Nhớ Trà Vinh!
Đoàn Xuân Thu
Trà Vinh, thời mình gọi là Vĩnh Bình, nằm bên bờ sông Tiền, cách Sài Gòn khoảng 202 km và cách Cần Thơ khoảng 100 km, cách Biển Đông khoảng 40 km. Đất Trà Vinh chia cắt bởi sông rạch chằng chịt. Trên đất liền là gò, là giồng, lan ra tới cửa biển. Có nơi độ cao, so với mực nước biển, chưa tới một mét, nên năm mười hai tháng, Trà Vinh ngập mặn tới nửa mét trong vòng từ ba tới năm tháng. Nước mặn tràn vào sông thành nước lợ. Nước ngọt thiếu, dân muốn xài, phải đào giếng!
Và ‘Gánh nước đêm trăng’ của Viễn Châu do Út Trà Ôn ca ra đời như vậy đó!
***
Hồi xưa đất Kampuchia gồm Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp, (tức cái đồng bằng sông Cửu Long mình bây giờ). Và truyền thuyết ra đời rằng: Préah Trapéan (tiếng Khmer), Trà Vinh (âm tiếng Việt), có nghĩa tìm được tượng Phật đá trong ao mùa nước lụt năm đó, dân rước tượng Phật về Chùa thờ phượng! Sau nầy cứ mỗi lần ông nầy lên ông kia xuống, thay tên đổi họ vùng đất nầy hoài, nhưng người dân vẫn gọi đất Trà Vinh.
Đất Trà Vinh là một đất đa sắc tộc. Cứ mười người là có bảy người Việt, hai người Khmer và một người Tàu. Rồi yêu nhau ‘sa cạ’! (Khoái là yêu hè! Không phân biệt chủng tộc gì hết ráo) Rồi sanh con đẻ cái, nên Trà Vinh có đầu gà đít vị, Tiều lai Miên (!), hoặc Miên lai Việt nên con lai, nhứt là con gái, thừa hưởng của Tía mình một chút, của Má mình một chút,. tổng hợp toàn tinh hoa, nên em nó đẹp não nùng. Đẹp đến nỗi mấy anh xứ Nẫu quê mình, tuốt tự Quảng Nam, phiêu bạt vào, dẫu còn nhớ con ‘ghệ’ mình ở quê xưa, mà vẫn thấy con tim mình tan nát!
Chẳng hạn như nhạc của Đinh Trầm Ca, qua giọng hát Thái Châu: “Sông quê nước chảy đôi bờ! Để anh chín dại mười khờ thương em! Chiều nay bỗng nhớ cây mù u. Dòng sông in bóng em chiều thu! Về đây mới biết bên sông không còn mái nhà ngày xưa” Té ra em đi lấy Đài Loan mất rồi!
***
Đất Trà Vinh nầy cũng tự mình sản sinh ra rất nhiều người nổi tiếng như nhạc sĩ Trúc Phương, tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sanh năm 1932, tại Mỹ Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh.
Đằng sau đôi mắt kiếng cận thị dày cui, nặng độ, Trúc Phương rất tài hoa với điệu Bolero và tui khoái nhứt là bài ‘Thói đời’ mà mỗi lần ngà ngà say, tui thường rên ư ử, đến nỗi em yêu tui phải tán thưởng nhiệt liệt.
Rồi sau 75, kiếp con tằm không được phép nhả tơ, buồn quá, tâm bệnh rồi lâm bệnh nên đời Trúc Phương khá ngắn ngủi! Trúc Phương đã đi chuyến đò chiều cuối cùng vào miền vĩnh quyết, đêm 20, Tháng Chín, năm 1995.
***
Đó là tân nhạc, bên cổ nhạc, đất Trà Vinh cũng sản sinh ra một nhân vật kiệt xuất là nhạc sĩ Bảy Bá tức soạn giả Viễn Châu, người đã từ trần vào trưa mùng Một, tháng Hai, năm 2016, tại Sài Gòn, hưởng thọ 92 tuổi.
Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá, sanh năm 1924, tại Đôn Châu, Trà Cú, Trà Vinh. Con thứ Bảy nên thường được gọi là Bảy Bá. 19 tuổi, ông vác cây đờn tranh lên Sài Gòn lập nghiệp, xa mãi Đôn Châu nên lấy bút hiệu là Viễn Châu.
Xa quê Đôn Châu, Viễn Châu nhớ nhà quá xá… Nhớ em yêu nên xúc cảm nhiều, bài ‘Gánh nước đêm trăng’ của ông thiệt là hết ý! “Gìn lòng hai chữ ngỡi nhân, yêu ai yêu chỉ một lần mà thôi. Em cười em bảo với tôi, thề có đất trời em không phụ anh đâu…”
***
Về Trà Vinh, vùng đất thương mến thương, đêm nay nhớ quê, nhớ cửa Cổ Chiên, ngày xưa, ngày vượt biển! Nhớ Trúc Phương, nhớ thời giày sô áo trận, nhớ ông thầy đờn Bảy Bá với ‘Gánh nước đêm trăng’. Nhớ đủ thứ, những hồi ức êm đềm của ngày tháng cũ.
Cải lương trong nước giờ đang giãy giãy… chết! Nhưng ‘Gánh nước đêm trăng’ vẫn còn là đêm trăng đi gánh nước ở Đôn Châu, Trà Cú, Trà Vinh.
Vì gánh nước là phụ; mà hẹn hò với anh là chính! Trao cho anh chiếc khăn tay; rồi tiện chưn quất anh một đá! Đau quá xá! Hỡi người con gái Trà Vinh!
***
Footscray có một cái tiệm hủ tiếu mì Trà Vinh. Té ra ông chủ quán là người dân miệt Trà Vinh đây mà! Xa quê, và nhớ quê nên ông mới đặt tên quán như vậy chớ. Mà nói tới Trà Vinh, cha, tui cũng có nhiều kỷ niệm lắm nha bà con.
Nhớ gần Tết năm 1989, khi các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương hăm he sẽ đóng cửa Trại ty nạn vào Tháng Tư, theo lời xúi biểu của thằng em đang ở Adelaide, tui vội vã xuống thuyền giong ra biển mà không kịp ăn Tết với vợ con.
Chiều 28 Âm lịch nè, đúng 30 năm về trước, bãi đáp ở Lò đường, Kinh Ngang, Mỏ Cày, Bến Tre, cái máy Ray 6 ù ù ra biển. Tài công sợ chạy gần bờ, du kích bắn sảng, nên cứ giữa dòng mà bường tới. Nước ròng, sát cửa biển có cái cồn cát, lé đé mặt nước. Trời tối hù ai thấy, thuyền lủi vô cái ịch, mắc kẹt sình, hết nhúc nhích, phải chờ nước lớn. Tui ló cái bản mặt của mình lên khoang, vừa nhìn mấy đứa nhỏ dân địa phương, trần truồng, mặt mày lấm lem bùn đất, đi bắt sò, bắt hến trên cồn, vừa hút thuốc nhìn trời hiu quạnh…Chắc xuân nầy anh hông về! Thôi phần số tới đâu hay tới đó! Cá chui vô rọ, chỉ biết chờ chiếc vỏ lãi của công an biên phòng ra xúc về, nhốt Khám Lớn Vĩnh Bình.
Nhưng may thay cha con nó mắc lo ăn Tết, bận nhậu nên hổng có đứa nào rảnh mà đi ruồng bắt đám vượt biên. Mười hai tiếng sau, chiều tàn, đêm bủa lưới, bóng tối lan tỏa mặt sông đầy, nước lên, thuyền ra hàng đáy ngoài cửa biển, trái giờ, ngược gió. Sóng nó đánh đùng đùng. Thôi chạy trở vô!
Chín giờ đêm, tui nhảy cái tùm xuống bến sông, xã Mỹ Long, Cầu Ngang bì bõm, nước ngang cần cổ, chòi chòi leo lên bờ, rượt theo một em vợ xuân thì của thằng tài công về nhà em là quán cà phê trong xã trốn. Quần áo ướt nhẹp, em giấu tui trong cái mùng của em, sao mà ấm quá trời! Be he!
Rạng sáng sớm hôm sau, em đưa tui bằng xe Honda ôm ra bờ rẫy, đất giồng, cách bến xe chừng hai, ba cây số, để tui đón xe về Sài Gòn. Sau khi gom cả trăm ngàn đồng tiền dằn túi, tui đền ơn em. Em cười hí hí, mà rằng: “Đi chuyến sau… Xuống tìm em… để em lo…! Đừng có thối chí nhe anh hai! Có người đi tới chục lần mới được. Anh hai mới có năm, ba lần mà nhằm nhò gì… Lần tới lại đi với em nhe! Em chờ!”
30 năm! Giờ người xưa của tui chắc đã thành bà Ngoại! Xin hẹn Ngoại Trà Vinh kiếp sau ta tìm thấy nhau nhe!
Đoàn Xuân Thu
Melbourne
No comments:
Post a Comment