Thursday, June 20, 2019

BAO GIỜ NGÀY ẤY SẼ ĐẾN
Facebook: Bonglau
Mỗi lần các điểm nóng trên thế giới như Venezuela, Hồng Kông biểu tình rầm rộ là cộng đồng người Việt thông tin sôi nổi về các biến cố ây với ước ao chuyển lửa về quê nhà để kích hoả tinh thần đấu tranh trong nước.
Bài này không nhằm “chuyển lửa” mà chỉ muốn tìm hiểu yếu tố nào đã làm tuổi trẻ của các dân tộc khác hăng say đứng lên đấu tranh cho quê hương họ.
Hồng Kông giống miền Nam trước năm 1975 đã tiêm nhiễm nền tự do dân chủ Âu Mỹ. Chỉ khác là Hồng Kông không có chiến tranh nên họ phát triển kinh tế và trở nên giàu có văn minh tự do hơn. Đời sống của người Hồng Kông khá cao, GDP bình quân đầu người hiện nay khoảng 50 ngàn đô la một năm. Họ không muốn mất những điều quý giá ấy: sự tự do và kinh tế phồn thịnh.
Image may contain: one or more people, people standing, crowd and outdoor
Xã hội Hồng Kông thông thuơng với thế giới bên ngoài. Nguời Hồng Kông nói và đọc tiếng Anh lưu loát để có thể nghe đọc tin tức quốc tế và với quốc tịch Hồng Kông họ có thể đi du lịch khắp nơi dễ dàng mà không phải xin visa. Vì thế nguời Hồng Kông không phải là những con ếch ngồi dưới đáy giếng có tầm nhìn giới hạn.
Không cần phải bách chiến bách thắng đánh bại hết các đế quốc sừng sỏ. Cách đây nửa thế kỷ, các tài tử điện ảnh Hồng Kông đã chiếm giữ một vị trí có tầm vóc quốc tế, điển hình là các phim có triết lý “trừ gian diệt bạo” của Lý Tiểu Long đã vang danh bốn bể từ Âu sang Á và ảnh hưởng sâu đậm vào giới trẻ, giống các phim cao bồi oai hùng của Mỹ.
Vào thập niên 70 và 80 hầu hết thiếu niên Mỹ đều biết và ngưỡng mộ Lý Tiểu Long chớ hổng phải Mao Trạch Đông hay Hồ Chí Minh, nhiều cậu treo hình tài tử Hồng Kông này trong phòng riêng của mình. Đó là chưa kể tới các tài tử Hồng Kông thời nay có khả năng đóng các phim lẫy lừng ngang ngửa với các đồng nghiệp gạo cội ở Hollywood.
Giới trẻ Hồng Kông do đó khiêm tốn vì không có nhu cầu chứng tỏ để che giấu một mặc cảm quê mùa thua kém nào.
Trên đường phố vỉa hè Hồng Kông rất ít thấy thanh niên thiếu nữ vô công rỗi nghề để ngồi la liệt nhậu nhẹt thâu đêm. Cuộc sống khá lành mạnh không hoang phí đó đã cho phép họ có thời gian tìm hiểu và suy xét các biến cố chính trị xảy ra khắp nơi trên thế giới. Họ đứng lên đấu tranh vì khả năng nhận thức cao, vì các âm mưu mờ ám của Bắc Kinh không dễ dàng qua được mắt họ.
Ở châu Mỹ Latinh, Sinh viên và giới trẻ Venezuela đi vào đấu tranh với những điều kiện không giống Hồng Kông.
Mặc dù giới trẻ Venezuela không nói tiếng Anh lưu loát và thông thương rộng rãi với thế giới bên ngoài như người Hồng Kông, tuy nhiên họ giống các dân tộc Nam Mỹ khác là đạo đức, không đua đòi lao theo cuộc sống vật chất giả tạo.
Đa số người Venezuela là người công giáo ngoan đạo không dễ bị đồng tiền làm mờ mắt. Họ cũng đã từng có một cuộc sống vương giả nhứt nhì Nam Mỹ vì thế ngày hôm nay tuy lâm vào sự nghèo khó túng thiếu họ vẫn không đánh mất nhân cách của mình. Trong xã hội ở Nam Mỹ đời sống chậm rãi an phận chớ không bon chen giành giựt tiền bạc và chức phận.
Image may contain: 1 person, smiling, hat and close-up
Hai mươi năm sống trong xã hội chủ nghĩa Cộng Sản từ thời Hugo Chávez năm 1999 cho đến Nicolás Maduro hiện nay, người dân Venezuela đã không bị tẩy não nhồi sọ "trăm năm trồng người" thành người máy cuồng tín cực đoan như Cộng Sản Á Châu. Trên đường phố của đất nước này hầu như không thấy băng rôn biểu ngữ loè loẹt tuyên truyền láo toét cho chế độ và hình tượng của lãnh tụ mọc lên khắp nơi như nấm và chễm chệ trên bàn thờ tôn giáo.
Người đấu tranh ở Venezuela thực tế và có nhận thức chiến lược. Họ không ích kỷ chỉ thấy những vấn đề gần gũi như cơm no áo ấm cho bản thân mà sẵn sàng chấp nhận áp lực cấm vận của Hoa Kỳ và thế giới để nền kinh tế và bộ máy cầm quyền của chế độ độc tài Nicolás Maduro tê liệt không có tiền trả lương cho binh lính và cảnh sát đàn áp lại họ. Phải lý trí và can đảm lắm mới thấy ra yếu tố người dân càng đói thì càng căm ghét chế độ để đứng lên đấu tranh.
Nhưng cuộc biểu tình nổi dậy của sinh viên Hoa Lục ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 mới là một trường hợp hy hữu không giống Hồng Kông và Venezuela.
Phần đông nhóm lãnh đạo của sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn là con ông cháu cha của chế độ Cộng Sản Trung Hoa chưa bao giờ được sống trong trong xã hội Âu Mỹ tiên tiến. Tuy nhiên họ chịu ảnh hưởng tinh thần tự do dân chủ của Tây phương, đặc biệt là Hoa Kỳ, vì chính sách mở cửa giữa Mỹ và Trung Cộng bắt đầu từ thời Tổng Thống Nixon ở thập niên 70.
Hàng ngàn sinh viên Trung Cộng và Hoa Kỳ được trao đổi lẫn nhau qua các chương trình du học. Trong cuộc biểu tình ở Thiên An Môn có một số đông sinh viên nước ngoài đủ mọi quốc tịch tham dự cùng nếm mùi gian khổ hiểm nguy với các bạn sinh viên Hoa Lục. Có người còn to gan treo cả cờ Mỹ trên nóc lều của mình ở Thiên An Môn.
Image may contain: 1 person, crowd and outdoor
Tượng Nữ Thần Dân Chủ (Goddess of Democracy) ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989
Cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn còn mang biểu tượng tự do của Hoa Kỳ khi sinh viên cho xây một bức tượng cao mười mấy thước tên “Nữ Thần Dân Chủ” (Goddess of Democracy) phỏng theo mô hình tượng “Nữ Thần Tự Do” ở New York. Tượng được dựng lên đối diện với bức chân dung khổng lồ của Mao Trạch Đông ở cổng chính Tử Cấm Thành. Nhưng đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh, đó là một sự sỉ nhục và là một trong những lý do dẫn đến cuộc đàn áp đẫm máu ở những ngày sau đó.
Sau cuộc tàn sát, hầu hết các sinh viên thủ lãnh của cuộc nổi dậy ở quảng trường Thiên An Môn được bí mật giúp đào thoát đến Hồng Kông và Ma Cao sau đó xin tỵ nạn chính trị ở Hoa Kỳ.
Cũng có người xin tỵ nạn chính trị ở Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh như trường hợp của nhà đấu tranh Fang Lizhi đã cố thủ trong khuôn viên của Sứ Quán Mỹ 18 tháng, sau được Đại Sứ Hoa Kỳ James lily một cựu điệp viên CIA cứng rắn và bản lĩnh không nhượng bộ, thân chinh sử dụng đoàn xe của ngoại giao đoàn mở vòng vây ở Toà Đại Sứ hộ tống Fang Lizhi ra phi trường bay đi Mỹ. Chấm dứt một phong trào đấu tranh đẫm máu của lịch sử Trung Hoa.
Ở Việt Nam hiện nay chỉ có những cuộc xuống đường "đi bão" rầm rộ đỏ ối với hình cha già dân tộc phất phới và những thanh niên thanh nữ cởi truồng như các bộ lạc Phi Châu tung hô mấy trái banh vô tri trong vài ngày để tự sướng và để tạm quên một cảnh đời khốn khó. Có thể một ngày nào đó, nếu sáng tạo và kiên tâm như những người đang đi tiên phong cô đơn để có được những điều kiện kích hoả đấu tranh giống hay không giống Hồng Kông, Venezuela hay Thiên An Môn. Và bao giờ ngày ấy sẽ đến?

No comments:

Blog Archive