Thursday, June 20, 2019

Lịch sử nói dối của truyền thông Trung Quốc



Hoàng Chi Phong, cựu thủ lĩnh sinh viên trong phong trào biểu tình Dù vàng ở Hồng Kông năm 2014, gọi bà Đặc khu trưởng thân Bắc Kinh - Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), là "kẻ nói dối". (Ảnh: Reuters)

Trong khi người dân Hồng Kông đang đấu tranh bảo vệ pháp quyền, thì ở Trung Quốc cũng đang diễn ra một cuộc chiến xóa bỏ hoàn toàn những tin tức về đại biểu tình ở Hương Cảng. Không chỉ dựng lên “tường lửa” ngày càng cao, Trung Quốc còn khiến thế giới ngã ngửa vì sự “đổi trắng thay đen” của mình.
Hoa Kỳ kích động giới trẻ Hồng Kông khiến các bậc phụ huynh bức xúc?
Hôm Chủ nhật (16/6), khoảng 2 triệu người dân Hồng Kông đã xuống đường yêu cầu chính phủ gỡ bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ và Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) phải từ chức.
Khoảng 2 triệu người Hồng Kông xuống đường hôm Chủ nhật (16/6/2019) để yêu cầu Đặc khu trưởng Carrie Lam từ chức và gỡ bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ gây tranh cãi (Ảnh: AFP)
Ở đại lục, giới truyền thông đưa tin về một câu chuyện hoàn toàn khác biệt.
Tờ China Daily hôm 17/8 đã đưa tin “Phụ huynh Hồng Kông biểu tình phản đối sự can thiệp của Mỹ”. Theo đó, tờ báo Trung Quốc này công nhận có một cuộc biểu tình ở Hồng Kông hôm Chủ nhật (16/6), nhưng đó là của Liên minh các bậc phụ huynh đặc khu yêu cầu các chính trị gia Hoa Kỳ không can thiệp vào việc sửa đổi luật dẫn độ và các vấn đề nội bộ của đặc khu.
Liên minh này được mô tả gồm “hơn 30 chức sắc chính trị, kinh doanh và pháp lý địa phương, những người ủng hộ luật dẫn độ” đến biểu tình trước Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Hong Kong và Macao, yêu cầu Hoa Kỳ không kích động để con em của họ chống lại luật dẫn độ.
China Daily đưa tin “Phụ huynh Hồng Kông biểu tình phản đối sự can thiệp của Hoa Kỳ (Ảnh: Chụp màn hình trang China Daily)
Tờ này còn dẫn lời chính trị gia Hồng Kông thân Trung Quốc Stanley Ng Chau-pei rằng, các phụ huynh cảm thấy có nghĩa vụ phải bảo vệ giới trẻ, để chúng không bị lôi vào chiêu trò chính trị và bạo lực dẫn đến “vi phạm pháp luật và hủy hoại tương lai”. Ông Ng nói “thật đáng khinh khi một số chính trị gia Hoa Kỳ liên tục can thiệp vào vấn đề luật dẫn độ”.
Ấn bản tiếng Anh của tờ Nhân Dân là Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận chính quyền Trung Quốc liên tiếp đăng các bài xã luận chỉ trích cái gọi là “can dự của Hoa Kỳ”.
Đây cũng chỉ là một động thái thường thấy của Bắc Kinh, kéo dài thêm danh sách những lần đổi trắng thay đen hay nói dối trắng trợn trên hệ thống truyền thông của Trung Quốc. Hệ thống này đã có một lịch sử nói dối mà nếu nhìn lại, có thể khiến nhiều người kinh ngạc.
Lịch sử ‘đổi trắng thay đen’
Còn nhớ tháng 6/2016, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố có 60 quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA)trong vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1992 ở Biển Đông trong vụ đường lưỡi bò.
Tuy nhiên, có 5 quốc gia nằm trong 60 nước mà Bắc Kinh tuyên bố đã công khai lên tiếng bác bỏ sự bịa đặt trắng trợn, trong đó có hai nước thành viên Liên minh châu Âu là Ba Lan và Slovenia. Theo kết quả nghiên cứu độc lập của The Wall Street Journal và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chỉ có 8 quốc gia công khai tuyên bố đứng về phía Trung Quốc đối với phán quyết của PCA (bao gồm: Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho).
Tháng 4/2015, sau vụ động đất khiến hơn 8.000 người thiệt mạng tại Nepal, trong khi truyền thông thế giới còn đang khẩn cấp ghi lại tình trạng tổn thất và nỗi đau của người Nepal cũng như những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giải cứu nạn nhân, thì truyền thông Trung Quốc loan tin thổi phồng sự quan tâm của chính phủ đối với công dân đang bị mắc kẹt tại đây.
Tân Hoa Xã, công cụ phát ngôn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, 3 hãng hàng không lớn của Trung Quốc đã bố trí các chuyến bay một ngày sau trận động đất để vận chuyển hàng cứu trợ và các đội cứu hộ đến Nepal, sau đó giúp hơn 1.000 hành khách bay miễn phí từ thủ đô Kathmandu đến Trung Quốc, bao gồm 683 du khách Trung Quốc đang mắc kẹt tại Nepal. Với tiêu đề đầy rung động: “Sau trận động đất – Quê mẹ, Chúng con may mắn có Người!”, bài báo cho biết chuyến bay thương mại đầu tiên của Trung Quốc tới Nepal sẽ đem đến “một khoang máy bay đầy ắp sự ấm áp” và trở về với “nhiều người Trung Quốc đáng được ghen tị”.
Trên thực tế, những ai không có vé máy bay sẽ không được phép vào bên trong sân bay ở thủ đô Kathmandu và những công dân Trung Quốc không có vé thậm chí không được phép vào, chứ đừng nói là được hưởng một chuyến bay miễn phí về nhà.
Ông Lưu Tiểu Quang, Tùy viên quân sự Trung Quốc tại Nepal nói rằng ngay cả những người đã có vé do người nhà ở Trung Quốc đặt cho cũng không thể lên máy bay. Trên các chuyến bay đầu tiên chở người Trung Quốc quay về quê nhà là những cá nhân có vé hợp lệ đặt từ trước hoặc trong ngày xảy ra trận động đất.
Trang Sohu.com trích dẫn lời của ông Lưu Tiểu Quang nói rằng một số hãng hàng không thậm chí còn tăng giá vé máy bay từ mức trung bình 2.000 – 3.000 lên 13.000 nhân dân tệ để kiếm lời. Ông Lưu nói “Điều này giống như cướp bóc của người dân, lợi dụng thảm họa thiên nhiên”. Tin này sau đó đã bị xóa khỏi mạng internet tại Trung Quốc.
Vào ngày 27/4, một ngày sau trận động đất, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết không có hướng dẫn nào về việc cung cấp vé máy bay miễn phí cho người có hộ chiếu Trung Quốc hợp lệ tại thủ đô Kathmandu.
Cựu phóng viên kiêm biên tập viên đài truyền hình Thiểm Tây, Mã Hiểu Minh nói với đài truyền hình NTD rằng, “Về việc đưa công dân Trung Quốc trở về từ khu vực xảy ra động đất, những gì tuyên bố và những gì thực hiện luôn là hai việc khác nhau. Chúng tôi đã chứng kiến quá đủ trong những năm qua. Người ta luôn đưa tin rằng chính phủ đã tham gia tích cực vào việc cứu hộ, tổ chức cứu trợ, và đi đầu trong các hoạt động này như thế nào”.
Ngày 27/4, một cư dân mạng tên tài khoản là Sharon-Xixi viết trên mạng xã hội Weibo rằng, “Đêm qua, Đại sứ quán nói với chúng tôi rằng có một chuyến bay vào lúc 9 giờ sẽ đưa chúng tôi trở về nhà, nhưng chúng tôi đã chờ hai ngày hai đêm. Hãng hàng không Air China cứ luôn miệng nói, ‘Không mua vé thì đừng nghĩ đến việc rời khỏi đây! Ngay cả những người bị thương cũng phải trả tiền!’. Những công dân Ấn Độ với hộ chiếu trên tay có thể về nhà mà không phải trả một xu! Chuyện gì đang xảy ra với đất nước của chúng ta vậy?”
Không chỉ đưa thông tin sai để tô vẽ hình ảnh nhà nước, đổi trắng thay đen những sự kiện mà Trung Quốc cho là bất lợi cho sự cai trị của chính quyền, ĐCSTQ đã có một lịch sử tuyên truyền bằng các cách nói dối về cả chuyện ăn uống của lãnh tụ.
Trong thời kỳ “Tam niên đại cơ hoang” hay nạn đói lớn từ năm 1958 đến 1961, Mao Trạch Đông được mô tả như một lãnh tụ giản dị, sống kham khổ để cùng chịu đói với dân. Những hình ảnh như “nhiều ngày không ăn cơm”, “7 tháng không ăn lấy một miếng thịt”… khiến nhiều người dân cảm động và trân quý lãnh tụ vĩ đại của mình.
Nhưng theo tư liệu ghi chép được history.bayvoice sau này công bố, vào tháng 7/1961, tổng chi tiêu cho các bữa ăn của Mao Trạch Đông là 654,82 nhân dân tệ, cùng 86,65 nhân dân tệ chi cho hoa quả tráng miệng và các chi tiêu khác. Trong khi đó, người ta cho rằng, vào thời kỳ đó, một gia đình khấm khá ở Trung Quốc cũng chỉ có thể tiêu trung bình 11 – 13 nhân dân tệ mỗi tháng.
Trong tư liệu “Hồ sơ sinh hoạt của Mao Trạch Đông” được ĐCSTQ xuất bản có dẫn chứng thực đơn ngày 26/4/1961 của Mao (trong thời kỳ nạn đói lớn) có gà, vịt, cá, mực, chỉ riêng món gà có đến 14 loại, món thịt dê, thịt bò có đến hơn 10 loại. Còn cuốn “Sự điển di vật Mao Trạch Đông” của ông Uông Đông Hưng cũng có ghi chép về thực đơn món ăn Tây được đầu bếp soạn ra cho Mao Trạch Đông vào tháng 4/1961, trong đó chỉ riêng món cá tôm có đến 17 loại.
ĐCSTQ còn dùng truyền thông một chiều, bóp méo để vu khống cho những ai mà họ đơn giản là không ưa.
Sau lời tuyên bố “Tiêu diệt Pháp Luân Công trong ba tháng” chỉ vì sự đố kỵ và lo sợ đến mức hoang tưởng của Giang Trạch Dân, hệ thống truyền thông của ĐCSTQ bắt đầu khởi động một cuộc chiến phô Thiên cái Địa.
Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ
Sự tương phản giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhìn từ cuộc đàn áp Pháp Luân Công: Ảnh bên trái là công an Trung Quốc bắt bớ các học viên Pháp Luân Công tại quảng trường Thiên An Môn. Ảnh bên phải là hàng ngàn học viên Pháp Luân Công từ nhiều quốc gia tập luyện bên cạnh tòa nhà Nghị viện Hoa Kỳ, thủ đô Washington (Ảnh: Fofg/Minghui)
Năm 1999, hơn 2.000 tờ báo, 1.000 tạp chí, và hàng trăm đài phát thanh, truyền hình địa phương, dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của chính quyền đã tuyên truyền bôi nhọ, tổng lực chống Pháp Luân Công. Các cơ quan thông tấn của chính phủ Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Dịch vụ Tin tức Trung Quốc, Cơ quan thông tấn Trung Quốc Hồng Kông, và các phương tiện thông tin đại chúng khác ở hải ngoại do chính quyền kiểm soát cũng đồng loạt đưa thông tin sai lệch ra quốc tế. Và thậm chí hệ thống này vẫn đang lặp lại luận điệu cũ kỹ đã bị nhiều đài truyền thông trung thực vạch trần.
Cách đưa tin “đổi trắng thay đen” theo nguyện vọng của chính quyền mà giới truyền thông Trung Quốc thực thi suốt nhiều năm qua đã để lại những hệ quả nghiêm trọng. Không ít người đã quen với truyền thông giả dối và không biết đến sự thật về những điều diễn ra trên thế giới, cũng như tại chính đất nước của họ. Một thứ văn hóa giả dối lan rộng và chi phối hành vi của các doanh nghiệp và người dân, nên chuyện hàng nhái, hàng giả và độc hại đã trở thành một thực tế phổ biến ở Trung Quốc.
Tai hại hơn nữa là những hệ quả này không chỉ giới hạn trong lãnh thổ Trung Quốc đại lục mà còn đang lan rộng ra phần còn lại của thế giới. Cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông trong những ngày qua cũng là để chống lại sự xâm nhập của văn hóa giả dối từ đại lục đang tấn công vào nền tư pháp và dân chủ ở thành phố này.
Tất Thăng
Theo dkn.tv

No comments:

Blog Archive