CÓ THÀNH PHỐ ĐÁNG SỐNG KHÔNG ?
DODUYNGOC
Khi Đà Nẵng, thành phố đáng sống của Việt Nam chìm trong bể nước, người ta mới chợt hiểu ta rằng: Ở Việt Nam, chẳng có thành phố nào đáng sống cả.
Sao có thể gọi là đáng sống khi cuộc sống luôn bị đe doạ: nước ngập, cây đổ, điện giật, thức ăn và môi trường ô nhiễm, có thể bị đâm chết vì một cái nhìn, vì một lời nói, bị giật tài sản, bị xe đụng và muôn ngàn ly' do khác để có thể bị chấm dứt mạng sống. Người ta cố tạo ra ảo tưởng một cuộc sống hạnh phúc để khuất lấp những việc làm sai trái. Những nguy hiểm đe doạ cuộc sống của người Việt đều do con người mà ra. Lâu nay thiên tai, dịch hoạ là mối lo của con người.
Nhưng thời đại này ở Việt Nam, mối lo lớn nhất là nhân tai. Lãnh đạo từ trên xuống dưới đều nhắm vào đất và tài nguyên mà kiếm chác. Họ lấp biển, lấp sông, họ chặt rừng, phá bỏ các kinh rạch, hồ ao thoát nước để lập ra những dự án hàng nghìn tỷ, xây biệt thự, cao ốc. Họ chặt cây, phá đồi để buôn đất, bán cây. Hỏi làm sao mà nước không ngập, làm sao mà thành phố không biến thành sông.
Mượn cớ phát triển thuỷ điện, người ta phá hàng ngàn mẫu rừng. Thế là nước trên nguồn đổ xuống, nước trong hồ chứa tuôn ra, hỏi sao không úng ngập.
Mượn cớ quy hoạch, họ cướp trắng của dân hàng trăm, hàng ngàn mẫu đất rồi đem bán thu lợi, xô hàng ngàn con người phải sống màn trời chiếu đất, không có tương lai.
Với tầm nhìn thiển cận và lòng tham vô đáy, họ đã mang tai hoạ đến cho toàn xã hội. Họ bỏ mặc lời khuyên của các giới chuyên môn, họ bỏ ngoài tai những lời cảnh giác, tất cả vì đồng tiền, tất cả vì những món lợi khổng lồ. Họ sẵn sàng ký những dự án chắc chắn sẽ mang lại những hiểm nguy và chết chóc, những bế tắc trong cuộc sống của dân, nhưng họ bất chấp và hậu quả đã đưa đến những cảnh đau lòng. Có những thành phố mà cán bộ lãnh đạo chỉ ngồi với nhau bàn chuyện cắt đất, quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch để bán đất. Có nhiều chỗ bộ mặt của địa phương có sự thay đổi nhưng đó cũng là những cuộc đồi chác mà người ta gọi là lấy đất đổi hạ tầng, nhưng đàng sau đó cũng chỉ là một cuộc trao đổi, bán mua để thu lợi vào tay một nhóm người.
Cảnh ngập lụt đang và đã diễn ra trên các thành phố ở Việt Nam là hậu quả của những cuộc quy hoạch chụp giật đó. Nạn nhân vẫn chính là những người dân nghèo. Cuộc sống của họ đang ổn định mấy đời, bỗng một ngày được lệnh dời đi. Có người có được đền bù không tương xứng với giá trị vốn có, có người đi tay không và không biết ngày mai. Người ta mang đất ấy bán lại với giá gấp ngàn lần và bỏ túi tiền chênh lệch. Thử hỏi cuộc sống như thế có gọi là đáng sống? Sao có thể đáng sống khi quanh mình toàn là tai ương rập rình.
Trong hoàn cảnh xã hội như thế, một số lớn người Việt hôm nay cố gắng thu vén cho mình một số vốn rồi tìm cách ra đi. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại có số người tìm cách bỏ nước đi và số người ước mơ ra đi nhiều như thế. Bởi họ đang muốn tìm một nơi được sống, đáng sống đúng nghĩa. Họ muốn có cuộc sống có tương lai, không lo sợ khi mưa xuống, không sợ hãi khi đêm về, không lo âu khi phải ra đường phố, không lo lắng con cháu mình rồi sẽ ra sao? Theo truyền thống của người Việt từ xưa, rời khỏi làng đã gọi là ly hương và ai phải xa quê là người bất hạnh.
Nhưng bây giờ, họ phải rời xa cả đất nước, rời bỏ tất cả, nhưng họ vẫn chọn lựa làm kẻ ly hương. Có kẻ mãi ra đi và chẳng còn muốn trở về. Họ vẫn có nỗi đau của kẻ dứt áo giã từ, họ vẫn có nỗi khổ của kẻ phải xa gia đình, dòng họ, quê nhà nhưng họ chấp nhận để tìm nơi đáng sống, bởi thế giới bây giờ không còn chật hẹp như xưa. Có thể người ta trách họ là những kẻ ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân và và gia đình mình, không quan tâm đến vận mệnh của đất nước. Nhưng thử hỏi họ làm gì được? Không chỉ có những người có tiền của, có điều kiện mới tìm cách ra đi mà ngay những quan chức có quyền cũng lẩn lượt tìm cách rời bỏ đất nước khi thu vén một gia tài khổng lồ từ tham nhũng và hối lộ. Họ cũng là người luôn to mồm nhất hô khẩu hiệu yêu tổ quốc, yêu nhân dân, viết điều trăn trở trước tình hình đất nước.
Có người đặt câu hỏi ra đi hết rồi còn ai? Ừ thì còn dân nghèo, còn những kẻ đã bị hút hết máu xương và tài sản, còn những kẻ muốn ra đi nhưng không có điều kiện để đi. Và như thế đất nước chỉ còn là một khối rỗng không khi đất đã hết, tài nguyên đã cạn, núi đã bị san phẳng, rừng không còn cây, sông suối không còn chảy và biển ngoài kia cũng đã lọt vào tay kẻ cướp. Còn chỗ nào đáng sống không?
Khi con người không còn gắn bó với đất đai, sông núi của tổ quốc mình. Khi con người cảm thấy không yên lòng khi sống trên đất nước mình và ngóng chờ một cuộc sống khác ở một vùng đất khác, đó là dấu hiệu số phận của một dân tộc lưu vong. Đôi khi họ lưu vong ngay chính trên đất nước của mình.
Sài Gòn 10.12.2018
DODUYNGOC
No comments:
Post a Comment