Sunday, June 16, 2019

170 năm thương hiệu rượu Cointreau

Tuấn Thảo
Nicolas de Soto, chuyên gia pha rượu tại quán bar EEC nổi tiếng ở Luân Đôn, giới thiệu loại cocktail Sidecar 03/12/2017Reuters /Toby Melville

Kể từ ngày 13/06 đến 16/06/2019, phòng lễ tân của nhà hàng Pavillon Élysée (nằm gần Viện bảo tàng Petit Palais) tiếp đón trong 4 ngày liên hoan Cointreau Cocktail Show. Các chuyên gia pha rượu tề tựu về Paris nhân dịp 170 năm ngày thành lập thương hiệu rượu mùi Cointreau.

Trên thế giới hiện nay, có khoảng hàng chục thức uống được pha chế với thành phần chính là Cointreau, loại rượu mùi (liqueur) đậm chất hương cam, trong đó có Cosmopolitan (pha với một chút vodka và nước ép trái việt quất cranberry), Cointreau Fizz (pha với nước soda tonic), Caress (pha với rượu Baileys hay là Irish Cream), Sunkiss (pha với nước trái thơm và trái bưởi) …..

Các chuyên gia cocktail từng đoạt giải tại các cuộc thi quốc tế đến Paris trong 4 ngày để dạy cách chế biến rượu pha. Trong số này, có các gương mặt trứ danh là Toby Cecchini đến từ New York. Ông là người đầu tiên đã cách tân loại rượu pha Cosmopolitan còn được gọi tắt là Cosmo (1987), Antonio Lai đến từ Hồng Kông có lối pha chế Cointreau kết hợp thêm nhiều hương vị châu Á và Aurélie Panhelleux, người đồng sáng lập quán rượu nổi tiếng CopperBay ở Paris quận 10 (với đặc điểm quầy bar được làm bằng đồng). Tại các xưởng pha chế, họ sẽ dạy cách pha chế nhiều loại cocktail : ngoài Cosmopolitan, còn có Margarita (Cointreau pha thêm với tequila), White Lady và nhất là SideCar (gồm Cointreau, Cognac và nước chanh tươi, nổi tiếng từ những năm 1920) ……

Cosmopolitan gọi tắt là Cosmo (màu hồng ở giữa)được pha với một chút vodka, Cointeau và nước ép trái việt quất cranberryTuấn Thảo / RFI

Cũng nhân dịp này, phòng lễ tân của nhà hàng Pavillon Élysée sẽ được trang trí màu cam vốn là gam màu truyền thống của thương hiệu rượu Cointreau với hai biểu tượng dễ nhớ : kiểu chai vuông vức và thường được đóng dấu 1849, thời điểm thành lập thương hiệu Cointreau, tức cách đây đúng 170 năm.

Rượu Cointreau (nay thuộc tập đoàn Rémy Martin-Cointreau của Pháp) cũng như hiệu Grand Marnier (nay thuộc tập đoàn Campari của Ý) đều là những loại rượu hương cam khá phổ biến. Vào thời xưa, rượu được uống như một loại digestif, uống sau bữa ăn để dễ tiêu hóa. Thời nay, Cointreau được dùng để nấu ăn, làm bánh ngọt hay pha chế các thức uống thành rượu khai vị (apéritif).

Tuy nhiên, thương hiệu Cointreau (danh từ riêng) không phải là côcng ty phát minh ra công thức chế biến rượu mùi hương cam. Rượu hương cam trong tiếng Pháp thường được gọi là ‘‘triple sec’’ do ông Jean Baptiste Combier chế biến tại Saumur vào năm 1834, tức là 15 năm trước khi dòng họ Cointreau thành lập công ty gia đình. Lại rượu này có tên là ‘‘triple sec’’ do được chưng cất ba lần để đạt đến nồng độ cồn cần thiết (20 độ, 30 độ rồi đến 40 độ).

Thương hiệu Cointreau nay thuộc tập đoàn trứ danh Rémy Martin (ảnh chụp 21/11/2018)Reuters /Régis Duvignau

Với 40% nồng độ cồn, Cointreau được xem như là khá mạnh so với các loại rượu mùi chiết xuất nguyên chất (thường là 23% nồng độ cồn). Nguyên liệu chính của Cointreau là các loại cam đắng từ Brazil, Haiti hay Tây Ban Nha cũng như các loại cam ngọt của các nước miền nam Địa Trung Hải …..

Vào năm 1849, hai anh em Adolphe và Édouard-Jean Cointreau thành lập xưởng chưng cất rượu mạnh đầu tiên của gia đình Cointreau ở trung tâm thành phố Angers, trên đường Saint Aubin. Lúc đầu, họ thành công nhờ sản xuất guignolet, một loại rượu mùi trái anh đào (cherry /cerise). Mãi đến năm 1875, rượu hương cam hiệu Cointreau đầu tiên mới được đóng chai và xuất xưởng. Công ty ngày càng được khuếch trương nhờ làm ăn phát đạt, các xưởng chiết xuất được dời về một lần tại bến sông Maine. Mãi tới năm 1969 tức cách đây đúng 50 năm, công ty Cointreau mới dời lần thứ nhì toàn bộ cơ sở hoạt động về vùng ngoại ô Saint-Barthélemy d’Anjou, cách trung tâm thành phố Angers, tám cây số về phía đông.

Vào cuối thế kỷ thứ 19, cam quýt còn được xem là những mặt hàng xa xỉ quý hiếm, nhập khẩu từ các xứ nóng, do vậy loại rượu hưong cam đã nhanh chóng trở thành một thức uống thời thượng. Kể từ khi sáng chế chai rượu hình vuông đầu tiên màu trái cam (1875) gia đình Cointreau đã thành công rực rỡ, nhờ vào một sản phẩm duy nhất nhưng cực kỳ ăn khách.

Trên thế giới hiện có khoảng hàng chục thức uống được pha chế với rượu mùi CointreauTuấn Thảo / RFI

Con trai của nhà sáng lập Édouard Cointreau cũng có tài kinh doanh khi sử dụng các phương tiện quảng bá hiện đại nhất thời bấy giờ. Cointreau trở thành một trong những công ty hợp tác với hai anh em Auguste và Louis Lumière quay những bộ phim đầu tiên trong lịch sử ngành quảng cáo, họ cũng nằm trong số những nhà kinh doanh đầu tiên đăng ký nhãn hiệu cầu chứng (1885).

Nhân kỳ Hội chợ Triển lãm Toàn cầu tại Paris năm 1889, Cointreau đoạt huy chương vàng đầu tiên, mở đầu cho hàng loạt giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế. Nửa thế kỷ sau ngày được thành lập, Cointreau được công nhận là một đặc sản ẩm thực vùng “Maine et Loire” với hơn 300 giải thưởng khác nhau. Nhờ vậy, rượu Cointreau càng được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Được sát nhập vào tập đoàn Rémy Martin kể từ năm 1990, công ty Cointreau hiện sản xuất khoảng 15 triệu lít rượu hàng năm, tương đương với 22 triệu chai Cointreau (dung lượng mỗi chai là 70cl). 90 % khối lượng sản xuất chủ yếu dành cho xuất khẩu. Cointreau đặc biệt nổi tiếng ở Bắc Mỹ với 40 % thị phần là Hoa Kỳ và Canada. 29 % lượng xuất khấu là sang châu Á Thái Bình Dương, 31 % còn lại chủ yếu là các nước châu Âu, Nam Phi và Trung Đông …..

Thực khách thời nay ít dùng Cointreau nguyên chất, mà thường uống pha loãng hay pha chế thành cocktail Tuấn Thảo / RFI

Hầu hết các thực khách thời nay khi thưởng thức Cointreau ít khi nào uống nguyên chất do rượu đặc khá ngọt, mà thường pha loãng với nước đá hay pha chế thêm nhiều thành phần khác với rượu Cointreau. Nhờ có vị thơm ngát của vỏ cam, nên Cointreau thường là nguyên liệu hấp dẫn để pha chế những ly cocktail làm mê mẩn thực khách nào thích những nốt hương trầm nồng nàn.

Thời nay, dòng sản phẩm của Cointreau càng trở nên đa dạng để thích hợp với khẩu vị của giới sành điệu nói riêng, người tiêu dùng nói chung. Kiểu chai "L’Unique" (Độc nhất) dành cho những người thích gu truyền thống. Loại sản phẩm "Noir" kết hòa quyện hợp nét tươi mát của hương cam với hương vị mịn màng của cognac, loại này chủ yếu dành cho những thực khách nào không thích uống rượu mạnh có nhiều vị ngọt. Cuối cùng là dòng sản phẩm "Rouge Sanguine" (Blood Orange) chủ yếu nhắm vào phái nữ với hương vị đậm đà tươi thắm, màu cam huyết đỏ thẫm như niềm đam mê trong mạch máu.

No comments:

Blog Archive