Friday, June 7, 2019

Chuyện Những Bà Mẹ





Từ ngày qua Mỹ định cư vùng Bắc Cali này, tôi có cơ hội quen được các bà Mẹ là nhờ sinh hoạt ở Chùa. May mắn thay thành phố Hayward có ngôi Chùa Phổ Từ tiện lợi cho việc lái xe chỉ gần 20 phút đối với tôi.

Trước tiên tôi xin nói qua về vị trụ trì ngôi Chùa này.

Thầy là người con của xứ sông Hương, núi Ngự. Ngày trước trong thời gian tu, Thầy cũng chuyên cần đi học và tốt nghiệp cử nhân ngành thư viện, mỹ thuật tại San Francisco State University, sau đó tiếp tục theo ban cao học tại California State University Hayward.

Thầy từng điều hành Trung Tâm Phật Giáo Hayward (1986), rồi sau này xây dựng Chùa Phổ Từ (2000). Thầy sáng lập, sắp xếp chương trình sinh hoạt hướng dẫn đại chúng, tìm con đường trung dung để thích hợp với cảnh sống hiện tại nơi xứ người, nhất là ngày Thọ Bát Quan Trai được thay bằng Ngày Tu Học rất thích hợp với giới trẻ.

Ngoài ra chùa Phổ Từ còn có lớp Phật Giáo bằng Anh Ngữ, tu tập thiền quán lấy tên là Fourfold Community Sangha dành cho người Tây Phương. Cạnh Chùa có ngôi Nhà Thờ Catholic, có lần Chùa và Nhà Thờ đã hợp tác mở “Peace Pole” ( trụ hoà bình ), đây là chương trình giữa các đoàn thể muốn cầu nguyện cho thế giới được an lành, nhờ một anh phật tử người Mỹ quy y tên Vern Davison ( pháp danh Quảng Tự ), anh giỏi chữ nghĩa, hiểu biết về dự án này nên liên lạc với các bạn Công giáo ngườii Mỹ, hôm đó những người Mỹ qua làm lễ bên Chùa, ở lại dùng phở chay, họ rất thích món này. Vài tuần sau Nhà Thờ mời qua ăn trưa, dĩ nhiên họ biết người bên Chùa ăn chay nên dọn bánh mì, kẹo bánh và trái cây. Nhìn đoàn người trong Chùa mặc áo tràng lam đi bộ qua Nhà Thờ, tôi thấy lâng lâng cảm giác đang đi dưới bóng mát của hai tôn giáo. Chưa kể mỗi lễ Thankgivings Day  hai bên đã hợp tác gom quà để phân phát cho người nghèo 

Chùa có tổ chức ba Gia đình Phật Tử được hình thành là Chánh Tâm, Chánh Đức và Chánh Hoà. Đặc biệt, Chùa có mở các lớp Việt Ngữ dạy cho con em Phât Tử trong thành phố và các vùng lân cận.

Mỗi chủ nhật, các phụ huynh, hoặc ông bà Nội Ngoại chở con cháu đến học Việt Ngữ. Trong thời gian chờ đợi thì đàn ông đi quanh Chùa cắt cây tỉa lá, dọn rác; đàn bà tập trung nấu nướng lo buổi ăn trưa cho các con cháu.

Tôi quen biết rất nhiều bà Mẹ tại chùa này, nhưng chỉ xin kể vài người mình gần gũi thân cận nhất.

Trước tiên là Bác Dung, rồi đến chị Cảnh, và  Linda, bà Người Mỹ,… Ba bà mẹ. Mỗi bà một hoàn cảnh sống, có cơ duyên găp nhau trong mái Chùa cùng nghe pháp, tụng kinh cầu an, cầu siêu, cùng làm việc Phật sự và thọ trai thanh tịnh mỗi buổi trưa, thật là thú vị

Bác Dung năm nay đã 90, bác được đưa vào Nursing Home cũng đã hơn 5 tháng qua.

Trước năm 75 chồng chết lúc bác chỉ mới 35 tuổi, bác làm lụng gánh thuê lúa chạy mấy quãng đồng, hay làm mướn bất cứ thứ gì người ta cần gọi, sau 75 bác càng chạy ngược chạy xuôi kiếm cơm, nhưng vẫn nuôi được 2 cậu con trai ăn học đàng hoàng.

Bác từng kể tôi nghe, bác vét hết tiền bạc danh dụm, lân la hỏi dò tìm chỗ cho con đi vượt biên, tới năm lần bảy lượt và cuối cùng 2 cậu con trai cũng đi trót lọt.

10 năm sau bác qua đoàn tụ, cậu con đầu đã tốt nghiệp, lấy được bằng engineer, có vợ cùng ngành nghề khá giả, tậu được nhà cao cửa rộng. Cậu Út đang học nửa chừng chưa tốt nghiệp 4 năm thì vướng vào ăn chơi cờ bạc, nhậu nhẹt nên bỏ dở, xin việc ba bữa làm, hai bữa nghỉ.

Bác nói giai đoạn mới qua, con dâu có cháu đầu chỉ hơn một năm, vợ chồng cày cả ngày mệt lả, đêm con khóc, ní nài nhau đâm ra bực mình nói tiếng lớn, vậy là bác lên tiếng yêu cầu đem con qua phòng bác dỗ, rồi theo đà đó, dâu con giao cho bác cả ngày lẫn đêm, sau con dâu sinh thêm, bác có được hai cháu gái.

Bác đã từng có cuộc sống vất vả nên những công việc nấu nướng, trông cháu chẳng có gì là khó nhọc, phần vì thương con cháu, phần vì muốn người anh chịu cho em mình ở trong nhà.

Bác tâm sự, hồi đó trong lòng bác rất muốn lập bàn thờ để thờ cúng ông bà và bác trai, nhưng con bác tỏ vẻ không đồng ý. Có lẽ vì nhà quá mới, lối trang trí lại theo kiểu Tây phương nên đặt bàn thờ sẽ giảm mỹ thuật chăng? Bác tự hỏi vậy, nhưng không dám hó hé. Ngày giỗ chồng bác, bác nhắc con dâu đầu thì con trai thứ nhì thốt lên:

- Đừng có cúng, cúng hắn quen đi ...

Bác lặng thinh nghẹn ngào nhưng may mắn, bác được người con dâu đầu hiền lành biết điều, biết nghĩ đến công ơn bác, lên tiếng:

- Má muốn sao, con sẽ làm theo.

Bác mừng rỡ nhờ con dâu ra chợ mua con gà, ít thức ăn và trái cây bông hoa, rồi bác hì hục nấu mấy món đặt bàn nơi cửa patio, thắp nhang cúng vái, đó là niềm hạnh phúc còn lại của lớp người già.

Con trai thứ nhì của bác càng ngày càng bê tha, anh em cãi cọ nhiều lần, cuối cùng bị người anh đuổi ra khỏi nhà.

Thế rồi bác nóng ruột thương cậu con út, thấy 2 cháu nội đã lớn, bác hỏi dò la xin chương trình cấp nhà housing, hầu mong có nơi để người con út có chỗ trở về.

Rốt cùng bác đạt được ước mơ nhận một phòng trong khu Apartments nằm gần nhà tôi.

Mỗi cuối tuần tôi thường đón bác Dung cùng đi Chùa, trên xe, chuyện vui, chuyện buồn bác đều chia sẻ, bác muốn nhận tôi làm con nuôi thường xưng “mạ,” nhưng tôi tránh, chỉ gọi bằng “bác” theo suy nghĩ “làm con nuôi phải có trách nhiệm với bác, mà tôi lại chạy ngược chạy xuôi nào có thì giờ quan tâm, chỉ thỉnh thoảng chở bác đi chợ hoặc mua dùm vài thứ cần thiết”.

Bác thường hay nấu nhiều món ăn và réo gọi:

- Con đi làm không có thì giờ nấu nướng, lại hay ăn chay nên Mạ nấu cho con đây, nhớ ghé nhà lấy.

Tôi nhất định từ chối:

- Bác từng tuổi đó rồi, con không nấu cho bác ăn thì thôi, chứ con không ăn nổi thứ bác nấu đâu, sẽ mắc nghẹn và giảm tuổi thọ đó…

Cuối cùng bác cũng hết réo gọi luôn.

Bác rất bực mình mỗi khi muốn tụng kinh, vì bị mù chữ không biết đọc, chỉ ngồi niệm Phật, nên bác ngỏ ý muốn học chữ.

Và Bác cố gắng học nên mấy tháng sau đã từ từ biết đánh vần, rồi mỗi ngày mỗi khá hơn cho đến ngày biết đọc thông suốt.

Rồi Bác lại muốn đi học tiếng Mỹ. Về sau nhờ có người Việt Nam trong khu apartment đi học, dẫn bác theo nên bác có cơ hội đi đến trường Adult School.

Thời gian sau đó, tôi rất ngạc nhiên khi chở bác vào siêu thị Safeway, gặp hàng cao với không tới, hay cần thứ gì tìm chưa ra, bác đều chạy tới gọi nhân viên và xổ một tràng, nhưng Mỹ hiểu hết và giúp đỡ, tôi thầm phục bác mau tiến bộ nhờ có tánh dạn dĩ.

Từ khi có nhà housing thì con trai út bác về ở ké, nhưng cậu ta hành xử giống như là chủ nhà, choán ngự phòng khách dàn trải chỗ nằm, dành xem đài Mỹ suốt ngày không cho bác xem đài VN.

Bác thắc mắc về cuộc sống của đứa con muốn hỏi han đều bị nạt nộ, tối ngày xin tiền rồi biến mất, khi trở về nhà thì mặt mày quạu cọ, lúc soạn thức ăn là chưởi thề:

- Nấu ăn gì mà dở ẹt nuốt sao vô.

Bác kể những lần như vậy bác chỉ lặng yên ngồi niệm Phật, và nghĩ tới câu chuyện Phật pháp...

“Bà Mẹ nọ có 2 đứa con, một người có hiếu một người phá hoại. Người có hiếu bỗng dưng lăn ra chết, Mẹ đau khổ thương nhớ quá hồn mê thiếp về cõi xa xôi, gặp được con mình chạy theo kêu gọi mừng rỡ, thì người con lạnh lùng trả lời:

- Tôi không phải con bà, chẳng qua kiếp trước nợ bà nhiều quá nên đầu thai vào trả nợ xong thì đi.

Bà Mẹ thức tỉnh lại, nhớ câu chuyện, nhớ đứa con hư đang báo hại mình, nên đôi khi bác thấy không buồn nữa, cố gắng tâm niệm “vui vẻ mà trả nợ cho xong”.

Thời gian sau này bác Dung hơi yếu, các bác trên Chùa khuyên tìm người chăm sóc có chính phủ tài trợ, nhưng bác trả lời:

- Tôi vẫn còn mạnh, còn nấu ăn giặt giũ được mà, đâu đến nỗi…

Nhưng khi ra về bà nói với tôi:

- Nếu có người chăm sóc thì trai Út làm sao ở ké được.

Một hôm khi ngồi chung xe với tôi, nét mặt bác mệt mỏi than vãn:

- Thằng Út càng ngày càng quá hư, Mạ đã đi lượm lon chắt chiu thêm, từng mua chiếc xe cũ hơn $2 ngàn cho nó chạy, rồi nó cũng bán khi nào chẳng biết… Tối kia, Mạ cần cây đèn pin, đi quanh nhà lục lọi tìm kiếm hoài không ra, Mạ càm ràm: "mới hôm trước còn dùng mà chừ lạc mô rồi không biết"… Tự nhiên dù đang ngủ, nó vùng dậy tới tát Mạ một cái nổi đom đóm và giận dữ:

-Mày nghi tao lấy hay sao mà nói hoài vậy, tao thách mày gọi police đó…

Mặt Mạ tối sầm lại, trong phút không tự chủ Mạ bấm 911, vậy là năm phút sau police tới hỏi chuyện, Mạ sợ nó bị tù nên nói tránh:

- Con tôi lấy chìa khoá, đòi nó không đưa nên tôi gọi nhờ các ông lấy dùm.

Sau đó họ giao chìa khoá và dẫn con Mạ ra khỏi nhà, bây giờ nó ở đâu không biết đói no ra sao...

Tôi rất hiểu bác, suốt ngày cứ đi lượm lon bán thêm, tiền bạc chẳng tiêu chi ngoài việc làm phước, bác có lối suy nghĩ rất hay:

- Nước Mỹ cưu mang mình thì mình lo trả ơn trước.

Cho nên mỗi khi có tai hoạ đến với nước Mỹ như 911 ở New York, bão lụt Texas, cháy rừng California bác đều nhờ tôi ký check gởi đến American Red Cross, Homeless ...v...v... Hai năm trước trong lần cháu gái ra trường bác sĩ, bác mừng rỡ quá vét sạch tài sản $2 ngàn bạc làm quà cho cháu.

Sau khi con bác bị Cảnh sát dẫn ra thì bác lại càng buồn héo hắt, suốt ngày đêm ngồi ngóng tin con, nhưng đồng thời nhà hay bị mất trộm, mỗi khi ghé chở bác đi Chùa thì phải ôm bao nhiêu túi xách để theo trên xe bác mới yên tâm

Từ từ thì bác có dấu hiệu choáng váng, dễ bị té ngã, hay mệt không còn theo tôi đi Chùa, rồi một ngày, dâu bác phải tính đến chuyện đưa vào Nursing home, tôi chỉ biết ngậm ngùi đưa tiễn và hứa thỉnh thoảng sẽ đến thăm.

*
Kế tiếp là bà người Mỹ, Linda ...

Bà ở gần Chùa trong ngôi nhà cũ kỹ do cha mẹ để lại. Bà có chồng tham chiến VN rồi tử trận ở VN, để lại đứa con trai 5 tuổi. Mười lăm năm sau thì người con trai cũng bị tử vong trong tai nạn xe hơi. Bà làm thư ký cho nhiều company, đã nghỉ hưu từ lâu.

Tình cờ biết ngôi Chùa Phổ Từ của người VN, biết mỗi đêm thứ năm có khoá tu và tập thiền cho người ngoại quốc, bà đến tham gia cùng số đông như anh John, ông Andrew, Brian, cô Rose...v.v...

Cũng có số ít đi tham dự thêm ngày Chủ Nhật, họ ngồi tập trung phía sau để có thông dịch viên dịch lại lời Thầy giảng, tụng kinh thì họ ngồi im lặng hoặc chỉ niêm chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Những buổi trưa thọ trai thanh tịnh, bà Linda thường hay ngồi gần tôi nên dần dà tôi thân bà.

Bà rất thích ăn chay và hỏi tôi cách nấu phở chay, tôi chỉ bày:

- Dùng cà rốt, bắp su, củ cải, củ đậu, táo đỏ hầm ra nước ngọt rồi lược bỏ xác. Dùng Tofu, ham chay, cắt mỏng chiên sơ, phi ba rô thơm bỏ các thứ vào xào hơi thấm để riêng ra, nồi nước thì bỏ nấm tươi, tofu không chiên vào (tôi không ăn các thứ giả chay nên chỉ theo cách riêng của mình), nồi nước có thể dùng cho nhiều món ...

- Muốn phở, thêm gừng và hồi quế

- Muốn bún rêu, thả cà chua và đậu óc đánh trứng vào

- Muốn bún bò, thêm sả, hành tây làm nước màu bỏ lên mặt, đánh chút chao vào nước cho mặn mà.

Khi múc tô bún hay phở để các lát ham hoặc đậu khuôn trên mặt rồi múc trong nồi thêm nấm, thêm đậu khuôn tươi, xong tưới nước bỏ hành ngò là có được tô bún chay ngon lành.

Thật tình các thứ đều do tôi hay ăn nhiều nơi Chùa nên học hỏi từ đây. Bà Linda thực hành và rất thích thú.

Bà Linda kể về người chồng đã mất trong chiến tranh VN, một thời làm bà điêu đứng khi nghe hung tin, bà sống như đã chết nhưng cố lo cho đứa con dại, dần dà con lớn, nỗi buồn đau âm ỉ cũng yên lắng, sau này bà cũng có bạn trai nhưng cũng chia tay chẳng để lại ấn tượng nào cho bà, chỉ có người chồng duy nhất mới thật sự sống mãi trong trái tim.

Lúc biết được Chùa VN, bà nghĩ mình đã có duyên với đất nước VN qua cái chết của chồng bà, bà cảm thấy gần gũi hơn.

Giờ giấc đến Chùa đã giúp bà bớt cô đơn và xoa dịu những ý tưởng bi quan của người tuổi về già, bà thích nhìn đoàn thiếu niên sinh hoạt vui chơi, học tập, ca hát, nói tiếng Việt rành rẽ.

*
Người thứ ba có sức thu hút sự mến mộ của tôi đó là chị Cảnh.

Thuở nhỏ gia đình chị nghèo quá, lại em đông nên Mẹ chị cho đi giúp việc người bà con, chị gặp anh rồi nên duyên sinh được ba con trai, năm 1973 chiến tranh đã cướp mất đôi chân của anh trong trận đánh Khe Sanh, anh trở thành người lính Thương phế binh VNCH. Chị chay ngược chay xuôi nuôi con, nuôi chồng vất vả từ đó.

Sau năm 75 nhờ chắt chiu ít vốn, chị đánh liều tìm đường dây cho 3 con đi vượt biên.

Hình ảnh người Mẹ, người Cha đã khiến các con ăn học thành công trên xứ người, rốt cùng ba con trai đều tốt nghiệp mảnh bằng kỹ sư có công ăn việc làm vững chắc, gia đình được đoàn tụ.

Cả gia đình đều đi sinh hoạt Chùa dù sau này các con đã lập gia đinh.

Con làm huynh trưởng dạy Việt ngữ, mẹ làm trưởng ban ẩm thực trong bếp, họ đem đời vào đạo, đem đạo ra đời, góp công của xây dựng cuộc sống, đào tạo thế hệ thiếu niên sống hiền hoà, có giáo dục lành mạnh góp một phần xây dựng cho sự an toàn nước Mỹ.

Vừa qua các con chị cùng sư cô Phổ Châu (tốt nghiệp bằng cao học về môn Thần học) thêm số bác sĩ, luật sư (trước đây là huynh trưởng phật tử) hợp tác tạo dựng cơ sở cho Camp Metta có cái tên Việt là “Hương Từ Bi “ tại vùng đất ở Los Gatos, với 2 căn nhà cùng 26 mẫu đất giữa cảnh thiên nhiên, cách bờ biển Santa Cruz 15 phút, để làm nơi sinh hoạt cho tuổi trẻ Việt Mỹ, người ngoại quốc nói chung, hướng dẫn lối đi lành mạnh, vững vàng tinh thần giúp ích cho xã hội, và tránh bớt những tệ nạn.

Nói về anh chị thì đức độ có thừa trong lối sống, lời ăn tiếng nói hoà nhã nhẹ nhàng, luôn phát tâm mọi công tác từ thiện, họ là những thiện hữu tri thức mà chúng tôi muốn được gần gũi soi mình trong tấm gương sáng đó.

*
Sau cùng thì tôi muốn kể về người Mẹ của mình.

Đây là người đàn bà mà hàng xóm vẫn đặt cái tên là “bà Bụt”.

Từ xưa ở tỉnh Thái Bình, mẹ tôi lấy chồng năm 13 tuổi do 2 ông cụ thuộc giới địa chủ thường gặp nhau đánh tổ tôm, ông này có con trai lên 2, ông kia có con gái lên 4 tuổi, vậy là 2 ông kết làm sui gia.

Bà Nội tôi muốn cưới mẹ tôi về sớm để sai vặt, cũng như hầu quạt, nên năm ba tôi 11 tuổi, mẹ 14 tuổi là đám cưới, lúc nhà trai qua nhà gái rước dâu, ba tôi mặc áo dài rộng ngơ ngác nhìn người lớn chẳng hiểu gì, mẹ tôi nhìn ba tôi như người bạn chung lứa ngây thơ vô tội, Mẹ được mặc váy hồng khiêng võng về nhà chồng, ở kề cận suốt ngày bên bà Nội hầu hạ, làm việc lặt vặt dưới nhà ngang, ba tôi ở nhà trên đi học, chẳng ai thấy ai...

Thế rồi lúc Ba tôi 20 thì được động phòng, có lẽ ông không bằng lòng cuộc hôn nhân này (lời người Cô kể lại), nên thường bỏ lên Hà Nội chơi, ít gần gũi Mẹ tôi.

Năm 1954, ông Nội tôi có danh sách bị đấu tố, cả gia đình nhờ gia nhân giúp trốn thoát ban đêm chạy lên Hà Nội, theo kịp chuyến tàu di cư vào Nam

Lúc ấy Mẹ đang mang thai tôi và đã có anh tôi. Vào miền Trung sinh sống, Cha tôi nhập ngũ ngành hiến binh, sau đổi qua Cảnh Sát ở Huế, làm việc trên hướng cửa Ngăn. 

Hai năm sau ông về cho biết vợ hầu đang có thai 2 tháng, muốn Mẹ tôi sắm ít lễ vật lên hầu chuyện người lớn xin cưới vợ lẽ cho chồng.

Mẹ tôi luôn xem chồng như vị vua nên nghe sao, làm theo đó không dám hó hé. Cha Mẹ của dì đó là ông bà vải tu hành, ăn chay trường lo việc Chùa nên Mẹ tôi rất  kính nể...

Thế rồi hai người đàn bà sống chung một nhà chẳng có chuyện gì xảy ra khi bà hầu đã có 3 con.

Ba tôi lại bị thuyên chuyển vào vùng Quy Nhơn làm việc. Có anh hàng xóm vào học ngành sư phạm Qui Nhơn, gặp và đến nhà ba tôi chơi, tình cờ thấy được tấm hình người con gái đứng trong ánh trăng, và ba tôi đứng ngoài cùng hai câu thơ ghi phía dưới của Hàn mặc Tử:

“Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng”.

Anh hàng xóm đã lén lấy về cho Mẹ và Dì tôi xem, thế rồi Dì than ngủ không được, Mẹ thì chẳng nói chi, chỉ khuyên Dì lo thu xếp vào ở giữ lấy ông, chứ con cái nhiều nơi không đủ nuôi tội nghiệp cho bọn trẻ. Vậy là Dì vào chung sống với Ba tôi từ đó sinh thêm 3 em nữa.

Ba Mẹ con sống hẩm hiu với đồng lương Ba tôi gởi thất thường tháng có tháng không, Mẹ tôi xoay sở bán hàng tạp hoá nuôi chúng tôi ăn học. Lâu quá không ai thấy sự xuất hiện của ba tôi, họ cứ ngỡ Mẹ tôi goá chồng.

Năm 75, chạy lánh nạn vào Đà Nẵng, lúc thấy bộ đội đang tiến vào thành phố, mặt Mẹ tái mét gọi tôi ra góc sân nhà người quen, tay gỡ túi tiền được gói chặt, lôi mấy tờ đưa cho tôi rồi khẩn khoản:

- Con đi mua thứ gì ngon mà ăn, rồi đến tiệm thuốc Tây mua gói thuốc rầy về, 3 Mẹ con cùng uống... Mẹ đã từng sống với họ, Mẹ hiểu rõ nên tìm đường trốn vô Nam… sống không nỗi với họ đâu con… Nhưng rồi tôi cũng không theo lời Mẹ.

Gia đình trở lại Huế với những ngày tháng của tận cùng lo sợ khi mỗi cuối tuần họp tổ đều có nêu danh sách cưỡng bách đi kinh tế mới, đã nghèo xơ xác lại luôn căng thẳng đầu óc. Tôi tìm cách vượt biên khi có người bạn trai tạo cơ duyên. Trong 5 năm tôi lao đao vô tù ra tội nhưng vẫn cương quyết tìm một phần sống trong chín chín phần chết. Thời gian đó Mẹ cứ nhắc tôi ăn chay để sự cầu nguyện được tinh tấn, nhưng thú thật lúc đó tôi chẳng mấy quan tâm bạ chi ăn đó

Mẹ nóng ruột nên nguyện ăn chay thay tôi… chuyến cuối tôi đi trót lọt.

Lúc qua đảo Pulau Bidong đầu óc mới tỉnh dần, tôi bắt đầu thành tâm, mỗi chiều lên Chùa tụng kinh thắp nhang, và áp dụng hành trì ăn chay để tạ ơn Trời Phật và sám hối với người Mẹ đã ăn chay chỉ toàn món dưa cải và tương chao... Để thấm thía hơn khi đã xa người Mẹ suốt đời nuốt những giọt nước mắt chảy ngược vào trong lòng cho đến ngày nằm dưới huyệt lạnh.

*
Lễ Hiền Mẫu năm nay, tôi mua một hộp bánh đến tặng bà Linda kèm tấm card với dòng chữ “Happy Mother’s Day,” bà lộ vẻ vui mừng và hẹn gặp tuần sau với Buddha’s Birthday Celebration (Lễ Phật Đản). Tôi cũng mang một hộp đến thăm bác Dung trong nursing home, bác cảm động ứa nước mắt. Về nhà tôi đơm bông hoa trái cây thắp nhang cho Mẹ. 

Hôm nay lễ Phật Đản, tôi lái xe đến Chùa sớm để lo việc Phật sự. Bầu trời trong xanh, màu nắng ấm áp, các loài hoa đủ màu sắc thi đua nở rực rỡ. Chim ca líu lo, những khuôn mặt rộn ràng dựng lều bưng bàn ghế, tôi đã thấy hình ảnh bà Linda đứng tỉa các lá sâu, lá úa và nâng niu những cành hoa như mọi lần, bà ngẩng mặt tươi cười say hi “value of life” (giá trị cuộc đời), tôi đưa tay vẫy và gật đầu… đúng rồi, đây là nơi tìm lại sự an tĩnh của tâm hồn.

Tôi chào các bác, các chị đang lăng xăng đủ thứ việc, trong bếp. Chị Cảnh đang o bế mấy nồi nước lèo của món phở, tôi đến vỗ vai chị, chị cười hiền vuốt những giọt mồ hôi nói:

- Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường Tam Bảo.

Mọi người đều năng nổ rộn ràng hoạt động cho ngày lễ lớn Phật Đản. Tôi nhìn họ, lòng chợt bồi hồi nhớ lại, và tưởng tượng ra hình ảnh bác Dung ngày nào ngồi cắt rau, đơm xôi, múc chè cúng Phật...

Chắc có lẽ giờ này bác đang ngồi nhớ lại những hoạt động Phật sự trước đây.

Minh Thúy

No comments:

Blog Archive