Saturday, December 28, 2019

Bảy cảm xúc mãnh liệt ở Hong Kong năm 2019

Một năm của biểu tình và bạo lực ở Hong Kong khiến mọi người, từ người quan sát tới người tham gia, choáng váng. Cái châm ngòi cho khủng hoảng là chính trị - nhưng cảm xúc khiến nó bùng lên.

Chúng tôi chọn con số bảy để giải thích về một năm của nước mắt, niềm vui, những mối quan hệ tan vỡ và niềm tự hào cá nhân. Bài viết của phóng viên BBC Grace Tsoi, ảnh của Curtis Lo Kwan Long.

Thứ Bảy ngày 30/3/2019 là ngày bình thường cuối cùng. Bầu trời quang đãng và có nắng, một ngày bắt đầu giống mọi cuối tuần khác ở Hong Kong với những bữa trưa bên gia đình, đi mua sắm tới khi thành phố lên đèn và chụp ảnh selfie khắp nơi.

Ngày hôm sau, một thứ mang màu sắc chính trị hơn bắt đầu. Vài ngàn người diễu hành trong cơn mưa phùn để phản đối một dự luật cho phép dẫn độ sang Trung cộng: "Với việc dẫn độ sang đại lục, Hong Kong trở thành một nhà tù tăm tối," họ hô vang.

Việc này không được báo chí tường thuật nhiều. Nhưng thành phố lắng nghe.

Trong vòng sáu tháng, Hong Kong là nơi của các cuộc biểu tình lớn, các vụ đụng độ trên đường phố và sự đáp trả của cảnh sát với hơi ga, đạn cao su, vòi rồng. Thanh thiếu niên bắn tên vào cảnh sát, phòng quốc hội bị đập phá, hàng trăm người trẻ tuổi biết chế cocktail Molotov và đốt phá. Nhưng sau khi dự luật bị rút, sự giận giữ thậm chí trở nên rõ rệt hơn.

Chính trị có thể châm ngòi, nhưng sự phẫn nộ là nhiên liệu và nó hiển hiện ở mọi nơi. Tranh cãi nổ ra trên đường phố giữa những người không quen biết: một người đàn ông bị châm lửa đốt trong khi đang tranh luận với người biểu tình chống chính phủ; một người lái taxi giận giữ lao xe vào một nhóm người biểu tình; một sinh viên tử vong do bị ngã rong một tình huống không được lý giải; một người lao công già bị một viên gạch bay trúng vào đầu, thiệt mạng.

Rất khó khăn để tường thuật một cách lạnh lùng, không cảm xúc, không thiên vị, về sự xuống dốc của quê hương bạn, một thành phố nổi tiếng về sự ổn định, thành một nơi đáng sợ không ngờ. Người ta lo lắng về sự thống trị của Trung cộng nhưng họ cũng lo lắng về cái mà bạo lực gây ra cho xã hội này. Dường như chẳng ai còn ngủ ngon ở đây nữa.

Các kiến thức trong sách giáo khoa về chính trị, kinh tế, nhân khẩu học, thậm chí cả về lý tưởng dân chủ, ý thức hệ và bản sắc không thể giải thích đầy đủ điều này - nhưng cường độ cảm xúc được tạo ra bởi sự tương tác của chúng đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh.

Và dù chính trị chia rẽ, cảm xúc là cái mà thành phố này chia sẻ - và những câu chuyện này giúp tôi hiểu hơn về hiện trạng đầy khó khăn, phức tạp của Hong Kong.

Giận dữ

"Tôi bây giờ cam kết với cuộc hôn nhân này vì gia đình. Anh ta không còn hấp dẫn với tôi nữa."

Khi Fiona gặp chồng mình ở trường, cô biết rằng cô sẽ kết hôn với anh ấy một ngày nào đó.

Bây giờ, ở độ tuổi cuối 30, họ là hình ảnh của một gia đình hạnh phúc với hai đứa con. Nhưng năm nay, mọi thứ đã thay đổi.

Cô ấy là người biểu tình. Anh ấy là cảnh sát.

"Tôi nói với anh ấy rằng tôi cảm thấy bớt yêu anh ấy," Fiona nói.

Họ không tranh luận về chính trị khi họ hẹn hò - chẳng có nhiều điều về chính trị để bàn lúc đó.

Chỉ tới khi phong trào Dù vàng diễn ra năm 2014 - đòi hỏi những thay đổi trong hệ thống bầu cử của Hong Kong, thì các khác biệt về chính trị mới hé lộ. Cô bỏ nhà tới các địa điểm biểu tình một tháng sau khi cô sinh con trai, nhưng cảm thấy bị tổn thương bởi sự thờ ơ của chồng.

Bất chấp điều này, cô tin rằng tình yêu có thể hàn gắn sự khác biệt. Nhưng điều đó không thể xảy ra được nữa và thời điểm quyết định đối với cô - và đối với nhiều người khác ở Hong Kong - xảy ra vào ngày 21/7.

Đêm đó biểu tình bùng nổ khắp thành phố. Nhưng khi mọi người bắt đầu ra về vào đêm muộn, một yếu tố nữa đã bước vào cuộc xung đột. Ở quận ngoại thành Yuen Long, một nhóm đàn ông ủng hộ chính phủ mặc áo phông trắng, có tin đồn là họ có quan hệ với băng đảng tội phạm có tổ chức, trong tay cầm roi và gậy gộc, đứng đợi sẵn ở bến tàu. Họ bắt đầu tấn công những người họ mà cho là người biểu tình.

"Tôi chạy vội từ nhà vệ sinh ra với điện thoại trong tay. Tôi gọi anh ta, nói rằng nhóm áo trắng đang đánh đập dân thường ở Yuen Long. Anh ta nói đã biết việc này và đi vào phòng ngủ. Anh ta ngủ ngon lành đêm đó, trong khi tôi thức trắng."

Sự giận giữ quét qua Hong Kong và sáng hôm sau, có những cáo buộc rằng cảnh sát đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ. Sự phủ nhận của cảnh sát không đủ để giúp Yuen Long tránh khỏi việc bị sử dụng như một chứng cứ rằng cánh sát đã không ở đó vì người dân mà vì các lãnh đạo của họ. Cuộc biểu tình vào cuối tuần kế tiếp là một trong những cuộc bạo lực nhất cho đến thời điểm đó.

Sự giận dữ của Fiona lớn dần khi cánh sát trở nên nặng tay hơn. Cô và chồng bắt đầu cãi cọ về sự tàn bạo của cảnh sát.

Ủng hộ người biểu tình, thậm chí ngay cả khi họ tiến xa hơn trong các hành động bạo lực, được chứng thực qua các cuộc thăm dò dư luận. Người biểu tình trút cơn thịnh nộ lên các công ty được cho là ủng hộ chính phủ: nhà điều hành hệ thống tàu điện ngầm MTR chứng kiến cảnh các nhà ga và trạm bán vé bị đập phá, ATM của các ngân hàng Trung cộng bị phá hoại - đây là những điều xảy ra trong một thành phố vốn nổi tiếng về tuân thủ luật pháp. Nhưng kết quả của cuộc bầu cử hội đồng quận tháng trước lại là chiến thắng lẫy lừng của những người ủng hộ dân chủ.

Chồng của Fiona, dù vậy, không bị thuyết phục.

"Tại sao anh ta lại khờ dại như vậy? Anh ta nghĩ rằng chẳng có gì sai với Đảng Cộng sản Trung cộng và dự luật dẫn độ," Fiona nói.

Và thế là mâu thuẫn len lỏi vào quan hệ của họ.

Chồng cô, tuy nhiên, vẫn còn yêu cô rất nhiều. "Anh ấy vẫn gửi các biểu tượng hình trái tim cho tôi. Tôi từng đáp lại bằng cách gửi hình trái tim nhưng bây giờ tôi không cảm thấy muốn làm như vậy nữa."

"Tôi thật sự muốn yêu anh ấy trở lại, nhưng tôi không thể."

Tuy nhiên cô đã thừa nhận, rằng "đó là niềm tự hào của anh ấy. Là bản sắc của anh ấy."

Đó là một sự thừa nhận cần thiết cho những người ở Hong Kong ủng hộ cảnh sát và chính phủ. Đối với họ, một trong những điều đáng lo ngại nhất trong năm của Hong Kong không phải là đối đầu giữa cảnh sát và người biểu tình, mà là những cuộc chiến chính trị nổ ra trên đường phố.

"Họ thực sự đối xử với chúng tôi như thể là chúng tôi giết cha họ."

Chỉ hơn một tháng trước Crystal Chu, một nữ doanh nhân 49 tuổi, đến đồn biên phòng Sheung Shui theo lời kêu gọi của một nhóm thân Bắc Kinh, dự định tổ chức một cuộc tình. Khoảng 100 người của nhóm họ sớm bị những người biểu tình ủng hộ dân chủ lấn át.

Thoạt tiên bà bị ném trứng, và rồi bà bị đánh vào đầu - bà đã phải khâu ba mũi.

"Khoảnh khắc đó thật khủng khiếp. Tôi cảm thấy như họ đến từ địa ngục," bà nói, mà không hiểu rằng vòng xoáy của thù hận phi nhân tính đơn giản chỉ đang bày tỏ quan điểm của chính nó.

"Họ làm điều đó dưới danh nghĩa tự do. Nhưng nó chỉ là bạo lực."

Cường độ của sự thù hận này đang được coi là một thách thức trực tiếp đối với một hệ thống từng đảm bảo sự ổn định, thịnh vượng và một cuộc sống yên bình. Đối với họ, phong trào dân chủ được tổ chức bởi những kẻ côn đồ với ít hiểu biết về thực tế chính trị.

"Tại sao họ không thừa nhận họ là người Trung cộng? Bạn không thể chối bỏ điều này bởi vì chúng ta tóc đen da vàng," bà Chu nói.

"Bạn nghĩ rằng Hong Kong có thể tách rời khỏi Trung cộng?"

Rất ít người - từ cả hai phía - có cái nhìn rõ ràng về sự phức tạp về pháp lý của tình trạng đặc biệt của Hong Kong, điều này khiến cho việc bảo vệ số phận của thành phố trở nên bấp bênh hơn. Vì vậy, các cuộc tranh luận thường bị đưa đẩy đến vấn đề y thức hệ, bản sắc và lịch sử.

Bà Chu rời đại lục đến Hong Kong ở độ tuổi 20. Nhiều người khác thuộc thế hệ của bà, nhưng sinh ra và lớn lên ở Hong Kong, sẽ nhớ lại những câu chuyện của ông bà họ về cuộc sống ở Trung cộng. Trong những năm 1960, những ông bà của họ có thể đã qua đời. Mặc dù bỏ lại Trung cộng phía sau, nhưng đó vẫn là một phần bản sắc của họ.

Thế hệ trẻ - những người xuống đường biểu tình - không chia sẻ những ký ức như vậy - sẽ dễ hàng hơn cho họ để bỏ qua các mối quan hệ ràng buộc cũ. Trải nghiệm của họ là các trào lưu phản kháng toàn cầu: "Nếu chúng tôi cháy, các người cũng cháy theo" - họ hô vang câu nói trong The Hunger Games.

Bà Chu, dù vậy, cảm thấy không yên khi những người xa lạ vượt qua quá nhanh.

Sợ hãi

"Nhiều người luôn nói những người ở tuyến đầu rất dũng cảm. Nhưng điều đó không đúng. Chúng tôi không dũng cảm. Chúng tôi sợ phát khiếp."

Trong sáu tháng qua, Celine, một người biểu tình ở độ tuổi 20, đã tham gia hầu hết mọi cuộc tuần hành hoặc biểu tình - và chiến đấu hết mình.

"Lần nào tôi cũng thấy kinh hoàng. Nhưng lần sau tôi vẫn làm như vậy."

Nỗi sợ hãi của những người ở tiền tuyến như cô, cô nói, bị lấn át bởi nỗi sợ hãi về những gì có thể xảy ra nếu cô không hành động. Cô sợ cách Trung cộng can thiệp vào chính trị của Hong Kong. Sau khi năm người bán sách có nội dung 'không phù hợp về' các lãnh đạo Trung cộng bị cho vào tù ở đại lục, sau khi Trung cộng diễn dịch hiến pháp nhỏ của Hong Kong theo cách khiến một số nhà lập pháp dân chủ có thể bị loại, cô tự hỏi: nếu bây giờ họ có thể làm điều này, thì chuyện gì sẽ xảy ra khi bản hiến pháp đó hết hạn vào năm 2047?

Đây là một nỗi sợ hãi được cả một thế hệ chia sẻ. Khi đó, cô sẽ ở độ tuổi 50. Thế hệ của cô sẽ là cha mẹ. Điều gì sẽ xảy ra với con cái của họ?

Ban đầu, cô chỉ lấy gạch làm thành các chướng ngại vật trên đường. Rồi không lâu sau đó cô đã chẳng còn chùn tay ném bom xăng.

Mỗi tháng trôi qua kiệt sức với các cuộc biểu tình leo thang, cô thấy cả lòng quyết tâm và nỗi sợ hãi của mình đều tăng lên. Các vụ đụng độ mang đến sự sợ hãi nhưng mọi thứ đã thay đổi đối với cô trong cuộc bao vây Đại học Bách khoa Hong Kong vào tháng 11.

Đó là nơi diễn ra cuộc đụng độ kéo dài ba ngày giữa cảnh sát và người biểu tình bị bao vây trong khuôn viên trường. Nhiều giờ chiến đấu dữ dội giữa hai bên với những đám cháy lớn, bom xăng, gạch và thậm chí cả tên bắn vào cảnh sát. Cảnh sát đã đáp trả bằng đạn cao su, súng nước và hơi cay, dày đặc đến nỗi không thể nhìn thấy gì qua những đám mây khói nghẹt thở.

"Tôi nghĩ tôi có thể chết trong trường."

"Tôi nhìn tháy một hồ máu," cô nói. "Nhiều người chảy máu ròng ròng ở đầu và họ khóc."

Cuối cùng cô cũng tìm cách thoát ra ngoài mà không bị bắt.

Bây giờ, mỗi khi cô đi xe bus ngang qua Đại học Bách Khoa Hong Kong, cô lại bật khóc không thể kiềm chế và cảm thấy khó thở.

Nhiều người biểu tình trẻ tuổi thừa nhận rằng hành động của họ, trong khi nâng cao nhận thức, có thể chỉ làm tăng khả năng xảy ra các cuộc đàn áp ở một thời điểm nào đó. Họ biết rủi ro nhưng vấn đề là cân bằng nỗi sợ hãi này.

Đối với những người lên tiếng chống lại các cuộc biểu tình - có một nỗi sợ hãi sâu xa hơn. Họ nói rằng Hong Kong của họ, xã hội thịnh vượng an toàn mà họ xây dựng, đang biến mất. Mặc dù giữ im lặng không phải là lý tưởng, nhưng họ lo lắng rằng việc này không thể tránh khỏi sự tự hủy hoại từ bên trong hơn là sự tấn công đáng sợ từ bên ngoài.

Yêu thương

"Con bé đang và sẽ mãi là con gái chúng tôi, và chúng tôi không bao giờ cắt đứt quan hệ với con bé."

Tâm trí ông Tsang trở nên trống rỗng khi ông nhận được một cuộc gọi vào một buổi tối tháng Mười mưa phùn, rằng con gái ông đã bị bắt trong một cuộc biểu tình. Ông Tsang lúc đó đang làm nhân viên bảo vệ trực ca đêm, nhưng ông đã nhảy lên xe buýt và đến đồn cảnh sát, người ướt sũng.

Đến sau nửa đêm, ông Tsang cuối cùng cũng nhìn thấy con gái, Alice, 16 tuổi, được cảnh sát dẫn ra với hai tay bị còng.

"Chúng tôi đã không cần phải nói gì cả", ông Tsang nói. "Chúng tôi hiểu nhau."

Alice bị buộc tội bạo loạn, một hành vi phạm tội có thể khiến bị tù 10 năm.

Cô là một trong số khoảng 1.000 người biểu tình vị thành niên bị bắt kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng Sáu. Cô nói cô không phải là người biểu tình ở tiền tuyến, nhưng không thể rời khỏi địa điểm biểu tình vì mọi tuyến đường đều bị cảnh sát bao vây.

Một trong những khoảnh khắc nổi bật nhất trong vài tháng qua là khi các hiệu trưởng của các trường đến Đại học Bách Khoa để cố gắng thương lượng về việc thả các sinh viên của mình.

Người đầu tiên bị bắn đạn thật là một học sinh cấp hai. Không chỉ thanh niên, mà cả thiếu niên cũng tham gia biểu tình. Họ có thể có các hành động khiến họ gặp nguy hiểm, nhưng họ tin rằng họ đang bảo vệ tương lai không chắc chắn. Dù là cách nào, thì chấn thương tâm lý và các tác động đến thế hệ này vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Trong mắt ông Tsang, Alice chỉ là một thiếu niên như bình thường, thích trang điểm và mua sắm. Cô ấy cũng là một cô con gái đôi khi ghen tị cả với con mèo: "Nó nói tôi yêu mèo hơn nó."

Ông luôn biết con gái là một người biểu tình: "Tôi không thể nhốt con bé ở nhà. Không cha mẹ nào nên làm vậy."

Tuy nhiên, ông cũng chứng kiến một sự thay đổi tích cực của con gái nhờ các cuộc biểu tình. Cô trở nên tự tin hơn và kết bạn nhiều hơn. Đối với một cô gái bị trầm cảm và lo lắng, điều đó có nghĩa rất nhiều. Cô là một ví dụ sống động về một nền văn hóa đoàn kết của giới trẻ là hiện thân của những cuộc biểu tình này. Họ cảm thấy thế hệ cũ không bảo vệ được tương lai của họ, vì vậy việc này là do họ quyết định - họ không có lựa chọn nào khác.

Ông vẫn để con tham gia biểu tình, nhưng chỉ những cuộc được cảnh sát chấp thuận - ông không muốn đè bẹp lý tưởng của con.

Buồn bã

"Tôi không bao giờ nghĩ rằng một tấm ảnh lại dẫn tới hậu quả như vậy."

Năm 2013, Lily Wong trở thành góa phụ. Chồng cô qua đời vì một cơn đau tim, để lại cho cô hai đứa con trai nhỏ.

Ba năm trước, cô mở một cửa hàng đồ ăn nhẹ vì cô không muốn hưởng phúc lợi xã hội nữa.

Công việc kinh doanh của cô Wong trở nên phát đạt. Những khách hàng quen đến từ các quận khác nhau để nếm thử món cơm cuộn thủ công, bánh pudding và đồ uống thảo dược của cô.

Gần đây, cô ấy nghĩ rằng mình có thể tiết kiệm đủ để trả một khoản thế chấp.

Nhưng tất cả đã thay đổi sau khi cô đăng một bức ảnh lên Facebook cho thấy cô tham dự một cuộc biểu tình ủng hộ cảnh sát. Cô Wong nói ủng hộ cảnh sát vì nhiệm vụ của họ là duy trì luật pháp và trật tự.

"Tôi không hối hận khi đăng bức ảnh vì tôi chỉ bày tỏ ý kiến cá nhân của mình."

Các phản ứng dữ dội ngay lập tức đổ về. Thanh niên ngừng đến cửa hàng của cô và cửa hàng này đã trở thành mục tiêu của các khiếu nại về sức khỏe và an toàn.

Biểu tình Hong Kong: Tôi sinh ra ở đây, tôi cũng là người Hong Kong

Vào tháng Mười, cán bộ các phòng ban khác nhau đã tới cửa hàng của cô gần như mỗi ngày, cô nói: họ đến để điều tra những thứ như vệ sinh thực phẩm và tuân thủ các quy định về hỏa hoạn.

Các ứng dụng ở Hong Kong hiện nay xác định các cửa hàng "màu xanh" là ủng hộ cảnh sát, hoặc "màu vàng" - ủng hộ người biểu tình.

Trong một cuộc thanh kiểm tra như vậy, cô đã vỡ òa trong nước mắt: "Tôi giúp đỡ gia đình và tôi muốn họ có cuộc sống ổn định. Nhưng tôi cảm thấy như mình bị đẩy vào vách đá."

Cô Wong thương tiếc về sự mất mát của một Hong Kong cũ. "Hong Kong là một nơi tuyệt vời.

Bất kể trình độ học vấn của bạn thế nào, miễn sẵn sàng làm việc sẽ không chết đói", cô nói.

"Bây giờ, thậm chí việc ăn được quyết định bởi màu sắc."

Cô hiểu những người trẻ tuổi cảm thấy cần phải chiến đấu cho tương lai của họ, nhưng cô cũng cảm thấy họ đang lờ đi cái giá phải trả cho hành động của mình, và thành quả từ nỗ lực của các thế hệ trước.

"Xã hội đã bị xâu xé bởi chính trị, và tôi cảm thấy buồn vì điều đó."

Cô đơn

"Một sĩ quan cấp cao nói với tôi rằng tôi là người duy nhất không giấu mặt ... Tôi tự hỏi liệu anh ta có ý nói tôi không phải là một thành viên trong đội không."

Ước mơ từ nhỏ của Derek là trở thành cảnh sát. Các cảnh sát luôn trông rất cương quyết trong các bộ phim và anh thực sự tin rằng mình có thể giúp đỡ mọi người.

Nhưng giờ anh muốn nghỉ việc.

Sự vâng lời là phẩm chất được đánh giá cao nhất đối với các sĩ quan cảnh sát, như Derek đã biết từ ngày đầu tiên - có rất ít chỗ cho bất đồng chính kiến.

Trong nhiều tháng, khi bạo lực hoành hành ở Hong Kong, các cảnh sát đã đeo mặt nạ và không đeo thẻ tên. Cảnh sát nói rằng mặt nạ là để bảo vệ, nhưng những người biểu tình nói rằng cảnh sát đang cố gắng che giấu danh tính để trốn tránh trách nhiệm.

"Khi tôi làm nhiệm vụ, tôi không giấu mặt và số hiệu cảnh sát của mình", Derek nói. "Đây là một nguyên tắc tôi luôn tuân thủ." Nhưng điều này ảnh hưởng tới anh khi một sĩ quan cao cấp đặt câu hỏi về động cơ của anh.

Đối với cảnh sát, điều này thực sự khó khăn. Các cảnh sát phải làm nhiệm vụ ít nhất 15 giờ một ngày. Thiết bị chống bạo động rất nặng và thật mệt mỏi khi chạy dưới ánh mặt trời thiêu đốt.

Thông tin cá nhân của cảnh sát và gia đình đã bị rò rỉ và phơi bày trên mạng - nhiều người cảm thấy họ bị như vậy chỉ bởi vì họ làm công việc của mình. Họ phải đối mặt với sự thù hận và bị buộc tội thúc đẩy thù hận.

Tuy nhiên, Derek cảm thấy không có lời bào chữa nào cho hành vi ngang ngược của các sĩ quan cảnh sát mà camera ghi lại được, cảnh họ đánh đập hoặc nổ súng vào người biểu tình:

"Các cảnh sát ở tiền tuyến không có sự kiềm chế và sử dụng vũ lực quá mức," anh nói.

Anh không tán thành lòng trung thành tuyệt đối trong lực lượng cảnh sát - nhưng anh cũng nghĩ rằng điều tương tự đang xảy ra giữa những người biểu tình. Anh không chấp nhận bất kỳ cuộc tấn công nào vào những người có quan điểm chính trị khác nhau.

"Tôi đã hỏi những người bạn ủng hộ biểu tình của tôi rằng liệu họ có tránh xa việc này không - tất cả họ đều nói không," Derek nói.

Vì vậy, anh không biết mình đang đứng ở đâu tại một Hong Kong mới này.

"Anh ta nói tôi nên tuân theo luật của Hong Kong. Anh ta cũng nói tôi nên trở về nơi tôi đã ra đi."

Đối với Benjamin, người sinh ra ở đại lục, các cuộc biểu tình cuối cùng đã khiến anh coi mình là một người Hong Kong - sau hơn một thập niên.

Vào ngày 16/6, anh đã dành năm giờ diễn hành từ Công viên Victoria đến khu Admiralty - một cuộc tuần hành mà người biểu tình cho biết có sự tham dự của hai triệu người.

"Tôi tự hào về thành phố này," Benjamin nói. Anh cảm động trước quyết tâm của những người tuần hành ôn hòa.

Nhưng anh bất hòa với cộng đồng được gọi là gang piao - (một thuật ngữ tiếng Quan thoại có nghĩa là người trôi dạt Hong Kong). Đây là những người Trung cộng ưu tú, học vấn cao, chuyển đến Hong Kong. Mỗi năm, chính phủ chấp nhận 20.000 "người trôi dạt" như vậy, và thường bị người dân địa phương khinh miệt vì lấy mất việc làm.

"Tôi có thể nói 99 trong số 100 người trôi dạt xem danh tính Trung cộng của họ là bất khả xâm phạm," Benjamin nói, và rằng họ thấy một bản sắc Hong Kong khác biệt là không thể chấp nhận được.

Nhiều người đại lục cảm thấy họ đã cống hiến hết mình cho thành phố, nhưng bị nghi ngờ là bị "tẩy não". Họ không thể không tự hỏi liệu có phải đã có sự bài ngoại ở đây, ngay cả từ những người mà họ tin là "người của mình" - một ví dụ khác về sự phức tạp của bản sắc và lòng trung thành.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Benjamin quyết tâm rời khỏi Trung cộng đại lục. Anh coi trọng các quyền tự do cá nhân và có thái độ hoài nghi đối với chính quyền Trung cộng độc tài.

Nhưng anh cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng tình bạn với người dân địa phương vì khác biệt về nền tảng và ngôn ngữ. "Chúng tôi có thể ... ăn tối cùng nhau," anh nói. "Nhưng chúng ta không thể trở thành bạn tốt."

Một cuộc chạm trán vào tháng Tám với một tài xế Uber ủng hộ biểu tình vẫn còn ghi sâu trong tâm trí anh.

Sau một cuộc tranh cãi nhỏ về việc đưa đón, "anh ta nói với tôi rằng anh ta có thể biết tôi không phải người Hong Kong dựa vào giọng nói của tôi," Benjamin kể lại.

Khi anh và hai người bạn bị ném ra khỏi xe, những người bạn của anh đã chộp lấy cơ hội.

Khủng hoảng về bản sắc phía sau những người biểu tình ở Hong Kong

"Họ nói. 'Cậu không đứng về phía họ đấy chứ? Oh, họ không xem cậu là một người trong bọn họ à?'"

Bây giờ anh đang tìm cách rời khỏi cả Hong Kong và Trung cộng.

Quyết tâm

"Học sinh đã đốt lửa và chặn đường, nhưng điều này không là gì so với Cách mạng Văn hóa."

Hong Kong đang sống một cuộc sống hai mặt. Biểu tình vào cuối tuần, kinh doanh như thường lệ vào các ngày trong tuần.

Nhưng Hong Kong đã bước vào thời kỳ suy thoái đầu tiên sau một thập kỷ, với số lượng khách du lịch giảm mạnh hơn 40%.

Ông Chan, người bán hàng rong trong hơn bốn thập kỷ, biết rằng thời điểm khó khăn đã đến. Trước khi các cuộc biểu tình nổ ra, ông kiếm được hơn 1.000 đô la Hong Kong (khoảng 130 đô la) mỗi ngày. "Bây giờ chúng tôi chỉ kiếm được vài trăm đô la Hong Kong."

Tình trạng của ông là bằng chứng cho câu chuyện về suy giảm kinh tế sẽ gây phẫn nộ cho người Hong Kong - nó vẫn chưa xảy ra. Nhưng các cửa hàng đang đóng cửa và mọi người đang cảm thấy nỗi đau tài chính.

Mặc dù vậy, người đàn ông 67 tuổi này vẫn không hề bối rối, mặc dù quận Cửu Long đã trở thành một chiến trường.

Là người gốc Quảng Châu, ông Chan là nhân chứng của Cách mạng Văn hóa - ông từng thấy một người nông dân bị đánh đến chết. Ông đã bơi đến Hong Kong vào năm 1973.

Ông Chan không đổ lỗi cho người biểu tình vì những mất mát của mình.

"Tương lai thuộc về giới trẻ, và họ đang đấu tranh cho những thứ họ muốn", ông nói. "Chúng tôi đã tận hưởng thời gian thịnh vượng nhất và chúng tôi cần chấp nhận khi mọi thứ xuống dốc. Đơn giản vậy thôi."

Phấn khích

"Dù cuộc biểu tình có kết thúc như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu."

James đang là học sinh khi Phong trào Dù vàng nổ ra năm 2014. Nhưng những người biểu tình đã thua cuộc.

Vào đêm cuối cùng trước khi khu vực biểu tình được dọn dẹp, ai đó đã treo một biểu ngữ với dòng chữ: "Đó chỉ là khởi đầu."

"Mọi người nói chúng tôi sẽ trở lại. Ban đầu, tôi không lạc quan lắm. Tôi nghĩ sẽ mất ít nhất 10 năm nữa", James nói. "Tôi không biết nó sẽ xảy ra quá nhanh."

James rất kinh ngạc khi một triệu người xuống đường vào ngày 9/6. Nhưng anh đặc biệt xúc động trước một cuộc tuần hành vào tháng Bảy được tổ chức bởi những người cao tuổi, những người tự gọi mình là "người tóc bạc". Anh đã không biết rằng sẽ có rất nhiều người già ủng hộ các cuộc biểu tình.

Nhưng anh không có trải nghiệm tương tự ở nhà. Cha mẹ anh cho rằng người biểu tình là những người gây rắc rối.

"Mẹ tôi nói rằng việc đánh người là đúng, và tốt hơn hết là trừng phạt tất cả."

Những khác biệt này cũng khiến mẹ anh buồn bã: "Tôi đã nuôi dạy con ... cho nó ăn học đầy đủ. Cách mà nó đối xử với những người lớn tuổi khiến tôi không thoải mái", bà nói. "Nó nói tôi không được học hành và không biết gì.

"Tôi không quan tâm đến việc nó ủng hộ phe nào về mặt chính trị. Nhưng nó không thể đối xử với cha mẹ mình theo cách này."

Nhìn thấy những người biểu tình lớn tuổi là một khoảnh khắc phấn khích với anh, một cầu nối giữa các thế hệ.

Những cuộc biểu tình này là then chốt để củng cố danh tính cho hàng ngàn người như James trên khắp Hong Kong. Nó không còn chỉ là giấc mơ tư bản tự do, nơi mà miễn là bạn kiếm được tiền thì sự thờ ơ chính trị sẽ thống trị. Chỉ trong hơn 20 năm, Hong Kong chứng kiến một trong những bước tiến nhanh nhất của bản sắc nhóm.

Nhưng nó không chỉ là bản sắc một chiều.

"Trung cộng đã phát triển tốt," Lily Wong, người điều hành một cửa hàng đồ ăn nhẹ nói. "Những người trẻ tuổi không hiểu bản sắc và nguồn gốc của họ."

Điều mà không ai có thể làm là nói với chúng tôi Hong Kong sẽ ra sao từ đây?

Nhưng điều mà tất cả những người này đều biết là dù quan điểm của họ là gì, họ sẽ đấu tranh bằng cả trái tim vì điều họ tin là tốt nhất cho thành phố này.

Trừ tên của Crystal Chu và Lily Wong, tên của các nhân vật khác trong bài đã được thay đổi.

Theo Baomai.blogspot.com

No comments:

Blog Archive