Những Vết Sẹo Của Tôi
Tố Nguyễn
Năm nay trời Nam Cali mưa nhiều và khá lạnh suốt mấy tháng dài. Khi tìm những bộ áo ấm trong tủ, tôi lại nhận ra mình có nhiều áo đầm tay ngắn, kiểu áo mà hơn mười năm trước tôi không bao giờ mặc vì sợ mọi người trông thấy vết sẹo của mình.
Chuyện là,khủy tay tôi có một vết sẹo to, trông như một gốc cây già nua chằng chịt rễ, hậu quả của lần té ngã khi tôi lên sáu tuổi. Cái ngày "định mệnh" ấy, nhà tôi có bà cụ khách ở quê ra thăm. Hôm đó bà ngoại ra chợ và để tôi ở nhà với cụ. Lâu lâu lên tỉnh, cụ khách thích ngồi sát bên cái máy radio nghe hát cải lương nên tôi cứ tha thẩn một mình.
Thuởu nhỏ, tôi rất hay "xích mích" với bạn bè. Trước đó vài ngày, tôi có cãi cọ với hai anh em cô bạn nhà sát vách. Đã có “kinh nghiệm” từ nhiều cuộc gây gổ trước, tôi hiểu "hai đánh một không chột cũng què", nên ấm ức biết mình không thể làm gì được anh em họ.
Tôi cứ đi ra đi vô nghĩ kế "phục thù". Nhà ấy có cây khế sà qua sân nhà tôi, trái đầy cành cứ đong đưa trong gió. Nhìn dáo dác không thấy bóng ai, tôi bèn leo lên vặt hết khế già khế non mà ném xuống đất "cho bõ ghét".
Sau khi đã hả hê với màn "giận cá chém thớt" của mình, tôi chuyển qua cây chùm ruột kế bên. Một tay tôi bám vào nhánh cây, tay kia rướn lên định ngắt chùm trái vàng tươi như đang "mời gọi". Bỗng trong tích tắc "rắc, rắc", nhánh cây gãy gọn, tôi rớt như một "bịch muối" xuống nền sân xi măng đau điếng. Khi "hạ cánh", tôi đã chống tay xuống trước nên tay bị gãy lìa ngay khớp. Tôi ôm cánh tay đau chạy thẳng ra sau nhà, nằm đợi bà ngoại về rồi thiếp đi, bên tai văng vẳng câu vọng cổ ". . . nơi chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà…"
Khi về đến nhà, bà ngoại hoảng hốt ôm tôi ra đường, vẫy xe đi nhà thương. Lên phải chiếc xe lôi của một ông phu xe già yếu, bà nóng ruột trả tiền rồi nhảy xuống ôm tôi chạy bộ đến nhà thương cách đó hơn 2 cây số. Khi đưa tôi được đến phòng cấp cứu thì bà cũng ngất xỉu luôn...
Chữa trị ở tỉnh được vài tuần thì vết thương bị nhiễm trùng. Tôi “được” chuyển lên nhà thương “Nhi Đồng” ở Sài Gòn, nằm lại đó hơn hai tháng. Phòng bệnh của tôi có khoảng 8 giường, thời ấy mỗi em nhỏ còn được nằm một giường chứ không bị chen chúc như bây giờ.
Tôi được coi là "có ăn có học" trong phòng, các bạn kia dù lớn tuổi hơn nhưng nhà nghèo lại ở thôn quê, chưa từng đi lớp đi trường. Đối diện giường tôi là một bạn nhỏ bị gãy chân đến từ miền biển Phan Thiết, người mẹ phải mang theo cả ba đứa em nheo nhóc vì ở nhà không ai trông.
Đến bữa cơm, cả nhà bạn nhỏ ấy lại lôi ra hũ mắm "giấu" dưới sàn giường, rồi bốn mẹ con ngồi chan chan gắp gắp cùng chén canh nhà thương “miễn phí”-vốn luôn chỉ lỏng bõng vài miếng cải xanh. Tôi vẫn còn nhớ những gương mặt sạm đen, chỏm tóc lơ thơ cháy nắng, những cánh tay khẳng khiu của mấy mẹ con nhà ấy, nhớ cái mùi mắm mặn như những giọt mồ hôi của người dân biển khốn cùng.
Suốt hơn hai tháng ở nhà thương, mỗi buổi sáng đều có lịch chích “thuốc trụ sinh”, là điều mà cả đám bệnh nhân con nít rất sợ nhưng không sao tránh khỏi. Cứ nghe tiếng chiếc xe đẩy kim tiêm ống thuốc leng keng ngoài hành lang là tôi đã oà lên khóc trước. Rồi thì cả dàn "đồng ca" của các anh chị em "sứt tai gãy gọng" khác cùng ứng lên theo sau!
Sau ca mổ sắp xếp lại xương, tôi tưởng đã qua những đau đớn, thì lại phải một tuần 3, 4 ngày đi tập co duỗi cánh tay. Sau một thời gian dài băng bột cứng ngắc, giờ mỗi một lần co tay lại, tôi nghe như cái đau nhói lên tận óc.
Tôi phải tự nghĩ ra cách để vượt qua nỗi sợ hãi của mình. Mỗi lần thấy tấm bảng "phòng vật lý trị liệu" hiện ra trước mắt, tôi phải nhủ lòng "sẽ rất đau, nhưng rồi cũng sẽ qua mau thôi " để tự khích lệ mình.
Nhờ siêng năng tập, cánh tay gãy của tôi đã trở lại hoạt động bình thường. Có điều tay tôi giờ bị cong kiểu "cán vá" và vết sẹo mổ thì thật là to, đỏ bóng như con tôm luộc nằm vắt ngang cánh tay nhỏ bé của tôi.
Kể từ ngày ấy, tôi luôn muốn che giấu cái khuỷ tay xấu xí. Tôi luôn mặc những chiếc áo tay dài. Mỗi khi vô tình tay áo phất phơ bay lên, tôi lật đật kéo xuống ngay. Tôi luôn nằm mơ thấy một ngày đẹp trời tôi thức dậy và thấy cánh tay mình lành lặn như xưa.
Đến tuổi biết làm điệu, tôi lại càng muốn giấu cái sẹo xấu xí kia. Khoảng những năm 2000, ở Sài Gòn cứ giở báo ra là thấy các mẩu rao vặt:"Tuyển nhân viên, có ngoại hình, cao trên 1m6" dù là cho những công việc văn phòng. Tôi cuống cuồng chạy theo cái xã hội chú trọng về hình thức, luôn thấy không thoải mái về vẻ ngoài của mình, nhất là về vết sẹo trên tay.
Cho đến ngày tôi được Ba bảo lãnh sang Mỹ…
Buổi sáng đầu niên học tôi đến trường bằng xe bus, phía sau tôi là một anh khoảng 30 tuổi, ngồi xe lăn. Thấy anh di chuyển chiếc xe khó nhọc, tôi tiến đến và ngỏ ý muốn giúp. Anh gật đầu cảm ơn, chúng tôi chào tạm biệt nhau sau khi rời khỏi trạm xe. Không ngờ khi vào đến lớp, tôi lại thấy anh loay hoay tìm chỗ ngồi.
Đó là lớp "Communication & Public Speaking" tôi lấy chỉ cho đủ “credits” chứ không bắt buộc. Trong lớp tôi có đầy đủ độ tuổi, ai cũng háo hức tự giới thiệu về mình. Lúc bấy giờ tôi mới biết anh bạn ngồi xe lăn kia tên Tom, bị liệt cả hai chân sau một tai nạn năm 15 tuổi. Tom luôn tỏ ra rất lạc quan, luôn khiến những người xung quanh yêu mến về tài ăn nói dí dỏm của anh.
Tuy ngồi xe lăn, nhưng lúc nào đến lớp Tom cũng ăn mặc rất tề chỉnh, mặt mũi râu tóc luôn được chăm sóc kỹ càng. Mỗi khi đến lượt Tom lên diễn giải, cả lớp nhìn anh với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Những giây phút ấy, chúng tôi hoàn toàn không còn thấy hai cẳng chân nhỏ thó yếu ớt của Tom, mà chỉ thấy gương mặt sáng ngời và chăm chú theo câu chuyện đầy cuốn hút của anh. Tôi nhớ hoài câu kết trong bài “final” của Tom, tạm dịch là: "Không ai để ý đến khiếm khuyết của bạn nhiều bằng chính bạn. Khi giao tiếp, bạn hãy dùng tình cảm chân thật, tất cả lòng nhiệt tình của mình, chắc chắn bạn sẽ được lòng người đối diện. ”
Chúng tôi cũng được dạy về tấm gương thành công của bà Oprah Winfrey và nhiều người nổi tiếng khác. Nhưng trên tất cả, bài học từ Tom đã làm tôi như sực tỉnh sau giấc ngủ mê.
Mùa hè năm ấy, lần đầu tiên tôi mặc áo ngắn tay đi dạo. Tôi ra bờ biển, cười tươi gật đầu chào đáp lễ những người đi ngược chiều. Tôi vào quán cà phê đông đúc, đứng xếp hàng, mọi người cũng chào nhau vui vẻ, không một ai nhìn vào cái sẹo to bự của tôi. Tôi đi khu thương xá, thử một chiếc váy đầm xinh xắn, xoay qua xoay lại trước gương. Tôi thấy vết sẹo và cái tay cong không hề làm giảm cái đẹp của chiếc áo tôi đang mặc. Tôi biết mình đã thay đổi.
Thay vì khổ sở nhịn ăn vì tạng người vốn khá "bụ bẫm" của mình, tôi tìm đến phòng gym, tập luyện cho mình sức khoẻ và sự dẻo dai, không còn đem mình ra so sánh với những người mẫu "mình hạc xương mai" lấp lánh trên bìa báo.
Mỗi khi cần đến làm việc với những văn phòng, công sở, tôi không còn thấy hình ảnh những cô lễ tân "chân dài" cười ỏn ẻn như những “bình hoa di động”. Thay vào đó, tôi thường những nụ cười nồng ấm, nhiệt tình của đủ mọi sắc tộc, màu da.
Tôi thấy câu "Ốm đẹp, Mập dễ thương, Cao sang, Lùn quý phái" -mỗi người mang một vẻ đẹp riêng. . thật đúng trên đất nước tôi đang sống. Những người bạn đồng nghiệp của tôi với đủ sắc tộc, màu da, kích cỡ. Họ đến sở làm với gương mặt tươi tắn, quần áo gọn gàng. . . dù là ở “size” nào. Thật khác xa với những cô, những chị mà tôi quen biết ở Việt Nam, những người luôn u sầu ủ dột về màu da, chiều cao, cân nặng của mình.
Khí hậu mát mẻ trong lành nơi vùng Bắc Mỹ làm cho vết sẹo của tôi có màu nhạt hơn, không còn đỏ bóng như trước. Tôi không còn thấy phiền lòng về "bạn sẹo" trên tay.
Nhưng tôi còn một vết sẹo khác thật không dễ mà lành lặn:vết sẹo trong tâm hồn của một bé con thiếu vắng bóng cha.
Tôi ghét lắm câu hát ầu ơ "gió đưa bụi chuối sau hè"… vì nó nhắc tôi rằng Ba đã “bỏ quên” tôi sau khi "vượt biên" đến miền đất hứa. Tôi luôn có những giấc mơ thật buồn thời thơ ấu, giấc mơ về một ngày "trời mưa bong bóng bập bồng…” Trong mơ, tôi thấy mình đứng nép bên góc cột nhà, nước mắt chảy dài nhìn mẹ tôi ôm “em bé”, khi ông bà ngoại tôi cũng xúm xít xung quanh, quên mất tôi đang đứng khóc một mình…
Hay lo sợ, tưởng tượng sẽ bị ông bà và mẹ "bỏ quên", tôi luôn muốn mình được là "ưu tiên một". Tôi đã là một cô bé rất "khó chìu". Tôi bỏ bữa cơm nếu nhận ra món tôi yêu thích đã bị vơi đi một ít. Tôi quay ngược về nhà giữa buổi đi chơi nếu thấy mọi người không tập trung thăm hỏi về tôi. Tôi theo bà ngoại chia sẻ quần áo, đồ chơi cũ cho bà con ở quê nghèo khổ, nhưng tôi nhất định không cho cô bạn gần nhà mượn chiếc áo đầm đẹp của tôi dù chỉ một vài giờ.
Suốt thời thơ ấu, tôi hay mang vẻ mặt cau có nặng nề dù luôn được cả nhà chìu chuộng. Có những chiều ông ngoại chở tôi đi dạo trên chiếc xe đạp cũ, khi hai cha con “cán bộ" nhà kế bên "vi vu” lái chiếc xe Honda bóng loáng. Họ bấm còi, phóng vụt qua mặt hai ông cháu. Ông ngoại tôi loạng choạng chống chân, tôi hốt hoảng ôm chặt lấy tấm lưng gầy guộc của ông, nghe mắt môi tôi mặn đắng những tủi buồn. . .
Khi Ba tôi về tìm lại tôi sau nhiều năm xa cách, tôi vẫn thấy có một khoảng cách với Ba. Tôi vẫn giận Ba đã cho tôi những tháng ngày côi cút. Ba càng bù đắp cho tôi về vật chất, tôi càng tin rằng Ba đã "nợ" tôi nhiều. . .
Khi Ba mang tôi sang Mỹ, tôi phải làm lại, học lại từ đầu như một đứa bé con. Tôi gặp không ít những người chủ, người manager, khách hàng thẳng thừng trách mắng tôi khi tôi phạm sai lầm. Tôi đã một mình chạy ra bờ hồ, bờ biển và ngồi khóc. Tôi luôn thấy mình là người bất hạnh nhất trên thế gian này. Tôi đã hành xử theo kiểu, mỗi khi đạp phải một cái gai nhỏ xíu, tôi rút gai ra và tự đâm thêm nhiều nhát vào mình để cho mình thấy đau thật là đau. . .
Tôi như cánh chim non phải bay xa đất mẹ. Những mặc cảm về thân phận "nhập cư" nhược tiểu luôn là rào cản trên con đường tiến bước. Tôi thấy thật "đau" mỗi khi nói chuyện mà người Mỹ không hiểu ý của mình. Tôi loay hoay chật vật tìm chỗ đứng trong xã hội, gian nan gấp nhiều lần so với những người được sinh trưởng tại nơi đây.
Và rồi, nơi thế giới tự do này, tôi không còn bị những “firewall- "tường lửa" cản ngăn về tin tức như khi ở Việt Nam. Tôi bàng hoàng biết được lịch sử đau thương của dân tộc, về những đau khổ chia ly, về những chuyến đi không hẹn ngày về. Cho đến ngày tôi đọc được bức thư về chuyến vượt biển "định mệnh" của Ba, tôi mới thức tỉnh rằng, Ba tôi, gia đình tôi cũng là nạn nhân của “tháng tư đen”.
Năm tháng trôi nhanh, tôi được đi học, đi làm ở nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, từ giàu sang đến chật vật kiếm tiền để "ký check, trả bill", tôi thấy mình hay dân tộc mình không phải là người duy nhất có mang "vết sẹo". Tôi biết được chuyện đời của boss, của manager, của những khách hàng giàu sang…từ nhiều chủng tộc, màu da. . .
Đằng sau những nụ cười rạng rỡ, những lóng lánh xa hoa, tôi nhận ra họ cũng có những nỗi muộn phiền, trăn trở, những sợ hãi, “sân si” huân tập từ những năm tháng ấu thơ nghèo khổ, bị ngược đãi, kỳ thị về xuất thân, giới tính…Tôi gặp vài người bạn trạc tuổi tôi, nhưng đã trải qua bao giông bão trong chuyện hôn nhân, con cái. Tôi thấy “nỗi đau” của mình chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong sa mạc trầm luân của kiếp người. . .
Tôi đứng dậy, bằng tất cả sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó, tôi hết lòng với những người tôi gặp gỡ trên đường đời, cố làm hết sức cho những công việc được giao.
Tôi bắt đầu thấy mình được yêu thương và chấp nhận. Tôi thấy những đồng nghiệp, khách hàng của mình lắng nghe, yêu cả những "accent" trong lời nói của tôi. Tôi gặp được những người chủ, người thầy, người bạn luôn tận tình nâng niu, chỉ bảo…Cũng có những lúc tôi gặp phải sóng gió, cũng có lắm khi tôi lái xe giữa phố phường đông đúc mà thấy mình thật lạc lõng, bơ vơ, mắt cay cay nhớ luỹ tre xào xạc chốn quê nghèo. . . Nhưng rồi tôi cũng may mắn được những chỉ bày hữu ích để đứng lên và đi đúng hướng.
Tôi hiểu nước Mỹ không là thiên đường, nhưng nơi đây luôn có những cánh tay dang rộng, những nâng đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần. . và luôn có phần cho những người chăm chỉ, thiện lương bất kể sắc tộc màu da.Tôi luôn "tâm đắc" lời khuyên bảo chân tình của người thầy trong lớp học về luật thuế: "Chúng ta sống ở Mỹ, nơi ta có hàng ngàn cách lương thiện để có vật chất đủ đầy, nên chúng ta hoàn toàn không cần làm những chuyện "illegal - trái luật!"
Tôi không còn so đo, ghen tỵ. Tôi không cần phải lượt là, lộng lẫy, vì tôi hiểu mình sẽ luôn được yêu thương, quý trọng bởi những người thân thuộc và bao bạn bè "hiệp chủng quốc" quanh tôi. Tôi thấy hai nếp nhăn sâu thêm hai bên khoé miệng, vài sợi tóc "bạch kim" lấp ló ở thái dương, nhưng tôi không lo âu hay hoảng hốt. Tôi "mất" nét trẻ trung trong trẻo của cô thiếu nữ ngày nào, nhưng tôi "được" rất nhiều từ những năm tháng đã qua.
Tôi lại thấy mến vết sẹo trên tay mình, vì "bạn ấy" nhắc rằng tôi đã được gia đình mình yêu thương hết mực. Ông Bà Ngoại, Mẹ đã luôn ở bên cạnh chăm sóc cho tôi những ngày tôi bị vết thương hành hạ. Đặc biệt là Ba tôi, lần đầu gặp lại tôi với cánh tay vừa cong vừa bị sẹo, Ba rưng rưng nói: “Nếu bác sĩ có thể ghép da, Ba sẽ lấy da đùi Ba ghép vào, cho tay con đẹp lại như xưa!”
“Bạn sẹo” nhắc tôi chuyện "quả báo thấy liền": tôi bị té gãy tay ngay sau khi làm "điều xấu". ”Bạn sẹo” nhắc những ngày tập “co duỗi” tay đau điếng, nhắc tôi nên dũng cảm đương đầu, bởi vì những khó khăn, đau đớn chỉ là một "thời khắc" trong cuộc đời, rồi mọi việc sẽ ổn thôi!
“Bạn sẹo” cũng nhắc tôi về bốn mẹ con nơi nhà thương Nhi Đồng năm ấy. Hơn 30 năm sau, tôi mới biết khóc cho mâm cơm nghèo của họ, biết xót xa cho những trẻ thơ nghèo khó ngơ ngác giữa thị thành...
Nơi xứ sở mà tôi ngỡ như chỉ là chốn "tạm dung", tôi đã thật sự trưởng thành. Tôi đã không còn chỉ biết khóc cho mình. Tôi đã biết khóc cho Ba tôi, cho dân tôi, cho quê hương tôi về một thời tang thương ly loạn, khóc cho nỗi đau của những phận đời lưu lạc tha hương…
Tôi cũng thấy tấm gương đoàn kết, yêu thương để khôi phục quê hương của người Do Thái quanh tôi. Tôi sẽ kể cho con cháu tôi nghe về vết sẹo trong tim ba mẹ, trong tim ông bà, trong tim những người dân quê tôi đang vẫn phải tha phương cầu thực. Tôi luôn tin những bài học đau thương sẽ là hành trang cho cháu con tôi biết đi đúng đường ngay nẻo thẳng. Tôi tin một ngày nắng đẹp sẽ về, sẽ không còn đau khổ lầm than trên quê hương yêu dấu của tôi.
Và tôi hiểu được rằng, khi tôi biết yêu thương mình và biết cảm thông, trân trọng tha nhân, những vết sẹo của riêng tôi đã dần dần "liền thịt liền da”.
*
Chiều nay trời lại đổ mưa. Mưa đến rồi đi trong vội vã, giống như những cơn mưa rào mùa hạ ở quê tôi.
Tôi rời văn phòng, lái xe qua dãy đồi núi Burbank còn lãng đãng những áng mây màu xám… lòng mênh mang theo những vần thơ trong bài “Áo Xanh” của Bùi Giáng tiên sinh:
"Lên mù sương xuống mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
Tuổi thơ em có buồn nhiều
Hãy xin cứ để bóng chiều bay qua…”
Tố Nguyễn
No comments:
Post a Comment