Một Đèo, Một Đèo, Lại Một Đèo
Chắc ít ai trong chúng ta lần đầu đến nước Mỹ lại không có một ấn tượng đầu tiên mạnh mẽ đến mức phải thốt nên lời: “Nước Mỹ… to quá!” Có phải vậy không, thưa quý vị? Từ cái xa lộ mênh mông đưa chúng ta về căn nhà trong một khu xóm rộng rãi, đến tô phở Việt nơi xứ Mỹ, với những lá rau húng quế thật lớn, mấy lát ớt xanh… vĩ đại và cái tên nghe thật hùng tráng: “tô xe lửa”!
Không lớn sao được khi nước Mỹ bao gồm 50 tiểu bang mà bang “tiểu” nhất là Rhode Island cũng có tổng diện tích gấp đôi thành phố Sài Gòn của chúng ta. Nói cách khác, nước Mỹ thật sự là 50 nước gộp lại, bảo sao không lớn? Không những lớn, nước Mỹ còn hùng hậu về những kích thước khác như rộng, dài, cao và sâu nữa. Muốn viết về tất cả những ví dụ để chứng minh cho các kích thước này, chắc phải cần cả một cuốn bút ký mới có thể chuyển tải được phần nào điều chúng ta muốn miêu tả. Vì vậy, bài viết này chỉ giới hạn vào một khía cạnh nhỏ của vấn đề trên. Đó là một số ngọn núi và đường đèo của trung phần California.
Nếu cùng thấy nước Mỹ là to lớn, tất nhiên mỗi chúng ta có thể để ý nhiều hơnđến một phương diện, tuỳ theo tính cách, cảm hứng, sở thích, tính hiếu kỳ… của mình. Riêng tôi, núi đèo quanh vùng tôi cư ngụ là Orange County đã trở thành một trong những nỗi “ám ảnh” của tôi về nước Mỹ. Số là tôi có bệnh “sợ chiều cao”, mà người Mỹ gọi là “acrophobia”. Quý vị nào đồng bệnh như tôi hẳn thấy tương đắc ngay khi tưởng tượng ra cảnh mình đứng trên tầng cao nhất của một toà nhà chọc trời hay một mỏm núi cao chót vót nhìn xuống phía dưới mà tay chân thì bủn rủn, mồ hôi tuôn ra lạnh ngắt!
Trông người lại gẫm đến ta, tôi tò mò tìm hiểu thêm về đồi núi ở Việt Nam (hồi nhỏ có học qua mà chữ đã trả lại thầy!) để tiện bề so sánh với núi đồi ở Mỹ. Tra cứu xong, tôi biết được đỉnh núi cao nhất của Việt Nam là ở Hoàng Liên Sơn, thuộc tỉnh Lào Cai (khoảng 10.000 feet), còn đỉnh núi cao nhất của Mỹ là ngọn Denali ở tiểu bang Alaska (khoảng 20.000 feet!) Như vậy là về chiều cao của núi, nước Mỹ đã qua mặt Việt Nam mình gấp đôi rồi.
Hồi còn ở Việt Nam, ngọn đèo cao nhất mà tôi có dịp đi qua là đèo Hải Vân. Dạo ấy, tôi đáp xe đò từ Nha Trang ra Huế để thi vào Đại Học Sư Phạm. Khi xe đến Đà Nẵng, trời đã xế chiều. Nhiều người trên xe cho tôi biết là hành khách phải ngủ lại trên xe ở bến xe Đà Nẵng, đến sáng mai mới tiếp tục ra Huế vì xe không tiện qua đèo Hải Vân hiểm trở vào ban đêm. Sáng hôm sau, chiếc xe của chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, vượt đèo Hải Vân ra Huế. Khi xe đến khu vực Lăng Cô ở ngay chân đèo, người tài xế dừng xe lại và bước xuống. Anh ta cầm một bó nhang tiến về một cái miếu gần đó rồi đốt nhang, khấn vái hồi lâu. Hỏi ra mới biết đây là một cái miếu thờ oan hồn của những người đã bỏ mạng khi đi qua đèo. Tôi nghe kể mà hồn phi phách tán. Khi xe lên đèo, mắt tôi cứ nhắm nghiền, miệng niệm Phật liên hồi, quên cả việc thử xem đèo Hải Vân có cao đến nỗi mây có thể chui vào xe như nhiều người từng nói không.
Qua đến Mỹ, tôi mới biết rằng đèo Hải Vân chẳng thấm tháp chi mô với núi đèo xứ Cờ Hoa (nói theo giọng Huế cho hợp tình hợp cảnh). Chỗ cao nhất của đèo Hải Vân cũng chỉ tới khoảng 1.600 feet. Bên nhà vợ tôi, các anh em trai rất thích du lịch, đã từng lái xe chở chúng tôi đi nhiều nơi ở California, qua nhiều núi đèo cao ngất. Sau này, gia đình nhỏ của tôi cũng có những dịp đi tour, qua nhiều ngọn đèo ở những tiểu bang láng giềng như Arizona hay Utah, cũng cao không kém. Những lần ngồi trên xe hơi trong gia đình hay trên xe buýt du lịch, tuy vẫn sợ chiều cao của đèo, tôi cũng thấy phần nào an tâm vì có người khác lái xe chứ không phải là mình. Còn khi cả nhà tôi tự lái xe đi đâu chơi, tôi đều chọn những nơi gần và… thấp, khỏi phải vượt núi trèo đèo chi cho mệt!
Cho đến một hôm… Hôm ấy, tôi nghe tin liên đoàn hướng đạo của con trai tôi sẽ đi cắm trại ở thành phố Lake Arrowhead. Nhìn lên bản đồ, tôi thấy thành phố này nằm ở lưng chừng của dãy núi San Bernadino (đường đi lên khu trượt tuyết Big Bear). Tìm thêm chi tiết của dãy núi này, tôi được biết là chỗ cao nhất của nó là hơn 11.000 feet! Lúc ấy tôi đã khóc thầm trong bụng. Cha mẹ ơi, thế là lần này chính tôi phải lái xe chở vợ tôi và thằng bé đi cắm trại, leo đèo, vượt núi. Trong bụng rất lo, tôi vẫn phải tỏ ra điềm tĩnh trước mặt vợ con, không thôi thì mất mặt anh hùng quá (mặc dù chưa bao giờ được chính thức phong là anh hùng cả!) Thế nhưng hình như Trời thương người ăn hiền ở lành như tôi, tự dưng cậu em vợ và cô vợ của cậu ta nghe chúng tôi đi cắm trại cũng muốn đi theo cho vui. Tất nhiên là cậu em vợ của tôi sẽ đảm nhiệm phần lái xe, vì cậu ta là một handy man thứ thiệt. Khỏi phải nói, trong lòng tôi như mở cờ, mừng hết lớn! Vậy là tôi có thể yên chí, vui vẻ đi cắm trại với cả nhà trên núi mà khỏi phải lái xe qua đèo.
Suốt chuyến đi lên chỗ cắm trại hôm ấy, tôi ngồi bên cạnh cậu em vợ lãnh phần lái xe. Lúc ấy, tôi có dịp thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ của núi đèo miền California. Trời xanh ngăn ngắt, những cây thông và nhiều loại cây khác đua nhau khoe những tàng lá biếc, nổi bật trên nền trời, tạo nên một bức tranh vô cùng ngoạn mục. Bên dưới đèo, sâu thăm thẳm, cũng trùng trùng điệp điệp cây cối um tùm. Thỉnh thoảng lại thấy đôi dòng nước trắng xoá uốn quanh phía dưới như những nét chấm phá đầy thi vị vào cái nền màu xanh thẫm. Khu trại trên núi mang tên là Forest Lawn Scout Reservation. Như cái tên cho thấy, đây là vùng đất thuộc sở hữu của hướng đạo Hoa Kỳ. Khu trại có những dãy nhà khang trang để ở (chúng tôi không phải dựng lều).Chung quanh trại là cảnh đồi núi chập chùng, cây cối xanh rờn, lại có cả một cái ao nhỏ trông thật nên thơ. Hai ngày, một đêm ở trại trôi qua thật nhanh chóng, với đầy đủ những sinh hoạt vui vẻ của các em sói con và phụ huynh.
Sáng Chủ nhật, ăn cơm trưa xong, mọi người phụ nhau dọn dẹp để xả trại và chuẩn bị ra về. Cậu em vợ tôi rất tháo vát. Chỉ mới đi trại lần đầu mà cậu ta đã hăng hái giúp thật nhiều việc, lại còn nói chuyện rôm rả với nhiều phụ huynh khác. Chẳng bù với tôi, chỉ liến thoắng khi ở nhà chứ ra ngoài phải một thời gian mới có thể thoải mái nói chuyện với mọi người. Xui làm sao, lúc dùng một con dao bén để cắt sợi dây treo tấm băng-rôn, cậu em bị đứt tay nặng, máu chảy không ngừng. Chúng tôi ai nấy tìm cách giúp cậu. Kẻ thì băng bó tạm thời chỗ chảy máu, kẻ thì đi gọi các trưởng hướng đạo để cho biết chuyện vừa xảy ra. Người băng bó tay cho cậu em vừa là một nữ trưởng hướng đạo, vừa là một y tá. Cô cho biết trong tình trạng chảy máu này, cậu em tôi cần được đưa vào bệnh viện để may chỗ bị đứt lại. Cũng may là một trưởng khác xem Google cho biết có một bệnh viện gần đó cách khoảng 15 phút lái xe (đường đèo), mở cửa 24/24.
Quý vị đã đoán người phải lái xe đưa cậu em vào bệnh viện là ai rồi chứ? Lúc ấy, nỗi sợ lái xe đường đèo trong tôi đã bất giác nhường chỗ cho nỗi sợ không biết bác sĩ có giúp cầm máu nổi bàn tay của cậu em hay không. Trong lúc vợ con tôi ở lại trại tiếp tục thu xếp đồ đạc, tôi lái xe chở cậu em và cô vợ đi bệnh viện. Cô cầm điện thoại coi đường, còn tôi chăm chú lái xe. Xe chạy ngoằn ngoèo qua những chỗ cua rất hiểm trở trên đèo, nhưng lúc ấy tôi dường như quên cả sợ, cứ lái xe chạy như trong một giấc mơ.Theo lời chỉ dẫn của cô em dựa vào chiếc điện thoại, xe chúng tôi đã đến được bệnh viện. Ngày cuối tuần, bệnh viện khá vắng vẻ. Chỉ có một hai người ngồi đợi. Cậu em tôi vào bên trong. Chốc chốc, cô vợ lại text ra cho tôi, cho biết tình hình bên trong diễn tiến như thế nào. Tôi ngồi đợi trước sau khoảng một tiếng đồng hồ. Thời gian nặng nề, chậm chạp trôi qua. Cuối cùng, cậu em tôi trở ra, với bàn tay khâu nhiều mũi và được băng bó thật cẩn thận.
Tôi còn một sứ mạng kế tiếp: Lái xe ngược lên trại, đón vợ con về, rồi lái xuống đèo về nhà. Cậu em tôi ái ngại, bảo để cho cậu lái. Nhưng tôi có lòng nào để cậu phải lái trong tình trạng như thế. Vậy là ba chúng tôi lại băng qua khoảng đèo lúc nãy, quay ngược lên trại. Vợ con tôi và các phụ huynh khác đang mong tin. Thấy chúng tôi về, ai xũng xúm lại hỏi thăm tíu tít. Chúng tôi cám ơn mọi người rồi từ giã ra về. Khi đi, cậu em lái xe lên đèo. Lúc về, tôi lái xe trở xuống nên lúc lên thì chậm mà lúc xuống khá nhanh. Chân tôi luôn để hờ trên thắng, vì xe cứ đổ dốc vun vút mà không cần tôi phải đạp ga. Tôi chỉ biết chăm chú lái, tuy lâu lâu cũng nói vài câu góp chuyện với mọi người trong xe cho ra vẻ ta đây cũng khá bình tĩnh. Thật ra trong lòng tôi rất đỗi hồi hộp, biết mình chịu một trách nhiệm nặng nề với bốn người trên xe. Trước mắt tôi là những khúc quanh thật gắt tưởng từng như không bao giờ dứt, hết khúc quanh này đến khúc quanh khác. Cảnh vật hai bên có đẹp như thế nào đi nữa tôi cũng không tâm trí nào mà thưởng thức. Thật đúng như hai câu thơ của thi sĩ Hồ Xuân Hương ngày xưa đã vô tình tiên tri về cảnh ngộ éo le của tôi: “Một đèo, một đèo, lại một đèo; khen ai khéo tạc cảnh cheo leo”! Sau những giờ phút căng thẳng, cuối cùng chúng tôi đã trở lại với nền văn minh của nhân loại: đường đi không còn cao ngất nghểu, gập ghềnh hay quanh co nữa, mà giờ đây chỉ là đoạn xa lộ êm ru đưa chúng tôi về nhà bình an. Thật hú hồn!
Nếu trước đây gia đình chúng tôi ít đi chơi xa bằng những chuyến lái xe, thì dạo sau này tình hình có khác đi. Đó là vì thằng bé nhà tôi đã vào hướng đạo, cứ lâu lâu lại đi cắm trại xa một lần. Vợ chồng tôi có lúc đi cùng thằng bé, có lúc chỉ chở cháu đến rồi một hai hôm sau mới trở lại đón về.
Cuộc cắm trại tiếp theo chuyến lái xe đường đèo bất dắc dĩ của tôi là một dịp chỉ dành cho các hướng đạo sinh, phụ huynh không tham dự. Chuyến cắm trại kỳ này là tại Ronald W. Casper Wilderness Park, toạ lạc tại thành phố San Juan Capistrano, về phía nam của nơi chúng tôi cư ngụ. Trước khi đi, tôi in sẵn bản đồ và ghi địa chỉ vào điện thoại để không dùng cách này thì sẽ dùng cách kia. Cẩn thận như vậy mà lúc từ xa lộ vào đường trong, tôi cũng bị lạc một khúc, đi ngược hướng, phải quay xe trở lại. Đến lúc theo bảng chỉ dẫn rẽ vào một con đường khá hẻo lánh, tôi cho xe đi tiếp, mắt nhìn hai bên đường xem cái bảng tên của công viên ở đâu. Qua một đoạn đường, trong khi vợ tôi đang còn nhìn qua nhìn lại, con trai tôi và tôi đều cùng nhìn thấy một tấm bảng lớn bằng đá ghi tên công viên nằm bên phải. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy có lối nào vào cả. Phía sau tấm bảng chỉ toàn là những hàng rào giăng kín mít. Tôi phải tiếp tục lái. Lúc ấy, chiếc điện thoại của tôi bắt đầu liên tục nói “Make a U turn, make a U turn”.
Vợ tôi hoảng hồn hỏi tại sao. Tôi trấn an cô ta, bảo chắc cứ lái một chút nữa thì ắt thấy lối vào bên phải. Thế rồi tôi cứ tiếp tục lái, lái mãi, lái mãi mà vẫn không thấy lối vào của công viên nơi đâu. Chiếc xe của tôi bắt đầu đi vào vùng mất sóng điện thoại. Cái điện thoại bây giờ trở nên im lìm, không còn thúc hối tôi quay trở lại nữa. Tôi nhìn ra đằng trước mặt, rồi nhìn qua hai bên. Cha mẹ ơi, tôi đã leo lên một cái đèo khi nào không biết nữa! Vợ tôi lo lắng ra mặt. Tôi lại trấn an vợ mình: “Em đừng lo. Mình lạc đường rồi. Nhưng cái đèo này có vẻ thấp thôi, không sao đâu. Mình sẽ tìm một khu nhà ở bên phải, tấp vào rồi quay trở lại”. Rồi tôi lại tiếp tục lái. Tôi đâu có ngờ rằng mới đầu đèo khá thấp vì chúng tôi mới ở chân đèo. Càng lái thêm thì đèo lại càng dần dần cao thêm. Thế rồi lại diễn ra cái cảnh một đèo, một đèo, lại một đèo. Lúc này thì đúng là dở khóc dở cười. Tiến thối lưỡng nan. Càng đi nữa thì càng lên đèo. Mà quay trở lại thì cực kỳ nguy hiểm. Thôi thì cứ one way to go—ủa quên—to drive, chứ biết làm sao hơn. Cũng may là lúc ấy, mùa xuân đã bắt đầu. Trời sắp về chiều, nhìn đồng hồ thấy gần sáu giờ mà ánh nắng vẫn còn phủ ngập khu đồi núi. Nếu vào mùa đông thì giờ này chắc đã tối om. Tôi không dám lái nhanh, mà xe cộ phía sau của những người đã đi quen đường đèo dường như vô cùng sốt ruột, cứ muốn qua mặt tôi. Bên lề phải, thỉnh thoảng lại thấy có một hốc đường có tấm bảng chỉ dẫn cho những kẻ lái xe đường đèo ì ạch như tôi nên tấp vào, nhường cho xe sau qua mặt. Nhưng tôi vẫn cứ lái, lái mãi. Đường đèo dài hun hút như không bao giờ chấm dứt.
Tôi đi như thế dễ đến nửa tiếng sau mới thấy được một khu nhà nằm bên phải trên đường đèo như hằng mong ước. Mừng hơn bắt được vàng, tôi tấp xe vào một cái xóm nằm êm đềm bên lưng đèo. Hỏi thăm một cô gái trong một nhóm người có vẻ như đang du ngoạn. Cô gái này vui vẻ cho hay cô vừa đi qua một chỗ cắm trại của hướng đạo. Cả ba chúng tôi vội vàng leo lên xe đi sâu hơn vào khu xóm đó. Dừng xe lại, chúng tôi tiến đến một chỗ có nhiều căn lều, thì thấy chỉ toàn là hướng đạo Mỹ chứ không thấy bóng dáng ai quen trong liên đoàn của chúng tôi cả. Chúng tôi quyết định quay trở ra để đi ngược lại xuống đèo. Trên đường đi ra, chúng tôi thấy một người thanh niên Mỹ lái một chiếc xe Jeep. Chúng tôi dừng xe lại, đển hỏi đường anh chàng đó thêm một lần nữa cho chắc ăn. Anh chàng này thật dễ mến và thân thiện. Khi nghe tôi nói tên công viên, anh cười bảo là chúng tôi đã lố đi quá xa và hiện giờ đang ở trên độ cao hơn 5.000 feet của dãy núi Santa Ana. Anh tận tình chỉ dẫn là trên đường quay xuống, chúng tôi sẽ đi qua những chỗ nào, trước khi thấy công viên nằm bên tay phải (tức là bên trái của tôi khi đi lên mà tôi không thấy!)
Cám ơn người thanh niên tốt bụng xong, chúng tôi đi ngược lại xuống đèo. Lúc này nắng đã nhạt hơn trước, và một cơn mưa nhỏ bắt đầu đổ xuống trên triền núi. Tôi lại chăm chú, thận trọng lái xe qua những khúc quanh trên đèo như lúc đi lên. Lần đi đèo trước, tôi “bị” lái xe bất đắc dĩ, nhưng hoá ra lại là một điều hay. Nhờ có “kinh nghiệm” lái xe lần đó, lần này tôi thấy đỡ sợ hơn nhiều. Xe chạy xuống dần, xuống dần. Rồi đường đèo trở thành đường bằng phẳng. Cuối cùng, cổng vào công viên Ronald W. Casper hiện ra sừng sững bên tay phải (đối diện với tấm bảng tên nằm bên kia đường mà tôi thấy lúc đi lên). Làm như lúc đi có ai che mắt chúng tôi vậy! Tôi nhìn đồng hồ tay: vậy là tuy đi lạc gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ đến trại trễ có 15 phút, nhờ chịu khó đi sớm trừ hao chuyện lạc đường.
Rẽ xe vào công viên, chúng tôi thấy các trưởng và các em hướng đạo vẫn còn đang lăng xăng dỡ đồ đạc xuống và dựng lều lên. Hai vợ chồng tôi giúp thằng bé mang đồ xuống và phụ một tay với các trưởng mang một số dụng cụ vào trại. Sau chúng tôi cũng còn một số xe khác lác đác đến trại. Nhìn chúng tôi, chắc khó có ai tưởng tượng ra được rằng hai người này vừa bị đi lạc vào chốn bồng lai—ủa quên—chốn đèo núi cheo leo, hiểm trở. Nhất là chuyến đi lạc đó lại xảy ra cho một người sợ... đèo như tôi! Sau chuyến đi đó, tôi tò mò kiếm xem có cái tên gì chấm dứt bằng cái đuôi “phobia” để chỉ những người sợ núi đèo như tôi không. Hoá ra hầu như bệnh sợ nào cũng có một cái tên gốc Hy-lạp nghe rất kêu cả. Bệnh sợ núi đèo có cái tên rất “sang” là “orophobia” (từ tiếng Hy-lạp “oros” có nghĩa là ‘núi’). Nếu bây giờ quý vị hỏi tôi có còn sợ lái xe đường đèo hay không, tôi sẽ xin phép nữ sĩ họ Hồ cải biên thơ của bà một chút mà thưa: “Một đèo, một đèo, lại một đèo; chê ai vẫn sợ cảnh cheo leo!”
Trần C. Trí
No comments:
Post a Comment