Monday, December 16, 2019

Bắc Kinh phá hoại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc một cách hệ thống

Click image for larger version

Name: 171.jpg
Views: 0
Size: 754.4 KB
ID: 1499815
Một nhà quan sát Liên Hợp Quốc, bà Hilary L. Miller đã dễn thuyết về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Bà nêu bật ra Bắc Kinh phá hoại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc một cách hệ thống.

Phần diễn thuyết về việc Trung Quốc phá hoại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc một cách hệ thống dưới đây được nhà quan sát Liên Hợp Quốc, bà Hilary L. Miller trình bày trong chủ đề “Đàn áp Công nghệ cao của Trung Quốc và Tự do Tôn giáo” tại Diễn đàn Geneva 2019 về nhân quyền.

Hilary L. Miller, tốt nghiệp loại ưu về khoa học chính trị và lịch sử, trường Đại học Wisconsin-Madison, và nhận học bổng Morris B. Abram tại tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva, với mục đích thúc đẩy nhân quyền trên khắp thế giới. Bà có nhiệm vụ giám sát công việc của các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc trên khắp thế giới, soạn thảo báo cáo, thông cáo báo chí và các bài phát biểu, cũng như điều hành mạng xã hội. Bà có trách nhiệm thay mặt tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc làm chứng trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Xin gửi lời cảm ơn Chính phủ lưu vong Tây Tạng đã mời tôi đến phát biểu ngày hôm nay và cảm ơn ông Frasi đã chủ trì phiên thảo luận này. Đây là một vinh dự khi được đồng hành cùng với những cá nhân luôn thúc đẩy và bảo hộ nhân quyền thông qua công việc của họ.

Tôi là Hilary Miller và tôi đang làm việc tại tổ chức Quan sát Liên hợp Quốc, một tổ chức nhân quyền phi chính phủ có trụ sở tại Geneva. Chúng tôi giám sát các hoạt động của Liên Hợp Quốc với thước đo của Hiến chương Liên Hợp Quốc và thông báo khi có quốc gia thành viên không thực thi nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chính vì lẽ đó, tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc đặc biệt quan tâm đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nơi đã bị những kẻ độc tài và lạm dụng nhân quyền làm cho tha hóa. Những quốc gia thành viên được bầu vào Hội đồng này bao gồm Venezuela, Cuba và Trung Quốc, một mặt đã lạm dụng chức quyền của mình trong cơ quan nhân quyền đứng đầu thế giới để che đậy tội ác của họ, cũng như trốn tránh những chỉ trích về việc vi phạm nhân quyền tệ hại, mặt khác vẫn chễm chệ ngồi tại các buổi hội nghị để thông qua các nghị quyết tự khen ngợi bản thân.

Vấn đề và bối cảnh

Trung Quốc là một trong 47 quốc gia thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc và đóng vai trò tiêu cực với rất nhiều lý do. Từ khi Hội đồng này thành lập vào năm 2006, Trung Quốc đã luôn là thành viên thường trực, chỉ không có mặt với lý do giới hạn nhiệm kỳ. Thật chua chát thay, việc kéo dài tư cách thành viên của Trung Quốc trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc chỉ để cho thấy rằng Trung Quốc là quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới.

Một báo cáo năm 2018 từ tổ chức Ngôi nhà Tự do Freedom House đã chấm điểm Trung Quốc “không tự do” và nhấn mạnh cách chính phủ này củng cố quyền lực bằng cách đàn áp các nhà báo, gia tăng kiểm duyệt và giám sát mạng internet, và đàn áp các nhóm tôn giáo. Điều này được minh chứng bằng việc họ đã giam giữ số lượng lớn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong những nơi được gọi là “Trung tâm cải tạo chính trị” tại Tân Cương.

Ý thức được những điều này, câu hỏi quan trọng cần đặt ra là: Tại sao việc Trung Quốc là một thành viên trong tổ chức về nhân quyền cao nhất thế giới lại là vấn đề? Hôm nay, tôi sẽ đàm luận về những cách mà Trung Quốc tạo ảnh hưởng tiêu cực đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Đầu tiên, Trung Quốc đã cố tình bỏ phiếu sai một cách có hệ thống khi thông qua các nghị quyết về nhân quyền. Thứ hai, Trung Quốc cắt ngang các diễn giả khách mời, cũng như đe dọa và sách nhiễu các thành viên bảo vệ nhân quyền trong các phiên họp của Hội đồng. Hơn thế nữa, Trung Quốc có một lịch sử về việc gây áp lực lên các quan chức của Liên Hợp Quốc để bắt họ phải làm những điều trái với quy trình đạo đức của Liên Hợp Quốc.

Trong hơn một thập niên, tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc đã chứng kiến cách hành xử đi ngược lại với Nghị quyết 65/251 của Liên Hợp Quốc. – một nghị quyết tái khẳng định rằng tất cả các quốc gia, bất kể hệ thống chính trị, kinh vế và văn hóa, đều phải có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do căn bản.

Trung Quốc ủng hộ các nghị quyết tiêu cực

Như đã nêu, Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bằng cách bỏ phiếu sai một cách có hệ thống khi đưa ra các nghị quyết về quyền con người.

Họ đã bỏ phiếu chống lại các các nghị quyết tích cực lên tiếng cho các nạn nhân đang đối mặt với những vi phạm nhân quyền tàn khốc nhất, và chống lại các nghị quyết lên án các chính phủ đang lạm dụng quyền con người.

Ví dụ, năm 2018, Trung Quốc đã bỏ phiếu “không” cho một nghị quyết lên án Syria vì vi phạm nhân quyền và phủ nhận quyền tiếp cận nhân đạo tại Đông Ghouta.

Trung Quốc cũng đã bỏ phiếu “không” trong một nghị quyết về việc gia hạn ủy thác cho Báo cáo viên Đặc biệt trong việc điều tra các vi phạm về nhân quyền tại Iran.

Trung Quốc cũng đã bỏ phiếu “không” trong một nghị quyết lên án những vi phạm quyền con người của lực lượng chính phủ Burundi.

Và trong một nghị quyết về Myanmar lên án các vi phạm nhân quyền thô bạo đối với người Hồi giáo ở Rohingya bang Rakhine và gia hạn cho Báo cáo viên đặc biệt điều tra về việc chính phủ cho phép giết người phi pháp, Trung Quốc là một trong nhóm 7 quốc gia trên thế giới – gồm có Venezuela, Iraq, Pakistan, Kyrgyzstan, Burundi, và Cuba – đã cùng nhau bỏ phiếu “không”

Thêm vào đó, thật đáng buồn thay, Hội đồng cũng thường thông qua các nghị quyết phản tác dụng, làm suy yếu quyền con người. Trung Quốc luôn bỏ phiếu ủng hộ những nghị quyết tiêu cực đó. Đơn cử, năm 2016, Hội đồng đã thông qua một nghị quyết về quyền con người và các biện pháp cưỡng chế đơn phương. Nghị quyết này do Cuba đệ trình, trong đó định nghĩa tất cả các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và Châu Âu chống lại các chế độ độc đảng chuyên chế là các hành vi vi phạm nhân quyền.

Idriss Jazurine, Báo cáo viên Đặc biệt thực hiện nhiệm vụ thi hành nghị quyết này, thường xuyên bảo vệ các chế độ tồi tệ nhất thế giới bằng cách tô vẽ họ như những nạn nhân của các lệnh trừng phạt độc ác từ phương Tây. Đơn cử như vào năm 2016, ông ta đã đưa ra một báo cáo đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Sudan đã làm tổn hại đến quyền sống, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được phát triển, quyền được uống nước, quyền làm việc, quyền được giáo dục, quyền của người già, quyền của người khuyết tật, quyền của phụ nữ, quyền của trẻ em và quyền đối với thực phẩm của quốc gia này. Tuy nhiên, ông ta không đả động gì đến việc đất nước này đang bị cai trị bởi một nhà độc tài áp bức và diệt chủng, Omar al Bashir, một kẻ đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã vì tội ác chống lại loài người. Tương tự, năm 2017, Jaruzine đã đưa ra một báo cáo với một tuyên bố gây ngỡ ngàng rằng Chính phủ Nga của ông Vladimir Putin là nạn nhân của các vi phạm về nhân quyền. Ông ta cứ đưa ra những báo cáo tương tự để bảo vệ cho các chế độ xấu xa khác.

Không có gì ngạc nhiên, Trung Quốc thường xuyên bỏ phiếu cho những nghị quyết đó, điển hình là những nghị quyết từ Cuba, với mục đích duy nhất là làm suy yếu quyền con người phổ quát và tiếp thêm sức mạnh cho những chế độ độc tài.

Vì vậy, cách Trung Quốc bỏ phiếu và các nghị quyết mà Trung Quốc ủng hộ cho thấy Trung Quốc đóng một vai trò tiêu cực rõ ràng và nghiêm trọng trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc cắt ngang các diễn giả tại các phiên họp Hội đồng

Còn một việc nữa cũng gây tác động tiêu cực đến Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đó chính là hành vi của đại diện Trung Quốc trong các phiên họp Hội đồng. Phái đoàn Trung Quốc không cần cơ sở pháp lý, không cần nguyên nhân cản trở, vẫn thường xuyên cắt ngang các diễn giả đang tìm cách vạch trần các hành vi phi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Quan sát viên Liên Hợp Quốc đã chứng kiến hành vi có chủ ý nhằm hạn chế tự do ngôn luận này nhiều lần trong thập kỷ vừa qua.

Vào tháng 3 năm 2011, tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc đã đưa Tiến sĩ Yang Jianli – một nhà hoạt động nhân quyền, một người sống sót sau vụ thảm sát Thiên An Môn, chủ tịch của Hội Sáng kiến vì Trung Quốc, từng nhận học bổng của Đại học Harvard, và là thành viên của Quan sát viên Liên Hợp Quốc – đến để nói về thất bại của Trung Quốc trong việc duy trì những quyền con người cơ bản. Ngay sau khi ông Yang vừa bắt đầu, phái đoàn Trung Quốc đã cắt ngang với lý do người phát biểu đang không hướng tới “tình hình nhân quyền cần Hội đồng lưu tâm.”

Một sự cố khác vào tháng 3 năm 2014, tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc đã đưa cô Ti-Anna Wang đến để làm chứng trước Hội đồng về việc chính quyền Trung Quốc giam giữ cha cô là ông Wang Bingzhang, một nhà hoạt động nhân quyền và lãnh đạo phong trào dân chủ đã bị kết án tù chung thân từ năm 2002. Chỉ một phút sau khi cô Wang bắt đầu phát biểu, phái đoàn Trung Quốc phản đối rằng cô chỉ được phép nói đến những “tình huống trừu tượng về quyền con người” chứ không được chỉ ra những trường hợp cụ thể như là việc giam giữ cha của cô.

Và vào tháng 3 năm 2018, khi tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc một lần nữa đưa Tiến sĩ Yang Jianli đến để trình bày với 47 quốc gia trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về việc Trung Quốc đàn áp tự do ngôn luận và tự do biểu đạt, phái đoàn Trung Quốc lại cắt ngang ông Yang khi ông chỉ vừa mới bắt đầu. Sau đó, họ vu cáo ông Yang đã không nói đúng chủ đề, và rằng đó là quyền con người phổ quát đã được ghi trong Tuyên bố Vienna 1993, sau đó họ còn đi xa hơn nữa vào cuối bài phát biểu rằng “Những tổ chức phi chính phủ và cá nhân có động cơ kín đáo khi lợi dụng diễn đàn này để hoàn thành những mưu ma chước quỷ của mình”.

Vào tháng 7 năm 2019, tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc đã chứng kiến một tình huống khác trong chuỗi những hành động cắt ngang lời phát biểu có hệ thống của Trung Quốc, khi họ hai lần cắt ngang bài diễn thuyết của Denis Ho, một nhạc sĩ nổi tiếng và cũng là một nhà hoạt động dân chủ người Hong Kong. Trong cả hai lần cố gắng làm gián đoạn cô Denis Ho, phái đoàn Trung Quốc đều lập luận rằng cô ấy đã “nói xấu” Trung Quốc khi cô phản đối sự can thiệp của Trung Quốc vào Hồng Kông.

Những hành vi liên tục trắng trợn cắt ngang các bài phát biểu của các nhà hoạt động nhân quyền, những người chỉ muốn phơi bày chân tướng, đã cho thấy Trung Quốc đã lạm dụng vị trí của mình tại Liên Hợp Quốc để ngăn những tiếng nói phê phán và hơn thế làm suy yếu quyền con người.

Trung Quốc sách nhiễu và đe dọa các nhà hoạt động vì nhân quyền

Trung Quốc không chỉ tìm cách bưng bít tiếng nói bằng cách làm gián đoạn những bài phát biểu tại Hội đồng mà còn tìm cách sách nhiễu và đe dọa các nhà hoạt đồng vì nhân quyền. Năm 2015, Reuters đã có một bài tiêu điểm về việc Trung Quốc nỗ lực giảm một cách đáng kể những báo cáo về nhân quyền về quốc gia này, và ngày càng có nhiều biện pháp đe dọa và theo dõi để làm các nhà phê bình im lặng trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Đơn cử trường hợp của Ti-Anna Wang khi cô được mời phát biểu thay mặt cho Tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc vào tháng 3 năm 2014. Một bài báo trên tờ New York Times đã mô tả chi tiết những hành động theo dõi của Trung Quốc nhằm vào cô Wang, từ đại diện của một tổ chức phi chính phủ có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc. Cô Wang đã tường thuật lại như sau: “Tôi đang ngồi ở bàn làm việc bằng máy tính, thì một người đàn ông Trung Quốc lạ mặt đang dùng máy tính bảng để lén lút chụp ảnh mà không có sự đồng ý của tôi. Một nhân viên của Ban thư ký bảo anh ta dùng lại, tôi quay lại một lúc sau đó vẫn thấy anh ta chụp ảnh tôi. Anh ta giấu máy tính bảng vào trong áo vest, nhưng mà ống kính camera chĩa thẳng vào tôi. Các nhân viên an ninh sau đó đã áp giải anh ta ra khỏi phòng, kiểm tra các bức ảnh và xác nhận rằng có nhiều bức ảnh chụp tôi, màn hình máy tính của tôi và tư trang của tôi. Tôi cảm thấy mình đang bị xâm phạm và tấn công.”

Để phản ứng với hành động đe dọa và sách nhiễu trắng trợn này, Tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc đã gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc Baudelaire Ella để kêu gọi Văn phòng này lên án “hành động cố tình đe dọa chống lại đại biểu của chúng ta và những nỗ lực của cô trong việc hợp tác với Liên Hợp Quốc về các cơ chế nhân quyền.”

Một sự vụ khác là vào năm ngoái khi tiến sĩ Yang phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, một thành viên của phái đoàn Trung Quốc đã bị bắt khi đang chụp ảnh ông Yang bên ngoài phòng toàn thể trong hơn 10 phút.

Trung Quốc vừa lợi dụng các tổ chức phi chính phủ và phái đoàn để đe dọa và sách nhiễu các nhà hoạt động, vừa gây áp lực lên các quan chức trong Liên Hợp Quốc, buộc họ vi phạm các quy chuẩn đạo đức của Liên Hợp Quốc.

Ví dụ trường hợp tháng 5 năm 2017, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã làm theo yêu cầu rất nguy hiểm của Trung Quốc, đưa ra tên của 4 nhà hoạt động nhân quyền dự kiến tham dự phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ngay lập tức, Tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc đã gửi một lá thư cho Cao ủy viên Raad Al Hussein để chỉ ra hành động này chỉ giúp các nhà nước đảng trị, đặc biệt là Trung Quốc, khiến họ có thể quấy rối các nhà bảo vệ nhân quyền. Trong thư chúng tôi tuyên bố như sau: “Trung Quốc đặc biệt nổi tiếng trong việc sách nhiễu những người lên tiếng chống lại nhà cầm quyền. Do đó, bất cứ chính sách nào cho phép Trung Quốc (hoặc quốc gia thành viên nào khác) biết được các nhà bất đồng chính kiến nào sẽ tham dự phiên họp sẽ tạo điều kiện cho các đe dọa mạnh tay của Trung Quốc. Điều này đi ngược lại với mục đích của Liên Hợp Quốc và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, vốn là những tổ chức bảo vệ nhân quyền và phơi bày tội ác chứ không phải tạo điều kiện cho việc lạm dụng vi phạm nhân quyền. Không nên để các nhà bất đồng chính kiến phải chịu những sách nhiễu và đe dọa khi tới Geneva đồng hành cùng Liên Hợp Quốc vì nhân quyền.”

Trung Quốc thao túng các tổ chức phi chính phủ giả mạo

Ngoài việc bỏ phiếu tiêu cực, cắt ngang diễn giả, sách nhiễu các nhà hoạt động vì nhân quyền, gây áp lực lên các quan chức Liên Hợp Quốc, Trung Quốc còn làm suy yếu đi sứ mệnh và mục đích của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bằng cách thao túng các tổ chức phi chính phủ giả mạo để đảm bảo tình trạng nhân quyền của chế độ.

Trong trường hợp với cô Ti-Anna Wang, người đàn ông bị buộc tội theo dõi cô là một thành viên của Hiệp hội Bảo tồn và Phát triển của Trung Quốc về Văn hóa Tây Tạng, viết tắt là CAPDTC, một tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh được thành lập năm 2004 và có mối quan hệ mật thiết với Mặt trận Thống Nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hơn thế nữa, Trung Quốc còn lập ra danh sách các tổ chức phi chính phủ giả mạo để tuyên dương những ghi chép về nhân quyền của quốc gia này nhằm thông qua kết quả Đánh giá định kỳ toàn cẩu của Trung Quốc trong phiên họp Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào tháng 3 năm 2019. Lấy một ví dụ, các đại biểu trong một nhóm được đặt tên một cách khéo léo là “Hiệp hội Trung Quốc về Hiểu biết Quốc tế” đã tuyên bố rằng tất cả những người dân ở tỉnh Tân Cương đều có quyền như nhau và được phát triển đồng đều, đồng thời còn ca ngợi những tác động tích cực của chính phủ đối với các trung tâm giao lưu văn hóa trong vùng. Cũng trong phiên họp vào tháng 3, CAPDTC, tổ chức đã có hoạt động theo dõi cô Wang, đã dối trá rằng tất cả người Tây Tạng đều có tự do và chính quyền trung ương cũng như Chính quyền Tự trị Tây tạng đã phối hợp với nhau trong việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng. Trung Quốc không chỉ thao túng các nhóm giả mạo để tạo ra những lời dối trá và ca ngợi sáo rỗng mà bản thân Trung Quốc cũng gian dối.

Trung Quốc đại gian dối và đạo đức giả

Cách cuối cùng mà Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là họ nói dối một cách có chủ ý để thao túng sự thật trên bề mặt, đặc biệt là với tình hình của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Quan sát viên Liên Hợp Quốc đã nhận thấy điều đó vào tháng 7 năm 2019, chỉ một ít tháng trước đây thôi, khi Trung Quốc tuyên bố một lá thư với 50 quốc gia đồng ý – trong đó có những quốc gia có chế độ tàn bạo như Nga, Venezuela, Iran và Syria – gửi đến cho Cao ủy viên Michelle Bachelet ngụy tạo cách hành xử của chế độ này với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bức thư này thay vì lên án Trung Quốc đã bắt giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong những nơi gọi là “Trung tâm giáo dục và hướng nghiệp”, lại ca ngợi Trung Quốc trong việc thực hiện các biện pháp chống khủng bố trong khu vực và “những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực nhân quyền” và nhiều “đóng góp cho sự nghiệp nhân quyền quốc tế”.

Và những lời dối trá này vượt ra ngoài bản tường trình chính thức giữa các nhà ngoại giao và các phái đoàn. Chỉ vài tuần trước đây, trong suốt phiên họp tháng 9 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, tuyên truyền của Trung Quốc đã tràn ngập cả hội trường của Liên Hợp Quốc tại đây, Geneva. Hàng nghìn người đã đi qua những màn hình tô vẽ sự đối xử công minh của Trung Quốc đối với người Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và 1,3 triệu người khác, những màn hình nói rằng họ hưởng đầy đủ quyền con người một cách hạnh phúc tại Trung Quốc.

Để kết luận, hồ sơ bỏ phiếu tiêu cực và các hành vi ác ý của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho thấy mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Trên thực tế, việc kéo dài thời hạn thành viên của quốc gia này trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc gồm 47 quốc gia – một tổ chức về nhân quyền cấp cao trên thế giới – là một việc vô lý, và đáng báo động.

Sứ mệnh và mục đích của tổ chức Quan sát Liên Hợp Quốc chính là khiến cho những “diễn viên phản diện” như Trung Quốc không được thông qua khi phạm phải vấn đề về quyền con người. Trong nỗ lực này, chúng tôi lên tiếng chống lại Trung Quốc vì những lý do tôi đã nêu ra trong ngày hôm nay, vì quốc gia này đã làm trái với Nghị quyết 60/251 và trốn tránh trách nhiệm của mình trong việc thúc đẩy và bảo hộ quyền con người và các các quyền tự do cơ bản.

Cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội phát biểu về vấn đề nghiêm trọng này. Tôi trân trọng cơ hội và những bước tiếp theo từ phiên thảo luận này.

Theo vietbf

No comments:

Blog Archive