Vẫn Còn Có Người Tốt
Buổi sáng Chủ Nhật tôi đến chùa Huệ Quang làm công quả. Tôi giúp chùa trồng những chậu hoa hồng Knockout mà các Phật tử mua về để trang trí trong ngày lễ Phật Đản đã bỏ thành đống ở một góc sau chùa. Trồng những gốc hoa hồng trước cổng chùa vừa xong, tôi dọn dẹp cuốc xẻng đem vào nhà kho. Đi ngang qua lối mòn sau chánh điện, tôi nghe tiếng có người gọi:
- Hey... Hey... You... You...
Người gọi tôi là một người đàn ông da trắng độ chừng năm mươi tuổi. Đầu tóc rối bù, quăn và dài. Râu ria lởm chởm. Quần áo nhếch nhác dính đầy những vết sơn. Ông mang đôi dép mòn đi tới bên tôi rồi nói:
- Chào ông bạn. Mai nay tôi phải lái xe đến Hopewell để đi làm, nhưng xe của tôi hết xăng. Tôi không có tiền đổ xăng để đi làm. Nãy giờ tôi xin những người quanh đây được vài đồng. Ông bạn có thể cho tôi một ít tiền không?
Tôi đưa mắt nhìn người đàn ông. Nhìn những cậu trẻ đang nghỉ ngơi sau khi giúp chùa làm công quả. Thấy tôi chần chừ, cậu Bảo, một Phật tử trong nhóm người giúp chùa làm công, tưởng tôi không hiểu tiếng Anh giải thích:
- Ông ta xin tiền đó Chú. Chú có tiền lẻ cho ông ta vài đồng. Có thì cho còn không thì thôi. Chúng cháu mới cho vài đồng, nhưng ông ta còn xin thêm.
- Cám ơn cậu.
Tôi quay qua người đàn ông xin tiền, nói:
- Tôi không có tiền trong người. Nhưng ông bạn muốn đổ xăng để đi làm thì chờ tôi chút. Xe tôi đậu bên sau chùa cũng gần hết xăng, tôi sẽ giúp ông.
Tôi đem cất cuốc xẻng vào nhà kho. Rồi tôi đi vào nhà bếp, phía sau chùa, để tìm vợ tôi. Tôi vào bếp, nói với vợ:
- Bà à, xe gần hết xăng, tui đi đổ xăng nhé. Bà có đói thì ăn cơm cùng với các Phật tử khác, đừng chờ tui.
- Gần tới giờ cơm trưa rồi. Ăn xong rồi đi cũng được.
- Thôi được rồi. Tui chưa đói. Bà có đói thì ăn trước. Tui đi chút xíu rồi về.
Nói chưa dứt câu, tôi chạy vội ra xe. Người đàn ông khi nãy đang trong xe đợi. Tôi nói với ông ta:
- Gần đây có một cây xăng. Ông chạy theo sau xe tôi tới trạm đổ xăng tôi sẽ giúp ông.
Tôi lên xe và rồ máy chạy đến một trạm đổ xăng gần chùa. Tắt máy xe, tôi đến cây xăng đút thẻ tín dụng vào, bấm số, rồi nói với người đàn ông:
- Tôi đã trả tiền rồi. Ông tự đổ xăng vào bình đi nhé.
- Cám ơn người anh em. Chúa sẽ phù hộ cho anh. Tôi có thể đổ đầy bình được không?
- Vâng, ông cứ đổ đi.
- Tôi dùng xăng 93 được chứ?
- Ờ... Cũng được.
Nhìn chiếc xe bán tải hiệu Ford cũ mèm vậy mà ông lại đổ xăng 93, tôi lấy làm lạ. Nghĩ bụng "xe mình cũng còn mới hơn xe của ông ta, nhưng hồi nào giờ chỉ dùng xăng 87. Vậy mà ông ta lại đổ xăng 93."
Để cho người đàn ông tự bơm xăng. Tôi trở lại xe của mình để đổ xăng. Trong lúc chờ cho xăng đầy bình, ông ta đến bên tôi. Ông nói:
- Cám ơn người anh em nhé. Mà ông anh còn đi làm hay đã về hưu?
- Tôi đã về hưu được vài năm. Còn ông? Khi nãy ông nói ông đi Hopewell làm việc ngày mai. Mà ông làm gì?
- Tôi là thợ sơn.
- Thợ sơn à? Sơn trong nhà hay bên ngoài?
- Tôi sơn tất cả. Nhưng lúc này việc làm khó khăn. Nên lúc có lúc không.
- Ông có business card gì không? Nếu tôi biết ai cần thợ sơn, tôi sẽ giới thiệu giùm ông.
- Không, tôi không có. Nhưng ông anh chờ tôi chút, để tôi viết cho. Khi nào ông anh cần tôi sơn nhà hay biết ai, làm ơn giúp giùm tôi nhé.
- Vâng.
Ông trở vô trong xe, lấy quyển tập giấy học trò và cây bút viết tên và số điện thoại. Trong lúc chờ ông viết, tôi đưa mắt nhìn vào bên trong. Bên trong xe khá bề bộn những hộp giấy đựng thức ăn, vỏ lon, chai nước, nằm ngổn ngang dưới sàn xe. Ông viết xong, xé một nửa tờ giấy, ra khỏi xe và đưa cho tôi. Cầm tờ giấy trên tay với nét chữ nguệch ngoạc. Tôi đọc:
- Gabriel Jacobs. Painter. (804) XXX-XXXX......
- Vâng! Gabriel, tên tôi. Còn tên ông anh?
- Pete Nguyen.
- Xăng đã đầy bình. Cám ơn ông anh Pete Nguyen nhé. Chúa sẽ phù hộ cho ông anh. Chào tạm biệt ông anh.
Tôi cầm tờ giấy có tên và số điện thoại của ông Jacobs bỏ vào hộc xe rồi chạy về lại chùa. Đậu xe ở bãi sau nhà chùa, tôi đi vào phòng sinh hoạt, sau chánh điện, để dùng cơm trưa. Cậu trai trẻ khi nãy thấy tôi trở vào, cậu hỏi:
- Chú đổ xăng cho ông ta rồi hả? Hết bao nhiêu vậy chú?
- Hơn năm mươi đô.
- Trời hơn năm mươi đô luôn hả. Nhiều vậy.
- Ừa, coi như làm phước. Giúp người ta có công ăn việc làm mình cũng vui đó mà.
- Chú tốt quá.
Chúng tôi đang nói chuyện thì vợ tôi từ trong bếp đi ra hỏi:
- Ông đi đổ xăng về rồi hả? Thôi đi rửa tay, ăn cơm rồi chở tui dìa. Tranh thủ dìa sớm để tui ngâm bột đổ bánh bèo tuần tới thằng Hai chở mấy đứa cháu xuống chơi có mà ăn.
- Ừa. Tui đi vô restroom rửa tay ăn cơm rồi chở bà dìa.
Ăn cơm trưa ở chùa xong, tôi lái xe chở vợ về nhà. Vừa về đến nhà, vợ tôi đi một mạch vô trong phòng, đóng cửa lại nghe rõ tiếng rầm. Tôi lắc đầu rồi bỏ ra sau vườn làm cỏ cho đám rau. Làm cỏ đến xế chiều, tôi trở vô nhà rửa tay để chuẩn bị ăn cơm. Vừa bước vô nhà, tôi thấy mặt vợ tôi hầm hầm. Tôi hỏi vợ:
- Bà hôm nay sao là lạ. Bộ bà có chuyện gì hả? Từ lúc ở trên chùa về tui thấy mặt bà hầm hầm. Ai chọc bà giận?
- Thì ông chứ ai.
- Tui à? Mà tui làm gì mà bà giận?
- Tui nghe thằng Bảo nói lúc nãy ông đi đổ xăng ông đổ luôn cho ông già nào đó.
- Ừa thì tui thấy người ta cần giúp, nên giúp họ làm phước thôi có gì mà bà giận.
- Tui giận là giận cái tánh của ông kìa. Lần nào cũng bị người ta gạt mà cứ đưa đầu đưa cổ cho người ta gạt.
- Thôi đi bà ơi ai mà gạt được tui.
- Không gạt mà ông đổ xăng cho người ta tới năm mấy đồng.
- Thì tui nói với bà rồi. Làm phước thì được phước báo.
- Tại sao ông không cho người ta vài đồng cho phức, bày đặt giúp người ta đổ xăng hơn năm chục bạc. Bộ mình giàu lắm sao? Tiền hưu của hai vợ chồng một tháng có một ngàn mốt. Tháng nào hết tháng đó đâu có dư bao nhiêu mà cho người ta tới năm chục. Cái mũ có mười đô ông cũng không dám mua để đội vậy mà đổ xăng cho người ta hơn năm chục biểu sao tui không giận chứ.
- Thôi mà, coi như làm phước đi. Mà mình có cho họ năm chục mình cũng đâu có thiếu thốn gì.
- Tui tức vì ông dễ bị người ta dụ. Bộ ông không nhớ lần trước sao? Lần trước không có tui ông cũng móc bóp cho tiền người ta. Cái bà già đó xin tiền đổ xăng mà người nồng nặc mùi rượu, vậy mà ông còn định cho. Tui thấy ông móc bóp ra mới hỏi bả là xe ở đâu để tui chạy lại đổ xăng cho thì bả bỏ đi thiệt nhanh như ma đuổi. Ông không nhớ sao?
- Thì tui đâu có cho tiền người ta. Tui đổ xăng xe mình rồi tiện đổ cho người ta luôn chứ đâu cho tiền.
- Nói chuyện với ông mệt quá. Người ta chỉ cho một vài đồng. Ông đổ cho luôn hơn năm chục bạc. Giàu quá mà.... Để coi… được một lần, họ sẽ tới lần nữa cho mà coi. Lúc đó tui coi ông bị họ gạt ra sao.
Nghe vợ cứ càm ràm chuyện tiền bạc. Tôi bực mình la lớn:
- Thôi đủ rồi. Tiền... Tiền... Cho có năm chục bạc mà bà cứ hoạnh hoẹ tui mệt quá. Đã lỡ cho rồi thì thôi.
- Không phải tui tiếc năm chục, nhưng ông cho không đúng người. Ông cho một lần rồi người ta ăn quen cứ lại chùa xin miết người ta nói mình chết. Lần trước ông đổ xăng cho con bé mất bóp ở tiệm 7 Eleven tui đâu có nói ông tiếng nào. Vì con bé nó mất bóp thiệt nó cần tiền đổ xăng để về nhà. Còn cái ông già đó ở đâu không biết chạy tới chùa xin tiền đổ xăng. Hỏi có vô duyên vô cớ không chứ...
- Thì tui nói với bà rồi. Ông già đó ổng cũng cần mình giúp ổng để ổng đi làm kiếm tiền chứ có lừa gạt gì đâu.
- Thôi tiền của ông ông muốn làm gì thì làm. Người gì kỳ cục. Một chai nước ngọt có một đồng mấy cũng không dám mua uống mà cho hơn năm chục không thấy tiếc. Tui hết biết đường với ông luôn. Tui dọn cơm cho ông rồi đó. Ông tự ăn đi. Tui đi vô phòng. Ở đây thấy mặt ông dễ gây lộn.
Bà vợ tôi nói một hồi rồi bỏ vô phòng dành cho khách, đóng cửa lại. Tôi ngồi ăn cơm một mình. Ăn cơm xong, tôi dọn dẹp, rửa chén, rồi cũng vô phòng ngủ chép kinh Phật. Từ lúc về hưu cho đến nay ngoài những lúc trồng hoa, rau, củ ở ngoài vườn ra, tôi lên chùa làm công quả và chép kinh Phật. Cuộc sống của hai vợ chồng già tạm ổn và bình yên nhờ thằng con trai mua cho căn nhà nhỏ hai phòng ngủ ở ngoại ô này sống qua ngày qua tháng. Tiền hưu trí của hai vợ chồng già đủ trả tiền ăn uống, bill bộng, và chi tiêu lặt vặt. Tiện tặn còn dư chút đỉnh gởi cho bà con bên Việt Nam hoặc cúng dường cho chùa. Tôi thấy cuộc sống như vậy cũng đủ, nên không thích bon chen đây đó. Lâu lâu con cái ghé thăm cũng hạnh phúc lắm. Nghĩ đến đó, tôi qua phòng bên, gõ cửa gọi vợ:
- Bà ơi... Về phòng ngủ chứ ở bên này làm gì?
- Ông đi ngủ đi. Tui ở bên đây coi phim...
Tôi im lặng trở về phòng và tiếp tục chép kinh cho đến khuya. Lúc buồn ngủ thì leo lên giường ngủ một giấc cho tới sáng.
Cuối tuần, thằng con trai chở con dâu và mấy đứa cháu nội xuống thăm hai vợ chồng già. Bà xã tôi còn giận chuyện tôi cho tiền ông Jacobs đổ xăng, nên theo con trai qua nhà nó ở, để tôi ở nhà cả tuần lễ.
Không có vợ ở nhà, tôi cũng lười đến chùa một mình. Tôi ở nhà chăm sóc cây cỏ, chép kinh kệ, tự nấu ăn. Hơn một tuần thì vợ tôi mới nguôi giận và trở về nhà. Sau khi con trai tôi chở mẹ về nhà, nó đi rồi tôi mới gọi vợ lại nói:
- Bà ơi, mấy tuần rồi mình không đến chùa. Thôi bà nghỉ ngơi chút rồi tui chở bà qua chùa. Lâu không qua tui thấy nhớ. Bà có nhớ không?
- Tui cũng nhớ. Thôi để tui thay đồ rồi hai vợ chồng cùng đi.
Tôi lái xe chở vợ đến chùa. Vừa đậu xe ở bãi sau xong, hai vợ chồng chúng tôi lên chánh điện lạy Phật. Xong, chúng tôi xuống phòng sinh hoạt bên sau chùa để gặp những người bạn già trong chùa. Vừa gặp chúng tôi, cậu Bảo liền nói:
- Chào chú. Mấy tuần nay chú không đến chùa. Cái ông hôm trước chú đổ xăng cho cứ tới tìm chú miết.
- Đó tui nói không sai mà. Chắc ông ta ăn quen rồi...
- Dạ con nghĩ chắc ông ta không tới xin nữa đâu cô. Con thấy ổng ăn mặc sang trọng và lái chiếc xe mới lắm chứ không có xe cà tàng như hôm nọ.
- Bà lúc nào cũng vậy. Từ từ, biết đâu ông ta tới trả ơn cho tui thì sao?
- Ờ.... Ở đó mà trả ơn. Ông đang mơ? Mơ ổng trúng số rồi tới trả ơn cho ông chắc.
- Mệt bà quá. Không nói chuyện với bà nữa. Để tui ra coi hàng bông hồng hôm nọ tui trồng giúp chùa ra sao còn hay hơn.
- Ông đi đâu thì đi đi chứ mệt khoẻ gì...
Tôi bỏ bà vợ ở đó. Đi dạo quanh sân chùa. Những khóm hoa hồng đỏ tôi trồng mấy tuần trước héo khô nằm ngổn ngang ở một góc sau chùa. Ấy vậy mà hôm nay đã tươi tốt lên hẳn. Những bông hoa hồng đỏ rực đang mỉm cười trong nắng gió. Mùi thơm của hoa hồng dìu dịu cho tôi một cảm giác thật dễ chịu và khoan khoái. Tôi hít sâu vào buồng phổi hương thơm của những đóa hoa đang khoe sắc. Đang đi dạo quanh chùa và hít thở không khí trong lành thì cậu Bảo dẫn một người đàn ông đến. Nhìn ông tôi ngờ ngợ. Ông ta đến bên tôi, ôm chầm lấy tôi, hỏi:
- Mr. Pete Nguyen, người anh em. Anh nhớ tôi chứ?
- Mr. Jacobs? Ông nhìn lạ quá. Chỉ mới ba tuần lễ...
- Vâng. Ba tuần. Ba tuần nay, Chủ Nhật nào tôi cũng đến nơi đây tìm người anh em đã giúp tôi. Người ân nhân của tôi...
- À... Ông.... Ông Jacobs tìm tôi có việc gì sao?
- Ồ... Không. Tôi tìm người anh em để cám ơn ông anh đã giúp tôi đổ bình xăng hôm nọ. Nhờ bình xăng đó tôi lái xe đến thị trấn Hopewell làm việc. Sau khi sơn nhà xong, tôi nhận được một trăm rưỡi. Tôi ghé vào cây xăng trên đó mua két bia, gói thuốc và mua mười đồng vé số Mega Millions. Kết quả là tôi trúng được một triệu. Tôi đến để cám ơn người anh em và tặng Mr. Pete Nguyen món quà.
- Ồ! Tuyệt vời... Chúc mừng ông nhé ông Gabriel Jacobs. Cám ơn ơn ông còn nhớ đến tôi. Nhưng nếu ông muốn tặng, ông có thể tặng cho chùa được không?
- Vâng, tất nhiên. Tôi trích ra một phần để dành cho người anh em đã giúp tôi. Số tiền đó thuộc về người anh em này. Ông muốn làm gì thì tôi sẽ làm theo ý của ông anh thôi.
- Cám ơn ông Gabriel Jacobs. Phật sẽ phù hộ cho ông.
Ông Jacobs đưa cho tôi một phong bì, tôi nghĩ bên trong chắc là tiền mặt. Tôi cầm số tiền đó đi vào chánh điện và bỏ vào thùng phước sương của chùa. Xong, tôi trở lại phía sau hội trường tìm vợ và gọi vợ về nhà. Thấy tôi tủm tỉm cười, vợ tôi hỏi:
- Hôm nay ông có việc gì mà cứ tủm tỉm cười miết vậy?
- Thì có chuyện vui mới cười.
- À cái ông xin tiền đổ xăng hôm nọ tìm ông làm gì vậy? Có xin thêm tiền của ông không?
- Bà này... Bà nói y như thầy bói. Ổng trúng số Mega nên đem tiền tới trả ơn cho tui.
- Trúng số? Ông giỡn hả?
- Không tui nói thiệt. Hôm Chủ Nhật đó, sau khi tui đổ xăng giúp ổng. Thứ Hai ổng đến thị trấn Hopewell sơn nhà cho người ta. Nhận tiền công xong ổng mua tờ vé số Mega trúng lãnh được mấy trăm ngàn, nên mấy tuần nay ổng đến chùa tìm tôi để đền ơn, nhưng mình không đến chùa hai tuần Chủ Nhật rồi. Hôm nay gặp tui ổng đưa cho tui bì thơ dày cộm. Tui nghĩ chắc là tiền.
- Rồi bì thơ đâu?
- Tui đem cúng chùa rồi.
- Trời! Rồi ông có mở ra coi bao nhiêu không?
- Mở ra chi? Mình làm phước thì đâu cần báo đáp phải không bà?
- Thì ít nhứt ông cũng mở ra coi họ cho bao nhiêu chứ?
- Thôi... Coi như mình cúng chùa làm phước cho con cháu. Mình ở hiền thì gặp lành thôi phải không bà?
- Ừa đành vậy.... Nhưng....
- Thôi không nói chuyện đó nữa. Tối nay bà đừng ngủ bên phòng khách nữa nhé?
- Ừa. Tui cũng… ngủ không được.
Hai vợ chồng tủm tỉm cười từ đoạn đường từ chùa về nhà. Trời trong xanh. Lòng thanh thản. Đôi lúc có những niềm vui nho nhỏ theo ta đến suốt đời.
Võ Phú
No comments:
Post a Comment