ào chạy trốn?

- Thì chính sách của bác là phải tôn trọng cả cây kim sợi chỉ của dân.

Thế là cuộc chiến xảy ra, cả hai cha con chỉ chực xông vào nhau cấu xé. Thằng con bỏ đi, hết thuốc chữa rồi chẳng ai có thể làm ba nó sáng mắt.

Bà Năm về bình an. Chưa kịp mừng mấy đứa con trai, gia đình ông bà lại phải gói ghém lương thực đưa tiễn chúng lên đường vào trại tù. Bản thân ông bà cũng phải đi học tập một tuần tại địa phương.

Ông Năm bắt đầu đổi thái độ, ông lầm lì, ít nói. Hồi xưa mỗi buổi sáng ông vẫn thường uống một lý cà phê sữa kèm bánh bao bà mua. Bây giờ thì chung trà ấm cũng không có. Mấy đứa con gái và má phải dãi nắng dầm sương buôn bán chụp giật để nuôi phần còn lại của gia đình. 

Rồi những bài “ thu hoạch “ lên án Thiệu Kỳ khiến ông phát khóc vì phải nói dối. Thí dụ : “ Dân miền Nam ăn cơm với mủm dừa “ .

“ Lính miền Nam khát máu ăn thịt đàn bà con nít “ . Ông ráng hết sức để khỏi chửi um lên “ DM quân láo toét “ nhưng ông phải nuốt xuống sợ hàng xóm nghe sẽ liên lụy đến gia đình mặc dù biết rằng chung quanh toàn là “ tay sai Mỹ Ngụy “ 

****
Hôm đó trong một buổi cơm gia đình vài tháng sau, ông Năm nâng chén lên, để xuống. Ông thở dài:

- Ba xin lỗi tụi con, ba đã lầm.

Ông đứng dậy ra phía sau bếp ngồi phệt xuống đất ôm đầu. Bà Năm quét cặp mắt khắp bàn :

- Đứa nào nói gì ba vậy?

Bà đến bên ông ngồi xuống ôm vai ông vỗ về. Bà thấy hình như ông đang khóc. Khóc được thì cứ khóc đi ông ơi!!

Thằng con duy nhất chưa đi lính há hốc nhìn ba. Không bao giờ nó tưởng tượng ra cảnh này: Ông Năm Lửa, độc tài, gia trưởng, cấm tranh cãi bất cứ điều gì nay vừa mới mở lời xin lỗi con cái mình. Nó ước anh Hai anh Tư anh Năm anh Bảy có mặt giây phút này. Không biết rồi mấy anh sẽ phản ứng ra sao.

Dần dần ông Năm Lửa không còn nhiều lửa nữa. Ông dành thời gian ở bên bàn thờ quỳ dưới chân Chúa Mẹ mà cầu nguyện cho những đứa con và những người lính miền Nam đồng đội đang bị giam thân trong tù ngục. Ông hối hận, có khi ông quỳ cả tiếng đồng hồ để đọc kinh. Thằng con kế út cả quyết rằng đã nghe lời ba cầu xin Thiên Chúa cho sấm sét giáng xuống từ trời để tiêu diệt toàn bộ bọn VC.

Tha thứ cho VC hả ? còn lâu!!

Chắc là một lúc nào đó Thiên Chúa sẽ nghe lời nguyện xin của ông Năm Lửa bởi vì từ khi theo đạo ông siêng năng việc Chúa hơn cả vợ. Cha ông- Ông nội sắp nhỏ- gà trống nuôi con cuối cùng cũng xin được rứa tội trước giờ chết. 

Năm 1986 bà đi trước ông. Hôm đó ông khóc dữ quá đến nỗi anh con trai cả là Đại Úy Quân Y cảnh giác đám em út ( tụi bây lo pha ly nước chanh cho ba coi chừng ông đi theo má bây giờ, huyết áp cao lắm rồi đó)  

Vài năm sau ông được bảo lãnh sang Mỹ. Lúc này ông đã trên tám mươi, nhân tham dự lễ cưới của con một đứa cháu ông vui quá uống chút champagne rồi bị stroke, may là nh . Con cái đều đã qua Mỹ, đứa cuối cùng vượt biên ở đảo tháng nào ông cũng nhịn chút tiền già gửi cho nó. 

Thằng con qua được Mỹ đi làm ca hai đêm nào về nhà cũng thấy ông đợi cơm. Mệt đói, có hôm nó gắt ” Sao ba không ăn cơm đi? “ “ Đợi con ăn chung cho vui “ “ Trời đất ơi, biết giờ nào con về? Trong hãng con cũng ăn một mình, có gì buồn đâu “. Qua Mỹ không còn uy quyền nạt nộ như hồi xưa, ông cúi đầu, đẩy cái walker đến bàn ăn ngồi xuống. Ý chừng thấy tội nghiệp, thằng con dịu giọng “ Ba à, mấy chị dọn cơm thì ba cứ ăn trước đi, đừng có chờ. Biết giờ nào con về tới?”

Nhiều khi ra khỏi nhà buổi sáng, ông cầm walker bước đi một đoạn rồi bất chợt ngoảnh đầu nhìn lại không nhớ mình ở đâu. Mấy thằng con ông thường nhật vẫn đứng ở cửa dõi theo thấy nét mặt ngơ ngác của cha vội chạy tới. Không có nó chắc ông hết biết đường về. (Nó thương ông, tắm rửa thay đồ cho ông, nói chuyện chọc ông cười, nhưng lúc nổi cơn quạu nó cũng xắng xổ y như con mẹ hàng cá ngoài chợ Xóm Chiếu.)

Ngày ông Năm Lửa ra đi chẳng có đứa con nào ở bên cạnh. Ông nằm nhà thương gần hai tháng chúng nó vẫn chia nhau canh chừng nhưng hôm đó thì đứa nào cũng quá mệt mỏi. Đứa nhận ca cuối cùng cũng chắc ăn ông đã ngủ say, tấn mền giữ ấm xong rồi mới ra về. Sáng hôm sau bệnh viện gọi phone báo tin ông qua đời khoảng giữa khuya. 

Ông Năm Lửa chỉ tiếc mình phí phạm tiêu pha hơn bốn chục năm quí báu trong gần thế kỷ có mặt trên trần thế để đặt cược niềm tin trật lật vào đám cô hồn Tám Keo, Văng Giáp.

Hôm nhận được tin ông Năm Lửa qua đời, tôi lái xe như bay lên nhà thương, vừa lái vừa nức nở và lần đầu tiên tôi biết “ Khóc như cha chết “ là thế nào.

Bởi vì ông Năm Lửa Phạm V M là ba của tôi !!

No comments:

Blog Archive