Friday, December 28, 2018

CHUYỆN ĐỜI XƯA


Trong HQVN/CH trước 1975, có nhiều vị hạm trưởng tài ba, từng để lại không ít kỳ công trên biển. Nhưng tôi nghĩ chưa có vị hạm nào đã phải gặp và giải quyết việc phụ nữ sinh con trên tàu của mình. Không gian là vùng biển Tuy Hòa và Nha Trang, thời gian là tháng 3 năm 1956, tàu là LSM Hát Giang HQ-400, và hạm trưởng là Hải Quân Đại úy Thiều, họ Vương hữu. Công tác gồm chở di dân từ Đà Nẳng đi Cát Lái, Sài Gòn.

nbt

Biển miền Trung vào tháng Ba bắt đầu êm. Tàu từ quân cảng Sài Gòn chạy gần hai ngày một đêm là đến ủi bãi Sao Mai cạnh Sở Quan thuế Đà Nẳng, sẵn sàng nhận đồng bào từ Quảng Trị đã vào chờ trước đó mấy ngày. Phương tiện chở di dân lần đó đi Nam gồm máy bay vận tải Dakota của Không Quân Việt Nam và chiến hạm. Tàu chúng tôi nhận chở bốn trăm, con số dễ nhớ vì cùng với số 400 của tàu Hát Giang.

Di dân tàu tôi nhận chở phần lớn là phụ nữ với bé con. Một số không nhiều là đàn ông chủ gia đình. Thanh niên hoàn toàn không có.

Trước khi cho nhận người, hạm trưởng ra lệnh những phụ nữ có thai trên năm tháng là không được đi tàu. Lệnh được truyền bằng loa phóng thanh, bằng miệng, và bằng chữ viết màu đỏ trên bảng gỗ lớn để ngay cửa xuống tàu.

Biện pháp kế tiếp là tăng cường an ninh phòng tai, căn mui bố hai phần ba sàn lộ thiên trên tàu để che nắng che mưa cho đồng bào tập trung ở sàn chính; một phần ba không chăn mui, để trống cho gió vào tránh cho người bị ngộp. Giờ phát cơm nước cũng được thông báo đầy đủ.

Hạm trưởng và tôi đi kiểm tra, nhìn tận mắt để biết mọi việc đều đâu vào đó. Đến năm giờ chiều thì vận chuyển tàu lui bãi, quay ra vịnh Hàn rồi trực chỉ Sài Gòn.

Ra khơi gíó mát sóng xuôi
Con trăng mười bốn giữa trời viễn du.

Thủy thủ lên boong nhìn những di dân —trong đó có nhiều phụ nữ trẻ, đẹp. Trai khôn tìm vợ chợ đông. Gái khôn tìm chồng giữa … lính Hải Quân là đúng rồi! Biết đâu sau chuyến đi này sẽ có nhiều anh với chị nên vợ nên chồng.

Bắt đầu là quà cáp, bánh kẹo được thủy thủ mang ra biếu cho bé con. Khi mọi việc êm xuôi, mọi người đều vui vẻ, quà biếu có giá trị thực tiễn hơn như chiếc áo lạnh, cái chăn đấp cho ấm, đến những đôi dép nhựa được trao cho những người lớn tuổi hơn, chị và mẹ của các em, trong khi bố các em thì trớt huớt. Họ đứng nhìn mà chẳng được ai biếu tặng gì cả. Thương thay số phận đàn ông luôn bị thất thế khi đứng trước phụ nữ, đàn bà!

Chăn bông, áo rét, dép nhựa là sở hữu riêng của thủy thủ lấy từ nhà mang theo dùng mà rồi cứ với nụ cười vui đem biếu cho người như thế là sao?

Ngoài ra, khi phát phần cơm chiều cho di dân xong, nhà bếp còn nấu thêm cháo gà cho các o dùng thêm, sợ đêm bị đói. Đây là sáng kiến của ai trên tàu; muốn biết thì chỉ cần hỏi sĩ quan ẩm thực là xong, nhưng tôi cũng không hỏi, vì hỏi tức là trả lời.

Kế đó là vấn đề vệ sinh. Nhìn mấy anh thủy thủ dẫn các em nhỏ vào phòng vệ sinh trên tàu mà cảm động. Em nhỏ đi một lần biết chỗ rồi về dẫn người lớn đi.

Lúc tàu chở khách đàn ông như Đại đội Bảo An trước đó, tôi không thấy có tấm lòng ưu ái này ở những thủy thủ của tàu này!

Đến nửa đêm thì tàu ngang qua Ghềnh Ráng, Qui Nhơn. Hạm trưởng vui vì vừa mới mua nhà, mang hết gia đình từ Huế vào, vừa được chúng tôi giúp thanh toán gần xong nợ nần.

Ông và tôi lên sàn giám-lộ [1] trên tàu, mang ghế ra ngồi ngắm trăng giữa biển. Hạm trưởng nói về bài văn Đi Chơi Dưới Trăng của Hàn Mặc Tử. Ông phân tích ý nghĩa tôn giáo của từng câu văn. Lời bình văn học của ông rất lưu loát, không vấp, nhưng vì giọng ông như đã nói, rất nặng, rất không dễ nghe nên khi ông nói, tôi nhìn mặt biển sáng loáng dưới ánh trăng, lâu lâu gật gật đầu xem như đang theo dõi bài giảng.

Lúc hai anh em đang êm êm tận hưởng cái thú ban đêm nhìn trăng biển của người thủy thủ thì Thượng sĩ Quản Nội trưởng từ dưới leo lên nơi chúng tôi đang ngồi. Anh đứng nghiêm, báo cáo: " Thưa hạm trưởng, trên tàu có một bà đang .... chuyển bụng."

Hạm trưởng nghe xong liền nhảy nhổm, ngưng bình văn, hỏi lớn:

" Anh mần răn mà bà ta chuyển bụng trên tàu, hỉ."

Ông Quản Nội trưởng đứng im. Dưới ánh trăng, tôi thấy mặt hạm trưởng như tái đi.

Tàu do Hải Quân Pháp mớI giao chưa được nửa năm. Mấy tháng trước, khi soạn bản nội qui làm việc trên tàu, tôi có đọc tài liệu Hải Quân Pháp để lại, trong đó có đoạn nói về trường hợp này. Đại khái là," Khi có người chuyển bụng sinh con trên tàu thì hạm trưởng là người đứng ra đỡ đẻ rồi lập giấy khai sinh." Sách chỉ dẫn về công tác đỡ đẻ nằm ở ngăn kéo trong phòng Y Tế trên tàu.

Hạm trưởng hỏi:

" Răng bảo đừng cho (lên tàu) mà cứ cho?"

Quản nội trưởng trả lời:

" Thưa có bảo nhưng ông chồng nói vợ ông chỉ mang thai có ba tháng. "

Hạm trưởng nói to:" Răng không khám có đúng rứa không?"

" Dạ thưa hạm trưởng, em không biết....... khám.”

Hạm trưởng chưa hết cơn quýnh quáng, nạt:

“ Không biết khám thì trình xin hạm phó khám, răng không trình hỉ?”

Ông Thượng sĩ thấy hạm trưởng người vốn hiền lành bổng nạt nộ, vung tay tay chém gió tứ tung, cũng hãi quá, quên cả đầu đuôi, trình tiếp:

“Ngoài ra ông chồng còn đòi vợ con đâu thì ông ta theo đó. Không cho vợ xuống tàu thì cả nhà ông không đi."

Tôi nghĩ cả nhà không đi thì để cho ban quản trị công tác di dân lo, việc chi đến mình. Nhưng lúc đó không phải để nói lý này lẽ nọ nữa. Tôi kêu Quản Nội trưởng cho mời Thượng sĩ Y tá trên tàu lên gặp tôi.

Với hạm trưởng, tôi nói: " Cái may là ta gặp biển êm. Tôi cho đưa bà ta vào phòng Y Tế trên tàu rồi lo những gì cần thiết để giúp anh."

Hạm trưởng chối ngay:

" Mình mô biết mần vụ đó."

Ông nói đúng. Trai chưa vợ và nghe nói ông lúc đó cũng chưa biết đàn bà là gì cả. Làm sao ông đỡ đẻ trên biển đây?

Tôi nói như để an ủi: "Thì trên tàu này có ai biết cái vụ đó đâu! "

Hạm trưởng hỏi lại:

" Nhưng anh muốn tôi mần cách răn?"

Con người là sinh vật rất can đảm, có thể chịu được mọi nỗi đau khổ cũng như những âu lo của…người khác. Tôi nói:

" Có sách dạy, kèm hình vẽ rõ lắm. Nếu cần tôi sẽ phụ anh. Nếu cần."

Để ông hạm ngồi tại chỗ ôm trán, tôi thót ba bước lên đài chỉ huy nói với sĩ quan đương phiên:

“ Nếu hết phiên của toa mà moa chưa lên thay toa thì cho người xuống phòng Y tế gọi moa dùm nghe.”

Sau đó, tôi xuống phòng Y Tế, theo sau là viên y tá.

Vào phòng, cầm quyển sách chỉ dẫn về giúp sinh đẻ trên tay, tôi nói cho anh ta ghi vào một tờ giấy. Một: đun sôi 10 lít nước, để nguội. Hai: sẵn một thùng to hứng nước(?) Ba: lấy ra sẵn hộp đựng kéo cắt rốn, thuốc khử trùng, sáu cuộn băng chưa dùng, kim băng. Bốn: ba ống thuốc khoẻ Camphor. Năm: hai ống thuốc cầm máu, vi-ta-min K và kim chích đã khử trùng, thuốc bột Sulfamide. Sáu: bốn khăn lông sạch ...

Đến đây thì sản phụ được anh em thủy thủ dùng cán nhà binh khiêng vào phòng Y Tế. Bà được để nằm trên bàn dài trên tàu thường dùng để khám bệnh hoặc băng bó người bị thương. Đặt biệt là cuối mặt bàn đó có một lỗ hổng to như cái rổ mà lúc đó tôi mới biết dùng để làm gì. Thấy ông chồng lấp ló ở cửa ra vào, tôi hỏi với giọng trách nhiệm:

" Bà nhà sinh được bao nhiêu cháu rồi, hả ông?"

" Bẩm ôn tất cả bón. Sinh tại nhà cả ôn ơi."

" Sinh tại nhà? Thế bây giờ ông giúp bà sinh được không?"

" Thưa khôn dốm."

"Thế mấy lần trước thì bà nhà sinh làm sao?"

" Thưa ôn có người làng đến giúp."

" Người cùng làng hiện có ở tàu này không?"

" Thưa khôn thấy."

Nghĩ bà đã sinh bốn lần mà mẹ tròn con vuông thì chắc bà phải có nhiều kinh nghiệm. Nhìn chung quanh ông già thấy có nhiều bộ mặt con nít, lấm lét nhìn vào phòng. Tôi kêu tất cả đi nơi khác. Sản phụ cần không khí để thở.

Hạm trưởng xuống đến nơi, khoanh tay đứng nhìn sản phụ sấp sinh con rạ. Tôi mở sách chỉ dẫn, lật đúng trang có in hình chỉ cách đỡ đầu đứa bé, từ từ kéo nhẹ, một tay ấn nhẹ ào bụng dưới giúp bà mẹ rặn đẩy con ra. Khi đứa bé lú đầu ra, một tay bợ đầu, một tay chờ đỡ thân nó cho đến lúc cả thân nó ra xong thì dùng bàn tay nắm hai chân nó, đưa lên cao cho thân dốc ngược, vỗ mông nó vài cái cho nó khóc rồi mới để nó nằm xuống, dùng khăn lông lau nhẹ nhẹ cho bé được khô trong khi chờ cho phần nhao ra theo cho kỳ hết. Sau đó thì dùng tay đưa nhao lên, cho chất bổ trong đó tiếp tục chạy hết vào bụng đứa bé. Xong thì buộc thắt ngang cuốn rốn cách bụng đứa bé sáu phân rồi cắt ở phần ngoài. Phải đếm cho thấy nhao còn nguyên vẹn. Sót nhao có thể gây biến chứng làm chết người mẹ. Cắt dây rốn xong là rắc bột sulfamide rồi băng lại.. Xong trao đứa bé cho mẹ nó ôm sát vào người, da thịt cọ với da thịt của mẹ càng lâu càng tốt: lúc đó đứa bé còn thở theo nhịp tim của bà mẹ.

Sách nói giản đơn có thế, thực tế nhiêu khê hơn nhiều. Hạm trưởng hồn xiêu phách lạc, quên cả mang găng tay bằng cao su, vừa run vừa giúp đứa bé gái chào đời trong một hoàn cảnh hết sức nghiệt ngã. Cái lo của ông to hơn cái lo của chính bà mẹ. Nhìn gân guốc nổi lên mặt ông, nhất là ở cổ mà thấy quá thảm.

Đứa bé sinh xuôi chiều. Cái đầu nhô ra trước, rồi thì vai, hai tay, bụng, rồi hai chân. Khi ông hạm trưởng dùng hai tay nâng nó lên thì nó khóc ré. Mọi người hoan hỉ. Ông trao nó cho anh y tá. Anh này dùng khăn lông lau bé cho khô, cắt dây rốn, băng lại cẩn thận rồi đặt bé cạnh bà mẹ. Tôi như một thứ thẩm quyền, đứng quan sát từng cử động bão đảm đúng y sách. Một bé gái vừa mới lọt lòng, mỗi bàn tay bàn chân có đủ năm ngón, hình hài đầy đủ. Thấy cái bàn tay nhỏ tí xíu của nó nắm lấy ngón tay của ông hạm trưởng mà thương quá chừng.

Ông hạm trưởng rửa tay xong bèn vào phòng tắm, tắm liền một cái. Sau đó ông lên đài chỉ huy gọi bồi mang cà-phê lên cho ông ở đó uống cà phê, hút thuốc lá Bastos đến sáng hôm sau.

Luật qui định hạm trưởng lập giấy khai sinh pháp lý cho bé con sinh trên tàu. Ông tìm một cái tên thật hay để đặt cho cô bé. Lúc đó, tàu sấp qua Nha Trang.

Ông hỏi tôi: " Anh thấy đặt tên bé là Nha Trang hay Phan Rang có được không?"

Tên tàu chúng tôi là Hát Giang, tôi nói: " Tôi hỏi biết ông bố tên là Trần Thi, mẹ là Lê thị Nhị. Mình cứ đề nghị tên Trần Lê Hát Giang cho bé gái. Họ ưng thì mình đánh máy tên đó vào giấy khai sinh, có đóng dấu mỏ neo đàng hoàng."

Cô bé mang tên Hát Giang từ đó. Tên này tạo sự lạ. Thủy thủ reo mừng. Một mũ nhựa của nón sắt được chuyền tay, thiên hạ bỏ tiền vào. Mũ này đầy thì qua mũ khác. Tất cả hai mũ nhóc tiền được gom lại trao tận tay ông bố, kèm theo một thùng sữa đặc có đường hiệu Con Chim cho bà mẹ lúc đó còn nằm trong phòng Y Tế trên tàu. Khi trao tiền cho ông, tôi buộc phải trao trước mặt bà vợ, ngừa trường hợp ông cố ý giấu chút ít để lén đi nhậu hay đi sướng một mình. Rồi trên đường từ Nha Trang về Sài Gòn dường như trên tàu không còn ai ngủ nghê gì được nữa. Đúng là khi một hài nhi sinh ra, cả trời mừng rỡ.

Tàu ủi bãi Cát Lái trưa hôm sau. Sản phụ được xe cứu thương đưa lên trạm Y tế trên trại Cữu Long cạnh Sở Hàng Hà. Trước khi gia đình sản phụ rời tàu, hạm trưởng trịnh trọng trao một phong bì to, đựng đúng mười bản khai sinh, đánh máy trên giấy lụa màu hồng nhạt in hình mỏ neo trên đầu, có chữ ký tên của hạm trưởng và đóng mộc. Một phong bì khác, bên trong có tờ giấy nhận cô bé là con đỡ đầu của chiến hạm mãi mãi về sau. Mỗi năm đến ngày sinh nhật của bé thì gia đình liên lạc chiến hạm để nhận quà. Niềm vui bất ngờ nhưng to lớn quá khiến cha mẹ của bé lặng người, không nói được tiếng nào. Rồi ông bố sờ mũi, gãi đầu gãi tai, bà thì khóc như mưa, khóc vì vui. Các con của hai ông bà không biết gì cũng khóc theo, trông thật cảm động.

Hai tháng sau, tôi đổi đi đơn vị khác. Mỗi khi có dịp liên lạc tàu Hát Giang, tôi đều hỏi thăm cháu bé thì biết cháu theo gia đình định cư ở Gia Lai. Khi lớn về học ở Sài Gòn. 

Tháng Tư năm 1975, cô cùng gia đình vượt biên rồi may mắn được định cư tại nước Úc.

nbt 


No comments:

Blog Archive