Thursday, June 20, 2019

Ca sĩ Bạch Yến và cuộc đời đầy những chuyện lạ: Từ chối nhạc sĩ Lam Phương và cuộc hôn nhân chỉ sau 24h gặp nhau 

Giọng hát từng làm mưa gió sân khấu ca nhạc những năm 60 – Bạch Yến – về thăm quê hương sau nhiều năm định cư ở Pháp. Lần đầu tiên, cô kể câu chuyện cuộc đời mình với những chuyện tưởng sẽ mãi vùi chìm trong lớp bụi thời gian .

Sân khấu tối om. Trong bóng tối, một giọng hát liêu trai như chứa cả hồn đêm đông xứ Bắc với những thoáng heo may rờn rợn và lất phất mưa phùn cất lên gọi những năm tháng xa xưa từ thời nhạc sĩ viết ra ca khúc vọng về:

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lững trời”

Một vệt sáng rọi vào bóng dáng người nghệ sĩ nhỏ bé, cô đơn tiếp tục tấu khúc Đêm Đông huyền ảo của cố nhạc sĩ Nguyễn văn Thương bằng một thứ ngôn ngữ biểu diễn lạ đến khó tưởng. Tất cả đều im lặng. Sao lại thế? Thường quà tặng đối với nghệ sĩ là những tràng pháo tay, nhưng sao lại tặng sự im lặng đến thế này?

Hình như trong nghệ thuật luôn có những khoảng lặng hiếm hoi vậy đấy. Khoảng lặng để khám phá một điều lạ. Ai hát nhỉ? Người trẻ thầm tự hỏi. Người già ngồi im. 50 năm vắng bóng trên sân khấu nước nhà của người ca sĩ cũng đủ để người trẻ phải thầm hỏi vậy. Và dù chỉ một lần trở lại sau ngần ấy thời gian cũng đủ làm cho những khán giả một thời nhận ra: 50 năm về trước, cũng có một sân khấu thế này, một khoảng đêm thế này, một vệt sáng như thế này và một bóng ca sĩ nhỏ bé thế này.

Và giọng hát Bạch Yến vang lên. Và sân khấu cũng im lặng như đêm nay.

Giai nhân trong những ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương

Đêm Đông là ca khúc đã mấy chục năm rồi chị chưa hát lại. Và cũng từng đó thời gian biết bao người ghi dấu ấn với nó như Lê Dung, Lệ Thu, Cẩm Vân… Nhưng cứ nhắc về ca khúc này, là khán giả cứ nhắc tới Bạch Yến. 

Bạch Yến: Điều đầu tiên xin cho Bạch Yến nói lời tri ân với khán thính giả trong nước sau mấy chục năm xa cách. Với “Đêm Đông”, tôi không phải là người hát hay nhất nhưng lại là người có cách thể hiện lạ nhất so với những gì trên bản nhạc. Ca khúc được viết theo thể Tango. Khi nghiên cứu ca từ, tôi quyết định hát theo điệu slow rock để diễn tả hết cái nỗi buồn, nỗi cô đơn của ca khúc.

Quên sao được lần đầu tiên, tại phòng trà Trúc Lâm Trà thất với những rock và nhạc chủ yếu để khiêu vũ, nhưng rồi bỗng có một khoảnh khắc sân khấu ngập trong bóng tối, nhạc lắng lại và mọi người cùng lắng. Đó là lần đầu tiên Bạch Yến hát Đêm Đông như một nốt trầm giữa muôn vàn thanh âm vang động. Và cái tên Bạch Yến cũng cứ thế được khẳng định. Để rồi suốt gần một tháng, lúc nào khán giả cũng đến phòng trà đó để nghe Đêm Đông, yêu cầu Bạch Yến hát Đêm Đông…

Sau Đêm Đông được ít năm thì Bạch Yến rời xa sân khấu đi tu nghiệp ở Pháp và cũng xa quê hương từ độ ấy. Có một lần, MC Nguyễn Ngọc Ngạn cho biết nhạc sĩ Lam Phương từng viết như thế này để dành cho Bạch Yến: “Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi, gom góp yêu thương quê nhà, dâng hết cho người tình xa”. Thực hư là thế nào, hả chị? 

Ông Ngạn là nhà văn, nên ông nói cho hình ảnh đấy mà. Chắc gì nhân vật trong bài hát đó là Bạch Yến chứ? 

Không có lửa làm sao có khói chứ? Lúc đó trên sân khấu, mặt chị bừng đỏ và cười ấp úng… 

À, ừ… Nhưng là kỷ niệm xa xưa lắm rồi mà. Lên ông lên bà cả rồi, nhắc chi những chuyện quá vãng…
 
Với những người yêu nhau, họ thường tự nhủ kỷ niệm đẹp thì nên gìn giữ. Nhưng chị ơi, với những người ngoài cuộc, nhiều khi họ rất muốn biết cái đẹp của kỷ niệm ấy. Rất xin lỗi chị và chồng chị để mạn phép được hỏi, phải là một cô gái như thế nào mới để lại dư âm giai điệu thiết tha về sau đến vậy? 

Bạn sẽ ngạc nhiên đấy. Bạch Yến ngày ấy trên sân khấu là người từng đêm hát nhạc rock. Lùi lại một chút thời gian, Bạch Yến là thành viên đội xiếc mô tô bay đấy! 

Điều này thì tôi đã được đọc. Nhưng vẫn chưa tưởng tượng nổi một Bạch Yến nhỏ nhắn, duyên dáng của ngày xưa lại “quậy” với rock và mạo hiểm trên chiếc mô tô bay… 

Đời tôi toàn những chuyện kỳ lạ thôi. Trước khi biểu diễn mô tô bay, tôi đã đi hát ở các phòng trà, 11 tuổi, tức là vào năm 1953, tôi đã đoạt huy chương vàng tiếng hát nhi đồng trên đài phát thanh Pháp Á. Tôi trải qua một tuổi thơ vất vả và trong một gia đình có 8 anh chị em. Thực ra, gia đình tôi ngày trước thuộc diện khá giả. Ba mẹ sớm chia tay, mẹ tôi vốn giàu tự ái nên không cần sự hỗ trợ kinh tế của Ba tôi nên từ nhỏ, các anh chị em phải lao động sớm.

Năm 1954 nhà tôi bị cháy, cuộc sống vốn túng quẫn lại càng túng quẫn hơn. Cậu ruột đưa tôi và hai người em nữa huấn luyện mô tô bay để đi làm xiếc. Sau một năm học xiếc, tôi và em trai (9 tuổi) trở thành những người biểu diễn giỏi nhất đoàn. Cậu bao ăn ở, mỗi ngày biểu diễn mỗi người được thêm mười đồng. Mô tô hồi đó, động cơ đơn giản. Phải chạy xe tốc độ lên những cái thùng trông như ống cống. Tất cả đều mặc cho sự cẩn trọng và rủi rui của số phận. Nếu lơ đễnh, cả xe lẫn người sẽ rơi từ trên cao xuống và mạng sống sẽ khó bảo đảm. Đến giờ, tôi vẫn còn ám ảnh những lần biểu diễn đó, trong suốt hai năm ròng.

Chị có gặp tai nạn lần nào trong hai năm biểu diễn? 

Tai nạn nhẹ thì nhiều, tai nạn nặng thì một lần. Và đó cũng là lần cuối cùng để tôi quyết định không mạo hiểm với trò chơi này nữa. Lần đó tôi đang biểu diễn đứng hai chân trên mô tô thì một chú cẩu chạy qua, bất ngờ xe đổ đánh rầm xuống đường. Chút xíu nữa thôi là đầu tôi bị đập xuống lề đường. Quần áo, tay chân te tua. Mình mẩy đau điếng. May thay là khuôn mặt và cái đầu không hề gì.

Thế rồi chị quay lại với nghề hát? 

Nhiều người chưa hình dung hết không khí phòng trà cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ trước như thế nào… 

Tôi trở lại sân khấu vào cuối năm 1956 ở phòng trà Trúc Lâm Trà Thất, hát một số bài hát bằng tiếng Pháp, nhạc rock và dance. Từ năm 1958 tôi hát với một ban nhạc do một người Philippines tên là Ely Javier. Không khí phòng trà ca nhạc hồi đó cũng khá tưng bừng, khán giả đến các phòng trà chủ yếu là để khiêu vũ, nên giữa người thưởng thức và biểu diễn có những lúc không còn khoảng cách. Vì vậy nên bài Đêm Đông là một “chuyện hiếm” khi không hề lôi khán giả ra khiêu vũ mà họ vẫn nghe từ đầu đến cuối. Sau 5 năm biểu diễn, tiếng tăm đã nổi ở sân khấu trong nước, có một chỗ đứng đặc biệt trong lòng khán giả, tôi quyết định đi tu nghiệp, vào năm 1961.

Bạch Yến và Ely Javier

Sao chị quyết định đi học, trong khi tiếng tăm, tiền bạc, chị đã có, sự nghiệp đang trên đỉnh cao? 

Chính vì có những thứ đó rồi nên mới phải đi học. Sự nổi tiếng đó cũng chỉ là nổi trong một cái ao thôi, không nên là những con ếch tự hào tiếng mình kêu to, kêu vang trong cái ao làng nhà mình mà phải đi học kỹ thuật hát bài bản để hát được bền. Phải biết cách giữ khán giả lại cho mình bằng sự nâng cấp trong sự nghiệp. Khi ra đi, tôi quyết được thành công giống như danh ca Edith Piaf, từng làm mưa làm gió sân khấu mọi thời đại với nhạc khúc La Vie en Rose.

Và chị đã không quay về. Phải chăng giống như lời hát của Lam Phương: Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi? 

Không, tôi không ở lại với lý do của tôi với sự phát triển nghề nghiệp âm nhạc dân tộc và bến đỗ bình yên trong hạnh phúc riêng tư của mình. Nói thật là tôi không biết anh Lam Phương viết ca khúc nào cho mình hay cho ai. Có một lần anh ấy nửa đùa nửa thật: Anh đã viết cho Yến đến hàng trăm ca khúc…

Hàng trăm ca khúc? Chị không biết ư? 

Mãi sau này chị Túy Hồng, vợ của anh Lam Phương, là bạn của tôi, có nói: “Bồ không biết đầy thôi, ổng viết cho bồ nhiều ca khúc thiết tha lắm. Và cứ thế, mình hình dung ra cốt truyện để dựng thành kịch đấy bồ”. Cả hai chị em ôm nhau cười. 

Thực ra ca khúc nào anh Lam Phương viết cho chị chắc chắn chị sẽ biết mà. Vì những người trong cuộc luôn hiểu những gì trong lời ca tiếng hát của nhau. 

Ồ không, không. Thế mà có ca khúc tôi nghĩ anh Lam Phương viết cho tôi, té ra lại không phải đầy. Một lần, anh mang đến một ca khúc và nói: “anh đo ni đóng giày để viết cho giọng hát của Yến”. Vỡ bài, tôi rất thích những giai điệu và ca từ và cứ đinh ninh anh viết cho mình, đó là ca khúc “Cho Em Quên Tuổi Ngọc”. Nhưng thực tế sau này tôi biết, ca khúc đó không phải viết cho tôi, hay đúng hơn, cô gái trong bài hát đó không phải là tôi.

Và chị buồn vì điều đó? 

Không. Tác phẩm là tác phẩm. Ai là nhân vật trong đó cũng như nhau cả thôi, đều để lại cho đời cả chứ. Người nghệ sĩ khi qua đời cũng đâu có mang theo được. Người viết ra một tác phẩm hay và có nhiều người biểu diễn thành công thì phải cám ơn cuộc đời chứ sao lại buồn nhỉ?

Xin lỗi chị khi khơi lại những điều quá vãng. Chị và anh Lam Phương một thời là một cặp đôi đẹp trong làng nhạc? 

Tôi không muốn nhắc đến chuyện này. Anh Lam Phương đã có gia đình và đang bịnh nặng, tôi không muốn gợi nhớ, còn tôi cũng đã có cuộc sống riêng của mình. Tôi chỉ nói được: ngày đó, anh Lam Phương có hỏi cưới tôi nhưng tôi không đồng ý. Mọi chuyện đã kết thúc từ độ ấy.

Âm nhạc dắt chúng tôi đi

Trong cuộc sống, chị quan trọng sự nghiệp hơn hay hạnh phúc hơn? 

Dĩ nhiên là hạnh phúc. Chính vì vậy nên tôi đã có vài lần hủy hôn khi tôi nhận thấy người ta đến với tôi bằng cái vẻ hào nhoáng trên sân khấu của mình. Tôi tự hỏi, liệu một ngày mình không hát nữa hay phong độ đi xuống, người ta có còn ở bên cuộc đời mình nữa hay không? Và thế là tôi thôi. Dù có đi Tây đi Tàu, nổi tiếng nơi này nơi nọ thì gia đình cũng là bến đỗ cuối cùng.

Chính vì vậy nên chị đã hoàn toàn thay đổi về âm nhạc (dân tộc gần như 100%) khi nên duyên với con trai của GS Trần Văn Khê – nhạc sĩ Trần Quang Hải? 

Lại thêm một chuyện lạ nhé. Hồi đó tôi từ Mỹ qua Paris chơi và gặp anh Hải. Anh Hải lúc đó đã ly dị vợ và có một cô con gái 5 tuổi. Trong một lần ăn trưa, anh Hải nói: “Mình cưới nhau nhé”. Tôi cứ nghĩ anh đùa nên “Dạ”. Một tuần sau mới tá hỏa rằng anh đã đi phát thiệp cưới hết rồi…

Vợ chồng Bạch Yến – Trần Quang Hải

Vậy khác những lần trước, quyết định cưới và phát thiệp, chị vẫn hủy hôn. Còn lần này, không có ý định cưới nhưng phát thiệp chị lại đồng ý. Nghe ngược ngược sao nhỉ! 

(cười to). Thì đó, cuộc đời tôi toàn những chuyện lạ mà. Thực ra tình yêu nó hiện hữu trong những cử chỉ hàng ngày. Không cứ phải khoác lên nó cái áo những lời nói say đắm, những tuyên bố nọ kia mới là yêu. Mỗi người có một cách yêu thương của mình. 

Cuộc hôn nhân “tình cờ” này, anh Hải có Tân Hôn dạ khúc để đời. Còn chị, có một hạnh phúc không phải ai cũng có, và một ngã rẽ âm nhạc kỳ diệu. 

Hồi đó anh Hải nghèo lắm. “Tân hôn dạ khúc” được viết cho đám cưới đơn sơ của chúng tôi. Tôi dẫu sao lúc đó cũng là một ca sĩ nổi tiếng nhưng tôi không nghĩ về những nổi tiếng nọ kia nữa mà mình nghe theo tiếng gọi của chính mình. Anh Hải thuộc diện đàn ông càng sống càng thấy thú vị. Với anh ấy, tất cả mọi vật đều được biến thành nhạc cụ. Anh ấy mê nhạc dân tộc và tìm trong những điều đơn sơ bình dị hàng ngày ra ngôn ngữ âm nhạc như người dân lao động vậy. Chính anh đã cho tôi biết âm nhạc dân tộc quan trọng như thế nào. Chính vì vậy, nửa cuộc đời còn lại, tôi đã dành cho chồng và nhạc dân tộc.


Khi chung sống, chị làm mẹ đứa con riêng của anh Hải. Chị có thể nói đôi chút về người mẹ Bạch Yến không? 

Tôi nuôi cháu từ lúc 5 tuổi đến khi cháu đi lấy chồng. Vợ trước của anh Hải cũng rất quý tôi. Trong quá trình sống, mẹ con rất hiểu và yêu thương nhau nên khá nhiều người không nghĩ rằng tôi không phàỉ là người sinh ra cháu. Trong gia đình, tôi dạy cháu nói tiếng Việt và luôn ý thức dân tộc mình. Cháu nói tiếng Việt khá đến độ ai cũng nghĩ cháu ở Việt Nam mới sang. Tôi cũng dạy cháu những lễ nghi phép tắc của người phụ nữ Việt Nam.

Trong ngày cưới cháu, tôi hát bài “Tân hôn dạ khúc” như lời dặn con mình. Tôi không cầm nổi nước mắt khi nói thật cho mọi người biết rằng cháu không phải là con đẻ của tôi vì sự thật vẫn là sự thật, phải để mọi nguời biết. Trong quá trình sống, ranh giới mẹ kế con chồng không còn nữa. Từ trong tâm khảm chúng tôi là mẹ con của nhau và mãi mãi vẫn là thế. Tôi không có con nên mọi tình cảm, dành hết cho cháu.

Chị và nhạc sĩ Trần Quang Hải đã có một sự nghiệp biểu diễn nhạc dân tộc lẫy lừng thế giới và phần nào làm rạng danh cho người Việt. Vậy còn trong cuộc sống riêng tự, “ngôn ngữ âm nhạc” riêng của hai người như thế nào? 

Âm nhạc dắt chúng tôi đi, se duyên thành vợ chồng và kết định mệnh thành những người bạn tri âm tri kỷ của nhau. Tôi thấy mình may mắn vì có được những điều đó. Và may mắn nữa, ở xứ người, chúng tôi sống thuần túy bằng âm nhạc, và là nhạc dân tộc chứ không phải là những thứ gì ở bên ngoài nó .

Anh Hải vừa sáng tạo ra “nụ hôn bồi âm”. Hai người trong tư thế hôn nhau và phát ra một âm thanh đặc biệt của âm nhạc giải tỏa mọi thứ. Nụ hôn này sẽ hàn gắn những rạn nứt cho những cặp uyên ương nào hay cãi vã và mang lại niềm vui trong cuộc sống gia đình. Với các nước dân số ít thì sẽ cần thiết (chống chỉ định với các nước dân số đông)

Câu hỏi cuối. Ở độ tuổi ngoài thất thập, khi về Việt Nam biểu diễn thấy chị có hẳn cả một nhạc sĩ đệm đàn tầm cỡ và một make up chuyên nghiệp đi cùng. Có phải trong biểu diễn chị khá kỹ tính? 

Bạch Yến và Jean Louis Beydon

Người đệm đàn cho tôi là anh Jean Louis Beydon, nguyên giám đốc nhạc viện thành phố Vanves ở Pháp và chuyên gia makeup Theresa Hà. Họ đều là những người bạn của tôi. Tôi nghĩ, một nghệ sĩ lên sân khấu luôn phải đẹp và phải biết cách hóa trang cho phù hợp với bài hát. Sự đầu tư cẩn thận đó cũng là một cách tôn trọng khán giả. Một nghệ sĩ tài danh đến cỡ nào mà không biết cách tôn trọng khán giả thì sớm bị đào thải đi.

Theo Hoàng Nguyên Vũ – Thân Phận và Hào Quang

No comments:

Blog Archive