Friday, June 14, 2019

Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 355

Bao giờ tới Việt Nam?

Trước đây đúng 30 năm (1989-2019), một biến cố trọng đại đã xảy ra làm thay đổi bản đồ thế giới, ngoài sự tiên liệu của các chiến lược gia và chiêm tinh gia tài danh của nhân loại: toàn khối Cộng sản Đông Âu đã theo nhau sụp đổ trong mấy tuần lễ cuối năm 1989.

Chỉ hai năm sau, năm 1991, Liên bang Sô-Viết, hay Liên Sô, “cái nôi của cách mạng vô sản” trên thế giới, hậu phương lớn chủ nghĩa Mác-Lê với 30 ngàn đầu đạn nguyên tử trong kho, đã tan rã trong vài ngày mà không nổ một phát súng nào, trước sự ngẩn ngơ và vui mừng của nhân loại.

Khi ấy, không ai vui mừng hơn mấy triệu người Việt tị nạn ở hải ngoại. Và, một câu hỏi đã được đặt ra: “Bao giờ thì tới Việt Nam?” Cộng sản ViệtNam, một trong bốn đứa con mồ côi của Lê-nin còn sót lại (Trung Cộng, Việt Cộng, Bắc Hàn, và Cuba) sẽ sụp đổ? Câu trả lời dè dặt là: “Còn đứng được nhiều lắm là ba năm.”

Nay đã 30 năm trôi qua, CSVN vẫn còn đó, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy nó sẽ sớm sụp đổ, hay sẽ có những thay đổi quan trọng hướng về dân chủ, trong lúc đàn áp, khủng bố, tù tội vẫn tiếp tục, và vẫn có những người đứng lên đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền.

Gần đây đã có những tranh cãi chung quanh vấn đề “dân Việt Nam hèn hay không hèn” và có những luận điệu ru ngủ, chủ bại cho rằng không làm gì lay chuyển được CSVN đâu, chúng nó sẽ chẳng bao giờ sụp đổ.

Nhân dấu mốc 30 năm sụp đổ của khối cộng sản Đông Âu và Liên Sô, tưởng cũng không phải là thừa khi nhìn lại biến cố có thể là lớn nhất vào cuối Thế kỷ 20 xem có rút được bài học nào hữu ích hay không. Thực ra, những gì xảy ra đã được sử sách ghi chép nhiều, chỉ xin tóm lược như dưới đây cho dễ hiểu và dễ nhớ.

Sau nhiều năm diễn ra những phản kháng ôn hòa của quần chúng và bị đàn áp, nhờ đó đã làm thay đổi não trạng một số đảng viên cộng sản ở cấp lãnh đạo, và họ đã làm những quyết định đưa đến sự xóa sổ chủ nghĩa cộng sản, khởi đầu từ Ba Lan, tới Hungary, Đông Đức, rồi Tiệp Khắc,  Bulgary, Albanie, Romania và Nam Tư. Hầu hết những cuộc cách mạng dân chủ đã diễn ra không đổ máu, trừ Nam Tư và Romania. Nam Tư đã xảy ra những cuộc tàn sá đẫm máu kéo dài nhiều năm vì xung đột chủng tộc.

Riêng tại Romania, do tên cộng sản cực đoan và ngoan cố Ceausescu lãnh đạo, đã ra lệnh cho công an, mật vụ thẳng tay đàn áp, bắn vào những đám dân biểu tình hàng triệu người, giết chết vài ngàn người nhưng cũng không tái lập được trật tự. Cuối cùng phải dùng đến quân đội, nhưng thay vì tiếp tay với công an mật vụ đàn áp dân thì quân đội lại đứng về phía dân và đánh nhau với công an mật vụ. Cuối cùng, cách mạng đã thành công. Vợ chồng Ceasescu bị bắt và bị tòa án cách mạng xử tử hình. Cả hai vợ chồng đã bị bắn tại một góc phố ngay trong đêm Giáng Sinh 1989.

Sự sụp đổ hàng loạt của các chế độ cộng sản ở Đông Âu đã làm tan biến huyền thoại “một khi đảng cộng sản đã nắm được chính quyền thì không thể bị lật đổ”, đồng thời cũng tẩy xóa não trạng hèn nhát chủ bại “thà đỏ hơn là chết” trong đầu nhiều người trước sự tàn bạo của cộng sản. Não trạng ấy đã bị đảo ngược “thà chết hơn là đỏ” khi người dân không còn sợ bạo lực.

Thật ra, sự nổi dậy của dân chúng tại các nước cộng sản Đông Âu đã thành công cũng là nhờ sự giác ngộ của một đảng viên cộng sản cao cấp nhất tại Liên Sô: Tổng bí thư Mikhail Gorbachev. Gia nhập đảng cộng sản từ khi còn trẻ, trong tiến trình leo cao dần trong nấc thang đảng, Gorbachev đã thấy rõ tính phi nhân bản và con đường bế tắc của chủ nghĩa cộng sản, nên khi được đặt vào chức vụ cao nhất trong đảng với toàn quyền sinh sát trong tay, ông ta đã can đảm đưa ra chương trình tái tạo (perestroika)  và cởi mở (glasnost), thổi một luồng sinh khí vào guồng máy cai trị mục nát đã nô lệ hóa gần 300 triệu dân Nga với bao nhiêu tội ác trong 70 năm qua. Hai chương trình ấy đã mở đường cho những đổi mới nhanh chóng tại Liên bang Sô Viết hướng về phía dân chủ hóa chế độ.

“Perestroika” và “Glasnost” được gieo trồng tại Liên Sô nhưng đã đơm hoa kết trái tại các nước chư hầu Đông Âu, nhất là từ khi Gorbachev tuyên bố sẽ không can thiệp vào việc nội bộ của những nước này khiến cho những cuộc nổi dậy tại đây không còn bị xe tăng Liên Sô nghiền cán như đã xảy ra trong quá khứ.

Khi Hoa Dân Chủ nối theo nhau nở rộ khắp Đông Âu thì thành phần bảo thủ giáo điều cực đoan trong đảng Cộng Sản Liên Sô lo sợ cho tương lai của đảng và cho số phận của chính họ. Đám này đã cấu kết với nhau và âm mưu loại trừ Gorbachev, kéo lùi bánh xe lịch sử. Cuộc đảo chánh Gorbachev đã khởi đầu vào nửa đêm Chủ nhật 18.8.1991 (giờ Washington) được chủ mưu do tám người đang giữ những vai trò then chốt trong guồng máy thống trị tại Liên Sô lúc bấy giờ (trùm KGB, bộ trưởng quốc phòng, thủ tướng, bộ trưởng nội vụ, phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng Sô Viết, phó chủ tịch Liên Sô, chủ tịch doanh nghiệp nhà nước, chủ tịch Liên hiệp Nông dân).

Với thành phần lãnh đạo cuộc đảo chánh hùng hậu như vậy trong khi TBT Gorbachev đã bị cầm giữ tại ngôi nhà nghỉ mát ở Crimea, nhiều người nghĩ rằng “thế là xong” và ít nhất phe cộng sản cuồng tín cũng nắm lại quyền hành trong vài năm nữa. Nhưng cuộc binh biến đã kết thúc trong thất bại chỉ sau ba ngày, đưa đến sự tan rã của Liên bang Sô Viết nhanh hơn là mong muốn của Gorbachev, nhờ sự giác ngộ của một đảng viên cộng sản cao cấp khác: Boris Yeltsin. Từng là Bí thư Thành ủy Mạc-tư-khoa, ông Yeltsin đã can đảm đứng ra thách thức chương trình đổi mới của Gorbachev và đòi tiến mau tiến mạnh hơn nữa. Cuối cùng ông đã xé thẻ đảng trước một đại hội, dứt khoát đứng về phía quần chúng đang khao khát tự do, dân chủ. Sau đó, Yeltsin được bầu làm tổng thống Cộng Hòa Nga trong một cuộc phổ thông đầu phiếu tự do lần đầu tiên trong lịch sử hàng ngàn năm của nước Nga, nhờ chính sách cởi trói của Gorbachev.

Khi xảy ra cuộc đảo chánh của đám lãnh đạo giáo điều cuồng tín, Yeltsin đã mau chóng đứng lên chống lại. Trong lúc Gorbachev biến mất khỏi hệ thống quyền lực Liên Sô và được loan báo là bị “bệnh nặng” (thật ra là bị phe đảo chánh giam giữ và đã cương quyết không chịu từ chức dưới mọi đe dọa và áp lực nặng nề) thì trên màn ảnh truyền hình khắp thế giới, Yeltsin xuất hiện kêu gọi dân Nga xuống đường chống lại bọn phản loạn, kêu gọi thợ thuyền tổng đình công, kêu gọi quân đội đừng bắn vào dân, kêu gọi thế giới hậu thuẫn cuộc đấu tranh cho tự do của dân Nga. Yeltsin đã không trốn kỹ trong hầm để kêu gọi.  Ông ta can đảm xuất hiện trước mũi súng đại bác, leo lên xe tăng, đứng trước đám đông để khích động tinh thần mọi người và chứng tỏ gan mật của một lãnh tụ cách mạng.

Cuộc đảo chánh đã bị khựng lại. Nhóm chủ mưu đã đánh giá thấp khả năng và bản lãnh của Yeltsin, cũng như sự hậu thuẫn của dân chúng đối với ông ta. Nhờ phương tiện truyền thông không bị cắt đứt với thế giới bên ngoài, và nhờ đoàn quân ký giả quốc tế ở Nga, Yeltsin đã nổi bật như một cứu tinh trong giờ phút đen tối của nước Nga. Đoàn xe tăng đã không tiến tới được, nằm ì trước Điện Kremlin, khi hàng trăm ngàn người dân đã bất chấp lệnh giới nghiêm và thiết quân luật, xây thành một “bức tường người”, mỗi lúc một đông hơn, chung quanh ông Yeltsin trước trụ sở Quốc Hội Cộng Hòa Nga.

Sau một ngày, nhóm chủ mưu cuộc đảo chánh bắt đầu tan rã khi Thủ tướng Pavlov và Bộ trưởng Quốc phòng Yazov rút lui vì “lý do sức khỏe”. Trùm KGB Kryuchkov cũng bỏ cuộc mà không cho biết lý do. Đến trưa ngày thứ tư, 21.8.1991, đoàn xe tăng bắt đầu lăn  xích sắt rời khỏi Mạc-tư-khoa trở về căn cứ.

“Băng đảng tám tên” (Gang of Eight) rã bè. Tất cả đều bị bắt giữ, trừ Bộ trưởng Nội vụ Pugo đã tự bắn vào đầu để tránh khỏi bị trừng phạt về tội phản loạn. Cuộc đảo chánh đã hạ màn, sau ba ngày.

Sự thống trị của đảng Cộng sản tại Nga chấm dứt ngày 24.8.1991, sau 70 năm cầm quyền, khi Gorbachev trở lại Điện Kremlin, ra lệnh tịch thu tất cả tài sản của đảng và kêu gọi những người cộng sản có tinh thần dân chủ thành lập một đảng khác để thay đổi nước Nga. Liên bang Sô-Viết tan rã. Gorbachev từ chức. Boris Yeltsin, nhân danh tổng thống Cộng Hòa Nga thành lập chính phủ mới và giải tán đảng Cộng sản.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nói tới một “chuyện nhỏ” đả xảy ra khiến cuộc đảo chánh thất bại. Hai mươi sĩ quan chỉ huy KGB, từng người một, đã từ chối thi hành lệnh tấn công vào tòa nhà Quốc Hội Cộng Hòa Nga, nơi ông Yeltsin và hàng trăm ngàn người dân đang tập họp chống lại cuộc đảo chánh. Các sĩ quan này là cấp chỉ huy trực tiếp của đơn vị đặc nhiệm Alpha chống khủng bố và nội loạn rất tinh nhuệ, đã cương quyết chống lại áp lực năng nề của cấp trên, kể cả đe dọa áp dụng quân luật và xử bắn. Họ không quên bài học về những gì đã xảy ra tại Romania hai năm trước, khi công an mật vụ bắn vào những người dân tay không. Chính ông Yeltsin đã tiết lộ chuyện này trong cuộc phỏng vấn truyền hình ngày 25.8.1991.

Qua những sự kiện lịch sử trên đây, từ các nước Đông Âu tới Liên Sô, chúng ta rút được bài học nào cho Việt Nam? Có lẽ bài học chính và quan trọng nhất là: những cuộc nổi dậy của dân chúng đã thành công là nhờ sự nhập cuộc của những người cộng sản giác ngộ, tiếp tay vào đại cuộc bằng cách này hay cách khác. Cùng thời gian với các cuộc nổi dậy thành công của người dân trong các nước Đông Âu, thanh niên sinh viên tại Trung cộng cũng đã dũng cảm đứng lên và đã bị dập tắt trong biển máu tại Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 4.6.1989, vì thiếu sự nhập cuộc của những người cộng sản giác ngộ như 20 sĩ quan KGB, hay Gorbachev, Yeltsin …

Việt Nam ngày nay có những người cộng sản giác ngộ như tại các nước Đông Âu và Liên Sô 30 năm trước hay không? Xin mời đọc bức “tâm thư” của đảng viên CSVN Lê Minh Đức được phổ biến gần đây trên mạng điện tử:

Nếu một người cứ đứng trên quan điểm phân biệt bạn thù của đảng cộng sản Việt Nam, thì tôi nói thật hận thù đó không nguôi được. Vì sao ư? Vì quá nhục. 

Này nhé.... Ta chiến đấu vì lý tưởng cộng sản, coi Mỹ là kẻ thù giai cấp, kẻ thù của hoà bình thế giới. Ta thắng nó với lòng tin rằng chẳng bao lâu sau thằng tư bản sẽ quỳ gối trước mặt phe cộng sản để cầu xin ân huệ. 

Thế mà tất cả những gì ta hy sinh cho cuộc chiến 20 năm máu lửa đó, trong phút chốc bỗng biến thành trò cười rẻ tiền. Chủ nghĩa cộng sản sụp tan thành mây khói. Nay ta quay lại cầu xin nó, theo đuôi nó xây dựng chủ nghĩa tư bản, năn nỉ nó công nhận ta là kinh tế thị trường. 

Bao thế hệ hy sinh chống Mỹ để thấy những thế hệ sau chiến tranh lớn lên hướng về văn hoá Mỹ, cuồng Mỹ. Hoá ra những gì ta làm trong quá khứ đều sai, đều ngu muội, đều vì ta có tầm nhìn không quá lũy tre làng. 

Hỏi như thế có nhục không? Mà nhục như thế thì quên thế nào được. Nay ta trải thảm đỏ mời Mỹ quay lại. Cái mặt dày đểu cáng ta biết giấu vào đâu? Đành phải lôi lại chuyện quá khứ rằng Mỹ giết dân ta. Thì sao, nó không giết ta để ta giết nó hay sao? 

Trong cuộc chiến tranh do ta chủ trương, có thằng nào không phải là Việt cộng trong mắt người Mỹ. Ta sống trong dân, ta giấu vũ khí trong vườn nhà dân.... Dân và ta đều quần đùi đen, áo bà ba đen, tay cầm liềm cắt cỏ mà AK 47 giấu trong bờ ruộng. Ta đánh úp nó chết nhăn răng vì nó tưởng du kích ta là dân lành. 

Trong khi đó ta giết chính đồng bào ta, ta trói đồng bào ta như trói gà, rồi ta chặt đồng bào ta làm ba khúc sau vườn. Ta dùng cuốc đập đồng bào ta vỡ sọ. Ta chôn sống đồng bào ta sau khi bắt chính họ đào huyệt... 

Ta tuyệt đối không nhắc lại chuyện đó. Ta tuyệt đối tìm cách quên rằng thằng đàn anh Trung cộng đã giết đồng bào ta còn tệ hơn giết chó, máu chảy thành sông ở biên giới phía Bắc và ta vẫn tiếp tục thờ lạy nó. 

Ta là ai? Ta là đảng cộng sản Việt Nam. Ta là thứ cặn bã của dân tộc này. Ta là thứ mọi rợ đạo đức giả. Ta là loài khỉ đột đã xua đuổi được mọi nền văn minh để tiếp tục tự sướng với nhau trong bóng tối của thời trung cổ. 

Và còn nữa? Hãy chờ xem ta sẽ nghiến nát kẻ thù (nhân dân) như đàn anh Trung cộng của chúng ta dùng xe tăng xay thịt nhân dân chúng nó thành thức ăn cho súc vật trên quảng trường Thiên An Môn. 

Ta là quái thai thời đại. Ta không xứng đáng đứng ngang hàng với loài người văn minh trên trái đất này. Thảm họa diệt chủng đã hiện ra trước mắt, không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa này, ngoài 90 triệu người Việt…(ngưng trích) 

Có bao nhiêu Lê Minh Đức trong hàng ngũ CSVN hôm nay? Bao nhiêu người đã xé thẻ đảng và ra khỏi đảng? Bao nhiêu Lê Minh Đức khác đang mai phục trong đảng để chờ thời cơ?

Theo tin vừa được phổ biến, vào ngày 13 tháng 7 tới đây sẽ có một cuộc hội thảo tại Virginia để mổ xẻ vấn đề quan trọng này.

Nghe có vẻ hấp dẫn đấyChắc bà con sẽ tham dự đông đảo.

Ký Thiệt
(Đời Nay ra ngày 14.6.2019)

30201772936_d22167d933.jpg
"Lê-nin vĩ đại" năm 1991, bao giờ tới "bác Hồ"?

No comments:

Blog Archive