Wednesday, May 16, 2018

Đổi màu

Một ngàn chín trăm bảy mươi lăm. Cộng sản vào. Ông bị đi tù. Đói và khổ. Nhiều năm sau, ông được ra tù. Hết đói nhưng vẫn khổ. Thời may có người bạn từ phương xa về gửi giúp ông ít tiền. Không nhiều, nhưng rất quý trong cảnh ngộ. Ông thấm thía câu: “ miếng khi đói bằng gói khi no “. Hằng đêm, ông lén nghe đài và ngóng tin ngoại quốc. Mong ước bạn bè đã đi thoát hãy cố gắng làm điều gì đó cho quê hương, dân tộc. Trong đó có ông.

Bây giờ sang đây. Đổi đời. Làm ăn khấm khá. Ông muốn quên hết chuyện xưa.

Hôm qua có mấy người bạn cũ mời ông đi họp mặt. Ông viện lẽ bận rộn từ chối, tự nhủ thầm: ” không lo làm ăn, hơi đâu lo chuyện ruồi bu ! “ . Được mời gọi đóng góp giúp đỡ thương phế binh và bạn bè còn kẹt ở quê nhà, ông cười khẩy, lắc đầu quầy quậy: “Ai có thân nấy lo, của đâu mà giúp người dưng “.

Bạn bè cáo từ. Ông tiễn ra cửa.

Trên cây trước nhà, bên cạnh những cành lá xanh tươi, có một cành bị sâu đục thân.

Lá trên cành đã đổi màu tự bao giờ.

**********************************************************
Bạc bẽo
Ngày xưa nhà nghèo. Mỗi ngày Ba chở hai con đi học trên chiếc xe đạp cà tàng. Đường đến trường nhiều dốc cao. Ba, người đẫm mồ hôi vẫn cố còng lưng đưa hai con đến trường đúng giờ. Có hôm trời mưa như trút nước. Ba cha con chỉ có một áo mưa. Ba nhường cho hai con để không bị ướt. Trên đường đi, Ba thường kể chuyện vui cho hai con nghe. Dù mệt hay khỏe, không bao giờ nghe Ba than một tiếng.

Nay sang đây định cư. Hai con đã trưởng thành và vững chãi. Còn Ba tuổi già không lái xe được. Đi đâu cũng phải khó khăn nhờ hai con chở.

Hôm nay có mấy người bạn đến mời họp mặt. Ba nhờ hai con đưa đón. Đứa em thoái thoát: “ Con không rảnh đâu, ba nhờ chị Hai chở đi “. Nó lên xe chạy vội ra quán cà phê tán gẫu với bạn bè. Chưa kịp nhờ, cô chị đã gắt gỏng: “ Già rồi, không lái xe được, chịu khó ở nhà cho yên thân, đi ra ngoài làm gì để người ta phải mắc công đưa đón ”.

Ba nghe nói buồn. Làm thinh. Thẫn thờ ra sau vườn đốt điếu thuốc.

Mẹ ngồi nghe thấy hết. Nhìn theo Ba, nước mắt rưng rưng.

No comments:

Blog Archive