Nhận được sự hỗ trợ của lưỡng đảng và sự bảo trợ của Đảng Đối Lập (Tự Do), CĐNVTD/VIC đã tổ chức một buổi Tường Trình về Nhân Quyền tại Quốc Hội Victoria vào ngày 12/11/2019.
Tham dự buổi Tường trình, về phía chính giới có Dân Biểu Neil Angus, Dân Biểu Bernie Finn, Dân Biểu Kiều Tiến Dũng, Dân Biểu Natalie Suleyman, Dân Biểu Katie Hall, cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch Hội Đồng Đa Văn Hóa Sự Vụ Victoria), bà Trương Thiên Kim (Phó Thị Trưởng Brimbank). Về phía cử tọa, ngoài các thành viên của Cộng đồng Người Việt còn có các vị đại diện, các thành viên của Hội Cựu Chiến Binh Úc, Cộng đồng Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Trung Hoa Dân Chủ, Phá Luân Công và Hồng Kông.
Trước khi buổi tường trình được chính thức bắt đầu, ông Nguyễn Thế Phong (PCT CĐNVTD/VIC) đã thực hiện nghi thức một phút Mặc Niệm để tưởng niệm, tri ân và cầu nguyện cho những người tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền, đã bị sát hại hay đang bị cầm tù.
Dân Biểu Neil Angus, đại diện Đảng Tự Do (bảo trợ cho buổi tường trình), nhấn mạnh - Đây là buổi tường trình thường niên về Nhân Quyền, một sự việc quan trọng được sự hỗ trợ của lưỡng đảng.
Tiếp theo là phần trình chiếu một đoạn phim tài liệu về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam do Bùi Xuân Cường thực hiện với các phần phỏng vấn Dân Biểu Liên Bang Chris Hayes, Dân Biểu Luke Donellan, ông Nguyễn Thế Phong, cô Phượng Vỹ (lúc bấy giờ vẫn còn là Chủ Tịch CĐNVTD/VIC), và một số nhà tranh đấu dân chủ ở Việt Nam. Đoạn phim tài liệu chỉ dài trên dưới 10 phút nhưng Bùi Xuân Cường đã mất hơn một tháng trời để hoàn tất - phải bỏ ra rất nhiều thời gian liên lạc, sắp xếp thì giờ thuận tiện để phỏng vấn, quay phim, cắt xén & ráp nối (editing).
Cô Elaine Pearson (Giám Đốc Cơ Quan Theo Dõi Nhân Quyền - Australia Director at Human Rights Watch) đến từ Sydney, là người tường trình về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Cô Elaine trình bày - Việt Nam đang bị hoàn toàn thống trị bởi đảng CSVN. Ở Viêt Nam không có tự do bầu cử, không có truyền thông độc lập, tự do báo chí, không có tòa án, công đoàn độc lập, không có một cơ quan nào công khai theo dõi nhân quyền. Những người tranh đấu cho nhân quyền luôn bị theo dõi, giám sát, hạch xách, gây sự, và bị bắt bớ, đánh đập, tù đày. Đã có hàng trăm người bị bắt giam chiếu theo những điều luật của CSVN là những điều luật không được làm ra để bảo vệ quyền lợi của người dân mà chỉ để bảo vệ quyền hành của nhà cầm quyền CSVN. Đa số những trường hợp bị bắt giam là những người dân bình thường chỉ vì cảm thấy cần phải lên tiếng đòi hỏi quyền lợi, sự công bằng, hay phê bình, chỉ trích về những vấn đề trong xã hội, về những điều sai trái của nhà cầm quyền CSVN.
Cơ quan "Theo Dõi Nhân Quyền" (Human Rights Watch) rất quan tâm đến tình trạng sức khoẻ và sự tra tấn, đánh đập tù nhân cũng như những hành vi tấn công thô bạo của CSVN mà những người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền phải hứng chịu trong cuộc sống hàng ngày. Tôn giáo cũng bị kiểm soát gắt gao, những người tu hành chân chính và các đạo hữu cũng chịu cùng chung một số phận. Luật Kiểm Soát Internet "An ninh mạng" có hiệu lực vào đầu năm 2019 cũng chỉ nhằm để kiểm sóat và bịt miệng người dân.
Cô Elaine tỏ ra rất thất vọng về cái hiệu quả của các cuộc Đối Thoại về Nhân Quyền (Human Rights Dialogue) diễn ra hàng năm giữa chính phủ Úc và nhà cầm quyền CSVN. Cô nói tiếp - Là công dân Úc chúng ta cần phải làm những gì để thúc đẩy chính phủ Úc bày tỏ sự quan tâm về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam và gây áp lực, đòi CSVN phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm. Chúng ta không chống đối sự giao thương Úc-Việt, nhưng đòi hỏi chính phủ Úc phải đặt ra cái thước đo/thang điểm (set the benchmark) và đưa ra vấn đề nhân quyền trong mọi cuộc thương thảo giữa hai nước.
Cô Anna Lê là người kế tiếp được mời lên phát biểu. Cô Anna là Sứ Giả Hòa Bình LHQ chuyên về Chương Trình Nhân Đạo Á Châu (United Nations Peace Ambassador - Humanitarian Affairs Asia), cô là một trên 350 người trên thế giới được chọn đi dự Chương Trình Khai Mạc Hội Thảo Thượng Đỉnh Hòa Bình của Những Người Lãnh Đạo Tiềm Năng tại Trung Tâm Hội Nghị LHQ ở Bangkok, 2018 (The inaugural Peace Summit of Emerging Leaders at the United Nations Conference Centre in Bangkok, 2018). Cô Anna còn được vinh dự mời đi phát biểu trong Đại Hội Quốc Tế về Luật và Sức Khỏe Tâm Thần tại Rome, 2019 (International Congress of Law and Mental Health in Rome, 2019). Tại Melbourne cô Anna hoạt động trong lãnh vực nhằm nâng cao sự hiểu biết về nhân quyền và sự bạo hành trong gia đình, cải cách pháp luật quốc gia và quốc tế, và sẽ trở thành luật sư trong nay mai.
Cô Anna thú nhận là trước đây cô cảm thấy bất lực (I felt helpless) về tình trạng nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam, nhất là những trường hợp tồi tệ ấy lại xảy ra trong thế kỹ thứ 21. Tuy nhiên hôm nay cô xin được nói về vấn đề này với những người có khả năng lên tiếng và đưa đến những sự thay đổi tốt đẹp cần có. Cô cho rằng mặc dầu nhân quyền không được nhắc đến khi mối quan hệ song phương giữa Úc và Việt Nam đã được nâng lên hàng đối tác chiến lược, nhưng cả hai nước đều cam kết tôn trọng Hiến Chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có những điều khoản về nhân quyền. Do đó chính phủ Úc có cái vị thế để đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải thực thi việc cải cách nhân quyền hoặc ít nhất thì cũng phải đặt vấn đề "nhân quyền tập đoàn" (corporate human rights) như là một điều kiện tiên quyết trong mọi cuộc thương thảo đầu tư thương mại hay những thỏa thuận ngoại giao.
Cô Anna nhận thấy CSVN đã từng đặt bút ký với các tổ chức quốc tế cam kết cải tổ luật pháp nhằm bảo vệ tự do và nhân quyền nhưng sự thực thì hoàn toàn ngược lại. Trong khi đó Úc đóng một vai trò quan trọng trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council) hẳn phải có nhiệm vụ thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền như là một vấn đề ưu tiên trong việc giao thương và việc nhận những khoản viện trợ của Úc. Nhân quyền không tốn kém về tiền bạc vậy thì tại sao chính phủ Úc không đầu tư vào đó để cải thiện Việt Nam? Chính phủ Úc phải thức tỉnh để nhận ra rằng CSVN không làm đúng những gì đã cam kết, hứa hẹn và đang gây ra bao thống khổ cho người dân Việt Nam.
Kế tiếp, cô Elaine Pearson, cô Anna Lê và ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC) phụ trách phần hỏi đáp và bàn thảo về một số vấn đề được nêu lên - Mức độ vi phạm nhân quyền tại TC, tại VN và các quốc gia khác; Phong trào tranh đấu đòi dân chủ, tự do tại Hồng Kông; Ảnh hưởng của TC (bằng quyền lực mềm) đang làm phương hại đến an ninh và chủ quyền quốc gia; Đạo luật Magnitskỵ và những kẻ vi phạm nhân quyền;...
Có một câu hỏi rất đáng chú ý - Tại sao CSVN không bị các quốc gia tự do trừng phạt mặc dầu CSVN đã vi phạm nhân quyền một cách thô bạo, trắng trợn, không cần phải che đậy, giấu giếm?
Trả lời: Sở dĩ như vậy là vì Việt Nam đang được thế giới tự do dùng làm trái độn để ngăn chặn sự bành trướng của TC. Tuy thế Việt Nam vẫn luôn bị các tổ chức thế giới theo dõi và báo cáo đầy đủ về tình trạng nhân quyền.
Để kết thúc buổi tường trình, ông Nguyễn văn Bon ngỏ lời cám ơn mọi người và nói rằng Nhân Quyền không chỉ là những quyền căn bản của con người mà còn là quyền được có nước uống trong sạch và được thở không khí trong lành, nhưng tại Việt Nam hiện nay nguồn nước và không khí đã bị ô nhiễm đến mức độ báo động, rất nguy hại cho sức khoẻ con người.
Chế độ CSVN không chỉ đoạt mất quyền sống mà còn tước luôn nguồn sống của người dân Việt Nam.
Melbourne
12/11/2019
Một số hình ảnh của buổi Tường Trình về Nhân Quyền - https://photos.app.goo.gl/H5smrvqtDksSCirR9
No comments:
Post a Comment