Cố Đại úy KQ/VNCH Trần Minh Quan
Thanh Huyền
Hình minh hoạ
Lời tựa: Tác giả là em gái của Cố Đại úy Không Quân Trần Minh Quan, viết lại bài này để tưởng nhớ đến ngày ra đi vĩnh viễn của anh mình. Lúc đó tác giả còn quá nhỏ, cho nên có những chuyện không nhớ hết. Nếu tình cờ có vị nào ngày xưa đã từng biết về anh Quan, xin giúp đỡ tác giả để sửa chữa bổ sung thêm thì thật là vạn hạnh, tác giả và gia đình xin được muôn vàn cảm tạ.
*********
Kim Lớn và Kim Nhỏ ngồi trước bàn học, bao mấy cuốn vở học trò lại để chuẩn bị cho ngày tựu trường vào ngày mai. Bây giờ là Chủ nhật 30 tháng 9 năm 1973. Chiến cuộc đang ở vào thời kỳ sôi động, nhất là sau Hiệp Định Paris, Mỹ đã rút quân về nước, đưa chương trình Việt Nam Hóa chiến tranh vào Việt Nam. Khoảng 8 giờ tối hôm qua, anh Quan cùng các anh Pilots trong Phi Đoàn 231 của anh đi xe hơi từ Biên Hòa ghé nhà thăm Cậu và 2 cô em gái. Gia đình anh Quan gọi ba bằng Cậu. Khi các anh ra về, cả nhà ra cửa ngó trông theo, anh Quan mở ngọn đèn trong xe và đưa tay ra vẫy cho Cậu và 2 đứa em nhìn thấy anh.
Đang bao vở, Kim Lớn bỗng nói:
- Kim Nhỏ à, sao tao thấy có bóng đen sau lưng mày mặc bộ đồ bay màu đen giống anh 8 quá.
Gia đình Kim không gọi tên các anh mà gọi bằng thứ. Anh Trần Minh Quan được gọi bằng anh 8.
Kim Nhỏ trả lời:
- Chị nói thấy ghê, chắc tại ngày hôm qua anh 8 mới về thăm nên chị thấy vậy thôi.
– Không phải đâu mày. Ngày hôm qua, anh 8 mặc đồ civil, tao nhớ ảnh mặc áo sơ mi sọc dài tay mà. Cái áo sơ mi ảnh mua hồi ảnh học bên Mỹ đó. Tao thấy dáng ảnh rõ ràng đứng sau lưng mày, mặt ảnh buồn hiu hà.
Lúc đó, chuông đồng hồ vừa gõ 6 tiếng, ngoài trước có vang tiếng rung cửa sắt, Kim Lớn nhìn ra ngoài cửa, đầy những anh Pilots mặc đồ bay màu đen đứng đó. Chị Vân, vợ anh Quan, té nhào vô nhà, vừa khóc vừa nói trong tiếng nấc nghẹn ngào:
- Anh 8 chết rồi Cậu ơi. Anh 8 chết rồi các em ơi.
Vừa nói chị 8 vừa lăn lộn trên nền nhà gạch bông. Hai bên hàng xóm nghe tiếng than khóc, cũng tò mò chạy ra trước cửa ngó vào nhà đông nghẹt.
Ông Bà Trung Tá Nguyễn Hữu Lộc, Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 231 còn gọi là Phi Đoàn Lôi Vân, nơi anh 8 đang thi hành nhiệm vụ, bước ra báo tin buồn:
- Thưa bác trai và gia đình, thay mặt gia đình Không Quân, chúng con xin được chia buồn với gia đình về cái chết của Trung úy Trần Minh Quan. Trung Úy Quan đã hy sinh anh dũng, là tấm gương dũng cảm cho đất nước Việt nam Cộng Hòa chúng ta nói chung, cho gia đình Không Quân Việt Nam và cho chúng ta, là những người thân, đồng đội và bạn bè của Trung Úy Quan.
Lúc đó, Cậu và Kim Lớn, Kim Nhỏ đã điếng hồn, không còn biết gì nữa. Kim Lớn và Kim Nhỏ ôm chị Vân khóc:
- Anh 8 chết rồi chị 8 ơi, Tụi mình làm sao bây giờ chị 8?
Bà Trung Tá Lộc sắp xếp:
- Kim Nhỏ theo xe của tôi lên Biên Hòa ngủ với chị Vân tối nay. Phụ với chị Vân sắp xếp để ngày mai đến phi trường Tân Sơn Nhất nhận xác anh Quan. Kim Lớn gọi điện thoại báo tin cho anh em của anh Quan và cho bà con họ hàng biết. Bác trai đừng lo lắng gì hết nha Bác. Mọi chuyện tang lễ, gia đình Không quân sẽ lo hết. Chúng con xin chia buồn cùng sự mất mát này của gia đình Bác.
Trung úy Trần Minh Quan sinh ngày 10 tháng 5 năm 1947. Đúng ra là năm 1945 vì tuổi thật của anh Quan là tuổi Ất Dậu, nhưng do những năm tháng chiến tranh, giấy tờ thất lạc, gia đình mới làm Giấy Thế vì Khai sanh lại cho anh đi học lúc gia đình dời ra quận Bến cát, tỉnh Bình Dương. Để khỏi đi học trễ tuổi, Cậu đã làm khai sanh nhỏ tuổi lại cho anh Quan. Thuở nhỏ anh Quan rất thông minh và thương Cậu Má, anh em rất nhiều. Sau khi học xong tiểu học ở trường Tiểu Học Bến Cát, anh Quan thi đậu vào trường Trung Học Trịnh Hoài Đức ở Búng, Bình Dương. Anh Quan trọ học ở Búng cùng với anh ruột Trần Ngọc Thanh, sau này là Thiếu Úy Cảnh Sát đặc biệt quận 7 Sài Gòn. Khi thi Tú Tài I anh Quan được Cậu Má cho về Sài Gòn học ở trường Trường Sơn. Gia đình lúc đó mua một căn nhà ở Sài Gòn để cho các anh em tiện việc đi học.
Vào mùa hè năm Mậu Thân 1968, anh Quan về Bến Cát với Cậu Má. Cứ mỗi mùa hè, anh Quan về Bến Cát, bởi vì nơi đây có người con gái anh yêu. Đó là chị Ngọc Vân, mà sau này anh cưới làm vợ. Bến Cát là một quận thuộc tỉnh Bình Dương nằm trong chiến khu D. Hàng đêm Việt Cộng hay pháo kích vào quận lỵ, không thấy lính chết mà chỉ toàn là dân thường trúng pháo kích của Việt Cộng, chết, bị thương vô số. Lúc đó gia đình anh Quan ở đường Gia Long quận Bến Cát, đàng sau nhà là trại lính thuộc sư đoàn 5 Bộ Binh. Cách bên phải nhà khoảng 200 mét là chi khu Bến Cát. Bến Cát chỉ cách Sài Gòn 52 cây số nhưng lúc đó đường đi bị Việt Cộng đắp mô, giật mìn cho nên đi lại rất khó. Mỗi khi dân Bến Cát muốn đi Sài Gòn hay từ Sài Gòn muốn về Bến Cát phải đợi đoàn convoi của Mỹ mở đường rồi mới chạy theo sau. Cũng mùa hè năm này, vào một buổi tối, bỗng nhiên Việt Cộng pháo kích thật nhiều, rồi có tiếng la hét “Xung Phong” của Việt Cộng trước cửa nhà. Chúng đã vào tận chợ Bến Cát theo phương cách “tiền pháo hậu xung”, có nghĩa là chúng pháo kích trước rồi sau đó xung phong đánh thẳng vào. Anh Quan, Cậu Má và Kim Nhỏ đang nằm trong hầm chìm ở trong nhà để tránh pháo kích thì nghe tiếng nổ thật lớn trước của nhà. Việt Cộng đã dùng B40 và mìn Claymore để giật sập căn nhà của gia đình anh Quan. Anh và Cậu Má chạy ra nhà trước coi thì lớp áo ngoài của cửa sắt bị bay mất, hai bên tường sập xuống đè vào cánh cửa sắt, có lẽ vì thế mà cánh cửa vẫn còn đứng nguyên đó, Việt Cộng không đi vào nhà như ý chúng muốn. Nơi góc trái của cái cửa có một lỗ hỗng thật to nhưng cũng may là các thanh sắt lại đâm ra che kín lỗ hỗng đó, làm cho tụi VC không bò theo lỗ hỗng này vào nhà được.
Tụi VC đứng lố nhố ngoài cửa la lên:
- Theo lệnh của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và của Nhân Dân, cho đòi những gia đình ở trên con đường này bước ra ngoài.
Lúc đó Cậu Má và anh Quan run lắm rồi. VC mà tìm đến thì chỉ có nước chết với chúng nó thôi. Má và anh Quan mới đưa cả nhà lên lầu chuyền qua nhà hàng xóm để lỡ mà VC có vào nhà được cũng không tìm gặp. Sau khi anh Quan đưa gia đình đi qua bên nhà hàng xóm, anh Quan bò về nhà, xuống hầm, tìm thùng lựu đạn mà anh Thanh trước đó đã đưa cho anh Quan với lời dặn dò:
- Nếu tụi VC có bắt nhà mình thì sống chết với tụi nó, mạng đổi mạng, chứ nó bắt được là nó cũng giết mình chết thôi.
Cầm 3 trái lựu đạn trên tay, anh Quan đi ra nhà sau, bò lên mái nhà, bò thật chậm ra mái nhà ở nhà trước, tránh không gây tiếng động. Anh Quan ló đầu ra nhìn, vẫn thấy tụi VC còn đứng nguyên một đám đông trước cửa nhà, khăn rằn, mã tấu, súng … đủ loại. Anh Quan rút chốt một trái lựu đạn, rồi lấy sức quăng xuống đất. Ầm…. một tiếng nổ thật lớn cùng những tiếng la hét đau đớn.
Tụi Việt Cộng la lên:
- Tụi nó phản công rồi.
Thấy tụi Việt Cộng còn ở đó, anh Quan vội rút chốt thêm một trái lựu đạn nữa và quăng xuống tiếp. Lại ầm một tiếng nữa, lúc này tụi Việt Cộng réo gọi nhau:
- Rút, rút, tụi nó tấn công mình rồi.
Anh Quan nghe tiếng mấy tụi Việt Cộng la hét pha lẫn những tiếng rên. Anh lắng nghe, nếu trong đó có tiếng nói của Cậu Má hay tiếng nói của Kim Nhỏ là anh Quan sẽ quăng tiếp một trái lựu đạn nữa. Thà rằng biết Cậu Má, Kim Nhỏ chết ở đây mà được thấy xác còn hơn là bị Việt Cộng bắt đi, không biết sống chết ra sao, nếu có chết cũng không tìm thấy xác. Nhưng anh không nghe thấy tiếng của ai quen hết. Lúc Việt Cộng rút đi thì Đại Úy Lộc và Trung sĩ Cúc ở Chi Khu dẫn nguyên tóan địa phương quân xuống gọi cửa từng nhà:
- Việt Cộng bị đánh rút đi rồi bà con ơi.
Mọi người mở cửa chạy túa ra ngoài xem. Máu vẫn còn chảy lênh láng ngoài đường, vài ba xác Việt Cộng còn nằm đó, chắc là tụi Việt Cộng không khiêng đi kịp, có vài cánh tay và vài cái chân nằm rải rác. Hai cây súng B40 và ba cây AK 47 bị tụi VC bỏ lại. Trong góc thớt thịt ngoài chợ có một tên Việt Cộng ngồi chết, tay vẫn còn cầm khẩu súng AK. Có lẽ bị thương nặng, đồng bọn chúng không tải thương kịp. Mùi máu tanh xông lên nghe rất khó chịu.
Thiếu tá quận trưởng quận Bến Cát Trương Bá Thiện, xuống tận nơi và ngỏ lời khen anh Quan đã anh dũng chống trả. Nhờ hai trái lựu đạn của anh Quan mà Việt Cộng đã rút đi nhanh. Buổi sáng hôm sau, anh Quan được máy bay trực trăng của Đại tá Lý Tòng Bá, lúc đó ông mới là Đại tá, Tỉnh trưởng tỉnh Bình Dương mời xuống văn phòng tỉnh làm lễ tuyên dương khen thưởng Huy chuơng anh dũng bội tinh và anh Quan được báo chí phỏng vấn, viết bài ca ngợi. Tuy anh chỉ là một học sinh, nhưng cũng đã chiến đấu chống lại Việt Cộng không hề sợ hãi.
Sau trận này, Cậu Má làm đám cưới cho anh Quan và chị Vân ngay bởi vì cái chết sao như gần kề trước mắt. Cũng trong năm này, mặc dù còn đang ở hạn hoãn quân dịch, anh Quan ghi tên lên đường nhập ngũ. Sau khi khám sức khỏe, anh Quan được nhập ngũ ở trường Võ Bị Thủ Đức với số quân: 67/602086. Sau đó, anh Quan được chọn vào ngành Không Quân, mãn hạn ở trường Võ Bị Thủ Đức, anh Quan về Saì Gòn học lớp English 900 ở trường Sinh Ngữ Quân Đội để chuẩn bị sang Hoa Kỳ học lái máy bay. Thời gian này, anh Quan quen người bạn tên Thu, nhà ở đường Hoàng Diệu. Anh Thu cũng qua Mỹ học chung với anh Quan và hai người học cùng khóa và ở cùng phòng. Khi ở Mỹ, anh Quan đã được huấn luyện ở Randolph Base, San Antonio, Texas, Savanah, Georgia về máy bay trực thăng UH- 1. Trong thời gian anh Quan học ở Mỹ thì năm 1970, má của anh Quan từ trần. Gia đình đều giấu không cho anh Quan biết vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần của anh.
Khi anh Quan về nước cũng năm 1970, anh được điều về phi đoàn 231 Lôi Vân , không đoàn 43, sư đoàn III Không quân, đóng tại Biên Hoà. Không đoàn 43 gồm có 5 phi đoàn trực thăng UH-1 chiến đấu, một phi đoàn trực thăng UH-1 tải thương và một phi đoàn trực thăng CH-47 Chinook.
Phi Đoàn 221 Lôi Vũ với các trực thăng UH-1 Huey.
Phi Đoàn 223 Lôi Điểu với các trực thăng UH-1 Huey.
Phi Đoàn 231 Lôi Vân với các trực thăng UH-1 Huey.
Phi Đoàn 245 Lôi Bằng với các trực thăng UH-1 Huey.
Phi Đoàn 251 Lôi Thiên với các trực thăng UH-1 Huey.
Phi Đoàn 237 Lôi Thanh với các trực thăng CH-47 Chinook.
Phi Đoàn 259E với các trực thăng UH-1 Huey (phi đoàn trực thăng tải thương)
Trước khi qua Mỹ học, anh Quan vừa có một đứa con trai đầu lòng. Thời gian đầu về phi đoàn 231, anh Quan có mở câu lạc bộ cho Phi Đoàn 231, nhưng sau đó, chị 8 có thêm hai đứa con nữa, một trai và một gái, nên anh Quan không tiếp tục khai thác câu lạc bộ. Gia đình anh Quan ở trong khu gia binh của căn cứ Không quân Biên Hoà, để mỗi khi đi bay về, từ máy bay, anh Quan có thể về nhà sớm với vợ con.
Chủ nhật 30 tháng 9 năm 1973, là một ngày định mệnh. Hôm nay anh Quan không có chuyến bay, nhưng có một người bạn đồng đội của anh vì bận chuyện gia đình nên nhờ anh bay thế. Công tác kỳ này là yểm trợ cho toán quân Biệt Kích Dù nhảy toán xuống Chơn Thành. Từ sau năm 1972, mùa hè đỏ lửa, chiến cuộc càng ngày càng lan rộng và nguy hiểm hơn. Việt Cộng chiếm An Lộc và đánh phá các vùng lân cận như Chơn Thành, Bình Long, Hớn Quản… Hôm đó, khi toán Biệt Kích nhảy dù xuống Chơn Thành thì đụng độ với Việt Cộng. Biệt Kích Dù liền kêu gọi Pháo Binh và Không quân yểm trợ. Anh Quan lên máy bay UH- 1 cùng viên phi công phụ và anh xạ thủ đại liên M- 60. Anh Quan hay bay thấp bởi vì bay thấp bắn Việt Cộng mới chính xác, nhưng cũng dễ bị Việt Cộng bắn sẻ lắm. “Nếu bay cao, không bị tụi Việt Cộng bắn thì mình cũng đâu bắn trúng tụi nó. Như vậy chỉ phí đạn thôi”, anh Quan thường hay nói với bạn bè như vậy. Anh cũng hay nói tiếp: “Nếu sợ chết thì đừng đi lính. Đi lính là để giết Việt Cộng mà còn sợ chết thì ai giết Việt Cộng cho mình. Tụi Việt Cộng tàn ác, ngày nào còn Việt Cộng là quê hương không bao giờ ấm êm, gia đình sẽ không bao giờ được hạnh phúc”. Mới vừa tuần trước, có một trực thăng của đồng đội anh bị Việt Cộng bắn rớt, anh phi công nhảy dù thóat ra ngoài, nhưng không biết anh phi công này sống chết ra sao. Không tìm cách cứu anh ta kịp, bị sa vào tay Việt Cộng thì chỉ có nước chết. Thế là anh Quan bay thật thấp sát ngọn cây, vòng vòng nơi máy bay rớt để tìm. Khi máy bay gần hết xăng, anh Quan về căn cứ Lai Khê lấy xăng đầy rồi quay lại bay tiếp tìm cho đến khi gặp anh sĩ quan phi công báo tín hiệu lên là anh Quan bay tới, cứu anh bạn của mình về. Trong cuộc đời bay của anh Quan, anh đã cứu rất nhiều đồng đội như vậy, không bao giờ anh nghĩ đến sống chết của anh.
Hôm nay, anh Quan bay hover để yểm trợ cho toán quân bên dưới. Anh bay cũng đã nhiều vòng rồi, và đang chuẩn bị bay về, thì cây súng đại liên của anh xạ thủ kẹt đạn. Anh Quan không còn nghe tiếng súng, quay lại hỏi:
- Sao mày không bắn tiếp đi.
- Cây súng kẹt đạn rồi Trung úy, Trung úy bay lên cao đi Trung úy.
Anh xạ thủ chưa nói dứt lời, thì anh Quan đã la lên với anh phi công phụ:
- Tao trúng đạn rồi.
Anh đưa hai tay khoát lên cao:
- Bay lên, bay lên đi.
Anh phi công phụ và anh xạ thủ quay lại nhìn anh Quan thì đầu anh đã ngoẹo qua một bên, máu từ cổ chảy xuống thấm ướt chiếc áo bay. Anh không còn nói câu nào nữa hết. Anh phi công phụ bắt mạch cổ của anh thì nhịp tim không còn đập nữa. Đó là những lời nói cuối cùng của anh Quan trong cuộc đời. Viên đạn đã do một thằng Việt Cộng khát máu bắn từ dưới đất lên trúng vào anh ở dưới cằm bên tay trái xuyên qua dưới lổ tai bên phải trổ ra ngoài, làm mất một phần thùy tai phải. Chỉ một viên đạn duy nhất đã cướp đi cuộc đời của anh Quan. Sự việc xảy ra ở tọa độ XT:648.604 lúc 16 giờ 45 cùng ngày Chủ nhật 30 tháng 9 năm 1973 tức là ngày mồng 5 tháng 9 âm lịch.
Anh phi công phụ vội bay về phi trường Lai Khê, nhưng không còn cấp cứu được nữa. Sau đó, thi hài anh Quan được đưa về nhà xác phi trường Phi Long, Tân sơn Nhất.
Sáng hôm sau, cả nhà vào thăm anh Quan. Anh vẫn còn mặc bộ đồ bay màu đen, vết máu còn đọng trên cổ và trên áo anh đã khô và sạm lại. Trên ngực anh vẫn còn sợi dây chuyền kỷ niệm ngày cưới. Ngón tay anh vẫn còn đeo chiếc nhẫn cưới. Anh nằm đó, mắt vẫn còn mở, dù bạn bè cố gắng vuốt mắt anh bao nhiều lần ngày hôm qua, nhưng mắt anh cũng không chịu nhắm lại. Cậu đưa tay vuốt mắt anh, nước mắt già nua chảy dài trên gương mặt nhăn nheo, còm cõi:
- Con yên giấc đi con, hãy ra đi cho thật bình an. Chuyện nhà có anh em con và cậu sẽ lo cho vợ con của con.
Lúc đó, đôi mắt anh Quan mới từ từ nhắm lại và một giòng máu bỗng ứa ra bên khóe mép anh.
Anh 8 ơi,
Chim trời chưa mỏi cánh,
Sao anh vội ngừng bay,
Sao sớm về nẻo khuất
Để lại đau thương này!
Anh Quan ra đi một chuyến không về, bỏ lại người vợ trẻ chỉ vừa mới 25 tuổi cùng 3 đứa con thơ dại. Đứa lớn nhất chỉ mới 5 tuổi đầu và đứa con gái út mới vừa hai tháng, lớn lên cũng không biết ba mình ra sao. Những đứa trẻ thơ vô tội phải sống cuộc đời côi cút vì tụi Việt Cộng xâm lăng khát máu, lúc nào cũng muốn xâm chiếm miền Nam bằng máu. Quận lỵ Bến Cát trong thời gian này, đêm nào cũng bị Việt Cộng pháo kích, và chúng chỉ pháo kích vào nhà dân thường. Cứ mỗi sáng thức dậy, là người ta sẽ nghe tin một vài người bị Việt Cộng pháo kích chết. Khắp quận lỵ Bến Cát, ngày nào cũng có một vài đám ma.
Trong cuôc chiến này, biết bao nhiêu anh hùng không tên tuổi như anh Quan đã hy sinh cho màu cờ của Việt Nam Cộng Hòa. Sau này, có ai còn nhớ đến họ không? Có ai còn nhớ đến bức tượng “Tiếc Thương” ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa, đã một thời tiếc thương cho đồng đội đã ngã xuống, và cuối cùng chính anh cũng đã trở về lòng đất mẹ? Sau khi anh Quan ra đi, một số đồng đội của anh đã tiển đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng cũng lần lượt ra đi như cố Đại úy Tranh.
Hỡi những ai đang bắt tay, đang liếm gót giày Việt Cộng, xin hãy nhớ đến những vị anh hùng không tên tuổi của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, mà sống thật với lương tâm của mình. Đừng để đến một ngày nào đó, khi nhắm mắt xuôi tay thì ăn năn cũng đã quá muộn màng.
Thanh Huyền
No comments:
Post a Comment