FDA: Quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa ung thư là độc ác!
Tâm An/Người Việt
May 25, 2019
Một người mua tìm hiểu các loại vitamin tại một cửa hàng vitamin GNC ở New York. Hôm 17 Tháng Hai, 2003, cái chết đột ngột của cầu thủ bóng chày Mỹ (baseball) Steve Bechler, 23 tuổi, là do uống ba viên thuốc Xenadrine RFA-1, một loại thuốc giảm cân có chứa ephedrine, mỗi ngày. (Hình: Chris Hondros/Getty Images)
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – “Hiện nay các sản phẩm chữa trị ung thư giả mạo thường sử dụng các cụm từ như ‘điều trị tất cả các dạng ung thư,’ ‘giết chết các tế bào và khối u ung thư một cách thần kỳ,’ ‘làm teo đi các khối u ác tính,’ ‘hiệu quả hơn so với hóa trị liệu,’ ‘chữa khỏi ung thư,’ ‘hiệu quả hơn hóa trị liệu’… Các hành động tự quảng cáo các thực phẩm chức năng có thể chữa khỏi ung thư là trò lừa đảo độc ác!”
Ông Lê Viên, chuyên viên Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) phụ trách khu vực 5 ở Orange County, nói như vậy trong hội thảo “Sự Lừa Gạt Về Sản Phẩm Sức Khỏe” do Hội Ung Thư Việt Mỹ tổ chức tại trụ sở hội ở Fountain Valley vừa qua.
“Trên các mạng xã hội, radio, ti vi, các mạng kinh doanh đa cấp… tràn ngập các hành vi lừa bịp như quảng cáo không đúng sự thật, bán thuốc dỏm thuốc giả, bán thuốc gây nghiện, có hại cho sức khỏe mà chưa được FDA cho phép hoặc phê duyệt,” ông dẫn chứng.
Trên bàn ông Lê Viên trưng bày một số mẫu sản phẩm sức khỏe phân chia làm năm nhóm hoàn toàn khác nhau. “Quý vị cần phân biệt được năm nhóm sau: Thứ nhất là thức ăn. Thứ hai là loại bổ sung dinh dưỡng (dietary supplement). Thứ ba là mỹ phẩm. Thứ tư là thuốc trị bệnh. Và thứ năm là dụng cụ y khoa như máy đo huyết áp…” ông nhấn mạnh.
Dấu hiệu nhận biết quảng cáo lừa bịp
Ông cho hay, nhóm sản phẩm thuốc chữa bệnh có hai loại, loại cần có toa của bác sĩ và loại thuốc không cần toa, như thuốc uống Tylenol…
“Đối với nhóm thuốc chữa bệnh và dụng cụ y khoa thì các nhà sản xuất đều phải trải qua một thời gian thử nghiệm lâm sàng, sau đó mới được FDA chấp thuận trước khi bán ra thị trường, trên nhãn mác có chữ ‘FDA approved,’” ông Lê Viên nói.
“Các nhóm sản phẩm sức khỏe còn lại, thì các nhà sản xuất phải chứng minh cho FDA thấy được các sản phẩm này là an toàn. Nếu không được FDA chấp thuận hoặc cho phép về mặt an toàn, chúng có thể chứa các thành phần nguy hiểm hoặc ngăn cản các biện pháp điều trị hiệu quả khác,” ông nói thêm.
Ông Lê Viên, chuyên viên FDA phụ trách khu vực 5 ở Orange County, thuyết trình chỉ rõ sự khác nhau giữa nhóm thuốc chữa bệnh có toa, thuốc chữa bệnh không cần toa và thực phẩm chức năng. (Hình: Tâm An/Người Việt)
Về dấu hiệu nhận biết các quảng cáo lừa bịp, ông nói: “Những cụm từ sau như là dấu hiệu cảnh báo sự lừa bịp như: ‘thành phần thiên nhiên an toàn,’ ‘trị bá bệnh,’ ‘chữa nhanh,’ ‘bảo đảm hoàn tiền lại,’ ‘chính quyền và cơ quan y tế không muốn bạn biết về sự thần diệu này’… và đưa ra những ‘nhân chứng khỏi bệnh’ cùng các giấy chứng nhận ‘bác sĩ dỏm’ để thuyết phục bệnh nhân.”
Hiện nay các sản phẩm quảng cáo là trị bệnh ung thư cho chó, mèo đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên mạng. Tiếp đó là các sản phẩm chữa trị ung thư cho người.
“Bất kỳ ai mắc ung thư hoặc có người thân bị ung thư, đều hiểu nỗi sợ hãi và sự tuyệt vọng trong đó,” tài liệu của FDA dẫn lời ông Kornspan, viên chức FDA về an toàn cho người tiêu dùng, nói: “Có lẽ rất khó cưỡng lại mong muốn nắm lấy vội vã bất kỳ thứ gì có vẻ như đem lại một cơ hội để chữa khỏi bệnh.”
Thế nhưng nếu uống phải các sản phẩm lừa bịp, một lần nữa, lại đẩy các bệnh nhân trở thành nạn nhân rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang.”
Bà Becky Nguyễn, giám đốc Hội Ung Thư Việt Mỹ, chia sẻ: “Có nhiều thành viên của hội là bệnh nhân ung thư, nói với chúng tôi rằng họ không muốn uống thuốc theo toa của bác sĩ, mà họ muốn uống thuốc theo quảng cáo trên ti vi, trên báo, trên mạng. Như vậy là các bệnh nhân đã bị các quảng cáo gây ra sự nhầm lẫn giữa ‘thuốc chữa bệnh’ và ‘thực phẩm chức năng.’ Nhiều người đã từ chối đi cơ hội chữa trị kịp thời theo chỉ dẫn của bác sĩ để được sống.”
Chuyên viên Lê Viên cho biết: “Hiện có rất nhiều các quảng cáo lừa bịp hoặc là bán các sản phẩm như là có khả năng để chẩn đoán, phòng ngừa, chữa lành, hoặc làm giảm nhẹ bệnh, hoặc là sức khỏe tốt hơn nhưng chưa được khoa học chứng minh là an toàn và có hiệu quả.”
“Nhân viên tôi hằng ngày đi thanh tra tại các cơ sở sản xuất thuốc và thực phẩm về các thông tin trên nhãn hiệu, kiểm tra các tờ hướng dẫn sử dụng và các tờ rơi, chương trình quảng cáo. Nếu quảng cáo nào lừa bịp, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, thì chắc chắn FDA sẽ làm việc với họ để thực thi pháp luật,” ông nói.
Vô lương kiếm tiền trên nỗi lo của người khác
Theo tài liệu FDA, vào Tháng Tư, 2017, FDA đã gửi thư cảnh cáo tới 14 công ty, yêu cầu họ thay đổi hoặc gỡ bỏ những quảng cáo sai sự thật trên trang web. Có rất nhiều cá nhân đã bị bỏ tù vì tội quảng cáo lừa bịp các sản phẩm sức khỏe.
Buổi hội thảo thu hút được nhiều người nghe, ngồi chật kín phòng họp của Hội Ung Thư Việt Mỹ. Hầu hết họ là các bệnh nhân ung thư, cho nên họ rất tâm đắc với các chia sẻ từ đại diện FDA.
Sau khi nghe thuyết trình, bà Nguyễn Thùy Dương, thành viên của Hội Ung Thư Việt Mỹ, cho biết: “Tôi thấy thông tin này rất cần thiết. Mỗi lần mở ti vi ra là ông nhà tôi luôn phản đối những quảng cáo này.”
Hội trường nhỏ của Hội Ung Thư Việt Mỹ chật kín người nghe, trong đó đa phần họ là bệnh nhân ung thư. (Hình: Tâm An/Người Việt)
Để nói rõ hơn ý của bà Dương, chồng của bà, ông Phạm Tấn Quốc, 61 tuổi, giải thích: “Vấn đề ở đây là họ quảng cáo dối trá. Họ không bao giờ dám nói là họ bán thuốc trị bệnh. Họ chỉ nói họ bán chai F. số 1, số 2,… Họ xưng là bác sĩ, dược sĩ, nhưng không nói cụ thể họ làm ở đâu, học trường nào ra. Họ nói rất hay về công dụng của sản phẩm, cứ như đây là thuốc trị bệnh rất kỳ diệu. Rồi đến cuối cùng họ mới nói một câu rằng đây là thực phẩm chức năng.”
“Họ kiếm tiền nhưng bất chấp sức khỏe của người bệnh. Như chuyên gia Lê Viên đã nói ‘Quý vị uống vào thì dễ, nhưng lấy ra mới là khó.’ Việc kiếm tiền kinh doanh bất chấp sức khỏe của bệnh nhân là vô lương tâm,” ông Quốc nói thêm.
Bà Dương giãi bày: “Bản thân tôi không bao giờ tin vào mấy quảng cáo này. Nhưng mà tôi có người quen bên Việt Nam, một năm họ gửi sang đây tới $3,000 để mua thuốc F. nhưng… chết vẫn hoàn chết! Vậy mà không biết vì mà sao người ta vẫn cứ tin.”
Ông Quốc cho biết: “Người ta dùng sự sợ hãi của người khác để kiếm tiền. Có những người ung thư tới giai đoạn cuối rồi, mà nghe nói là có thuốc trị được ung thư thì dù có kêu người ta bán nhà đi để mua thuốc, người ta cũng bán.”
“Tôi đã nhiều lần email cho mấy đài truyền hình để nói rằng đây là hành động tiếp tay cho những kẻ lừa đảo. Nhưng họ lờ đi, tôi không nhận được hồi âm nào từ họ. Từ nay có số điện thoại và email của cơ quan FDA, tôi sẽ tiếp tục lên tiếng, tôi sẽ không im lặng trước những hành vi quảng cáo gian lận, lừa đảo,” ông Quốc bày tỏ ý kiến.
Theo chuyên viên Lê Viên, muốn báo hành vi lừa đảo về các sản phẩm sức khỏe tới cơ quan FDA, quý độc giả có thể liên lạc ông Frank Lee phụ trách về vấn đề này, số điện thoại (949) 608-3530 (văn phòng tại Irvine).
Để biết thêm chi tiết quý vị có thể liên lạc bà M. Rosario Quintanilla, chuyên viên FDA Public Affair, số điện thoại (949) 608-4407, email: maria.quintanilla@fda.hhs.gov. (Tâm An)
No comments:
Post a Comment