Monday, December 30, 2019

Thêm nhiều khó khăn cho nghề Nail tại California sau luật AB-5


Trong những tuần lễ sau cùng của năm 2019, rất nhiều doanh nghiệp tại California, trong đó có hàng ngàn tiệm Nail do người Việt làm chủ, đã nhận được một văn thư đồng ký tên bởi các viên chức đứng đầu bốn cơ quan phụ trách vấn đề phúc lợi của người lao động làm việc trong tiểu bang California. Mục đích của văn thư này là lưu ý các chủ doanh nghiệp về luật AB-5 bắt đầu có hiệu lực từ ngày đầu năm 2020. Với luật AB-5, California sẽ là tiểu bang đầu tiên tại Hoa Kỳ có những quy định khó khăn nhất liên quan đến việc phân loại người lao động là “independent contractor” (người làm việc độc lập) thay vì là nhân viên của chủ (employee). 

Từ hàng chục năm nay, thợ Nail tại California cũng như trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ vẫn thường làm theo lối ăn chia với chủ tiệm, và mỗi năm được chủ tiệm cấp mẫu 1099-MISC để tự đóng thuế. Bằng vào phương thức này, chủ tiệm Nail đã mặc nhiên xem thợ là “independent contractor” chứ không phải là “employee”. Vì vậy, chủ tiệm đã tránh không phải trả các khoản thuế quy định bởi liên bang và tiểu bang như thuế an sinh xã hội (FICA), thuế trợ cấp thất nghiệp (FUTA), thuế bảo hiểm khi không thể làm việc (Disability Insurance), và bảo hiểm lao động (Workers’ Compensation) cho người thợ Nail. Ngoài ra, chủ tiệm cũng không buộc phải áp dụng các thứ luật lệ lao động khi người thợ không phải là “employee”. Và bởi các quy định về việc phân loại người thợ Nail là “employee” hay “independent contractor” tại California trước đây thường không rõ ràng, chủ tiệm Nail tại đây lâu nay vẫn có thể dùng thợ theo dạng “independent contractor” nếu hội đủ một số điều kiện tương đối. 

Với luật AB-5, người thợ Nail làm việc tại California sau ngày 01 tháng Giêng 2020 chỉ có thể là “independent contractor” nếu hội đủ cả 5 điều kiện sau đây: 

(1) Tự ấn định giá biểu, tự thâu và được trả tiền trực tiếp bởi khách hàng; (2) tự ấn định giờ làm việc và có quyền giới hạn và lựa chọn số khách muốn làm; 
(3) có sổ hẹn riêng và tự làm hẹn với khách; 
(4) có giấy phép kinh doanh liên quan đến dịch vụ cung cấp cho khách; và 
(5) nếu làm trong tiệm Nail thì phải trả tiền thuê chổ làm và mỗi năm gửi mẫu 1099 cho chủ tiệm. 

Theo số liệu từ trang web của Liên Hiệp Ngành Móng Tay Lành Mạnh tại California - California Healthy Nail Salon Collaborative, hiện nay có khoảng 129,000 người đang hành nghề Nail tại California, mà phần lớn là người Việt Nam.

Thời gian gần đây từ khi có tin về luật mới AB-5, nhiều chủ tiệm Nail tại California trước nay vẫn xem thợ là “independent contractor”, đã lần lượt bắt đầu chuyển qua cách trả lương cho thợ bằng W-2 theo dạng “employee”, vì nghĩ rằng đó chính là đòi hỏi của luật AB-5. Tuy nhiên, hầu hết chủ tiệm đã không hiểu rằng khi thợ Nail là “employee” tại California, chủ tiệm bắt buộc phải tuân theo những quy định rất gắt gao của luật lao động tiểu bang áp dụng cho “employee”. 

Những quy định căn bản của luật lao động California

California được kể là tiểu bang có luật lao động khó khăn và phức tạp nhất nước Mỹ. Theo luật lao động California, chủ doanh nghiệp có bổn phận phải lưu trử hồ sơ về lương bổng của người “employee”, mà chính yếu là số giờ làm việc trong từng khung thời gian một tuần lễ (hay bảy ngày). Người “employee” hầu hết phải được hưởng lương giờ không dưới mức quy định của tiểu bang (hoặc của thành phố nếu có quy định mức lương cao hơn tiểu bang). Thêm vào đó, “employee” cũng phải được trả lương giờ phụ trội theo luật định nếu làm việc hơn 8 giờ trong một ngày, hơn 40 giờ trong một tuần, hoặc hơn 6 ngày trong một tuần lễ (bất luận số giờ đã làm việc trong sáu ngày liên tục vừa qua). Trong nghề Nail, những quy định vừa kể trên phải được áp dụng cho tất cả thợ là “employee”, kể cả khi người thợ làm theo lối ăn chia với chủ tiệm, hay được chủ tiệm bao lương. 

Thêm vào đó, theo luật lao động California, thợ Nail là “employee” còn được quyền nghỉ 10 phút có lương trong mỗi 4 giờ làm việc, và phải được nghỉ 30 phút không hưởng lương để ăn uống nếu phiên làm việc kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ. Nếu phải làm việc trong giờ nghỉ để ăn uống, người thợ phải được trả thêm một giờ lương căn bản cho mỗi ngày không được giờ nghỉ để ăn uống. Ngoài ra, sau mỗi 30 giờ đã làm việc, thợ Nail còn được 1 giờ có hưởng lương để nghỉ bệnh (paid sick leave) hoặc để chăm sóc người trong gia đình. 

Đây là tóm lược những quy định khá phức tạp mà chủ tiệm Nail tại California cần hiểu rõ, không phải chỉ để tránh bị phạt vạ bởi các cơ quan có thẩm quyền, nhưng chính yếu là để không bị vướng vào những vụ thưa kiện của thợ Nail vô cùng rắc rối và rất tốn hao tiền bạc.

Cần lưu ý rằng tại California từ trước đến nay chỉ có các cơ quan lao động thuộc chánh quyền tiểu bang mới được quyền kiểm tra và phạt các doanh nghiệp vi phạm luật lao động. Và bởi không đủ nhân lực, những vụ kiểm tra của các cơ quan lao động trước nay thường bị giới hạn. Nhưng với luật AB-5, chánh quyền cấp địa phương cũng sẽ có quyền kiểm tra việc thi hành những quy định của luật lao động. 

Vì vậy, rồi đây các chủ doanh nghiệp tại California mà đặc biệt là tiệm Nail, sẽ rất thường bị kiểm tra và phạt vạ nếu không hiểu rõ luật AB-5. Ngoài ra, trong lúc mà nhiều chủ tiệm Nail tại California đã và đang phải đương đầu với những vụ thưa kiện của thợ Nail rất tốn kém, sự ra đời của luật AB-5 sẽ tạo thêm dễ dàng cho những vụ kiện này ngày càng có thêm cơ hội để lan rộng. 

Tóm lại, bởi hầu hết chủ tiệm Nail gốc Việt tại Hoa Kỳ từ hàng chục năm qua vẫn có sự hiểu biết rất mù mờ và thậm chí rất sai lệch về các quy định của luật lao động trong vấn đề thuê mướn thợ Nail, luật AB-5 sẽ càng gây thêm nhiều khó khăn cho chủ tiệm Nail tại California, từ đó khiến cho nghề Nail tại tiểu bang này không còn dễ kiếm tiền như từ bấy lâu nay nữa. Và với tình hình hiện nay, cũng là lúc mà quý vị chủ tiệm Nail tại California nên tìm sự giúp đỡ từ giới chuyên môn để có thể hiểu rõ về những quy định khá rắc rối của luật lao động tiểu bang, hầu tránh những hối tiếc muộn màng về sau. 

Cần thêm những thông tin hữu ích về luật lệ lao động trong nghề Nail tại Hoa Kỳ, có thể liên lạc Tiến Sĩ Luật Khoa Tom Huỳnh, điện thoại (949) 943-4396.

No comments:

Blog Archive