Bổn phận và tự do
Bùi Bích Hà
“Tôi không chọn phá thai không vì gì khác mà vì có tự do, tôi chọn phương cách tốt hơn phá thai để tránh sự ghê tởm mình.”
Tại Mỹ, Thống Đốc Kay Ivey của Alabama hôm Thứ Tư, 15 Tháng Năm, 2019, ký ban hành đạo luật chống phá thai đầy tranh cãi và cứng rắn nhất Hoa Kỳ, mà theo đó, bác sĩ thực hiện thủ tục này có thể bị tù chung thân.
Trong hình, người biểu tình ủng hộ sự lựa chọn vì tự do sinh sản ở Montgomery, Alabama. (Hình: Seth Herald/AFP/Getty Images)
Báo chí sáng ngày Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, 2019, đưa tin kỳ thi tú tài Pháp năm nay đã mở màn với môn thi triết học. Có nhiều đề tài thú vị cho thí sinh chọn lựa, khiến tôi cũng bỗng dưng nôn nao như ngày nào chính bản thân mình cắp giấy bút đến trường thi.
Thử sống lại tâm trạng thời hoa niên tươi thắm ấy, tôi đọc một lượt tất cả các chủ đề, tâm đắc với ba gợi ý sau đây:
-Est-il possible d’échapper au temps? (Có thể nào trốn thoát được thời gian không?)
-Reconnaître ses devoirs, est-ce renoncer à sa liberté? (Một người ý thức về bổn phận có phải từ bỏ tự do của chính mình không?)
-La pluralité des cultures fait-elle obstacle à l’unité du genre humain? (Sự đồng nhất của nhân loại có bị thực tế đa văn hóa cản trở không?)
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi nghiêng về gợi ý số 2 vì hai chữ “tự do,” vốn là động cơ đẩy hàng triệu triệu người Việt Nam liều chết bỏ xứ ra đi bằng nhiều phương cách, liên lỉ suốt nhiều thập niên sau khi miền Nam bị quân đội miền Bắc cưỡng chiếm trưa ngày 30 Tháng Tư, 1975. Có vẻ như hai chữ “tự do” và “bổn phận” luôn được hình dung như hai chiếc xe hơi đụng đầu nhau trong một tai nạn lưu thông khó tránh.
Tự do như gió trời (trong nhạc Trịnh Công Sơn) không chấp nhận gò bó, trói buộc, trong khi bổn phận là những điều đến từ ngoại tại, áp đặt cho một người/nhiều người và ai cũng phải miễn cưỡng chu toàn để được cộng đồng chấp nhận.
Thông thường, bổn phận được nhìn như gánh nặng, thậm chí gông xiềng, trong thời khóa biểu hằng ngày của con người: đứa bé phải vâng lời cha mẹ, không được cãi dù có thắc mắc, phải đi học thay vì rong chơi, phải đi ngủ đúng giờ, không được chat với bạn hay bắn game thỏa thích, tùy tuổi tác phải giúp đỡ cha mẹ trong công việc nhà… Phản ứng tự nhiên là nó mong cho mau lớn, đủ 18 tuổi thì ra khỏi nhà, viện cớ đi học xa để thoát khỏi vòng kiểm tỏa của cha mẹ, tuy bổn phận không vì thế mà không tiếp tục đeo đẳng. Làm gì thì làm, tối tối phải điện thoại vấn an cha mẹ, kể chuyện đã thực hiện những gì để cha mẹ vui lòng hay chỉ đơn giản hỏi thăm chiếu lệ.
Bổn phận của vợ hay chồng là phải thủy chung với nhau, phải toàn tâm toàn ý dành hết thì giờ cho gia đình, thậm chí đánh mất mình kể từ giây phút bước vào hôn nhân. Bổn phận của bạn bè, đồng nghiệp với nhau phải luôn hòa nhã, nhường nhịn càng tốt để không gây mất lòng… Cứ thế mà suy ra.
Cả một đời cứ sống vì người khác, tuân thủ những luật lệ bắt đầu bằng chữ phải, tất nhiên cái “tôi” sẽ mai một nếu không nói quá là biến mất! Để cổ võ đường lối xử thế độc đoán này, các nhà luân lý/tâm lý học ra sức hô khẩu hiệu, đại khái như “cái tôi đáng ghét,” “cái tôi xấu xí, ích kỷ” trong khi cốt lõi cái “tôi” này ẩn hiện trong sâu thẳm con người và chi phối nó. Trong bóng tối vô thức, sự dồn nén do áp lực của những bắt buộc có khi nổ ra thành bệnh tâm thần.
Nói như vậy, chẳng hóa ra một xã hội càng tự do, con người càng ít bổn phận không chỉ với nhau mà cả với quá khứ và tương lai nữa ư? Lẽ nào? Tuy nhiên, xét bề ngoài, nghe nhiều lời than vãn đó đây (người lớn, trẻ con bây giờ tự do quá, ngụ ý chỉ sống theo sở thích cá nhân, xô đổ các hàng rào bổn phận, hủy diệt bào thai, bỏ cha mẹ già, ốm đau, vào viện dưỡng lão, ba tháng chưa thăm nom một lần!) thì thấy có vẻ như thế thật.
Vậy, câu trả lời cho đề thi Tú Tài Pháp năm nay sẽ là một câu ở thể khẳng định à? Chưa kể hiểu theo một nghĩa thông thường nhất, bổn phận còn phản chiếu mối tương quan nợ nần giữa các thành viên trong một cộng đồng, tự do chả lẽ là phủi tay quỵt nợ? Không có bổn phận với ai cả, thế nhưng bổn phận với bản thân thì thế nào?
Chẳng phải tự do là khả năng cao nhất làm nên phẩm giá của con người, là mục tiêu đẹp đẽ nhất của đời sống mà tạo hóa ban tặng cho con người từ lúc hoài thai trong bụng mẹ, đã biết quẫy đạp chân tay chứng tỏ sự sống của nó; từ thuở lọt lòng mẹ, đã tự biết há miệng kêu đòi dưỡng khí cho phổi để tồn tại! Tự do bẩm sinh tiềm ẩn ấy không thể mất đi trừ phi con người chối bỏ. Nó chính là một thứ bản năng như vàng ròng cần được tôi luyện để trở thành quý kim hay bỏ hoang để trở thành cỏ dại.
Từ quan điểm này, tôi hơi dị ứng với các biểu ngữ đòi tự do. Tự do có sẵn trong mỗi chúng ta, cần mỗi người ý thức nó, phát triển nó ngày càng tinh tấn hơn, xua đuổi sợ hãi, mở rộng nhận thức và cho con người đạt tới những lựa chọn tuyệt mỹ. Tự do không biết đến trói buộc vì nó ở ngoài, ở trên mọi trói buộc. Ngay cả khi tôi bị giam tù, tư tưởng tôi vẫn là mây bay và gió trời. Ngay cả khi tôi bị đói, chỉ có xác thân tôi tàn tạ, tôi vẫn no tự do vì không ai, không sự đày ải nào chà đạp được tư do trong tôi. Tôi chăm nom cha mẹ không vì sợ tiếng đời chê cười bất hiếu, không cảm thấy đó là gánh nặng người khác đặt lên vai tôi mà chính là tự do với vẻ đẹp của nó mở trí cho tôi chọn lựa tình yêu, sự công bằng, lòng biết ơn và bao dung. Tôi không chọn phá thai không vì gì khác mà vì có tự do, tôi chọn phương cách tốt hơn phá thai để tránh sự ghê tởm mình.
Bi kịch của con người ở chỗ con người là một thành tố xã hội, phải sống với người khác và có cuộc sống hữu hạn trong thời gian, không gian, kéo theo những giới hạn mà dù muốn, dù không, nó phải khép mình tuân thủ, có khi cọ sát đến rướm máu để biết dừng lại. Nếu rèn luyện đủ, thậm chí là tay cao thủ, con người biết sử dụng nhiều chiêu thức để thoát hiểm, không tránh né cũng không làm tổn thương mình/người để đạt mục tiêu của tự do.
Câu nói cửa miệng có lẽ từ một triết gia kinh qua cảnh ngộ này, là kinh nhật tụng trong xử thế cho nhiều người: “Khi không thể thay đổi một tình huống, hãy thay đổi cách nhìn,” “Khi không thể đánh thắng địch, hãy liên kết với chúng.” Liên kết với ý thức tự do không bao giờ là quy hàng hay về hùa mà để chủ động câu giờ, để tạm hòa với địch trong sự tỉnh táo, ở thế kề cận để biết rõ nhược điểm của địch, ngay cả để thuyết phục.
Tự do đúng nghĩa có sức mạnh vạn năng. Có cái mê đắm của một nhan sắc như rượu quý lên men với thời gian. Đã thực sự nếm trải, tự do là một kinh nghiệm thăng hoa tuyệt vời của riêng mỗi người và của mọi người, với sự tôn trọng tự do của nhau để cùng tiến bộ, cùng có cuộc sống tốt đẹp hơn, không đánh nhau nhân danh tự do vì đánh nhau là bản năng của thú dữ, không phải là biểu lộ của tự do.
Giá của tự do rất đắt và cao quý chính vì nó là hạnh phúc viên mãn của đời người, mỗi cá nhân phải tự tìm kiếm và khám phá nó để biết giá trị đích thật của nó, không bao giờ là quà tặng của bất cứ ai khác. Chẳng phải vô lý mà nhiều bậc cha mẹ giàu có ngày nay không để của cải nhiều cho con cái vì đồng tiền không tự tay kiếm được, dễ bị phung phí và lạm dụng. Có tự do rồi, bạn sẽ có cảm giác có tất cả, tuy rằng, tôi xin phép nhắc lại, bi kịch của đời người là tự do ấy giống như của con kiến bò trên miệng chén, có giới hạn trong tay tạo hóa nhưng miệng chén rộng hay hẹp, thơm tho hay tanh tưởi là công trình của kẻ thụ đắc.
Thử tưởng tượng ai đó vô cớ bị phỉ báng mà người ấy có tự do chọn lựa vượt qua hay qụy ngã dưới cơn bão này để vẫn an toàn, có phải là hạnh phúc tuyệt vời không? Thực tế là người đó không mảy may khác với chính họ, càng không là mình trong sự vu khống, có sao đâu mà phải tức tối, khổ tâm?
Thử tưởng tượng ai đó bị tình phụ, một khi họ có tự do để lựa chọn giữa bóng tối của sầu đau, oán thù và trí huệ tỉnh thức, hiểu được lẽ vô thường mà chấp nhận ngã rẽ, “đường dài hạnh phúc cầu chúc cho người” (và cho cả mình) thì cuộc đời vẫn vui như ong bay, cánh cửa này đóng lại, cánh cửa kia mở ra, có hơn không?
Thử tưởng tượng mình bị lừa hay bị trộm một số tiền lớn, chẳng phải lỗi tại mình u mê, ham lợi, cả tin, sơ xuất… hay sao? Rút kinh nghiệm và sửa mình thay vì thống trách mình, đau thêm tầng nữa, vô ích vì lại u mê cách khác thôi!
Trong mọi thứ quyền làm người, tự do là quyền lực cao nhất khi nó cho mình cuộc sống với phẩm giá và hạnh phúc, sức mạnh để tự bảo vệ mình vượt qua mọi sợ hãi và sự xúc phạm, trộm nghĩ thiên đường đâu có xa?
Trở lại đề thi Tú Tài Pháp năm nay, bổn phận là gánh nặng, là gông xiềng hay là lẽ công bằng, tình người, là thương yêu, là bao dung, thể hiện nhau hay loại bỏ nhau tùy ý thức xét đoán, ngay cả quyền ban phát nằm trong tự do của con người, câu trả lời cho bài luận của sĩ tử tú tài Tây năm 2019 sẽ tùy thuộc nhân sinh quan ở tuổi 18 của các em và được hội đồng giám khảo đánh giá. Phần thí sinh đứng ngoài tuổi thi và cuộc thi, kẻ này đã lạm bàn như trên: hãy biết rằng ai cũng có tự do để chọn lựa cách hành xử của mình trong cuộc đời.
No comments:
Post a Comment