Chúng ta đang ở mùa lễ Giáng Sinh. Trên TV và khắp các diễn đàn đều hân hoan đón mừng ngày lễ trọng đại này.
Người ta còn gọi mùa này là mùa mua sắm. Các công ty, các cửa hàng đã sử dụng mọi chiêu trò để quảng cáo hàng hóa của mình. Nào giảm giá, nào tặng quà, nào tính điểm. Chương trình bán online với những kiểu dáng, kích thước, màu sắc bắt mắt. Sau những ngày lễ cuối năm, kết toán lợi nhuận là cái mốc để đánh giá một năm thành công hay thất bại của công ty.
Nhất là Amazon đã có một lượng khách khổng lồ. Bất cứ thứ gì cũng đều có bán và với giá hợp lý. Những chiếc xe giao hàng chạy liên tục trên khắp các nẻo đường rộng lớn của nước Mỹ. Chỉ cần một một tiếng chuông reo ngắn, Mở cửa ra món hàng order đã nằm trước thềm. Tiện lợi, nhanh chóng và văn minh. Không ưng ý ư? thì trả lại và chọn món khác. Chỉ cần vào Internet, chọn mua và ghi số thẻ thì món hàng tặng sẽ ship tới tận nơi. Muốn biết khi nào quà tới nhà thì check trên online. Dễ như bốc một món trên kệ và đưa tận tay người nhận dù ở xa đến đâu.
Cho nên đừng lo không mua được quà mà chỉ lo túi tiền của mình có đủ để tiêu xài hay không? Các bà có máu mê shopping thì mùa này mặc sức thỏa chí tang bồng. Cứ thích thì chọn, về nhà không ưng nữa thì trả. Thích mà không mặc kịp thì cất vào tủ. Cứ thế tủ đồ đầy ngập những quần áo, giày, dép, ví tay còn đính cả tag. Một cách làm giàu cho doanh nghiệp nhưng làm méo mặt ông chồng.
Tôi là người không có đạo, nhưng tôi lại nghĩ vui vui.
Chúa có hài lòng khi thấy con người mãi lo mua sắm mà không lắng lòng nghĩ về Chúa. Về ngày đầu tiên Chúa ra đời trong một hang đá lạnh lẽo. Chỉ có những chú cừu và người chăn chiên xung quanh. Chúa đã hy sinh chịu chết trên cây thập tự giá để cứu rỗi nhân loại. Ánh sáng và hào quang của Chúa lan tỏa khắp năm châu, bốn bể. Câu đầu tiên khi người có đạo ngạc nhiên hay sung sướng đều kêu lên “Lạy Chúa tôi!”.
Tôi không có đạo, ngày còn bé tôi nghe má tôi nói “Mình người lương con à!” Đến bây giờ tôi cũng không hiểu nghĩa của chữ ‘Lương” là sao. Nhưng mặc dù là ở bên Lương tôi cũng rất yêu Chúa và Đức Mẹ. Bởi vì Chúa và Đức Mẹ đẹp quá đi thôi.
Nhà tôi gần nhà Thờ và ông trùm cũng rất quen. Cả cái làng đa phần người Bắc di cư và theo công giáo. Nhà thờ uy nghi và đẹp nhất nằm ở cuối con đường nhà tôi. Gát chuông cao cao, mỗi ngày ông trùm kéo chuông báo hiệu đến giờ đi lễ. Tôi ăn cơm sớm để đi lễ nhà thờ. Cha xứ và các cha nhà dòng trẻ tuổi và hiền lắm. Còn chúng tôi một bầy trẻ con không kể Giáo hay Lương cứ tíu ta tíu tít ca hát và vui bên Chúa.
Vào mùa này, hang đá được trang trí rất đẹp. Đèn đủ màu sắc lấp lánh huy hoàng. Trong hang đá, Chúa nằm thật dễ thương. Chúng tôi mấy đứa con gái, mặc áo đầm trắng, mang thêm đôi cánh làm thiên thần thay phiên hầu Chúa.
Tuổi thơ tôi vui với những ngày Lễ của Đạo. Nào là quân dữ đi lùng sục khắp xóm để tìm bắt Chúa. Tôi ghét mấy người giả làm quân dữ. Tôi nói với má tôi:” Quân dữ ác độc, họ đi lùng bắt Chúa của con” Má tôi cốc đầu tôi một cái rõ đau: “Chúa gì của mày. Chúa của con Tám, con Gấm” Tôi xoa đầu chạy mất, tôi không dám cãi lại hay hỏi tại sao. Nhưng trong lòng tôi nghĩ Chúa là chung của mọi người dân ở cái làng này , đâu phải chỉ riêng con Tám hay chị Gấm.
Ngày rước kiệu Đức Mẹ và Chúa gặp nhau. Chúng tôi mặc đồng phục đi trong đội đánh trắc. Mỗi đứa cầm hai que cây đánh nhảy theo nhịp đều đặn. Nhìn Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự, máu loang ra trên bàn tay chỗ đóng đinh. Giọng ông trùm kể lễ ngân nga lời Đức Mẹ mừng khóc gặp con. Mấy đứa tụi tôi khóc ròng thương Chúa.
Lâu lắm rồi tôi không về quê, thăm lại cái làng nhỏ thời thơ ấu. Không biết nhà thờ và hang đá bây giờ ra sao? Họ Đạo có đông vui và đoàn kết như ngày xưa không? Nhưng Chúa ơi! Ngày đó là những ngày đẹp nhất tuổi thơ cô gái nhỏ như con.
Bây giờ tôi đã bước qua tuổi 70. À sang năm là năm tuổi của tôi đó. Con chuột nhỏ trốn chui trốn nhủi trong hang, tôi trốn mình trong những tâm tình vui buồn gửi đến mọi người. Tôi đang ở một nơi rất xa làng quê thời bé. Một đất nước xa lạ mà tôi chọn làm quê hương thứ hai. Tôi lại thấy yêu quý vô cùng nơi này, quê hương của niềm vui, tự do và sức sống.
Lễ Giáng Sinh không chỉ một hai ngày như thời bé nhỏ của tôi. Giáng Sinh ở xứ Mỹ là cả một mùa. Qua ngày lễ Thanksgiving là bước vào lễ Giáng Sinh. Cả đất nước rộn ràng, reo vui, lấp lánh ánh đèn và niềm vui nhân ái.
Qua bên này rồi, dường như không phân biệt đạo nào, mỗi gia đình đa phần đều có một cây thông trong nhà. Cây Giáng Sinh tạo sự ấm áp và yêu thương. Ánh đèn lấp lánh như những vì sao trên trời reo vui mừng ngày Chúa sinh ra. Dưới gốc cây là chỗ để quà. Niềm vui của tuổi thơ chất chứa ở đó, nao nức ở đó và yêu thương cũng ở đó.
Xin Chúa hãy tha thứ cho niềm vui của con người hiện đại. Không phải quên đi ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh nhưng những món quà trao đã nói lên sự yêu thương gắn bó trong gia đình, trong mỗi con người biết nghĩ đến nhau. Ngoài ra, khi mình đã có đầy đủ, trong tinh thần chia sẻ ta lại nghĩ đến những kẻ không nhà, những đứa bé nghèo khó trong đói lạnh. Chúa luôn nhân từ, dạy con chiên yêu thương và chia sớt. Một chút quà gửi đi giúp đở cũng ấm áp tình người.
Không phải chỉ đến tháng 12 người ta mới nghĩ đến mua quà cho nhau, mà là ngay từ ngày Black Friday tháng 11 thiên hạ đổ xô đi mua sắm phần lớn cũng dành cho ngày Giáng Sinh.
Ngày các con tôi còn nhỏ, ngày Lễ Tạ Ơn đại gia đình quây quần đông vui. Những món quà nho nhỏ thì qua tháng 12 mua cũng được. Nhưng những món đồ tương đối có giá trị thì phải mua sớm trong ngày Black Friday. Tôi nhớ lúc đó chưa có việc mua hàng online. Quảng cáo ngày Black Friday chỉ có trong xấp báo bán cận ngày. Sau bửa tiệc Thanksgiving họp mặt rộn ràng đông vui, cả nhà tranh nhau xem các mặt hàng đại hạ giá. Ai cần những đồ điện tử thì kiếm ở Best Buy. Ai cần sắm đồ thì tìm ở Macys, hoặc rẻ tiền hơn thì có Kmart, Sears, Target…
Khoảng chừng 3 giờ sáng con tôi rời nhà, đem mền và áo ấm đi sắp hàng. Có mấy năm tôi cũng tham gia đi chung với con. Tiệm Best Buy thiên hạ sắp hàng dài rồng rắn. Thanh niên thiếu nữ trùm mền, chăn ấm, quấn quít lấy nhau thật hạnh phúc. Tiệm chưa mở cửa nhưng nhân viên trong tiệm đã mang tặng cho khách hàng nước uống, bánh ngọt và những trái banh nho nhỏ bóp tay giữ ấm. Sau đó họ đi dài theo hàng, cầm máy tính hỏi khách hàng muốn mua món gì? Họ sẽ gửi phiếu mua những món hàng giá trị để mình biết chắc tới phiên mình còn hàng.
Computer, laptop, TV, máy printer…số lương bán đại hạ giá rất ít, nên khi mình nhận được phiếu thì an toàn không còn lo hết hàng. Trong khi con tôi chạy đi chọn món mình đã chấm cho gia đình, thì tôi đứng xếp hàng rồng rắn dùm con khi chờ tới phiên trả tiền. Bởi vì ngày này người ta đi đông mà hay làm thẻ member để được giảm giá nên chờ tới phiên mình rất lâu.
Ở những tiệm điện tử mặc dù tranh nhau mua kẻo hết hàng, nhưng không đến nỗi lộn xộn hay vất bỏ lung tung. Riêng ở các tiệm như Kmart, Walmart, Target… thiên hạ mua quần áo, giày, vật dụng vất lung tung rất vô trật tự. Có những người tham lam chạy tới vơ vét bỏ đầy cả xe. Tôi nhìn mà bất nhẩn. Làm sao họ mặc cho hết. Qua ngày mai họ lại sắp hàng trả đồ, trong khi người muốn mua lúc này lại không có.
Từ ngày con trai tôi lần lượt vào lính, tôi thiếu hẵn bạn để đi cắm trại hay xếp hàng mua đồ vào ngày Black Friday. Mỗi năm vào mùa lễ, con tôi không về được vì bận công tác, tôi lại thấy mình thật thiếu vắng và nhớ con. Nhưng tiếng cười, tiếng reo vui của các cháu khi nhận quà lại làm lòng tôi ấm lại. Thấy tuổi thơ của mình gần gũi làm sao.
Bây giờ các cháu tôi đã lớn, thật tình tôi không biết sở thích của chúng như thế nào để mua quà. Có nhiều món quà tôi nghĩ chúng thích lắm, nhưng rồi chả thấy chúng dùng. Có lẽ chúng đã lớn và trưởng thành nhiều hơn tôi nghĩ. Những gì chúng theo đuổi ra ngoài những ý nghĩ của tôi. Tôi trở thành một bà già cổ hủ và không hợp thời trang.
Cả những cháu nhỏ, tôi cũng không biết rõ size quần áo của chúng. Vì chúng lớn quá nhanh mà tôi lại không sống chung. Thế thì mua đồ chơi cho cháu đi. Thế nhưng mỗi lứa tuổi, mỗi cháu lại thích những đồ chơi khác nhau. Có những món chúng đã có, có những món chúng muốn nhưng làm sao tôi biết.
Thế là…thật không đúng ý nghĩa chút nào của ngày Lễ Giáng Sinh là gửi tiền cho các cháu lớn để chúng tự mua. Rất thực tế là chúng chọn món chúng thích. Cái tếu là mình tặng quà mà ngày Giáng Sinh mình không biết trong cái hộp gói giấy xinh xinh kia, món quà mình tặng cháu là cái gì. Ngày xưa, khi các cháu còn nhỏ mình làm cho cháu ngạc nhiên thích thú với món quà mình tặng. Thì bây giờ chính mình lại ngạc nhiên với món quà chúng tự mua dùm mình.
Các cháu nhỏ thì bà gửi tiền cho cha mẹ chúng nhờ mua dùm. Bởi vì chỉ có cha mẹ chúng mới biết rõ chúng cần gì và thích gì.
Rốt cuộc làm bà nội, bà ngoại như tôi thật là vô dụng. Tôi đã đi xa ngoài mơ ước và nhu cầu của cháu. Tôi biết hơn ai hết, quà Giáng Sinh là biểu lộ sự quan tâm và yêu thương lẫn nhau trong gia đình. Món quà không đòi hỏi sự đắt tiền hay không, mà đòi hỏi người nhận quà thấy được cái tình trong món quà đó. Thế nhưng, chuyện đi shop để mua quà trong ngày Lễ không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là phải moi óc xem chúng thích cái gì. Thôi thì! Chúa ơi! Hãy để các cháu thật vui trong món quà chúng tự chọn.
Thế còn chuyện tặng quà cho người lớn thì sao?. Hồi trước, mỗi năm tôi đều mua quà cho tất cả mọi thành viên trong gia đình và mọi người cũng vậy. Cây Noel nhà tôi quà chất ra ngoài gốc cây. Phần phát quà và nhận quà rộn ràng hết biết.
Rồi thì chính tôi và các con tôi nhận thấy…phải thay đổi. Quà mang về đôi khi không cần thiết hoặc không dùng tới. Vào mùa Lễ cứ phải tới lui shopping để chọn quà, đổi quà rồi lại phải trả quà, mà người nào cũng tốn thật nhiều tiền.
Thế là thay đổi, gia đình tôi chơi trò bóc thăm. Mỗi người chỉ nhận được một món quà thôi và (nếu muốn) hãy ghi món mình yêu thích bí mật gửi riêng cho tôi. Tôi làm chủ xị chọn người mua quà và nhận quà. Người mua quà biết tên món quà mình phải mua hoặc do mình tự chọn cũng như tên người nhận quà để ghi lên trên phần quà mình mang tới. Nhưng mình sẽ không biết ai sẽ tặng quà cho mình. Bí mật được bật mí thật vui trong ngày sum họp mở quà mừng Lễ Giáng Sinh.
Riêng tôi, dù đã dặn phải chơi theo luật. Nhưng các con yêu mẹ, để ý mẹ cần món gì. Chúng đặt mua online và gửi về trước ngày lễ cho mẹ. Hệ thống Amazon có mặt trên thế giới tự do. Con tôi ở Nhật vẫn gửi quà về mà không cần đi shopping ở Mỹ.
Năm nay tôi thêm một niềm vui trong ngày Giáng Sinh. Chiếc USS Boxer đã cập bến kịp thời trước lễ. Con trai tôi đã được về nhà sau những tháng ngày công tác xa nhà trên biển. Con dâu tôi đã rời nhà từ 4 giờ sáng trong màn mưa ở San Diego để đón chồng. Mấy mẹ con chờ đợi hơn 6 tiếng đồng hồ tàu mới chính thức cập bến. Nhìn các cháu mừng rỡ quấn quít ôm lấy cha, trên màn hình Face Time tôi không ngăn được nước mắt.
Xin hãy thông cảm cho tôi, một người mẹ lính và từng làm vợ lính trong ngày đoàn tụ cuối năm. Nhìn con dâu ôm lấy chồng nghẹn ngào, nhìn cháu xiết chặt lấy cha tôi lại nhớ một thuở của mình. Tôi đã từng trông đợi tin chồng mõi mòn khi tiếng đạn pháo kích rớt vào phi trường kế nhà hàng đêm. Tôi đã từng khóc và lo sợ khi nghe tin chiến sự dồn dập báo về. Tôi sợ chờ đợi, tôi sợ tai ương. Trái tim già nua của tôi giờ yếu đuối lắm rồi. Tôi chỉ mong con tôi bình an, khỏe mạnh. Còn tất cả chỉ là đời thường.
Cám ơn những giọt nước mắt đoàn tụ của các con tôi. Cám ơn nụ cười và gương mặt rạng rỡ của cháu. Tình yêu đã đem đến cho cuộc đời niềm tin và hy vọng. Tình yêu đã khiến xã hội thêm đẹp và bầu trời thêm lấp lánh những vì sao. Cám ơn người lính trở về nhà bình an, khỏe mạnh. Cám ơn con cho mẹ một mùa Giáng Sinh sum họp, hạnh phúc.
Giáng Sinh đến rồi. Xóm nhà tôi rực rỡ những ánh đèn, những cây thông, chúa Hài Đồng, máng cỏ. Có những con nai đứng ngúc ngắc đầu. Ông Già Noel cưỡi tuần lộc lướt trên thảm cỏ xanh. Niềm vui và tình thương của Chúa đến với mọi nhà không phân biệt tôn giáo.
Giáng Sinh là niềm vui và hạnh phúc.
Xin cám ơn đất trời, cám ơn nước Mỹ, cám ơn tình người, tình quê hương, tình nhân loại.
MERRY CHRISTMAS.
CHÚC MỪNG GIÁNG SINH ĐẾN VỚI TẤT CẢ CÁC BẠN.
Nguyễn thị Thêm
No comments:
Post a Comment