Cảnh sát Mỹ buộc tội sát thủ căn cứ lời thì thầm trong buồng giam
Không tìm ra chứng cứ buộc tội kẻ gài bốn quả bom trong quà Giáng sinh, FBI ghi âm lén tại nơi giam giữ.
Ngày 16/12/1989, thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang số 11 Robert Vance và vợ tất bật chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh trong ngôi nhà ở ngoại ô thành phố Birmingham, tiểu bang Alabama. Khi ông mở gói bưu kiện màu nâu không ghi tên người gửi, chiếc hộp bất ngờ phát nổ. Robert Vance tử vong tại chỗ, vợ bị thương nặng.
Thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang số 11 Robert Vance.
Hai ngày sau, văn phòng Tòa phúc thẩm số 11 đặt tại Atlanta đã phát hiện và vô hiệu hóa quả bom thứ hai. Quả bom thứ ba đã phát nổ, giết hại luật sư đấu tranh đòi quyền dân chủ cho người da màu Robert Robinson ở Georgia. Quả thứ tư nhắm vào Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP), chi nhánh tại Florida nhưng bị ngăn chặn. 4 tháng trước đó, chi nhánh này cũng nhận được một quả bom hơi cay nên đã cảnh giác hơn.
Kẻ đánh bom được cho là có tư tưởng phân biệt chủng tộc vì chuyên nhắm vào các nhà hoạt động đấu tranh cho người da màu. Hắn dùng sơn men màu đen phủ kín thân bom và bề mặt trong hộp để che đậy mọi dấu vết như tóc, sợi vải hoặc vân tay. Quả bom dạng ống, ở giữa là thanh thép có ren ngoài, trên thân gắn nhiều đinh sắt có tác dụng như mảnh đạn khi nổ. Phần nắp hình vuông ở hai đầu được bắt vít và hàn chặt để tăng sức công phá. Quả bom sẽ nổ khi nạn nhân rút dây thắt bên ngoài bưu phẩm.
Đi kèm quả bom nhắm vào NAACP là bốn bức thư, một bức nhận trách nhiệm về cái chết của thẩm phán Robert Vance và luật sư Robert Robinson, một bức khác phản đối phong trào đấu tranh của người da màu và nhắc lại quả bom hơi cay để đe dọa. Cảnh sát tìm thấy dấu vân tay trên lá thư, nhưng không tìm được chủ nhân.
Điều tra viên nhận định 4 bức thư do một chiếc máy đánh chữ viết nên vì có cùng đặc trưng: kiểu font của số "1" khác với các số còn lại, chứng tỏ phím số 1 hỏng và đã bị thay thế. Lục lại văn khố của Tòa phúc thẩm số 11 với hy vọng tìm được tài liệu có lỗi sai tương tự, FBI tìm được một lá đơn có số "1" với font chữ khác biệt. Nội dung đơn về vụ tranh chấp tiền bảo hiểm nhân thọ vào 1987, người gửi là Robert Wayne O'Ferrell, làm nghề buôn sắt vụn, sống tại thị trấn Enterprise, Alabama.
FBI "lật tung" nơi ở, gara, và nhà kho của Robert Wayne O'Ferrell, thậm chí cả hệ thống bể chứa chất thải nhưng không tìm thấy dấu vết. Con gái ông ta khai đã bán lại chiếc máy đánh chữ cho một phụ nữ trẻ vào khoảng một năm trước, nhưng không nhớ đặc điểm nhận dạng của người mua, cũng không giữ hóa đơn.
Manh mối duy nhất đi vào ngõ cụt, FBI bèn gửi ảnh chụp bom tới nhiều chuyên gia trong nước. Tình cờ, nhà hóa học tên Lloyd Erwin nhận ra một quả bom từng qua tay mình vào 1972 có cấu tạo y hệt, với nắp vuông hàn chặt và lõi ren đặc trưng.
Trong vụ việc năm 1972, một người phụ nữ tên Hazel Moody đã bị thương tới tàn phế khi vô tình tiếp xúc với quả bom trong nhà. Chồng cô, Walter Leroy Moody, bị nghi ngờ chế bom để trả thù đại lý đã thu hồi xe khi ông ta không trả được nợ. Dù được miễn tội Chế tạo, người chồng vẫn bị kết tội Tàng trữ bom, chịu án 3 năm tù. Ông ta dành nhiều năm tiếp theo để cố gắng kháng cáo trước tòa phúc thẩm số 11 nhưng đều bị từ chối.
Theo Nytimes, sau khi được tự do, Walter Leroy Moody cưới vợ hai và lập công ty Superior Sail Drives chuyên chế tạo động cơ tàu thủy. Năm 1983, ông ta một lần nữa hầu tòa vì tội danh giết người không thành. Walter Leroy Moody bị cáo buộc đã lừa ba nhân viên xuống nước rồi bỏ mặc không cứu giúp, trong khi trước đó công ty do ông ta đứng tên ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ 750.000 USD cho mỗi người. Bị cáo không bị kết tội vì bồi thẩm đoàn không có ý kiến đồng thuận.
Chưa hết, tháng 12/1986, Walter Leroy Moody đâm đơn khởi kiện ba cựu nhân viên, cảnh sát, và công tố viên vì cho rằng bị truy tố sai. Tới năm 1989, vụ việc được đưa tới trước hội đồng thẩm phán của Tòa phúc thẩm số 11, trong đó có thẩm phán Robert Vance. Mặc dù chưa tuyên phán quyết, vị thẩm phán tỏ ra nghi ngờ cáo buộc của Walter Leroy Moody.
FBI nhận định Walter Leroy Moody có động cơ gây án vì nhiều lần "bại trận" tại Tòa phúc thẩm số 11. Walter Leroy Moody nuôi hận và quyết định trả thù tòa án và vị thẩm phán đã hoài nghi mình. Walter Leroy Moody tấn công các nhà hoạt động dân chủ chỉ để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, vì nhiều người quen đều cho biết nghi phạm không có xu hướng phân biệt chủng tộc.
Ngày 13/7/1990, Walter Leroy Moody và vợ hai, Susan Moody, bị bắt. Dù chắc chắn ông ta là kẻ đánh bom, nhà chức trách không thể tìm ra mối liên hệ giữa nghi phạm và quả bom vì thiếu chứng cứ pháp y. FBI khám xét triệt để ngôi nhà nghi phạm đang ở, thậm chí tháo dỡ cả sàn nhà để tìm bụi thuốc nổ nhưng không tìm ra dấu vết tội phạm.
Nghi phạm bị dẫn giải tới nơi giam giữ.
FBI chuyển hướng khai thác tâm lý người vợ. Cuộc điều tra dường như tạo ra áp lực quá lớn đối với Susan Moody. Cô kém chồng 20 tuổi và cho biết thường xuyên bị ngược đãi về tâm lý và cơ thể. Khi bị chất vấn riêng, cô tiết lộ nhiều thông tin quan trọng.
Theo lời khai của người vợ, Walter Leroy Moody thường sai khiến cô đi mua sắm tại nhiều cửa hàng để mua ống thép, ống nhựa acrylic, áo mưa, găng tay cao su, mũ đội đầu khi tắm, kính bảo hộ, đặc biệt là sơn men màu đen. Ngoài ra, cô cho biết người chồng từng ăn trộm một hộp đinh từ cửa hàng – giống loại được dùng trong quả bom, và từng mua hộ chồng một chiếc máy đánh chữ đã qua sử dụng để viết thư đe dọa. Chiếc máy đánh chữ đã bị vứt đi.
Susan Moody còn khai đã giúp chồng photo thư tại cửa hàng in tại Kentucky. Chi tiết này làm sống lại một chứng cứ mà điều tra viên dường như đã bỏ qua – dấu vân tay vô chủ trên lá thư đe dọa. Người vợ tiết lộ vì hết giấy, một nam nhân viên đã cho thêm giấy vào máy trước khi photo thư. Dấu vân tay trên lá thư trùng với dấu vân tay của người nhân viên, xác thực cho lời khai của Susan Moody.
Nếu chỉ dựa vào lời khai của Susan Moody, Walter Leroy Moody hoàn toàn có thể lập luận người vợ có động cơ muốn ra tù nên mới khai như vậy. Nhưng mọi chi tiết trong lời khai đều có thể được chứng thực bằng chứng cứ pháp y. Susan Moody sau đó được miễn trừ trách nhiệm và trở thành nhân chứng quan trọng cho bên công tố.
Băng ghi âm trong tù cũng là bằng chứng chống lại nghi phạm. Điều tra viên nghe được Walter Leroy Moody tự nói thầm với bản thân rằng: "Mày đã giết hai người... Giờ thì mày không thể đánh bom nữa rồi".
Ngày 28/6/1991, bồi thẩm đoàn tuyên Walter Leroy Moody có tội với hơn 70 tội danh, chịu án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Sau nhiều lần kháng cáo không thành công, án tử hình được thực thi vào ngày 19/4/2018. Walter Leroy Moody chết lúc 83 tuổi, là tử tù lớn tuổi nhất trong nhà tù Mỹ.
Quốc Đạt
No comments:
Post a Comment