Saturday, December 22, 2018

Tình bạn và đời Lính

Trần Thế Phong 

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2, thành phố Pleiku. Chọn thành phố heo hút, buồn bã nầy để xa tít mù xa PT, và cho em quên tôi. Nhưng thành phố buồn bã đó đã cho tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ và gặp những mất mát đau thương… Thành phố đó tôi gặp lại Trần Văn Toàn, Lê Văn Vinh và Đoàn Thạnh, ba thằng bạn thân thương từ thời thơ ấu, thời học sinh, và đời lính chiến.

Trần Văn Toàn: Trung úy không quân, Phi Đoàn 530 Khu Trục. Tôi học chung với Toàn lớp đệ nhị và đệ nhất. Toàn đẹp trai, hát hay, ăn nói duyên dáng, gốc người Huế, sinh và lớn lên ở Đà Nẵng. Mỗi tối thứ bảy, Toàn thường đến ty thông tin Đà Nẵng hát với biệt hiệu là Duy Hải. Nhiều em rất đẹp mê Toàn với giọng ca truyền cảm. Năm đệ nhất là năm cuối ở Đà Nẵng, tôi và Toàn thường đèo nhau trên chiếc gobel đi phá làng phá xóm.

Đậu tú tài 2 Toàn ra Huế học Đại Học, tôi vào Saigon. Biệt tăm nhau trong mấy năm, không ngờ gặp nhau trên thành phố cao nguyên Thành phố Pleiku, thành phố Cao Nguyên nắng bụi mưa bùn. Thành phố của thơ Vũ Hữu Định: Đi giăm phút trở về chốn cũ… Ở đây mỗi chiều quanh năm mùa đông… Thành phố của thơ Kim Tuấn: Buổi chiều ở Pleiku những cây thông già đứng lên cũng bụi mù…Buổi chiều ở Pleiku không có mặt trời, chỉ có mưa bay trên đầu ngọn núi… Tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng, Anh còn tiếng nào để nói yêu em…

Ra trường truyền tin Vũng-Tàu, tôi quyết định chọn đơn vị Liên Đoàn 66 Khai Thác Truyền Tin Diện Địa đồn trú trong heo hút này, một thằng sĩ quan Không Quân, một thằng sĩ quan Truyền Tin.

Lê Văn Vinh: Trung úy không quân Phi Đoàn 229 trực thăng. Vinh quê ở Quảng Ngãi, không đẹp trai lắm nhưng ăn nói có duyên, chơi đàn guitar và ngâm thơ rất hay. Biết nhau trong những năm học ở Sài Gòn nhưng thân nhau trong Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện Việt Nam. Đoàn Thanh Niên Chí Nguyện Việt Nam qui tụ nhiều thanh niên lãng tử, nhưng có lý tưởng. Bốn mươi lăm ngày học tập ở sân vận động Cộng Hòa đã cho tôi một thời gian đẹp và dạy tôi rất nhiều nghề. Những đêm sinh hoạt tập thể, Vinh phổ nhạc những bài thơ của Nguyễn Tịnh Đông và tập cho anh em hát. Tôi làm thơ, Vinh ngâm cho anh em nghe. Vinh có một chuyện tình buồn khi còn học trung học Quảng Ngãi, có kể cho tôi nghe một lần. Sau thời gian huấn luyện; mỗi đứa đi công tác mỗi nơi, và không ngờ gặp lại nhau trên thành phố cao nguyên này.

Đoàn Thạnh: Thiếu úy Phi đoàn 235 trực thăng. Thạnh cao, gầy, nước da ngăm đen, lầm lỳ, ít nói, hay cười. Thạnh và tôi cùng quê, Tam Kỳ, Quảng Nam nghèo khổ. Cha mẹ Thạnh, cha mẹ tôi cũng là bạn nhau, người nhà quê chân chất, thật thà. Cố gắng tảo tần, nuôi con ăn học và mong con lớn lên có một nghề vững vàng. Không theo nghề nông vất vả, nhọc nhằn. Tuổi thơ tôi và Thạnh gắn liền với nhau. Thạnh học sau tôi một lớp, cùng chung một mái trường tiểu học, trung học. Những ngày hè cùng tắm trên một dòng suối, cùng chơi đá banh trên sân ga và chiều chiều nhìn những con tàu qua lại. Ước mơ lớn lên được theo tàu đi một chuyến thật xa. Những ngày Tết, cỡi xe đạp chạy quanh làng thăm bạn bè và khoe áo mới. Những đêm trăng quê nhà ngồi trên chiếc chõng tre trước sân nhà tôi, nghe mẹ tôi kể chuyện đời xưa… Thạnh chơi với bạn rất chân thật. Năm tôi ra Đà Nẵng học, nghỉ hè thường gặp nhau, đi chơi với nhau, nhưng khi vào Sài gòn, thì không gặp Thạnh, và cũng không ngờ lại gặp nhau ở thành phố buồn hiu này! Làm sao biết được chữ ngờ, thời cắp sách đến trường, người nào cũng mơ ước tìm một nghề mình thích như bác sĩ, kỹ sư, dạy học hay luật sư, công chức…và có vợ đẹp con thơ; ai có thích vào lính đâu. Thế mà bốn thằng đều chun đầu vào lính, lại gặp nhau trên thành phố cao nguyên nắng bụi mưa bùn…Gặp lại tôi, ba thằng bạn trở nên thân nhau hơn.

Những ngày cuối tuần, tôi lái xe jeep từ Câu Lạc Bộ Sĩ Quan Quân Đoàn 2 ra Phi trường Cù Hanh đón ba thằng đi cùng khắp thành phố Pleiku. Những đêm khuya mưa rơi nhè nhẹ, ngồi uống rượu ở Hội Quán Phượng Hoàng. Những sáng Chủ Nhật lang thang ở Biển Hồ ngắm người đẹp. Những trưa thứ bảy ăn thịt vịt ở Thanh An. Thịt vịt Thanh An (khu dinh điền của Tổng Thống Diệm thời trước) ngon hết chỗ chê. Khoảng ba, bốn chục con vịt cồ mập ú nhốt trong một cái vý khoanh tròn; khách vào chọn một hay hai con mình thích, chỉ cho chủ quán, khoảng 5 phút sau có đĩa tiết canh lai rai với rượu thuốc, hoặc bia 33 và tiếp tục là vịt rô-ti, vịt luộc, cuối cùng là cháo lòng vịt. Ba người, một con vịt mấy chai bia là quên đường về. 

Mỗi cuối tuần nếu không có lịch đi bay, bốn thằng cùng kéo nhau đi ăn vịt Thanh An và trở về phố uống cà phê. Thành phố Pleiku có nhiều tiệm cà phê đẹp lãng mạn: Thiên Lý, Văn, Hoàng Lan. Tay Tái (của nhà văn HKP). Nhưng tiệm cà phê Dinh Điền là nổi tiếng rất ngon. Những ai đến Pleiku mà không uống cà phê Dinh Điền là chưa biết Pleiku. Từ sáng sớm đến khuya đều đông khách. Có những người lính tiền đồn xa xôi về thị xã công tác, phải giành thì giờ ghé vào Dinh Điền uống một ly cà phê, trở lại đơn vị mới an lòng. Có khi đông khách hết chỗ ngồi, ngồi trên nón sắt, súng kê lên đùi uống một ngụm cà phê đen, hút một hơi thuốc Captain, thấy tâm hồn sảng khoái và yêu đời…

Thành phố Pleiku là thành phố của lính; buổi sáng rất tĩnh lặng, buổi chiều toàn là lính. Chợ trời bán đồ Mỹ ngay trên đường Hoàng Diệu và quanh khu Diệp Kính. Buổi chiều những rạp ciné hát nhạc inh ỏi. Chiều chiều, sau giờ làm viêc, lái xe ra phố, để xe trước nhà thờ, bốn thằng đi lang thang quanh khu Diệp Kính ngắm những cô nữ sinh má đỏ, môi hồng tan trường về trên đường Hoàng Diệu. Hoặc vào rạp ciné Diệp Kính xem phim tình cảm Hồng Kông. Hai tài tử nổi tiếng là Chân Trân và Đạng Quang Vinh, trong phim Tình Mùa Đông, Mùa Thu Lá Bay… Nhiều lúc nghĩ cũng buồn cười, ba thằng Không Quân mặc đồ bay, một thằng lính truyền tin mặc đồ treilli đi lang thang ngoài phố; đi để cho mọi người ngắm, lính này cũng đẹp trai lắm chớ bộ…

Mỗi lần bắt gặp một cô gái nào đẹp là tìm đến nhà làm quen, bốn thằng trổ tài tán tỉnh, cuối cùng Toàn là kẻ chiến thắng. Vinh có lúc hạng nhì, tôi và Thạnh tay trắng! Một lần tôi nhớ hoài. Gần tiệm thịt vịt Thanh An có một tiệm cà phê vườn rất đẹp, chủ quán người Bắc di cư lên đây lập nghiệp, có hai người con gái rất dễ thương học đệ tam và đệ nhị trường trung Pleiku. Cuối tuần nghỉ học, thường ra quán phụ giúp tiếp khách. Cô chị tên Oanh, cô em tên Thục. Mỗi lần ăn thịt vịt xong, bốn thằng vào quán “Không Tên” uống cà phê ngắm người đẹp, ngắm riết rồi trồng cây si. Lần này Thạnh và tôi bàn nhau phải chiến thắng. Oanh của tôi và Thục của Thạnh. Vẻ bên ngoài ăn nói thì thua Toàn và Vinh, nên tôi và Thạnh dùng chiến thuật bỏ nhỏ. Tôi tán Thục cho Thạnh, Thạnh tán Oanh cho tôi, và nói Toàn, Vinh đã có bồ ở Sài gòn sắp cưới. Khùng mới yêu những thằng đàn ông sắp cưới vợ; dù có đẹp trai. Thế là tôi và Thạnh chiến thắng… Đêm văn nghệ cuối năm ở trường Trung Học Pleiku; tôi và Thạnh nhận được hai thiệp mời của Oanh và Thục. Đêm đó Toàn và Vinh ngồi uống rượu đợi chờ. Tôi và Thạnh trở về trong niềm vui yêu đời.

Cứ tưởng thời gian êm đềm trôi qua, bốn thằng làm hết bổn phận, của người sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà; và tâm nguyện công tác trên thành phố cao nguyên một thời gian rồi xin đổi về Sài gòn lập gia đình. Sống một cuộc sống êm ả hơn. Có ngờ đâu năm 1972, chiến trận lại bộc phát mạnh. Cộng Sản tăng cường xâm lấn miền Nam, đánh chiếm Quảng Trị và vùng cao nguyên. Tại vùng 2 Chiến Thuật, Việt Cộng đánh mạnh vào Thị xã Kontum; chiếm Tân Cảnh. Thị xã Pleiku thiết quân luật. Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2, và các đơn vị chung quanh Tiểu khu Pleiku cấm quân 100%. Tướng Toàn thay Tướng Ngô Du tái chiếm Tân Cảnh giải tỏa Kontum. Các gia đình sĩ quan, binh sĩ và dân sự ở thành phố đều di tản khỏi thành phố. Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, thành phố Pleiku như thành phố chết. Yên lặng như chờ đợi bước chân tử thần…

Tôi, suốt ngày đêm trực ở đơn vị. Toàn bay khu trục suốt ngày lên xuống Kontum oanh tạc. Vinh và Thạnh bay trực thăng chở quân tiếp viện Tân Cảnh, Kontum, Dakto, Pleime. Mổi lần trở về đều gọi điện thoại cho tôi trong những tiếng thở dài. Có lần Toàn báo cho tôi mừng, trong một phi vụ oanh tạc xe chở quân của Việt Cộng, bị súng phòng không bắn lên, may Toàn bay ra khỏi lằn đạn thoát chết. Một buổi tối, tôi vào thăm thì thấy khuôn mặt ba thằng đều hốc hác, bơ phờ và lo lắng. Riêng Thạnh có vẻ đăm chiêu, suy tư nhiều hơn. Ngồi uống cà phê lặng lẽ, không như những lần trước tươi cười, đùa giỡn vô tư… Trong giây phút yên lặng đó, lòng tôi thương ba thằng bạn thân vô cùng. Dù sao với tôi, lính ngành truyền tin, cũng an toàn hơn. Còn Toàn, Vinh và Thạnh ngày đêm đối diện với súng đạn, đối diện với cái chết. Trời kêu ai nấy dạ. Tôi cầu mong ơn trên phù hộ cho bốn thằng, khi tàn cuộc chiến vẫn còn ở bên nhau mãi mãi…

Bỗng dưng Thạnh cười thật lớn, vỗ vai tôi và nói: “Cuộc chiến càng khốc liệt, rồi có ngày cũng tàn, nhưng ngày tàn đó không biết bốn thằng bạn mình có còn lại đủ không? Nếu mình có hy sinh, bạn nào còn lại nhớ đưa xác mình về quê để an nghỉ với ông bà. Đối với VC không đàm không điếc gì cả, phải đánh tới cùng mới chiến thắng.” Nói xong Thạnh lại cười lớn; đứng dậy ôm vai tôi, bắt tay tôi, bắt tay Toàn và Vinh, xin phép về phòng nghỉ để mai bay sớm tiếp viện quân cho Tân Cảnh. Thạnh đi rồi ba thằng còn lại cũng chia tay, tôi lái xe về đơn vị lòng buồn vời vợi…

Tôi đang ngồi làm việc điện thoại reo. Cầm điện thoại nghe, giọng Toàn bên kia đầu dây ngập ngừng báo tin: Thạnh đã chết trong chuyến bay sáng nay tại Tân Cảnh. Máy bay của Thạnh bị bắn rơi; phi hành đoàn chạy thoát, Thạnh chạy sau cùng bị một loạt AK của VC bắn phía sau lưng. Xác Thạnh được toán phi hành đoàn của Mỹ lấy được đem về quàn tại Quân Y Viện Pleiku. Tôi chạy ra xe như xác không hồn, lái xe đến QYV Pleiku. Thạnh nằm đó như ngủ. Thân hình bị cháy xám. Tôi vuốt mặt Thạnh, không nói nên một lời, nước mắt chảy dài trên hai má. Bạn bè Thạnh đứng xung quanh, Toàn, Vinh đều khóc và nhìn Thạnh trong niềm uất nghẹn…

Ngày hôm sau phi đoàn cho một chiếc trực thăng bay về quê Tam Kỳ, rước cha mẹ Thạnh lên nhận xác con. Tôi nhìn cha mẹ Thạnh già nua, ốm yếu quê mùa, nhận xác Thạnh trong chiếc hòm kẽm. Ông bà không còn nước mắt để khóc cho con, quờ quạng như xác không hồn. Chiếc máy bay đưa xác Thạnh, và cha mẹ Thạnh cùng với toán lính hộ tống tiễn đưa, cất cánh bay lên, bỏ lại ba thằng bạn thân thương đứng nhìn theo, và khóc rống như trẻ con. Chiếc máy bay đã khuất trên bầu trời, ba thằng trở về phòng Toàn, đêm hôm đó không ngủ, ngồi kể lại những kỷ niệm với Thạnh, và khóc suốt đêm…

Thạnh ơi, bây giờ bạn đã trở về quê theo lời bạn mong ước, gần cha mẹ ông bà, bên dòng suối mát; bên sân ga, chiều chiều nhìn những con tàu chạy ngang qua, hụ còi inh ỏi…

Thạnh đã mất rồi, còn lại tôi, Toàn và Vinh buồn bã lặng lẽ. Và theo lời Thạnh nói, cuộc chiến bộc phát dữ dội rồi sẽ tàn. Tân Cảnh được tái chiếm, Kontum được giải tỏa. VC bị đánh bật ra khỏi lãnh thổ Quân Đoàn 2. Thành phố Pleiku trở lại yên bình…Và ba thằng tôi tiếp tục làm tròn bổn phận của người Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà cho đến năm 1975…

Thạnh ơi, bạn bỏ bạn bè đi về quê sớm, chắc bạn nhìn thấy nổi trôi của đất nước; điêu linh của dân tộc mình và không biết đến bao giờ tìm lại được những thời hoa mộng của tuổi trẻ, của đời lính gian truân, nhưng đầy vàng son và hào hùng…

Và bây giờ tôi đang sống lưu vong trên đất người, Toàn thì đã về với Ông Bà năm 2002 vì bịnh ung thư ruột và Vinh bây giờ không biết đang ở đâu? Đã hơn bốn mươi hai năm qua rồi, tôi chưa bao giờ quên các bạn. Những đêm khuya khoắc trên xứ người tôi nhớ các bạn kinh khủng và nhớ những kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ chúng mình.

Tình bạn và đời Lính đẹp làm sao…

Trần Thế Phong
 

No comments:

Blog Archive