Viết cho người bạn đời:
Khi yêu nhau
lúc nào cũng là mùa xuân
lúc nào cũng là mùa xuân
Em,
Em còn nhớ không em?
Đầu mùa xuân trong những thập niên sáu mươi, điện thoại reo, khi nhấc lên nghe giọng nói của một người phụ nữ bên kia đầu dây nói tiếng Việt. Chuyện lạ là cộng đồng người Việt ở Pháp lúc bấy giờ bắt đầu nảy nở nhưng vẩn chưa có bao nhiêu, lạ hơn nữa là cách nói chuyện có vẻ xã giao nhưng không kém phần trang trọng; cô ngỏ ý muốn mời để cô phỏng vấn trong chương trình Việt Ngữ cô phụ trách trên đài phát thanh Pháp Office de la Radio Télévision Francaise (ORTF), như cô đã mời rất nhiều sinh viên Việt Nam đã thành tài, sắp ra tường hay những người đã thành công ở Pháp. Nghe ớn quá nên tôi lễ phép từ chối vì không biết mình có đủ từ ngữ cho cuộc phỏng vấn hay không, hơn nữa mỉnh có biết gì đâu để trả lời những gi cô sắp hỏi. Cô có vẽ thất vọng vì đến bây giờ chưa ai từ chối lời mời của cô! Trước khi chia tay tôi gặng hỏi:
- “Làm sau cô biết số điện thoại của tôi để gọi.”
- “Tôi có phỏng vấn rất nhiều người trong chương trình này, trong dịp đó mấy tuần trước đây tôi có phỏng vấn Bác sĩ Phát, ông bảo có người anh đang làm việc cho nhà xuất bản nổi tiếng ở Paris nên ông cho tôi cơ hội để gọi ông” Cô trả lời.
Ngẩn ngơ, bất ngờ khiến cho tôi trở nên tọc mạch nên xin hẹn gặp cô.
- “Mà gặp ở đâu và bao giờ hè?”
- “Tám giờ sáng ngày chủ nhật tại quán café “Les Deux Magots”. Trên đại lộ Saint Germain, Saint Germain des Près.
Lẽ dĩ nhiên là phải ở quán Café “Les Deux Magots” là nơi tề tựu thường xuyên các văn nghệ sĩ nổi tiếng, các họa sĩ đã thành danh hay các đại văn hào như Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir v. v. . .
Ở ngoại ô Paris, phải mất ít lắm nửa tiếng đồng hồ lái xe thành ra phải dậy sớm và đến sớm hơn giờ hẹn vì sự tế nhị không muốn người nữ đến trước chờ.
Đầu mùa xuân, lá non xanh đã đôm đầy cành trên hàng cây dài theo đại lộ Saint Germain, nắng ấm nên chọn chổ ngồi bên ngoài để có dịp ngắm ông đi qua bà đi lại cũng như để cho các ông đi qua bà đi lại có dịp nhìn mình. Chuyện lạ là sáng chủ nhật dân Paris dậy rất trễ vì tối thứ bảy là họ thường vui chơi đến gần sáng nhưng ở đây chưa tám giờ mà quán “Les Deux Magots” đã đông đầy người.
Ngồi không bao lâu thì thấy từ đằng xa dáng vóc người phụ nữ Á đông mạnh dạng tiến bước, y phục đơn giản, gọn gàng nhưng rất thanh lịch và tự nhiên, không phấn son, dáng điệu dễ thương rất mignonne, không có cái gì để gọi là sắc đẹp giả tạo, vì từ trong con người có một cái gì tỏa ra với một mãnh lực thu hút một cách lạ thương. Tay cầm cái cặp thay gì cái bóp sách tay như bao nhiêu người phụ nữ khác. Hai người chưa bao giờ gặp nhau nhưng khi cô đến gần, tôi đứng lên thì cô vui mừng chào hỏi, xong tự giới thiệu như có sự thâm tâm tương đắc làm cho chúng tôi có cảm tưởng như đã biết nhau từ lâu. Tôi lén liếc nhìn đồng hồ thì đúng tám giờ, đúng giờ hẹn là một điểm đáng nể và tự nghĩ cô là người làm việc nghiêm chỉnh.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, đoán cô cùng lứa tuổi nên tôi gọi bằng chị và chỉ biết chị là nhân viên của đài phát thanh mà thôi, ngoài ra không biết chi về quá trình hay đời sống của chị cả. Trong khi trao đổi những lời xã giao người hầu bàn mà người ta thường gọi “garcon” đến hỏi chúng tôi muốn dùng chi buồi sáng, Tôi xoay qua hỏi “Chị dùng chi?” - “Cà phê sữa và một phần bánh bébé croissants. Bébé Croissant ở đây ngon lắm”. Cô nói tiếp làm tôi tự nghĩ “Cô này có vẻ sành điệu quá và tự an ủi, mình cũng ở Paris khá lâu nhưng làm sao biết hết những bí mật của Thủ đô ánh sáng này. Tôi xoay lại người garcon: “Cho chúng tôi 2 cappuccini (cà phê sữa) và hai phần bébé croissants”. (Bébé croissants là loai bánh mì “sừng trâu”, chỉ lớn bằng ngón tay cái mà thôi). Sau đó chúng tôi vào đề ngay về việc phỏng vấn trên đài. Tôi cảm thấy thoải mái hơn sau khi một vài vấn để được giải tỏa và sung sướng chấp nhận cuộc phỏng vấn. Trong lúc uống cà phê và ăn croissants - rất đặc biệt và có ngon thật” - Cô lấy các dữ kiện cần thiết để làm thẻ vào đài phát thanh. Chúng tôi từ giả sau khi ăn xong và hẹn cô sẽ cho biết ngày giờ cho cuộc phỏng vấn. Hai ngày sau, điện thoại reo vang, cô cho biết ngày giờ và địa điểm. Để tránh sự vất vả phải đi Métro đến đài nên tôi đề nghị đến rước cô ở đường Chantier, Paris V. Một lần nữa rất đúng giờ và lần này cô mặc áo dài, lại là một con người khác; dịu dàng dễ thương của người Á Đông.
Trước khi đến phòng thu thanh, chúng tôi phải đi qua nhiều văn phòng, ai cũng vui vẻ chào đón cô, thậm chí các bạn đồng nghiệp còn trêu ghẹo một cách thân mật như “Ô lala quel beau couple!” ( Chao ôi thật là đẹp đôi!). Họ nói nhỏ với nhau nhưng cố tình nói đủ lớn để cho chúng tôi nghe. Những lời trêu ghẹo có thể là vô thưởng vô phạt nhưng có biết đâu nó có tác dụng tâm lý không chờ đợi; có thể xâm nhập vào trong thâm tâm của hai người chăng?
Cuộc nói chuyện trên đài diễn tiến một cách tốt đẹp là do người biết phỏng vấn cho nên cuộc nói chuyện trở nên sống động, nửa tiếng đồng hồ qua rất mau. Được cô bảo là thành công và cho tôi ngày giờ đế đón nghe. Tôi đề nghị mời cô dùng cơm trưa nhưng bị ừ chối vì cô phải ở lại làm việc tiếp trên đài. Hai ngày sau nghe lại bài phỏng vấn trong chương trình Việt ngữ, tôi cảm thấy xấu hổ vì trong câu chuyện lắm khi tìm không ra chữ nên phải dùng tiếng Pháp xen vào, mặc dầu mình hết sức cố gắng chỉ dùng tiếng Việt, cũng may là đối với Cộng đồng người Việt ở Pháp họ tha thứ và chấp nhận dể dàng hơn. Chúng tôi từ giả một cách bình thường tại đài radio sau cuộc phỏng vấn, nghĩ rằng mình sẽ gặp lại nhau trong nay mai, không ngờ sau một vài tuần hinh ảnh của cô gái xinh xinh đó cứ mãi áp ù và quấy rầy trong đầu. Điện thoại mãi hầu mong gặp lại cô nhưng không ai trả lời đến độ tôi phải gọi nơi cô làm việc thì mới biết đài truyền hình Pháp đã gởi cô đi công tác ở phương xa!
Từ đó chúng tôi không còn liên lạc với nhau cho đến năm 1972 gần sáu năm sau! Như một phép lạ, điện thoại reo, với giọng quá quen thuộc mà tôi mãi chờ đợi từ lâu, bên kia đầu dây, rất vui mừng nhưng lại hỏi một câu không đúng chổ, vô cùng vô duyên, thốt lên một cách tự nhiên mà không nghĩ đó là những lời trách móc đối với người bên kia đầu dây:
Từ đó chúng tôi không còn liên lạc với nhau cho đến năm 1972 gần sáu năm sau! Như một phép lạ, điện thoại reo, với giọng quá quen thuộc mà tôi mãi chờ đợi từ lâu, bên kia đầu dây, rất vui mừng nhưng lại hỏi một câu không đúng chổ, vô cùng vô duyên, thốt lên một cách tự nhiên mà không nghĩ đó là những lời trách móc đối với người bên kia đầu dây:
- “Ủa chị còn nhớ tôi sao?”
Các cô các bà phần đông rất nhậy cảm, hiểu ngay lời trách và cũng hiểu ắt phài có lý do tình cảm gì đó mới trách mình như thế.
- Anh không phải là người thứ nhất mà hầu như tất cả các bạn tôi đều trách tôi như thế. Vì chuyến đi quá đột ngột nên không thông báo cho ai được cả.
- Rồi bây giờ? Tôi hỏi.
- Rồi bây giờ tôi sẽ ở lại Paris một thời gian nhưng bận rôn lắm.
Con người này quá bí mật, Tôi nghĩ thầm với sự tế nhị nên không hỏi cô đã đi đâu và làm gì trong mấy năm qua, bây giờ lại xuất hiện mà còn cho biết cô rất bận rộn trong lúc tình hình chánh trị cũng khá xôn xao ở Paris. Tôi cảm thấy hơi táo bạo nhưng không sao kìm hãm được câu hỏi:
- Bao giờ mình có thể găp lại nhau?
- Một ngày gần đây.
Câu trả lời của cô làm tôi càng thêm tọc mạch nhưng rất vui vì coi như một lời hứa nên kiên nhẩn chờ mãi đến mấy tuần sau ngày 27 tháng giêng năm 1973 là ngày Hiệp Định Paris được ký kết. Điện thoại reo, kỳ này tôi được mời tham dự một buồi họp gồm có anh hội trưởng cùng một số đông các anh em của Tổng Hội Sinh Viên tại Paris và một vài nhân vật trong Cộng đồng người Việt ở Thủ đô, cộng thêm hai nhân vật của Hoàng gia Lào làm cho buổi họp càng thêm trang trọng.
Trong một gian phòng rộng lớn, đông chật người. Chủ đề buổi họp là “Làm thế nào tái thiết quê hương sau Hiệp Định Paris” mà chính cô là người chủ xướng, nghĩ rằng sau Hiệp Định Paris thì sẽ có hòa bình! Buổi họp vô cùng sôi nổi, bắt đầu từ 6 giờ chiều, với một chủ để to lớn như thế này, cứ bàn mãi chuyện này sang chuyện kia, câu hỏi này đến câu hỏi khác v. v. . . và không bao giờ kết thúc được nhưng phải tạm ngưng vì khi nhìn lại là gần một giớ sáng ai ai cũng phải ra về để lấy chuyến Métro cuối cùng là 1 giờ khuya.
Như một cơn gió lốc chỉ có mấy phút, gian phòng rộng lớn đông nghẹt trở nên trống rỗng, chỉ còn lại ông chủ gia và hai đứa chúng tôi vì chờ đưa cô về, nhưng không; ngày làm việc của cô chưa chấm dứt, cô còn phải đi gặp những người bạn của cô ở ngoại ô Paris, họ đang chờ. Bước ra bên ngoài để chứng kiến thành phố Paris phủ lên một lớp tuyết trắng gần hai tất và tuyết vẩn còn rơi, đã một giờ sáng mà vẫn hân hoan đưa cô đi gặp các bạn ở ngoại ô Paris. Trước khi đến nơi, còn phải đi bộ qua một quãng đường dài, cô cập lấy tay tôi một cách tự nhiên, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, trước bối cảnh mờ mờ ảo ảo của công viên phủ một lớp tuyết trắng, dưới ánh trăng vô cùng lãng mạn. Khi thở hơi nước phì ra như khói, không biết cô đang nghĩ gì trong đầu, hai người chỉ bước đi trong im lặng, trong bầu không khí giá băng. Đến nơi, đèn trong nhà vẫn còn sáng các người bạn của cô vẫn đang chờ. Tôi trao cô cho các bạn vui mừng chào đón cô như sứ mạng hoàn được tất (mission accomplie) nhưng khi cô xoay qua phía bên tôi có lẽ để tõ lời cám ơn thì các bạn của cô tế nhị khép cửa lại để cho chúng tôi có một vài giây phút riêng tư với nhau, không chờ đợi cô vừa nói “Cám ơn anh” vừa đặt đôi môi lạnh buốt trên má mình. Chuyện hôn trên má đối với người Âu là chuyện bình thường nhưng sao tôi cứ mãi nhớ!
Cá nhân tôi không biết chi về nhân vật vô cùng bí ẩn này làm tôi càng thêm tò mò, tìm hiểu về sự xuất hiện của cô rồi biến đi một thời gian rồi lại tái xuất hiện một lần nữa, vì sau khi đưa cô đến nhà những người bạn của cô, giữa đêm ở ngoại ô Paris, cô lại bặt vô âm tín, biến đi đến cả năm sau! Điện thoại mãi mà không ai trả lời. Trong lúc thời cuộc ở quê nhả càng ngày càng nóng bỏng, bỗng nhiên được thơ cô gởi về từ Indonesia, ngắn gọn chỉ có mấy chữ “Em sẽ về...” như trong bài hát “Em không đi nữa, em sẽ về, em sẽ về ôm anh, em sẽ về ôm lại quê hương mình…“ Ngạc nhiên nhưng sung sướng vì cô xưng “Em” trong thơ.
Một thời gian không lâu sau biến cố 30 thang tư 1975, điện thoại reo với những lời tha thiết kêu cầu cứu: “Em nhờ anh giúp em một tay” Cách xưng hô “Anh Em” đến một cách tự nhiên vào lúc nào cũng không biết. Thì ra cô và một vài người bạn khác lo giúp đồng bào tỵ nạn áo ạt đến ở các trung tâm dành riêng cho người tỵ nạn mà các tổ chức thiện nguyện cũng như các cơ quan chánh quyền bị bất ngờ tràn ngập. Ai lo được gì thì lo, tùy theo khả năng của mình, một nhóm lo xin quần áo cũ để phân phát cho những người mới tới, mặc dù đã là tháng 5 trời ấm nhưng vẩn cảm thấy lạnh đối với những người mới tới từ xứ mặt trời, nhóm khác lo việc thư từ tìm liên lạc các thân nhân gần xa cầu cứu hay cho biết họ đã đến bờ tự do an toàn hay giúp làm thủ tục định cư v. v...
Trong mấy tuần lễ liên tiếp chúng tôi sát cách bên nhau trong việc làm giúp đỡ đồng hương, ngày nào cũng đến tối mới xong việc. Một hôm trên đường vế khi đi ngang qua công viên Tuileries chúng tôi dừng xe lại để tìm một chút thời gian thư giãn, không ngờ là nơi chúng tôi trao đổi nụ hôn đầu tiên và từ đó chúng không bao giờ xa nhau nữa. Sau một thời gian sinh hoạt chung chúng tôi nhận ra đã tìm ở nhau người đồng chí hướng và tư nay chúng tôi nắm tay nhau cho một cuộc hành trình mới cho đến cuối cuộc đời. Ở bên nhau từ ngày trao đổi nụ hôn đầu tiên cho đến ngày nay chúng tôi thường đùa với nhau, thường đi ngược thời gian trong những lúc uống trà mỗi buổi sáng. Có không biết bao nhiêu chuyện kể cho nhau nghe nhưng chuyện tôi muốn biết là cô đã thầm yêu tôi từ bao giờ và tại sao. Cô đồng ý với điều kiện là tôi cũng phải cho cô biết phần bên tôi.
- Khi gặp anh lần đầu tiên, đứng trước con người cao lớn làm em chú ý.
- Ha! Ha! C’est un coup de foudre = Ha Ha tình yêu sét đánh!
- Khi gặp anh lần đầu tiên, đứng trước con người cao lớn làm em chú ý.
- Ha! Ha! C’est un coup de foudre = Ha Ha tình yêu sét đánh!
- Không không em chỉ để ý thôi, trong công việc của em, em tiếp xúc rất nhiều nhân vật đặc biệt, khác nhau.
Khi kể tâm tình cho nhau nghe thường có những trận cười trêu ghẹo. Cô kể tiếp với vẻ nghiêm nghị.
- Anh còn nhớ không? Buồi họp có Tổng Hội Sinh Viên và nhiều hội đoàn khác. Cử chỉ trượng phu của anh là người duy nhất nhận đưa em đến nhà bạn ở ngoại ô Paris lúc một hai giờ sáng, trên đường bao phủ đầy tuyết rất nguy hiểm, làm em cảm động và sau cùng khi sinh hoạt bên cạnh anh, em nhận ra là em đã thầm yêu anh, yêu con người chân thật, cùng đồng chí hướng mà em có thể trao gởi cuộc đời của em.
- Thôi thôi, to lớn quá, quan trọng quá anh không dám nhận đâu, còn phần của anh thì rất đơn giản: Anh đã lộn mèo yêu em (Head over heels in love) khi em đặt đôi môi lạnh buốt trên má anh, trong đêm khuya, băng giá và anh phải đợi mấy năm sau mới được em hồi đáp tại công viên Tuileries!
Chúng tôi nhớ lại là khi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên là lúc đầu xuân mãi cho đến suốt mấy năm sau mới nhận ra chúng tôi đã thầm yêu nhau ở cuối mùa xuân. Nay tuổi đã cao, quí báu từ giây phút được ở bên nhau, không ngần ngại nói lên anh yêu em hay em yêu anh, em nhớ anh hay anh nhớ em khi xa vắng. Chúng tôi nghĩ rằng khi hai người tha thiết yêu thì lúc nào cũng là mùa xuân.
Em còn nhớ không em?
(L'amant de Paris, dédié à celle que j'aime, Nguyễn Quang).---------------------------------------------------------------------------------------------------
No comments:
Post a Comment