HÀNH HƯƠNG SRI-LANKA - VIỆT NAM VÀ THAM VỌNG BÀNH TRƯỚNG CỦA BẮC KINH
Phùng Annie Kim
Chuyến bay của hãng Cathay Pacific từ phi trường Los Angeles đến thủ đô Colombo của đất nước Sri – Lanka vào nửa đêm. Tôi là một trong năm mươi người từ các tiểu bang trên nước Mỹ và các nước trên thế giới như Úc, Việt Nam tụ hội trong chuyến đi hành hương này. Có nhiều điều mới lạ trong chuyến đi đã được vị Thầy trẻ và hai sư cô hướng dẫn và giải thích cặn kẽ. Sáng mai đoàn sẽ đi thăm hai thắng cảnh lịch sử nổi tiếng của Phật giáo đó là cây Bồ Đề hơn hai ngàn năm tuổi và các tháp trong đó có tháp Thuparama thờ xá lợi Phật.
Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ và sớm truyền qua Tích Lan, Sau khi Đức Phật thành đạo năm 35 tuổi, Ngài đã từng đặt những bước chân hoằng pháp tại đất nước này khoảng năm 585 trước Công Nguyên. Dựa vào tài liệu của học giả H. G Wells và những chứng tích lịch sử trong kinh điển, năm 250 trước Công Nguyên, Hoàng Đế A Dục phái hoàng tử tức tỳ kheo Mahinda Bhikku sang lập tu viện và tăng đoàn . Sau đó Công chúa Shangamitta theo lệnh vua cha mang một nhánh cây Bồ Đề sang trồng và lập ra Ni đoàn. Từ đó Phật giáo càng ngày càng phát triển, là nước bảy mươi phần trăm dân số theo Phật Giáo, nổi tiếng với những thánh tích lâu đời như cây Bồ Đề, Xá Lợi Răng, Tam Tạng Kinh Pali viết bằng lá buông.
Từ xa, cây Bồ Đề thật vĩ đại đến từ đất nước Ấn Độ qua hàng ngàn năm lịch sử vẫn vững mạnh, tàn lá xum xuê xòe ra thành tám nhánh tượng trưng trong kinh điển của giáo pháp đức Phật: Bát Chánh Đạo. Theo lời Phật dạy, có ba hình ảnh để nhớ tưởng đến Phật khi Phật không còn tại thế đó là cây Bồ Đề, tháp và tượng Phật.
Rời cây Bồ đề, chúng tôi được hướng dẫn leo dốc đi chiêm bái tháp Jetavaramaya, tháp Ruwanvelisaya.Tháp Jetavaramya cao nhất thế giới hơn cả Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Đây là tháp thờ xá lợi xương đòn của đức Phật. Đi xuống khoảng hơn trăm mét là tháp lớn Ruwanvelisaya do vua Dutugemana xây vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên.
Trong cái nắng gay gắt của buổi trưa, chúng tôi leo lên những bậc thang để chiêm bái tượng Phật nhập Niết Bàn và Phật Đại Định màu trắng sau đó trở về nghỉ ngơi tại khách sạn Heritage Hotel để sáng mai đi thăm hang động Dambulla và chùa Auvihara có bộ kinh viết trên lá buông.
Chùa Aluvihara là một hang đá lớn, được tạo dựng vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Chùa đẹp với các bức tranh vẽ bằng màu nước trên tường và trên trần, các chữ viết cổ, các tượng Phật đứng, ngồi, nằm đục vào vách đá với nhiều màu sắc. Nơi đây nổi tiếng với bộ Tam tạng Pali viết bằng là buông. Đây cũng là nơi vị luận sư nổi tiếng Buddhagosa người Ấn Độ, còn gọi là Ngài Phật Âm, tác giả bộ Thanh Tịnh Đạo đã chuyển nhiều bộ kinh từ tiếng Sahalese sang tiếng Pali.
Chiều đến, chúng tôi tiếp tục đi thăm Chùa Vàng. Gọi là Chùa Vàng vì tượng Đức Thích Ca Mâu Ni đặt trên một cái bệ hình sư tử được sơn son thếp vàng rực rỡ.Tại đây chúng tôi đi thăm hang thờ Ngài Phật Âm Buddhagosa sau đó đi xem dấu tích hai bàn chân Phật dát vàng thờ trong hộp và những bản kinh viết bằng sợi lá cọ hay lá buông, có nơi còn gọi là lá bối , một phương tiện thô sơ dùng để viết kinh thời đức Phật.
Về khách sạn Grand Hotel ăn tối và nghỉ ngơi, sáng hôm sau đoàn hành hương tiếp tục đi thăm đền thờ và Xá Lợi Răng của đức Phật tại thành phố Kandy.
Để được chiêm ngưỡng xá lợi Răng Phật tại chùa Dalada Muligawa, chúng tôi phải có mặt vào buổi chiều đúng vào giờ tụng kinh (Puja ). Nhìn từ xa, đó là tòa nhà màu trắng bằng đá hoa cương khổng lồ, mái đỏ, điêu khắc các hoa văn tinh xảo bao quanh bởi một bức tường trắng được xây vào thế kỷ thứ mười tám bởi triều vua cuối cùng của vương quốc Tích Lan.
Đây là một quần thể kiến trúc nhiều tầng. Những bậc thang lên tầng trên qua các lối đi nhỏ quanh co dẫn chúng tôi đến chánh điện thờ Xá lợi. Chúng tôi chỉ có đủ thời gian dừng lại ít giây ngắn ngủi để cúi đầu, quán tưởng và chắp tay đảnh lễ Xá lợi . Xá lợi được đặt trên cao trong chiếc hộp vàng hình tháp, chung quanh là sáu chiếc hộp nhỏ nạm ngọc. Ngày nay, chiếc Răng Phật vẫn còn được bảo tồn và trở thành quốc bảo mặc dù gần đây đã có thời kỳ nội chiến giữa quân Sahalese và Tamil, những quả bom của người Tamil không phá hoại được thánh tích này.
Rời đền thờ Xá lợi Răng Phật, chúng tôi đến chùa Mahayangana Vihara có tháp cổ xưa nhất ở Tích Lan. Lịch sử ghi lại đây là ngôi chùa cổ đánh dấu bước chân Phật lần đầu tiên đến thăm đất nước này.
Xe buýt thả chúng tôi xuống một địa điểm đông người qua lại, xe cộ và người chen chúc và tránh né nhau trong tiếng bóp còi inh ỏi. Chúng tôi đi thăm quảng trường Độc Lập (Independence Square) nằm trong trung tâm của thủ đô Colombo. Rời quảng trường chúng tôi đến cảng cách thành phố mười ki lô mét để đi phà qua sông thăm Hang Voi (Elephanta Caves) là một quần thể gồm nhiều hang động đá bazan đen trong đó có hai hang động Phật giáo, còn lại là hang động Ấn giáo. Các hang và các tháp giờ đây đã bị soi mòn theo thời gian và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới.
Sau một đêm nghỉ ngơi tại khách sạn Berraja Mountain, sáng mai chúng tôi sẽ check - out hành lý, gửi trong khoang xe buýt để đi chiêm bái ngôi chùa cuối cùng Katulara Chaitya là ngôi chùa có nhiều bức bích họa và tượng Phật đẹp rồi thẳng hướng ra phi trường Mumbai.
Sau một chuyến bay dài 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến phi trường Mumbai. Sau một đêm ngủ an lành tại khách sạn Keys, đoàn sẽ đến Aurangabad tiểu bang Mahatrastra thăm hang động Ajanta.
Được nhóm đi săn người Anh khám phá vào năm một tám mười chín, Ajanta là hang động thuần túy của Phật giáo nổi tiếng với các tượng Phật đục đẽo nghệ thuật trên những bức tường đá và những bức bích họa. Tổng cộng có ba mươi hang động.
Ngày hôm sau chúng tôi được đi thăm hang động Allora cách thành phố Aurangabad khoảng hai mươi tám ki lô mét. Khác với hang động Ajanta, Allora là sự phối hợp kiến trúc và điêu khắc của hai tôn giáo lớn là Ấn giáo, Hồi giáo và đạo Jain.
Chúng tôi trở về khách sạn Keys ăn trưa cho kịp giờ check-out hành lý và sắp xếp xe buýt để lên đường về phi trường về Los Angeles sau một chuyến hành hương 14 ngày.
***
Ngồi chờ máy bay tại phi trường Mumbai, nhìn trên bản đồ, nếu từ vịnh Bengal bay về phía Đông chỉ mất hơn bốn giờ và khoảng cách khoảng hai ngàn hải lý là đến Việt nam, quê hương tôi. Sau chuyến hành hương tại Sri- Lanka, tôi liên tưởng đến hải cảng Hambantota thuộc miền Nam Sri Lanka cũng giống như đặc khu công nghiệp tự trị 99 năm gồm ba cảng biển Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) của Việt nam.
Điểm giống nhau giữa Việt Nam và Sri Lanka là hai quốc gia châu Á có vị trí chiến lược quốc tế . Sri Lanka là đảo có con đường hàng hải giữa Tây Á và Đông Nam Á. Ba cảng biển của Việt nam như Vân Đồn là cửa biển quan trọng đã từng ghi lại hai chiến thắng lừng lẫy như trận Bạch Đằng, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán năm 938 và Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên năm 1288. Đi sâu vào miền Trung là cảng biển Bắc Vân Phong với hai đảo chiến lược Trường Sa và phía bắc là Hoàng Sa. Vào miền Nam là đảo Phú Quốc nhìn ra vịnh Thái Lan giữa Thái bình dương và Ấn Độ dương.
Điểm giống nhau gữa hai nước là phần đông dân chúng theo đạo Phật, cùng bị mất đất, mất biển và rơi vào tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Có khác chăng là trong số các thành phần dân chúng biểu tình tại Sri Lanka chống chính phủ có các nhà Sư Phật giáo tham dự và thể chế chánh trị dân chủ giúp cho người dân Sri- Lanka bày tỏ quan điểm chọn lựa bằng lá phiếu của mình. Chính vì thế chế độ thân Trung Quốc của Tổng Thống Mahida Rinja phải thay đổi trong khi chế độ độc đảng của Cộng sản ở Việt Nam vẫn tiếp tục cai trị dù đã mắc nhiều sai lầm và tội ác đối với quốc gia, dân tộc.
Trở về với đất nước Sri Lanka, là một tập thể gia đình trị, ba anh em Tổng Thống Mahinda Rinja chia quyền kiểm soát nhiều bộ và tám mươi phần trăm ngân sách nhà nước. Với dự án Hambantota khó thực hiện, các ngân hàng Ấn Độ không cho vay, Trung Quốc nhìn thấy vị trí chiến lược trong dự án “con đường tơ lụa trên biển” có thể khống chế giao thương tại Ấn Độ dương nên công ty doanh nghiệp lớn nhất Bắc Kinh China Merchants Port Holdings của Trung Quốc nhảy vào. Họ cho chính phủ Sri Lanka vay hàng tỉ đô-la một cách dễ dàng để đầu tư xây hạ tầng cơ sở như hải cảng, phi trường quốc tế, xa lộ, nhà chọc trời, nhà ga, sân banh …nhưng kết quả không khai thác được lợi ích nào.
Từ một huyện nhỏ dân cư thưa thớt, đa số là rừng, cảng Hambantota đã xây dựng được bảy năm mà chỉ có vài ba chục tàu bè qua lại , phi trường vắng vẻ chỉ có một vài hãng máy bay hoạt động, xa lộ nông dân dùng làm bãi phơi lúa, con đường vào cảng thưa thớt, trâu, bò và voi đi lang thang, nhà ga làm nhà kho chứa gạo, hàng trăm nhân viên an ninh làm công việc đuổi thú hoang qua ngày . Dự án thất bại đưa đến mắc nợ. Vốn cũ chưa trả, mượn thêm vốn mới, cộng thêm tiền lãi, nợ càng chồng chất khiến chính phủ Mahinda phải nhượng mười lăm ngàn mẫu đất và hải cảng Hambantota thành đặc khu kinh tế có thời hạn chủ quyền 99 năm cho Trung Quốc như một hình thức trả một phần nợ, Trung Quốc chiếm tám mươi phần trăm cổ phần, chủ nhà Sri Lanka chỉ có hai mươi phần trăm xem như không có quyền điều hành và quyết định gì về tương lai của hải cảng.
Đúng như lời John Adams, một nhà tư vấn về kinh tế đã nói có hai cách để xâm chiếm một quốc gia hoặc bằng lưỡi kiếm hay bằng nợ nần.
Nhìn lại Việt nam, khi luật đặc khu tự trị ba cảng biển Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang được Quốc Hội bù nhìn họp bàn thông qua ngày 23 tháng 5 năm 2018 thì những cuộc biểu tình lớn xảy ra trên cả nước làm cho dự luật này tạm ngưng chờ xét lại. Cũng giống như cảng biển Hambantota, ba cảng biển của Việt nam trở thành khu tự trị 99 năm, Trung Quốc có quyền thiết kế và xây dựng thành một đặc khu riêng, được giảm tiền thuế đất và thuế thu nhập, có quyền thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở sòng bạc... Được nhiều đặc quyền, đặc lợi như thế, các nhà thầu Trung Quốc đã thò bàn tay dưới gầm bàn thương lượng, hối lộ các quan chức lãnh đạo Cộng sản mà sau này họ đều trở thành các đại gia tư bản đỏ với các biệt phủ sang trọng, trương mục và tài sản nước ngoài, các cậu ấm, cô chiêu hoặc các “thái tử đỏ” đều hạ cánh an toàn tại các nước Âu Mỹ.
Lịch sử chứng minh quá trình “xâm thực” đất đai, biển cả, tài nguyên cũng như tham vọng bá quyền của Trung Quốc bắt đầu từ nhiều thế kỷ trong quá khứ. Gần đây nhất là năm 1974, chiến hạm Nhật Tảo HQ 10 của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã tử chiến với hạm đội Trung Quốc để bảo vệ đảo Hoàng Sa. Năm 1988 Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc- Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Dự án bauxit Tây Nguyên năm 2013 do công ty Trung Quốc thầu đưa đến khối nợ khổng lồ, hư hại môi trường. .Vụ án tập đoàn nhựa Formosa của Trung Quốc tại đặc khu kinh tế Vũng Áng Hà Tĩnh đưa đến cá chết hàng loạt, ô nhiễm vùng biển ... là những bằng chứng cụ thể cho thấy Trung Quốc đã len lỏi vào hầu hết các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, bám đất, bám người để bành trướng mộng bá quyền. “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” vẫn còn là câu hát nhắc nhở người dân Việt đừng quên nỗi nhục mất nước.
Trong clip của ký giả Markus Spieker người Đức ghi lại hình ảnh những người dân Sri Lanka biểu tình trên đường phố với những biểu ngữ “ Hãy chặn đứng việc cưỡng đất”. Cùng một hoàn cảnh, ở Việt nam, dân oan Đoàn văn Vượng bắn công an vì bị lấy đất. Vụ cư xá Đồng Tâm, dân chúng mất đất, uất ức nổi lên bắt giữ cán bộ . Gần đây nhất là các vụ biểu tình lớn nổ ra trên cả nước chống luật đặc khu và an ninh mạng với những biểu ngữ vạch mặt âm mưu chiếm đất của Trung Quốc “China. Get out”, “Không Cho Trung Quốc Thuê Đất Dù Chỉ Một Ngày”, “Giao Đất Cho Giặc Tầu Là Mất Nước”...
Điều đáng ca ngợi là vào tháng giệng năm 2017, các vị sư Phật giáo Sri Lanka mạnh dạn xuống đường biểu tình cùng với dân chúng. Các sư đã bày tỏ quan điểm chính trị của mình trước thảm họa Hambantota. Hình ảnh Sư Beragama Gunathilaka tố cáo chính phủ Sri Lanka bán đất cho Trung Quốc, lên án âm mưu xảo quyệt và thâm độc của Trung Quốc như chiếm đất, chiếm làng mạc của dân để xây dựng các khu công nghiệp tự trị có rào cản và trạm kiểm soát, kết hôn với phụ nữ Tích Lan để gieo trồng nòi giống gốc rễ tại đất nước này, chiêu mộ công nhân Trung Quốc làm việc trong khu tự trị, giới hạn làm ăn trong cộng đồng của họ gây cạnh tranh bất chính...Sư Beragama Gunathilaka còn nhìn thấy viễn ảnh ngoài mục đích kinh tế, việc sử dụng hải cảng Hambantota còn là mục tiêu quân sự của Trung Quốc. Nếu có chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Trung Quốc sẽ sử dụng bến cảng như một căn cứ quân sự.
Tham vọng bành trướng và bá quyền của Trung Quốc còn lộ rõ trong chiến lược của Tập Cận Bình “Nhất đái nhất lộ” hay còn gọi là dự án “Vành đai và con đường” (One belt, one road) hoặc hấp dẫn hơn “Con đường tơ lụa của thế kỷ 21”.
Từ năm 2013, Tập Cận Bình đã có tham vọng chính trị nối liền bờ biển phía Đông Trung Quốc, qua Biển Đông, sang Âu châu, tiến xa hơn Nam Thái Bình Dương xây dựng các hành lang kinh tế kết nối Trung Quốc với Nam Á, Trung Đông, Châu Phi và các nước vùng Địa Trung Hải. Với cái “bẫy tài trợ” các nước kém mở mang, Tập Cận Bình lập ba quỹ tài chánh như Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng (AIIB), Quỹ Con Đường Tơ Lụa (SP), Ngân Hàng Phát Triển Mới (NDB).
Rút kinh nghiệm từ dự án hải cảng Hambantota của Sri Lanka, các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ lo ngại rằng các điều khoản dễ dàng trong việc cho vay của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế khu vực. Các nước đi vay sẽ rơi vào trường hợp nợ vốn và lãi ngập đầu đưa đến tình trạng sang nhượng đất đai, cảng biển hoặc tài nguyên cho Trung Quốc như cảng Hanbantota của Sri Lanka.
Để cảnh báo các nước trên thế giới, ngày 18 tháng 10 năm 2017, Rex Tillerson ngoại trưởng Mỹ lên tiếng rằng khu vực Ấn Độ Thái bình Dương có thể trở thành nạn nhân của một nền “kinh tế kẻ cướp” (predatory economics). Ông lên án âm mưu xảo quyệt của Trung Quốc “ làm cho các quốc gia trong khu vực sẽ phải gánh chịu một số nợ khổng lồ”.
***
“ Bi, Trí, Dũng” là kim chỉ nam cho người Phật tử hành đạo ngoài đời. Đạo Phật là đạo từ bi nhưng lòng thương phải đi đôi với trí tuệ để có sự sáng suốt, thấy được những âm mưu xảo quyệt của kẻ gian ác hãm hại, phân biệt được phải trái, đúng, sai, nên hay không nên làm của việc đời và nhất là phải có dũng khí để vùng lên chống lại sự lấn áp và bất công đưa ta vào thế cùng đường để tiêu diệt ta.
Phật pháp không rời thế gian Pháp.
Đạo Phật có ngũ giới trong đó có giới cấm sát sanh nhưng trước thảm họa diệt vong của đất nước, người Phật tử không thể ngồi yên gõ mõ, tụng kinh mà phải góp phần vào việc bảo vệ đất nước dưới nhiều hình thức và trong khả năng của mình. Dưới triều đại vàng son của Phật giáo, các vua và các tướng nhà Lý, Trần đều là những người sùng mộ đạo Phật nhưng trước họa xâm lăng của Bắc triều, Tôn Đản vị tướng tài thời Lý cùng với Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống.
Bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt đã khẳng định chủ quyền của lãnh thổ nước Việt:
“Sông núi nước nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách Trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.”
Trần Hưng Đạo hiên ngang trả lời vua Trần Nhân Tông “…Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu hạ thần đi đã”. Đạo quân khắc trên cánh tay hai chữ “Sát Thát” có nghĩa là giết quân Mông Cổ của Trần Hưng Đạo đã hai lần đánh quân Nguyên tan tác tại trận Bạch Đằng.
Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông nhường ngôi cho con là vua Trần Nhân Tông nhưng vẫn hàng ngày trên ngọn Yên Tử nhìn về phương Bắc để luôn luôn nhớ, nghĩ đến tham vọng bành trướng của giặc ngoại xâm và hướng dẫn cho vị vua trẻ làm cách nào để bảo vệ non sông gấm vóc này.
“Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi viết năm 1428 là một bản văn thông báo cho dân chúng biết mười năm kháng chiến chống nhà Minh đã kết thúc “.. Xã tắc từ nay vững bền. Giang sơn từ nay đổi mới...”. “Ngàn năm vết nhục nhã sạch lau...”
***
Chuyến hành hương Sri Lanka vừa qua cho tôi nhiều cảm nghiệm về đất nước và người dân Sri- Lanka. Đó là đất nước của chùa, tháp và tượng Phật. Đi đâu cũng thấy tượng Phật. Tượng Phật ở khắp nơi, trong chùa, tháp, bên lề đường, trong công viên, trong nhà. Cả nước có sáu ngàn ngôi chùa và tu viện, mười lăm ngàn tăng sĩ. Đạo Phật thấm sâu trong đời sống tâm linh của bảy mươi phần trăm dân số là Phật tử và Phật giáo được xem là quốc giáo. Người dân Tích Lan hiền hòa, kham nhẫn có tâm đạo. Tuy đời sống vật chất của họ còn nghèo và khó khăn so với đời sống văn minh tại các xứ Âu Mỹ nhưng họ có đời sống tâm linh sâu sắc. Họ may mắn hơn dân tộc Việt nam vì hưởng được thể chế chính trị tự do, dân chủ. Hình ảnh từng đoàn tăng sĩ áo cam tuần hành bất bạo động trên đường phố chống cưỡng đất, nhượng đất, bày tỏ chánh kiến của mình trước mối họa Bắc Kinh là hình ảnh trung đạo rất đẹp, dung hòa giữa đạo và đời của giới tăng sĩ Sri- Lanka.
Thể chế chính trị độc tài của đảng Cộng sản vẫn còn đang tồn tại trên đất nước Việt Nam. Đạo Phật vẫn là tôn giáo lớn nhưng là một chân rết trong Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức thành lập để theo dõi sinh hoạt của chùa chiền, tăng sĩ và Phật tử và hướng dẫn đạo Phật đi vào quỹ đạo của đảng Cộng sản hay nói cách khác, phải đi những bước bên lề phải của chế độ. Lịch sử không lập lại lần thứ hai nhưng lịch sử cho ta những kinh nghiệm từ quá khứ. Đọc lại những áng văn thơ hào hùng đầy nhuệ khí của lòng yêu nước và quyết tâm gìn giữ non sông của cha ông ngày xưa mà thấm thía tinh thần Bi- Trí- Dũng của đạo Phật, để đừng “mũ ni che tai” trước tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Sau năm 1975, lần đầu tiên tại đất nước Việt Nam những cuộc biểu tình chống Trung Quốc và đảng Công sản tay sai bùng nổ rầm rộ và lan đều trên cả nước, kéo dài nhiều tuần lễ làm nức lòng đồng bào hải ngoại đã từng quan tâm đến vận mệnh đất nước. Không những chỉ nhắm vào mục tiêu lên án âm mưu xảo quyệt của Trung Quốc mà những cuộc biểu tình còn nhắm vào đảng Cộng sản độc tài đương quyền xiết chặt an ninh trên mạng lưới toàn cầu, bưng bít thông tin, che dấu sự thật, xâm phạm quyền tự do tư tưởng của người dân.
Vì thế, những cuộc biểu tình tại Việt Nam vừa qua được ví như một “Hội Nghị Diên Hồng” của thế kỷ 21. Nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí quật cường của cha ông, xây dựng tinh thần đoàn kết của toàn dân để cùng nhau trả lời câu hỏi ngàn năm của tổ tiên “ Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến. Hận thù đằng đằng. Biên thùy rung chuyển… “…Toàn dân Tiên Long. Sơn hà nguy biến. Hận thù đằng đằng. Nên hòa hay chiến…” ? (1).
Chỉ có những kẻ bán nước tiếp tay với giặc mới không dám trả lời câu hỏi này.
Cali ngày 20 tháng 10 năm 2018
Phùng Annie Kim
.
Chú thích:
(1) Bài hát “Hội Nghị Diên Hồng” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
No comments:
Post a Comment