Friday, March 29, 2019

Ác mộng của hành khách kẹt trên du thuyền trôi dạt ở Na Uy

Một hành khách Mỹ không thể quên khoảnh khắc cô nghe thấy "tiếng động kinh khủng" và con tàu rung chuyển, nước tràn vào.

Du thuyền Viking Sky chở 1.373 hành khách và thủy thủ đoàn khi động cơ của nó đột ngột hỏng tại khu vực bờ biển nổi tiếng nhiều sóng dữ ở Na Uy. Thủy thủ đoàn gửi tín hiệu khẩn cấp vào trưa 23/3.

Trong đêm tối, 5 trực thăng cứu trợ hàng trăm du khách trên con tàu chao đảo trên đầu sóng. Cuộc giải cứu diễn ra trong điều kiện khó khăn, thời tiết khắc nghiệt với gió giật gần 70 km/h và sóng cao tới 8 m. 
Emil Heggelund, đại diện lực lượng bảo vệ bờ biển Na Uy, ước tính du thuyền cách bờ 900 m khi động cơ đột ngột hỏng. Ảnh: REX.

Hành khách Dereck Brown trả lời báo Na Uy Romsdal Budstikke: "Chúng tôi thấy hai người được đưa khỏi thuyền trên cáng. Mọi người đều cảnh giác, nhiều người sợ hãi nhưng vẫn giữ bình tĩnh".

Khoảng 16h30 ngày 24/3, du thuyền cập bến sau 6 tiếng được kéo đi trên biển, New York Times đưa tin. Toàn bộ hành khách còn lại trên thuyền đều an toàn, và bắt đầu bay về nhà vào đêm qua.
Trực thăng đưa hành khách vào bờ ngày 24/3. Ảnh: Svein Ove Ekornesvag/AP.

"Chúng tôi xác nhận 20 người bị thương trong sự việc này, và đang được chăm sóc tại các trung tâm y tế ở Na Uy, vài người đã xuất viện", đại diện công ty Viking Ocean Cruises nói.

Carolyn Savikas đến từ Pennsylvania (Mỹ) không thể quên khoảnh khắc nghe thấy "tiếng động kinh khủng" và con tàu rung chuyển, nước tràn vào."Chúng tôi đang ngồi trong nhà hàng thì đột nhiên một cơn sóng lớn xô tới, nước lênh láng khắp sàn. Tất cả những gì tôi thấy là tay chân, nước và bàn ghế, hệt những gì bạn xem trong phim Titanic", cô trả lời báo Na Uy VG.

Rodney Horgen, sống ở tiểu bang Minnesota (Mỹ), đi du thuyền đến thăm Na Uy để thực hiện chuyến hành hương ông hằng mong mỏi về quê nhà, song trải nghiệm này nhanh chóng biến thành một cơn ác mộng, theo AP.

Người đàn ông 62 tuổi biết chuyện bất thường xảy ra khi du thuyền ngả nghiêng, toàn bộ hành khách được đưa tới phòng tập trung nơi có thuyền cứu hộ. Ông cảm thấy như tận thế khi một cơn sóng lớn ập vào xuyên qua cửa sổ, kéo vợ ông, Judie Lemieux, văng xa hơn 9 m trên sàn.

"Khi cửa sổ và cửa ra vào mở, dòng nước cao khoảng 2m ập vào cuốn trôi nhiều người và bàn ghế đi xa vài mét. Tôi nắm lấy tay vợ nhưng không thể giữ chặt. Cô ấy văng qua một bên rồi lại bị ném về hướng ngược lại khi con sóng đổi chiều", ông Horgen hồi tưởng.

Nhiều hành khách bị thương do kính vỡ cắt vào tay và mặt. Dù là một ngư dân kỳ cựu, ông Horgen chưa từng trải qua lần nào biển động dữ dội tới vậy.

"Tôi không hy vọng gì nhiều. Tôi biết nước lạnh thế nào, chúng tôi đang ở đâu, những con sóng ra sao, và mọi thứ. Bạn sẽ không thể trụ quá lâu. Chuyện đó thật kinh hoàng", ông nói.
Hành khách ngồi đợi được sơ tán khỏi du thuyền vào 23/3. Ảnh: Michal Stewart.

Cảnh sát cho biết thủy thủ đoàn sợ con tàu mắc cạn nên đã tìm cách neo đậu trong vịnh Hustadvika để cuộc giải cứu có thể diễn ra. Một chiếc tàu kéo và hai tàu khác hỗ trợ Viking Sky đi từ vịnh đến thành phố Molde, Na Uy. 

Trước khi gặp nạn, du thuyền đã đưa hành khách qua các thị trấn và thành phố Narvik, Alta, Tromso, Bodo và Stavanger (Na Uy), dự kiến cập cảng Tilbury trên sông Thames (Anh) vào 26/3. Chuyến đi kéo dài 12 ngày bắt đầu từ 8/3 tại thành phố Bergen, phía bắc Na Uy. Hành khách trên tàu chủ yếu mang quốc tịch Mỹ, Anh, Canada, New Zealand và Australia.

Bốn Cái Ngu






Ở đời có bốn cái ngu
Tôi đây ngu hết hai rồi, trời ơi!

Những năm mới qua Mỹ, chúng tôi thỉnh thoảng hay gởi tiền về cho thân nhân đang kẹt lại bên Việt Nam.

Lúc đó, bên Mỹ có rất nhiều dịch vụ chuyển tiền. Tôi ở thành phố nhỏ , mỗi lần cần gởi về cho người thân thì hay hỏi thăm mấy người quen biết ở California chỉ giùm, nơi nào có uy tín, chuyển nhanh và huê hồng rẻ.

Tình cờ, một hôm tôi nói chuyện với Kim, cô bạn thân sát nhà ở Bình Dương.  Kim cho biết có quen cô Xuân làm dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam, rất đáng tin tưởng, chí cần gọi cho biết số tiền muốn gởi cho ai, ở đâu. Trong vòng một tuần sau mình sẽ nhận được hồi báo với đúng chữ viết của thân nhân bên nhà, khi đó mình mới gởi tiền trả lại cho chị Xuân. Thế là từ đó, tôi trở thành thân chủ của chị Xuân.

Đâu được một năm sau, tôi có một người quen ở cùng thành phố. Liên, tên cô bạn tôi và Phương, chồng của Liên mở một tiệm bán hàng kỷ niệm, sách báo. Liên nhờ tôi giới thiệu với chị Xuân bên California để Liên làm đại lý ở đây. Thương Liên con đông tôi không ngần ngại gọi chị Xuân nói chuyện. Thấy hơn một năm qua tôi rất đàng hoàng với chị về tiền bạc, chị chấp thuận ngay đề nghị của Liên.

Tiệm của vợ chồng Liên cũng khá đông khách hàng. Nay lại thêm chuyển tiền và bán thẻ điện thoại do chị Xuân cung  cấp, nên mức thu nhập có phần khấm khá hơn. Thấy vợ chồng Liên làm ăn trôi chảy, thuận lợi, tôi cũng mừng cho họ. Ít lâu sau, Liên đi làm hãng để mua bảo hiếm sức khỏe cho gia đình.

Rồi đột nhiên, một thời gian ngắn sau đó, Phương đóng cửa tiệm với lý do buôn bán ế ẩm. Tôi nghe nhưng cũng không để ý lắm vì tôi cũng rất bận rộn với gia đình.

Một hôm, tôi vừa đi chợ về thì có tiếng điện thoại reng. Từ bên kia đầu dây, giọng nói quen thuộc của chị Xuân:

- Alo, chị An hả?

- Dạ, chị khoẻ không? Lâu quá, không nói chuyện với chị vì người nhà tôi đã qua Mỹ hết, nên không còn phải gởi tiền về bên đó nữa!

- Dạ vậy xin chúc mừng chị nha!

Rồi chị ngập ngừng trong giây lát như có điều chị khó nói. Tôi hỏi thăm qua loa chị vài câu, định chào chị thì nghe tiếng chị khóc. Tôi ngạc nhiên quá, mình đã nói gì sơ sót để chị khóc?

Chị nghẹn ngào kể cho tôi nghe:

- Chị An biết không, tôi tin tưởng chị nên cho chú Phương hợp tác làm ăn. Mấy tháng đầu chú rất đàng hoàng, rồi sau đó chú bắt đầu thiếu tôi, một ngàn, hai ngàn và cho đến giờ, tổng cộng số tiền là mười sáu ngàn rồi. Tôi gọi thì chú cứ hẹn lần, hẹn mòn nói khách hàng thiếu nên chú mới thiếu lại tôi. Tôi nghe vậy cũng tin chú. Hổm rày, tôi kêu hoài mà không được, điện thoại đã bị cắt rồi, chị làm ơn nói với chú Phương thanh toán số tiền đó cho tôi đi, ông xã tôi cằn nhằn tôi quá trời, ổng nói hỏng quen biết gì mà dám cho người ta thiếu rồi biết đi đâu mà đòi đây?

Nghe qua, tôi điếng hồn  luôn! Thời đó, vàng y chỉ năm sáu trăm dollars một lượng, mười sáu ngàn không phải là số tiền nhỏ. Tôi không biết phải nói sao với chị, chỉ khuyên chị bình tĩnh, để tôi liên lạc với Liên, hỏi rõ sự tình và nói họ phải trả tiền lại cho chị. Chiều Liên đi làm về, tôi gọi hỏi, Liên trả lời tỉnh queo:

- Chuyện đó của ông Phương, con đâu có biết. Lâu nay con đi làm, không dính dáng gì tới tiệm nữa, cô hỏi ổng đi!

Trời đất quỷ thần ơi, ngó xuống mà nghe nè! Hồi cần thì cô vợ ngọt ngào nhờ tôi, giờ lại nói giọng ngang như cua. Tôi tức cành hông nhưng đành ngậm bồ hòn mà chịu chứ biết nói gì đây!

Hôm sau, tôi gọi cell phone của Phương để nói chuyện.

Không như Liên, Phương nhỏ nhẹ nói với tôi:

- Cô làm ơn nói với chị Xuân cho con khất một thời gian. Tại con làm ăn thua lổ nên mới ra nông nổi,  chứ con đâu muốn để cô mang tiếng!

Cục đường phèn này nhét vô họng mà tôi nghe đắng hơn ký ninh! Thôi rồi, tôi làm sao mà ăn nói với chị Xuân đây?

Một tuần sau, chị Xuân gọi lại, tôi nói những lời của Phương cho chị nghe, mong chị thông cảm cho mấy đứa. Chị buồn bã nói:

- Thôi thì tôi cũng đành chờ và cầu mong chú làm ăn khấm khá để trả lại cho tôi.

Trong thời gian này, Liên vẫn đi làm đều đặn còn Phương thì ít thấy bóng dáng . Tôi nghĩ có lẽ Phương đang đi làm đâu đó để có tiền trả nợ. Thật ra, tôi có nghe phong phanh, Phương dùng tiền của khách hàng trả để thầu football, bị thua lổ đến mất luôn tiệm .

Rồi chị Xuân lại gọi. Thiệt tình mà nói, mỗi lần chị gọi, tôi rầu lắm vì không biết phải nói sao!

Tiếng chị nhỏ nhẹ trong máy, tôi nghe mà muốn khóc theo chị:

- Chị An biết không? Chị cho tôi số điện thoại cầm tay của chú Phương nhưng tôi gọi hoài mà chú không thèm bắt. Chị làm ơn nói vợ chồng chú rán trả tiền cho tôi đi. Trả một lần không được thì trả nhiều lần. Chỉ cần có trả thì nợ sẽ hết, không trả thì còn hoài chị ơi! Hổm rày ông chồng tôi ổng chửi tôi quá chừng! Chị nói chú Phương, chỉ cần mỗi tháng trả tôi hai chục đồng cũng được, có bao nhiêu trả bấy nhiêu, làm ơn đi chị...

Trời đất! Tôi có nghe lộn không? Số nợ mười sáu ngàn đồng, mỗi tháng trả hai chục đồng? Vậy thì khi chị Xuân trăm tuổi cũng chưa hết nợ!

Tôi thật là tội nghiệp cho chị. Người ta thiếu tiền mình mà mình phải năn nỉ trả, từng đồng từng cắc!  Tôi hỏi chị lại cho chắc ăn:

- Chị nói chỉ cần trả hai chục một tháng thôi hả? Vậy chừng nào mới hết?

- Thì tôi nói vậy chứ hỏng lẻ mỗi tháng chú Phương đi gởi cho tôi hai chục sao? Nếu chú có nhiều thì trả nhiều, không có thì hai chục cũng gọi là trả mà!

Tôi chỉ biết thở dài, thương cho chị sao quá tin người, để rồi phải khổ. Mà không phải một mình Phương đâu, chị nói còn vài nơi khác nữa. Họ cũng thiếu chị chỗ năm ngàn, chỗ tám ngàn!

Cứ thỉnh thoảng chị gọi tôi và tôi cũng chỉ biết nói chị cho tụi nó thời gian.

Trong khi đó, Kim, cô bạn đã giới thiệu chị Xuân cho tôi quen,  tự nhiên bặt tin, không gọi cho tôi như trước giờ . Tôi gọi nhiều lần thì Kim mới bắt điện thoại, nói chuyện lợt lạt. Tôi cứ thắc mắc hoài, không hiểu mình đã làm gì để Kim giận. Đến nay, đã gần hai mươi năm, chúng tôi hầu như bặt tin nhau. Tôi chợt nghĩ đến số nợ của Phương. Tôi đem thắc mắc này hỏi Bích, một cô bạn chung với tôi và Kim. Bích cho biết đúng là Kim giận tôi vì cho rằng tôi đã lường gạt chị Xuân! Thật là oan ơi ông địa! Tôi biết làm sao giải bày cho Kim hiểu được tôi đây? Tôi xin thề với đất trời, một xu nhỏ tôi cũng không có lấy mà!

Phần chị Xuân, sau nhiều lần gọi vẫn không kết quả, chị cũng làm thinh luôn. Chẳng hiểu chị có còn mạnh khỏe hay không?

Đến giờ tôi vẫn nghe áy náy vì đã ngu si, giới thiệu vợ chồng Liên cho chị Xuân. Chị mất một số tiền lớn, tôi mất đi người bạn thân từ tấm bé!

Cái ngu thứ nhất đã làm tôi mất uy tín, mang tiếng xấu với bạn bè, vậy mà tôi vẫn chưa tởn! 

*
Cách nay khoảng mười lăm năm, một hôm, Quân, bạn của Liên đến nhà chơi và nói sẽ đi Việt Nam. Không biết ông ứng bà hành sao, tôi buột miệng nói:

- Quân có muốn cưới vợ ở Việt Nam không?

Quân hỏi ngay:

- Cô có quen ai bên đó hả?

- Ừ, con gái một người bạn. Không đẹp lắm nhưng nết na, hiền lành.

Quân nói ngay:

- Vậy cô cho con xin địa chỉ rồi cô viết thơ con đem về làm quen với cô đó nha!

Nghe Quân đồng ý, tôi mừng lắm.

Hoài là con gái của một người quen tôi ở Bình Dương. Nhà rất nghèo, cô bạn tôi đầu tắt mặt tối, tảo tần buôn bán mà vẫn không đủ tiền chạy gạo nuôi con.

Tôi hy vọng Quân về cưới Hoài, đem con bé qua đây để cháu đi làm phụ giúp mẹ nuôi em.

Một tháng sau, Quân trở qua, mang cho tôi coi hình đám cưới hai đứa. Cô dâu thật rạng rỡ trong chiếc áo cưới, chú rễ cười tươi vì được vợ hiền. Tôi nghe vui trong lòng vì đã làm bà mai ngang xương mà kết quả vô cùng mỹ mãn!

Rồi Quân bắt đầu làm thủ tục bảo lãnh Hoài sang Mỹ. Trong khi chờ đợi, cứ vài ba tháng Quân về Việt Nam thăm vợ, tình cảm ngày càng thắm thiết.

Ít lâu sau, Quân mở quán cà phê. Quân nhờ cô bạn học ngày xưa cũng đang ở cùng thành phố , đến phụ trông coi quán. Tôi nghe nói, trong lòng có ý lo ngại nhưng không nói ra.

Một buổi chiều cuối năm, trời bên ngoài lạnh giá, tuyết phủ trắng xoá trên mái nhà. Tôi nhận được thơ của Hoài, cho biết đã bốn, năm tháng rồi không có tin tức của Quân. Hoài gọi điện thoại qua thì nghe tiếng đàn bà trả lời!

Thôi rồi! Nỗi lo của tôi đã biến thành sự thật! Tôi đến tiệm cà phê tìm Quân. Hôm nay quán vắng, một mình Quân ngồi nơi quày tính tiền, hút thuốc bên ly cà phê đen. Tôi đưa thơ Hoài gởi tôi cho Quân coi. Đọc xong, tôi nhìn thấy hai hàng nước mắt Quân chảy dài trên má. Quân nói:

- Con thương Hoài lắm mà giờ con không biết phải nói sao cô ơi! Con lỡ có con với Lan rồi, Lan buộc con phải bỏ Hoài. Mong cô làm ơn nói lại với Hoài cho con xin lỗi, Hoài đừng chờ đợi con nữa!

Nói sao nghe dễ quá! Một đời con gái của Hoài đã trao hết cho Quân. Một đám cưới rình rang với Việt Kiều! Làm sao con nhỏ ngó mặt xóm giềng nữa đây!

Mười lăm năm trôi qua, con trai của Quân và Lan đã mười bốn tuổi, duyên tình của cha mẹ thằng bé cũng vỡ tan. Thỉnh thoảng gặp tôi, Lan hỏi thăm Hoài. Tôi chỉ biết lắc đầu.  Không hiểu Lan có hối hận vì mình đã cố tình làm người thứ ba, gây đổ vỡ cho Hoài và rồi chính mình cũng đón nhận hậu quả đau buồn này?

Hoài giờ đã ba mươi chín tuổi, cái tuổi lỡ thời. Hoài vẫn sống độc thân, đi làm phụ mẹ nuôi cha nằm một chỗ sau cơn tai biến.

Nhiều năm nay, tôi mang trong lòng một nỗi hối hận không nguôi! Tại sao tôi tài lanh  chi để một người bị mất tiền mất bạc, gia đình xào xáo. Tôi lo thân tôi còn không xong, bày đặt mối với mai chi để làm lỡ đi đời một đứa con gái nết na, hiền hậu! Tội này của tôi làm sao rửa sạch đây?

Ở đời có bốn cái ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu!

Fort Smith, tháng Ba 2019

Dong Trinh
Âu Châu và những chiêu, trò cắp vặt

Trịnh Thanh Thủy

Mùa du lịch sắp đến, xin gởi các bạn đọc một vài bí quyết đề phòng kẻ gian lúc nào cũng kề cận cạnh bạn mà bạn không hay.

Du lịch là một sở thích được đi, được mở rộng tầm mắt, học hỏi và trải nghiệm đời sống bên ngoài căn nhà, nơi chốn mình đang sinh sống. Ngoài ra các bạn còn được trải nghiệm một kinh nghiệm quý báu là biết giữ mình sao cho không bị ốm đau trong thời gian du lịch, sao cho những thứ mình đem theo không bị mất, bị đánh cắp hay túi tiền không bị kẻ gian trộm mất. Chỉ cần mất một vài thứ như giấy tờ hay tiền bạc là bao nhiêu thú vui sẽ biến thành phiền não, khổ sở ngay. 
blank
Pic 1. Nhóm móc túi chuyên nghiệp ở Tiệp Khắc
 blank
Pic 2. Nhóm móc túi chuyên nghiệp ở St Petersburg, Nga
 blank
Pic 3. Kẻ gian đang nhòm ngó túi để tiền

Không riêng ở Âu châu mà nơi nào bạn đi, bạn cũng cần cảnh giác. Tuy nhiên Âu Châu ngày nay bỗng biến thành nơi trộm cắp hoành hành, nhất là những chốn đông người, những nơi có thắng cảnh nổi tiếng đều là tụ điểm làm ăn ngày đêm của những "Diệu Thủ Thư Sinh". Điều nguy hiểm hơn là kỹ thuật móc túi của nghề "chôm nhẹ" này càng ngày càng tinh vi và trò lừa đảo được trui rèn ngày một điêu luyện hơn. Cái khó nhất cho du khách là sự thiếu cảnh giác và đề phòng vì mê mải xem phong cảnh, bận rộn chụp hình, phải chen lấn nơi quá đông người và vô ý để lộ nơi cất tiền để tiêu của mình.

Trước tiên tôi xin kể vài trò móc túi mà tôi chứng kiến hay nghe kể được.

- Tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha. Người dẫn tour đoàn du lịch dẫn chúng tôi đi xem một ngôi nhà thờ cổ trên con đường nhỏ hẹp mà lại đông du khách viếng thăm. Một người bạn tôi trong đoàn đang đi, bỗng bị một người đàn ông tay cầm một tờ báo đang mở rộng đụng phải(tờ báo để che lúc tên trộm đang móc túi) và kẻ gian thò ngay tay vào nẫng chiếc ví tiền trong túi ông. Một người trong đoàn thấy được đánh ngay vào tay kẻ móc túi và la lớn "ăn trộm, ăn trộm". Đoàn dừng lại và người dẫn tour cũng la theo. Tên trộm và một đồng bọn nhanh chóng lủi mất dạng. Chiếc bóp vẫn còn tòng teng bên ngoài túi của người bạn vì ông đã dùng một sợi dây móc cái bóp vào bên trong túi. Tên trộm tuy móc cũng chưa lấy được ví nhờ có sợi dây và nhờ người trong đoàn đánh vào tay hắn, hắn chưa giật ra được. Trước khi đi tour vì được tôi nhắc nhở nên người bạn đã mua sợi dây gắn bóp vào túi quần để bảo vệ túi tiền của mình. Ngoài ra chúng có thể giả làm khách du lịch tay cầm một tấm bản đồ để che lúc móc túi.
-  Cũng tại Lisbon, Bồ Đào Nha, (một người bị mất tiền kể lại). Anh ta đi xem một ngôi nhà thờ xong vào nơi bán quà lưu niệm, đang mê mải ngắm các món quà thì bỗng có một bà già thấp bé vấp ngã  vào người anh ta. Bà lồm cồm đứng dậy và đi mất. Anh ta cảm thấy tội nghiệp cho bà già cả đi đứng không vững mà té vào mình. Anh chọn quà xong móc túi ra trả tiền mới hay ví mình không cánh mà bay. Thì ra bà già là thủ phạm nẫng đi tất cả số tiền anh mang theo 5,6 ngàn Euros để đi du lịch Âu Châu. Chuyến đó anh phải về sớm mang theo mối hận lòng vì chưa được thăm thú gì cả, đành phải hẹn trở lại trong một dịp khác. Bạn bè hỏi han mới biết rằng, trước khi vào tiệm anh có thấy trước cửa nhà thờ có một cô bé khoảng 16, 17 ngồi bên vài con chó xin tiền khách qua đường. Anh có lòng thương chó lại thấy cô bé tội nghiệp bèn móc túi cho tiền. Chính hành động cho tiền làm lộ nơi để cái ví khiến cho đồng bọn của cô bé là bà già theo anh ta và vờ té "chôm nhẹ" cái ví, là cả một gia tài đi chơi của anh.
-  Tại Barcelona, Tây Ban Nha (chuyện được kể). Du khách đang đi bỗng có một bà lão tay cầm một giỏ hoa chạy đến bảo "Hôm nay là ngày lễ của chúng tôi, theo phong tục chúng tôi xin trao tặng hoa cho bạn". Bà ta tặng hoa bạn không lấy, bà ta sẽ tiếp tục theo bạn nài ép cho bạn nhận. Sau khi nhận, bà xin bạn một hai đô tiền lẻ. Lỡ cầm hoa, bạn phải mở ví cho tiền. Nếu bạn trả hoa lại, bà không chịu, dằng co gây chuyện, cốt đụng vào người bạn và thọc tay vào ví của bạn ăn trộm tiền. Nếu bạn mở ví cho tiền, bạn sẽ tiết lộ nơi để tiền cho bà ta biết, thế là đồng bọn có cơ hội theo bạn và ẵm nhẹ số tiền bạn có. Kẻ gian còn cố ý làm giăng đồ bẩn như Ketchup hay sirô màu vào người bạn rồi làm bộ xin lỗi, xáp vào người bạn lau vết bẩn, thế là họ tha hồ móc túi.
-   Tại Barcelona, Tây Ban Nha. Khi chúng tôi xuống xe coach để đem hành lý vào khách sạn, người dẫn tour bảo chúng tôi phải quây tròn chung quanh chỗ để hành lý cho bọn gian không thể lọt vào được mà đỡ nhẹ hành lý của chúng tôi mang đi. Lý do vì trong lúc mang hành lý từ xe xuống kẻ gian có thể trộn lẫn vào và trộm xách hàng lý mang đi. Người bạn tour guide dẫn đoàn khác kể đoàn ông mới đây đã bị trộm lẻn vào trộm mất 1 vali khi đoàn mang vali vào khách sạn. Phải nói là Barcelona trộm cắp như rươi. 
-  Tại Warsaw, Ba Lan. Một anh trẻ trong đoàn du lịch sau khi về khách sạn ăn tối, anh ra phố và muốn khám phá thành phố về đêm nơi này. Anh đi một mình vào các quán bar rượu. Khi uống xong, anh đi bộ về khách sạn. Đang đi bỗng một cô gái trẻ đẹp đi ngược chiều với anh giả bộ say xỉn, té nhào vào anh và ôm anh. Tay cô ta vòng vào nơi để ví sau lưng quần của anh mò mẫm. Anh xô ra và đi thẳng. Về khách sạn anh kể với đoàn, may quá anh không để tiền chỗ bị nó mò. 
-  Tại Ai Cập. Kẻ gian gạ du khách mua tranh papyrus( một loại tranh giấy làm từ cây thủy trúc) bằng cách chúng áp sát tranh vào bóp xách tay, ba lô của bạn. Trong thời gian đó, chúng dư sức lấy đồ trong bóp hay ba lô. Để tránh trường hợp này bạn dấu đồ quý hay tiền dưới đáy bóp hay ba lô và đeo ngược bóp hay ba lô về phía trước ngực. 
-   Tại Toledo, cố đô của Spain. Người bạn bị cướp trấn lột. Tên cướp là 1 người bản địa, ăn mặc đẹp đẽ, cao to, mặt mũi sáng sủa như tài tử điện ảnh đưa dao ra và bạn ấy phải trao tất cả cho tên đó. 
-  Ở Ý, Kẻ gian còn giả làm cảnh sát kiểm tra giấy tờ của bạn, và trong vòng 5 giây đã móc được 2000 Euro của một người bạn. Chúng còn giả vờ cãi lộn, đánh nhau và va vào người bạn để làm rớt đồ xong xáp lại lượm đồ rồi xin lỗi. Lúc đó họ đã móc mất tiền của bạn rồi. 
blank
Pic 4. Giả vờ níu kéo bán đồ phía trước, đồng bọn móc túi phía sau
 blank
Pic 5. Kẻ gian đang hành nghề
 blank
Pic 6. Kẻ gian bán hàng, đồng bọn móc túi

Ngoài ra trong hay trên các xe điện ngầm, tàu hoả hay xe bus công cộng là nơi kẻ gian dễ giở trò móc túi nhiều nhất. Đó là chỗ kẻ gian có cơ hội đụng vào người bạn, vật dụng hay bóp ví của bạn đem theo mà bạn không có cách nào di chuyển ra nơi khác tránh chúng. Chúng còn giả vờ mất đồ rồi tìm lung tung cố ý đụng hay nắm lấy tay hay chân bạn. Trong thời gian bạn vùng ra hay đau điếng vì đụng chạm, mất thăng bằng, chúng đã lấy đi vật chúng muốn lấy. Tốt nhất tránh đi các phương tiện công cộng nếu có thể.
 blank
Pic 7. Móc túi ở Barcelona
 blank
Pic 8. Chiêu giả vờ hỏi đường

Sau đây là một số lời khuyên và phương pháp phòng ngừa kẻ trộm mà những người từng là nạn nhân hay có nhiều kinh nghiệm chia sẻ.
-  Nên đeo ba lô vay bóp ngược ra đằng trước ngực, cầm chắc túi đồ khi đi qua nơi đông đúc.
-  Mua các đồ lót hay túi đeo giấu được tiền, giấy tờ quan trọng bên trong quần áo. Chia tiền ra để dấu nhiều nơi. Tiền đổi được cất một nơi, tiền chi tiêu cất nơi khác, chỉ để một số tiền nhỏ ở ngoài để tiêu vặt. Khi lấy tiền ra tiêu, bao giờ bạn cũng phải nhìn trước ngó sau, nhờ bạn bè che chắn không để kẻ gian nhìn thấy. Đi du lịch với đoàn là tốt nhất, cố đi vào giữa đoàn. Người dẫn tour địa phương là người thường có kinh nghiệm nhìn ra ai có thể là người khả nghi và họ sẽ để mắt cảnh cáo bạn.
-  Không để bất cứ người lạ nào đụng vào người bạn. Nếu bị người lạ đụng trúng, bạn phải kiểm soát lại chỗ để tiền ngay lập tức. Chỉ chuyện trò với người bạn quen, ngoài trừ trường hợp bị lạc, phải hỏi đường và hết sức cẩn thận lúc hỏi. Phải chú ý tới những kẻ lân la tìm cách đến gần bạn, càng ăn mặc bảnh bao, xinh xắn càng nên đề phòng.
-  Nhớ các mưu mẹo, chiêu lừa đảo họ thường dùng như mỹ nhân kế, khổ nhục kế, giúp đỡ kế, cãi nhau, giỡn chơi với nhau té vào bạn hoặc cảnh sát giả, làm rớt đồ, lượm đồ, bán đồ, vấp té, làm đổ nước lên người bạn, dẫm chân bạn ..v..v… Nhớ tránh xa những kẻ tìm cách tới gần bạn.
-  Không nên quá thân thiện và tỏ vẻ tử tế hay thích giúp đỡ người lạ như cho tiền ăn mày, trò chuyện thân mật với họ. Luôn luôn giữ khoảng cách vì chỉ cần lại gần bạn hay bạn rút ví ra khoe hình, là chúng biết nơi bạn dấu tiền ngay lập tức.
-   Không nên chụp hình dùm người lạ hay nhờ người lạ chụp hình, chỉ cần họ gần người bạn là mọi thứ có thể bay biến.
-   Để tránh cướp giật, nếu là phái nữ khi đi dạo phố bạn nên luôn luôn đi vào phía bên trong vỉa hè, đừng đi ra giữa phố là mục tiêu cho kẻ cướp giật đồ. Nhớ chú ý và lùi ra xa tránh nếu có chiếc xe gắn máy nào đang loanh quanh lại gần bạn hay họ ra vẻ xe bị hư, có ý định lại gần nhờ bạn giúp đỡ. Đề phòng họ giật đồ và sẵn sàng la to lên nếu họ sáp lại gần để giật đồ.
-  Không nên là mục tiêu cho kẻ trộm, không đeo nữ trang đắt tiền, ví bóp hàng hiệu. Nếu bạn mang theo máy ảnh đắt tiền nên để trong ba lô đeo ngược. Chỉ đem ra chụp khi đi trong đoàn du lịch và thấy  nơi đó thật sự an toàn. Không nên để đồ quý hay tiền bạc trong safety box của khách sạn, chỉ nên để giấy tờ.
-  Kẻ gian có thể có đủ các quốc tịch, giống dân nhưng nếu có thể tránh xa dân Digan còn gọi là Gypsy vì họ hành nghề móc túi rất nhiều ở Âu Châu.

Thảm Họa “Văn Hóa” Ở Trong Nước

Đào Văn Bình

Hiện nay ở trong nước, hai chữ “văn hóa” được dùng tràn lan, sai nghĩa và trở nên dị hợm khi nói: văn hóa nói dối, văn hóa tham nhũng, văn hóa đi trễ, văn hóa chen lấn, văn hóa chửi thề, văn hóa ỉa bậy, văn hóa phong bì, nền văn hóa giao thông. Hai chữ “văn hóa” ở đây được dùng với ý xấu, ám chỉ cái gì đã trở thành cố tật thấm sâu vào não trạng và không sao thay đổi được nữa và được cả xã hội chấp thuận và làm theo. Trong khi “văn hóa” biểu tượng cho cái gì tốt đẹp đã được gạn lọc theo thời gian và là niềm hãnh diện vì là đặc trưng của một quốc gia.
 
Theo từ điển Anh, “culture” ngoài nghĩa “văn hóa” còn có nghĩa khác như sau: “The set of predominating attitudes and behavior that characterize a group or organization.” Theo định nghĩa này thì “culture” có nghĩa là: Lề thói, cách cư xử, trào lưu, phổ biến, một căn bệnh, cố tật…của một tập thể, một tổ chức, một nhóm người nào đó chứ không chung cho cả một dân tộc.

Xin nhớ cho, văn hóa là đặc trưng, thường là tốt đẹp cho cả một dân tộc. Do đó, khi phê phán người nào cư xử, hành động nói năng thô tục, khiếm nhã, thiếu lịch sự, ăn mặc hở hang… chúng ta nói, “Đây là hành động thiếu văn hóa”, tức văn hóa là biểu tượng cho mẫu mực và tốt đẹp chung. Chẳng hạn, “Việt Nam có một nền văn hóa cổ kính”. “Hoa Kỳ có một nền văn hóa đa dạng”. Văn hóa là một tổng hợp bao gồm rất nhiều lãnh vực của xã hội như: Hội hè, nghi lễ, nghi thức, cách ăn mặc, cách nói năng, cách cư xử trong gia đình, ngoài xã hội…chẳng hạn như: văn hóa Trung Hoa, văn hóa Mỹ, văn hóa Việt Nam…qua đó chúng ta thấy sự khác biệt về lối sống giữa các quốc gia. Chẳng hạn thờ cúng tổ tiên là nét văn hóa lớn của người Việt chúng ta. Hoặc, các cụ ngày xưa gặp nhau đều chắp tay vái chào, đó là một nét văn hóa cổ kính của Việt Nam. Hoặc, Hội Lim hằng năm để trai gái hát Quan Họ, hát đúm là nét văn hóa trữ tình của làng quê Việt Nam.

Do đó không thể dùng từ ngữ “văn hóa” để diễn tả một thói hư, tật xấu, một trào lưu của một số người chứ không phải của cả dân tộc, chẳng hạn như:“Văn hóa ứng xử” mà phải nói, “cách cư xử” sao cho lễ độ, lịch sự, phải phép v.v..“văn hóa  xếp hàng” mà phải nói “thói quen xếp hàng” hoặc “ tự trọng khi xếp hàng”. “văn hóa đi trễ” mà phải nói, “thói quen đi trễ”, “bệnh đi trễ”.“văn hóa chửi thề” mà phải nói, “bệnh chửi thề”, “tật chửi thề” Thí dụ: Thằng cha/con mụ đó có tật hễ mở miệng ra là chửi thề.

Do đó không thể nói, “Thằng cha/con mụ đó có văn hóa chửi thề” Nếu đã có văn hóa thì làm sao có thể chửi thề? “văn hóa phong bỉ” mà phải nói “trào lưu, phổ biến”. Thí dụ: “Bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân đã trở thành một trào lưu không biết ngượng/phổ biến của giới bác sĩ Việt Nam bây giờ.” Do đó không thể nói, “Ông/bà bác sĩ đó có văn hóa nhận phong bì.” Mà phải nói “Ông/bà bác sĩ đó không biết xấu hổ khi nhận tiền biếu của bệnh nhân.”“văn hóa phóng uế”mà phải nói “ thói quen phóng uế, xả rác. Thí dụ: “Xả rác và phóng uế là thói quen bất trị của người Việt Nam bây giờ.” hoặc, “Hút thuốc xong liền quăng tàn thuốc lá xuống đất là thói quen đã thấm vào não trạng/vào máu của người Việt Nam.”

Do đó không thể nói “Thằng cha đó có văn hóa đái bậy/ỉa bậy”. Bởi vì nếu có văn hóa thì đâu có đái bậy, ỉa bậy. “văn hóa nói dối” mà phải nói, “thói quen nói dối, cố tật nói dối”. “bệnh nói dối”. Chúng ta không thể nói, “Thằng cha, con mụ đó có văn hóa nói dối.” mà phải nói, “Thằng cha, con mụ đó có bệnh nói dối”. “văn hóa đi máy bay” mà phải nói, “những điều nên làm và không nên làm khi đi máy bay”. Ngoài ra cũng không thể nói, “văn hóa ẩm thực” mà chỉ là “cách ăn uống, thói quen ăn uống, tập tục ăn uống”.“văn hóa khinh bỉ”.

Thật tình tôi không hiểu người sáng chế ra chữ này muốn nói gi? Đồng ý tham nhũng là vi phạm pháp và đáng khinh bỉ. Nhưng để “tận diệt” nạn tham nhũng, ngoài việc ngăn ngừa, trừng phạt còn phải xây dựng một lòng tự trọng là “biết khinh bỉ tham nhũng” tức xây dựng “lòng tự trọng” chứ tại sao lại sáng chế ra một từ ngữ quái đản như vậy?
 
“Nền văn hóa giao thông” mà là “thảm trạng giao thông tại Việt Nam”. Tại sao cứ dùng hai chữ “văn hóa” để gán ghép cho những thói hư tật xấu? Giả dụ ngày mai đây hệ thống giao thông công cộng được cải thiện, người dân bắt đầu có ý thức trách nhiệm và bảo vệ an toàn trên đường phố, lái xe có trật tự hơn thì cái gọi là “nền văn hóa giao thông” đó có còn tồn tại không?

Vậy đây chỉ là một thảm trạng nhất thời chứ không phải một nền văn hóa. Xin nhớ cho văn hóa là một tập tục, lề thói tốt đẹp của một dân tộc, tồn tại mãi với thời gian trong lòng cộng đồng dân tộc đó, chẳng hạn như thờ cúng tổ tiên là nét đặc thù của nền văn hóa Việt Nam.-Rồi “văn hóa online”. Làm gì có cái gọi là “văn hóa online”. Đây chỉ là một phương tiện, một trào lưu vào mạng lưới toàn cầu trên máy điện tử để theo dõi tin tức, thảo luận, có khi chửi bới nhau thậm tệ… chứ nó có phải là một nét “văn hóa” để nâng cao phẩm hạnh, tư cách, đạo đức của con người đâu.

Một người tối ngày vào các diễn đàn điện tử để tranh cãi chưa chắc đã là con người có tư cách và đạo đức. Mới đây nhất Ngày Hội Cà-Phê Ban Mê Thuột 2019 đã quảng cáo cái gọi là “văn hóa cà-phê”. Thật quái đản! Khi nói “văn hóa cà-phê” điều đó có nghĩa rằng việc uống cà-phê đã được lưu truyền từ đời Quốc Tổ Hùng Vương xuống con cháu bây giờ. Nhà nhà, từ rừng núi tới thành thị, hang cùng ngõ hẻm đều uống cà-phê. Nghệ thuật uống cà-phề đã được ghi lại trong thi ca, sử sách, đã trở thành một thứ “đạo” như “trà đạo” trong mọi gia đình Việt Nam.

Và trải qua 4000 năm, nó đã trở thành nề nếp văn hóa của dân tộc giống như tục lệ thờ cúng tổ tiên vậy. Kẻ nói như con vẹt này không biết rằng việc uống cà-phê chỉ có khi ông Tây mũi lõ đô hộ nước ta. Nó chỉ là một cái thú, một thị hiếu, một sở thích, một thói quen chứ chẳng liên quan gì tới văn hóa cả. Làm gì có cái gọi là “văn hóa cà-phê” trong kho tàng văn hóa Việt Nam?

Những kẻ buôn lậu, mánh mung, đâm cha chém chú, chơi bời lêu lổng… dù có ngồi uống cà-phê tại một nhà hàng sang trọng thì đâu có gì gọi là văn hóa? Uống cà-phê thì cũng giống như uống nước trà, nước chè tươi, nước vối…có gì ghê gớm đâu? Thế nhưng ngày Tết đi lễ chùa, thăm viếng thầy/cô trong tinh thần “tôn sư trọng đạo” lại là một nét đẹp của văn hóa.
 
1- Ngoài ra, nếu đã có “văn hóa cà-phê” thì rồi đây sẽ có“văn hóa nước mắm”, “văn hóa mắm tôm”, “văn hóa chả giò”, “văn hóa hủ tíu”, “văn hóa bún chả ”. Khi gặp một người ngoại quốc nếu chúng ta nói, “Thưa ông/bà “đất nước chúng tôi có một nền văn hóa gọi là văn hóa ỉa bậy, đái bậy” điều đó có nghĩa là ỉa bậy, đái bậy đã được lưu truyền từ bốn ngàn năm, đã được giảng dạy từ học đường tới gia đình, được văn chương, sử sách ca ngợi cho nên nó thấm vào máu dân tộc chúng tôi và biến thành “một nền văn hóa” đáng trân quý của dân tộc.

Xin quý vị đừng cười!” Chắc ông/bà ngoại quốc đó sẽ kinh hoảng và trốn khỏi Việt Nam vì xứ sở gì mà có một nền văn hóa quái đản như vậy.  Nhưng nếu chúng ta nói, “Dân tộc chúng tôi bị ngàn năm nô lệ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây, 20 năm “nồi da xáo thịt”.

Năm 1979 lại trải qua hai cuộc chiến với Khmer Đỏ và bành trướng phương bắc, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, học hành không có, giáo dục bản thân không có, đường phố, chợ búa lại không có nhà vệ sinh công cộng,  quan to lo xây biệt phủ, chuyển tiền, gửi con đi Mỹ, không lo đời sống của dân…cho nên mắc đại tiện, tiểu tiện quá không biết phải làm sao, đành tè và ị ra đường. Đây là một tệ nạn thật xấu hổ của dân tộc chúng tôi. “Nếu nói thế thì người ngoại quốc còn hiểu và thông cảm. Còn nếu nói, “Chúng tôi có văn hóa ỉa bậy, đái bậy” thì hết thuốc chữa vì làm sao có thể thay đổi được một nền văn hóa? 

Hiện nay tiếng Việt ở trong nước và trang tin BBC Việt Ngữ giống như một bãi rác khổng lồ, ai muốn phóng uế cũng được. Không được học hành đàng hoàng, không đọc văn chương sử sách, không tra cứu từ điển, không cần biết đúng sai, không hỏi người lớn… mà cứ viết. Đúng là thảm họa văn hóa của dân tộc!

Đào Văn Bình (trong Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời)

Thursday, March 28, 2019

Image may contain: 1 person

"Các phương tiện truyền thông Fake News đang thực sự điên rồ! Họ đang phải chịu một sự "sụp đổ" lớn, KHÔNG có được uy tín hoặc sự tôn trọng, và phải suy nghĩ để trở nên thành thật. Tôi đã học được cách sống với Fake News, những hãng tin chưa bao giờ hủ bại hơn bây giờ. Một ngày nào đó, tôi sẽ nói cho bạn biết bí mật!" - Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tweet hôm 28/03.
"TIN TỨC HOA KỲ: TT Trump tiết lộ sự thật về John McCain"




Lần đầu tiên trên thế giới, thay van tim không cần phẫu thuật mở

Trước tiên, cần phải nhắc tới một mô hình y tế hữu hiệu của Pháp là CHU. CHU có nghĩa là Centre Hospitalier Universitaire, tức Trung tâm Bệnh viện Đại học, nơi quy tụ của các vị giáo sư bác sĩ tài danh từ các trường đại học. Mỗi tỉnh hoặc thành phố lớn của Pháp đều có một CHU.
Đây là lần đầu tiên trên thế giới, các giáo sư bác sĩ của CHU de Lille đã thay thế van tim cho một bệnh nhân mà không phải phẫu thuật mở ngực hoặc mở tim.

Cụ thể là trong những ngày cuối năm 2018 vừa qua, một bệnh nhân cần được thay thế một van tim hai lá đã bị suy.

Mô hình cho thấy van hai lá (màu đỏ) nằm ngay trung tâm của tim.

Van hai lá là một van nằm ngay trung tâm của tim, giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái. Vai trò của van hai lá rất cần thiết, bằng cách mở và đóng theo từng nhịp tim, van cho phép máu đi từ tâm nhĩ đến tâm thất nhưng lại ngăn chặn không cho máu đi ngược lại.

Khi co bóp, tâm nhĩ trái mở van chuyển máu xuống tâm thất trái để tâm thất trái gởi khối lượng máu tối đa vào động mạch chủ. Suy van hai lá xuất phát chính xác từ một “rò rỉ” của van hai lá này, khi hai tấm van đóng mở không còn hoạt động chính xác được nữa.

Và nếu không được điều trị, căn bệnh nghiêm trọng và thường xuyên này sẽ dẫn đến suy tim mà triệu chứng là khó thở cho dù chỉ là một hành động cố gắng nhỏ nhất, và ngoài ra còn có sự xuất hiện của tình trạng phù ở chân.

Trong trường hợp của bệnh nhân này, các bác sĩ đã sử dụng ống thông đưa chiếc van hai lá sinh học để thay thế, xâm nhập cơ thể qua ngả động mạch đùi và được hướng dẫn đi dần lên tới trung tâm của tim.

Tại đây, chiếc van sinh học được thao tác cho cố định vào đúng vị trí thay thế cho chiếc van cũ đã hỏng. Và như vậy là bệnh nhân đã được thay van mà không cần phải phẫu thuật mở ngực hoặc mở tim. Không còn những đường may dài trên ngực như phương pháp phẫu thuật hở truyền thống. Chỉ có một chút sẹo nhỏ dưới đùi, tất cả chỉ có vậy.

Vui mừng trước thành quả này, TS. Eric Van Belle, giáo sư Tim Mạch học và là người trực tiếp thực hiện công trình, phát biểu: “Có lẽ chúng tôi đang ở buổi bình minh của một cuộc cách mạng mới!”.

Theo Khoahoc
TIN QUỐC HỘI

Thượng Viện đã biểu quyết về dự án Green New Deal của cô dân biểu Ocasio-Cortez, với tỷ lệ 57 phiếu chống (tất cả nghị sĩ CH + 4 nghị sĩ DC), 43 phiếu hiện diện (tất cả là DC), và 0 phiếu ủng hộ.

Cuộc biểu quyết này đã được lãnh tụ khối đa số CH tại Thượng Viện đưa ra với mục đích ép phe DC phải lên tiếng về dự án khổng lồ hoang tưởng của cô Ocasio-Cortez, đã được hầu hết các ứng cử viên tổng thống của đảng DC ủng hộ. Tuy ủng hộ, nhưng đến khi bỏ phiếu thì họ lại rét, bỏ phiếu ‘hiện diện’, trong đó có các bà nghị sĩ Elizabeth Warren, Kirsten Gillibrand and các ông nghị sĩ Cory Booker, Bernie Sanders. Không có tới một nghị sĩ biểu quyết ủng hộ.

Dự án Green New Deal sẽ tốn khoảng 93.000 tỷ trong 10 năm, so với tổng cộng ngân sách Mỹ năm nay là khoảng 4.000 tỷ. Theo các chuyên gia thuế, nếu tăng thuế các đại gia lên mức 70% lợi tức như cô Ocasio-Cortez đề nghị, thì sẽ thu thêm được khoảng 190 tỷ nhưng sẽ mất đi 60 tỷ vì mất bớt tiền thuế thu trên các đầu tư của các đại gia, nghiã là sẽ thu thêm được 130 tỷ trong 10 năm tới, chỉ còn thiếu có… 92,870 tỷ thôi. Cô Ocasio-Cortez hiển nhiên chẳng có khái niệm gì về chuyện tiền bạc hết.

Trong khi đó, tại Hạ Viện, phe DC đã thất bại, không đủ phiếu để vượt qua phủ quyết của TT Trump về vụ ban bố tình trạng khẩn trương. Chỉ có 248 phiếu, còn thiếu 38 phiếu. Bây giờ Thượng Viện có thể sẽ không cần biểu quyết nữa vì đã thất bại ở Hạ Viện rồi.

Nếu không có hành động gì khác, TT Trump sẽ có tiền xây tường. Bộ Quốc Phòng đã thông báo vừa tháo khoán một tỷ đô để xây khoảng 50 dặm tường, như là đoạn đầu tiên. Vì không có quỹ riêng đặc biệt, TT Trump sẽ phải đi lục trong ngân sách để cắt đầu này lắp đầu kia, nên sẽ cần thời gian vài năm mới xây tường như ông dự tính.

Khối DC trong Hạ Viện đang nghiên cứu kế hoạch thưa kiện chính quyền Trump để cản.

Kết quả của cả hai cuộc biểu quyết không có gì là ngạc nhiên, đều đúng như dự liệu.

KHỦNG HOẢNG BIÊN GIỚI

Di dân Nam Mỹ tràn vào Mỹ đã leo thang lên đến mức khủng hoảng lớn. Cả trăm ngàn người đang chờ xin nhập cảnh, trong khi hơn 23.000 người vượt biên giới bất hợp pháp đã bị bắt trong một tuần lễ đầu tháng Ba vừa rồi.

Sở Di Trú cho biết mỗi ngày đã phải thả khoảng 1.000 di dân ra khỏi các trại tạm cư vì không đủ chỗ, cũng như vì luật không cho phép giam giữ trẻ em quá lâu.

Những người này trên nguyên tắc chỉ là được tạm tha, với điều kiện phải đến trình diện lại. Nhưng trên thực tế, hầu hết những người này mau mắn biến vào xã hội Mỹ, sẽ không bao giờ ra trình diện và sẽ chẳng bị bắt lại, ngoại trừ vi phạm luật nào đó, bị cảnh sát bắt. Mà cho dù bị bắt tại những nơi có sanctuary law thì cũng chẳng sao.

Ngoài ra tin mới nhất cho biết lại thêm một đoàn di dân với hơn 1.200 người đã bắt đầu cuộc hành trình đi từ Guatemala tới biên giới Mỹ.

ISIS CHÍNH THỨC BỊ DẸP TAN

Tin từ Syria cho biết thành phố cuối cùng do ISIS kiểm soát tại Syria đã được quân chính quyền giải thoát.

ISIS dưới thời TT Obama đã vùng lên từ một “đội bóng rổ trung học” chiếm được một nửa Syria và một nửa Iraq, với một lực lượng ước tính lên tới 30.000 tay súng, đã bị đánh tiêu tan không còn manh giáp qua sự phối hợp của các lực lượng quân đội Syria, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, với sự yểm trợ của quân đội Mỹ và Nga.

LUẬT SƯ AVENATTI BỊ BẮT

Anh luật sư nổ hơn kho đạn Avenatti của cô đào chuyên đóng phim sex Stormy Daniels, đã bị FBI bắt về tội mưu toan tống tiền hãng giầy Nike.

Anh này không biết bằng cách nào, đã tìm ra được bằng chứng Nike làm chuyện lem nhem gì đó, đe dọa sẽ bung tin này lên báo chí, có thể gây thiệt hại bạc trăm triệu cho Nike. Anh ta đòi Nike trả 22,5 triệu đô để đổi lấy sự im lặng của anh ta.

Nike không hợp tác, trái lại hợp tác với FBI, lập lưới bắt anh ta tại trận.
Ngoài ra, anh Avenatti cũng đã bị tiểu bang Cali truy tố về nhiều tội lừa gạt, tống tiền.

Cô đào Stormy nghe tin này, đã bình luận “không có gì lạ hết, tên này lừa tôi và còn lừa nhiều người khác nữa, chưa hết đâu”.

Bị truy tố cùng với anh Avenatti là một luật sư khác, chuyên gia luật pháp của đài ... CNN, tên là Mark Geragos. Anh này cũng là luật sư cho anh Colin Kaepernick, là anh cầu thủ football khởi xướng ra vụ quỳ gối không chào quốc kỳ Mỹ trước các trận đấu.

CNN đã mau mắn sa thải luật sư Geragos ngay lập tức tuy không dám nêu lý do tại sao sa thải.

LẠI THÊM MỘT NHÀ BÁO THAN PHIỀN

Nhà báo lão thành Tom Brokaw của đài NBC, đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay để chữa trị ung thư, đã lên tiếng than phiền truyền thông thời nay chẳng những quá phe đảng mà còn hoàn toàn một chiều, lập đi lập lại những lập luận giống hệt nhau –too much duplication.

Anh Brokaw cũng kêu gọi truyền thông hãy đi ra khỏi hai cái thành trì New York và Washington để xem dân Mỹ thực sự nghĩ gì, thay vì cứ nhìn chằm chằm vào vài chính khách tên tuổi.

Anh Brokaw là nhà báo kỳ cựu thứ hai lên tiếng than phiền về TTDC, sau khi anh Ted Koppel đã than vãn tuần trước.

NEW YORK BỊ NẠN

Tiểu bang New York, thành đồng của tư tưởng cấp tiến không thua gì Cali, cách đây cả năm đã biểu quyết mức lương tối thiểu tại tiểu bang là 15 đô một giờ, bất kể làm việc gì, có típ hay không. Đây là chủ trương của khối cấp tiến trong đảng DC, nhân danh nhu cầu ‘giúp dân nghèo’ của cái đảng tự vỗ ngực là ‘nhân bản’. Trong khi khối CH chống lại, nên thường bị tố là bóc lột lao động để bảo vệ mấy ông ‘nhà giàu’ chủ hãng xưởng và công ty.

Kết quả của việc tăng lương tối thiểu đã đúng như khối CH đã cảnh giác.
Theo nghiên cứu của tổ chức New York Hospitality Alliance, là một tổ chức tương trợ trong kỹ nghệ phục dịch như khách sạn, tiệm ăn,… hơn một nửa các tiệm ăn tại New York đang cố tìm cách sa thải bớt nhân viên, vì hai lý do, lương tối thiểu quá cao, và Obamacare, phải chi trả bảo hiểm y tế cho nhân viên nếu có trên 50 nhân viên.

Nói trắng ra, DC có ý giúp dân lao động nhưng kết quả của những chính sách mỵ dân đã đưa đến tình trạng tai hại là cái đám dân đó bị mất job hàng loạt. Mức lợi nhuận của các công ty tiểu thương này trung bình rất thấp, chỉ khoảng 4% trước khi trừ thuế. Bây giờ, bắt tăng lương và trả bảo hiểm y tế cho nhân viên thì một số lớn bị lỗ nặng.

Số nhân viên bị sa thải nhiều đến độ chính quyền tiểu bang đang nghĩ việc ra luật cấm sa thải. Vẫn chỉ là một luật mới ngớ ngẩn khác của các chính khách DC. Nếu ra luật cấm sa thải thì phải nghĩ đến hai hậu quả. Thứ nhất là các công ty sẽ rất ngại thuê mướn người mới, tìm việc làm sẽ khó khăn gấp bội. Thứ hai là việc không bị sa thải sẽ khiến cho nhiều người làm biếng không làm gì nữa, sẽ tai hại lớn cho năng suất của công ty và cả kinh tế Mỹ nói chung.

Nhiều chuỗi tiệm ăn lớn như McDonald, KFC,… đang lập ra những quầy bán hàng tự phục vụ -self service- để có thể giảm nhân lực.

Làm sao ngăn ngừa việc này? Ra luật áp đặt chỉ tiêu năng suất hay chỉ tiêu nhân lực theo kiểu CS? Kiểu như một tiệm bán bao nhiêu tiền thì phải có tối thiểu bao nhiêu nhân viên? Phe ta đang lừng lững ‘tiến nhanh, tiến mạnh’ xuống hố cả nước.

TIẾN TRÌNH XUỐNG HỐ CẢ NƯỚC

Một nhà báo của Fox News, ông Tom Del Beccaro, đã viết một bài về tiến trình đi từ chế độ tư bản qua chủ nghiã xã hội, để đến sự hủy hoại của cả xã hội luôn. Theo ông này thì có tổng cộng 9 bước. DĐTC xin tóm lược lại để quý độc giả đọc cho vui, cũng như để xem phe DC đang dẫn dắt nước Mỹ qua bước thứ mấy rồi.

Bước một: chi tiêu Nhà Nước tăng vọt để chi trả cho đủ loại trợ cấp của Nhà Nước. Như Thụy Điển, trước đây chi tiêu của Nhà Nước lên tới 70% tổng sản lượng cả nước (tuy bây giờ đã de lui, giảm xuống còn 50%). Hiện nay, tỷ lệ này của Mỹ là 36%, nhưng nếu đảng DC thắng cử trong cuộc bầu năm 2020 thì con số này sẽ nhẩy lên trần nhà luôn.

Bước hai: tăng thuế ào ạt trên các ‘đại gia’ và công ty, đưa đến cắt tuyệt mọi khuyến khích kinh doanh. Đây là việc các ứng viên tổng thống của DC đều chủ trương.

Bước ba: chặn đứng mọi tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng dưới thời Obama trung bình là dưới 2%, nhưng đã leo lên trên 3% dưới TT Trump.

Bước bốn: tích lũy công nợ. Dưới chế độ đã phá sản của Hy Lạp, công nợ lên tới 150% tổng sản lượng quốc gia, trong khi dưới thời Obama, đã leo lên tới xấp xỉ 100%, từ 10.000 tỷ lên tới 20.000 tỷ.

Bước năm: Nhà Nước in tiền. Như đang xẩy ra tại Venezuela, Nhà Nước in tiền ào ào để chi trả mọi thứ trong nước, đưa đến lạm phát tức là tiền mất giá mạnh. Lạm phát ở Venezuela cho năm 2019 được ước tính sẽ là một triệu phần trăm! Khó hiểu? Đại khái một ổ bánh mì bán 10 đồng đầu năm 2019, sẽ bán 100.000 đồng cuối năm. Ai muốn Mỹ thành Venezuela, xin giơ tay!

Bước sáu: để chặn lạm phát, Nhà Nước ấn định giả cả mọi thứ, cũng như ấn định tiêu chuẩn sản xuất và tiêu thụ cho tất cả mọi thứ.

Bước bẩy: kinh tế ‘chui’ ra đời để tránh sự kiểm soát của Nhà Nước.

Bước tám: chiến tranh giai cấp bùng nổ vì khó khăn kinh tế quá lớn, sẽ kích động những người bị thiệt thòi nổi loạn, đánh nhau với những người còn tí của cải.

Bước chín: cả nước biến loạn và xụp đổ.

Đọc qua 9 bước trên, kẻ này có cảm tưởng như đó chính là … sách lược kinh bang tế thế của đảng DC hiện nay!

Vũ Linh

Blog Archive