Sunday, June 30, 2019

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng và hoàn cảnh sáng tác những bài thơ Paris nổi tiếng: “lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế…”

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng, tác giả của những bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành các bài hát bất hủ như Mùa Thu Paris, Tiễn Em, Bên Ni Bên Nớ… nói về những cảm xúc của ông khi sáng tác thơ này trong buổi nói chuyện với báo Người Việt sau đây.

Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

Bài thơ “Mùa Thu Paris” của ông đã vang lừng hơn nửa thế kỷ qua trong lòng nhiều người; nhà thơ đã cảm hứng trong tâm trạng và bối cảnh nào khi viết bài thơ này?

Lúc đó là năm 1954, tôi đi du học bên Pháp và ở vào tuổi vừa mới ngoài 20. Trước khi đặt chân đến Kinh Thành Ánh Sáng, tôi đã có một mối tình, và cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi những nhà thơ Pháp thời bấy giờ. Khi sang Paris, tiếng Pháp tôi cũng tương đối vì tôi đã chuẩn bị trước khi đi, cho nên, trong bối cảnh đó, tôi hội nhập ngay vào môi trường sống ở Paris, và trôi ngay vào không khí trữ tình của mùa Thu Paris. Bài thơ ra đời trong bối cảnh và tâm tình đó. Lẽ dĩ nhiên, phải có một cô tóc vàng sợi nhỏ nên dòng thơ mới bật lên.

Mùa Thu Paris Thai Thanh pre1975 Thái Thanh hát Mùa Thu Paris

Mối tình với một nhan sắc tóc vàng sợi nhỏ trong bối cảnh trời Thu Paris, bây giờ hồi tưởng lại, nỗi xúc động có còn đọng chút nào không ạ?

Xúc động quá đi chứ. Lúc bấy giờ, tâm hồn mình thật là lạ, trong trắng, ngây thơ, nhìn đời qua lăng kính lý tưởng, thành ra, mối tình với người con gái tóc vàng sợi nhỏ đó là một kỷ niệm khôn nguôi. Ðôi lúc, tôi cũng không hiểu được là làm sao mà mình lại làm được một vần thơ ‘thơ’ đến như vậy.

Thời trai trẻ, nhà thơ cũng là một sĩ quan Không quân?

Vâng, lúc đó tôi thi vào khóa sĩ quan Không quân bên Pháp, nhưng không phải là phi công lái máy bay. Và bài “Mùa Thu Paris” được viết trong giai đoạn đó.

Trong tình khúc “Tiễn Em” do Phạm Duy phổ từ thơ của Cung Trầm Tưởng, có câu “tiễn em người xóm học”; xóm học là gì, thưa nhà thơ?

Bài thơ của tôi tựa là “Chưa Bao Giờ Buồn Thế”, anh Phạm Duy bảo tôi là để cho nó có tính cách được phổ biến hơn thì anh xin phép đổi là “Tiễn Em”. Trong đó ông có nhắc lại vài lần tiễn em, tôi bảo ông là không có gì trở ngại. Bài thơ có câu “hỡi người yêu xóm học, để sương thấm bờ đêm, đường anh đi…”, xóm học là khu đại học ở Paris.



Trong bài “Chưa Bao Giờ Buồn Thế”, ông viết “tiễn em về xứ mẹ”, thì “xứ mẹ” có phải là Việt Nam không?

Không. “Xứ mẹ” trong bài thơ là ở miền Nam nước Pháp. Mùa Ðông Paris thời đó không khí thường bị ô nhiễm; và phổi nàng – người con gái gây cảm hứng khiến tôi làm bài thơ – không được mạnh và nàng lại bị suyễn nữa, vì thế bác sĩ khuyên là trong ba tháng mùa Ðông, nàng nên đi về miền Địa Trung Hải để hưởng không khí trong sạch. Ba tháng xa cách, thế nhưng thời đó tuổi trẻ lắm lúc đam mê và cũng hơi cường điệu, tôi có cảm tưởng xa nhau biền biệt, nên mới trải tâm sự thành bài thơ.

Xin tò mò hỏi ông, người con gái trong “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” và trong “Mùa Thu Paris” đều là tóc vàng sợi nhỏ chứ không cùng quê nhà với ông?

Lúc đó thì tôi thích cái gì mới lạ và rõ ràng, đó là cái bồng bột tuổi trẻ; bây giờ thì tóc huyền mắt đen là nhất.

Có điều gì về mùa Thu Paris, thời nhà thơ từng sống mà chúng tôi không biết để hỏi ông?

Tôi viết về người con gái tóc vàng sợi nhỏ, có người hỏi tôi tại sao không là mắt xanh; tôi không hiểu tại sao mà tôi lại thêm chữ sợi nhỏ vào, nhưng rõ ràng, tôi đã gây ra một hình tượng thơ quyến rũ.

Trong tâm cảnh nào khiến cho nhà thơ viết nên bài “Bên Ni Bên Nớ” cũng đuợc Phạm Duy phổ thành nhạc?

Bài này dựa trên bối cảnh có thật thời đó là năm 1950 ở Đa Kao. Lúc bấy giờ tôi 18 tuổi, sống ở Đa Kao. Cuối phố là một nghĩa địa. Bài thơ có câu “tiếng chân gõ guốc người xa vắng người”; thời đó có những người lao động người ta đi guốc, thế thì tại sao người xa vắng người nhỉ? Lúc đó một cậu bé 18 tuổi như tôi linh cảm rằng cuộc chiến tranh này khiến con người với con người xa cách nhau. Đó là tôi linh cảm và vô tình viết ra.


Sự linh cảm đó là một điều tiên tri?

Có thể. Nói rõ hơn là một tiên cảm, nó rất là mông lung, mơ hồ. Linh cảm của một thi sĩ nó lạ lắm.

Lúc sáng tác bài đó, thi sĩ không thấy được trọn vẹn sự tiên cảm và mãi cho đến sau này mới lý giải như vậy?

Đúng, nhưng cái sợ mông lung đó nó ở trong tiềm thức của mình. Lắm lúc người ta làm thơ bắt đầu bằng tiềm thức, nó in vào trong tâm mình lúc nào không biết, vì thế mới có linh cảm về đất nước Việt Nam trong khoảng thời gian mấy chục năm nay sau này. Nó có một kích thước lịch sử ẩn náu trong tiềm thức của người thi sĩ và bật lên một cách vô tình thôi

Ngôn ngữ trong bài thơ đó mang một chút hơi hướng miền Trung hay rõ hơn là xứ Huế, vì “bên ni và bên nớ”?

Thời đó tôi cũng có quen một cô thiếu nữ ở Huế và tôi mê lắm, cùng học trung học. Tôi có quen vợ chồng một anh bạn, cùng học một trường, anh có một đứa con sắp ra đời, và tôi là cha đỡ đầu cho đứa bé đó. Từ cảm hứng đó tôi mới làm bài này, trong có câu “bấm đốt ngón tay chờ đợi/chờ ngày con thơ, thơ ra đời”.

Trong thơ của thi sĩ có cả rượu, có cả tình yêu đổ vỡ?

Vâng, thời đó có phong trào vũ trường. Tôi mới tốt nghiệp xong tú tài thì đã đi khiêu vũ rồi nhưng vẫn còn rụt rè trước sắc đẹp của thể xác. Lúc đó mình chỉ là một cậu thanh niên mới ra đời thôi nên mới viết “Bên nớ dạ thành khoe tráng lệ, trơ trẽn giai nhân phô lõa thể, bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô”.

Cám ơn nhà thơ đã đến thăm và trò chuyện với Người Việt.

Theo Đinh Quang Anh Thái (Người Việt)

Bài thơ Mùa Thu Paris – Cung Trầm Tưởng

Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu
Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì
Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời
Mùa thu! mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em tâm tưởng, giam tù
Mùa thu!… Trời ơi! Tình thu!

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát Mùa Thu Paris:

Bài thơ Chưa Bao Giờ Buồn Thế – Cung Trầm Tưởng:

Lên xe tiễn em đi
chưa bao giờ buồn thế
trời mùa đông Paris
suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ mẹ
anh nói bằng tiếng hôn
không còn gì lâu hơn
một trăm ngày xa cách
Ga Lyon đèn vàng
tuyết rơi buồn mênh mang
cầm tay em muốn khóc
nói chi cũng muộn màng
Hôn nhau phút này rồi
chia tay nhau tức khắc
khóc đi em, khóc đi em
hỡi người yêu xóm học
để sương thấm bờ đêm
đường anh đi tràn ngập lệ buồn em…
Ôi đêm nay
chưa bao giờ buồn thế
trời mùa đông Paris
suốt đời làm chia ly
Tàu em đi tuyết phủ
toa anh lạnh gió đầy
làm sao anh không rét
cho ấm mộng đêm nay
và mơ ngon trên khắp nẻo đường rầy!
Trời em mơ có sao
mình anh đêm ở lại
trời mùa đông Paris
không bao giờ có sao
trời mùa đông Paris
chưa bao giờ buồn thế!

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài thơ Tiễn Em

Lên xe tiễn em đi 
Chưa bao giờ buồn thế 
Trời mùa Đông Paris 
Suốt đời làm chia ly.
Tiễn em về xứ Mẹ 
Anh nói bằng tiếng hôn 
Không còn gì lâu hơn 
Một trăm ngày xa cách
Tuyết rơi mỏng manh buồn 
Ga Lyon đèn vàng 
Cầm tay em muốn khóc 
Nói chi cũng muộn màng.
Lên xe tiễn em đi 
Chưa bao giờ buồn thế 
Trời mùa Đông Paris 
Suốt đời làm chia ly.
Hôn nhau phút này 
Chia tay tức thì 
Em ơi khóc đi em, khóc đi em, khóc đi em
Sao rơi rớt rụng 
Vai em ướt mềm 
Em ơi khóc đi em, khóc đi em, khóc đi em.
Lên xe tiễn em đi 
Chưa bao giờ buồn thế 
Trời mùa Đông Paris 
Suốt đời làm chia ly.
Hỡi em người xóm học 
Sương thấm hè phố đêm 
Trên con đường anh đi 
Lệ em buồn vương vấn.
Tuyết rơi phủ con tầu 
Trong toa em lạnh đầy 
Làm sao em không rét 
Cho ấm mộng đêm nay?
Nơi em có trăng soi 
Anh một mình ở lại 
Trời mùa Đông Paris 
Suốt đời thèm trăng soi
Lên xe tiễn em đi 
Chưa bao giờ buồn thế 
Trời mùa Đông Paris 
Suốt đời làm chia ly

Bài thơ Tương Phản – Cung Trầm Tưởng

Đêm chớp ngày tàn 
Theo tiếng xe lăn về viễn phố 
Em ơi! 
Sương rơi
Ngoài song đêm hạ 
Ôi buồn phố xá…
Hoang liêu về chết tha ma 
Tiếng chân gõ guốc: người xa vắng người
Em có nghe dồn giã 
Bước ai vất vả 
Bóng ai chập chờn 
Hồn ai cô đơn 
Say sưa tìm về ấm cúng
Em có nghe bi ai 
Tình ai ấp úng 
Thương ai lạc loài 
Ăn mày sáng lạn một ngày mai
Đêm nay say đất lở 
Em có nghe rạn vỡ 
Ra muôn mảnh ly rơi 
Pha lê vạn chuỗi cười
Bên nớ dạ thành khoe tráng lệ 
Trơ trẽn giai nhân phô loã thể 
Bên ni phố vãng lòng ngoại ô
Em có nghe mơ hồ 
Bước ai thao thức 
Gõ nhịp hẹn hò 
In dài ngõ cụt
Bóng ai giang hồ 
Bên nớ bên ni đêm lạnh cả 
Lạnh đêm mà chẳng lạnh vuông phòng
Em ơi bên trong 
Dù chia ly đôi phút 
Đồng mang nhớ đèo mong
Hai tâm hồn giam kín 
Bốn mắt xanh bịn rịn 
Anh ngồi làm thơ 
Anh ngồi bấm đốt con thơ ra đời
Bên ngoài liếp ngỏ sương rơi 
Bên trong kín gió ấm ơi là tình…

Nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài thơ Bên Ni Bên Nớ

Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố 
Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá
Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa 
Người xa vắng người, người xa vắng người…
Em có nghe rồn rã bước ai vất vả bóng ai chập chờn? 
Hồn ai cô đơn tìm về ấm cúng 
Em có nghe bi ai tình ai ấp úng 
Thương ai lạc loài, ăn mày xán lạn ngày mai 
Đêm ni ai say đất lở, em ơi có nghe rạn vỡ 
Vạn mảnh ly tan theo chuỗi cười. 
Bên tê thành phố tráng lệ 
Giai nhân nằm khoe lõa thể 
Bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô.
Em có nghe hồ như bước ai gõ nhịp bước ai giang hồ? 
Hẹn ai bên ni dài in ngõ cũ 
Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ? 
Phút giây chia lìa, trong lòng vẫn phải đèo mong
Hai tâm linh giam kín lại 
Bấm đốt ngón tay chờ đợi 
Chờ ngày con thơ, thơ cũng ra đời
Em ơi ngoài kia liếp ngỏ 
Sương rơi ngoài song khép hở 
Bên trong kín gió ấm ơi là tình.


No comments:

Blog Archive