Quang An
Hôm nay, ngày cuối cùng để Ủy Ban Điều Lệ Hạ Viện hoàn thành bản cáo trạng nhằm đưa ra cho toàn thể các dân biểu Hạ Viện bỏ phiếu "đàn hặc" tổng thống Trump vào ngày mai. Hai điều khoản "đàn hặc" mà Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đưa ra là tổng thống lạm dụng quyền lực, và tổng thống cản trở Quốc Hội. Dĩ nhiên, cả hai điều khoản này đều không được các dân biểu đảng Cộng Hoà trong Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đồng ý, và vẫn được thông qua vì dân biểu đảng Dân Chủ trong Ủy Ban chiếm khối đa số. Điều này cho thấy việc "đàn hặc" là "đỉnh cao" của sự chia rẽ giữa hai đảng, và đảng nào nắm số đông thì cứ việc ... "thẳng đường là tiến".
Đây cũng là điều người viết đã nhận định từ trước rằng bằng mọi giá, đảng Dân Chủ sẽ tìm cách "đàn hặc" ông Trump mà thôi, dù có hay không có bằng chứng. Cứ kiếm có cái cớ là ... "đập" liền. Sự thật chắc nhiều bạn đọc ít để ý, chứ chính bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đã từng trả lời phỏng vấn cách đây vài tuần rằng "đảng DC đã tính chuyện đàn hặc ông Trump từ ... hơn hai năm rưỡi trước".
Việc làm của các chính trị gia đảng Dân Chủ cũng có kẻ binh, người chống. Tuy nhiên, báo chí trong những năm vừa qua quá thiên vị cho đảng Dân Chủ nên đã cố tình "hà hơi tiếp sức" để đăng tải những tin tức làm sao có lợi cho đảng Dân Chủ nhiều hơn. Ngay chuyện "đàn hặc" cũng vậy. Cái cớ ban đầu ghép tội cho ông Trump là tội ... "đổi chác" anh làm cho tôi cái này, tôi làm cho anh cái kia. Sau đó lại lái qua ... tham nhũng, hối lộ, và rồi là ... "lạm dụng quyền lực". Sự bất nhất trong việc điều tra luận tội như thế này là đã vi phạm nguyên tắc "xét xử" rồi. Thế nhưng báo chí thay vì vạch ra những điểm sai trái đó, lại đồng tình "lèo lái" câu chuyện theo đúng "kịch bản" mà các chính trị gia đảng Dân Chủ đưa ra.
Để giải thích thêm "nguyên tắc xét xử, hay tố cáo" như thế nào, dù người viết không phải là một luật sư, nhưng xin đưa một ví dụ trường hợp mà người viết đã từng được luật sư cố vấn làm sao ra toà để ... "trắng" tội. Đó là trường hợp người viết vi phạm luật giao thông khi lỡ lái xe quá tốc độ trong khu vực dân cư. Thông thường khi cảnh sát ghi giấy phạt, họ phải đánh dấu vào tờ giấy phạt lỗi mình bị là lỗi gì. Rất nhiều cảnh sát vì lơ đãng, hoặc không rành luật, hoặc bất cẩn, cứ quẹt đại một ô trong tờ giấy ghi phạt là xong. Các ô này là "mã số" cái lỗi người lái xe vi phạm. Vị luật sư cố vấn đã chỉ cho người viết rằng viên cảnh sát đã đánh dấu vào ô vượt đèn đỏ, trong khi lại ghi phạt tội lái xe quá tốc độ. Ra tòa, mình trình bày y như luật sư đã cố vấn, thế là quan tòa tha bổng vì mình không phạm tội ... vượt đèn đỏ.
Cho nên, nếu nói tổng thống phạm tội "đổi chác", mà lại đánh dấu là hối lộ, hay lạm dụng quyền lực, thì tờ giấy phạt đó đã ... vô giá trị rồi. Ra tòa là sẽ ... trắng án!!!
Nhắc việc này để thấy hiện nay, các chính trị gia mà hầu như ai cũng là dân học luật, hay là luật sư, nhưng đều muốn phá vỡ những nguyên tắc, những luật lệ lâu nay. Tùy theo mục đích chính trị mà họ giải thích theo ý họ muốn. Tất cả chỉ muốn một điều là cố gắng hạ bệ tổng thống, hay ít ra thì làm tổng thống phải "mệt nhoài bở hơi tai". Họ không nghĩ đến việc hợp tác để lo cho quốc gia, mà chỉ mong giành lại những vị trí dân cử đã mất qua bầu cử.
Nếu nói là "lạm dụng quyền lực", thì chính bà chủ tịch Hạ Viện cùng các đồng sự lãnh đạo cấp cao của đảng Dân Chủ cũng đã và đang lạm dụng quyền lực khi cứ cố nhân danh "bảo vệ hiến pháp" nhưng lại thi hành một tiến trình "đàn hặc" không đầy đủ theo ... nguyên tắc, theo luật định.
Ngày mai, các dân biểu hai đảng sẽ bỏ phiếu. Dự đoán là việc "đàn hặc" sẽ được thông qua vì đảng Dân Chủ đang nắm khối đa số. Có một điểm đặc biệt xảy ra hôm nay khi chính tổng thống Trump, người sẽ bị đàn hặc vào ngày mai, cũng là một vị tổng thống có tính tình khác hẳn với những tổng thống trước, cũng như có những suy nghĩ và hành động không theo ... "sách vở" tí nào, đã viết một lá thư gởi đích danh bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. Lá thư dài 6 trang, trong đó tổng thống Trump đã dùng những lời lẽ mạnh mẽ, thiếu điều là "gay gắt", chứ không phải chỉ là những lời lẽ "ngoại giao" để phản đối việc làm của bà Pelosi cùng các đồng sự lãnh đạo cấp cao của bà khi cố tình tìm cách "hạ bệ" một vị tổng thống dân cử hợp hiến. Nói nôm na theo tiếng Việt bình dân là ... "đảo chánh", mà đảo chánh ở đây không có tiếng súng, chỉ là dùng luật lệ, nguyên tắc, và "thủ đoạn" chính trị để hạ bệ thôi.
Lá thư rất dài, nên người viết không tiện dịch cả lá thư cho bạn đọc. Chỉ muốn nhấn mạnh đoạn văn cuối của tổng thống khi ông viết rằng dù có nói gì đi nữa, ông cũng không hy vọng bà Pelosi và đồng sự sẽ chấm dứt màn "đàn hặc" này để dành thì giờ làm việc "phục vụ nhân dân". Tuy nhiên, ông vẫn viết lá thư này để sau này sẽ trở thành là một "chứng tích" của lịch sử. Rồi đây, sách vở sẽ ghi lại lá thư của ông như là một "lá thư tổng thống" khó có thể xóa nhoà được. Một trăm năm sau, khi nhìn lại lịch sử, con cháu chúng ta sẽ biết được chuyện gì đã xảy ra, và những điều ông đã nói. Con cháu chúng ta sẽ học hỏi từ bài học lịch sử này, hiểu được giai đoạn lịch sử này và đừng bao giờ để "lịch sử tái diễn" cho bất kỳ một ai, bất kỳ một vị tổng thống nào.
Phải nói rằng, với những lời lẽ này, đủ để "ngả mũ thán phục" tổng thống Trump. Từ "lá thư từ biệt" của tổng thống Washington, cho đến những "học thuyết", những "quan điểm" của từng vị tổng thống "tiền bối" đều đã đi vào lịch sử Mỹ và trở thành những bài học cho thế hệ sau. Người Mỹ giáo dục con cháu theo đúng phương pháp "người thật, việc thật" với những bài học "sống động", dù hay, dù dở, họ đều muốn con cháu đời sau học hỏi. Có nhiều bạn đọc đã từng chê ông Trump điên, ông Trump ... "mát dây". Vâng, có thể theo quan điểm của bạn, Trump khùng, Trump điên. Nhưng cứ để lịch sử 100 năm tới, lúc bấy giờ người ta nhìn lại, sẽ có một phán xét công bằng hơn.
Cũng nhân tiện nói chuyện lịch sử, thời đầu thế kỷ 20, tổng thống Theodore Roosevelt Jr. cũng đã từng bị nhiều người vào thời kỳ đó chê bai là khùng, là điên, vì tính khí bất thường của mình. Tuy nhiên, sau này, Theodore Roosevelt Jr. được xem là một trong các tổng thống có những đóng góp, hay nói cách khác là có công sức, xây dựng một nước Mỹ hùng cường ngày nay, hay nói cách khác là biến nước Mỹ thành ... "đế quốc Mỹ" trong thế kỷ 20 cho đến bây giờ. Theodore Roosevelt Jr. đã được khắc tượng cùng với ba vị tổng thống nổi tiếng khác ngay ở đài tưởng niệm Mount Rushmore trên đỉnh núi Black Hills thuộc tiểu bang South Dakota.
Một điểm nói thêm, dù "lá thư tổng thống" viết rất hay với giọng văn rất mạnh mẽ, báo chí dường như vẫn "thiên vị" khi hầu hết đều “giựt” những trang báo với tựa đề "chê bai” hay "nhạo báng" lá thư của tổng thống Trump. Có báo thì dùng chữ "inaccurate" letter để lái người đọc rằng lá thư tổng thống là lá thư tầm bậy. Có báo thì dùng chữ "insult" letter để lái người đọc rằng lá thư tổng thống chỉ để "chửi rủa" bà Pelosi. Về phần mình, bà Pelosi trả lời phỏng vấn liền cho hay rằng bà rất bận, nên chẳng có thì giờ để đọc thư tổng thống gửi cho mình. Bà cho biết thêm, mà chẳng cần để đọc cũng biết lá thư đó toàn là những thứ ... không đáng để xem, để bàn. Đó, qua lời trả lời của bà chủ tịch Hạ Viện Pelosi, chúng ta thấy rõ ràng, sự bất hợp tác giữa đôi bên. Chẳng cần quan tâm bên kia nghĩ gì, việc ta ta cứ làm.
Đây là bài học lịch sử rất đáng giá cho thế hệ sau ở nước Mỹ. Còn đáng giá ... bao nhiêu, chắc lúc đó người viết đã quy ... tiên rồi, chẳng còn ở đây để "bên dòng thời sự"!
Quang An
---------
No comments:
Post a Comment