MEMORIAL DAY LÀ NGÀY GÌ ?
Hàng năm cứ vào ngày Thứ Hai của tuần lễ cuối cùng của Tháng năm là ngày Lễ Tưởng niệm các chiến sĩ trận vong mà người Mỹ gọi là “Memorial Day”.
Theo sử liệu, lễ Memorial Day chính thức được công bố vào ngày 5 tháng 5 năm 1868 bởi Tướng John Logan, người đứng đầu tổ chức có tên là Đại quân của nền Cộng hòa (Grand Army of the Republic), một hội ái hữu của các cựu chiến binh thuộc quân đội Miền Bắc trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Vào ngày này hàng năm, những bó hoa tươi được dân chúng đặt trên các ngôi mộ của các chiến sĩ quân đội Liên Bang Thống nhất tại nghĩa trang quốc gia Arlington. Tiểu bang đầu tiên chính thức thừa nhận Memorial Day là ngày lễ nghỉ là tiểu bang New York vào năm 1873. Ðến năm 1890 thì được thừa nhận ở hầu hết các tiểu bang Miền Bắc Hoa Kỳ. Song các tiểu bang Miền Nam Hoa Kỳ vẫn có lễ Memorial Day riêng để tưởng niệm các chiến sĩ của họ đã hy sinh trong cuộc nội chiến Bắc - Nam vì vấn đề nô lệ chủng tộc.
Mãi cho đến sau Thế chiến thứ nhất mới có sự thống nhất về ý nghĩa kỷ niệm Memorial Day là ngày tưởng niệm tất cả các chiến binh Hoa Kỳ đã chiến đấu và hy sinh trong bất cứ cuộc chiến tranh nào. Nhưng còn ngày lễ thống nhất trên toàn quốc Hoa Kỳ như ngày nay phải đợi cho đến năm 1971, sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật “National Holiday Act”, đã chọn ngày Thứ hai cuối cùng của Tháng 5 hàng năm là ngày lễ Memorial Day cho cả nước. Mặc dầu nhiều tiểu bang miền Nam cho đến nay vẫn còn giữ một ngày lễ Memorial Day riêng để vinh danh những người đã chết trong cuộc nội chiến Bắc Nam. Tỷ như Tiểu bang Texas ngày lễ tưởng niệm riêng là ngày 19 tháng Giêng, Alabama, Florida, Georgia và Mississipi là ngày 26 tháng 4 hàng năm v.v. . .
Ngoài ý nghĩa lịch sử trên đây, Memorial Day còn mang ý nghĩ thời đại đối với nhân dân Hoa Kỳ nói chung, người Mỹ gốc Việt nói riêng.
Cuộc nội chiến Nam Bắc Hoa Kỳ bắt đầu vào ngày 12 tháng 4-1861. Bốn năm sau vào ngày 9 tháng 4-1865, tướng Lee của miền Nam đầu hàng tướng Grant của miền Bắc.
Cuộc chiến tranh với hàng trăm trận đánh tại miền Ðông Hoa Kỳ trong trọn vẹn 4 năm đã làm cho quân hai bên chết 620 ngàn và hàng triệu người bị thương . Miền Bắc thắng trận, thống nhất đất nước, giải phóng nô lệ và hy sinh vị anh hùng dân tộc: Tổng Thống Lincoln.
Nội chiến xảy ra trong hai nhiệm kỳ của ông Lincoln từ 1861 đến 1865 với hai vị tướng chỉ huy sau cùng là Tướng Ulysses S. Grant của miền Bắc và Tướng Robert E. Lee của miền Nam. Khi cuộc chiến Nam Bắc bùng nổ, nước Mỹ chia đôi. 11 tiểu bang miền Nam ly khai với 9 triệu dân và thêm 4 triệu dân nô lệ da đen. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ còn lại 21 tiểu bang miền Bắc với 20 triệu dân.
Lịch sử ghi lại rằng vào sáng ngày 9 tháng 4 cách đây 153 năm, thủ đô miền Nam là Richmond thất thủ, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh vây hãm quân miền Nam hết đường tháo lui.
Bộ tham mưu của Tướng Lee đề nghị phân tán để giữ lực lượng đánh du kích, nhưng Tướng Lee quyết định đầu hàng. Vị danh tướng của Hoa Kỳ trải qua bao nhiêu chiến thắng nhưng sau cùng vì quân số và tiếp vận bị giới hạn nên đành bất lực chấp nhận thua cuộc. Với lá thư riêng ông gửi cho Tướng Grant của miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt.
Vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với tướng tư lệnh miền Nam bại trận. Trưa ngày lịch sử 9 tháng 4-1865, Tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn ước. Hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón.
Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen's Agreement). Trên các bảo tàng viện và đặc biệt là bảo tàng viện ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình Tướng Lee hiên ngang quắc thước trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng không bị khuất phục dù thua trận. Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay Mỹ miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục.
Sau cuộc nội chiến, các tiểu bang miền Nam có hàng ngàn nghĩa trang lớn nhỏ chôn cất tử sĩ của phe bại trận và trên đó luôn luôn có lá cờ gạch chéo đã một thời tung hoành trên chiến trường.
Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, hoàn toàn không có tù binh, không có cải tạo tập trung, ai về nhà đó, cùng xây dựng lại quê hương.
Nghĩa trang bên nào bên đó tự lo . Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngay tại nghĩa trang quốc gia của phe miền Bắc ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn có một khu chôn cất tử sĩ miền Nam với tượng đài gọi là Confederate Memorial.
Năm 1900 tức là gần 40 năm sau cuộc chiến, mở đầu cho giai đoạn hòa giải dân tộc và năm 1991 thì các liệt sĩ miền Nam được cải táng đưa vào một khu đặc biệt trong nghĩa trang Arlington gọi là Confederate Section. Tổng cộng gần 500 mộ phần quây tròn chung quanh một tượng đài do nhà tạc tượng danh tiếng là điêu khắc gia Moses Ezekiel thực hiện.
Trên đỉnh của chân bệ hình vòng cung như nóc Tòa Quốc Hội là hình tượng cao 32 feet của một thiếu phụ tượng trưng cho miền Nam. Ðây là hình ảnh bà mẹ của phe bại trận đã có con trai hy sinh cho cuộc chiến. Phía dưới là bài thơ đại ý như sau:
"Ở đây chẳng có vinh quang hay tưởng lệ.
Ở đây chẳng phải binh đoàn hay cấp bậc.
Ở đây chẳng có tham vọng hay mưu cầu.
Ở đây chỉ đơn thuần là nhiệm vụ.
Những người nằm ở đây đã hiểu rõ
là họ trải qua gian khổ, đã hy sinh
đã liều thân và sau cùng đã chết."
(Theo facebook Dương Hoài Linh)
No comments:
Post a Comment