Friday, May 11, 2018

Lời nói cuối cùng của tiến sĩ 104 tuổi người Úc trước giờ vĩnh biệt

Phải nói là một sự dũng cảm của tiến sĩ David Goodall khi có nguyện vọng được chết ở tuổi 104. Ông cho rằng mình không còn đóng góp gì với cuộc đời này. Ông trải lòng: "Tôi thức dậy, ăn sáng rồi ngồi đến tận trưa. Điều đó có ích gì?”.

Hai ngày trước khi ra đi mãi mãi, tiến sĩ David Goodall, người khiến cả thế giới chú ý vì công khai nguyện vọng chết dù còn khỏe mạnh, thực hiện buổi phỏng vấn cuối cùng. Nhà khoa học 104 tuổi giãi bày tâm tư về quyết định chấm dứt cuộc đời.

“Tôi không còn tận hưởng cuộc sống từ 5-10 năm trước”, tiến sĩ Goodall thừa nhận với CNN. Tuy không mắc bệnh mạn tính, ông gần như mù và cử động khó khăn, từ đó mất khả năng sinh hoạt độc lập. “Tôi vẫn muốn đi dạo, ngắm nhìn thế giới xung quanh và nghe tiếng chim hót song đôi mắt kém cản trở tất cả”, tiến sĩ già tiếc nuối.


Tiến sĩ Goodall thời trẻ. Ảnh: CNN.

Ý tưởng tìm đến cái chết từ lâu đến với tiến sĩ Goodall từ năm 1998 và ngày càng mạnh mẽ. Vài tuần trước, nhà khoa học cố tự tử nhưng rồi tỉnh dậy trong bệnh viện. Các bác sĩ đánh giá ông là mối nguy hiểm với chính bản thân và chỉ cho tiến sĩ Goodall xuất viện sau khi con gái ông, một nhà tâm lý lâm sàng, tiến hành đánh giá năng lực tinh thần.

Nói về quá trình điều trị, tiến sĩ Goodall liên tục dùng từ “tàn nhẫn”, đồng thời khẳng định mình bị “ép sống dù không muốn”. “Mỗi ngày, tôi thức dậy, ăn sáng rồi ngồi đến tận trưa. Rồi tôi ăn trưa và lại ngồi. Điều đó có ích gì?”, ông trăn trở.

Thông qua câu chuyện của mình, tiến sĩ Goodall hy vọng ngày đó Australia và các quốc gia khác sẽ công nhận quyền được chết như Thụy Sĩ. Nhà khoa học lập luận: “Quá trình ra đi không cần phải đau đớn, khó chịu”.


Tiến sĩ Goodall trong buổi phỏng vấn cuối cùng. Ảnh: CNN.

Ngày 10/5, thay vì uống thuốc độc như ban đầu dự tính, tiến sĩ Goodall sẽ được truyền sodium pentobarbital để ra đi êm ái. Chính ông sẽ mở van cho dung dịch chảy vào cơ thể. “Điều duy nhất tôi lo lắng là đặt kim tiêm đúng chỗ”, tiến sĩ hài hước.


Căn phòng nơi tiến sĩ Goodall trút hơi thở cuối cùng. Ảnh: CNN.
Nhà khoa học già nhất Australia, đã tự kết thúc cuộc đời tại Basel (Thụy Sĩ) hôm 10/5. Sáng hôm ấy ông ăn nhẹ với tâm trạng "phấn khởi" rồi đi đến căn phòng nơi cái chết đang chờ đợi. Ông ra đi bên cạnh gia đình trong giai điệu bản Giao hưởng số 9 của Beethoven, tác phẩm thể hiện hy vọng về tự do.

Trong căn phòng nhỏ, Giao hưởng số 9 của Beethoven vang lên. Vài phút sau khi bản nhạc kết thúc, tiến sĩ Goodall trút hơi thở cuối cùng. Lúc sắp lìa đời, ông trăn trối: "Tôi đã chờ đợi quá lâu rồi".


Tiến sĩ Goodall nở nụ cười trong buổi họp báo cuối cùng hôm 9/5. Ảnh: AFP.
"Những gì tôi muốn là các nước khác hãy theo gương Thụy Sĩ và cho mọi công dân quyền chết nếu họ đạt đủ tiêu chuẩn. Và tiêu chuẩn này không phải tuổi tác mà là năng lực tinh thần", tiến sĩ Goodall nhắn nhủ.

Sinh tháng 4/1914 tại London (Anh), tiến sĩ Goodall là nhà thực vật học và sinh thái học nổi tiếng thế giới. Ông từng giữ các vị trí quan trọng ở Anh, Mỹ và Australia. Sau khi nghỉ hưu vào năm 1979, tiến sĩ Goodall đảm nhận vị trí biên tập bộ sách 30 cuốn mang tên Hệ sinh thái Thế giới do 500 tác giả thực hiện đồng thời tiếp tục nghiên cứu. Năm 2016, ông được trao tặng huân chương Order of Australia.

Tiến sĩ Goodall trải qua 3 đời vợ, có 4 con và 12 cháu.

No comments:

Blog Archive