Tạo Ân
Cô Bạc là người giúp việc cho gia đình tôi. Cái tên bạc chả có gì gắn liền với tiền bạc. Có lẽ bạc như vôi thì đúng hơn. Từ lúc có trí khôn tôi đã thấy cô không được may mắn. Cô là một thành viên của gia đình, gồm bố mẹ, tôi, và Bé Ti. Nghe nói ông nội nhân một một chuyến đi xa, đem về một cô gái nhỏ giúp việc cho bà nội. Khi ông bà mất, bố tôi nghiễm nhiên thừa hưởng gia tài gồm căn nhà và cả cô Bạc.
Công việc mỗi ngày của cô bắt đầu từ sáng sớm, pha trà, pha nước rửa mặt, nấu ăn sáng, giặt quần áo, đi chợ, nấu ăn trưa chiều, dọn dẹp, đút ăn cho Bé Ti, tắm rửa cho hai anh em chúng tôi… Bằng ấy công việc cô làm quần quật như một cái máy, không than van, hêt năm này qua năm khác.
Một hôm bé Ti ốm không ăn được cơm. Cô năn nỉ mãi cũng chẳng được. Cô đành cho bé Ti uống thuốc rôi đi ngủ. Bố mẹ tối hôm ấy biết đươc. Bố lấy roi quất túi bụi vào cô, chửi cô lười biếng. Lần đầu trong đời tôi hiểu được thế nào là bất công. Có cái gì đó không đúng. Mẹ đứng bên chửi hùa:
– Dạy cho Cô biết. Nhà này không có cơm cho kẻ lười chảy mỡ như cô ăn rồi nằm. Ăn thì phải làm. Lần tới đuổi ra khỏi nhà.
Nghe tới đuổi cô sợ lắm. Hai tay vẫn còn che đầu.
– Cậu mợ đừng đuổi con. Con biết lỗi rồi.
Ngày hôm sau tôi hỏi cô:
– Cô Bạc còn đau không?
– Vậy Cu Tí bị đòn có đau không?
– Lúc ấy thì đau, nhưng Mẹ bôi dầu cù là thì hôm sau hết đau.
Tôi xòe tay đưa cô xem hộp dầu cù là con cọp bé bằng ngón tay cái. Tôi bảo cô kéo áo lưng lên tôi bôi cho. Những vết roi còn bầm tím. Khi bàn tay tôi đụng vào tấm lưng gầy guộc, nhìn thấy rõ xương, cô rùng mình. Có lẽ lần đầu cô được người khác chăm sóc, ánh mắt cô nhìn vào khoảng không. Cô ôm tôi vào lòng thật lâu.
Cô không ăn cơm chung với gia đình. Chúng tôi ăn trước, cô dọn dẹp rồi ăn sau ở nhà bếp. Thường là những gì còn thừa mới tới lần cô. Có lần tôi bắt gặp cô lén lút mút miếng xương cá chúng tôi ăn xong vất đi, hay nhặt những hạt cơm còn dính đáy nồi, bỏ nhanh vào miệng như sợ mẹ tôi bắt gặp.
***
Mấy hôm nay trời trở lạnh. Nhìn cô mặc cái áo cũ sờn mòng manh tôi thương hại. Tôi về phòng lấy cái áo thun cũ bảo cô mặc bên trong rồi tròng cái áo bên ngoài cho đỡ lạnh. Cô cảm động lắm. Quần áo của cô là đồ cũ của Mẹ để lại. Mẹ to và cao hơn cô cả cái đầu cho nên cô mặc vào trông luộm thuộm buồn cười. Có lần tôi nói đùa: “Cô Bạc mặc quần này đi tới đi lui khỏi quét nhà.” Khi thấy tôi để ý, cô tự ý sửa lại cho vừa vặn; nhưng nhìn kỹ hơn tôi vẫn thấy có cái gì đó không ăn khớp lắm. Cái áo lòe loẹt đi với cái quần bạc thếch. Trông cô như thằng hề.
Có một lần duy nhất tôi thấy cô mặc áo mới. Đó là ngày tết. Cô cột tóc cao, khuôn mặt cô tươi hơn thường ngày. Lần đầu tiên tôi thấy cô đẹp. Mẹ bảo năm nay bố được lên chức và tăng lương, mình sẽ ăn tết lớn hơn mọi năm. Mẹ may áo mới cho cả nhà. Cô cám ơn Mẹ ríu rít. Bữa cơm hôm đó bố uống mấy cốc rượu vang. Bố nhìn cô Bạc nhiều hơn với ánh mắt khác thường. Tất cả không qua mắt được Mẹ. Ngay tối hôm đó tôi nghe Mẹ nói với Cô ở sau bếp: “Từ nay trở đi cô không được lên nhà trên khi có Cậu ở nhà. Cái áo đó cô không được mặc trong nhà này.” Cô cúi gầm mặt xuống và chấp nhận số phận. Từ đó cô ở hẳn dưới bếp, cũng là chổ ngủ của cô.
Một buổi trưa lúc cô đang dỗ bé Ti ngủ. Cô hát vu vơ gì đó với âm điệu lạ tai. Tôi tò mò:
– Quê Cô ở đâu?
Đôi mắt cô buồn rầu:
– Không biết. Xa lắm. Tây nó đốt nhà. Tía má chết hết. Cô còn nhỏ đi ăn xin. Ông nội gặp ngoài chợ mang về nuôi.
Có gì đó kinh khủng lắm, cô sợ hãi khi nhắc lại quá khứ. Tôi hỏi thêm:
– Cô thích gì nhất?
– Ở đây không có. Cô nhớ Tía Má.
Cô lại giải thích thêm “Tía Má” là bố mẹ. Tuy còn nhỏ nhưng tôi biết an ủi cô:
– Bố mẹ cô, Cu Tí không biết làm sao để mang về được. Thế cô thích ăn gì? Cu Tí mua cho.
Mắt cô trở nên mơ màng: “Cu Tí không mua được đâu. Môi năm đến mùa cá linh, cá nhiều lắm. Tía má mang từng rổ to về nhà. Cứ một lớp cá, một lớp muối, một lớp thính, bỏ vào lu. Một hai tuần mang ra, ăn kèm khế chua, chuối chát. Ôi ăn hoài không thấy no.”
***
Năm đệ lục tôi phải chia tay với gia đình lên tỉnh học. Ngày chia tay Cô Bạc theo mẹ tiễn tôi ra bến tàu. Cô im lặng trong cái im lặng thường có hằng ngày. Cô không nhìn thẳng vào tôi, nói rất khẽ bên tai “Cu Tí đi xa cẩn thận. Tết về chơi.” Khi tàu chạy, tôi ngoái lại, mẹ cao to đứng vẫy tay bên cạnh một thân hình gày guộc mờ trong bụi đường.
Tuổi trẻ hời hợt. Tôi quên bẵng đi cô Bạc. Tôi quên hẳn cả cái hương vị cay cay ngọt ngọt trong các món ăn cô thường nấu. Và tôi quên hẳn câu chuyện về món mắm cá linh. Năm đầu tiên tôi còn về ăn Tết. Tuy chỉ có một năm xa cách, Cô già hẳn đi. Tóc cô lốm đốm bạc trong khi mẹ tôi tóc còn đen nhánh. Thỉnh thoảng cô hung hắng ho. Trong tiếng ho báo điềm không lành.
Nhờ có bằng tú tài, tôi kiếm được việc làm và ở luôn ở tỉnh. Bố mẹ dạo này cãi nhau nhiều hơn. Mẹ viết thư cho tôi kể tội Bố có thêm tật hư là đánh bạc. Bố thua to đến độ cầm nhà. Em gái tôi lấy chồng, tôi cũng chẳng về. Mẹ viết thư kể lể khóc lóc “Con phải vay cho mẹ một số tiền lớn, không thì mất nhà!” Bất đắc dĩ tôi phải cầm một món tiền lớn về đưa cho mẹ trả nợ. Khi tôi về bố không có nhà. Mẹ sau khi cầm tiền đi mất hút. Tôi nghe có tiếng ho sau bếp. Cô Bạc giờ teo lại như con cá khô. Khi không có mẹ ở bên, tôi dúi cho cô mấy đồng bạc. Cô cảm động lắm. Tôi nói khẽ: “Cu Tí đi đây. Kỳ này chắc không về nữa.” Cô nhìn tôi thật lâu. Có lẽ cô nhớ lại Tía Má cô lúc chia tay.
Từ đó tôi bỏ nhà đi thật xa. Cố quên đi cô Bạc. Cố quên đi căn nhà xưa. Quên luôn cả cái bếp, bên cạnh đó có cái gường ọp ẹp, có thân hình gầy guộc của một người đàn bà. Khuôn mặt cô Bạc hầu như không còn rõ, chỉ còn lại tiếng ho yếu ớt.
Một hôm có người bạn rủ tôi về quê chơi. Quê anh ở Châu Đốc. Cũng vào mùa cá linh. Trên bàn vỏn vẹn chỉ có đĩa mắm cá linh, một đĩa khế chua và dưa leo cắt lát. Con cá còn dính màu vàng thính. Tôi gắp thử một con, mắm còn mới nhưng đã có mùi thơm đặc biệt. Ăn kèm với khế chua và dưa leo, tôi lùa một lúc bốn bát cơm. Tuy là lần đầu thực sự ăn món này, nhưng cái cảm giác quen thuộc kéo tôi trở lại câu chuyện cô kể xa xưa. Nhìn qua cửa sổ. Mặt trời xuống thật nhanh. Ánh nắng vàng vọt cuối ngày gợi tôi chợt nhớ về cô Bạc, nhớ ánh mắt mơ màng của cô khi nói về mắm cá linh. Bàn tay gầy guộc mỗi lần vuốt tóc tôi. Những lần cô ôm tôi thật chặt trong nước mắt. Không biết cô giờ này ra sao?
Tạo Ân
Dec 25, 2019
No comments:
Post a Comment